29.12.17

Phỏng vấn Roger Garrison

PHỎNG VẤN ROGER GARRISON

Brian SnowdonHoward R. Vane
Roger Garrison sinh tại Missouri năm 1944. Ông tốt nghiệp kĩ sư điện của Missouri School of Mines and Metallurgy, Rolla, năm 1967 và tốt nghiệp MA kinh tế của đại học Missouri, Kansas City vào năm 1974 và PhD của đại học Virginia vào năm 1981. Từ 1978, ông giảng dạy tại đại học Auburn và là giáo sư thỉnh giảng kinh tế.
Giáo sư Garrison rất nổi tiếng với những bài viết theo quan điểm Áo về tư bản, tiền tệ và những chu kì kinh doanh. Trong số những bài viết nổi tiếng nhất của ông có thể kể: “Austrian Macroeconomics: A Diagrammatical Exposition”, trong New Directions of Austrian Economics (Sheed, Andrews và McMeel, 1978), do Louis M. Spadaro chủ biên, “Time and Money: The Universals of Macroeconomic Theorizing”, Journal of Macroeconomics (1984), “Intertemporal Co-ordination and the Invisible Hand: An Austrian Perspective on the Keynesian Vision”, History of Political Economy (1985), “Hayekian Trade Cycle Theory: A Reappraisal”, Cato Journal (1986), “Phillips Curve and Hayekian Triangles: Two Perspectives on Monetary Dynamics”, History of Political Economy (1988), viết chung với Don Bellante, “The Austrian Theory of the Busines Cycle in the Light of Modern Macroeconomics”, Review of Austrian Economics (1989), và “New Classical and Old Austrian Economics: Equilibrium Business Cycle Theory in Perspective”, Review of Austrian Economics (1991).
Israel M. Kirzner (1930-)
Friedrich Hayek (1899-1992)
Những đóng góp của giáo sư Garrison trong lĩnh vực lí thuyết chu kì kinh doanh được xuất bản trong Stephen Little Child (chủ biên), Austrian Economic (Edward Elgar, 1990) và ông là đồng tác giả với M. Kirzner về mục F. A. Hayek trong The New Palgrave Dictionary of Economics (1987). Giáo sư Harrison hiện đang viết một cuốn sách mới, Time and Money: The Macroeconomics of Capital Structure.


Cuộc trao đổi thư từ với giáo sư Garrison diễn ra trong tháng năm 1993.

Theo giáo sư, việc những mô hình kinh tế vĩ mô phải đặt cơ sở trên lí thuyết lựa chọn phải chăng là một điều quan trọng?
Việc bám rễ vào lí thuyết những lựa chọn là cần thiết nhưng không đủ. Giải thích những hiện tượng kinh tế bằng những lựa chọn và những hành động của các cá thể là  hay phải là  mối quan tâm đầu tiên của phân tích kinh tế. Ngày nay, mệnh đề này hầu như được các nhà kinh tế vĩ mô cũng như các nhà kinh tế vi mô chấp nhận một cách phổ biến. Không còn là một điều nghiêm túc nữa khi “để cho những số liệu tự nói lấy” hay đặt những quan hệ đặc biệt giữa những đại lượng kinh tế vĩ mô mà không biết đến “cơ chế lan truyền”.
Việc bám rễ vào lí thuyết những lựa chọn tự nó không mang lại sự đáng kính cho một lí thuyết kinh tế vĩ mô. Nhiều thiết kế hiện đại  tôi nghĩ đến một số lí thuyết của những nhà cổ điển mới hay những lí thuyết được gọi là “chu kì kinh doanh thực tế”  đưa lên sân khấu những tác nhân lấy những lựa chọn trong một bối cảnh giả tạo, thậm chí cố ý tưởng tượng. Biện minh cho những lí thuyết này, đôi lúc được gọi là những “ngụ ngôn” để ca tụng, là việc những lí thuyết này phân tích những lựa chọn mà vẫn nằm trong một khuôn khổ toán học dễ thao tác. Tuy nhiên thường thì có được những tính chất ấy phải trả một giá quá cao  quên xét đến những hiện tượng kinh tế phải giải thích. Những thân và những nhánh của cây được đổi lấy rễ cây. Ví dụ, tôi không nghĩ là một mô hình của lí thuyết lựa chọn chỉ có một sản phẩm duy nhất lại có thể soi sáng ít nhiều những vấn đề lạm phát và chu kì kinh doanh. Những kiến trúc sư chính của lớp mô hình chung này, trong những lúc thành thật nhất, thừa nhận là mối liên hệ giữa những kết luận mang tính hoạt động mà họ đạt được và những tiến hoá thật sự của những nền kinh tế hiện thực phần lớn là một vấn đề niềm tin.
Đâu là những yếu tố chính của phương pháp luận Áo mà giáo sư sẽ lấy lại?
George L.S. Shackle (1903-1992)
Ludwig Lachmann (1906-1990)
Phương pháp luận cá thể  việc bám rễ vào lí thuyết những lựa chọn, như bạn nói  có lẽ là điều quan trọng nhất. Những lựa chọn của các cá thể tùy theo những cơ hội và những ràng buộc mà họ cảm nhận là những cơ sở thiết yếu của lí thuyết. Trong câu trên, việc học thuyết chủ quan Áo nhấn mạnh đến động từ “cảm nhận” cũng là quan trọng, nhưng không được cường điệu quá. Shackle và Lachmann còn nói đến cả “học thuyết chủ quan triệt để”, hoàn toàn không chối bỏ sự tồn tại của những thực tế kinh tế ở đằng sau học thuyết này. Theo tôi có nhiều khía cạnh của lí thuyết Áo là một sự đi qua đi lại giữa cảm nhận và thực tế. Tôi xin nói thêm là hầu hết các nhà kinh tế Áo có một thái độ lành mạnh đối với toán học kinh tế. Nếu tôi có nhiệm vụ đặt ra những qui tắc phương pháp luận thì tôi sẽ nói: “Đừng để khả năng ứng dụng của toán học xác định lĩnh vực của kinh tế”. Điều này có vẻ là một đòi hỏi phải chăng, nhưng lướt qua kinh văn kinh tế vĩ mô những năm sau này cho thấy thường là mệnh lệnh này ngày càng bị vi phạm.
Những bài viết hay sách nào đã ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển của tư tưởng giáo sư?
Cuốn sách của F. A. Hayek, Prices and Production (1935) đối với tôi là một cuốn sách cơ bản, nhưng tôi cần nói rõ là khi đọc nó lần đầu tiên, tôi đã đọc Mises và Rothbard nhiều rồi và tôi đủ chín muồi để tiếp nhận những tam giác Hayek. Kinh tế học vĩ mô Áo trình bày kinh tế dưới góc độ cấu trúc của tư bản, và đặc biệt là dưới chiều kích thời gian. Bằng cách kéo một chân của tam giác Hayek thay vì chân khác, ta đã làm một đánh đổi cơ bản khi mà việc tạo ra những tư liệu sản xuất trong tương lai đòi hỏi sản xuất đi vòng và kéo theo phải hi sinh tiêu dùng hiện tại. Phân tích lí thuyết này về tư bản, nhấn mạnh đến việc phân bổ liên thời gian của những nguồn lực, ngay từ đầu, đã gây ấn tượng cho tôi, đặc biệt là khi so sánh với những thiết kế kinh tế vĩ mô truyền thống người ta dạy cho tôi trong những giáo trình kinh tế những năm đầu. Có quá nhiều việc xảy ra trong khu vực những sản phẩm đầu tư của nền kinh tế để có thể đóng khung khu vực này trong một đại lượng đơn giản.
Khi đưa thời gian vào, những tam giác Hayek làm cho những khả năng lí thuyết phong phú thêm nhiều. Khi ta di chuyển những nguồn lực giữa những công đoạn sản xuất có thời gian khác nhau thì cấu trúc liên thời gian của sản xuất bị thay đổi. Ví dụ, nếu việc di chuyển những nguồn lực đến những giai đoạn sản xuất ngày càng vòng vèo hơn, là kết quả của một thay đổi trong những sở thích liên thời gian của người tiêu dùng, thì sẽ kéo theo một tăng trưởng lâu dài; trong lúc nếu việc di chuyển này là do chính sách thúc đẩy của ngân hàng trung ương và thiếu vắng một thay đổi của những sở thích thì tăng trưởng đi kèm sẽ ngắn hạn. Những phân biệt chủ yếu này giữa tăng trưởng phái sinh từ những sở thích và tăng trưởng phái sinh từ chính sách kinh tế, rất then chốt trong việc lí thuyết hoá của trường phái Áo, dường như tự triệt tiêu, ở mức tổng thể, trong những trình bày kinh tế vĩ mô qui ước. Những hệ quả lí thuyết từ việc phân tách liên thời gian của khu vực sản phẩm đầu tư là chỗ dựa cho phần lớn những phân tích của tôi.
Trước cưng độ của những cuộc tranh luận giáo sư dự đoán như thế nào về sức sống hiện nay của kinh tế học vĩ mô? Giáo sư có tin rằng sẽ nổi lên một sự đồng thuận trong kinh tế học vĩ mô không? Và nếu có, thì dưới dạng nào?
Giới kinh tế chuyên nghiệp ngày càng ý thức những điểm yếu của mình là sự tách rời ngày càng lớn giữa thực tế kinh tế và tính thích đáng của những chính sách mà giới này chủ trương. Việc xây dựng mô hình tự nó đã trở thành một cứu cánh. Việc nhấn mạnh đến những phương pháp toán học và sự chú ý dành cho những kĩ thuật gần như đã loại bỏ mối quan tâm rằng các mô hình, bằng cách nào đó, có bàn đến “kinh tế” không. Những cái gọi là “mô hình kinh tế giả tạo hoàn toàn cấu trúc” thường trở thành một dịp để làm nổi bật giá trị của những kĩ thuật mô hình hoá mới.
Cách đây không lâu, tôi có dự một buổi trình bày của một vị khoa bảng đại học về một bài viết mang tựa rất kêu là “Sáu mô hình kinh tế vĩ mô”. Điểm chung của sáu mô hình này là giả thiết những dự kiến duy lí. Dù cho chính tác giả thừa nhận là không biết trong số nửa tá mô hình này, mô hình nào, nếu có, tượng trưng cho thực tế, ông ấy vẫn dựa trên giả thiết là các “tác nhân” đầy rẫy trong mỗi một mô hình biết được  hay ứng xử như là họ biết được  mô hình nào là đúng đắn. Muốn lưu ý tác giả đến tính khôi hài và trái lẽ của cách lí thuyết hoá này tôi hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu mô hình 2 tượng trưng cho cấu trúc bên dưới của nền kinh tế, nhưng các tác nhân lại hình thành những dự kiến của họ phù hợp với mô hình 5?”. Vị khách không xem câu hỏi như một phê phán của cách tiếp cận của ông nhưng là như một gợi ý để ông mở rộng tầm nghiên cứu. Hiện nay ông đã có 36 mô hình! Việc nhấn mạnh đến kĩ thuật, cộng với sự thờ ơ chung đối với tính thích đáng thực tiễn, không dẫn đến sự đồng thuận.
Giáo sư nghĩ thế nào về cuộc cách mạng của những dự kiến duy lí? Nó có đóng góp quyết định và có ý nghĩa không? Nó có vay mượn điều gì ở các nhà kinh tế Áo không?
Khía cạnh tích cực có ý nghĩa nhất của cuộc cách mạng những dự kiến duy lí là đã buộc các lí thuyết gia của kinh tế học vĩ mô phải làm rõ giả thiết của họ về những dự kiến. Trước cuộc cách mạng này, quá nhiều kết quả lí thuyết dựa trên giả thiết mấu chốt, nhưng không được phát biểu, rằng những sai lầm dự kiến là có hệ thống. Đôi lúc, việc đơn giản làm rõ một giả thiết (như, ví dụ, người lao động xem giá sinh hoạt là không đổi trong lúc thực ra nó tăng liên tục), làm hiện ra tính khó tin của nó. Nhưng nếu ta gán cho từ “duy lí” ý nghĩa của một sự nhất quán  hay trong mọi trường hợp một sự “không phải là không nhất quán” một cách có hệ thống  với cấu trúc bên dưới của nền kinh tế, thì tính duy lí của những dự kiến không bảo đảm cũng như không kéo theo một sự đáng tin nào cả. Làm sao các tác nhân kinh tế biết được  hay ứng xử như thể là họ biết được  cấu trúc của nền kinh tế? Adam Smith đã cho ta biết là những thị trường có thể hoạt động mặc dù các tác nhân chỉ có một ý mơ hồ hoặc không biết tí gì về lí thuyết kinh tế. Qua đây điều tôi muốn nói là việc thay thế những tác nhân “không biết gì cả” bằng những tác nhân “biết hết mọi thứ” không nhất thiết là một tiến bộ. Điều cần là phải thiết kế những lí thuyết trong đó các tác nhân chỉ biết những gì họ có thể biết một cách phải chăng.
Cuộc cách mạng những dự kiến duy lí mang nợ nhiều đối với các nhà kinh tế Áo. Lucas thường nhấn mạnh những đóng góp độc đáo của Hayek trong những lĩnh vực của kinh tế và hiểu biết. Song tiền lệ nổi tiếng nhất nằm trong phần bổ sung năm 1953 cho The Theory of Money and Credit (1912), trong đó Mises khoanh hạt nhân chân lí chứa trong giả thiết những dự kiến duy lí trong phân tích phê phán của ông về việc tài trợ lạm phát. Mises cho thấy cách nhìn tiên tri của ông về những dự kiến dưới dạng một cách kiến giải định luật Lincoln: “Người ta không thể mãi mãi lừa dối mọi người”.
Giáo sư đặt vị thế của quan niệm Áo về những dự kiến ở đâu? Nếu nó không phải là duy lí, cũng không phải là thích nghi thì xếp nó vào đâu?
Cách xử lí những dự kiến duy lí của trường phái Áo được hướng dẫn bởi những nhận xét về tính chất của hiểu biết mà những người tham gia vào thị trường được xem là có được. Hayek thường phân biệt hai hình thức hiểu biết. Hiểu biết lí thuyết, hay hiểu biết về cấu trúc của nền kinh tế, và hiểu biết doanh nghiệp, hay hiểu biết về những hoàn cảnh đặc biệt của một thời điểm và địa điểm nhất định. Các nhà kinh tế có một ít hiểu biết của dạng thứ nhất nhưng lại không có hiểu biết dưới dạng thứ hai. Những người tham gia vào thị trường có một ít hiểu biết của dạng thứ hai nhưng lại không có hiểu biết dưới dạng thứ nhất. Có một sự tương tự hình thức giữa hai dạng hiểu biết này (tổng quát và địa phương) và trong ngụ ngôn về những hòn đảo của các nhà cổ điển mới. Khác biệt giữa hai thiết kế phản ảnh một sự tương phản chung hơn giữa các nhà kinh tế Áo và các nhà cổ điển mới về quan niệm tính hiện thực của những giả thiết.
Ngoài những ràng buộc do những cân nhắc về các khả năng được xem như có thật áp đặt, các nhà kinh tế Áo, trước hết là Menger, đã thử để cho những dự kiến tự do vận hành nhằm nắm bắt một cách đúng đắn hành vi của doanh nghiệp. Tuy nhiên có những giả thiết nằm sau tất cả những điều này: một số người tham gia thị trường có một tầm nhìn kinh doanh lớn hơn những người khác để dự kiến tương lai, thị trường trọng thưởng một cách có hệ thống óc kinh doanh ưu việt, và cuối cùng thì thực tế này tự khẳng định.    
Điều cần nhấn mạnh là phân biệt của Hayek giữa hiểu biết lí thuyết và hiểu biết kinh doanh nhằm đặt những giới hạn cho cả việc kế hoạch hoá duy lí lẫn những dự kiến duy lí. Muốn đẩy lùi những giới hạn này là bằng chứng của những cách nhìn sai lầm về ai có khả năng hiểu biết nào: những người bảo vệ cho kế hoạch hoá duy lí tin là nhà làm kế hoạch hay những nhà kinh tế của người này có đủ hiểu biết  thậm chí còn có nhiều hơn  dưới dạng thứ hai hơn là những người tham gia thị trường. Những người bảo vệ  phiên bản cực đoan của những dự kiến duy lí giả định là những người tham gia thị trường có, hay ứng xử như là có, những hiểu biết dưới dạng thứ nhất bằng với hiểu biết này của các nhà kinh tế.
Trong đóng góp của giáo sư vào tác phẩm do Spadaro chủ biên, New Direction in Austrian Economics (1978), giáo sư đề nghị một phân tích bằng biểu đồ kinh tế học vĩ mô Áo. Điều này được các nhà kinh tế Áo đón nhận như thế nào, và nó có cải thiện cuộc đối thoại với các nhà keynesian không?
Tiếng vang của cách trình bày này rất giới hạn. Những ai quen với phân tích bằng biểu đồ thì lại không nắm rõ lí thuyết về tư bản và lí thuyết tiền tệ của trường phái Áo để có thể thấy ý nghĩa của cách trình bày này và những ai có căn bản về lí thuyết Áo, trong mọi trường hợp không muốn đào sâu những biểu đồ  và ngay cả còn thấy bị xúc phạm chỉ với ý tưởng làm việc này. Tôi nhớ đã nhận được những lá thư hằn học của những người nghĩ rằng mọi toan tính thể hiện bằng biểu đồ những tư tưởng Áo là một sỉ nhục đối với Mises. Nhưng cũng có vài người  chủ yếu là những sinh viên cao học  vừa cởi mở đối với những tư tưởng Áo lẫn đối với phân tích biểu đồ. Đối với họ, thì cách trình bày của tôi đã đạt mục tiêu. Trình bày này cho thấy là những phần rời rạc rút ra từ kinh văn Áo có thể tập hợp được trong một khuôn khổ phân tích nhất quán. Thị trường những quỹ cho vay, cấu trúc liên thời gian của tư bản, và quan hệ ngược chiều giữa lãi suất và mức độ “đi vòng”, nối khớp với nhau như những thành tố chủ yếu của quan niệm Áo về kinh tế học vĩ mô. Những thành tố này đặt cơ sở cho phép chứng minh rằng những luồng tiền tệ bơm vào những thị trường tài chính dẫn đến những méo mó không thể chịu nổi trong quá trình thị trường chi phối sự phân bổ liên thời gian của những nguồn lực.
Giáo sư có nghĩ rằng người ta có thể mô hình hoá một cách thích đáng cách tiếp cận Áo không, do tầm quan trọng mà cách tiếp tiếp cận này dành cho sự bất trắc, thời gian lịch sử và tính không trung lập của tiền tệ?
Tôi nghĩ là đã làm hết sức mình với cách trình bày bằng biểu đồ. Theo sự thừa nhận chung, bản chất của những biểu đồ là che đậy những đặc tính mà bạn vừa nêu. Tôi không hình dung được một mô hình Áo dưới dạng một tập hợp những quan hệ cấu trúc cho phép có được những giá trị chính xác của sản xuất hiện hành, đầu tư, giai đoạn sản xuất, sản xuất tương lai, v.v..; và càng khó hình dung một mô hình kinh tế hoàn toàn cấu trúc. Tôi nghĩ là một mô hình đáng để ta quan tâm phải cho được một cái nhìn sơ lược của quan điểm Áo về kinh tế học vĩ mô. Đó không phải là sự thay thế cho lập luận tản mạn mà đúng hơn là một khung phát biểu và trình bày lập luận này.
Do giáo sư nhấn mạnh đến vai trò của tư bản, đâu là những đóng góp có ý nghĩa của trường phái Áo mà giáo sư cho là quan trọng nhất trong lĩnh vực này ? Tại sao giáo sư nghĩ rằng những công trình của Hayek và Lachmann về tư bản và cấu trúc của tư bản thường bị các nhà kinh tế chính thống cũng như những nhà kinh tế không mấy chính thống (tân ricardian/sraffian) bỏ qua?
Hai trong số những đóng góp phong phú nhất trong lĩnh vực lí thuyết tư bản là: Prices and Production (1935) của Hayek, xử lí khái niệm cấu trúc tư bản của một nền kinh tế ở dạng đơn giản và trừu tượng nhất, trong chiều kích giá trị lẫn thời gian và Captial and Its Structure (1956), của Lachman, nhấn mạnh đến sự đa dạng cực kì của những tư liệu sản xuất cũng như những quan hệ đan chéo phức tạp giữa những sản phẩm này.
Hayek và Lachmann đã bị các nhà kinh tế vĩ mô của trường phái chính thống lờ đi chính vì họ tập trung chú ý vào dạng hay cấu trúc chứ không phải vào một số lượng tổng thể nào của tư bản hay đầu tư. Theo tôi thành công của cuộc cách mạng keynesian một phần là nhờ ảnh hưởng giải phóng của nó khỏi vấn đề này. Sau Keynes, có thể bàn đến kinh tế học vĩ mô một cách đúng đắn mà không cần quan tâm đến lí thuyết tư bản. Tiếc thay cuộc cách mạng trọng tiền đã không xét lại khía cạnh này của học thuyết Keynes. Vì những lí do khác nhau, cả hai trường phái tiếp tục làm ngơ tư bản. Đối với các nhà keynesian, những thị trường tư bản là bất ngờ đến độ là ta không thể nói được gì nhiều hơn nữa. Đối với các nhà trọng tiền, những thị trường tư bản là có thể dự đoán một cách rõ ràng nên ta không cần phải nói gì thêm nữa. Tôi nghĩ là trên điểm này, các nhà kinh tế Áo giữ một vị thế trung gian. Những thị trường tư bản hoạt động, nhưng đặc biệt phải hứng chịu những nhiễu loạn tiền tệ và do đó phải là một trong những mối quan tâm chính của phân tích kinh tế vĩ mô.  
Piero Sraffa (1898-1983)
Những nhà kinh tế tân ricardian/sraffian, như bạn gọi, ít chú ý đến buổi ban đầu của lí thuyết Áo về tư bản, như có thể thấy qua phê phán quá đáng của Sraffa về cuốn sách của Hayek, Prices and Production. Mặc dầu các nhà tân ricardian đã đưa vào phân tích của họ một sự đánh đổi liên thời gian qua việc phân biệt lúa để ăn và lúa để gieo trồng, nhưng tư bản của họ không có cấu trúc. Đó chỉ là lúa và là điều Sraffa đã khái quát hoá trong cuốn sách của ông, Production of Commodities by Means of Commodities (1960). Tôi biết là Lachmann đã từng gọi cuốn sách này là “Lí thuyết tư bản không có tư bản”.
Những năm gần đây, các nhà hậu keynesian kết hợp lí thuyết ricardian về sản xuất với lí thuyết keynesian về việc thiếu cầu, khác với các nhà kinh tế Áo ở những câu hỏi được đặt ra lẫn những câu trả lời cho những câu hỏi ấy. Các nhà keynesian hình như quan tâm chủ yếu  nếu không là duy nhất  đến việc phân phối theo chức năng và theo cá nhân của thu nhập hơn là việc phân bổ liên thời gian những nguồn lực.
Đâu là những mặt mạnh và mặt yếu chính của cách tiếp cận Áo về kinh tế học vĩ mô?
Edmund Phelps (1933-)
Những mặt mạnh và mặt yếu của cách tiếp cận Áo nằm ngay trong lí thuyết tư bản được dùng làm chỗ dựa. Chính việc tập trung vào lí thuyết tư bản và lãi suất đã đem đến cho lí thuyết Áo tính chất trực tiếp và hiện thực mà những cách tiếp cận kia đều thiếu. Ví dụ, khi ngân hàng trung ương quyết định gia tăng lượng tiền, tiền mới tạo được đưa vào nền kinh tế thông qua thị trường cho vay, và do đó tác động trước hết đến những lãi suất và những thị trường tư bản. Tôi luôn lấy làm lạ là những phân tích đối chọn của sự bành trướng tiền tệ  ở đây tôi nghĩ đến những phân tích động gắn với những đường Phillips ngắn và dài hạn  có thể ung dung chuyển sang những tác động trực tiếp và thay vào đấy xử lí những thị trường lao động và những tỉ suất lương như bị chi phối bởi những không đối xứng về cảm nhận và dự kiến. Những sự đơn giản hoá chủ yếu, như việc thay thế những luồng “bơm” tiền tệ thực tế trên những thị trường tín dụng bằng ngụ ngôn về tiền mới được rải từ máy bay lên thẳng, đáng lí đã phải, như một ngọn cờ đỏ, báo động là có những điều thiết yếu đã bị bỏ quên. Tôi nghĩ là những thiết kế hư cấu như vậy đã được quan niệm để dời lại  thậm chí tránh né  việc nghiên cứu những vấn đề gai góc như tư bản và lãi suất. Nhưng điều xảy ra quá thường là thế giới không thực tế được xây dựng như thế được đơn giản chấp nhận không phê phán như một khung thích hợp cho việc quan niệm kinh tế vĩ mô. Edmund Phelps (1990) gần đây đã nhận diện bảy trường phái tư tưởng kinh tế vĩ mô (Seven Schools of Macroeconomic Thought), bằng cách phân biệt chúng theo tiêu chí tính cứng nhắc hay tính linh hoạt của lương và giá, cũng như theo tính chất của những dự kiến về lương và giá. Tôi toan gộp tất cả những trường phái tư tưởng kinh tế vĩ mô tập trung vào thị trường lao động và lương để đối lập chúng với trường phái Áo đặt ưu tiên cho những thị trường tư bản và lãi suất.
Tuy nhiên, tính trực tiếp và thực tế của cách tiếp cận Áo đôi lúc có đối phần là tính nhập nhằng và tính phức tạp. Ngược với lao động, có thể được đo bằng giờ, không có một đơn vị vật thể nào cho phép đo tư bản được. Giải pháp duy nhất là xử lí tư bản theo giá trị, khiến cho định nghĩa của nó “theo khối lượng” phụ thuộc vào giá của nó. Hơn nữa, lí thuyết Áo phân tách “khối lượng” này thành giai đoạn sản xuất được nối với nhau bằng một mạng những bổ sung và thay thế. Người nào lí thuyết hoá tư bản có thể dễ dàng thấy đối tượng tuột khỏi tay mình, như Hayek đã chúng minh trong Pure Theory of Capital (1941). Và việc sản xuất ra một đối phần thực nghiệm trực tiếp của lí thuyết Áo về tư bản và những biến động tỏ ra là khó  dù cho những dữ liệu đây đó và nhiều chuyên khảo lịch sử về những thời kì bành trướng và suy thoái, theo tôi, đủ chứng minh cho tính có thể đúng của những quan điểm Áo.
Có một quan hệ nào không giữa kinh tế học Áo và trào lưu keynesian chính thống? Những công trình của Shackle và của Lachmann phải chăng đã chứng minh là có một mối quan hệ tri thức có khả năng làm cả hai trường phái phong phú hơn?
Tôi nghĩ là trào lưu keynesian chính thống giữ một trong hai cực giúp định vị quan điểm Áo như một quan điểm trung gian. Shackle, và sau đó là Lachmann, xem kính vạn hoa như là mô hình biểu trưng cho thị trường tài sản: những biến thiên của cấu trúc giá cả trên những thị trường tài sản là không thể dự báo được giống như là không thể dự báo được cách mà những miếng kính bị cắt kết hợp lại với nhau trong kính vạn hoa. Ở đầu cực kia, những phân tích sơ lược nhất của các nhà cổ điển mới coi cơ chế giá như một cơ chế đồng hồ. Cơ chế đồng hồ gợi ý là luôn có cân bằng trong lúc hình ảnh kính vạn hoa là không bao giờ có được cân bằng. Cách tiếp cận Áo nằm đâu đó giữa cơ chế đồng hồ và hình ảnh của kính vạn hoa. Những thị trường tài sản hình như có xu hướng tự cân bằng nhưng, do nhân tố thời gian và vai trò quyết định của những dự kiến nên những thị trường này thường chịu những cuộc bùng nổ. Quả thực là những nhà keynesian chính thống, cũng như những nhà kinh tế Áo, nhấn mạnh đến sự bất trắc, thời gian lịch sử và tính chủ quan của những dự kiến. Đó là những ý cần thiết để làm lung lay những quan điểm cực đoan của những nhà cổ điển mới.
Streissler đã gợi ý rằng Menger đã báo trước Keynes khi xử lí tiền tệ như một sản phẩm khác với tất cả những sản phẩm khác. Giáo sư có đồng ý không? Và giáo sư có đồng ý thừa nhận là việc đọc chương 17 của Lí thuyết Tổng quát là dễ dàng hơn cho những ai cũng đọc, để bổ sung, bài viết cổ điển về tiền tệ của Menger đã đăng trong Economic Journal năm 1892 không?
Mối quan tâm của Menger nhằm vào nguồn gốc của tiền tệ và cách mà tiền tệ làm cho trao đổi được dễ dàng. Bốn mươi bốn năm sau, Keynes quan tâm đến những lệch lạc của tiền tệ và cách mà việc tích trữ tiền có thể làm cho những cuộc trao đổi bị hụt hẫng. “Lịch sử tiền tệ” đã kết thúc tốt đẹp cho một người và bi thảm cho người kia. Quả thật là cả hai đều tin vào tính độc nhất của tiền tệ và tính chuyển hoá (bán được) của Menger làm liên tưởng đến khái niệm thanh khoản của Keynes. Tôi nghĩ là đọc song song hai bài viết, người ta dễ nhận ra đâu và bằng cách nào phân tích keynesian bị vấp váp. Đối với Keynes, nắm giữ trái phiếu là một đối chọn cho việc nắm giữ tiền  điều này cho thấy niềm tin của ông là những quyết định liên quan đến số tiền và phương thức của tiết kiệm được lấy một cách lần lượt. Từ đấy, cầu tiền để đầu cơ chủ yếu phụ thuộc vào những phỏng đoán về những chuyển động của lãi suất. Và theo Keynes thì lãi suất bám không chắc vào thực tế kinh tế. Chính thiết kế này đưa đến Keynes đến việc phát triển những lối giải thích tâm lí về sự ưa chuộng thanh khoản. Đối với Menger, bất kì sản phẩm nào khác đổi được lấy tiền cũng là một đối chọn cho việc nắm giữ tiền. Cầu tiền để đầu cơ  Menger không dùng thuật ngữ này  do đó phải phản ảnh việc người nắm giữ tiền phỏng đoán về những cơ hội của chính những cuộc trao đổi. Menger, không một lần nêu đến lãi suất trong bài viết, không có lí do gì để viện dẫn đến những giải thích tâm lí và không có bất kì gợi ý nào có thể được hiểu như việc bái vật hoá trao đổi.
Theo giáo sư đâu là di sản chính Keynes để lại cho phân tích kinh tế?
Về mặt thực tiễn, di sản của Keynes là việc thể chế hoá những chính sách quản lí cầu. Theo Marshall, giá cả tự điều chỉnh theo cung và cầu. Theo Keynes, cầu phải tự điều chỉnh với những điều kiện của cung và giá. Full Employment Act  năm 1946 cho phép các chính phủ tiến hành những điều chỉnh cần thiết. Những đòn bẩy của chính sách tiền tệ và tài khoá, cũng như hệ thống thu thập số liệu chỉ cho người làm chính sách biết nên dùng đòn bẩy nào trong chiều hướng nào, được thiết kế đúng kích cỡ của khuôn phân tích keynesian. Kết quả là những thiên hướng ý thức hệ không tác động bao nhiêu. Nguyên lí vận hành chỉ đơn giản là những người làm chính sách có xu hướng dùng những đòn bẩy mà những người đi trước đã để lại.
Thường là những chương trình “kích thích trọn gói” được đề nghị và tính bằng tiền  trị giá 30 tỉ đô la  ít hay không tính đến những chi tiết khác. Bản thân Keynes thích việc kích thích bằng đầu tư hơn là bằng tiêu dùng nhưng lại không quan tâm  khác với các lí thuyết gia Áo  đến những phân phối liên thời gian trong nội bộ khu vực đầu tư. Keynes đơn giản tin rằng cầu đầu tư là kinh niên yếu kém và chịu những biến động do “các lực đen tối của thời gian và dốt nát bao phủ lên tương lai của chúng ta”.
Trong lúc các lí thuyết gia Áo tập trung lí thuyết vào việc phân bổ liên thời gian những nguồn lực (như được mô tả bằng những tam giác của Hayek) thì Keynes do còn chịu ảnh hưởng của truyền thống marshallian  chỉ đơn giản chia thời gian thành ngắn và dài hạn (theo thứ tự chương 5 và 12 của Lí thuyết Tổng quát). Do đó, về tính hành động của kinh tế thị trường ông  không thấy có vấn đề gì cả trong ngắn hạn và không có giải pháp nào cho dài hạn. Bởi thế, di sản của ông là dựa vào Nhà nước, được giải định là ở thế tính toán được trên cơ sở lợi ích xã hội dài hạn để quản lí cầu nhằm bù đắp cho những thiếu sót của thị trường mà ông cảm nhận được.
Nếu Keynes còn sống vào năm 1969, giáo sư có nghĩ rằng ông ta sẽ được trao giải Nobel kinh tế đầu tiên không? Và giáo sư có bầu cho ông ấy không?
Paul Samuelson (1915-2009)
Simon Kuznets (1901-1985)
Năm thứ hai và thứ ba của giải, Nobel kinh tế được trao cho Paul Samuelson (1970), người mà “chủ nghĩa keynesian đã được làm dịu” trở thành món chính trong tất cả giáo trình keynesian, và Simon Kuznets (1971) với công trình nhờ đó ta có hệ thống kế toán thu nhập quốc gia, và do đó đã mang lại một chiều kích thực nghiệm cho chương trình nghiên cứu keynesian. Rất nhiều người khác, và ngay cả Milton Friedman, mà công trình về hàm tiêu dùng được ban giám khảo Nobel nhắc đến, đã được giải nhờ việc làm rõ, phát triển hoặc đổi mới cách trình bày lí thuyết keynesian. Trong những điều kiện đó, không thể giải thích được nếu không trao giải Nobel đầu tiên cho chính Keynes.
Milton Friedman (1912-2006) 
Gunnar Myrdal (1898-1987)
Tôi có bầu cho Keynes chăng? Năm 1974, Hayek và Myrdal đã cùng nhận chung giải. Thế thì tại sao Mises và Keynes lại không chia sẻ giải vào năm 1969? Tôi rất muốn được đọc song song diễn văn nhận giải của hai ông. [Nhân đây, cũng phải công nhận là Tinbergen và Frisch, những người đã thực sự được giải Nobel năm 1969 là những nhà kinh tế có giá trị rất lớn].
 Đối với các nhà kinh tế Áo, đâu là tầm quan trọng của Cantillon trong việc xem xét cơ chế lan truyền gắn với tiền tệ?
Richard Cantillon (1680-1734)
Những tác giả Áo thích trích dẫn Cantillon vì ông là người đầu tiên nhấn mạnh  vào khoảng giữa thế kỉ mười tám  rằng lạm phát không tác động ngay đến tất cả các giá. Giá cả thay đổi theo một qui trình nhất định, cùng với việc tiền được tiêu dùng, rồi được tiêu dùng lại nữa. Trong quá trình điều chỉnh giá, những giá tương đối thay đổi và do đó có một số điều chỉnh về số lượng. Biết được bằng cách nào tiền được bơm vào nền kinh tế trở thành quan trọng không kém là biết bao nhiêu tiền được bơm vào. Đó là điều tôi muốn nói khi dùng hình ảnh ngọn cờ đỏ cảnh báo về hình ảnh chiếc trực thăng của Friedman, để lưu ý rằng người ta đã quên một điều quan trọng.  
Ý tưởng tổng quát về những hiệu ứng Cantillon rất hấp dẫn các nhà kinh tế Áo. Họ còn đi xa hơn nữa khi thừa nhận rằng nếu tiền tệ đi vào nền kinh tế bằng thị trường cho vay thì những điều chỉnh giá và số lượng sẽ có một dạng liên thời gian một cách có hệ thống  để không muốn nói là tất định. Mặc dù tác động của những dự kiến có thể làm nhẹ đi thì một sụt giảm của lãi suất do tín dụng bành trướng vẫn làm tăng giá của những tư liệu sản xuất dài hạn đối với giá của của những sản phẩm tiêu dùng và tư liệu sản xuất ngắn hạn và do đó kéo theo một phân bổ lại những nguồn lực.
Phải chăng có những độ trễ chủ yếu trong cách tiếp cận Áo về chu kì kinh doanh giải thích được vì sao những chu kì xảy ra và lặp lại?
Việc nhấn mạnh đến thời gian và tiền tệ và, đặc biệt là đến tư bản, khiến cho những độ trễ là một bộ phận của cấu trúc lí thuyết Áo. Như tôi thích nhắc đi nhắc lại: “chính tư bản đã để cho tiền tệ có thời gian làm cho mọi việc thêm phức tạp”. Châm ngôn này tóm tắt được nhiều trực giác Áo. Những người tham gia thị trường có một tiêu dùng phụ thuộc vào cấu trúc liên thời gian của những sở thích của họ, cấu trúc này được chúng tôi xem là cho trước. Nếu ta thêm vào cấu trúc của tư bản, như được ấn định bởi lãi suất và giá những nhân tố sản xuất, thì ta có được sản xuất cũng như cấu trúc liên thời gian của nó. Sẽ có một khoảng thời gian trước khi nhận thấy là dạng liên thời gian của sản xuất có tương hợp hay không với những sở thích liên thời gian của tiêu dùng.
Để nhận dạng tính chất của độ trễ, khía cạnh tiền tệ cũng rất quan trọng. Ví dụ, giả định là lãi suất được duy trì, bằng qui định của chính phủ, ở mức thấp. Hành pháp chỉ thiết lập một trần thấp hơn một hay hai điểm so với lãi suất làm thị trường điều chỉnh. Việc gì sẽ xảy ra? Hiển nhiên là tức khắc sẽ thiếu tín dụng. Không có độ trễ. Nhưng bây giờ hãy so sánh với những tác động của một gia tăng tín dụng được thiết lập bằng quyết định chính phủ, theo sáng kiến của ngân hàng trung ương. Cho dù chính sách nào được áp dụng thì kết quả là có một lãi suất thấp một cách giả tạo. Và điều này là không tương hợp với những sở thích liên thời gian của tiêu dùng. Tuy nhiên, sự bành trướng của tín dụng loại đi tính hiển nhiên và tức thì bằng cách che giấu sự thiếu hụt. Kết quả là sẽ có vô số cấu trúc lại tư bản trước khi tính không phù hợp liên thời gian lộ rõ.
Mặc dù lí thuyết về thực chất đã gói gọn một cấu trúc những độ trễ, do cách tiếp cận “thời gian và tiền tệ”, đây không phải là một độ trễ kiểu tất định. Độ dài của độ trễ tùy thuộc những lực đặc thù và dạng liên thời gian của những bổ sung cũng như những thay thế đặc trưng cho cấu trúc của tư bản, vào chất lượng của óc kinh doanh cũng như, một cách chung hơn, vào dự kiến của những người tham gia vào thị trường. Độ dài này cũng còn tùy thuộc nhiều mức độ mà những người tham gia thị trường tìm cách hiểu ảnh hưởng của chính sách này và dự kiến của họ về những thay đổi có thể của chính sách. Tất cả những nhận xét trên có thể tác động đến độ dài của độ trễ giữa lúc bành trướng và lúc suy thoái, nhưng chỉ có những giả thiết cực đoan nhất và không thực tế nhất về chúng mới loại hẳn hoàn toàn khoảng cách này. Những thay đổi thời gian trong cách mà các người tham gia thị trường hình thành dự kiến của họ hẳn bảo đảm là những chi tiết riêng cho mỗi thời kì của chu kì kinh doanh sẽ khác với những thời kì trước đó; song trong cách phát biểu của trường phái Áo không có gì để hi vọng, như một số nguời muốn tin như thế, là một chu kì kinh doanh được dự kiến là một chu kì kinh doanh đã tránh được.
Trong Journal of Macroeconomics (1984), giáo sư bảo vệ ý cho rằng hai khái niệm phổ biến của kinh tế học vĩ mô là thời gian và tiền tệ. Ngoại trừ các nhà nhà kinh tế Áo ra, còn có những trường phái nào xử lí hai khía cạnh này một cách thích hợp không?
Còn có những trường phái khác đề nghị những cách tiếp cận đầy hứa hẹn về một trong hai khía cạnh này của kinh tế học vĩ mô, nhưng không có một cách tiếp cận đồng thời cho cả hai  khía cạnh. Ví dụ, ý về một “thời gian để xây dựng” của vài mô hình cổ điển mới cần được khai thác hơn nữa. Việc thừa nhận rằng một đầu tư thực hiện ở thời kì 1 có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư bổ sung vào thời kì 2 đưa cấu trúc tư bản  ít ra là người ta có thể giả định như thế  vào kinh tế học vĩ mô. Hayek đã lấy “Đầu tư làm tăng cầu tư bản” (1937) làm tựa cho một trong những bài viết đầu tiên của ông để nhấn mạnh những bổ sung liên thời gian cơ bản đặc trưng cho cấu trúc tư bản. Tiếc thay, hình như các nhà cổ điển mới giới hạn khái niệm “thời gian để xây dựng” vào những bổ sung giữa các doanh nghiệp, điều này làm cho khái niệm trở thành tầm thường và mặt khác lại đưa khái niệm vào khuôn khổ những nhiễu loạn thực tế thay vì tiền tệ. Tuy nhiên, hãy ghi nhận rằng cả khái niệm “thời gian để xây dựng” lẫn nội dung của tựa bài năm 1937 của Hayek không có chỗ trong phân tích hiện đại về thu nhập và chi tiêu.
Leland B. Yeager( 1924- )
Theo tôi, phần tiền tệ của cặp “thời gian và tiền tệ” được tính đến nhiều hơn trong khuôn khổ của phân tích tiền tệ của mất cân bằng như được Clark Warburton đề nghị và được Leland Yeager phát triển gần đây. Nền kinh tế phải tự điều chỉnh từng mảnh với những nhiễu loạn tiền tệ. Và do những biến thiên của giá tương đối trong quá trình điều chỉnh nên những số lượng cũng điều chỉnh theo luôn. Do đó những nguyên nhân tiền tệ có những hệ quả thực tế. Nhưng việc tính đến “thời gian để xây dựng” là yếu, thậm chí là không có trong lí thuyết tiền tệ về mất cân bằng hay trong bất kì cấu trúc liên thời gian nào khác của tư bản. Tôi hình dung là trong một thế giới không có những bổ sung liên thời gian có ý nghĩa thì những mất cân bằng do tiền tệ sinh ra sẽ  tương đối nhẹ và được giải thích một cách thích hợp trong khuôn khổ phân tích của Warburton và Yeager.
Từ thời Keynes đến nay, đâu là những điểm mạnh và những đóng góp có ý nghĩa của kinh tế học phi Áo?
James M. Buchanan (1919-2013)
Gordon Tullock (1922-2014)
Ngoài những đóng góp mà tôi đã nêu, tôi nghĩ rằng việc áp dụng lí thuyết những lựa chọn công cộng vào việc phân tích những chính sách đã có nhiều phát triển quan trọng. Vả lại tôi nghĩ hình như Hayek là người đầu tiên đã cung cấp một “lí thuyết nguyên sơ” về những lựa chọn công cộng áp dụng vào lạm phát, trong tác phẩm Constitution of Liberty (1960). Trong Calculus of Consent  (1962), Buchanan và Tullock đã thừa nhận Hayek là người mở đường để họ áp dụng phân tích kinh tế về những lựa chọn cho một số vấn đề chính trị rộng hơn. Những độ trễ nội tại ngăn cách việc thực thi một chính sách với những tác động (tiêu cực) cuối cùng là một hợp chất tự nhiên của lí thuyết Áo và lí thuyết những lựa chọn.
Knut Wicksell (1851-1926)
William Harold Hutt (1899-1988)
Tôi cũng nghĩ rằng những cố gắng mang lại một ý nghĩa cho Lí thuyết tổng quát đã cho được kinh tế học loại tốt. Đặc biệt tôi nghĩ đến việc xây dựng lại Keynes do Leijonhufvud đề nghị. Công trình Mĩ-Thụy Điển này làm ta liên tưởng nhiều hơn đến một sự kết hợp giữa Knutt Wicksell và William H. Hutt hơn là đến Keynes, nhưng đó là kinh tế học loại tốt, độc lập với quan hệ của nó với cách nhìn keynesian nguyên thủy. Nhân đây, tôi nghĩ là cuốn sách của Alan Meltzer, Keynes Monetary Theory: A Different Interpretation (1988) là cách kiến giải trung thành nhất trong số những kiến giải về Lí thuyết tổng quát của Keynes.
Cách tiếp cận Áo về những biến động có giải thích một cách thích đáng không kinh nghiệm của giai đoạn giữa hai thế chiến?
Tôi nghĩ là đúng khi khẳng định rằng bành trướng của những năm 1920 và cơn suy thoái tiếp sau là một minh hoạ rõ ràng và đậm nét nhất của việc thiếu phối hợp liên thời gian được các nhà kinh tế Áo phát hiện. Sự thiếu kinh nghiệm của Quĩ dự trữ liên bang và sự thiếu vắng kiểm soát Quĩ của ngay chính giới ngân hàng đã để cho sự bành trướng tiền tệ duy trì những lãi suất ở một mức thấp một cách giả tạo trong một thời gian dài. Lí thuyết Áo giải thích một cách đúng đắn việc phân bổ không tốt những nguồn lực trong cấu trúc của tư bản  “đầu tư sai”  trong thời kì nền kinh tế đang lên và do đó không thể tránh khỏi cơn suy thoái. Cần phải thêm những nhận định khác vào kịch bản này để có thể trình bày đúng đắn tầm sâu rộng của thời điểm trở ngược và độ dài của cơn suy thoái. Điều Hayek gọi bằng “giảm phát thứ yếu” là một quá trình thu nhập bị ràng buộc qua đấy nền kinh tế có thể rơi theo vòng xoắn một cách nặng nề hơn mọi sự phá sản cần thiết nào. Những ý kiến sâu sắc của Friedman về sự thiếu khả năng của Quĩ dự trữ trong giai đoạn 1929-33 và sau đó một lần nữa vào năm 1937 ứng dụng được trong trường hợp này. Độ dài của cơn suy thoái cũng còn được giải thích bởi những ảnh hưởng đầy tác hại của chính sách New Deal; giải thích này được các nhà kinh tế Áo cũng như nhiều nhà kinh tế khác chấp nhận, dù cho những ảnh hưởng trên không hoàn toàn thuộc về lí thuyết Áo về chu kì kinh doanh.
Do chính những công trình của giáo sư về lí thuyết Áo của chu kì kinh doanh, giáo sư có thể cho biết những ánh sáng nào các nhà kinh tế Áo có thể rọi vào tiến trình của những nền kinh tế Hoa Kì và Anh trong những năm vừa qua không?
Cho phép tôi giới hạn câu trả lời trong trường hợp của Hoa Kì. Những cuộc bành trướng và suy thoái của những năm sau này chỉ giống về mặt hình thức nhưng lại khác hẳn với những cuộc bành trướng và suy thoái của thời kì giữa hai cuộc thế chiến. Tôi cho rằng nếu trong thời kì giữa hai cuộc thế chiến, việc phân bổ những nguồn lực phát sinh từ những chính sách kinh tế không tương hợp với những sở thích thời gian thì sự phân bổ trong thời kì mới đây là không tương hợp với những sở thích bên dưới đối với rủi ro. Trong mỗi trường hợp, cần nhấn mạnh đến thành tố tương ứng của lãi suất  tỉ suất đơn giản về ưa thích hiện tại trong giai đoạn giữa hai thế chiến và tiền thưởng rủi ro trong giai đoạn gần đây. Trong giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, những đầu tư được tiến hành quá dài hạn trong lúc gần đây, thì đầu tư lại mang tính quá đầu cơ. Song trong cả hai trường hợp, bành trướng là giả tạo, và do đó suy thoái là không thể tránh được.
Bùng nổ của thập niên 1980 phần lớn được tài trợ bằng nợ nước ngoài. Những thâm hụt ngân sách và thương mại cao và kinh niên sinh ra những bất trắc về những triển vọng trên những thị trường. Thành công của các doanh nghiệp tư nhân trở thành rất phụ thuộc vào khả năng dự báo những tỉ suất hối đoái, lãi suất và lạm phát của chủ doanh nghiệp  tất cả những tỉ suất này đều bị tầm quan trọng của thâm hụt ảnh hưởng. Những đối tác thương mại của chúng ta có tiếp tục cho chính phủ vay không? Chính phủ có bắt đầu vay ồ ạt trên những thị trường tín dụng trong nước không? Quỹ dự trữ liên bang có hòa hoãn hơn chăng?
Chỉ một nỗi lo rằng nợ bị tiền tệ hoá đủ để giữ tiền thưởng rủi ro ở mức độ cao đối với trái phiếu của Kho bạc. Điều này giải thích việc sử dụng những trái phiếu rủi ro và những công cụ tài chính khác dựa trên hiệu ứng đòn bẫy để cá cược về tiến hoá  trong chiều này hay chiều khác  của lạm phát mà việc tiền tệ hoá thật sự của nợ sẽ không tránh khỏi đẩy mạnh. Những bất trắc do thâm hụt tài chính càng trở nên trầm trọng hơn do bảo hiểm của các kí gởi được chính phủ tài trợ và do những bất thường và tác hại gắn với cách thức đặc biệt của việc phi điều tiết hoá những thể chế tài chính vào đầu những năm 1980. Bắt đầu từ 1990, những chính sách sinh ra những rủi ro này bắt đầu được thể hiện bằng những lỗ lã và phá sản của các ngân hàng, chặn đứng sự bành trướng lại. Thị trường những trái phiếu rủi ro sụp đổ. Cơn khủng hoảng những thể chế tài chính tiếp tục. Và thâm hụt ngân sách liên bang vẫn chưa được chặn lại. 
Ở đây tôi chỉ muốn đơn giản cho thấy là một kịch bản Áo về tiến hoá gần đây của nền kinh tế Mĩ là hoàn toàn có khả năng đúng. Dù những đặc điểm của kịch bản không phải là hayekian thì việc nhấn mạnh đến những thể chế tài chính, và khái niệm nằm sau kịch bản về một bành trướng giải tạo phát sinh từ chính sách kinh tế chắn chắn làm cho kich bản là một biến thể của luận điểm Áo.
Những chủ đề nghiên cứu hiện nay của trào lưu tư tưởng Áo?
Từ nhiều năm nay rồi, chương trình nghiên cứu riêng của tôi chủ yếu là đưa tư bản vào trong kinh tế học vĩ mô. Còn rất nhiều chuyện phải làm trên mặt trận này. Tôi nghĩ rằng việc phát triển một kinh tế học vĩ mô buộc chặt vào lí thuyết tư bản cho phép một so sánh rất thuận lợi với những mô hình hiện đại về thu nhập và chi tiêu và với những ngụ ngôn của các nhà cổ điển mới.
Gần đây hơn tôi bắt đầu quan tâm đến vấn đề những thâm hụt kinh niên cao. Những dư thừa ngân sách này phải được các nhà kinh tế Áo chú ý hơn vì hai lí do. Một mặt vì, như tôi đã nói, bùng nổ của thập niên 1980 được tài trợ bằng thâm hụt hơn là bằng lạm phát. Trong những điều kiện đó, phân tích thâm hụt là tiên quyết để hiểu tính chất của bành trướng và suy thoái sau đấy. Mặt khác giới kinh tế hình như chia thành những người (vẫn còn!) nghĩ rằng thâm hụt kích thích nền kinh tế (những nhà keynesian) và những người cho rằng thâm hụt là không thích hợp (các nhà cổ điển mới, trọng tiền, kinh tế trọng cung). Thường cuộc tranh luận xoay quanh ý nghĩa của thâm hụt, cách đo nó, nó cao, thấp hay thậm chí là thặng dư. Các nhà kinh tế Áo ở vào vị thế tốt để tham gia vào cuộc thảo luận để bảo vệ quan điểm cho rằng thâm hụt là kinh khủng và là nhân tố làm mất ổn định.  
Cuối cùng, tôi nghĩ lịch làm việc của nghiên cứu Áo cần phải ghi chủ đề ngân hàng tự do. Tôi không có nghiên cứu lĩnh vực này ngoại trừ việc ghi chú những tác phẩm do các nhà kinh tế lấy cảm hứng Áo viết. Dù đây là một vấn đề gây tranh cãi trong nội bộ trường phái Áo, theo tôi dường như việc phát hành cạnh tranh tiền giấy tương hợp với nhiều quan điểm Áo. Lập luận với phương trình trao đổi, Hayek ngày xưa cho rằng ổn định tiền tệ chỉ được bảo đảm tốt hơn bằng cách giữ MV không đổi. Qui tắc tiền tệ được suy ra là: tăng M để bù cho sụt giảm của V nhưng cho phép P giảm để tương hợp với gia tăng của Q. Các ngân hàng trung ương vừa thiếu quyết tâm lẫn khả năng thực thi một qui tắc như vậy. Ngược lại trong một hệ thống ngân hàng tự do, ít ra nếu tôi không lầm, chính qui tắc này được những lực cạnh tranh tự động thực hiện. 
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Conversations with Leading Economists. Interpreting Modern Macroeconomics của Brian Snowdon và Howard R. Vane, nhà xuất bản Edward Elgard, Cheltenham, 1999, UK, trang 270-291



Print Friendly and PDF