13.3.17

Tại sao châu Âu không công nhận cho Trung Quốc quy chế kinh tế thị trường



TẠI SAO CHÂU ÂU KHÔNG CÔNG NHẬN CHO TRUNG QUỐC QUY CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại hội nghị G20 ở Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), ngày 04 tháng 9, năm 2016. (Ảnh: Stringer / Imaginechina / via AFP)
Bộ phim “Le cave se rebiffe! (“The Counterfeiters of Paris”, Những kẻ giả mạo của Paris – ND). Như WTO đã hứa, Trung Quốc phải được công nhận quy chế kinh tế thị trường vào ngày 11 tháng 12 năm 2016, có nghĩa là 15 năm sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn phản đối, nhưng cho đến gần đây, Liên minh châu Âu đã sẵn sàng với sự công nhận này. Cuối cùng, Liên minh châu Âu đã quyết định là không. Giải thích như thế nào về sự quay ngoặt này?
Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), họ là nước xuất khẩu lớn thứ 6 sau Anh và Pháp. Mười lăm năm sau, họ là nước đứng đầu. Tại thị trường châu Âu, các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc ban đầu cạnh tranh với sản phẩm của những nước mới nổi, như trong lĩnh vực may mặc. Sự cạnh tranh của Trung Quốc đã mở rộng và, dựa trên giá cả, nó đã cải thiện đời sống bình thường của các hộ gia đình trong khi ngày càng gây khó hơn cho các nhà sản xuất và những người làm công ăn lương của họ. Tình hình trở nên tồi tệ sau cuộc khủng hoảng toàn cầu. Để duy trì mức độ tăng trưởng, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng không tái tạo và công nghiệp: vào năm 2010-11, kim ngạch đầu tư của Trung Quốc (bằng USD) trong lĩnh vực chế biến sản xuất lớn hơn gấp 8 lần so với Đức, mức tăng công suất sản xuất thép của Trung Quốc tương đương với công suất sản xuất thép của vùng Ruhr. Ngày nay, 60% công suất sản xuất thép của thế giới là ở Trung Quốc. Với một công suất thừa khoảng 200 triệu tấn, Trung Quốc xuất khẩu hơn 100 triệu tấn với các mức giá bán phá giá.
Đo lường mức bán phá giá
Doanh nghiệp của một nước A bị cáo buộc bán phá giá khi bán một sản phẩm tại nước B với một mức giá thấp hơn mức giá của sản phẩm đó trên thị trường. Điều khó xử xảy ra khi A và B đều là các nền kinh tế thị trường, sự đánh giá này càng phức tạp hơn khi giá cả các sản phẩm tại nước A không được xác định bởi thị trường. Vấn đề này đã phát sinh với việc các nước xã hội chủ nghĩa gia nhập GATT [General Agreement on Tariffs and Trade, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại] và từ khi được thành lập vào năm 1995, WTO đã cho phép các nước thành viên sử dụng những phương pháp không dựa trên một sự so sánh chặt chẽ giá cả các sản phẩm nội địa của các nước xuất khẩu.
Châu Âu đã chọn phương pháp của nước tương tự. Trong trường hợp bán phá giá, Châu Âu không so sánh giá cả các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc với giá cả các mặt hàng nội địa của Trung Quốc mà so sánh với mức giá thực tế tại một nước có nền kinh tế thị trường. Nói cách khác, để xác định xem các sản phẩm thép của Trung Quốc có bán phá giá không, họ so sánh với mức giá của các sản phẩm tương tự này tại Hoa Kỳ.
Về phần người Mỹ, họ đã chọn phương pháp "quy về zero". Họ so sánh giá các sản phẩm của Trung Quốc với giá các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc tại các thị trường nước ngoài, và chỉ giữ lại những mức giá thấp hơn để xác định các biện pháp trừng phạt nặng tay hơn so với EU. Một phương pháp đã bị châu Âu, Brazil và Trung Quốc tố cáo lên WTO vào năm 2013.
Vấn đề quy chế kinh tế thị trường
Khi Trung Quốc gia nhập WTO, các nước thành viên đã không cấp quy chế kinh tế thị trường cho họ. Tuy nhiên khi kết thúc các cuộc đàm phán, họ đã thêm vào một điều khoản d: "Một khi Trung Quốc đã xác lập rằng họ là một nền kinh tế thị trường, đúng theo pháp luật quốc gia của nước thành viên nhập khẩu, thì các quy định của điều khoản a sẽ được bãi bỏ. [...] Trong mọi trường hợp, các quy định này [...] sẽ hết hiệu lực sau 15 năm kể từ ngày gia nhập"... có nghĩa là vào ngày 11 tháng 12 năm 2016.
Các nhà ngoại giao đã có một tầm nhìn lí tưởng về sự tiến triển của Trung Quốc. Họ nghĩ rằng đến năm 2016, Trung Quốc sẽ là một chế độ kinh tế thị trường, thậm chí là một chế độ dân chủ, sau khi đã đi theo quỹ đạo giống như Hàn Quốc và Đài Loan. Họ không dự đoán được rằng Trung Quốc sẽ trở thành nước xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới, cũng như việc Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ cho rằng chế độ dân chủ là một mối đe dọa. Vào năm 2016, Nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, thông qua các khoản tín dụng, các khoản trợ cấp – đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất năng lượng. Tuy nhiên, mặc dù tự xác định mình là "nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa", Trung Quốc cho rằng theo quy định, họ phải được công nhận quy chế kinh tế thị trường. Quan điểm của Bắc Kinh là mọi quyết định khác đi sẽ mang tính phân biệt đối xử.
Việc công nhận quy chế kinh tế thị trường không có nghĩa là từ bỏ các biện pháp chống bán phá giá, nhưng việc sử dụng giá cả các sản phẩm của Trung Quốc sẽ dẫn đến những biện pháp trừng phạt yếu hơn. Vào tháng 5 năm 2016, người ta đã thống kê có 73 trường hợp bán phá giá trong đó các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào EU chiếm ít hơn 2% (về giá trị). Những trường hợp [bán phá giá] quan trọng nhất liên quan đến các tấm năng lượng mặt trời (47,6%), các sản phẩm thép và gốm sứ. Việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc sẽ gây ra từ 30.400 đến 77.000 trường hợp mất việc làm ngắn hạn, có nghĩa là gấp hai lần các trường hợp mất việc làm trung hạn theo Tổng cục Thương mại tại Ủy ban châu Âu, và còn có thể nhiều hơn nữa theo tổ chức Aegis, một hiệp hội gắn với các giới công nghiệp, và gần 1 triệu người thất nghiệp nếu tin vào một nghiên cứu của Học viện Chính sách Kinh tế, gần gũi với các nghiệp đoàn của Mỹ.
Sự quay ngoặt của EU
Theo cách hiểu văn bản của nghị định thư gia nhập [WTO] của họ, nước Mỹ không coi mình bị ràng buộc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc. Chấp nhận rủi ro bị lên án bởi WTO, họ khẳng định lời từ chối của mình. Nhưng vào tháng 10 vừa qua, WTO đã đứng về phía những nước tố cáo phương pháp quy về zero, và Hoa Kỳ sẽ phải phát triển một phương pháp khác.
Nếu thái độ của Hoa Kì và của Nhật, những nước từ chối cấp quy chế kinh tế thị trường cho Bắc Kinh, không làm cho Trung Quốc ngạc nhiên, thì Trung Quốc lại rất ngạc nhiên với sự quay ngoặt của châu Âu. Thật vậy, một mặt, Ủy ban [châu Âu] không diễn giải văn bản giống như người Mỹ, và mặt khác, đã có nhiều nhà lãnh đạo châu Âu công bố rằng EU sẽ cấp quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc. Giọng điệu đã thay đổi trong năm nay và vào tháng 5 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu nhất trí chống lại việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc. Kết quả bỏ phiếu này không có tính ràng buộc và sự vận động của nhiều tác nhân đã dẫn đến việc Ủy ban [châu Âu] thay đổi quan điểm. Né tránh vấn đề quy chế kinh tế thị trường, Ủy ban [châu Âu] đã tuyên bố một sự thay đổi trong phương pháp luận liên quan đến tất cả các nước – điều này có nghĩa là sự kết thúc việc phân biệt giữa quy chế kinh tế thị trường và kinh tế không theo thị trường. Ủy ban [châu Âu] sẽ thiết lập một hệ thống giám sát có chủ đích nhắm vào các nước và các ngành sản xuất, hướng dẫn các văn bản liên quan đến việc bán phá giá và đánh giá những sai lệch trên cơ sở một phương pháp gần với phương pháp nước tương tự. Song song đó, Ủy ban [châu Âu] sẽ tăng cường các phương tiện [chống bán phá giá] để các biện pháp trừng phạt mang tính răn đe nhiều hơn và nhanh hơn. Đề xuất này đã được các nước thành viên chấp nhận và trong khi chờ đợi Nghị viện châu Âu phê chuẩn, Ủy ban [châu Âu] sẽ tiếp tục xử lý với Trung Quốc theo phương pháp của nước tương tự.
Trung Quốc đã phản ứng bằng cách tự mình công bố là nền kinh tế thị trường và nộp đơn khiếu nại lên WTO đối với việc Hoa Kỳ và EU duy trì phương pháp đánh giá chống bán phá giá của họ. Đó là những cuộc đụng độ đầu tiên của một cuộc chiến tranh thương mại sắp tới.
Jean-Raphaël Chaponnière

Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles) và là chủ tịch của Trung tâm châu Á. Ông là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với M. Lautier: Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường] (Armand Colin, 270 trang, năm 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF