2.8.19

Làm nhà xã hội học ở Trung Quốc

LÀM NHÀ XÃ HỘI HỌC Ở TRUNG QUỐC
Trò chuyện với Jean-Louis Rocca
Trong cuộc trò chuyện này, nhà xã hội học và nghiên cứu về Trung Quốc mô tả sự tiến hóa của xã hội học Trung Quốc từ khi nó được tái sinh vào những năm đầu thập niên 1980. Ông còn đề cập đến những sự biến đổi của xã hội Trung Quốc thông qua sự phân tích những hình tượng về các giai cấp trung lưu.
Jean-Louis Rocca
Jean-Louis Rocca là nhà nghiên cứu ở Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế của Viện Nghiên Cứu Chính Trị Học (Institut d’Etudes Politiques). Tốt nghiệp về xã hội học, kinh tế học và Tiếng Trung Quốc, ông đã có bằng Tiến Sĩ ở Trường Nghiên Cứu Cao Cấp về Khoa Học Xã Hội. Ông là giáo sư ở khoa Xã Hội Học ở trường Đại Học Thanh Hoa ở Bắc Kinh và là giám đốc của các Trung Tâm các Nghiên Cứu Sinh Pháp-Trung Quốc, chi nhánh về các khoa học xã hội và nhân văn ở Bắc Kinh. Ông nghiên cứu về các giai cấp xã hội mới và các phong trào phản kháng ở Trung Quốc thành thị hiện đại. Năm 2008, ông đã xuất bản cuốn sách “Trung Quốc dưới con mắt của các nhà xã hội học Trung Quốc” tập hợp bản dịch của những bài nghiên cứu của các nhà xã hội học Trung Quốc. Cuốn “Xã hội học về Trung Quốc” đã được xuất bản năm 2010.

La Vie des Idées – Ông có thể giới thiệu hiện trạng của xã hội học ở Trung Quốc được không?
Jean-Louis Rocca – Một trong những điểm đầu tiên cần phải nêu bật để xác định đặc tính của xã hội học Trung Quốc, đó là vấn đề thế hệ. Cần phải nhớ rằng xã hội học Trung Quốc tương đối mới vì xã hội học đã hoàn toàn biến mất ở Trung Quốc và chỉ được tái lập vào những năm đầu thập niên 1980 trong một bầu không khí cởi mở, sôi sục về mặt tri thức và tư duy, nhưng cũng còn là một thời kỳ đầy ngờ vực. Vào thời đó, một cách khách quan, xã hội học mang tính phản kháng hơn. Xã hội học đã gây ra nhiều vấn đề cho chính quyền hơn bây giờ, mặc dù nó ít can thiệp hơn trong trường chính trị. Những người đã làm cho xã hội học sống lại đã trải qua cuộc Cách Mạnh Văn Hóa. Họ đã buộc phải về nông thôn trong khuôn khổ của phong trào Trở về với nông thôn. Do đó, họ là những người tự học, những người hay đọc, đam mê với những ý tưởng và với những gì xảy ra trong xã hội. Họ không đọc những sách xã hội học, vì lúc đó xã hội học không có, mà thường là những sách triết, hay văn học gắn với những vấn đề xã hội – những gì mà họ có thể tìm được trong những năm cuối thập niên 1970, vì vào thời điểm đó sự kiểm duyệt là hoàn toàn triệt để và không thể tiếp cận với những sách bằng tiếng nước ngoài. Vào những năm cuối thập niên 1970 đối với một số, những năm đầu thập niên 1980 đối với một số khác, họ đã lợi dụng sự mở lại các trường đại học và khả năng tham dự cuộc thi tuyển vào đại học. Họ là con em của những giáo sư, nhà báo, cán bộ, công nhân – một địa vị cao cả vào thời ấy. Họ đã bắt đầu học đại học ở một tuổi tương đối cao, với nhiều kinh nghiệm thực tiễn về cuộc sống. Tất cả đều đã phải chịu nhiều sự đau khổ, có một ý thức chính trị rất cao và đã bắt đầu học xã hội học với một tâm thế phê phán mạnh theo nghĩa là họ muốn hiểu những gì đã xảy ra và đang xảy ra vào thời đó, và mong muốn đóng góp vào việc tạo ra một xã hội Trung Quốc mà hình thái rất khó xác định vào những năm đầu thập niên 1980.
Ngày nay, mọi việc được xác định một cách rõ ràng hơn: ta có những công nhân bị bóc lột, các giai cấp trung lưu đang lớn mạnh, những người giàu có, vấn đề về quyền đại diện. Tất cả những điều này đều được biết. Xã hội học Trung Quốc mang lại một sự độc đáo vì mọi xã hội đều đặc biệt. Tuy nhiên, những cái khung chung của xã hội Trung Quốc trong hai mươi hay ba mươi năm nữa và hành trình của nó đều có thể thấy được. Nhưng điều đó hoàn toàn không đúng vào những năm 1980. Lúc đó người ta chưa đoạn tuyệt với chủ nghĩa xã hội. Một vài người thì chỉ chủ trương một sự cải cách chủ nghĩa xã hội đi cùng với việc duy trì vai trò của Nhà Nước trong các xí nghiệp. Về mặt phong tục, các quyền tự do vẫn bị giới hạn. Sinh viên không có quyền cặp nhau hay lấy nhau. Quan hệ tình dục bị kiểm soát một cách nghiêm ngặt, quan hệ đồng tính là điều cấm kỵ. Xã hội học như là đang ở trong một khoảng trống (no man’s land). Đối với thế hệ này, ý muốn là tìm hiểu những gì xảy ra và đóng góp vào những lựa chọn về xã hội tương lai. Do đó, người ta đã kéo những nhà xã hội học (như Phi Hiếu Thông) và nhà nhân học lớn tuổi ra khỏi sự hưu trí, đã mời một vài người Mỹ đến dạy, một cách tương đối kín đáo. Những nhóm nghiên cứu nhỏ đã thành lập khoa xã hội học ở các trường đại học lớn, đại học Tôn Dật Tiên, đại học Bắc Kinh, đại học Nhân Dân, v.v. cho đến những năm cuối thập niên 1980, trong khi vẫn còn có một sự ngờ vực đối với môn này, cũng như đối với toàn bộ các khoa học xã hội.
La Vie des Idées – Vậy thì xã hội học đã giành được một vai trò chính thức trong những năm 1990 như thế nào?
Jean-Louis Rocca – Sau những biến cố của năm 1989, sự ngờ vực tăng lên vì một số nhà xã hội học đã có một lập trường quyết đoán. Một cuộc săn lùng phù thủy đã xảy ra ở Viện Hàn Lâm và ở các trường đại học, nhưng bị giới hạn bởi hành động của một số nhà xã hội học đã kềm hãm được sự đàn áp. Phải chờ đến những năm 1993-1994 thì mới thấy sự bình thường hóa trở lại. Trong những năm 1980, xã hội học tôn giáo được tái lập. Có những chuyên gia nghiên cứu về tội phạm học, về tiến trình đô thị hóa, về các vấn đề của nông dân, trong một bối cảnh với những bản dịch các công trình xã hội học cổ điển của xã hội học Mỹ và Pháp và có xu hướng đọc mọi thứ tài liệu.
Vào giữa những năm 1990, mọi thứ đã thay đổi khi mà xã hội học, từ quy chế của một khoa học hợp pháp nhưng nguy hiểm về mặt chính trị, đã trở thành một khoa học gần như chính thức, nói một cách châm biếm. Phần nửa đầu của thập niên 1990 có lẽ là giai đoạn quan trọng nhất kể từ quyết định thực thi một chính sách mới, vì các cuộc cải cách đã trở thành cấp tiến hơn và nay thì mọi chuyện đều bị xét lại. Công nghiệp công bị thanh lý. Hệ thống bảo hiểm xã hội xã hội chủ nghĩa bị phá hủy. Hợp đồng được đưa vào, nhưng việc sử dụng lao động phi chính thức cũng được cho phép trên toàn quốc. Ngày nay, có lẽ hơn phần nửa người dân ở các thành phố lớn làm việc trong lãnh vực phi chính thức. Cuộc di dân từ nông thôn và sự đô thị hóa, với một quy mô khủng khiếp, đã làm cho diện mạo của xã hội Trung Quốc thay đổi. Con người phải đối diện với những nhịp độ biến đối triệt để, trong lãnh vực giáo dục, trong bối cảnh sống và mức sống, với những căn hộ ngày càng lớn, việc mua xe hơi, khả năng di chuyển và đi tham quan dễ dàng hơn. Nói một cách đơn giản, ta đã chuyển từ xã hội thế kỷ XIX, ít di động, đến một xã hội hậu hiện đại của thế kỷ XXI chỉ trong vòng bảy, tám năm. Đó là điều cơ bản. Các chính quyền trung ương (mà cả ở những cấp độ thấp hơn, ngay tại các thành phố nhỏ), đã bắt đầu đặt những câu hỏi về những việc mà họ không hiểu, về nhiều vấn đề mà họ thường không gặp phải trước đây. Họ đã không có được một sự đào tạo thích hợp. Ở Pháp, có Trường Quốc Gia Hành Chánh mà mục đích là không chỉ đào tạo những công chức tốt mà là những con người thông minh biết giải quyết các vấn đề. Nhưng ở Trung Quốc, thì hoàn toàn không có niềm tin và hệ đào tạo như vậy. Và những người đang nắm quyền hành hiện nay là những người đã lớn lên trong những năm 1950 và dưới thời Cách Mạng Văn Hóa. Họ có một sự đào tạo xã hội chủ nghĩa, có một tư duy xã hội chủ nghĩa về Nhà Nước và thường có bằng kỹ sư. Họ rất ít biết ngoại ngữ và những gì xảy ra ở bên ngoài. Một cách thông minh, họ đã có xu hướng dựa vào kiến thức chuyên môn và kỹ thuật, hay đúng hơn vào sự liên minh giữa những nhà kỹ thuật và những trí thức, để xử lý những vấn đề xã hội này.
Do đó, xã hội học Trung Quốc hiện là một khoa học có ích để hiểu được các vấn đề xã hội. Những nhà nghiên cứu, chuyên gia về những vấn đề xã hội, được hỏi ý kiến khi một khó khăn xuất hiện và họ đã bắt đầu có thói quen chất vấn các người cầm quyền về một số vấn đề mà họ cho là mấu chốt đối với tương lai của Trung Quốc. Họ vẫn còn là những người phản kháng nhưng trong một bối cảnh hoàn toàn khác. Trong những năm 1980, họ ở bên ngoài chính quyền, bị xem như là những người đáng nghi. Từ giữa thập niên 1990, họ là những người phản kháng ngay trong nội bộ hệ thống, chính họ cũng tham gia vào những cuộc đấu tranh chính trị đang xảy ra, giữa trung ương và các đơn vị địa phương, giữa bộ máy quản lý công an và bộ máy quản lý kinh tế, giữa nền quản lý lãnh vực xã hội và lãnh vực ngoại thương. Nay, họ đã trở thành một thành tố của những cuộc đấu tranh chính trị và tri thức. Ngày nay, xã hội học đang thật sự bùng nổ, ngày càng có nhiều trường đại học thành lập khoa xã hội học, kể cả những đại học công nghệ và công nghiệp. Tất cả mọi lãnh vực đều bị liên quan rất mạnh. Điều này được thể hiện qua những chuyên gia về tâm lý xã hội, về bảo hiểm xã hội, đặc biệt trong tiến trình tuyển lựa. Những nhà xã hội học này can thiệp trên báo chí, trong các cuộc hội thảo của chính phủ. Sự hiện diện của họ rất mạnh và điều này làm cho ta liên tưởng đến những gì xảy ra ở Pháp vào những năm 1960, 1970 và đến vai trò rất quan trọng của các nhà xã hội học như là những chuyên gia về xã hội.
La Vie des Idées – Đâu là đặc tính của những nhà nghiên cứu và công trình nghiên cứu xã hội học ở Trung Quốc?
Jean-Louis Rocca – Lịch sử của họ tạo ra một tình huống đặc biệt. Các nhà nghiên cứu là những người phản kháng nêu lên những điều nhạy cảm, nhưng họ cũng là những nhà thực hành, những bác sĩ, ít nhất là một bộ phận của họ, mặc dù chính phủ không hoàn toàn theo sát những khuyến nghị của họ - vã lại không phải lúc nào họ cũng hoàn toàn nhất trí với nhau và chính phủ cũng không theo tất cả các khuyến nghị của họ. Do đó một phần các công trình nghiên cứu mang tính rất lý thuyết. Họ nuôi dưỡng cuộc tranh luận với những khái niệm mới thường được du nhập. Hiện nay, một vài nhà xã hội học đấu tranh để sáng tạo những khái niệm đặc thù cho Trung Quốc nhưng những ý đồ này không mang lại những kết quả hay hay độc đáo. Do đó, các nhà xã hội học Trung quốc lúc nào cũng tìm kiếm những phân tích mới, những khái niệm mới và những trải nghiệm có ở bên ngoài. Họ tập trung vào việc thích ứng chúng hơn là việc sáng tạo những khái niệm mới. Phần kia, cũng rất phát triển, bao gồm các nghiên cứu thực nghiệm. Đây là một điểm cộng cho xã hội học, vì điều này chứng thực cho việc họ được lắng nghe và là bộ phận của cuộc tranh luận công, nhưng điều nguy hiểm ở đây là việc người ta tập trung vào những chủ đề do chính quyền ấn định hay do những nhà xã hội học nổi tiếng đã quyết định dành ưu tiên cho một số vấn đề. Điều này tạo ra một thứ xã hội học mà mục tiêu là giải quyết vấn đề (policy oriented/hướng tới việc triển khai các chính sách) tương đối mang tính đạo đức. Cần phải bênh vực cho một số ý tưởng và nguyên tắc về sự công bằng xã hội. Chẳng hạn gần đây, người ta hay đề cập đến một “chủ nghĩa tư bản xấu” của Trung Quốc so với những chủ nghĩa tư bản khác, hay đến một “phương thức lãnh đạo xấu”, về sự công bằng xã hội hay những quyền không được tôn trọng. Khía cạnh đạo đức và giáo hóa làm rối các công trình nghiên cứu vì trước hết những công trình này cố gắng chứng minh tại sao mọi việc lại là như vậy, làm sao có thể giải quyết những vấn đề, làm sao gạt bỏ những trở ngại cho một phương thức lãnh đạo theo kiểu Trung Quốc. Những vấn đề nghiên cứu cơ bản, dựa trên những nghiên cứu thực nghiệm trong nhiều môi trường xã hội khác nhau, việc xác định những vấn đề không được xem ngay từ lúc đầu như là những vấn đề cơ bản, việc nghiên cứu các sự kiện và các nhóm xã hội không “dễ bị tổn thương”, để dùng lại từ vựng của các tổ chức quốc tế lớn, rất ít được thực hiện. Rất ít người nghiên cứu về những giai cấp giàu có nhất; các nhà nghiên cứu thường tập trung vào các giai cấp trung lưu, nhưng luôn luôn với ý đồ là tạo ra một giai cấp trung lưu đích thực có khả năng thu hút những người lao động di dân. Các công trình nghiên cứu luôn luôn được thực hiện với mục tiêu là bảo vệ cho một ý niệm nhất định về sự công bằng xã hội và gắn liền với tương lai của Trung Quốc.
Để bổ sung cho tất cả những điều trên, cần phải nói thêm rằng có rất nhiều nhà xã hội học nhưng phần đông chỉ nghiên cứu xã hội Trung Quốc mà thôi. Người ta chỉ quan tâm đến Trung Quốc, và ít biết các ngoại ngữ. Các nhà nghiên cứu biết tiếng Anh nhưng thích đọc các bản dịch tiếng Trung Quốc hơn nhiều, điều này đặt ra vấn đề chất lượng của những gì mà họ đọc, và họ không diễn đạt tốt trong những ngôn ngữ khác. Mà việc họ chỉ nghiên cứu Trung Quốc thôi làm cho họ mất khả năng hiểu được các lý thuyết mà họ sử dụng. Đại đa số những sinh viên Trung Quốc đi du học cũng nghiên cứu về Trung Quốc chứ không phải về nước hay vùng tiếp nhận họ. Họ rất hiếm có một cách tiếp cận so sánh vốn sẽ buộc họ phải tìm hiểu về xã hội nơi họ sống. Do đó có một khoảng cách rất lớn giữa sự trải nghiệm ở nước ngoài và thực tại của Trung Quốc, hoàn toàn khác biệt với nhau. Cũng vì vậy mà hiện nay sự hấp thụ các lý thuyết và các phân tích của nước ngoài rất mạnh. Tuy nhiên, nếu không có một hành động có chủ đích hướng các sinh viên Trung Quốc nghiên cứu xã hội Pháp ở ngay tại nước Pháp, người ta sẽ không bao giờ tìm được những nhà xã hội học Trung Quốc có được một trải nghiệm về Pháp vốn sẽ giúp họ sử dụng tốt hơn những công cụ mà họ đã nắm được để nghiên cứu các vấn đề của Trung Quốc. Rất tiếc là chính phủ Pháp vốn đã khởi đầu một chính sách theo hướng đó, đang dần dần từ bỏ nó. Vấn đề của những sự trao đổi qua lại và của sự trung quốc hóa các vấn đề là rất quan trọng đối với xã hội học, và cả cho các bộ môn khác. Có rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trong đó có vài nghiên cứu có chất lượng tốt. Nhưng sự thừa thải lớn các bài nghiên cứu thường sao chép nhau, được lặp lại hay đạo văn nhau (chẳng hạn ta có thể tìm thấy 200 bài về giai cấp trung lưu Trung Quốc), tạo ra một sự chán nản, mặc dù có một số bài rất hay. Ở đây, tầm quan trọng của sự sản xuất và xuất bản đặt vấn đề. Điều này gắn với sự tiến hóa của các trường đại học Trung Quốc, được xây dựng dựa trên mô hình của Mỹ, với nhiều lợi thế nhưng với một khuyết điểm là buộc các giảng viên đại học phải xuất bản những công trình nghiên cứu của họ cho dù kết quả nghiên cứu là như thế nào đi nữa.
La Vie des Idées – Những nghiên cứu của ông chủ yếu tập trung vào các giai cấp trung lưu ở Trung Quốc và, đặc biệt về cái tưởng tượng tạo cơ sở cho diễn ngôn của họ, phải không?
Wright Mills (1916-1962)

Jean-Louis Rocca – Tôi thuộc những người tiếp nối truyền thống của Weber, Foucault, Élias và Bourdieu, nghĩ rằng không thể nào tách rời sự kiện và hình tượng, và một sự kiện chỉ có khi có một diễn ngôn để truyền đạt nó cho những người khác thông qua sự truyền thông. Đối với tôi, vấn đề các giai cấp trung lưu ở Trung Quốc rất thú vị, trước hết là nó được đề cập rất nhiều. Điều này có nghĩa là có một vấn đề, có những lợi ích và những nhu cầu vật chất và cả phi vật chất, gắn với những hình tượng và các tưởng tượng. Vấn đề này là có thật tuy khó có thể xác định những đường viền của nó một cách khách quan. Tôi có một thái độ theo thuyết kiến tạo đối với vấn đề này. Để nghiên cứu các giai cấp trung lưu ở Trung Quốc, tôi chủ yếu dựa vào cuốn White Collar (Cổ Cồn Trắng) của Wright Mills về sự thành hình của giai cấp trung lưu hiện đại của Mỹ và cuốn Cadres (Cán bộ)[*] của Boltanski vạch lại lịch sử của ý tưởng giai cấp trung lưu. Sự tăng trưởng rất mạnh của thu nhập là một hiện tượng vật chất, có thể thấy được và dễ được ghi nhận. Ở Trung Quốc, càng ngày càng có nhiều người mua căn hộ, xe hơi, đi ăn tiệm và gởi con họ đi học ở nước ngoài. Sự tăng trưởng thu nhập quan trọng này liên quan đến một phần rất lớn dân số, kể cả những người nhập cư vào thành phố, cho dù rằng họ bị bóc lột, và một phần của sự tăng trưởng này liên quan đến một bộ phận đã có một mức sống tương đối khá vào những năm 1980 và đã tăng lên vào những năm 1990. Song song với việc đó, ta có thể thấy được trình độ học vấn của dân số cũng đã tăng lên, với sự tăng lên số những người có bằng cấp đại học với một vốn văn hóa cao. Sự đa dạng hóa các việc làm cũng không thể chối cãi, với ngày càng nhiều việc làm trong khu vực thứ ba, nhiều nhân viên trong lãnh vực ăn uống và cả trong lãnh vực công nghệ cao và trong các công ty truyền thông, hay là những nhà báo hay những nhà giáo. Ta có thể thấy được sự hình thành của một thành phần đã giành được những chức vụ có trách nhiệm tương đối cao, mặc dù họ không hẳn là giàu có và cũng không thuộc thành phần lãnh đạo. Ta cũng có thể ghi nhận rằng nhóm này bao gồm những người không nhất thiết phải có tất cả những đặc tính này. Chẳng hạn, vài giáo sư đại học có thu nhập thấp hơn nhiều so với những người không có bằng cấp trong những lãnh vực truyền thống. Nhóm này hoàn toàn không thuần nhất, nhưng có một điểm chung là được định vị trong một không gian trung bình so với một số tiêu chí. Dưới họ là thành phần bình dân ở thành thị đã không thể và không nắm được thời cơ khi có sự biến đổi của hệ thống các đơn vị lao động vốn đã hoàn toàn bao cấp mọi thứ cho họ trước đây, và cả những người nhập cư. Trên họ là những người rất giàu, những doanh nhân và những tỷ phú.
Luc Boltanski (1940-)

La Vie des Idées – Vậy thì sự phân tích diễn ngôn về các giai cấp trung lưu ở Trung Quốc mang lại thêm những gì?
Jean-Louis Rocca – Những diễn ngôn có thể giúp ta giải thích những gì đang xảy ra trong xã hội Trung Quốc, đặc biệt là các vấn đề kinh tế. Khi ta thấy những gì mà chính phủ hay các nhà nghiên cứu nói về các giai cấp trung lưu, thì ta biết được rằng họ xem sự hình thành của một giai cấp trung lưu là rất quan trọng vì nó sẽ làm cho nền kinh tế năng động hơn. Thật vậy, giai cấp trung lưu được coi như là tiêu thụ nhiều và tốt hơn các giai cấp khác (mua những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn) và một cách thông minh hơn (họ biết tiết kiệm, có kế hoạch tiêu thụ). Điều này sẽ giúp Trung Quốc giải quyết một vấn đề trọng đại; đó là vấn đề của sự lệ thuộc đối với thị trường nước ngoài, bằng cách tạo nên một thị trường trong nước. Giai cấp trung lưu còn được xem như là có một động lực xuất phát từ lòng yêu nước và sẽ mua những hàng hóa Trung quốc, mặc dù điều này không dựa vào những yếu tố rõ ràng. Cách tiêu thụ của họ sẽ kéo xã hội Trung Quốc hướng tới một cái gì tốt đẹp hơn. Thành phần trung lưu còn được xem như là có ích về mặt xã hội, đối với nền văn minh Trung quốc, theo nghĩa mà Elias đã gắn cho từ này. Ngày hôm nay, còn có nhiều người xem người Trung Quốc như là không được hiện đại và văn minh. Họ vẫn khạc nhổ xuống đất, không biết ăn hay uống những sản phẩm nước ngoài như thế nào. Cần phải dẫn dắt họ có lối sống và cách ứng xử phù hợp với cái tưởng tượng về tính văn minh và tính hiện đại. Và thành phần trung lưu chính là cái phòng thí nghiệm cho sự tiến hóa này. Có những nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về tâm lý về tính trung lưu. Có rất nhiều báo xuất hiện và cung cấp những lời khuyên về các phong cách tiêu thụ sống, về rượu, về phong cách ăn, về quan hệ giữa nam và nữ, giữa cha mẹ và con cái. Thành phần này được chờ đợi là sẽ có một vai trò tích cực vì đó là một thành phần hiện đại, cởi mở và nghiêm túc, bao gồm những người thực tế và không làm những chuyện tầm bậy.
François Guizot (1787-1874)
Norbert Elias (1897-1990)
Vai trò chính trị của thành phần trung lưu cũng là một yếu tố quan trọng trong diễn ngôn này, trước hết là về những cơ sở của tính chính đáng cho sự thành đạt xã hội. Hiện nay ở Trung Quốc có vấn đề của những diễn ngôn chống những kẻ giàu có, ngờ vực đối với những kẻ giàu có. Những người này được cho là đã dùng quyền lực của họ (những mối quan hệ của họ) hay những phương tiện phi pháp để làm giàu. Người ta xem việc trở thành giàu có là đáng ngờ vực. Điều này không có nghĩa là người ta không ganh tỵ, mà còn ngược lại nữa. Ngược lại, sự thành đạt xã hội bằng tài năng, sự lao động, việc tự vấn mình lại được đánh giá cao. Từ đó cả một diễn ngôn về sự thành công chính đáng của thành phần trung lưu đã được xây dựng. Cái gương của người thanh niên có nguồn gốc thấp kém, miệt mài học hành để vượt qua kỳ thi tuyển vào đại học, vào một trường đại học tốt, rồi kiếm được những khóa thực tập tốt và được để ý để rồi rốt cuộc có được một vị trí tốt, bằng cách bổ sung kiến thức với những lớp đêm và việc đọc sách, hay được nêu lên. Cái tưởng tượng này rất mạnh. Ngoài ra, sự đại diện và sự phản kháng chính trị cũng là một vấn đề lớn. Ở mọi nơi, và ở mọi cấp độ, ta hay nghe thấy là Trung Quốc cần một thể chế đại diện, nhưng lại chưa chín muồi cho các cuộc bầu cử. Rất đông người Trung Quốc còn là nông dân, vẫn chưa có được một trình độ giáo dục đầy đủ. Sự phân tích mang tính tinh hoa chủ nghĩa này về bầu cử chủ trương sự cấu tạo những người cử tri trước khi tổ chức các cuộc bầu cử. Có một sự đối chiếu thật thú vị có thể được làm với những gì đã được viết ở Pháp vào thế kỷ XIX, đặc biệt dưới thời Guizot. Tuy nhiên, chính là thông qua những cuộc bầu cử mà khối cử tri được cấu tạo, và lúc đầu người ta cũng không biết dân chủ là gì. Ở Trung Quốc, những cuộc bầu cử ở xã được coi như là có thể chấp nhận được vì người ta chỉ bầu ra “người lãnh đạo nhà quê” để giải quyết những vụ việc ở địa phương, nhưng công việc của Nhà Nước thì không nằm trong tầm tay của những người thấp kém. Cần phải xây dựng một tầng lớp có học thức và lý trí trước khi xây dựng những thể chế đại diện.
Max Weber (1864-1920)
Pierre Bourdieu (1930-2002)
Tại sao phải là thành phần trung lưu? Vì thành phần này được xem như là mang tính phản kháng, ủng hộ sự thống trị của luật pháp, sự công minh xã hội, sẵn sàng bảo vệ những quyền lợi của nó mà vẫn biết điều. Ý thức hệ về cái phải lẽ thuận với ý hướng của chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn có một sự chênh lệch: Nhà Nước Trung Quốc không thể có một chính sách chỉ hướng đến giai cấp trung lưu vì có những nhóm lợi ích khác. Nhưng ta vẫn thấy có một sự tương hợp nhất định ít nhất là ở mức độ của diễn ngôn, một sự hội tụ nhất định trong cách giải quyết vấn đề. Cuộc đấu tranh chính trị mang tính biểu tượng nhất của giai cấp trung lưu là cuộc đấu tranh của những người sở hữu chủ chống lại những người chủ thầu. Ta không tìm thấy bất cứ gì mang tính chất cách mạng, những đòi hỏi cải cách xã hội, mà chỉ là sự bảo vệ quyền sở hữu chống lại sự can thiệp của Nhà Nước hay của các nhóm lợi ích kinh tế. Như vậy, ta có thể thấy có những sự đối chiếu với những gì xảy ra ở Pháp khi mà một bố cáo về việc xây dựng một con đường được xác định là mang tính công ích thông báo sẽ phải phá bỏ mười căn nhà và do đó gây ra nhiều kháng án và nhiều phản ứng của những cư dân.
Hannah Arendt (1906-1975)
Ta có thể đặt câu hỏi về sự chênh lệch của cái diễn ngôn này về giai cấp trung lưu có ích với những quan điểm khác, đặc biệt quan điểm của các nhà nghiên cứu. Vấn đề được đặt ra ở đây là vấn đề của những quy chiếu. Những kinh nghiệm của các nước khác luôn luôn là những quy chiếu, tuy thường là không biết ta đang nói về cái gì. Chẳng hạn, Wright Mills thường hay được trích dẫn, nhưng lại để nói những điều ngược lại những gì ông thật sự nói. Đối với Mills, đang xảy ra một tiến trình nguyên tử hóa chính trị giai cấp trung lưu. Đó là sự thống trị của cái phi chính trị, theo nghĩa mà Arendt gắn cho từ này. Giai cấp trung lưu không có gì để nói về sự biến đổi chính trị, về sự cáo giác các nền tảng của xã hội, mà ngược lại lại có một quan điểm tương đối gần với một Nhà Nước hiện đại ở hầu hết các nước trên thế giới. Về lãnh vực tiêu dùng thì có vấn đề liên quan đến những hình thức tiết kiệm. Vì ở Trung Quốc, người ta tiêu dùng rất ít và tiết kiệm nhiều. Nhưng ý tưởng mang tính đạo đức về sự thành đạt xã hội chính đáng cũng có thể bị đặt thành vấn đề. Ta biết rằng đại đa số những người tốt nghiệp đại học đều đến từ các thành phố không phải vì một tính ưu việt nào đó, mà chỉ vì có những quota khiến cho những người thành thị dễ vào đại học hơn. Nhưng thành phần trung lưu thành thị là những người được ưu đãi, và thường thì chính những sự khác biệt rất nhỏ về hoàn cảnh hay những sự lựa chọn cá nhân đã tạo ra sự khác biệt với những người rốt cuộc đã có một cuộc sống sung túc.
Tôi cố gắng đặt diễn ngôn này trong thế mâu thuẫn với một vài diễn ngôn khác, với những hiện tượng, lịch sử và sự kiện. Nếu ở Pháp và Đức, như một số đông người Trung Quốc khẳng định, ta đã phải chờ sự đăng quang của người cử tri có học thức quan tâm đến vấn đề quốc gia, chắc có lẽ ta đã phải chờ đến những năm 1960, thậm chí những năm 1970, và ngày nay chắc ta phải nghĩ đến việc dẹp bỏ các cuộc bầu cử vì càng ngày càng có ít người đi bầu, và những cử tri đi bầu chủ yếu có những động lực thuần túy gia đình về việc tăng thu nhập. Tôi cũng đặt diễn ngôn này trong thế mâu thuẫn với chính nó, vì việc xác định rõ ràng thành phần trung lưu đặt ra một vấn đề cơ bản. Người ta gắn cho nó một số thuộc tính, nhưng có sự đồng đẳng và sự cố kết nào giữa những người trong thành phần này? Rốt cuộc có rất ít. Cũng như tại nhiều nước khác, có những công chức có tiền lương thấp (đôi khi bị hủ hóa nhưng lại nhận được bổng lộc, với một phong cách sống rất đơn giản), những người di dân đã thành công trong việc làm ăn, những người thị dân đã đạt được một mức sống tương đối cao vì họ đã lợi dụng được một số lợi thế (chẳng hạn như những phụ nữ ở Bắc Kinh buộc phải về hưu non và nhận được tiền hưu khoảng 1500-2000 nhân dân tệ mỗi tháng, một số tiền không phải nhỏ, và bên cạnh đó còn có những việc làm lặt vặt), những tổng biên tập của những tạp chí, những giáo sư đại học, những ông chủ công ty công nghệ nhỏ. Vậy giữa họ có những điểm chung nào về mặt học vấn, phong cách sống, sự quan tâm đến chính trị và ngay cả về sự dấn thân chính trị? Một vài người thì gần với thành phần tinh hoa hay là một bộ phận của thành phần này – chẳng hạn như những giáo sư đại học thuộc thành phần “tư sản” trí thức, mặc dù họ phủ nhận việc này. Những loại phong trào xã hội đang phát triển thì ít mang tính phản kháng. Tôi cố gắng xuất phát từ cái diễn ngôn này, và nhất là không muốn định nghĩa thành phần trung lưu một cách tiên nghiệm, cũng như không tạo ra một cái phổ cập về thành phần trung lưu với những đặc tính rõ ràng, mà ngược lại xuất phát từ một thực tại nhất định, từ những thực tiễn và kinh nghiệm khác với những gì tới từ bên ngoài.
La Vie des Idées – Ông còn nghiên cứu những chủ đề nào khác nữa?
Jean-Louis Rocca – Tôi còn nghiên cứu cách đặt vấn đề về tiến trình hiện đại hóa, gắn với vấn đề của các giai cấp trung lưu. Trung Quốc muốn giống các xã hội hiện đại, ngay cả trong lãnh vực chính trị. Mọi người đều nói là cần phải thiết lập một nền dân chủ ở Trung Quốc, rằng đó là một điều cần thiết. Thật ra cuộc tranh luận xảy ra trong lãnh vực công nghệ của tiến trình hiện đại hóa. Về vấn đề lớn của xã hội Trung Quốc, mọi người đều đồng ý để nói rằng cần phải có nhiều tính dân chủ, nhiều tính đại diện, nhiều biểu lộ của những lợi ích và những sự bất mãn hơn. Ý muốn hiện đại hóa chính trị rất mạnh. Nhưng vấn đề của những phương thức thì phức tạp hơn. Sự hiện đại hóa các phong tục cũng là vấn đề mấu chốt. Mọi người đều muốn ăn, mặc, giải trí và giáo dục con cái như là một người hiện đại. Một ý muốn hiện đại hóa xã hội cũng được biểu hiện ở cấp độ của cấu trúc xã hội, của sự phân tầng xã hội. Người ta muốn một xã hội hiện đại mang hình dạng của trái bóng bầu dục với một dân số trung bình và rất ít người giàu và người nghèo. Người ta suy nghĩ về sự thiết lập những chính sách công, những chế độ bảo hiểm xã hội, để có được cái xã hội lý tưởng này. Còn cần phải có sự hiện đại hóa văn hóa nữa: Bắc Kinh và Thượng Hải phải là những thành phố văn hóa. Người ta đã xây dựng rất nhiều nhà hát, bảo tàng và công trình kiến trúc, và điều này không mâu thuẫn với sự trở về với truyền thống và Khổng Giáo đang xảy ra hiện nay. Mỗi xã hội hiện đại đều đặt câu hỏi về bản sắc của nó. Trung Quốc, cũng như Pháp, Ấn Độ hay Nhật Bản, đều khẳng định một bản sắc riêng cho mình. Nhật Bản là một nước vừa là siêu hiện đại vừa là truyền thống. Hai yếu tố này được kết hợp và tái tạo trong một tình huống đặc biệt. Ở Trung Quốc, những gì mà người ta muốn tìm nơi Khổng Giáo là những yếu tố có thể thích ứng được. Không ai nói là phải có sự thống trị hoàn toàn của đàn ông trên phụ nữ, của cha mẹ trên con cái, hay phải trở về với thời đại Chiến Quốc (thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ III trước Công Nguyên). Người ta thường hay nêu bật một vài yếu tố có thể được áp dụng trong một xí nghiệp, như là chủ nghĩa gia trưởng và lòng nhân từ của người chủ hành xử như là một người quân tử. Không có sự đấu tranh giữa truyền thống và sự hiện đại. Sự hiện đại hóa đòi hỏi sự cá nhân hóa các cách hành xử văn hóa và xã hội quốc gia, nhưng nó cũng phải được đặt ở cấp độ cá nhân. Ngày nay, mỗi người Trung Quốc phải tự sản xuất mình như là một cá nhân. Khi đi kiếm việc làm, thì cần phải cho thấy là mình không giống những người khác. Điều này không có nghĩa là có thể làm bất cứ điều gì. Cần phải tìm ra những yếu tố được xã hội chấp nhận vì được xem như là chủ quan và loại bỏ những yếu tố khác (không ai ăn mặc hay nói chuyện như Khổng Tử, phụ nữ chỉ mặc áo qibao truyền thống trong một vài cơ hội). Phong cách sống phải thể hiện một cá tính nhất định. Sự biện chứng giữa sự đồng phục hoá và sự cá nhân hóa đang xảy ra ở Trung Quốc, như ở tất cả các nước trải qua giai đoạn hiện đại hóa này. Tất cả công trình nghiên cứu của tôi đều tập trung vào những vấn đề này: phong cách sống, thành phần trung lưu, phong trào phản kháng. Việc tôi làm là phát hiện những yếu tố của cái tưởng tượng xã hội này bắt chước nước ngoài, nhưng với những đặc tính của Trung Quốc, vì bối cảnh Trung Quốc khác biệt một cách sâu sắc với bối cảnh của Châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan hay Hongkong. Những gì xảy ra ở các nước này chỉ mang lại rất ít yếu tố để hiểu được xã hội Trung Quốc. Ngay cả bên trong những biên giới của Trung Quốc, hiện tượng này cũng biến dạng rất nhiều tùy vào nơi ta ở, và hiện nay thì tôi tập trung vào các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, với một dân số khoảng bốn mươi triệu.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn:Être sociologue en Chine”, La vie des idées, 31.8.2010




Chú thích:

[*] Vì trong tiếng Việt không có từ tương đương, nên từ “cán bộ” được dùng để dịch từ “cadre”. Dịch giả nghĩ cần phải xác định rõ nội hàm của từ cadre trong bối cảnh kinh tế - xã hội - văn hóa của Pháp. Theo từ điển Larousse, cadre là “một người làm việc ăn lương nói chung có một chức vụ lãnh đạo, thiết kế hay kiểm tra trong một công ty và có một vị thế đặc thù” (khác và cao hơn nhân viên “thường”) (ND).

Print Friendly and PDF