27.12.17

Tính thị trường và tính phi thị trường



Tính thị trường và tính phi thị trường
... không nên lẫn lộn việc đánh giá chính sách điều tiết – có thể đúng hay sai – của nhà nước và tính chất hữu cơ – không thể nào loại trừ được – của nhà nước trong cơ chế điều tiết thị trường.

TÍNH THỊ TRƯỜNG VÀ TÍNH PHI THỊ TRƯỜNG

Trần Hải Hạc
Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 34 (14.8 2008) có đăng bài ‘Yếu tố phi thị trường đang trở lại’ của Nguyên Tấn phản ánh ý kiến phê phán các biện pháp chống lạm phát của chính phủ. Tôi có thể tán đồng những đánh giá phê phán này. Đồng thời, tôi khó có thể tán đồng lý luận làm nền tảng cho những đánh giá đó.
Theo bài viết, nền kinh tế thị trường có những qui luật của nó – quy luật cung-cầu, qui luật cạnh tranh, qui luật giá trị… – mà nhà nước phải tôn trọng. Những chính sách kìm giá, tăng thuế hay cấm xuất khẩu một số mặt hàng và, cơ bản hơn, việc nhà nước có chính sách quản lý các thị trường đất đai, vốn và lao động thể hiện “yếu tố phi thị trường đang trở lại và gây ra rất nhiều bất lợi cho nền kinh tế”. Nếu tôi hiểu không lầm thì, theo lập luận này, nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh có khả năng tự cân bằng cung-cầu; và thị trường lao động, vốn hay đất đai chỉ vận hành đúng theo qui luật giá trị khi nó loại bỏ sự can thiệp của nhà nước. Lý luận trên đây được hầu hết các sách giáo khoa kinh tế học – do tác giả theo quan điểm chính thống tân cổ điển soạn – trình bày như là những điều hiển nhiên, không ai chối cãi. Song, phải chăng vì thế mà nó đúng đắn?
Gérard Debreu (1921-2004)
Kenneth Arrow (1921-2017)
Điều mà các tác giả sách giáo khoa không nói là, trong những công trình nghiên cứu, họ đều thừa nhận rằng nền kinh tế thị trường không thể đạt đến cân bằng chung cho dù nó ở vào trạng thái cạnh tranh hoàn hảo. Từ cuối thế kỷ thứ 19, tổ sư học thuyết tân cổ điển, Léon Walras, đã chỉ cho các nhà kinh tế học rằng không thể có cân bằng chung nếu nền kinh tế chỉ gồm người mua và người bán, mà cần đến một nhân vật thứ ba – đứng ngoài và trên những người mua bán – để dọ dẫm tìm ra hệ thống giá cân bằng. Ngày hôm nay, mô hình Arrow-Debreu – là tinh tuý của học thuyết tân cổ điển – chứng minh được sự tồn tại của cân bằng chung dưới một số giả thiết nhất định, đồng thời nó công nhận là những giả thiết này không cho phép chứng minh rằng hệ thống thị trường đi tới cân bằng chung đó. Kết luận của Kenneth Arrow (giải thưởng gọi là ‘Nobel’ kinh tế học 1972) là: một thế giới có quá khứ, nhắm đến tương lai và sử dụng tiền tệ không thể có cân bằng chung (xem B. Guerrien, Từ điển phân tích kinh tế, nxb Tri Thức, 2007 – các mục: cân bằng chung; quy luật cung-cầu; cạnh tranh hoàn hảo; dọ dẫm; tân cổ điển; Walras; Arrow-Debreu).
Joseph Stiglitz (1943-)
Còn lịch sử của hơn hai thế kỷ chủ nghĩa tư bản thì cho thấy chưa hề có một nền kinh tế thị trường thuần túy, tức không chịu sự điều tiết, dưới hình thái này hay hình thái khác, của nhà nước. Ngay cả trong trường hợp đơn giản nhất như là thị trường thức ăn đóng hộp mà Joseph Stiglitz (giải Nobel kinh tế học 2001) thường nhắc tới: Vào đầu thế kỷ thứ 20, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Upton Sinclair, The Jungle, mô tả thực trạng mất vệ sinh của các xí nghiệp thịt đóng hộp một cách vô cùng ấn tượng đến mức mà tiêu dụng đồ hộp ở Mỹ suy sụp. Các chủ nhân ngành công nghiệp thịt đã phải yêu cầu chính phủ liên bang ấn định những chuẩn mực gắt gao về vệ sinh thực phẩm, nhằm tạo lại niềm tin cậy ở người tiêu dùng. Hiện nay, theo Stiglitz, thị trường tín dụng và tài chính ở vào một tình trạng tương tự: chính các hiệp hội chủ ngân hàng và công ty tài chính đang hối thúc nhà nước Hoa Kỳ đưa ra những qui tắc quản lý thị trường chặt chẽ hơn, nhằm khôi phục lòng tin của người mua bán và tránh sự sụp đổ của toàn bộ ngành ngân hàng và tài chính. Chí ít cho đến nay, kinh tế thị trường tự điều chỉnh là một khái niệm thiếu cơ sở lý luận và lịch sử: nó là một giáo điều dựa vào đức tin của các tác giả tân cổ điển.
Theo tôi, có thể nói rằng thị trường không tồn tại độc lập với nhà nước. Mọi thị trường – trước hết là các thị trường lao động, vốn và đất đai – đều hình thành và vận hành trên những cơ sở phi thị trường. Nói cách khác, nếu tính thị trường đối lập với tính phi thị trường, nó đồng thời không tách được tính phi thị trường: đó là hai mặt của một thể thống nhất. Vì vậy mà không nên lẫn lộn việc đánh giá chính sách điều tiết – có thể đúng hay sai – của nhà nước và tính chất hữu cơ – không thể nào loại trừ được – của nhà nước trong cơ chế điều tiết thị trường.
Trần Hải Hạc
(Thời báo Kinh tế Saigon, 25.09.2008)
Print Friendly and PDF