11.9.21

Kỹ thuật số và Covid-19: quyền tự do đối mặt với sự kiểm soát

 
KỸ THUẬT SỐ VÀ COVID-19: QUYỀN TỰ DO ĐỐI MẶT VỚI SỰ KIỂM SOÁT

Stéphane Grumbach[*]

Thứ Hai này, ngày 9 tháng 8, là ngày thông hành y tế bắt đầu có hiệu lực. Quyết định này là kết quả của sự suy nghĩ về sự phát triển của các chiến lược, được dự kiến hoặc triển khai trong bối cảnh cuộc chiến chống lại Covid-19. Chủ đề không phải là mới. Ngay từ năm 1999, một nhóm các chuyên gia Mỹ từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh/Centers for Disease Control and Prevention (CDCP) đã xác định một số kịch bản tùy thuộc vào loại tác nhân truyền nhiễm.

Chiến lược đầu tiên, được gọi là giảm thiểu/mitigation, là chiến lược “sống chung với” dịch bệnh bằng cách hạn chế tốc độ lây lan của nó và bằng cách thực hiện các biện pháp khẩn cấp, để giữ cho các dịch vụ bệnh viện dưới mức bão hòa cho đến khi có được miễn dịch cộng đồng. Chiến lược này, chủ yếu mang tính chất phản ứng, đã được áp dụng rộng rãi cho Covid-19 ở Bắc Mỹ và Châu Âu, đặc biệt là ở Pháp và Đức.

Chiến lược thứ hai, được gọi là xóa bỏ/suppression, nhằm mục đích đạt được sự lưu hành thấp của vi rút bằng các hành động kết hợp, tuần tự và có mục tiêu và các biện pháp phòng ngừa, cho đến khi phát triển được một phương pháp điều trị. Chiến lược phòng ngừa này đã được áp dụng cho Covid-19 ở Nhật Bản, nơi tổ chức Thế vận hội muộn một năm và không có khán giả, và ở Na Uy. Nó đi kèm với việc kiểm soát biên giới khá nghiêm ngặt, với sự truy tìm có hệ thống các trường hợp tiếp xúc và các biện pháp cách ly cưỡng chế.

Chiến lược thứ ba, được gọi là diệt trừ/élimination, nhằm mục đích tiêu diệt vi rút bằng các hành động phối hợp và các biện pháp nghiêm ngặt được thực hiện ở thượng nguồn. Chỉ một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, New Zealand và ở mức độ thấp hơn là Úc, đã áp dụng nó cho Covid-19. Do đó, các biện pháp hà khắc (đóng cửa hoàn toàn, cách ly nghiêm ngặt) đã được thực hiện sớm, được nhấn mạnh với những sự phong tỏa ở địa phương. Các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt được áp dụng và việc truy tìm các đầu mối/contact-tracing được phổ cập.

Chiến lược diệt trừ hiệu quả nhất để chống lại vi rút

Mặc dù vẫn còn quá sớm để thiết lập một bản tổng kết cuối cùng, nhưng có vẻ như chiến lược diệt trừ là cách ứng phó tốt nhất đối với cuộc khủng hoảng và nói chung là đối với các dịch bệnh mới nổi. Một nghiên cứu gần đây được thực hiện trong 12 tháng đầu tiên của đại dịch được công bố trên tạp chí The Lancet đã cho thấy rằng các quốc gia nào trong Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD) đã chọn chiến lược diệt trừ có tỷ lệ tử vong trên đầu người thấp hơn tới 25 lần và sự phục hồi kinh tế nhanh hơn. Hơn nữa, trong khi các chính sách diệt trừ nghiêm ngặt nhất bị chỉ trích vì vi phạm các quyền tự do công cộng, kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra rằng các biện pháp khóa chặt nhanh chóng và có mục tiêu này đã giúp, bằng cách ngăn chặn vi rút một cách nhanh hơn, tránh vi phạm các quyền tự do công cộng về lâu dài. Còn chiến lược giảm thiểu đã áp đặt những sự cưỡng chế rất lớn đối với người dân với những thời hạn không chắc chắn, nhưng dài, rốt cuộc cũng vẫn dẫn đến một sự lây lan lớn của dịch bệnh.

Đối mặt với các phương pháp truyền thống, từ các chuẩn mực xã hội đến sự can thiệp y tế, đâu là vị trí của công nghệ kỹ thuật số, thực tế mới này của xã hội chúng ta, trong các chiến lược khác nhau từ giảm thiểu đến diệt trừ? Chúng ta không thể tránh khỏi câu hỏi, công nghệ kỹ thuật số ngày càng chiếm vị trí trung tâm trong việc kết nối các trao đổi xã hội, về mặt thông tin và vật chất, đồng thời cho phép thực hiện các chiến lược hậu cần vô cùng sâu rộng theo thời gian thực. Cuộc chiến chống lại bệnh dịch phần lớn dựa trên một cuộc chạy đua tốc độ giữa sự lây lan của virus và sự lan truyền của thông tin trong xã hội loài người, một cuộc chạy đua trong đó công nghệ số không thể bị loại trừ.

Đọc thêm: Đối đầu với đại dịch, kỹ thuật mang lại lợi ích gì?

Trong khi hiệu quả của các hệ thống truy tìm đầu mối đang được đánh giá, ngày nay, một năm sau khi chúng đã được đưa vào vận hành, cần phải tra cứu toàn bộ các hệ thống kỹ thuật số đã được triển khai trong bối cảnh đại dịch, bằng cách phân biệt các mục đích của chúng, các loại dữ liệu được sử dụng và các tác nhân liên quan trong quá trình xử lý các dữ liệu này. Thật vậy, có nhiều dịch vụ rất đa dạng đã được phát triển với sự tham gia của các tác nhân công và tư rất khác nhau. Các hệ thống này cung cấp nhiều mức độ trung gian rất khác nhau với các tác nhân của chiến lược y tế quốc gia.

Truy tìm đầu mối hướng về tương lai hay truy tìm ngược?

Nếu về mặt lý thuyết, hiệu quả của việc truy tìm đầu mối đã được chứng minh từ rất sớm, thì các chiến lược được gọi là chiến lược truy tìm ngược/hồi cứu được triển khai cụ thể ở Hàn Quốc và Nhật Bản ngày nay được xác định là hiệu quả hơn nhiều so với các chiến lược hướng tới tương lai (truy tìm về phía trước) được người Mỹ và người Châu Âu sử dụng.

Trong khi các chiến lược hướng tới tương lai tìm kiếm những người có khả năng tiếp xúc với những trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện và sau đó mời họ tự cách ly, các chiến lược truy tìm ngược dựa trên cách tiếp cận ngược lại về mặt thời gian: khi một trường hợp dương tính được xác định, các cơ quan chức năng sẽ tìm kiếm nguồn lây nhiễm từ đâu chứ không phải những người có thể bị bệnh nhân gây nhiễm. Chúng ta biết rằng sự lây truyền không đồng đều, và trong khi phần lớn các cá nhân không truyền vi rút, một số nhỏ là những người siêu lan truyền; do đó cần nhận dạng họ cũng như những nơi có nguy cơ lây lan siêu cao.

Để hỗ trợ nghiên cứu thủ công và truyền thống, Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã hợp tác với một số cơ quan chính phủ và các công ty tư nhân phát triển một phương pháp theo dõi kỹ thuật số nhanh chóng, sử dụng dữ liệu GPS của các cá nhân cũng như các dấu vết kỹ thuật số của họ có sẵn trên điện thoại thông minh của họ (nhật ký vị trí, các ứng dụng khác nhau, v.v.), lịch các giao dịch bằng thẻ tín dụng được định vị trí cũng như các bản thu hình được cung cấp bởi các camera giám sát qua video của các thành phố.

Vì mục tiêu là xác định ngày càng nhanh hơn các trường hợp bị lây nhiễm, nên khả năng của hệ thống để thu thập và phân tích dữ liệu lùi ngược thời gian nhất là cốt yếu. Một số hệ thống nhất định, cụ thể là hệ thống theo dõi triệu chứng, cố gắng quay ngược dòng ngay khi các triệu chứng cảnh báo tiềm ẩn xuất hiện, như một số ứng dụng của AnhĐức.

Như vậy, việc cách ly các người siêu lan truyền làm giảm đáng kể tốc độ lây lan bệnh. Ở đây một lần nữa, nếu một số ứng dụng chỉ đề xuất các biện pháp cách ly thì những ứng dụng khác lại tích hợp các mô-đun giám sát, đặc biệt là ở Hàn Quốc và Đài Loan. Ví dụ, Bộ Nội vụ và An ninh Hàn Quốc đã phát triển một ứng dụng di động có tên “Self-quarantine Safety Protection (Bảo vệ an toàn bằng cách tự cách ly)”. Nếu một cá nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, anh ta được gắn kết với một quan chức y tế địa phương chịu trách nhiệm báo cáo cho cơ quan y tế về diễn biến các triệu chứng của anh ta, sau đó tự động được định vị vị trí để cho phép cơ quan chức năng theo dõi anh ta không rời khỏi chu vi cách ly của anh ta, nếu trường hợp đó xảy ra, anh ta nhận được thông báo mời anh ta trở về lại nhà của mình.

Tỷ lệ sử dụng ứng dụng và sự kết hợp với chính sách cách ly có ý nghĩa quyết định. Nếu ứng dụng mang tính bắt buộc, chẳng hạn như ở Trung Quốc, hoặc Singapore, thì tính hiệu quả của nó sẽ được nâng cao.

Luồng dữ liệu giữa các tác nhân công và tư. Caroline Zanin, Tác giả cung cấp

Phần lớn các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu đã lựa chọn các chiến lược giảm thiểu, được các công cụ kỹ thuật số ít mang tính xâm phạm và có tính tùy chọn hỗ trợ. Chiến lược của Pháp dựa trên ứng dụng Tất cả chống lại Covid (TousAntiCovid) tiêu biểu cho sự lựa chọn này vốn, ngay từ đầu, dành ưu tiên tuyệt đối cho sự ẩn danh của người sử dụng phù hợp với các yêu cầu của Ủy Ban Quốc Gia về Tin Học và các Quyền Tự Do (Commission Nationale de l'Informatique et des Libertés (CNIL)).

Các quyền tự do công cộng và thông hành y tế

Nếu việc thông hành y tế bắt đầu có hiệu lực và việc triển khai chính sách TousAntiCovidSignal vào ngày 9 tháng 6 năm 2021 đã chứng tỏ một sự thay đổi trong chiến lược, các bảo đảm do CNIL chi phối trên thực tế đã quy định hoạt động của chúng. Mặc dù các sự mở rộng mới của thiết kế đầu tiên dường như trái ngược với những khuyến nghị này, nhưng thiết kế thứ hai vẫn giữ tính tùy chọn và ẩn danh; lịch của các lần tiếp xúc không cho phép xác định nơi phát tán hoặc sự truyền tải thông tin cho cơ quan y tế.

Trong số các biện pháp chính có thể được thực hiện trong khuôn khổ của chiến lược diệt trừ, các công cụ kỹ thuật số sẽ đóng vai trò trung tâm hơn nhiều và hiệu quả của chúng dường như liên quan trực tiếp đến tính chất xâm nhập của chúng. Đối mặt với sự không chắc chắn của dịch bệnh, chúng có thể tiết lộ những dữ liệu cực kỳ quý báu về hiện trạng của cá nhân, bị nhiễm bệnh, được miễn nhiễm hoặc có nguy cơ, và tương tác với người dân để bảo vệ tốt hơn cho cả cá nhân và xã hội nói chung, một cách nhanh chóng, đôi khi ngay cả theo thời gian thực.

Tuy nhiên, việc triển khai chúng gây nên, một cách đúng đắn, những mối lo ngại đối với các quyền tự do công cộng và việc bảo vệ quyền riêng tư, vì vậy vấn đề này cần được xem xét hết sức nghiêm túc. Một hệ thống giám sát dịch tễ học chứa đựng những rủi ro, sự ẩn danh một phần là hão huyền và trong mọi trường hợp khó kiểm tra, an toàn khó có thể được bảo đảm và có thể có những cách sử dụng sai mục đích các dữ liệu. Nhiều hiệp hội bảo vệ các quyền tự do chẳng hạn như Không thể kiểm soát mạng (Quadrature du Net) ở Pháp kêu gọi sự cảnh giác cao nhất.

Stéphane Grumbach

Do đó, chiến lược triển khai và sử dụng công nghệ số phụ thuộc vào sự cân nhắc chính trị giữa các rủi ro và lợi ích về sức khỏe, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, những ý định tốt có thể có những tác động ngược lại trong lĩnh vực này. Hệ thống kỹ thuật số càng mong muốn bảo vệ lãnh vực riêng tư, thì hệ thống đó càng có nhiều khả năng được tự áp đặt trong dài hạn. Do đó, các hệ thống mang tính rất xâm nhập, ngoài việc chúng có hiệu quả hơn nhiều trong việc chống lại dịch bệnh, có thể tỏ ra là ít nguy hiểm hơn về mặt chính trị về lâu về dài, chính vì tính đặc biệt của chúng mà chỉ có tình trạng khẩn cấp mới biện minh được, một cuộc tranh luận mà Uỷ ban về tương lai học của Thượng Viện đề xuất mở ra.

_________

Bài này được soạn thảo cùng với Caroline Zanin, sinh viên Cao học, Ban Nghiên Cứu Châu Âu và Quốc Tế ở Trường Sư Phạm Cao Cấp Lyon.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Numérique et Covid19: la liberté face au contrôle, The Conversation, 8.8.2021.




Chú thích:

[*] Giám đốc nghiên cứu, Viện Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học và Công Nghệ về Kỹ Thuật Số (INRIA).

Print Friendly and PDF