3.1.17

Lí thuyết điều tiết: nguồn gốc, đặc thù và triển vọng



Benjamin Coriat (1948-)

LÍ THUYẾT ĐIỀU TIẾT: NGUỒN GỐC, ĐẶC THÙ VÀ TRIỂN VỌNG

Benjamin Coriat[*]

Lời cảnh báo
Bài bạn sắp đọc cơ bản dựa trên bài phát biểu tại Nagoya năm 1986, theo lời mời của những nhà nghiên cứu Nhật mong muốn được nghe một trình bày về trường phái Pháp gọi là lí thuyết điều tiết. Nói như vậy để thấy bối cảnh đã xác định bài này. Trước hết, lúc bấy giờ cách tiếp cận bằng lí thuyết điều tiết (CTCĐT) chỉ mới độ mười tuổi, một thời gian quá ngắn đối với một trào lưu phân tích kinh tế và tôi chỉ có, như có thể hình dung, một khoảng lùi ngắn. Tiếp đấy tại vì những người đối thoại Nhật của tôi khám phá lí thuyết điều tiết. Cho đến lúc đó không có bài quan trọng nào được dịch sang tiếng Nhật. Vì thế tôi đã giới hạn ở những điều mà tôi nghĩ là thật sự thiết yếu và đặc thù của CTCĐT.
Tuy nhiên nếu tôi đã trích nhiều từ bài ban đầu này, đặc biệt là phần đầu, mà tôi chỉ sửa đổi và làm rõ vài điểm thứ yếu, đó là vì, sau khi cân nhắc và có khoảng lùi, tôi nghĩ là trình bày này vẫn còn có thể có ích đối với bạn đọc Pháp năm 1992. Thật vậy, ngoài cuốn sách của R. Boyer năm 1986, rất ít có bài nào của những tác giả của CTCĐT trình bày phương pháp của CTCĐT từ một quan điểm so sánh, đảm nhận hoàn toàn những khác biệt với các cách tiếp cận khác. Hơn nữa quyển sách của R. Boyer thường rất tỉnh lược trên những khiá cạnh mà phần mình tôi đã nhấn mạnh trong hội nghị Nagoya, tức là những điều kiện hình thành CTCĐT.
Dù sao thì từ năm 1986 CTCĐT đã không đứng yên. Và bài phát biểu tại hội nghị Nagoya, ngoài việc đã được tôi hiệu chỉnh, cần được cập nhật, ít ra là trên một vài điểm. Đó là điều tôi đã làm, bằng cách tập trung vào một vấn đề tôi cho là mấu chốt hơn hết: việc tính đến những thể chế, như được khẳng định trong một vài trào lưu tân cổ điển đương đại, cũng như trong cách tiếp cận những qui ước của Pháp. Đó là lí do khiến tôi thêm vào bài phát biểu ở Nagoya một phần hoàn toàn mới (phần III) dành cho việc tìm hiểu những phát triển mới đây về vấn đề tính đến những thể chế trong phân tích kinh tế.
Vào đề
Các bạn đã muốn rằng đề tài của bài phát biểu này là trình bày về trường phái Pháp được gọi là lí thuyết điều tiết và tôi vui mừng nhận đề nghị của các bạn. Tôi xin báo ngay rằng nói về lí thuyết điều tiết, nói chung, là không dễ và nói tại Nhật chắc chắn còn có thêm vài khó khăn nữa. Bởi thế tôi sẽ cố gắng, trong mức độ có thể, làm cho trình bày này ít “ngoại lai” nhất, bằng cách cho thấy, ngày nay, vị trí của trường phái điều tiết Pháp so với những trào lưu lớn về lí thuyết hiện nay. Trong chiều hướng này, tôi có ba nhận xét mào đầu sau.
1)   Điều ở Pháp được gọi là lí thuyết điều tiết, hay tốt hơn nữa là cách tiếp cận bằng lí thuyết điều tiết (CTCĐT) nay được mươi năm[1]. Hẳn đó không phải là một thời gian rất dài, tuy nhiên đó đã là thời gian đủ để cho cách tiếp cận này có một lịch sử riêng. Như thế điều tôi sẽ trình bày là một cách nhìn được xây dựng lại về lí thuyết điều tiết, nhấn mạnh đến không phải những ý đồ khởi đầu mà đến những điều đã làm thật sự và đến quãng đường đã thật sự trải qua. Ngay cả khi con đường này trên một số điểm đã khác với những ý đồ ban đầu của chúng tôi.
2)   Có rất nhiều quan điểm trong số những tác giả tự nhận thuộc trào lưu này. Xuất phát từ một môi trường ban đầu nằm ở điểm hội tụ của vài trực giác chung cho MarxKeynes, trào lưu này ngày nay chịu những ảnh hưởng xuyên qua đan lại khá khác nhau. Do không thể, và theo tôi không ích gì, nói về riêng mỗi tác giả, tôi sẽ nhấn mạnh những điểm tôi thấy là những nét chung của cách tiếp cận trong giai đoạn xác lập và phát biểu chương trình nghiên cứu của cách tiếp cận này. Thà nói rõ ngay, tôi không định đánh đu giữa những những nhạy cảm khác nhau của những thành phần của lí thuyết điều tiết. Tôi sẽ trình bày điều tôi cho là chủ yếu từ lịch sử riêng của bản thân và sự hội nhập của tôi vào trào lưu phân tích này.
3)   Tôi sẽ đặc biệt nhấn mạnh đến tình hình của lí thuyết điều tiết so với những trào lưu truyền thống lớn của phân tích và lí thuyết kinh tế. Vì cách làm này, theo tôi, có vẻ là một phương tiện hữu hiệu hơn để các bạn vào ngay cái lõi của cái có thể là đặc thù của cách tiếp cận của lí thuyết điều tiết. Đối với chúng tôi, cách làm này nhằm tự định vị đối với những trào lưu lớn của phân tích đương đại -và thật là logic khi chúng tôi trước hết muốn tách rời ra khỏi những trào lưu này vào lúc xác lập chính ngay chương trình nghiên cứu của chúng tôi- chỉ có thể là có ích.
Như vậy bài trình bày của tôi gồm ba phần.          
·      Phần đầu đề cập đến những nguồn gốc và những điều kiện hình thành lí thuyết điều tiết. Ở đây tôi sẽ nhấn mạnh hai điểm: tình thế thực tế và tình thế lí thuyết vào thời điểm ra đời của lí thuyết điều tiết trong thập niên 1970.
·      Phần thứ hai dành cho việc trình bày chương trình nghiên cứu và những kết quả đầu tiên mà chương trình này đã đạt được.
·      Cuối cùng trong phần thứ ba, sau khi làm rõ sự thay đổi trong tình thế chung, “thực tế” và lí thuyết đặc trưng cho thập niên 1980, tôi sẽ cố gắng chỉ ra đường ranh từ nay phân chia CTCĐT với một vài cách tiếp cận phi chính thống khác có chung một điểm với CTCĐT là dành một vị trí trung tâm cho các thể chế trong kinh tế.
I.     Những nguồn gốc và điều kiện hình thành lí thuyết điều tiết
Tôi bắt đầu bằng những điểm tôi cho là then chốt. Lí thuyết điều tiết ra đời vào nửa sau của thập niên 1970. Nghĩa là vào một thời kì rất đặc biệt mà, ở châu Âu và ở Hoa Kì là thời kì chuyển từ tăng trưởng sang khủng hoảng. Sau 20 hay 30 năm tăng trưởng tương đối nhanh và tương đối ổn định, thường được gọi là “25 hay 30 năm vinh quang”, từ giữa thập niên 1970, các nền kinh tế Tây phương, không còn nghi ngờ gì nữa, đã bước vào một trong những cơn khủng hoảng đen tối nhất của lịch sử thế kỉ XX.
Chính trong bối cảnh rất đặc biệt này đã hình thành lí thuyết điều tiết. Do đó tức khắc phải ghi nhận rõ ràng là CTCĐT được hình thành bằng cách đối mặt với một thách thức đặc biệt: thử giải thích bước chuyển từ tăng trưởng sang khủng hoảng, và nhất là toan giải thích mà không viện đến những vị “cứu tinh (deus ex machina): những cú sốc bên ngoài. Giải thích bước chuyển này một cách nội sinh, từ những phạm trù cơ bản giống nhau, theo dòng những biến tướng của chúng, một cách căn bản, đó là lãnh địa ra đời và khẳng định của lí thuyết điều tiết.
Tất nhiên một mưu toan như thế -ít nhiều tin tưởng vào khả năng của con người- không bắt đầu bằng số không. Có một loạt những công cụ và truyền thống tiếp cận tăng trưởng và khủng hoảng mà đương nhiên chúng tôi đã dựa vào. Để có thể thấy được những điểm khác biệt của chúng tôi, tôi muốn ngắn gọn làm rõ di sản lí thuyết và phân tích lúc chúng tôi bắt tay vào việc thiết kế của mình. Để làm điều này, tôi sẽ phác thảo tình thế thực tế của thập niên 1970 trước khi nói đôi điều -và tôi mong là sẽ được tha thứ về tính đột ngột của những mệnh đề phát biểu - những điểm được tôi cho là chủ yếu trong những thông điệp do những trào lưu lí thuyết khác nhau phát ra nhằm giải thích những mất cân bằng vào thời đó.
Đó không phải là lí thuyết điều tiết: Về một vài hiểu lầm
Một cảnh báo vào đầu là cần thiết để tránh một hiểu lầm ngày càng phổ biến từ khi các nhà kinh tế du nhập thiếu thận trọng các thuật ngữ anglo-saxon. Thật vậy, trong kinh văn quốc tế lí thuyết điều tiết (théorie de la régulation) gợi lên những phương thức theo đó Nhà nước nên giao việc quản lí các dịch vụ công và dịch vụ tập thể cho các doanh nghiệp tư nhân, với điều kiện là thiết lập những cơ quan hành chính độc lập được gọi là cơ quan điều tiết (agence de régulation/regulatory agency). Trong thực tế, đã có nhiều cơ quan như thế, từ Hội đồng tối cao về truyền thông nghe-nhìn, Cơ quan điều tiết ngành viễn thông hay Cơ quan điều tiết các thị trường tài chính.
Cách hiểu sai này bị khuếch đại khi người ta lẫn lộn một phân tích về chủ nghĩa tư bản đặt trọng tâm vào vấn đề: “Bằng cách nào những thỏa hiệp được thiết chế hóa, một cách tiên nghiệm là độc lập với nhau, cuối cùng lại xác định một hệ thống đứng vững được?” với một khuyến nghị có tính quy phạm nhằm ủy thác một quyền lực của chính quyền thông qua việc ban hành những quy định hay việc thương thảo các hợp đồng. Có sự nhầm lẫn này là do việc dịch không đúng thuật ngữ tiếng Anh regulation mà nghĩa thật sự là “quy định hóa” (réglémentation).    
Nhầm lẫn này có một lịch sử lâu dài. Tại Pháp, điều tiết thường được diễn giải như là kết quả của hành động của Nhà nước, một Nhà nước được quan niệm như nhà thiết kế và nhà tổ chức, tóm lại như một kĩ sư của hệ thống. Thế mà những công trình của các nhà điều tiết đã chỉ ra rằng, ngay cả trong thời kì của ba mươi năm vinh quang, các chính sách kinh tế lấy cảm hứng từ Keynes, chỉ là một thành tố của phương thức điều tiết lúc bấy giờ. Một cách đối xứng, các chính sách phi quy định hóa (déréglémentation) được diễn giải như là tạo điều kiện thuận lợi cho sự quay trở lại của các thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

Còn một sự lẫn lộn cuối cùng cần làm rõ. Mô hình tăng trưởng thời hậu chiến tập trung nhiều vào những thỏa hiệp riêng cho mỗi Nhà nước-dân tộc, trong một bối cảnh quốc tế dễ chấp nhận. Đó là lí do vì sao nhiều nghiên cứu tập trung vào không gian quốc gian. Khi sự quốc tế hóa và tài chính hóa bắt đầu phát huy ảnh hưởng thì không vì thế mà lí thuyết điều tiết mất đi tính xác đáng. Thật vậy lí thuyết này rộng mở cho cấp độ phân tích thích hợp nhất: địa phương, vùng, quốc gia, thế giới. Về mặt này, việc xây dựng cộng đồng châu Âu là một trường phát triển đáng chú ý của lí thuyết. 
Nguồn: Économie politique des capitalismes – Théorie de la régulation et des crises của Robert Boyer, NXB La Découverte, Paris, 2015, trang 9.
1. Tình hình thực tế của thập niên 1970
Trước hết là tình hình thực tế. Đối với chúng tôi điểm này là quan trọng: khủng hoảng không nổ ra vào năm 1974/1975, cũng như không nổ ra vào năm 1973. Đối với chúng tôi, khủng hoảng bắt đầu sớm hơn, từ cuối thập niên 1960. Ví dụ, ngay từ năm 1967/1968, có thể nhận thấy, ở Hoa Kì cũng như ở Pháp -đó là những nước được CTCĐT nghiên cứu khá chi tiết-, đồng thời có một xu hướng gia tăng liên tục của thất nghiệp, tỉ suất lợi nhuận chuyển sang hướng giảm dần và một bất ổn định rõ nét hơn của tăng trưởng so với giai đoạn trước của thập niên 1960. Kể từ 1973, và nhất là sau cơn suy thoái 1974/75, một hình thái khủng hoảng mới xuất hiện: “lạm phát và đình đốn” một hiện tượng, như ta biết, có đặc điểm là kết hợp những tỉ suất lạm phát cao và những tỉ suất thất nghiệp cao. Giai đoạn 1974/1976 là quan trọng vì, một mặt, một hình thái khủng hoảng độc đáo xuất hiện rõ ràng và, mặt khác, cũng rõ ràng không kém, những công cụ keynesian kích thích nền kinh tế hay để làm giảm thất nghiệp đều thất bại và không tạo ra những kết quả được mong chờ, và điều này xảy ra cả ở Hoa Kì lẫn ở hầu hết những nước công nghiệp lớn.   
Trước tình hình mới này, được đánh dấu bằng sự sống chung của những tỉ suất cao về lạm phát và thất nghiệp, đâu là những giải thích chính và lí giải trong nội bộ những trường phái thống trị: một mặt phiá các nhà tân cổ điển và mặt kia, phiá các nhà keynesian? Điểm này là quan trọng vì chúng ta cần có một cái nhìn rõ ràng về phương diện những qui chiếu lí thuyết mà lúc khởi đầu, chúng tôi phải đối mặt. Do đó tôi muốn phát triển thêm điểm này.
2. Những khía cạnh của tình thế lí thuyết
a) Những cách tiếp cận tân cổ điển
Ở đây, hệ ý là hệ cơ bản về thị trường tự điều chỉnh và về cân bằng. Qui chiếu về nguyên lí tạo lập này, trong một hướng lí giải đầu tiên, khủng hoảng được giải thích bằng hai nhân quả lớn.
1.   Khủng hoảng sinh ra từ một cú sốc bên ngoài làm nhiễu loạn những cơ chế tự nhiên của cân bằng. Trong cách nhìn sự vật này, người ta nhấn mạnh hoặc là sự gián đoạn tiền tệ năm 1971 (tháo đô la ra khỏi vàng và việc giải tán trong thực tế hệ thống Bretton-Woods), hoặc là cú sốc dầu hỏa và những hậu quả của nó. Như thế khủng hoảng được cung cấp một nguồn gốc tiền tệ hoặc được gắn với việc lên giá của một trong những giá tương đối cơ bản của nền kinh tế. Thường thì giải thích dựa trên hai loại nguyên nhân trên. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, bị đặt thành vấn đề không phải là nền kinh tế thị trường, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Trong những giải thích này, sự hình thành của khủng hoảng được qui hoàn toàn cho những cú sốc bên ngoài làm đảo lộn những cân bằng[2].
Cách kiến giải này đối với chúng tôi là yếu và không làm chúng tôi quan tâm lắm. Tuy nhiên cách diễn giải này là rất quan trọng vì nó thường được viện ra. Những cách kiến giải tân cổ điển khác, nghiêm túc và được xây dựng kĩ hơn, được chúng tôi lưu tâm nhiều hơn.  
2.   Tất nhiên trong hướng lí giải thứ hai hệ ý vẫn là hệ ý của thị trường tự điều chỉnh và của cân bằng, nhưng khủng hoảng là do những cú sốc bên ngoài gây ra. Nguồn gốc của khủng hoảng là những cứng nhắc thể chế được xây dựng trong thị trường và ngăn cản những quá trình điều chỉnh triển khai để đạt tới cân bằng. Hướng lí giải này về khủng hoảng có nhiều biến thể. Thật vậy trong giai đoạn, áng chừng, của thập niên 70, trường phái tân cổ điển đang trong quá trình đổi mới. Và những khuyến nghị được thiết kế sau đó sẽ nuôi dưỡng những trào lưu chính trị tự do của thập niên 1980, cho đến tận nội bộ của các chính phủ và cơ quan của nhiều nước OECD. Bởi thế đây là một thời điểm rất quan trọng đối với các nhà tân cổ điển.
Nếu ta muốn đi xa hơn trong hướng lí giải này, và chấp nhận nguy cơ đơn giản hoá nhiều, có thể nói là có ba loại cứng nhắc được các nhà tân cổ điển viện ra để giải thích cuộc khủng hoảng hiện nay. Trong mọi trường hợp, bằng cách này hay cách khác, đó là những qui định thể chế được xây dựng trong thị trường được người ta cho là ngăn cản các thị trường đóng lại ở thế cân bằng. Tôi nhấn mạnh đến việc các nhà tân cổ điển tính đến các thể chế trong mức độ là đối với họ, những thế chế là điểm mấu chốt trong cách giải thích khủng hoảng được họ đề nghị. Và trong lí thuyết điều tiết chúng tôi cho là có một cách giải thích khác, riêng biệt và độc đáo về vai trò của các thể chế.
Ba loại cứng nhắc được viện dẫn để giải thích cuộc khủng hoảng là như sau: 
Arthur C. Pigou (1877-1959)
- trước hết cuộc tranh luận ngày xưa giữa Pigou và Keynes được khơi lên lại. Nghĩa là một nguyên lí giải thích qui cho những lương cứng nhắc trong chiều giảm, do vai trò của các công đoàn, nguyên nhân của việc các thị trường không đóng lại ở thế cân bằng. Phiên bản mới của luận đề cũ này (xem Rueff [1931]) cho rằng thất nghiệp là do giá tương đối của lao động tăng quá nhanh so với năng suất lao động và lao động đã trở thành một nhân tố tương đối khan hiếm, điều này giải thích vì sao nhân tố này được sử dụng ít hơn.           
Keynes đã đánh bại Pigou trong thập niên ba mươi trong cuộc tranh luận lí thuyết và cuộc tranh luận kinh tế. Nhưng nhân cơn khủng hoảng của học thuyết Keynes cũng lập luận đó trở lại dưới một dạng được đổi mới[3].
Edmund Phelps (1933-)
- loại cứng nhắc thứ hai được đưa vào thị trường được cách tiếp cận gọi là những cơ sở vi mô của kinh tế vĩ mô đề cập (đặc biệt xem Phelps [1970]). Theo cách tiếp cận này, giá cả bị quản chế thay vì là linh hoạt, và đặc biệt là linh hoạt trong chiều giảm, do đó điều này kéo theo những mất cân bằng gây nên thất nghiệp và lạm phát. Ở đây người ta không chỉ nhất thiết nhấn mạnh đến những cứng nhắc tương đối của thị trường lao động, chính những giá của hàng hoá hay những “chỉ số hoá” tổng quát xung quanh các giá được xem là những cứng nhắc làm nhiễu loạn những cơ chế của cân bằng.
Milton Friedman (1912-2006)
- Cách kiến giải lớn thứ ba được Milton Friedman đề nghị. Trong hai bài viết năm 1968 và 1976 (bài phát biểu nhận giải Nobel), ông diễn giải lại đường Phillips (Phillips [1958], Phillips và Lipsey [1963]) để bảo vệ ý cho rằng thất nghiệp là do sự tồn tại của những hợp đồng, những thông tin không hoàn hảo và, một cách tổng quát, của những cứng nhắc khác nhau khiến cho một tỉ suất thất nghiệp tự nhiên khá cao, không thể giảm bớt được xuất hiện. Trên điểm này, Milton Friedman gặp lại một số phát biểu của Phelps [1970].   
Để kết luận chúng tôi có thể nói là chung qui ta thấy sự trở về của cách kiến giải tân cổ điển “cũ” về những cuộc khủng hoảng, tuy nhiên, dưới những biến thể mới. Chúng tôi quan tâm đến một trong những biến thể này: biến thể để cho những thể chế một vai trò kinh tế tích cực trong những quá trình điều chỉnh. Nhưng, cần ghi nhận ngay là trong những biến thể tân cổ điển, những thể chế luôn là một nhân tố gây nhiễu loạn. Chúng ngăn cản sự quay trở lại cân bằng, và do đó là một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hiện nay. Đương nhiên là quan điểm của chúng tôi rất khác, như sẽ thấy trong chốc lát.
b) Quan điểm của các nhà keynesian
Phải nói ngay là đối với các nhà keynesian nửa sau của thập niên 70 là những năm tháng khó khăn. Vì sao? Vì nếu đối với họ về cơ bản tăng trưởng là không ổn định thì vẫn luôn có thể làm cho tăng trưởng ổn định bằng một điều tiết thích đáng của cầu thực tế, bằng cách kết hợp chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Đặc biệt có đường Phillips nổi tiếng, một công cụ quí báu đối với các nhà keynesian vì nó tiên đoán là, nhờ một ít lạm phát, có thể làm giảm thất nghiệp hoặc, nhờ một ít thất nghiệp, có thể giảm lạm phát. Do đó, nhờ có công cụ này, có thể khoanh lại, trong những nét lớn, không gian có hiệu quả của những công cụ của sự điều tiết kinh tế vĩ mô. Tiếc thay cho các nhà keynesian, cả giai đoạn nửa sau thập niên 70 được đánh dấu bằng sự thất bại của những công cụ của họ nhằm thúc đẩy chính sách kinh tế, và như tôi đã nói, trong hầu hết các nước châu Âu và ở Hoa Kì.
James Tobin (1918-2002)
Như thế trong nửa sau của thập niên 70, các nhà keynesian, về cơ bản, giữ im lặng và khá lúng túng. Đặc biệt kết quả là James Tobin, một trong những bậc thầy của trường phái keynesian, cuối cùng thừa nhận trong một bài viết nổi tiếng rằng quả thật có tỉ suất thất nghiệp tự nhiên, dù cho ông gọi tỉ suất thất nghiệp này bằng một tên khác (NAIRU[4]: Non Accelerating Inflation Rate of Unemployment) và định nghĩa nó một cách khác hơn và hẹp hơn định nghĩa của Phelps và Friedman. Điểm quan trọng ở đây là Tobin thừa nhận là quả thật có một tỉ suất thất nghiệp mà chính sách kinh tế không với tới được, một điều không mấy tương hợp với thông điệp keynesian chính thống.   
Đối với chúng tôi, và dù cho những đóng góp keynesian cổ điển là không mấy hữu ích[5], chúng tôi vẫn giữ một cảm tình mặn nồng cho thông điệp keynesian vì hai lí do. Truớc hết vì chúng tôi đồng ý với hệ ý trung tâm của họ, hệ ý về tính bất ổn định chủ yếu của chủ nghĩa tư bản và của sự tăng trưởng của nó. Tiếp đấy, và nhất là, trong lí thuyết cầu thực tế của họ có ý rằng lương, ít ra dưới một số điều kiện, là một chỗ dựa cho tăng trưởng, chứ không phải là một cản trở như đó thường là trường hợp trong lí thuyết tân cổ điển[6]. Và thực ra, do đào tạo, chúng tôi có trực giác rằng đây là một luận điểm rất quan trọng, không thể loại bỏ không hơn không kém.
c) Tình thế vi mô Pháp có cảm hứng marxist
Ở đây, thay đổi của bối cảnh là rất lớn. Về nguyên tắc, một tình thế khủng hoảng, đối với một nhà marxist, không có những khó khăn lí giải chủ yếu. Thật vậy, cái lõi của chính cách tiếp cận marxist há chẳng phải là phân tích sự phát triển của những quan hệ hàng hoá như chủ yếu là sự phát triển mâu thuẫn. Trực tiếp hơn, một trong những luận điểm trung tâm của cách tiếp cận marxist là qui luật về hiệu suất xã hội của chủ nghĩa tư bản dẫn nó đến xu hướng tỉ suất lợi nhuận giảm dần, sụt giảm qua đấy những cơn khủng hoảng chủ yếu của phương thức sản xuất này được biểu hiện và khẳng định.   
Tuy nhiên, đối với chúng tôi, huớng kiến giải tổng quát này, trong trường hợp được chúng tôi quan tâm là không đủ để giải thích đặc tính (và tính phức tạp) của những hiện tượng cần phải lí giải. Vì quả là phải giải thích những hiện tượng mà trong đó luận điểm về xu hướng tỉ suất lợi nhuận giảm dần không giúp ích gì được nhiều cho chúng ta. Chính xác hơn, tham vọng của chúng tôi là giải thích một cách nội sinh bước chuyển từ tăng trưởng sang khủng hoảng đã đưa chúng tôi đặt ra (và đặt cho lí thuyết marxist lúc bấy giờ) đồng thời một loạt những câu hỏi.
Câu hỏi đầu tiên phải trả lời là: tại sao, trong một thời gian khoảng 25 năm, lại có được một tăng trưởng bền bỉ và tương đối ổn định? Vì sao và bằng cách nào trong thời kì này đã có sự phát triển của một chế độ cực kì mạnh -chế độ sản xuất đại chúng- dựa trên việc nâng cao rất nhiều sức mua của đại đa số những người làm công ăn lương? Tôi xin được nhắc lại là, đối với chúng tôi, chỉ giải thích khủng hoảng là chưa đủ, cũng còn phải giải thích cả sự tăng trưởng nữa. Và tôi lại nhắc là chúng tôi muốn giải thích bước chuyển từ tăng trưởng sang khủng hoảng bằng cùng những công cụ và cùng những phạm trù cơ bản mà không cần viện đến bất kì vị cứu tinh nào cả (hay một nguyên nhân bên ngoài bất kì nào kiểu cú sốc dầu hỏa, khủng hoảng tiền tệ...).
Câu hỏi thứ hai: hẳn là đã có thể quan sát xu hướng giảm sút của tỉ suất lợi nhuận từ giữa thập niên 60, nhưng tại sao khủng hoảng chỉ thật sự nổ ra vào 1974/1975, tại sao nó không nổ ra trước đó hoặc sau đó?...  
Câu hỏi thứ ba: tại sao cuộc khủng hoảng hiện nay lại có hình thái đặc biệt là lạm phát và đình đốn, trong lúc cuộc khủng hoảng của những năm 1930, để lấy một tiền lệ có thể so sánh được, lại là một cuộc khủng hoảng khác? Khủng hoảng của thập niên 1930, một cách giản lược, đã phát triển như một cuộc suy thoái cộng dồn đi cùng với một sụt giảm đến chóng mặt của giá cả và lối thoát ra khỏi khủng hoảng được tiến hành đặc biệt bằng việc đóng cửa thị trường thế giới, sụt giảm khắt khe của những trao đổi quốc tế và bằng chủ nghĩa bảo hộ. Thế mà, cuộc khủng hoảng của thập niên 1970 không phải là một cuộc suy thoái dồn dập; nó khoác hình thái những giai đoạn nối tiếp nhau của tăng trưởng chậm, phục hồi và suy thoái ít nhiều mạnh mẽ và rộng lớn. Đây hoàn toàn không phải là dạng diễn tiến chung nhất của khủng hoảng: giai đoạn thập niên 70 không phải là một thời kì thiểu phát nhưng, ngược lại, là sự phát triển đến cực điểm của lạm phát. những trao đổi quốc tế không bị ngưng lại: chúng vẫn tiếp tục tiến triển, cuối cùng hình thái đặc biệt mà khủng hoảng khoác vào là một sự sống chung của những tỉ suất thất nghiệp cao và tỉ suất lạm phát cao; và đây là một hình thái khủng hoảng vô cùng độc đáo. Như thế, để trả lời ba câu hỏi -tại sao và bằng cách nào có tăng trưởng? hình thái đặc biệt nào của khủng hoảng? và tại sao vào một thời điểm nhất định tăng trưởng rơi vào khủng hoảng?-, những nhận định về xu hướng sụt giảm của tỉ suất lợi nhuận là không đủ đối với chúng tôi. Do đó đặt ra vấn đề phải có những công cụ tinh vi hơn và thích đáng hơn, và trên điểm này chúng tôi có thể dựa vào truyền thống marxist Pháp.      
Trường phái marxist truyền thống
Nếu trước hết ta quay về phiá trường phái Pháp truyền thống, trường phái gắn với Đảng cộng sản Pháp, thì ta học được điều gì?
Paul Boccara (1932-)
Luận điểm chính lúc bấy giờ là luận điểm được phát biểu (đặc biệt là do Paul Boccara phát biểu) và bảo vệ trong một tác phẩm căn bản cho các nhà kinh tế của Đảng cộng sản Pháp: Chuyên luận về chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước (Traité du capitalisme monopoliste d’ état) [1974]. Cách nhìn tổng quát này là một cách kiến giải cuộc khủng hoảng bằng sự siêu tích lũy-mất giá trị. Không thể chối cãi là hạt nhân lí thuyết của cách kiến giải này đã có mặt ở Marx. Nhưng, theo tôi, cách được Boccara phát biểu lại không cho phép trả lời những câu hỏi của chúng tôi. Thật vậy, Boccara, đi từ giả thiết marxian chung về những cuộc khủng hoảng, nhấn mạnh, một cách một chiều, đến những hình thái của cạnh tranh, đến sự tập trung tài chính, và hơn hết, đến quan hệ giữa Nhà nước, sự tích tụ công nghiệp, những độc quyền và sự tập trung tài chính. Luận đề này, bằng cách nào đi nữa, không thể thỏa mãn chúng tôi. Vì những lí do tôi đã nói, luận đề này không cung cấp được những giải thích đặc biệt về những cuộc khủng hoảng, những giải thích mà chúng tôi đang tìm kiếm. Và nhất là, cho dù điều này có vẻ là nghịch lí đến mấy, luận đề đề cập rất ít đến những quan hệ lao động và bóc lột, những quan hệ này được thể hiện một cách rất cổ điển (theo như khu vực IV của bộ Tư bản) được nối gần như là bên ngoài với hạt nhân rắn: nhà nước, độc quyền, tích tụ và tập trung tài chính. Những quan hệ lao động không giữ vai trò trung tâm trong việc giải thích cuộc khủng hoảng.
Những nhà althusserian
Louis Althusser (1918-1990)
Nhiều người trong chúng tôi, trong thập niên 60, được đào tạo trong trường phái althuserian. Nhưng về mặt lí thuyết, phần lớn chúng tôi đã đoạn tuyệt với Althusser. Vì sao? Althusser đã dạy chúng tôi nhiều điều, trước hết là tính đặc thù triệt để của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa so với những phương thức sản xuất khác. Ông đã dạy chúng tôi tầm quan trọng của những quan hệ sản xuất và đã tương đối hoá vai trò của lực lượng sản xuất. Đây là một điều quan trọng vì, và tôi sẽ trở lại điểm này, vấn đề quan hệ sản xuất gắn với vấn đề vai trò của những thể chế trong sự điều tiết kinh tế vĩ mô. Nhưng, nghiên cứu althusserian, theo chúng tôi, đã tự đánh mất mình trong cái mà chính những nhà althusserian (đặc biệt là Balibar...) gọi là việc tìm kiếm những bất biến của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Và dĩ nhiên là không phải với những bất biến mà ta có thẻ giải thích sự vận động và bước chuyển từ tăng trưởng sang khủng hoảng, những khác biệt và những hình thái đặc đặc thù. Việc nghiên cứu những bất biến gần như tương phản với việc nghiên cứu những thay đổi, và những khác biệt về hình thái, vốn chính là những vấn đề ở cội nguồn của cách tiếp cận của lí thuyết điều tiết.         

Thêm một lời nữa để nói về tầm quan trọng, đối với chúng tôi, của một trường phái cuối, trường phái của Charles Bettelheim. Vì nếu trường phái này đến từ Althusser thì nó cũng có nét độc đáo riêng. Đặc biệt quan trọng là tác phẩm có tựa là Hạch toán kinh tế và hình thái sở hữu (1970) (Calcul économique et formes de propriété). Đây là một tác phẩm lí thuyết về xã hội xã hội chủ nghĩa, phát triển luận điểm theo đó trong xã hội xã hội chủ nghĩa những quan hệ hàng hoá vẫn còn tồn tại và tiếp tục hoạt động. Đó là mặt những bất biến, mặt của Althusser. Nhưng tác phẩm cũng nhấn mạnh rằng những hình thái sở hữu là quan trọng, rằng tùy theo đó là những quan hệ sở hữu hay chiếm hữu thực tế  hay hình thức nào thống trị thì sự điều tiết của xã hội không có chung những đường biên giống nhau, những quan hệ trao đổi thường không phát triển bằng cách sinh ra những mâu thuẫn giống nhau. Ở đây có một địa điểm phân tích marxist về những quan hệ giữa các “thể chế” (trong nghĩa rộng) và những quan hệ hàng hoá.    

S. De Brunhoff (1929-2015)
Chúng tôi vừa nhắc lại một cách ngắn gọn xuất phát điểm của chúng tôi, so với những trường phái thống trị cũng như so với những nghiên cứu ở Pháp có cảm hứng marxist vào giữa thập niên 1970. Để cho đầy đủ, cần phải kể thêm cố gắng đáng chú ý của một nhà nghiên cứu đơn độc -S. de Brunhoff- trong những tác phẩm quan trọng (đặc biệt là Nhà nước và tư bản (État et Capital) [1976] và Chính sách tiền tệ (La politique monétaire [1973]) đã mở ra một hướng phân tích những cuộc khủng hoảng bằng cơ chế thị trường giả thừa nhận và thừa nhận trước những công việc tư nhân, hướng phân tích sau này được một số cách tiếp cận thiết yếu của phân tích lạm phát của các tác giả thuộc trào lưu lí thuyết điều tiết (đặc biệt là A. Lipietz [1979] và [1983]) sử dụng lại.
II.  Chương trình nghiên cứu và những kết quả đầu tiên
Trên điểm này, tôi tự bằng lòng với vài nhận xét và nhắc lại nhanh chóng, trong chừng mực là tôi nghĩ rằng chương 2 của tác phẩm của R. Boyer [1986], nhan đề là Điều tiết: hướng dẫn sử dụng là một trình bày tuyệt vời[7] về đặc thù phương pháp luận của lí thuyết điều tiết vào lúc lí thuyết này được xây dựng. Bởi thế, để bảo đảm tính nhất quán của trình bày, tôi tự giới hạn vào vài điểm chủ yếu.
1. Giả thiết điều tiết trong kinh tế
a) Những nguồn gốc và phát biểu chương trình
Trước hết vài yếu tố về nguồn gốc của từ điều tiết và khái niệm lí thuyết điều tiết. Trong truyền thống Pháp, thuật ngữ này được Gérard de Bernis, mà những công trình là gần với trào lưu lí thuyết của chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước, đưa vào kinh tế học. Với De Bernis, khái niệm điều tiết, du nhập từ sinh học, được vận dụng vào kinh tế học[8].
Như thế ý tưởng của De Bernis là gì? Đại khái đó là như sau: trong xã hội tư bản chủ nghĩa có những lực chủ yếu là trái nhau vận động, nhưng một số chuẩn xã hội, một số thể chế, một số quy tắc đôi lúc làm cho những lực về bản chất là trái ngược nhau này hội tụ. Ý tưởng của De Bernis là chính những thể chế giữ vai trò của những mã di truyền và cho phép những thể chế hội tụ. Điều này giải thích là mặc dù chủ nghĩa tư bản được những lực chủ yếu là đối kháng nhau hợp thành và cấu trúc, trong một vài thời kì, những thể chế thích đáng, nếu tìm ra được những thể chế như vậy, có khả năng duy trì một sự chặt chẽ nhất định từ đó tăng trưởng có thể sinh ra. Trong số những thể chế, với De Bernis, có một thể chế là cơ bản: Nhà nước. Một điểm quan trọng đối với De Bernis, hai qui luật chi phối chuyển động của tư bản là qui luật tỉ suất lợi nhuận có xu hướng giảm sút, và qui luật san bằng tỉ suất lợi nhuận. Từ những qui luật này và từ sự vận động của chúng, có thể giải thích lịch sử thực tế của chủ nghĩa tư bản trong một hình thái xã hội nhất định. Theo tôi nghĩa này, dù cho có đưa vào nghiên cứu marxist một đổi mới cơ bản, De Bernis vẫn còn rất gần với cách tiếp cận truyền thống, đặc biệt là trên hai điểm then chốt: có tồn tại những qui luật nội tại của chủ nghĩa tư bản khiến cho vận động thực tế của chủ nghĩa này là có thể đọc được và chỉ có thông qua sự kiểm soát của Nhà nước ta mới có thể định hướng lại nền kinh tế, bằng cách đưa vào trong nền kinh tế những “mã” khác.
Về đóng góp của de Bernis, một mặt chúng tôi quan tâm đến ý tưởng cho rằng có những chuẩn xã hội, những quy tắc và những thể chế bảo đảm một tính chặt chẽ nhất định cho những quan hệ hàng hoá, mà về bản chất là trái ngược nhau, nhưng mặt khác chúng tôi không nghĩ là đi theo sự vận động của hai qui luật cơ bản của chủ nghĩa tư bản được de Bernis đặt ra có thể giúp đọc trực tiếp những biến thái của tư bản. Theo chúng tôi cần phải rèn đúc những phạm trù trung gian để đạt đến mức độ thực tế và thích đáng cần thiết để hiểu và giải thích những hình thái của tăng trưởng và khủng hoảng lẫn bước chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Hơn nữa chúng tôi cũng cho là vai trò dành cho Nhà nước -trong khủng hoảng lẫn trong bước thoát ra khỏi khủng hoảng- được đánh giá quá cao. Chúng tôi nghĩ là phải xem xét một cách nội sinh đối với những quan hệ hàng hoá, cách hình thành những “thể chế ” bảo đảm những những quy tắc cần thiết này cho tính chặt chẽ của chủ nghĩa tư bản trong tổng thể của nó, trước khi những quy tắc này mất đi và bản chất bất ổn định và mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản trỗi dậy và thể hiện một cách công khai. Trong mọi trường hợp, chính trên cơ sở của một đòi hỏi như thế -tìm kiếm những điều kiện trong đó một số quy tắc được hình thành, những quy tắc này đảm bảo sự điều tiết kinh tế vĩ mô tổng thể của những lực chủ yếu là khác nhau- mà cách tiếp cận của lí thuyết điều tiết được xây dựng.
Michel Aglietta (1938-)

Công trình tạo lập cách tiếp cận của chúng tôi đặc biệt được một nhà nghiên cứu Pháp khác, M. Aglietta [1974 và 1976][9], tiến hành và đặt những nền móng trên đấy trào lưu chúng tôi sẽ phát triển. M. Aglietta, trong tác phẩm của ông năm 1976, Điều tiết và khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản [Régulation et crise du capitalisme] đưa vào khái niệm được ông gọi bằng những “hình thái cấu trúc” cơ bản của chủ nghĩa tư bản, những hình thái cấu trúc này là những hình thái kinh tế lẫn những hình thái phi kinh tế. Khi những hình thái này đạt đến một mức chặt chẽ thì chúng đảm bảo những quy tắc của tổng thể nền kinh tế và do đó đảm bảo khả năng có một tăng trưởng liên tục trong một thời gian tương đối dài.
Có thể cho một ví dụ về hình thái cấu trúc vừa là kinh tế vừa không trực tiếp kinh tế có một vai trò chủ yếu trong tăng trưởng của thời kì sau thế chiến từ điều chúng tôi gọi là những hình thái “fordian” của tích lũy tư bản. Thật vậy, chế độ Ford[10], một mặt là một dây chuyền lắp ráp, một cỗ máy sinh ra những lợi thế hiệu suất và khai thác lao động thặng dư; điều này tương ứng với mặt kinh tế. Nhưng mặt khác, chế độ Ford cũng còn là một nguyên lí hợp đồng giữa các công đoàn và giới chủ cho phép thiết lập những qui tắc phân chia những lợi thế của hiệu suất, đặc biệt được thể hiện bằng những gia tăng có hệ thống và dự kiến trước của sức mua của người làm công ăn lương. Một cách tổng quát hơn, cũng còn được gọi là fordian tất cả những hệ thống thỏa ước tập thể một khi chúng cho phép, bằng những cuộc thương thảo, có được một sự phân chia và phổ biến những lợi thế hiệu suất giữa các đối tác xã hội và khu vực của nền kinh tế xã hội. Như thế, nhờ những hình thái kinh tế và phi kinh tế, cả hai chiều kích “sản xuất” và “cầu” có thể được nối kết với nhau trong một động thái chặt chẽ, để hợp thành cái lõi của điều được gọi là những “vòng tròn phẩm hạnh”, đặc trưng biết mấy cho tăng trưởng fordian. Nếu tôi tự cho phép nhấn mạnh điểm này là vì, có dịp làm việc ở Brazil tôi đã có thể kiểm chứng là, khi chỉ một trong những mặt được thiết lập, thì những hệ quả trên động thái kinh tế vĩ mô là hoàn toàn khác với những hệ quả ta quan sát được trong những chế độ fordian “đầy đủ” và ổn định. Chẳng hạn ở Brazil, quả thật là có những dây chuyền lắp ráp hay còn có những “chuẩn sản xuất” kiểu fordian. Những dây chuyền này đã được các công ti đa quốc gia Bắc Mĩ và châu Âu lắp đặt, ví dụ trong công nghiệp chế tạo xe ôtô. Quả thật là trên những dây chuyền này, thu hoạch của những mức lợi thế hiệu suất là rất cao. Nhưng những hợp đồng lương hoàn toàn không cho phép bất cứ cơ chế tự động nào chuyển một phần quan trọng của những lợi thế hiệu suất này cho người làm công ăn lương như trong những hợp đồng fordian cổ điển. Bởi thế chế độ tích lũy theo kiểu Brazil có đặc trưng là sự tồn tại của những lợi thế hiệu suất cao và những lương thấp. Kết quả là tăng trưởng nhanh của Brazil (trong giai đoạn được gọi là “phép lạ”) có những mặt rất đặc biệt và hiện ra như là vô cùng không ổn định. Một trong những giải thích của tính bất ổn định này là do thiếu những “đèn nhắc nhở” thể chế có khả năng bảo đảm thị trường nội địa và dự phòng những đợt thụt lùi mạnh bạo nhất[11] do những chu kì suy thoái gây ra.
Tôi hi vọng là nhận định so sánh này, có qui chiếu về những trường hợp của Hoa Kì và Brazil, cho phép minh hoạ tầm quan trọng của khái niệm hình thái cấu trúc, trong việc đánh giá những phương thức khác nhau của tăng trưởng kinh tế vĩ mô được xét một cách tổng thể: một bên (Hoa Kì) là sự ổn định tương đối và bên kia (Brazil) là một sự bất ổn định rất lớn.
b) Những phạm trù trung gian tạo lập
Như thế từ những công trình tạo lập của Aglietta, một hướng nghiên cứu đã được triển khai, cố gắng làm rõ những hình thái cấu trúc then chốt cho phép giải thích những dạng thức được tăng trưởng và khủng hoảng khoác vào, cũng như bước chuyển từ tăng trưởng sang khủng hoảng. Lần hồi những hình thái thể chế đã giữ, trong lí thuyết điều tiết, vị trí của những phạm trù trung gian thật sự, trong nghĩa chúng là những công cụ giữa một bên là lí thuyết thuần túy và bên kia là những hiện tượng quan sát và cách điệu hoá[12]. Đây là những công cụ không thể thiếu mà chúng tôi đi tìm để có thể tư duy, vượt ra ngoài những đặc điểm thường xuyên, những đổi thay và đặc thù của những thay đổi này. Có lẽ, phương pháp này: nghiên cứu những phạm trù trung gian, và phát biểu về một số phạm trù này từ nay trở thành những điểm bất động của cách tiếp cận, cuối cùng về phương diện phương pháp luận, là đặc điểm chủ yếu của lí thuyết điều tiết.
Xin được phép nói đôi lời về những phạm trù trung gian cơ bản này[13] trong mức độ là cho đến nay, chúng là cơ sở chung dễ thấy nhất của cách tiếp cận điều tiết.
-          Phạm trù trung gian đầu tiên là phạm trù được xây dựng chung quanh khái niệm chế độ tích lũy. Với thời gian, có nhiều định nghĩa được đưa ra tương ứng với những mưu toan nối tiếp nhau làm tinh tế hơn khái niệm này. Ngày nay, tôi bị quyến rũ bởi cách định nghĩa bằng hai yếu tố quyết định bổ sung nhau. Yếu tố thứ nhất ứng khá chính xác với những giả thiết marxian cơ bản của lí thuyết tái sản xuất, nhằm định nghĩa một chế độ tích lũy theo cách khu vực I và khu vực II (theo nghĩa của Marx) được nối với nhau. Đó có thể coi như một cách tiếp cận theo khu vực của tích lũy[14]. Đóng góp chủ yếu của lí thuyết điều tiết trên điểm này là như sau. Trái với những nhà keynesian và những nhà tân cổ điển làm việc trên một mô hình tăng trưởng trừu tượng và hoàn toàn phi thời gian, chúng tôi làm rõ nhiều chế độ tích lũy đa dạng quan sát được trong lịch sử hoặc tùy theo nước, được đặc trưng bằng những quan hệ, khác nhau cho mỗi trường hợp, giữa khu vực I và khu vực II (vai trò động cơ của khu vực I hoặc của khu vực II, tầm quan trọng tương đối trong giá trị gia tăng của khu vực này hay khu vực kia, chiều hướng phổ biến của những lợi thế hiệu suất giữa khu vực này và khu vực kia...). Giá trị của cách tiếp cận này là ở chỗ nó đặt động thái của những mâu thuẫn ở trung tâm của toàn bộ tái sản xuất, được xem xét dưới quan điểm về hai bản chất của hàng hoá, vừa là giá trị sử dụng và vừa là giá trị trao đổi. Còn có thể có một định nghĩa bổ sung, vì dựa trên một mâu thuẫn chủ yếu khác nằm ở trung tâm của động thái tư bản chủ nghĩa, về chế độ tích lũy đi từ những điều kiện có được phân phối và phổ biến những lợi thế của hiệu suất. Cách định nghĩa này của chế độ tích lũy như thế đặt ở trung tâm việc đặc trưng hoá mâu thuẫn tư bản/lao động và trước hết xung đột cơ bản của mâu thuẫn này giữa lương và lợi nhuận.
Robert Boyer (1943-)
Đương nhiên là mỗi một định nghĩa trên (bằng cách tiếp cận theo khu vực hay bằng những phương thức thu/phân chia những lợi thế hiệu suất) đòi hỏi việc nhận dạng những hình thái thể chế chủ yếu và vị trí của chúng trong động thái toàn cục. R. Boyer qui những hình thái thể chế này, được định nghĩa như những “điển chế hoá của một hay nhiều quan hệ xã hội cơ bản ” (trang 48), về năm lĩnh vực hành động và hữu hiệu chính: hình thái của ràng buộc tiền tệ, cấu hình quan hệ làm công ăn lương, phương thức gia nhập chế độ quốc tế, hình thái của Nhà nước (xem Boyer [1986])[15]. Tất nhiên điểm quan trọng là những hình thái thể chế này, sự cộng hưởng của chúng với nhau với kết quả là việc sắp xếp đặc biệt mỗi hình thái thể chế trong từng trường hợp đặc biệt cho phép định hình một chế đố tích lũy nhất định.
Như thế, cùng với những nghiên cứu này để nhận dạng và xác định những kiểu hình thái thể chế khác nhau đã lần hồi nổi lên một sự phân kì mới về chủ nghĩa tư bản, chỉ có hoạt động của những hình thái thể chế được phát hiện là đặc trưng cho chế độ được xem xét mới xác định tính ổn định (tương đối) của mỗi chế độ tích lũy.    
-          Như thế một phạm trù trung gian lớn thứ hai được rèn đúc: phạm trù chế độ điều tiết. Một chế độ điều tiết được định nghĩa như một tập những điển chế các quan hệ xã hội cơ bản trung chuyển và nhân rộng những phương thức thực tế rút ra, phân chia và phổ biến những lợi thế hiệu suất, bảo đảm trong dài hạn sự tái sản xuất của toàn thể xã hội. 
Ở đây làm rõ hai điểm sau là điều cần thiết.
Trước hết không nên đọc ở đây bất kì dấu vết của “chủ nghĩa chức năng” nào cả. Một chế độ tích lũy, và có lẽ hơn thế nữa, một chế độ điều tiết là những “phát hiện” lịch sử. Những khám phá này là bấy nhiêu điển chế và lắp ráp những hình thái thể chế cơ bản, là kết quả của hoạt động của những tác nhân, và trước hết của sự vận động của các giai cấp và những cuộc giao chiến của những giai cấp này trong một xã hội hợp thành từ những mâu thuẫn chủ yếu. Từ đó kết quả là tính vĩnh cửu của một chế độ tích lũy hay của một chế độ điều tiết không bao giờ có gì là bảo đảm. Cho dù chịu những điều kiện do những hình thái thể chế của thời điểm hiện hành quyết định nhưng các tác nhân, cá thể hay tập thể, không ngừng bằng chính những hoạt động chủ động để bảo vệ hay phát triển những lợi ích của mình, không ngừng làm biến chuyển khuôn khổ trong đó họ hoạt động. Do đó từ trong nội bộ của chính một chế độ tích lũy hay một chế độ điều tiết nhất định, có thể có những gián đoạn.     
Chính ở đây trong việc phân tích những gián đoạn, cũng có nghĩa là việc phân tích những cuộc “khủng hoảng”, mà hai nét độc đáo của phương pháp điều tiết được khẳng định. Nét độc đáo đầu tiên là phân biệt những khủng hoảnglớn” với những khủng hoảng nhỏ”. Thật vậy trong mối liên hệ với tầm quan trọng của những gián đoạn chi phối những hình thái thể chế, những cuộc khủng hoảng “nhỏ” hiện ra như những cuộc khủng hoảng xảy ra trong chế độ điều tiết và chỉ cần những điều chỉnh thực tế hay thể chế tương đối ngoài lề, được phân biệt với những cuộc khủng hoảng “lớn” được phân tích như những cuộc khủng hoảng của sự điều tiết. Là những cuộc khủng hoảng của tái sản xuất toàn bộ hệ thống, những cuộc khủng hoảng “lớn” đòi hỏi thực sự phải bố trí lại những hình thái thể chế cơ bản. Theo nghĩa này, hiển nhiên là cuộc khủng hoảng hiện nay của nền kinh tế thế giới là một cuộc khủng hoảng lớn. Đặc điểm thứ hai của CTCĐT liên quan đến cách biểu trưng những cuộc khủng hoảng nằm ở khẳng định là bản chất của những cuộc khủng hoảng lớn, những cuộc khủng hoảng cấu trúc” khác một cách cơ bản với những cuộc khủng hoảng khác và chỉ hiện ra mỗi lần dưới những hình thái chưa bao giờ gặp và độc đáo. Từ đó, thật thế, khi có một cuộc khủng hoảng của điều tiết ta hiểu được là những hình thái thực tế hay những hình thái thể chế làm chỗ dựa cho chế độ điều tiết, theo định nghĩa là có những nét lịch sử độc đáo, chỉ có thể tan rã thành những hình thái độc đáo. Như vậy, khủng hoảng của điều tiết cạnh tranh không thể được đồng hoá với cuộc khủng hoảng của điều tiết độc quyền, và do đó cuộc khủng hoảng của thập niên 1930 không thể được đồng hoá với cuộc khủng hoảng của thập niên 1970.  
2. Những kết quả đầu tiên và đặc thù của cách tiếp cận của lí thuyết điều tiết
Về những kết quả, tôi sẽ nhấn mạnh đến hai điểm là hai câu trả lời đầu tiên cho hai thách thức tạo lập ban đầu và, tôi xin phép nhắc lại, có dạng hai câu hỏi kép: làm sao giải thích bước chuyển từ tăng trưởng sang khủng hoảng, hay do câu hỏi sau một phần sinh ra từ câu hỏi trước còn là: làm thế nào tính đến những thể chế và vai trò của chúng trong động thái kinh tế?
a) Bước chuyển từ tăng trưởng sang khủng hoảng
John M. Keynes (1883-1946)
Còn về bước chuyển từ tăng trưởng sang khủng hoảng chúng tôi nghĩ là điều cốt yếu chúng tôi đã tìm ra nguyên lí căn bản của những giải thích chúng tôi hằng tìm kiếm. Tăng trưởng của thời hậu chiến trong những nét chính được giải thích bằng chuỗi Taylor, Ford, Keynes[16]. Quan điểm được bảo vệ là một loạt dài những biến đổi đồng thời trong bộ máy sản xuất, trong những thỏa ước tập thể, trong việc quản lí nhà nước về lực lượng lao động và tiền tệ sẽ cho phép -trong một bối cảnh mở ra quốc tế ngày càng tăng nhưng chưa tước đi hiệu quả của những chính sách kinh tế quốc gia-, thu hoạch những thành quả lớn về hiệu suất, việc phân chia những thành quả này giữa doanh nghiệp và các khu vực của nền kinh tế xã hội theo những qui tắc tương hợp với sự duy trì tăng trưởng[17].
Tại sao hệ thống này đã bước vào khủng hoảng? Đối với chúng tôi[18] khủng hoảng cơ bản sinh ra từ sự cạn kiệt của những lợi thế hiệu suất và của chỗ dựa cho việc khai thác lao động thặng dư vốn chiếm ưu thế từ thời Taylor và Ford, cạn kiệt do chế độ Ford đã đạt tới những giới hạn lịch sử. Vì một loạt những lí do, ngay từ thập niên 70, chế độ Ford vốn đã từng có hiệu quả, đã tới tận cùng những giới hạn kĩ thuật, kinh tế và xã hội (xem B. Coriat [1979]). (Nhân đây, xin được phép nói rõ rằng đây là một trong những lí do khiến bản thân tôi rất quan tâm đến những kĩ thuật Nhật về quản lí sản xuất và lao động. Thật vậy, theo tôi dường như một phần và, có lẽ là, chưa bao giờ những kĩ thuật “fordian” theo nghĩa từ này có được ở phương tây“fordian” theo nghĩa từ này có được ở phương tây). Trong mọi trường hợp, trên cơ sở những giới hạn chế độ Ford đạt đến và tốc độ gia tăng chậm của những lợi thế hiệu suất (trên điểm này, thống kê tây phương cho thấy hiện tượng này là rất rõ ràng, ở Hoa Kì cũng như ở hầu hết các nước châu Âu) đã xuất hiện những cơ chế căng thẳng về việc phân chia những lợi thế hiệu suất, hiệu ứng hay kết quả của việc phân bổ “không tốt” của đầu tư giữa các khu vực và doanh nghiệp. Và từ đó bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm và bất ổn định ta đang sống.           
Câu hỏi thứ hai: vì sao cuộc khủng hoảng lại nổ vào thời điểm đó? Tại vì trên cơ sở những hình thái thể chế đã kiệt quệ chính ngay cái lõi của hệ thống bị rối loạn và bị trúng thương nhân dịp những cuộc đình công lớn của giai đoạn 1968. Từ đó, phương thức kĩ luật hoá fordian như chỗ dựa có hiệu quả cho việc thu hoạch những lợi thế hiệu suất đã thành quá khứ.
Trong một cách biểu trưng như thế về bước đi vào khủng hoảng, như ta thấy những nguyên nhân nội sinh được đặt ở vị trí ưu tiên: những hình thái cấu trúc xoay quanh chế độ Ford một thời đã từng bảo đảm sức sống và tính ổn định của chủ nghĩa tư bản nay đã đạt đến giới hạn của chúng. Những cú sốc bên ngoài (cú sốc “tiền tệ” năm 1971, và cú sốc “dầu hỏa” năm 1974 hay 1979) được trả về đúng chỗ của chúng. Những cú sốc này đã gây ra những hậu quả mà ta đã biết tại vì những hình thái cấu trúc chúng dựa trên đó để phát huy tác dụng đã đạt tới giới hạn lịch sử về hiệu quả. Bởi thế ta ghi nhận là thể theo tham vọng ban đầu của chúng tôi, như thế chính là từ những phạm trù cơ bản giống nhau, và theo dòng phát triển của những phạm trù này và do đó của những biến thái của chúng, mà chúng tôi đã giải thích tăng trưởng và khủng hoảng, cũng như bước chuyển từ tăng trưởng sang khủng hoảng.
b) Những thể chế
Trong tất cả những phát triển của chúng tôi, hiển nhiên là những thể chế có một vai trò then chốt. Giả thiết căn bản của chúng tôi, có lẽ đáng để chúng tôi lập luận và xác lập một cách tốt hơn, là những thể chế tự bản thân được sinh ra phần lớn từ những xung đột giữa các nhóm và các giai cấp. Chúng ứng với những thỏa hiệp được triển khai từ những cuộc xung đột này. Những thỏa hiệp này hiện ra dưới dạng những hợp đồng, những đạo luật hay những qui định và được vật thể hoá trong những bộ máy quan liêu có những quyền theo dõi và kiểm tra, thường đi kèm với những quyền trừng phạt.
Nếu những thỏa hiệp này được kí trực tiếp giữa các bên hữu quan thì ta gọi chúng là những hợp đồng. Trong những trường hợp khác, khi sự được thua là quá quan trọng, những thỏa hiệp thiết lập giữa các bên được tiến hành thông qua trung gian của một quyền lực thứ ba, thường là biểu hiện của quyền lực công cộng, trừ khi chính quyền lực này chủ động áp đặt những thỏa hiệp này. Những thỏa hiệp cơ bản nằm bên dưới tổ chức xã hội này được gọi là những “thỏa hiệp thể chế hoá” (xem André, Delorme [1983]). Trong trường hợp này, chúng không ứng với những hợp đồng mà ứng với những đạo luật, những qui định bắt nguồn từ hoạt động pháp lí hay từ quyền lực lập pháp. Thường những thỏa hiệp này, vốn là những thiết kế phức tạp, vận hành thông qua những thủ tục thể chế nặng nề, như trường hợp của, ví dụ, những hệ thống bảo hiểm y tế hay những hệ thống về hưu bổng.
Ta còn có thể đi xa hơn nữa trên vấn đề tìm hiểu cách vận động của những thể chế bằng cách mghiên cứu ví dụ của những hợp đồng hiệu suất/lương, những hợp đồng này có một vai trò quan trọng trong chế độ Ford. Trong thực tế, rất nhiều nghiên cứu đã được triển khai chung quanh những kiểu hợp đồng như thế ở Pháp, ở Hoa Kì, ở Brazil,... Những hợp đồng hiệu suất/lương, cũng như những thể chế khác của việc tái sản xuất sức lao động (bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tuổi già), phụ thuộc rất nhiều vào tương quan lực lượng giữa các giai cấp và những liên minh của các nhóm xã hội, và điều này cũng đúng đối với những gì liên quan đến những hình thức ổn định của những thỏa hiệp này cũng như tiến trình của chúng trong thời gian. Ngược lại với những nhà tân cổ điển xem tất cả những thể chế này như những cứng nhắc làm cản trở sự tăng trưởng, chúng tôi nắm bắt chúng như những quy tắc vốn là những điều kiện ngầm ẩn, và thường cho phép tăng trưởng. Như thể chúng mới thực sự hợp thành “bàn tay vô hình” trang bị cho thị trường có được tính chặt chẽ và những mục đích. Rút cục, như đã ghi nhận, những thể chế này thật ra là kết quả của môt cái “bắt tay” hữu hình giữa những đối tác xã hội mà những thỏa hiệp bảo đảm tính ổn định mà thị trường không có khả năng tạo ra.
Như thế có thể kết luận từ những mệnh đề của chúng tôi là nếu không có những quy tắc này thì cũng sẽ không có tăng trưởng, dù sao thì cũng không có dưới hình thái liên tục của “ba mươi năm vinh quang”[20] chúng ta đã trải qua. Do đó chúng tôi khẳng định vai trò tích cực của những thể chế trong suốt ba mươi năm vừa qua. Như thế, chúng tôi đi đến một cách kiến giải những thể chế hoàn toàn trái ngược với cách kiến giải được các nhà tân cổ điển đề nghị, và do đó là một đối chọn khác.               
Kết quả là đối với chúng tôi bản chất của khủng hoảng là “thực tế”, đây không phải là một cuộc khủng hoảng do những thể chế được thiết lập trong nội bộ thị trường, hay một khiếm khuyết của sự vận hành của những thể chế này gây nên. Đây là một biểu trưng đối lập với biểu trưng của hầu hết các nhà tân cổ điển lúc bấy giờ. Khủng hoảng trước hết là khủng hoảng của những điều kiến thu hoạch, phân chia và phổ biến những lợi thế hiệu suất, nghĩa là một khủng hoảng bắt nguồn từ chính cái lõi của hệ thống sản xuất.
Trong nghĩa này đây là một cuộc khủng hoảng “lớn”. Những hình thái thể chế bị đặt thành vấn đề trong cả hai chiều kích “thực tế” và thể chế. Đó cũng chính là lí do vì sao, đồng thời với việc cố gắng nhận diện bằng cách nào những chỗ tựa mới của những lợi thế hiệu suất bắt đầu hình thành (đặc biệt là chung quanh những đổi mới công nghệ và tổ chức), chúng tôi rất chú ý đến mọi hình thái thể chế mới đang trong quá trình thai nghén: những kiểu hợp đồng mới về lương, một cách tổng quát hơn những thiết kế mới chung quanh quan hệ làm công ăn lương, hay chung quanh việc quản lí tiền tệ, cho đó là những dàn xếp hình thành “một cách tự phát”, từ hoạt động của các tác nhân, hay dưới sự chủ trì của Nhà nước. Nhưng, kết quả rõ ràng của những mệnh đề của chúng tôi là ta không thể cho rằng có thể ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay mà không có một sự bố trí lại chính ngay những hình thái sản xuất “thực tế”. Những sắp xếp thể chế có thể báo trước hay tạo thuận lợi cho việc triển khai lại hệ thống sản xuất và sự trở về có thể của tính hiệu quả của nó, nhưng trong mọi trường hợp, chỉ riêng những dàn xếp thể chế này không đủ để thay thế cho việc triển khai lại hệ thống sản xuất. Cũng như những thiết kế thể chế không nằm ở cội nguồn của khủng hoảng thì chỉ riêng chúng không thể hợp thành lối thoát ra khỏi khủng hoảng. Có một hạt nhân “thực tế” -công nghiệp và sản xuất- không thể né tránh được và nằm ở trung tâm của tăng trưởng đã qua cũng như ở lối thoát phải tìm ra cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
c) Một kết luận tạm thời
Để kết luận trình bày hồi cố trên về những điều kiện hình thành CTCĐT, có lẽ điều có ích nhất là, ở bước này, nhắc lại quan điểm của CTCĐT đối với những trào lưu lí thuyết khác nhau đã từng đối chọi nhau từ lúc nổ ra cuộc khủng hoảng vào giữa thập niên 1970. Chấp nhận nguy cơ là đơn giản hoá thái quá, tôi xin đề xuất những điểm sau:
-          Đối với các các nhà tân cổ điển. Sự đối lập gần như là hoàn toàn về mặt nội dung. Chúng tôi nghĩ rằng thị trường là không ổn định, họ nghĩ rằng thị trường tự điều tiết. Chúng tôi nghĩ rằng thị trường cần đến những thể chế, họ nghĩ rằng những thể chế sinh ra những mất cân bằng...
-          Đối với các nhà keynesian và tân keynesian, có một điểm nhất trí ngầm và cơ bản: vai trò trung tâm của sự điều tiết bằng cầu thực tế và của thị trường nội địa trong tính ổn định của một chế độ tích lũy.
Nhưng sự khác biệt với họ là khi họ xây dựng một mô hình tăng trưởng tổng quát thì chúng tôi xây dựng nhiều chế độ tích lũy được xác định về mặt xã hội và lịch sử, khác nhau tùy theo những bối cảnh quốc gia, đặc biệt là từ những quan hệ chúng tôi phát hiện giữa khu vực I và khu vực II, và trong thời kì mới đây, khu vực III. Có lẽ cần nói rõ thêm một điều nữa đối với các nhà keynesian.
Giải thích của chúng tôi về cuộc khủng hoảng của hiệu quả của những chính sách keynesian có thể tóm tắt trong một câu: lí thuyết keynesian chỉ có thể có hiệu quả khi, theo cách của nó, lí thuyết này cho phép tác động đến những quan hệ then chốt của chế độ tích lũy fordian.
Cuộc khủng hoảng của chế độ Ford cuối cùng đã đưa đến cuộc khủng hoảng của chính sách kinh tế keynesian. Trong nghĩa này, học thuyết keynesian từng là công cụ lèo lái một chế độ tích lũy hiện nay chủ yếu không còn tồn tại. Như vậy giải thích của chúng tôi về tăng trưởng đã qua không đặt cơ sở trên vai trò của chính sách kinh tế keynesian. Ngược lại chúng tôi đảo ngược vấn đề: chính vì học thuyết Keynes theo cách của nó đã biết nắm bắt những quan hệ động đang nảy sinh trong mô hình fordian mà chính sách kinh tế do học thuyết này chủ trương đã phát huy được hiệu quả.
Bởi thế, khi chế độ tích lũy fordian bước vào cuộc khủng hoảng thì cũng có nghĩa là chính sách kinh tế keynesian cũng bước vào khủng hoảng...
-          Đối với những trường phái marxist đến ngày nay còn tồn tại, và liên quan đặc biệt đến lí thuyết truyền thống -siêu tích lũy/mất giá trị-, chúng tôi nghĩ, như đã nói ở trên, rằng lí thuyết này đã quá coi trọng những hình thái cạnh tranh và vai trò của Nhà nước trong giải thích của trường phái này về những cơ chế tích lũy và về những cuộc khủng hoảng. Về phần mình, chúng tôi đã tìm cách nhận diện những phạm trù trung gian ứng với những hình thái sản xuất “thực tế” hay thể chế đã phát triển từ thời Marx để sinh ra những hình thái thể chế độc đáo để từ đấy tiến hành sự phân kì dựa trên hệ thống sản xuất và những dàn xếp thể chế chung quanh hệ thống sản xuất: điều mà chúng tôi gọi bằng quan hệ làm công ăn lương[21]...
Cuối cùng, một điểm cuối cùng, và đối với tôi, có lẽ là đóng góp quan trọng nhất của lí luyết điều tiết. Trên quan điểm này, theo tôi, điều chủ yếu của cách tiếp cận của chúng tôi là đã đặt trở về trung tâm của động thái tư bản chủ nghĩa, và tôi nghĩ chính đó là cách Marx đã làm, việc nghiên cứu quan hệ tư bản/lao động, những điều kiện thu hoạch và phân chia những lợi thế hiệu suất. Cuối cùng đây là ý nghĩa của tất cả những nghiên cứu được tiến hành xung quanh những phạm trù về chế độ Taylor và chế độ Ford và những biến thái của những phạm trù này với thời gian. Các bạn cho phép tôi nhấn mạnh điểm này vì trong số những tác giả của cách tiếp cận của lí thuyết điều tiết, chính tôi đã nhấn mạnh nhiều đến những vấn đề này. Tôi nói như thế cũng là để cảnh báo rằng một tác giả khác của trào lưu chúng tôi chắc sẽ nhấn mạnh những điểm khác và xây dựng một cách trình bày khác với cách tôi vừa trình bày với các bạn. Tất nhiên trình bày vừa rồi của tôi gắn với lịch sử riêng của tôi và với những quan điểm riêng trong cách tiếp cận chung của lí thuyết điều tiết. Tuy nhiên tôi hi vọng là trình bày hồi cố và được xây dựng lại của phương pháp ban đầu của CTCĐT có thể là hữu ích để định vị tốt hơn điều mà chúng tôi đã cố gắng nói và cách, cho đến nay, chúng tôi đã nói.
III.     Cuộc tranh luận những năm 1980 và những viển cảnh mới mở ra cho cách tiếp cận bằng lí thuyết điều tiết
Tình hình tôi vừa mô tả là tình hình đặc trưng của cuộc tranh luận khi hình thành chính chương trình nghiên cứu của chúng tôi, trong nửa sau thập niên 1970 và vào đầu thập niên 1980.
Từ đó đến nay, biết bao nhiêu nước đã chảy qua dưới cầu, và nội dung của cuộc thảo luận cũng như tính chất của những lập luận được trao đổi đã bị đảo lộn một cách sâu sắc[22]. Nhằm trình bày một vài thay đổi chủ yếu đã tự khẳng định trong thập niên 1980 và tiếp tục quyết định nghiên cứu hiện nay, cho phép tôi tiếp tục sử dụng vẫn phương pháp đã được vận dụng trong những đoạn trên.
Do đó tôi sẽ bắt đầu bằng một số điểm tôi cho là chủ yếu trong tình thế thực tế của thập niên 1980. Đây cũng là dịp để chỉ ra là cách mà những hiện tượng thực tế được tính đến đã dấy lên bên phiá những cách tiếp cận tân cổ điển một sự chuyển mình lớn trên vấn đề phải tính đến những thể chế. Một bản đồ ngắn về những hướng nghiên cứu mới về đề tài này sẽ được phác hoạ.
Đặc biệt là từ sự bố trí mới của những nghiên cứu về các thể chế, một trào lưu phân tích năng động và phong phú nổi lên và tự khẳng định ở Pháp: trường phái này được biết dưới tên là “cách tiếp cận bằng những qui ước”. Đoạn thứ hai sẽ được dành cho việc trình bày những hệ ý chủ yếu của trào lưu mới này. Như thế, do sự gần nhau của trào lưu này với một vài những trực giác trung tâm của CTCĐT nên đoạn này sẽ kết thúc bằng việc đối chiếu hai cách tiếp cận.
1. Tình thế thực tế thập niên 1980 và sự quay trở lại tân cổ điển đối với các thể chế
a) Tác động của khủng hoảng và việc khẳng định một cách khó khăn của một mô hình tăng trưởng mới: về một vài hiện tượng cách điệu hoá riêng cho thập niên
Nhằm làm rõ nét tình thế của thập niên 1980, tôi cũng sẽ thẳng thừng như khi nêu những đặc điểm của tình thế thập niên 1970. Nói gắn gọn nếu có thể coi đặc điểm của thập niên 1970 là sự lan truyền rộng rãi và không thể nghi ngờ của một cơn khủng hoảng lớn (đối với chúng tôi là khủng hoảng của chế độ Ford và của chế độ điều tiết gắn liền với chế độ này) thì nét nổi bật của thập niên 1980 là sự hình thành của một tập những quy tắc vi mô mới (vả lại không phải những quy tắc này là ổn định đồng đều) có thể được xem như những dấu hiệu ít nhiều xác đáng của việc tìm kiếm và thiết lập những quy tắc vĩ mô mới, mầm mống của một chế độ tăng trưởng mới. Nói cách khác, ta nói rằng thập niên 1980 đã thấy việc đặt lại vấn đề những quy tắc fordian càng trở nên sâu rộng, cũng là và nhất là những năm tìm kiếm còn bập bẹ và hỗn loạn của bước chuyển sang những chế độ tăng trưởng hậu fordian.         
Tuy nhiên trong thực tiễn không phải cách nhìn chung và được xây dựng lại này đã bao trùm cuộc tranh luận lí thuyết. Cuộc tranh luận này đã tập trung vào một tập những được thua mang tính địa phương, làm chỗ tựa ngầm[23] cho cuộc tranh luận kinh tế vĩ mô. Nếu ta quan tâm đến những được thua địa phương này, thì ba loại sự kiện cách điệu hoá, theo tôi, cần được nhắc đến do chúng đã quyết định phần lớn cuộc tranh luận lí thuyết của thập niên[24]. Những sự kiện cách điệu hoá này qui về ba loại hiện tượng thực tế có thể được trình bày sơ lược như sau.  
Hiện tượng thứ nhất là quyền bá chủ tương đối của những cách nhìn trọng tiền về lạm phát, và việc triển khai trong những nước công nghiệp lớn những khuyến nghị chính xuất phát từ những cách nhìn này nhằm làm giảm và chống lại lạm phát hai con số của cuối thập niên 1970. Trong thực tế việc triển khai những chương trình này quả đã đi cùng với việc giảm đáng kể lạm phát và đến cuối thập kỉ 1980, có vẻ đã làm chủ được lạm phát hay ít ra là lạm phát đã bị kéo xuống nhiều. Cuộc tranh luận về lạm phát và đình đốn từng nuôi một phần chủ yếu cuộc thảo luận của thập niên 1970 lần hồi tàn lụi đồng thời với sự xuất hiện trở lại trong hầu hết những nước công nghiệp của những “đường Phillips” quen thuộc.
Tuy nhiên cũng trong thời gian này, điều chỉnh trọng tiền đi cùng với một gia tăng của thất nghiệp -hay với việc duy trì thất nghiệp ở những mức cao-, hoàn toàn không được thể hiện bằng một sụt giảm của lương thực tế mà theo logic phải đi cùng với những căng thẳng tăng mạnh trên thị trường lao động. Ngược lại, trong hầu hết các trường hợp, trong lúc thất nghiệp đại chúng và dài hạn được duy trì thì lương thực tế tiếp tục tăng. Cần ghi nhận ngay là nghịch lí này (ít ra là so với những tiên đoán của các cách tiếp cận tân cổ điển) sẽ cho được những thiết kế tân cổ điển có tính đổi mới và phong phú nhất của lí thuyết tân cổ điển đương đại, đặc biệt là trong vấn đề chúng ta quan tâm nhất ở đây tức là vấn đề tính đến các thể chế.
Hiện tượng nổi bật thứ ba sẽ quyết định tiến hoá sau này của nghiên cứu lí thuyết: trong thập niên 1980, một thứ tự thương mại quốc tế mới được khẳng đinh và tự áp đặt. Đây là kết quả của những phương thức -rất khác nhau tùy theo nước- điều chỉnh và thích nghi trước nhiều cú sốc và gián đoạn sinh ra từ hơn một thập niên khủng hoảng liên tục. Đặc biệt những thành tích của Nhật -về tăng trưởng nội bộ cũng như những thành tựu thương mại quốc tế- ngày càng hiện ra, nhất là ở Hoa Kì, trung tâm đào tạo và thúc đẩy những hướng nghiên cứu lí thuyết, như một bí ẩn ám ảnh và việc tìm hiểu bí ẩn này đòi hỏi phải cập nhật nhiều công cụ phân tích của những cách tiếp cận cổ điển.
Về phiá các tác giả thuộc CTCĐT, chương trình nghiên cứu sẽ ghi nhận những thay đổi này và chuyển sang những quan tâm ngày càng rõ rệt mang tính chương trình hơn, mà cốt lõi nhằm tư duy những hình thái điều chỉnh và pháp điển hoá trở lại những quan hệ xã hội cơ bản cho phép thoát ra khỏi chế độ Ford bằng “lối trên”. Đặc biệt là nếu trong thập niên 1970, những công trình của CTCĐT là nặng tính kinh tế vĩ mô thì trong thập niên 1980 -dù cho những mối quan tâm kinh tế vĩ mô không biến mất- nhiều nghiên cứu CTCĐT tập trung vào những khiá cạnh kinh tế vi mô của những thay đổi đang xảy ra. Lí do cuối cùng của việc chuyển hướng đến mặt “vi mô” và “địa phương” là, trung thành với phương pháp của nó, CTCĐT cố gắng phát hiện từ những hành vi giữa các tác nhân những pháp điển mới đang hình thành. Mối bận tâm ở đây là làm rõ những pháp điển của những quy tắc vi mô mới” sinh ra từ những quan hệ giữa các tác nhân và có tương lai, khả dĩ hình thành những hình thái sơ đẳng” của những hình thái cấu trúc” sắp tới của những chế độ tích lũy hậu fordian phôi thai.            
Như thế, trong lúc những cách tiếp cận tân cổ điển, phi chính thống hay không, mở ra cho những nghiên cứu về các thể chế và việc pháp điển hoá những quan hệ giữa các tác nhân thì CTCĐT trong những nghiên cứu về những quy tắc vi mô mới lại coi trọng kinh tế vi mô. Từ đấy có một không gian những mối quan tâm chung mở ra cho những cách tiếp cận cá thể phi chính thống và những nghiên cứu của CTCĐT về những quy tắc vi mô mới.
Tuy nhiên, ở giai đoạn này cho phép tôi không vào chi tiết những hướng nghiên cứu khác nhau của các tác giả theo CTCĐT để tập trung sự chú ý vào những chuyển hướng của một vài chương trình nghiên cứu của các cách tiếp cận tân cổ điển chuẩn.
Nếu lập luận trên những sự kiện cách điệu hoá thì các nhà tân cổ điển xem hai nghịch lí hay thách thức là thích đáng. Thách thức thứ nhất nhằm giải thích sự tiến triển của lương thực tế trong tình hình thất nghiệp được củng cố (thậm chí trong một số trường hợp là gia tăng của thất nghiệp). Thách thức thứ hai là, trong khuôn khổ của một suy ngẫm về cái tại sao của việc phân công quốc tế về lao động, lí giải sự vươn lên không gì cưỡng được của nền kinh tế Nhật. Điều nên ghi nhận là không có gì cho phép, một cách tiên nghiệm, cho rằng có thể giải thích hai loại hiện tượng này bằng những công cụ phân tích có cùng bản chất. Thế mà sau đây ta sẽ thấy là một vài tác giả trong số những nhà lí thuyết tinh vi nhất sẽ để lại dấu ấn trong thập niên 1980 sẽ phát biểu được những khái niệm đủ mạnh và tổng quát để có thể áp dụng những nguyên lí phân tích chung vào cả hai loại hiện tượng.
b)... và tác động của những sự kiện cách điệu hoá này trên lí thuyết
Robert Solow (1924-)
Đi vào thực chất thì hai thách thức vừa nêu đã chiếm một vị trí quyết định trong việc định hướng nghiên cứu lí thuyết và đã gợi lên sự hình thành hay khẳng định của hai hướng nghiên cứu lớn mới.
Liên quan đến nghịch lí lương thực tế/thất nghiệp đại chúng một hướng phân tích, bắt đầu với lí thuyết những hợp đồng ngầm[25], sẽ được triển khai và tách thành nhiều nhánh để cuối cùng đi đến gần như đảo ngược hoàn toàn hệ ý tân cổ điển về lí thuyết thị trường lao động. Tác phẩm mới đây của Solow [1989] (mà chỉ riêng tựa của nó Thị trường lao động như một thể chế xã hội [The Labor Market as a Social Institution] đã vang vọng như một tuyên ngôn phi chính thống) đánh dấu một điểm gián đoạn và như một sự thừa nhận hàn lâm không thể quay ngược của giới quyền uy tân cổ điển quốc tế về sự đảo ngược hệ ý này.
Herbert A. Simon (1916-2001)
Hướng nghiên cứu lớn thứ hai sẽ tự khẳng định và phát triển mạnh trong thập niên 80 xử lí những doanh nghiệp kinh tế như những tổ chức, các tổ chức này được đặc trưng bởi sự tồn tại đồng thời của những thị trường nội bộ và việc thực thi một tính duy lí qui trình chứ không phải là một tính duy lí thực sự[26]. Ở đây cuộc cách mạng do Simon [1951] phát động sớm, cuối cùng đã phát huy ảnh hưởng, xô đẩy những khuôn khổ phân tích truyền thống về doanh nghiệp làm thay đổi đến ngay cả định nghĩa của doanh nghiệp. Thật không đơn giản hiểu được vì sao hướng nghiên cứu và phân tích được Simon đề xuất, trong một thời gian dài là thiểu số -và gần như nằm bên lề- đột nhiên lại nằm ở trung tâm những đóng góp và quan tâm chính của nhiều nhà kinh tế tân cổ điển. Về phần mình, tôi bảo vệ giả thiết, trong toàn bộ những lí do có thể được viện dẫn, là việc đối mặt giữa những nhà kinh tế chính thống Mĩ với điều lâu nay được họ gọi bằng “sự dị thường Nhật Bản"[27] giữ vai trò chính[28]. 
Trong mọi trường hợp, thì sự khẳng định của hai trào lưu phân tích vừa nêu, một mặt chung quanh quan hệ việc làm được xem như một quan hệ hợp đồng, và mặt khác chung quanh doanh nghiệp được xem như một tổ chức, và sau đấy sự kết hợp của hai trào lưu này trong những nghiên cứu có thể được tóm tắt bằng cách nói rằng chúng vận dụng một cách tiếp cận hợp đồng” về kinh tế, cuối cùng đã thay đổi triệt để những đường phân ranh giữa cách tiếp cận điều tiết và những cách tiếp cận tân cổ điển thống trị. Lí do là tất cả những tác giả đổi mới và phong phú nhất của những trào lưu phân tích này đều dành cho những thể chế một vị trí then chốt trong diễn tiến của những logic kinh tế bằng cách xa rời ý tưởng -vốn đặt nền móng cho những cách tiếp cận tân cổ điển trước đó- cho rằng cuối cùng phải nắm bắt những thể chế như những cứng nhắc gây trở ngại cho việc đóng những thị trường ở thế cân bằng. 
Dù sao thì sau một thập niên nghiên cứu tích cực và phong phú để đối mặt với những điều mà nó xem là những nghịch lí và thách thức đối với khả năng tiên đoán của nó thì lí thuyết tân cổ điển cuối cùng đã “khám phá” ra vai trò của những thể chế trong kinh tế và liên hệ chặt chẽ với sự nổi lên của những lí thuyết về tổ chức, một “học thuyết chính thống” được đổi mới nhiều đã sinh ra từ những khám phá này.      
Sau đây chúng tôi sẽ trình bày những nét chính của học thuyết chính thống này, trong mức độ mà học thuyết này va chạm mạnh đến những thành quả chủ yếu của cách tiếp cận điều tiết.
2. Các thể chế trong học thuyết chính thống mới: một bản đồ ngắn về những nghiên cứu đang được tiến hành
Để tranh thủ thời gian, chúng tôi nói ngay tức khắc và rõ ràng là những hình thức tính đến những thể chế -hay doanh nghiệp được xem như một tổ chức- chỉ cuối cùng đưa đến việc xây dựng lại hệ ý tân cổ điển trước đây là không có ích lợi gì đối với chúng tôi và do đó không được xem xét ở đây. Chúng tôi muốn nói đến những phiên bản của “lí thuyết những hợp đồng ngầm”, của “lí thuyết những quyền sở hữu”[29], của “lí thuyết người ủy quyền-người đại diện”[30] vốn chỉ đi vòng qua những “sự kiện cách điệu hoá”[31] và những “thể chế” chỉ để khép lại kín hơn trên cõi vĩnh hằng của tính duy lí thực sự và của nguyên lí tối đa hoá lợi nhuận, trong những vũ trụ mà tính bất trắc chỉ được khng định để xác lập rằng có thể qui giản bất trắc bằng cách viện đến những giả định trước có tính cổ điển của cách tiếp cận chuẩn[32].      
Một khi loại đi những phát triển trên, thì còn giữ lại những cách tiếp cận mới phi chuẩn nào?
a) Thị trường lao động như một thể chế
George Akerlof (1940-)
Harvey Leibenstein (1922-1994)
Việc những mảng quan trọng của nghiên cứu tân cổ điển khám phá (lại) rằng quan hệ việc làm không phải là một quan hệ hàng hoá đơn giản trao đổi những hàng tương đương (lương đổi lấy hiệu suất cận biên) có lẽ là đổi mới chủ yếu của nghiên cứu tân cổ điển đương đại và những hệ quả của sự đổi mới có một tầm quan trọng lớn. Lấy lại một số trực giác của Leibenstein, những cách tiếp cận bằng lương hiệu quả[33] do Akerlof khởi xướng khám phá lại những nguyên lí phân tích mà Marx đã đặt vào trung tâm của chính thiết kế lí thuyết của ông. Như điều được mua không phải là một lao động định lượng được một cách tiên nghiệm, mà là một “công suất” lao động (Leibenstein hay Akerlof gọi bằng những “đơn vị thời gian lao động”) mà hiệu suất sẽ tùy thuộc vào những phương pháp khuyến khích được thiết lập trong quan hệ lao động. Tất cả những phát triển chung quanh lí thuyết lương thực tế với nhiều biến thể khác nhau[34], như thế dẫn đến việc dành một vị trí trung tâm trong phân tích hiệu quả của doanh nghiệp cho những qui tắc (thành văn hay không) sử dụng lao động gắn với hợp đồng lao động. Nói cách khác, đây là lần đầu tiên, ở một mức độ quan trọng và được phát triển ngay trong nội bộ của những cách tiếp cận xuất phát từ học thuyết tân cổ điển chính thống, vai trò quyết định của những thể chế và những quy tắc vi mô, mà trung tâm nằm trong doanh nghiệp, nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế được khẳng định. Thể chế không nhất thiết là một cứng nhắc ngăn cản đạt đến cân bằng, mà ngược lại phải cần đến thể chế để đảm bảo cân bằng[35].    
Hơn thế nữa, thông qua những khái niệm “rủi ro đạo đức”[36] và “lựa chọn nghịch”[37], một điều như nguyên lí đối kháng tư bản/lao động đã được tìm lại, dù cho những cách đặt vấn đề bằng “sòng phẳng” (fairness), “quà tặng” và “quà đáp lễ” hay “lòng tin” (trust) nhằm thiết lập, bằng lí thuyết trò chơi, những lời giải hợp tác là những biện pháp hiệu quả nhất cho mọi người cũng như cho mỗi người trao đổi...
Do đó, trong những điều kiện trên, ta hiểu rằng một đường phân chia chủ yếu với cách tiếp cận của lí thuyết điều tiết đã dịch chuyển[38].
b) Tổ chức, qui tắc và nề nếp cũ
Liên quan đến những quan niệm mở cửa này (còn được thể hiện bằng một vài đảo ngược của hệ ý)[39] đã có nhiều bước phát triển khác trong lòng hay từ cách tiếp cận kinh tế vi mô truyền thống. Ta thử nêu hai trong số những tiến triển này.
Những bước phát triển đầu, thừa kế công trình của Simon [1951], nhằm tư duy doanh nghiệp không phải như một cá thể (dù cho đó là một cá thể “lớn”)[40] nhưng như một tổ chức. Nghĩa là một tập những quan hệ có thứ bậc mà cấu trúc được hợp thành từ những thị trường nội bộ. Trong một vũ trụ như thế, độc nhất chỉ có thể giữ lại một tính duy lí được nhận dạng như một tính duy lí qui trình[41]. Như thế, đến cực hạn, và chúng tôi sẽ trở lại điểm này sau, doanh nghiệp được định nghĩa như một “thiết kế nhận thức tập thể” (Favereau [1989]), một cách để chỉ rằng điều quan trọng trong những đặc điểm của doanh nghiệp là ở những quá trình tập huấn diễn ra trong doanh nghiệp, chính những quá trình này cũng phải dựa trên -và được đảm bảo bởi- một tập những qui tắc và qui ước đặt cơ sở cho tính hiệu quả của doanh nghiệp. Kết quả của những phát triển trên là trong chương trình nghiên cứu của những cách tiếp cận đã đưa đến những phát triển trên, việc nghiên cứu những qui tắc, qui ước hay thể chế ... có khả năng bảo đảm hiệu quả cao nhất cho những cơ chế phân công lao động và phối hợp công việc -trong “nội bộ” cũng như trong quan hệ giữa các doanh nghiệp- được đặc biệt chú ý. Hiển nhiên là một chương trình nghiên cứu như thế có nhiều mối quan tâm chung với chương trình của CTCĐT như đã được hình thành lúc trào lưu ra đời.
Joseph Schumpeter (1883-1950)
Có thể gán loạt phát triển thứ hai với những đóng góp của trường phái tiến hoá[42]. Đặc điểm của hướng nghiên cứu này là kết hợp một cách tiếp cận dứt khoát là kinh tế vi mô và cá thể[43] với cách nhìn một thị trường không tự điều chỉnh. Ở đây chỉ có khả năng xây dựng và lựa chọn những “nề nếp” tốt mới giúp doanh nghiệp đối mặt với sự bất trắc chủ yếu của môi trường. Nhất là khi chính môi trường của doanh nghiệp là do sự đổi mới nhanh chóng và đa dạng quyết định; và đây là giả thiết của các nhà tiến hoá mà như ta biết, là những nhà kinh tế công khai thừa nhận Schumpeter như người sáng lập trường phái của họ.
c) Trường hợp Aoki
Trong cấu hình vừa được mô tả, Aoki giữ một vị trí rất đặc biệt và về nhiều mặt là xuất sắc. Để nói ngắn gọn, chuyện phi thường của Aoki là đã đồng thời đổi mới mạnh mẽ những công cụ và biểu trưng về doanh nghiệp và, trên cơ sở đó đề xuất những lập luận vững chắc và thuyết phục để giải thích những thành tựu kinh tế vĩ mô xuất sắc của Nhật. Như thế, như một tên tuổi lớn ông đã bước vào cuộc tranh luận về những cơ sở đương đại của tính cạnh tranh kinh tế, một vấn đề nằm ở trung tâm của tư duy về hậu chế độ Ford.
Do đó, theo cách riêng của mình, Aoki trả lời nhiều thách thức và nghịch lí nổi lên trong thập niên 1980 bằng cùng một loạt những công cụ. Đặc biệt những công trình của ông [1984], [1986], [1988], vừa có một vai trò chủ yếu trong sự đổi mới những cách tiếp cận và những công cụ kinh tế vi mô, vừa có một vị trí đặc biệt trong phân tích tổng quát những thay đổi đang diễn ra[44].
Tóm lại, theo những phương thức riêng biệt, nhiều cách tiếp cận tân cổ điển khác nhau tìm ra hay tìm lại được một điểm tạo lập của sự hình thành chương trình nghiên cứu của CTCĐT: xem xét dưới những điều kiện “thể chế” nào một thị trường mà thực chất được xem là tự điều tiết có thể có được tính ổn định và tính hiệu quả...
Tuy việc nhắc lại như trên những đóng góp của những trào lưu tân cổ điển khác về việc tính đến những thể chế, được chúng tôi dùng làm sợi chỉ đó xuyên suốt tiểu luận này, là nhanh và sơ lược song ít ra cũng có lợi ích là cho thấy cuộc tranh luận giữa CTCĐT và những trào lưu trên đã chuyển biến nhiều.
Có thể nào, trên điểm này, phác hoạ bối cảnh mới sau những thay đổi trên, đo những điểm đồng ý và khoảng cách hay đối lập còn tồn tại hay mới hình thành chăng? Do không thể tiến hành một đánh giá đầy đủ, chúng tôi đã chọn việc đối chiếu những CTCĐT với những cách tiếp cận có vẻ là gần nhất với cách tiếp cận này: cách tiếp cận của trường phái Pháp gọi là trường phái những qui ước[45]. Hơn nữa do trường phái này đã biết thu nhận những đóng góp đổi mới nhất của những cách tiếp cận tân cổ điển phi chính thống, việc điểm một cách có phê phán từ quan điểm của CTCĐT sẽ cho phép đối chiếu những vấn đề chủ yếu mà những phát triển mới của những dị thuyết này đặt ra.
3. Qui ước và điều tiết
Một khó khăn đầu tiên đối với trường phái Pháp được gọi là trường phái những qui ước là cách tiếp cận, còn mới, chưa được thiết lập hoàn chỉnh và chưa có cơ sở duy nhất và được xác lập rõ nét. Một kiểu “tuyên ngôn” phương pháp luận được những tác giả chính của trào lưu kí tên trong một số đặc biệt của tạp chí Revue économique (vol. 40, số 2, tháng ba 1989). Chúng tôi sẽ chủ yếu dựa vào tài liệu này và mở rộng cuộc điều tra sang một số bài viết khác của các tác giả qui ước, thích hợp với chủ đề được xem xét. 
a) Cách tiếp cận Pháp về những qui ước, điểm chung và những khác biệt với CTCĐT
Điều thú vị của tuyên ngôn trên là đã tập trung nêu bật trong một số ít câu, những di sản được các tác giả thừa nhận đối với các truyền thống tân cổ điển dị thuyết đương đại và những hướng mà các nhà qui ước cho rằng có thể vượt qua được những giới hạn của những cách tiếp cận dị giáo này để tạo ra một tính chặt chẽ mà, theo các tác giả này, cách tiếp cận đang hình thành còn thiếu.
Như vậy, tất cả được qui về hai mệnh đề chủ yếu sau:
1.  
Emile Durkheim (1858-1917)
Ngược lại với giả định của những cách tiếp cận tân cổ điển -kể cả hầu hết những cách tiếp cận của chính các nhà dị giáo- các nhà qui ước cho rằng không thể hiểu và lí giải “những quan hệ hàng hoá và những hợp đồng trao đổi giữa các cá nhân” mà “không có một khuôn khổ chung, một qui ước cấu thành” (trang 142). Qui ước cấu thành được hiểu trong nghĩa mạnh của từ này, theo nghĩa của Durkheim, một nhà xã hội học giả định là có một “chuẩn cơ bản” và chuẩn này có “nguồn gốc xã hội ”. Như thế, theo các nhà qui ước, những người trao đổi không thể tự xem là đã thoát khỏi mọi ràng buộc bên ngoài vượt quá sự gặp nhau của hai quyết tâm thuần túy, như trong trường hợp của lí thuyết tân cổ điển về hợp đồng[46]. Giả định trước này sẽ đưa các nhà qui ước dấn thân vào lĩnh vực khó khăn của việc khai phá “hiểu biết chung[47] (common knowledge), hiểu biết chung này chủ trì những cuộc trao đổi[48]. Việc khai phá này có nhiều khó khăn vì khung “cấu thành” của những trao đổi được đánh giá bằng những từ khác nhau như “... một hệ ý (Orléan), một ý nghĩa chung (Dupuy), một mô hình nhận thức (Favereau), một hệ thống tri thức (Salais), những biểu trưng, một cơ cấu thông tin, v.v... xây dựng lên những thông tin được xem là thích đáng và có ích cho hành động và quyết định tính chất những đối tượng có thể dùng làm nguyên liệu (Eymard-Duvernay, Thévenot)” (trang 142).
Những khó khăn này, và tại sao không nói là sự mơ hồ này, về điều nằm ngay ở trung tâm của thiết kế vì đây không gì khác hơn là hệ ý cấu thành của cách tiếp cận, theo chúng tôi, gắn với việc là, tuy qui chiếu về một chuẩn cơ bản và chuẩn này có cả một nguồn gốc xã hội nhưng các tác giả lại khẳng định rằng họ “... đồng ý với nhau là việc thừa nhận vai trò của một qui ước chung không đưa đến việc từ bỏ những giáo huấn của phương pháp luận cá thể...” (trang 143). Như thế hiện ra một chương trình mà nét chính là nhằm suy từ hành vi của những tác nhân nhỏ một “chuẩn” có trước những hành vi này... Kết quả là một bên là vai trò cấu trúc của những qui ước, và bên kia là phương pháp luận cá thể đều được xem là những viên đá làm nền tảng cho thiết kế qui ước trong một thế cân bằng mà ta thấy là được xây dựng vô cùng mong manh trong chừng mực mà các tác giả đã tự dấn mình -một cách có cân nhắc- vào những vấn đề đáng gờm của lập luận lẩn quẩn.               
2.   Gián đoạn thứ hai được chính các nhà qui ước trình bày nằm ở việc cần thiết mở rộng phân tích sang những quan hệ không hoàn toàn hàng hoá nhằm xem xét vô số những phương thức phối hợp phi hàng hoá giữa các tác nhân. Điều này đòi hỏi việc từ bỏ những giả thiết về hành vi tối đa hoá gắn với sự tồn tại của tính duy lí thực sự. Một việc từ bỏ mà hầu hết những cách tiếp cận tân cổ điển không chịu giải quyết nên không hưởng được những lợi ích thật sự của những cách tiếp cận không kinh tế về những hiện tượng kinh tế mà họ đã phải tiến hành.
Cuối cùng kết quả của sự đoạn tuyệt kép được các tác giả qui ước đảm nhận là đã “... đưa vào những khái niệm không nhất quán với một khuôn khổ của cân bằng thị trường phi thời gian: tính không đảo ngược, dài hạn, tập huấn, tính duy lí thủ tục...” (trang 143).
Áp dụng vào những vấn đề được đề cập trong tiểu luận này, những mệnh đề trên định vị rõ ràng quan điểm của các nhà qui ước, cho thấy những điểm giống nhau cũng như khoảng cách đối với các nhà điều tiết. Về mặt này có thể đánh giá như sau.
Điểm chung của hai cách tiếp cận là cho rằng thị trường không tự điều chỉnh được[49]: kết quả là chỉ có sự có mặt của những phương thức phối hợp phi thị trường mới có thể, trong vũ trụ không chắc chắn, mang lại một ít quy tắc và ổn định cho diễn tiến của những trao đổi. Như thế những qui ước cấu trúc các hành vi và đồng thời, do những qui ước này đối mặt nhau nên chúng được củng cố hoặc biến dạng. Ở cấp độ nắm bắt đầu tiên này dường như đối tượng và mối quan tâm của các nhà qui ước và các nhà điều tiết là giống nhau: việc tính đến những thể chế là bước đi bắt buộc cho phép hiểu được vì sao thị trường vốn cơ bản là không tự điều chỉnh và mù quáng lại có thể đưa đến những thời kì tăng trưởng ít nhiều ổn định và lâu dài. Tuy nhiên những điểm giống nhau ngừng lại ở đây. Vì nếu chương trình nghiên cứu ở cấp độ này là rất gần với chương trình nghiên cứu của các nhà điều tiết thì cách tiến hành chương trình này vận dụng những công cụ và phương pháp điều tra hoàn toàn khác, và chúng tôi nói ngay là những công cụ và phương pháp này là bấy nhiêu dấu hiệu cho thấy một cách nhìn khác về sự hình thành những thể chế, và một phần cách hoạt động của những thế chế này.         
Thật vậy, những công trình đã qua hay đang được tiến hành cho thấy một đặc điểm lớn của cách tiếp cận bằng những qui ước là khi có tính đến những lựa chọn phương pháp luận lúc ban đầu thì mưu toan nhằm nội sinh hoá những thể chế và vị trí của chúng cuối cùng dẫn đến việc làm chúng hoàn toàn “biến mất”, bằng cách qui chúng về vai trò những “qui ước”, những qui ước này hoàn toàn được thể hiện trong hành vi của những tác nhân vi mô. Vả lại, trong tuyên ngôn của họ các tác giả rất rõ ràng khi viết là “... thay vì đi tìm trong những thể chế xã hội phi hàng hoá chỗ dựa cho những quan hệ hàng hoá ẩn chìm trong đó thì phải tìm cách làm rõ giả định trước chung đặc trưng cho trao đổi hàng hoá và chứng minh là trao đổi hàng hoá hợp thành một hình thái của cái tập thể” (trang 143).
Ở đây ta đụng ngay vào cái lõi của nghịch lí và quan điểm đặc biệt của các nhà qui ước đối với các thể chế: những thể chế là một chuẩn xã hội nhưng lại không có trước mà là kết quả của hành vi của các tác nhân nhỏ song bản chất của những hành vi này lại thuộc về cái tập thể...
b) Hệ ý cạnh tranh nhau hay bổ sung cho nhau?
Người ta hiểu được là một chương trình như thế, mà tham vọng không gì khác hơn là nội sinh hoá việc hình thành và vai trò của những thế chế, hấp dẫn các nhà điều tiết. Vả lại những mặt bổ sung tiềm tàng của hai cách tiếp cận đã sớm được các nhà điều tiết cũng như các nhà qui ước phát hiện. Như thế, ngay từ 1986, R, Boyer viết rằng: “... có thể hình dung một khuôn khổ holistic (toàn thể) xác định những luật chơi chủ yếu nhất, rồi một cách tiếp cận kiểu cá thể làm rõ cách phân bổ những cá thể khác nhau trong những quan hệ sản xuất hiện hành. Song song với việc này không có gì cấm cản xây dựng những cơ sở kinh tế vĩ mô và thể chế cho một lí thuyết vi mô” (trang 98). Một chương trình được Favereau, trong phần kết luận của bài viết quan trọng của ông năm 1989 đáp lại như sau: “... vấn đề không phải là thiếu những công trình kinh tế vi mô (Simon, các tác giả thể chế...) cũng như không phải là sự nghèo nàn của những chương trình kinh tế vĩ mô (Keynes, các tác giả điều tiết...). Vấn đề chủ yếu nằm ở chỗ khác: những tác giả này không có kinh tế vĩ mô của kinh tế vi mô của họ trong lúc những người kia lại không có kinh tế vi mô của kinh tế vĩ mô của họ” (trang 324). Không thể nào làm rõ hơn cách mà hai tác giả này định vị những “cơ sở khách quan” của sự củng cố lẫn nhau của hai chương trình. Tuy nhiên, trên đường bổ sung và tổng hợp nhiều khó khăn nghiêm trọng xuất hiện như chúng tôi sẽ thử trình bày sau đây. 
Boyer, Orléan [1990]: một mưu toan không thành nhằm thiết lập những bổ sung cho nhau giữa các nhà qui ước và các nhà điều tiết...
Với mục đích rõ ràng nhằm tìm hiểu những bổ sung có thể giữa hai cách tiếp cận, R. Boyer và A. Orléan [1991] đã nghiên cứu sự hình thành của những qui ước “fordist” và ”toyotian”. Vượt ra khỏi lĩnh vực ứng dụng được chọn, quả thật đây là một nghiên cứu có ý đồ phương pháp luận chung. Như các tác giả nói rõ: “... lí thuyết điều tiết minh hoạ khá tốt kiểu tiếp cận (...) đặt lên hàng đầu vai trò của những cấu trúc thể chế trong việc xác định những thành tựu kinh tế”, (...) một trong những đặc điểm của dự án mà kinh tế những qui ước theo đuổi là nhấn mạnh đến sự phân tích những cơ sở kinh tế vi mô cho phép giải thích vai trò và tiến hoá của những thể chế...”. Nói rõ ra dự án là: kinh tế qui ước có thể hình thành cơ sở vi mô mà lí thuyết điều tiết đang thiếu[50] bằng cách cung cấp cho lí thuyết này những công cụ giúp làm rõ việc hình thành những quy tắc (nhỏ) mà lí thuyết điều tiết giả định những khi lí thuyết này viện đến vai trò của những thể chế trong tiến trình của tích lũy tư bản hay không? Quả thật là một dự án phong phú và đầy hứa hẹn.
Tiếc thay, cho đến nay những kết quả của bài tập này không mấy khả quan. Vì dù không đi vào chi tiết lập luận của bài viết thì cũng phải nhắc nhanh tại sao cho đến nay công việc này là một thất bại kép.  
Henry Ford (1863-1967)
Thất bại thứ nhất mà bài viết này là một minh chứng được chính những tác giả của nó khẳng định và đảm nhận. Những công cụ (cá thể) của lí thuyết qui ước áp dụng vào một mô hình đơn giản của lí thuyết trò chơi cho thấy là không thể bằng cách này suy ra từ hành vi của những tác nhân nhỏ việc hình thành của chuẩn lương fordian: qui ước fordian[51] được hình thành hoàn chỉnh không thể được suy ra từ qui ước “fordist” ban đầu như được H. Ford hình dung. Nói cách khác, sự phát sinh và hình thành của hình thái cấu trúc “quan hệ làm công ăn lương fordian” không thể được nội sinh hoá bằng những công cụ của lí thuyết qui ước[52]. 
Sau khi thừa nhận thất bại này, bài viết chuyển sang một hướng khác để đi đến luận điểm là những gì không giải thích được ở Hoa Kì trở thành giải thích được trong trường hợp của Nhật. Quả thật luận đề -được các tác giả xem là “ngược đời”- là qui ước fordist tuy không áp dụng được cho vùng đông bắc của Hoa Kì lại trở thành áp dụng được “nguyên con”... cho bang Kansas -sáu mươi năm sau... Điều quan trọng là một khẳng định như thế chỉ có thể được phát biểu bằng một phù phép phương pháp luận. Để có thể tuyên bố rằng những qui ước “fordist” và “toyotian” là giống nhau đã phải không kể đến trong cả hai trường hợp những gì đụng tới các “qui ước về hiệu suất” và chỉ tập trung vào những qui ước việc làm, và hơn nữa những qui ước việc làm này chỉ được định nghĩa từ những đặc điểm bề ngoài[53]. Nếu có tính đến những “qui ước về hiệu suất” thì điều hiển nhiên là chế độ Ford và chế độ Toyota giống nhau như mặt trăng với mặt trời[54]. Nói cách khác thao tác cho thấy rằng thiếu một cách tiếp cận lịch sử và holist (những điều kiện tương ứng về sự hình thành các giai cấp công nhân, đối đầu tư bản/lao động trên những thị trường lao động và sản phẩm mà những đặc điểm là gần như trái ngược nhau ở Hoa Kì và ở Nhật) thì cách tiếp cận bằng những qui ước chỉ có thể thất bại: hoặc là qui ước fordist không sinh ra được từ quan hệ làm công ăn lương fordian hoặc là cách tiếp cận này tuyên bố rằng hai qui ước (fordist và toyotian) là giống nhau nhưng nếu chúng được phân tích bằng những công cụ của lí thuyết điều tiết thì sẽ làm nổi rõ hai loại hình thái cấu trúc rất khác nhau[55]: những quan hệ làm công ăn lương fordian và toyotian đối lập nhau trên phương diện những điều kiện thu hoạch những lợi thế hiệu suất (dây chuyền lắp ráp chống lại “đúng hẹn” và “tính tự chủ”) cũng như trên những phương thức phân chia những lợi thế này (trong một trường hợp là lương theo giờ lao động và 5 đô la một ngày và trường hợp kia là lương theo thâm niên cộng với tiền thưởng)[56].               
Từ tất cả những điều trên, nên chăng kết luận rằng không thể kéo hai cách tiếp cận lại gần nhau và chúng chỉ có thể tồn tại trong thế cạnh tranh với nhau? Chúng tôi không nghĩ như thế. Nhưng để đạt đến sự bổ sung đang tìm kiếm thì phải làm rõ một vài điều kiện tiên quyết.
... và những nguyên nhân: về một vài giới hạn của cách tiếp cận bằng qui ước
Hãy đề cập trực tiếp đến điều chúng tôi xem là cốt lõi của những khó khăn. Hiển nhiên là những khó khăn này xoay quanh lựa chọn cá thể dứt khoát của cách tiếp cận bằng những qui ước. Nhưng thay vì khẳng định điều này như một nguyên tắc, một việc không làm cho cuộc tranh luận tiến lên, theo chúng tôi sẽ là bổ ích và xây dựng hơn nếu chỉ rõ những hình thái của khó khăn này ở những cấp độ chi tiết hơn của phân tích kinh tế, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến định nghĩa và những phương thức tính đến các thể chế.  
Trên quan điểm này, theo chúng tôi, có ba vấn đề cốt lõi trong cuộc tranh luận giữa các nhà qui ước và các nhà điều tiết.
1. Sự hình thành những thể chế, vai trò và vị trí của lịch sử, của giai cấp và mâu thuẫn giai cấp
Như chúng tôi đã nói, trong cách tiếp cận của lí thuyết điều tiết vấn đề đối kháng tư bản-lao động xét một cách tổng thể và những mâu thuẫn sinh ra từ đó nằm ở trung tâm của cách đặt vấn đề. Chính ngay nguyên lí của sự cần thiết một điều tiết và do đó của vai trò “điều tiết” của những thể chế là do sự vận động của những mâu thuẫn chủ yếu được xem là cấu thành của quá trình tích lũy tư bản. Mâu thuẫn cơ bản nhất nảy sinh từ tính chất tư nhân và phân tán của những quyết định các tác nhân lấy trong một nền kinh tế trao đổi phổ biến và việc những quyết đinh tư nhân và phân tán này chỉ có thể có được những giá trị xã hội. Mâu thuẫn tư nhân/xã hội này là cơ sở của mọi nền kinh tế trao đổi phổ biến được khẳng định trong trường hợp của chủ nghĩa tư bản dưới thể thức của một mâu thuẫn trung tâm khác cấu thành phương thức sản xuất này: mâu thuẫn đối lập nhà tư bản và người làm công ăn lương vào dịp hình thành sản phẩm (xã hội) cũng như vào dịp chia sản phẩm này. Trong CTCĐT -ít ra là trong cách tôi biểu trưng nó- toàn bộ những mâu thuẫn này hợp thành nguyên lí động của tích lũy. Chính nó là nguồn gốc của việc hình thành và biến thái của những “hình thái cấu trúc” đặc trưng cho phép xác định “kiểu” của một hình thái cấu trúc nhất định. Do đó việc viện đến phương pháp lịch sử là phương pháp cấu thành CTCĐT và không thể tách rời khỏi cách tiếp cận này.
Trên tất cả những điểm này, sự kín đáo của lí thuyết qui ước là đáng chú ý. Nếu xã hội học được viện dẫn một cách mạnh mẽ thì lịch sử chỉ có một vai trò rất yếu. Trong lí thuyết qui ước, trên những khía cạnh của những khái niệm trung tâm, trước hết là trên định nghĩa và vai trò của chính bản thân các qui ước[57], lịch sử được giả định trước hơn là được viện dẫn và được huy động một cách rõ ràng. Như thế, theo chúng tôi điều này giải thích sự nhập nhằng cơ bản chung quanh khái niệm “common knowledge”, một khái niệm luôn được đặt ra trước nhưng nguồn gốc và nội dung của nó thì không ai biết gì cả. Khó khăn ở đây là tuy đặt và giả định trước sự tồn tại của một hiểu biết chung mà nếu không có nó thì sẽ không tồn tại bất kì qui ước nào, tham vọng nói ra hay không của các nhà qui ước là “suy” ra hiểu biết này từ hành vi của các tác nhân nhỏ.
Tóm lại và đây là điểm nhạy cảm thứ nhất, việc các nhà qui ước “từ chối” lịch sử và những mâu thuẫn làm lịch sử vận động, dù họ vào thế khó khăn trước vấn đề sự phát sinh của các thể chế: tuy sự tồn tại của những thể chế luôn được giả định trước nhưng họ muốnsuy” ra những thể chế từ hành vi của các cá nhân nhỏ.
2. Thứ bậc của những thể chế hay một tập những qui tắc không thể tách rời
Kết quả là có một loạt những vấn đề khó liên quan đến thứ bậc của các thể chế và cách chúng hoạt động. Trên điểm này chính khái niệm thứ tự những thể chế, do thiết kế là hoàn toàn xa lạ với tư tưởng qui ước, ngược lại nằm ở trung tâm của những thiết kế điều tiết. Thật vậy trong CTCĐT, ở chế độ ổn định, những hợp đồng (rõ ràng hoặc ngầm ẩn) giữa các tác nhân được kí dưới ràng buộc của những quy tắc bị áp đặt và ứng với những thỏa hiệp được thể chế hoá. Chính những thể chế then chốt này cho phép các tác nhân dự phóng những chủ quan và quyền lợi của họ theo những phương thức tương thích với một sự ổn định tương đối và mạnh mẽ của những quá trình tích lũy tư bản. Dù cho đó là những bố trí liên quan đến việc quản lí tiền tệ hay việc tái sản xuất sức lao động, để chỉ nói đến hai loại xây dựng thể chế chủ yếu nhất, không thể kiến giải bất kì hợp đồng nào mà không phải qui chiếu về sự thống trị của những thể chế vĩ mô. Chức năng của khái niệm thỏa hiệp được thể chế hoá chính là để chỉ ra rằng trong CTCĐT có một thứ bậc của những thể chế và cũng để cho thấy rằng không thể nắm bắt thứ bậc giữa những thể chế có vai trò thống trị hành vi của các tác nhân nhỏ mà không vận dụng đến mâu thuẫn và lịch sử.
Theo chúng tôi không thể tìm thấy một điều tương tự trong cách tiếp cận qui ước, vì trong cách tiếp cận này nếu một vài qui ước được khẳng định là có tính tạo lập thì nội dung của những qui ước này được trình bày như là hợp thành từ những qui tắc, hợp đồng, chờ đợi lẫn nhau và thỏa hiệp khác nhau không thể gỡ ra được. Thật vậy mọi việc diễn ra như thể ta đứng trước việc “san bằng” chung những pháp điển chủ trì các cuộc trao đổi, trong một quan hệ qua lại xóa tẩy đi thứ bậc giữa những thể chế.
3. Qui ước và hình thái cấu trúc
Từ đó có một loạt những nhập nhằng chủ yếu chung quanh khái niệm then chốt vì được coi là tạo lập nên “qui ước”. Được định nghĩa một cách trang trọng như một “chuẩn cấu thành” có một “nguồn gốc xã hội” (xem dẫn xuất về Durkheim trong tuyên ngôn), qui ước cũng còn được đặc trưng[58] như một hợp đồng ngầm tầm thường. Như thế R. Salais [1989] viết: “... một qui ước là một tập những yếu tố mà ở mọi lúc đối với những người tham gia qui ước, đi cùng với nhau và do đó họ đều đồng ý với nhau về qui ước này. Nhưng sự nhất trí này không xuất phát từ một văn bản viết trước trong đó mỗi chi tiết được làm rõ và phản ảnh một tính duy lí và một chủ đích giống nhau và tự giác cho các bên than gia. Một qui ước là một hệ thống chờ đợi lẫn nhau về những khả năng và hành vi, được quan niệm như là đương nhiên và để cho là đương nhiên. Chính vì thế mà qui ước là có hiệu quả... ở đây là sự khác biệt giữa qui ước với hợp đồng, cũng như tính tổng quát hơn của qui ước.” (trang 213).
Ta ghi nhận là qui ước “không xuất phát từ một văn bản viết trước...”, đó là “một hệ thống chờ đợi lẫn nhau...”. Phải thừa nhận rằng một định nghĩa như thế, ngoài việc ở đối cực của cách nhìn điều tiết về những thỏa hiệp được thể chế hoá, về một số mặt then chốt là rất gần với định nghĩa của hợp đồng ngầm. Giống như hợp đồng ngầm qui ước có lợi thế là không nói rõ ràng, và không dựa trên những thiết kế thể chế chính xác và nhận dạng được cho phép giải thích qui ước. Như thế có thể đọc được ở đây, trên giấy trắng mực đen, và thấy sự vận hành của việc “san bằng” đã được phát hiện nhân nói đến thứ bậc của những thể chế nhằm hòa tan chính ngay sự tồn tại của những thể chế “tạo lập” này. Việc nội sinh hoá đạt đến giới hạn: đó là sự hòa tan.
Như thế, cuối cùng trong biểu trưng của trường phái qui ước, ta có được hình ảnh một xã hội vô cùng ngược đời trong đó có những thể chế và “qui ước” hoạt động tích cực nhưng trong một thế giới thiếu vắng lịch sử, một lịch sử ở cội nguồn của sự sinh thành và hình thành của những thể chế và qui ước này. Tương tự như thế, thế giới của các nhà qui ước được coi chủ yếu là không chắc chắn, nhưng trong một khái niệm bất trắc bị san bằng thành một vũ trụ mà mọi nguyên lí thứ bậc của những mâu thuẫn đã bị tẩy xóa.
Trên những vấn đề vô cùng tế nhị này, hẳn là CTCĐT không phải là không có khó khăn. Và những câu trả lời của cách tiếp cận này thường cũng không vững chắc như ta có thể mong đợi một cách chính đáng ở nó. Để nói một cách ngắn gọn, vai trò “tạo lập” và “cấu trúc” được gán cho các qui ước và với những mâu thuẫn vừa nêu trên trong CTCĐT do phạm trù “hình thái cấu trúc” đảm nhận. Thật vậy chính những hình thái “cấu trúc” bảo đảm sự tồn tại của những quy tắc kinh tế vĩ mô lớn từ đấy các tác nhân mới kí các hợp đồng. Trên điểm này một lần nữa sự đối lập với các nhà qui ước là rõ nét.
Thêm hai điều nữa để kết luận.
Thứ nhất là để tránh mọi sự hiểu lầm. Những mệnh đề trên, khi chỉ ra một vài mâu thuẫn của phương pháp qui ước, không nhằm giả định là, ngược lại, lí thuyết điều tiết không có những khó khăn. Mục đích của chúng là hoàn toàn khác. Đó là chỉ ra những điểm hội tụ đáng chú ý và giải thích nguồn gốc của những điểm này. Nhưng cũng để chỉ ra rằng những hội tụ về mối quan tâm và lĩnh vực nghiên cứu hoàn toàn không kéo theo những cách nhìn và biểu trưng giống nhau về những nguyên lí động của chủ nghĩa tư bản và về những điều kiện hình thành một sự tích lũy mạnh mẽ và ổn định. Điều thứ hai tôi muốn nói là khi viết tiểu luận này, trên hết mọi chuyện, bằng cách phác hoạ lịch sử đã khá dài của phương pháp điều tiết, góp phần làm hiểu rõ hơn vì sao bước chuyển sang kinh tế vi mô và việc đối chiếu một vài cách tiếp cận dị thuyết -kể cả những cách tiếp cận cá thể- là một bước chuyển cần thiết và phong phú đối với CTCĐT ở thời điểm hiện nay của sự phát triển của cách tiếp cận này.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “La théorie de la régulation: orgines, spécificités et perspectives” của Benjamin Coriat, trong số đặc biệt của tạp chí Futur Antérieur: École de la régulation et critique de la raison économique do Farida Sebai và Carlo Vercellone chủ biên, Paris 1994, nhà xuất bản L’Harmatan, trang 101-152.

Tài liệu tham khảo:

Aglietta M. (1974), Accumulation et régulation du capitalisme en longue période. Exemple des Etats Unis (1870-1970), thèse, Paris I, octobre.
Aglietta M. (1976), Régulation et crises du capitalisme, Paris, nhà xuất bản Calman-Lðvy
Aoki M (1984), The Cooperative Game Theory of the Firm, Oxxford University Press, Oxford
Aoki M (1986), “Horizontal vs Vertical Information Structure of the Firm”, American Economic Review, September, vol.76, n0 5
Aoki M (1988), Information, Incentive and Bargaining Structure in the Japanese Economy, Cambridge University Press, Cambridge
Bertrand H. (1978), “Une nouvelle approche de la croissance franVaise de l’après-guerre: l’analyse en sections productives”, Statistiques et études financières, série orange, n0 35
Boyer R. (1986), La théorie de la régulation: une analyse critique, Paris, nhà xuất bản La Découverte.
Boyer R., Coriat B. (1986), Technical Flexibility and Macro-Stabilization, ronéotypé, Conference on Innovation Diffusion, Venise, 17-21 March
Boyer R. Orléan A. (1991), “Les transformations des conventions salariales entre théorie et histoire”, Revue économique, 42 (2), mars, trang 233-272
Boyer R. và Mistral J. (1978), Accumulation, inflation, crises, Paris, nhà xuất bản PUF
Coriat  B. (1979), Latelier et le chronomètre, Paris, nhà xuất bản Christian Bourgeois
Coriat  B. (1991), Penser à lenvers,  Paris, nhà xuất bản Christian Bourgeois
Dupuy J.-P. (1989), “Convention et Common Knowledge”, Revue économique, 40(2), trang 361-400
Favereau O. (1989), “Marchés internes, marchés externes”, Revue économique, 40(2), trang 273-328
Favereau O. (1989), “La formalisation du rôle des conventions dans l’allocation des ressources” in Salais R. éd,, Le travail, Marchés, règles, conventions, INSEE-Economica, Paris
Lipietz A. (1979), Crise et inflation: Pourquoi?, Paris, nhà xuất bản Maspéro
Lipietz A. (1983), Le monde enchanté. De la valeur à lenvol inflationniste, Paris, nhà xuất bản La Découverte-Maspéro
Mazier J., Baslé M., Vidal J.-F., (1984), Quand les crises durent..., Paris, nhà xuất bản Economica
P.C.F. (1970): Traité marxiste déconomie politique: Le Capitalisme monopoliste détat, Paris, nhà xuất bản Editions Sociales
Perrot A. (1882), Les nouvelles théories du travail, Paris, nhà xuất bản La Découverte
Phelps E. S. (1970), Microeconomic Foundations of Employment and Inflation Theory, New York, Norton
Reynaud B. (1992), Les nouvelles théories du salaire, Paris, nhà xuất bản La Découverte
Rueff J. (1931), “L’assurance chômage, source du chômage permanent”, Revue déconomie politique
Salais R. (1989), éd., Le travail. Marchés, règles, conventions, INSEE-Economica, Paris
Simon H. (1951), “A Formal Theory of the Employment Relationship”, Econometrica, July, trang 293-305




[*] giáo sư đại học Paris XIII (Pháp)

[1] Tôi xin nhắc lại là bài phát biểu này được đọc vào tháng mười một năm 1986 tại Nagoya.

[2] Về những giải thích cuộc khủng hoảng dựa trên kiểu này trong truyền thống Pháp, xem, ví dụ Claassen và Salin [1978]

[3] Đặc biệt xem Hayek [1980] cho một trình bày cực kì mãnh liệt luận đề này. Trong một loạt những bài nhỏ nhắm vào một công chúng thông thạo, Hayek [1980] triển khai quan điểm này một cách mạnh mẽ và rõ ràng: một cách cơ bản, nguồn gốc của cuộc khủng hoảng hiện nay là việc đưa những cứng nhắc vào trong nền kinh tế trong thời kì keynesian, đặc biệt là những cứng nhắc chung quanh lương và lao động.

[4] Xem mục “NAIRU” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND)

[5] Ở đây chúng tôi muốn nói đến những đóng góp keynesian của trào lưu thống trị. Để khỏi làm phức tạp thêm cuộc thảo luận, ở đây tôi không nói gì đến những đóng góp của trường phái gọi là hậu keynesian, được xây dựng để đối lập với với sự phát triển của trường phái được gọi là trường phái tổng hợp (giữa các nhà keynesian và các nhà cổ điển).

[6] Như vậy trong bài viết quan trọng năm 1978, R. Boyer khi đề nghị một cách kiến giải mới về những chuyển động của đường Phillips trong lịch sử, đã bảo vệ luận điểm là trong thời kì điều tiết “độc quyền” việc thể chế hoá lương quả thật đã giữ, trong giai đoạn suy thoái, một vai trò phản chu kì cho phép làm giảm bớt và giới hạn ảnh hưởng của những cuộc khủng hoảng trên việc làm.

[7] và tôi thêm là đến hôm nay [1992] vẫn còn là bài trình bày tốt nhất có thể có được về CTCĐT ở giai đoạn phát triển tương ứng với thời điểm xuất bản của quyển sách của Boyer

[8] Chủ đích của Gérard de Bernis là phát biểu lại lí thuyết marxist truyền thống bằng những thuật ngữ du nhập từ khái niệm điều tiết và đối lập cách biểu trưng này với cách nhìn tân cổ điển về cân bằng. Ý tưởng được de Bernis du nhập từ khái niệm sinh học về điều tiết vào kinh tế học có thể tóm tắt đại thể như sau: có điều tiết khi những lực có nguồn gốc khác nhau chịu ảnh hưởng của một số quy tắc làm cho chúng hội tụ trong lúc nếu không có những quy tắc này thì chuyển động tự nhiên của những lực này sẽ đẩy chúng phân kì. Trong sinh học, đây là một hiện tượng thường xảy ra, đặc biệt những mã di truyền (và không chỉ có chúng không thôi) thông báo những qui trình sơ đẳng, định hướng chúng và gán cho chúng những mục đích.

[9] 1974 là năm bảo vệ luận án của M. Aglietta về sự điều tiết của chủ nghĩa tư bản trong dài hạn, 1976 là năm xuất bản tác phẩm bắt nguồn từ luận án này.

[10] Xem mục “Ford (chế độ)” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND)

[11] Từ khi những dòng này được viết ra (1986), tôi dã có dịp nói rõ hơn điểm này trong một tiểu luận viết chung với một nhà nghiên cứu Brazil và dành cho việc đọc tăng trưởng của Brazil trong dài hạn bằng lí thuyết điều tiết, xem Coriat, Saboia [1987]. Nhân đây cũng xin được nói là cũng vì cùng những lí do mà tôi vừa nêu, tôi từ chối gọi chế độ tích lũy fordian là chế độ fordist, dù cho đó là một chế độ fordist ngoại vi. Chúng tôi bảo vệ luận điểm là nếu quả thật là có một vài nét ford hoá thì chế độ này bị những yếu tố cấu trúc chủ yếu của nền kinh tế Brazil cản trở (đặc biệt là một nền kinh tế không chính thức thường xuyên và một chính sách có hệ thống về lương thấp).

[12] Xem mục “Sự kiện cách điệu hoá” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND).

[13] Tôi giới hạn ở đây vào điều hoàn toàn cốt yếu. Về những phát triển thêm xin tham khảo chương 2 của quyển sách của Robert Boyer. Tác giả này đã có một trình bày rõ ràng về những vấn đề đang bàn luận ở đây.

[14] Những công trình của Bertrand [1978] có một vai trò then chốt trong cách tiếp cận. Cách tiếp cận bằng các khu vực có một bước phát triển quan trọng khi những mô hình với ba khu vực được xây dựng để gộp thêm khu vực quốc tế vào (hoạt động xuất nhập khẩu hợp thành khu vực III). Xem Mazier, Bertrand, Vidal [1992].

[15] Do thiếu chỗ, tôi không trình bày chi tiết những hình thái thể chế khác nhau này. Chỉ xin đơn giản nói rằng trên điểm này có lẽ nên đề nghị một cách trình bày theo thứ tự, và điều này sẽ đưa đến một trình bày toàn cục hơi khác. Tuy nhiên ở mức độ này và cho mục đích riêng của bài viết này thì trình bày của R. Boyer đã là quá đủ.

[16] Tác phẩm của tôi năm 1979 hoàn toàn được dành cho việc minh hoạ luận điểm này.

[17] Có thể tìm trong Boyer-Coriat [1986] một hình thức hoá kiểu tăng trưởng fordian này, từ một số giả thiết chéo về những hiệu suất theo qui mô và tính chất của những qui tắc hình thành lương.

[18] Trong trường hợp cụ thể này, có lẽ thận trọng hơn khi nói rõ rằng đây là quan điểm cá nhân mà tôi đã bảo vệ không ngừng nghỉ...

[19] Từ đó đến nay, trực giác này đã được phát triển thành một tiểu luận dành cho học thuyết Ohno. Xem B. Coriat [1991].

[20] Xem mục “Ba mươi năm vinh quang” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND).

[21] Để thấy sự khác biệt, chỉ cần tham khảo quyển “Chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước”, tác phẩm chính (như đã nói) của các nhà kinh tế của Đảng cộng sản Pháp. Trong đoạn liên quan đến lực lượng sản xuất ta chỉ thấy những công trường thủ công, công nghiệp lớn... nghĩa là toàn những phạm trù cũ của Marx thời 1867 và những phạm trù này không được nối kết với những cơ chế của tích lũy chung, ngoại trừ bằng một cách vô cùng hình thức.

[22] Từ cuối thập niên 1970 đến đầu những năm 1980, đã có thể nhận thấy những phát triển có thể xem là một phần chuyển hướng của nghiên cứu đang được tiến hành. Tôi đã thử điểm ra những điểm mới trong những công trình của các nhà điều tiết vào đầu thập niên 1980 trong một bài báo của tuyển tập “Cách nhìn” (Manière de voir), Monde Diplomatique, n0 12, tháng tháng năm 1991.

[23] Chỉ vào cuối thập niên 1980 và vào đầu thập niên 1990, chung quanh đề tài “tăng trưởng nội sinh” thì ở cấp độ của lí thuyết kinh tế vĩ mô mới trực tiếp tìm kiếm toàn bộ lợi ích của những tiến triển “địa phương”.

[24] Ít ra là phần nghiên cứu lí thuyết chúng ta quan tâm đến ở đây nhằm tìm hiểu khi liên hệ với cuộc khủng hoảng bằng cách nào phân tích kinh tế tính đến các thể chế.

[25] Xem mục ”Hợp đồng ngầm (lí thuyết)” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND).

[26] Xem mục ”Duy lí hạn chế (hay duy lí qui trình)” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND).

[27] Cần nói rõ là trong nhiều trường hợp, đặc biệt là những nhà kinh tế gần với chính quyền Mĩ không hề màng đến những phức tạp lí thuyết để giải thích “sự dị biệt Nhật bản”: tất cả được họ giải thích bằng tính chất của những cách làm ăn “không sòng phẳng” (unfair) của Nhật, trên lĩnh vực thương mại quốc tế lẫn trong việc bảo hộ thị trường nội địa. Về đề tài này, ngoài một số công trình khác đặc biệt tiêu biểu cho trào lưu này, quyển sách của E. J. Lincoln [1990] có tựa là “Thương mại bất bình đẳng của Nhật Bản” (Japan Unequal Trade) cho thấy theo hướng nào phải tìm lời giải thích cho sự ”dị biệt” này.

[28] Chỉ cần nói thêm là sự vươn lên mạnh mẽ của Nhật trên thị trường thế giới (ít nhiều trực tiếp) đưa đến những thay đổi lí thuyết to lớn trong nhiều lĩnh vực khác hơn là lí thuyết về những tổ chức. Do không thể đề cập ở đây đề tài này, ít ra phải kể đến hai lĩnh vực lớn: trong lí thuyết kinh tế quốc tế đó là lí thuyết về chính sách công nghiệp chiến lược (đặc biệt là Helpman và Krugman) và trong lí thuyết tăng trưởng, đó là những luận điểm đang lên của lí thuyết tăng trưởng nội sinh.

[29] Xem mục “Quyền sở hữu (lí thuyết)” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND).

[30] Xem mục “Người ủy quyền-người đại diện (lí thuyết)” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND).

[31] Xem mục “Sự kiện cách điệu hóa” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND).

[32] Cho dù, như Favereau đã xuất sắc ghi nhận, phải tưởng tượng một siêu thị những hợp đồng trong đó những qui trình dò dẫm gần như walrasian, những rủi ro sai biệt với những cân bằng tối ưu sinh ra từ những giả thiết thông tin không hoàn hảo, bị thiểu giảm hoặc triệt tiêu...

[33] Xem mục “Lương hiệu quả (lí thuyết)” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND).

[34] Có thể xem một trình bày kĩ về tất cả những trào lưu phân tích này và những nguồn gốc sâu xa của chúng trong B. Reynaud [1992]. A. Perrot [1992] cũng trình bày những trào lưu khác nhau này nhưng chỉ truy nguồn gốc của chúng đến các nhà thể chế Mĩ.

[35] Thật ra sự việc không đơn giản và dứt khoát như mệnh đề vừa đọc xong giả định. Quả vậy cần nhớ rằng trong những cách tiếp cận này sự tồn tại đồng thời của tiến triển của lương thực tế và thất nghiệp đại chúng được giải thích như sau: do lương được duy trì ở mức cao hơn lương cân bằng nên sai biệt giữa lương hiệu quả và lương cân bằng giải thích sự kiện là có thất nghiệp dai dẳng. Tuy nhiên không nên coi nhẹ sự đổi mới vì lí thuyết rốt cuộc đặt cơ sở duy lí cho việc doanh nghiệp trả lương cao hơn lương cân bằng và bao bọc quan hệ lao động bằng một loạt những thiết kế (qui tắc, qui ước, nề nếp) nhằm đảm bảo tính ổn định và hiệu quả của quan hệ này.
Trong phần cuối của tiểu luận này chúng tôi sẽ đề cập đến những xung đột trong cách kiến giải, hậu quả của việc duy trì một cách tiếp cận cá thể trong số những nhà thể chế mới xuất phát từ truyền thống tân cổ điển chuẩn.

[36] Xem mục “Rủi ro đạo đức” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND).

[37] Xem mục “Lựa chọn nghịch” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND).

[38] Quả thật là một đường ranh, chứ không phải toàn bộ diện trường, đã dịch chuyển. Trên điểm này, xem chú thích trên cũng như những phát triển ở đoạn cuối tiểu luận này.

[39] Như thế trong những cách tiếp cận bằng lương hiệu quả, người ta cuối cùng đi đến kết luận là chính lương quyết định hiệu suất -chứ không phải ngược lại như trong những cách tiếp cận bằng khái niệm cân bằng...

[40] Để dùng lại một thành ngữ xuất sắc được Favereau [1989] đề xuất.

[41] Xem mục “Duy lí hạn chế” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND).

[42] Xem mục “Trường phái tiến hoá” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND).

[43] Có lẽ ngoại trừ những công trình của G. Dosi, hoàn toàn không bị giam hãm trong hệ ý cá thể và những đòi hỏi của hệ này.

[44] Trong quyển sách xuất bản năm 1991, tôi đề nghị một đánh giá đầu tiên về những điểm tôi cho là mạnh và những giới hạn của những đóng góp của Aoki, tập trung suy nghĩ vào điều có lẽ là cốt lõi của cách biểu trưng của ông: lí thuyết doanh nghiệp J của ông.

[45] Xem mục “Qui ước (kinh tế học)” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND).

[46] Xem mục “Hợp đồng (lí thuyết)” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND)

[47] Xem mục “Hiểu biết chung” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND)

[48] Đặc biệt xem Dupuy [1989] khi ông nêu lên vài vấn đề khó không được giải quyết hoặc giải quyết chưa trọn vẹn do việc viện đến khái niệm common knowledge.

[49] Như vậy các tác giả của tuyên ngôn viết rằng ngược lại với cơ học walrasian đã cẩn thận gạt ra ngoài trao đổi mọi hành vi cảnh giác hay ngờ vực thì việc đưa vào “... sự bất trắc về chất lượng của hàng hoá (Akerlof) làm biến chất một cách sâu sắc khuôn khổ của trao đổi đến độ làm tắc nghẽn mọi cân bằng” (trang 143).

[50] Hay, ngược lại, lí thuyết điều tiết có thể cung cấp khuôn khổ vĩ mô mà lí thuyết qui ước còn thiếu hay không? Nếu trong bài này chúng tôi ưu tiên cho chiều kích đầu của vấn đề, đó là vì bài viết của Boyer-Orléan nhằm tìm lại từ những tác nhân nhỏ những “qui ước“ ứng với quan hệ làm công ăn lương fordian.

[51] Xin nhắc lại là gọi bằng qui ước “fordist” qui ước được H. Ford ấp ủ lúc đầu tiên triển khai sản xuất trên cơ sở dây chuyền: qui ước “fordian” là kết quả của những thỏa hiệp UAW-GM năm 1948 và những thỏa ước tiếp nối sau đó trong suốt ba mươi năm vinh quang.

[52] Theo chính nhận định của các tác giả.

[53] Tôi đã trình bày dài dòng những điểm này trong một tiểu luận năm 1991 về lí thuyết doanh nghiệp nên xin được mạn phép mời bạn đọc tham khảo trong đó.

[54] Một bên dựa trên dây chuyền lắp ráp, bên kia tìm cách tránh dây chuyền một cách có hệ thống (kĩ thuật đặc biệt của Ohni gọi là “tuyến tính hoá“ sản xuất), một bên dựa trên công việc có tính lặp lại và chia nhỏ, bên kia trên việc gộp lại các công việc, một bên dựa trên những hiệu suất theo qui mô, bên kia dành chỗ cho tính đa dạng, một bên dựa trên tồn kho có hệ thống, bên kia trên việc tìm kiếm không ngừng nghỉ loại trừ tồn kho. Còn có thể kể đến vô tận những điểm đối lập nhau do có vô số những điểm đối lập và một cách có hệ thống.

[55] Vả lại cần ghi nhận là trên điểm này R. Boyer trong những đóng góp mới đây nhất về Nhật bản đi đến kết luận là quan hệ làm công ăn lương ở Nhật quả là không fordian. Xem R. Boyer [1991].

[56] Cho phép tôi trên điểm này một lần nữa mời bạn dọc tham khảo quyển “Tư duy ngược chiều” [1991] cũng như lời bạt viết cho sách này trong bản tiếng Nhật [1992].

[57] xem phần trên

[58] Bởi một trong những tác giả kí tên vào tuyên ngôn trong cùng một số của tạp chí Revue économique, nhưng ở vài trang sau...

Print Friendly and PDF