Dò dẫm
Tatonnement
à la Walras
® Giải Nobel: ARROW, 1972 – DEBREU, 1983 – SAMUELSON, 1970
Ở mỗi bước của việc xây dựng cân bằng
chung, nghĩa là cho mỗi một lí thuyết nối tiếp nhau về trao đổi, sản xuất, vốn
hoá và tiền tệ, Léon Walras trước tiên xác định cân bằng tương ứng như là
nghiệm của một hệ thống có bao nhiêu ẩn số thì có bấy nhiêu phương trình, và
điều này đối với ông đủ để khẳng định sự tồn tại của cân bằng này. Tiếp đó, ông
cho thấy là thị trường cạnh tranh tự do, bằng một quá trình dò dẫm, hướng đến
nghiệm này, và điều này cho phép ông kết luận rằng cân bằng là ổn định. Chúng
tôi sẽ trình bày quá trình dò dẫm trong một nền kinh tế trao đổi thuần tuý rồi
trong một nền kinh tế có sản xuất, bằng cách làm rõ những giả thiết làm cơ sở
cho quá trình này, và tiếp đó nêu lên những vấn đề chính mà quá trình dò dẫm
đặt ra.
Dò dẫm trong một nền kinh tế trao đổi thuần tuý
Xét n người trao đổi và mỗi người có một số
lượng nhất định của m
hàng hoá, L. Walras chỉ ra là có một hệ thống giá, nghiệm của những “phương trình trao đổi” sao cho trên thị trường của mỗi hàng
hoá cung bằng cầu và như thế thì các nhà trao đổi đạt được lợi ích tối đa của
mình. Tiếp đó, ông còn phải chỉ ra là xuất phát một cách tiên nghiệm từ cùng
những dữ liệu và giá bất kì, hoạt động của thị trường làm cho những giá này hội
tụ về những giá cân bằng.
Quá trình dò dẫm này đặt ra ba vấn đề:
1) Quá trình này chỉ có thể diễn ra
trên một thị trường hoàn toàn tập trung. Thật vậy, trước hết giá phải được mọi
người biết đến; do đó giá được “xướng” lên. Nhưng mà ai xướng? Ở bước này,
giá có thể do bất kì người trao đổi nào xướng lên. Tiếp đó, phải tính tổng cung
và tổng cầu; nhưng ai tính? Cuối cùng phải quyết định những giá mới và một lần
nữa ai quyết định? Những câu hỏi này cho thấy là quá trình dò dẫm kéo theo sự
tồn tại của một máy tính, một thư kí thị trường (còn được gọi một cách không
đúng bằng “người xướng giá”). Thị trường của cạnh tranh thuần tuý
và hoàn hảo chỉ có thể hướng đến thế cân bằng nếu được một thực thể cao hơn tập
trung toàn bộ những dữ liệu của thị trường hướng dẫn.
2) Khi những trao đổi được tiến hành
theo các giá cân bằng thì giá trị của rổ sản phẩm của mỗi người trước và sau
trao đổi là giống nhau: cuộc trao đổi này chỉ được thực hiện nhằm đạt được thoả
mãn tối đa. Nếu, ngược lại, có những trao đổi diễn ra trên cơ sở những giá được
xuớng một cách ngẫu nhiên, và do đó ngoài cân bằng, thì giá trị của rổ sẽ bị
thay đổi khi những giá mới được xướng lên. Như thế chính ngay những dữ liệu của
vấn đề đã thay đổi (một số nhà trao đổi trở nên giàu có hơn trong lúc một số
khác lại nghèo đi) và nếu thị trường dẫn đến một thế cân bằng thì cân bằng này
không còn là cân bằng tương ứng với những dữ liệu ban đầu. Do đó nổi lên một
ràng buộc mới: để cho quá trình dò dẫm dẫn đến một cân bằng do hệ những phương
trình trao đổi xác định thì không có trao đổi nào được tiến hành chừng nào chưa
đạt đến những giá cân bằng.
3) Vấn đề thứ ba là khi giá của một
hàng hoá thay đổi cũng làm thay đổi luôn cầu thuần của hàng hoá này và cả những
hàm cầu thuần của tất cả những hàng hoá khác. L. Walras, nhà lí thuyết đã nêu
một cách rõ rệt nhất sự phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các biến kinh tế đã hoàn
toàn nhận ra vấn đề này. Có thể trình bày giải pháp của ông bằng bốn khẳng định:
a) việc thay đổi giá của một hàng hoá A kéo theo sự biến thiên của những
cầu thuần của tất cả những hàng hoá khác, tức là B, C, D …
; b) biến thiên này của những cầu thuần của B, C, D …
do biến thiên của giá của A
gây nên nhỏ hơn những cầu thuần của B,
C, D …
được tính theo những giá được rao trước đó; c) như thế những cầu thuần
này sẽ rất ít thay đổi do biến thiên của giá của A và do đó d) “hệ thống những giá cả mới … gần với cân bằng hơn hệ thống những
giá cũ”. Lập luận này là
đúng khi ta thay đổi giá của một hàng hoá duy nhất nhưng trở thành đáng ngờ khi
ta thay đổi tất cả các giá: quả thế có thể tưởng tượng là những m - 1 biến “yếu” của những cung và cầu của B, C, D … do
những thay đổi của giá của những hàng hoá khác lại đổi ngược chiều của hướng
mất cân bằng nhận thấy được với những giá xướng lên lúc đầu: như thế thì hệ
thống những giá mới của B,
C, D …
có thể tỏ ra là xa với cân bằng hơn là hệ thống những giá cũ, Như thế đặt ra
tính ổn định của cân bằng. Một chút nữa, ta thấy rằng quả thật vấn đề này ngày
nay được đặt ra.
Dò dẫm trong lí thuyết sản xuất
Nếu trong lí thuyết trao đổi số lượng
hàng hoá là một dữ liệu cho trước thì bây giờ L. Walras tính đến việc là hàng
hoá được sản xuất. Để làm việc này ông đưa vào thị trường những dịch vụ sản
xuất (tô, lao động, lợi nhuận) trên đó doanh nghiệp tham gia với tư cách là
người mua và những chủ đất, người lao động và nhà tư bản tham gia với tư cách
là người bán. Các doanh nghiệp kết hợp những dịch vụ sản xuất này, theo những
tỉ lệ do các “hệ số chế tạo” (điều mà ngày nay ta gọi bằng hàm sản
xuất với hệ số cố định) ấn định để sản xuất ra hàng hoá bằng cách thu được tiền
lời tối đa. Cuối cùng, ông định nghĩa cân bằng sản xuất như là trạng thái trong
đó giá bán của mỗi hàng hoá bằng với giá thành, nghĩa là một trạng thái trong
đó các doanh nghiệp không có lời cũng như không bị lỗ. Như thế ông chỉ ra rằng
có một hệ thống giá cả, nghiệm của những “phương
trình sản xuất” sao cho 1)
cung và cầu của mỗi hàng hoá và của mỗi dịch vụ sản xuất bằng nhau; 2)
người tiêu dùng đạt được thoả mãn tối đa và 3) các doanh nghiệp không có
lời cũng như không bị lỗ. Một khi hệ thống những giá cân bằng đã được xác định
về mặt lí thuyết, bằng cách nào trong thực tiễn thị trường đạt đến tình thế này?
L. Walras trình bày một phương thức dò
dẫm gồm hai bước liên tiếp. Người ta bắt đầu xướng một cách ngẫu nhiên các giá
những dịch vụ sản xuất (những giá này là cố định trong bước đầu) và những số
lượng được sản xuất của mỗi sản phẩm. Giá của những dịch vụ sản xuất tức thì
cung cấp những giá thành của những hàng hoá (hệ số cố định). Còn giá bán hàng
hoá thì được xác định bởi quá trình dò dẫm của lí thuyết trao đổi, như đã thấy
trên đây vì những sản lượng hàng hoá là được cho trước (một cách ngẫu nhiên).
Kết quả là một số doanh nghiệp có lời và một số khác bị lỗ. Những doanh nghiệp
có lời sẽ tăng sản xuất và điều này làm giảm giá bán của hàng hoá được xem xét
cho đến khi nào doanh nghiệp không còn lời nữa. Tương tự như thế, những doanh
nghiệp bị lỗ sẽ giảm sản xuất và điều này làm tăng giá bán của hàng hoá được
xem xét cho đến khi nào doanh nghiệp không còn bị lỗ. Như thế, bước thứ nhất
đảm bảo sự bằng nhau của giá bán và giá thành. Bước thứ hai nhằm đảm bảo cân
bằng của thị trường những dịch vụ sản xuất, cân bằng này thường không được giá
được xướng một cách ngẫu nhiên của những dịch vụ này hoàn thành. Như vậy lập
luận cũng giống như lập luận trong lí thuyết trao đổi: gia tăng của giá những
dịch vụ mà cung cao hơn cầu và sụt giảm trong trường hợp ngược lại. Tất nhiên
thay đổi này kéo theo thay đổi của giá thành và phải bắt đầu lại từ bước đầu
của quá trình dò dẫm.
Trong quá trình dò dẫm mới này, ta gặp
lại những vấn đề mà quá trình trước đã đặt ra: tập trung hoá các thị trường,
thị trường hàng hoá lẫn thị trường những dịch vụ sản xuất; vấn đề tính ổn định
của cân bằng do sự phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các giá và các số lượng khi những
biến này đồng thời biến đổi; ngăn cấm mọi trao đổi ngoài thế cân bằng. Vấn đề
cuối này, vốn đã là nghiêm trọng trong lí thuyết trao đổi, bây giờ lại có một
chiều kích quan trọng hơn do sản xuất đòi hỏi thời gian. Dường như L. Walras
quả đã chấp nhận sự tồn tại của một sản xuất ngoài cân bằng trong ba lần xuất
bản đầu của Éléments. Nhưng, và cũng vì những lí do giống như trong lí
thuyết trao đổi, điều này kéo theo là quá trình dò dẫm sẽ không dẫn đến nghiệm
lí thuyết do hệ những phương trình cân bằng chung cung cấp. Chính vì thế mà
trong lần xuất bản thứ tư, ông cấm cản mọi cuộc trao đổi ngoài cân bằng, bằng
cách tiến hành dò dẫm với những phiếu. Những phiếu này là những hợp đồng có
điều kiện: chừng nào giá cả và số lượng cân bằng sản xuất không phải là những
giá và số lượng cân bằng thì chúng sẽ bị huỷ đi và thay thế bằng những phiếu
mới trên cơ sở những giá mới được xướng. Những phiếu này chỉ được thanh toán
vào lúc đạt đến thế cân bằng. Tất cả diễn ra như thể là ta ngưng cỗ máy kinh tế
trong suốt thời gian cần thiết để đạt đến thế cân bằng. Nếu bằng cách này tính
chặt chẽ toán học của lập luận được duy trì thì cái giá phải trả là việc mất đi
tính thực tế đến độ phải đặt ra vấn đề hiệu lực của lí thuyết cân bằng chung
(D. A. Walker, 1996).
Đi đến việc từ bỏ dò dẫm và cân bằng chung?
Có ba vấn đề chính đưa đến việc đặt
câu hỏi trên: việc tính đến tiền tệ, sự tồn tại của một thư kí thị trường và sự
hội tụ của quá trình dò dẫm đến tình thế cân bằng.
Trong cân bằng chung, “tiền tệ” thật ra đơn giản chỉ là một sản phẩm
thước đo, một đơn vị tính toán và không có đặc tính của một đồng tiền thật sự:
một phương tiện phân bổ liên thời gian. Như thế một biến kinh tế chủ yếu không
được lí thuyết cân bằng chung tính đến.
Sự có mặt của một thư kí thị trường
trong quá trình dò dẫm làm phá sản hoàn toàn mục đích cơ bản của lí thuyết cân
bằng chung, một lí thuyết nhằm chứng minh rằng thị trường (thực tế) phối hợp
những hành động, độc lập, của các cá thể. Trong mô hình, sự phối hợp này chỉ
được đảm bảo bởi sự tồn tại của người thư kí thị trường, người này làm cho hành
động của các tác nhân phụ thuộc lẫn nhau: mỗi cá thể “tuân thủ” những giá do người này xướng lên và,
để trao đổi, chờ đợi là người này tuyên bố rằng đã đạt đến thế cân bằng. Có
nhiều nỗ lực được bỏ ra để loại trừ người này song vấn đề còn xa mới được giải
quyết (Guerrien, 1989).
Cho dù L. Walras có nghĩ thế nào đi
nữa thì ông đã không chứng minh sự tồn tại lẫn tính ổn định của cân bằng (vả
lại lúc bấy giờ ông không có những công cụ toán học cần thiết để làm việc này).
Chỉ đến 1954 sự tồn tại của cân bằng mới được chứng minh (Arrow & Debreu).
P. A. Samuelson (1941) đã hình thức hoá quá trình dò dẫm. Để cho quá trình này
dẫn đến cân bằng, ông đã xác định điều kiện, được gọi là tính “thay thế thô”, được phát biểu như sau: gia tăng của
giá một sản phẩm bất kì phải kéo theo gia tăng của cầu thuần của tất cả các sản
phẩm khác (có sự thay thế của những sản phẩm khác cho sản phẩm mà giá đã tăng).
Người ta có thể nghĩ rằng ta đang trên
đường chứng minh tính ổn định. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Trước hết người
ta nhận thấy là không thể suy ra từ những giả thiết kinh tế vi mô cổ điển về
các cá thể đặc tính thay thế thô, được xác định trực tiếp ở cấp độ những cầu
thuần. Như thế thì không thể dùng đặc tính này để chứng minh sự tồn tại của dò
dẫm. Và, năm 1973 và 1974, ba tác giả, Sonnenschein, Mantel và Debreu thu được
cùng một kết quả giống nhau: xuất phát từ hành vi tối đa hoá của các tác nhân,
ta có thể có được bất kì dạng nào của những “cầu thuần”, những cầu này chỉ được đặc trưng
bằng tính thuần nhất cấp không đối với giá cả và định luật Walras. Người ta suy
ra là những cầu thuần, một cách tổng quát, không có đặc tính thay thế thô và do
đó dò dẫm walrasian không hội tụ về cân bằng lí thuyết.
“Theo tôi, những kết quả của Sonnenschein,
Mantel, Debreu, Mas-Colell và của nhiều tác giả khác, cho thấy là một nền kinh
tế trao đổi không thể tiếp tục được dùng như là một mô hình thích hợp để biểu
trưng một nền kinh tế […]
Đây là một điểm cực kì quan trọng tất yếu sẽ tác động đến những dự án nghiên
cứu tương lai, trong chừng mực mà cho đến rất gần đây mô hình trao đổi đã đóng
một vai trò quan trọng đến thế trong kinh tế toán học” (Hildenbrand, 1982).
▶
ARROW K. J. & DEBREU G., “Existence of an
Equilibrium for a Competitive Economy”, Econometrica, 1954, n0
22, p. 262-290. –
DEBREU G., “Excess Demand
Functions”, Jourrnal of
Mathematical Economics, 1971, 1, p. 15-23. – GUERRIEN B., Concurrence,
flexibilité et stabilité, Paris, Economica, 1989. – HILDENBRAND WW., Dẫn nhập cho Mathematical
Economics: Twenty Papers of Gérard Debreu, Cambridge, Cambridge University
Press, 1982. – MANTEL R., “On the Characterization of Aggregate
Excess Demand”, Journal of
Economic Theory, 1974, 7, p. 348-353. –
SAMUELSON P., “The Stability of
Equilibrium”, Econometrica,
1941, 9, p. 315-331.- SONNENSCHEIN H., “Do
Walras Identity and Continuity Characterize the Class of Excess Demand
Functions ?”, Journal of
Economic Theory, 1973, 6, p. 345-354. –
VAN DAAL J. & JOLINK A., The Equilibrium Economics of Léon Walras,
London/New York, Routledge, 1993. –
WALKER D. A., Walras’
Market Models,
Cambridge, Cambridge University Press, 1996. – WALRAS L. Oeuvres économiques
complètes d’Auguste
et de Léon Walras,
vol VIII, Éléments d’économie
politique, Paris,
Economica, 1988.
Claude MOUCHOT
Giáo sư danh cự đại học Lumìère (Lyon 2)
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Bàn tay vô hình; Cạnh tranh; Cân
bằng chung; Tập huấn; Cung và cầu (qui luật); Walras.