3.12.17

Bốn đối tượng của Lịch sử khoa học (1750)

d'Alembert (1717-1783)

BỐN ĐỐI TƯỢNG CỦA LỊCH SỬ KHOA HỌC (1750)

Tác giả: Jean Le Rond d’Alembert*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
Lịch sử tổng quát và luận chứng của khoa học và kỹ thuật bao gồm bốn đối tượng sau: những hiểu biết, những ý kiến, những tranh luận, và những sai lầm của chúng ta.
Như lịch sử của những hiểu biết, lịch sử khoa học cho ta thấy sự phong phú, đúng hơn nữa, sự nghèo nàn thực sự của chúng ta. Một mặt, nó hạ nhục con người bằng cách trỏ vào sự ít ỏi của những hiểu biết mà hắn có; mặt khác, nó khuyến khích và nâng cao, hay ít ra là an ủi con người, bằng cách triển khai những ứng dụng đa tạp mà hắn đã có thể thực hiện từ một lượng nhỏ các ý niệm rõ ràng và chắc chắn.
Như lịch sử của những ý kiến, lịch sử khoa học cho ta thấy, hoặc bởi nhu cầu thiết yếu, hoặc có khi chỉ vì nôn nóng, con người đã thế chân cái thật bằng cái có thể là thật, với nhiều mức độ thành công khác nhau, như thế nào. Nó cho ta thấy, bằng cách nào, những gì lúc đầu chỉ là cái có xác suất xảy ra, sau đó đã trở thành cái có thật, nhờ được thiết kế lại, đào sâu thêm, và hầu như là được thanh lọc qua bao công trình nghiên cứu liên tục suốt nhiều thế kỷ. Nó cung cấp cho sự minh mẫn, của chúng ta và của con cháu đời sau, những sự kiện để xác minh, những quan điểm cần theo đuổi, những phỏng đoán để đào sâu, những hiểu biết phôi thai cần cải tiến.
Như lịch sử của những cuộc tranh cãi, lịch sử khoa học chỉ ra sự lạm dụng từ ngữ và các ý niệm mơ hồ, sự ngưng trệ của tiến bộ khoa học chỉ bởi vấn đề tên gọi, những mê say dưới mặt nạ của lòng nhiệt thành, thói ngoan cố nhân danh nết kiên quyết: nó giúp chúng ta cảm nhận rằng những tranh chấp ít khi mang lại ánh sáng tới mức nào, và ngay cả khi có vẻ trôi chảy trên một số vấn đề, chúng luôn luôn gây hỗn loạn và nguy hiểm ra sao. Tác phẩm[*] này, ít hữu ích trong khả năng nâng cao những hiểu biết hiện thực của ta hơn cả, phải là cái gần với ta nhất trong việc khiến ta khôn ngoan hơn; nhưng về điều này cũng như về mọi thứ còn lại, gương sáng của kẻ khác luôn luôn bị chúng ta đánh mất.
Cuối cùng, như lịch sử của những sai lầm đáng chú ý nhất của chúng ta, hoặc do vẻ tương đồng của nó với cái thật, hoặc vì thời gian sống của nó kéo dài, hoặc bởi số lượng lớn hay sự quan trọng của những người từng bị nó quyến rũ… lịch sử khoa học dạy chúng ta ngờ vực chính mình và kẻ khác; hơn nữa, bằng cách chỉ ra những tuyến đường đã đi chệch sự thật, nó giúp ta tìm ra đúng các lối đi đến chân lý dễ dàng hơn. Dường như thiên nhiên đã được thiết kế để nhân lên những trở ngại thuộc loại hình này. Cái trí tuệ sai, vì ưa tự dấn mình vào những tuyến đường khó khăn và lòng vòng hơn là một con đường giản dị, nên đã lạc lối; cái trí tuệ đúng đôi khi cũng đi lạc khi chọn – như nó buộc phải chọn! – con đường nào có vẻ tự nhiên nhất; như vậy, một cách nào đó, cái sai tất yếu phải xảy ra trước cái đúng, nhưng lúc đó, ngay cả cái sai cũng có giá trị dạy dỗ, bằng cách tránh cho những kẻ theo sau các bước đi vô ích. Những tuyến đường gạt gẫm đã thu hút và dẫn bao vĩ nhân đi lạc cũng sẽ níu kéo chúng ta, như chúng từng lôi cuốn họ, xa rời chân lý; và điều thiết yếu là chúng đã phải cám dỗ được họ, nên chúng ta mới biết những cạm bẫy mà tránh. Như vậy, triết gia tư biện hưởng lợi từ sự lầm lạc của đồng loại, giống hệt như triết gia thực tiễn từ những lỗi lầm và bất hạnh của kẻ khác. Như vậy, các quốc gia còn bị họa mê tín và ách chuyên chế giam hãm trong tăm tối, nếu một ngày kia bẻ gãy được những xiềng xích ấy, họ cũng sẽ hưởng lợi từ đủ thứ nghịch lý và đối chọi mà các loại chân lý đã phải chịu đựng trước khi rũ bỏ chúng trong môi trường văn hóa của chúng ta; và được soi sáng bởi trường hợp của ta, họ sẽ vượt qua, trong khoảnh khắc thôi, cái công trường bao la đầy thành kiến và sai lầm – nơi hàng ngàn chướng ngại đã giữ chân chúng ta suốt bao thế kỷ – để, chỉ trong một thoáng, vượt từ chỗ tối tăm sâu thẳm nhất lên tới nền Triết lý đích thực mà chúng ta chỉ đạt được một cách chậm chạp và hầu như mò mẫm.
Nhưng trong bốn đối tượng lớn mà chúng tôi vừa trình bày qua với quý Độc giả, và sẽ lấy làm chất liệu quan trọng của bộ Bách khoa Toàn thư* này, không phần nào có thể làm sáng tỏ hơn, và do đó xứng đáng được truyền lại cho con cháu chúng ta hơn, là bảng liệt kê những hiểu biết thực sự của chúng ta; bởi nó vừa là lịch sử, vừa là lời ca ngợi trí tuệ con người; phần còn lại chỉ là mặt văn chương hoặc châm biếm của nó. Chỉ bảng liệt kê này là bất biến thôi, nhờ nó mang dấu ấn của chân lý, trong khi mọi thứ khác đều biến đổi hay biến mất. Thậm chí ba đối tượng kia, dù rất hữu ích, dường như cũng chỉ là một nguồn dữ liệu mà chúng ta chỉ cầu tới trong sự thiếu thốn một tài sản rắn chắc hơn. Càng thu thập được nhiều ánh sáng hơn về một chủ đề, ta càng ít quan tâm hơn tới những ý kiến ​​sai lm hay đáng ngờ mà nó sinh ra; chúng ta chỉ tìm hiểu Lịch sử ca nhng gì con người từng suy nghĩ khi thiếu vắng loại ý tưởng ổn định và trong sáng có thể giữ chân mình lại. Bởi trong chừng mức có thể làm thử, chúng ta luôn luôn cố thay thế Khoa học đích thực bằng cái bề ngoài có vẻ đúng hay sai của sự hiểu biết. Chính vì thế mà Lịch sử của Ngụy lý trong Toán học thì rất ngắn, mà trong Triết học lại rất dài.
Như vậy, chẳng có gì hữu ích hơn là một Tác phẩm chỉ bao gồm, không phải tất cả những gì chúng ta từng suy tư suốt bao thế kỷ, mà chỉ những gì chúng ta đã suy nghĩ đúng. 
Jean Le Rond d'Alembert
Essai sur les Eléments de Philosophie
(Tiểu luận về Các Bộ phận của Triết học);
Trg: Mélanges de Littérature, d'Histoire et de Philosophie
(Tạp luận Văn, Sử, Triết)
Amsterdam, 1759, t. IV, tr. 9-13.




[*] Quy chiếu về bộ Bách khoa Toàn thư* đầu tiên của Pháp, được thực hiện từ 1751 đến 1772, dưới sự điều hành của Diderot* và d’Alembert*.

Print Friendly and PDF