23.9.21

Quyền sở hữu trí tuệ: ai trục lợi từ khoa học?

QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ: AI TRỤC LỢI TỪ KHOA HỌC?

Gabriel Galvez-Behar[*]

Gabriel Galvez-Behar

Đối mặt với việc chậm sản xuất vắc-xin chống lại Covid-19, nhiều người lên tiếng đòi dỡ bỏ các bằng sáng chế. Nhưng nhìn lại nhanh lịch sử quyền sở hữu trí tuệ cho thấy tính miễn phí của khoa học cũng không tự nhiên hơn việc chấm dứt nó. Tính miễn phí này có thể dẫn đến việc một số tác nhân khác ngoài các nhà nghiên cứu chiếm lấy được giá trị của nó. Việc chấm dứt sự miễn phí có thể làm chậm sự hợp tác và trao đổi. Giữa hai thái cực này, những lựa chọn được đưa ra luôn dẫn đến câu hỏi: ai trục lợi từ khoa học?

Dù làm gì đi nữa, chúng ta sẽ buộc phải công nhận rằng quyền sở hữu văn học và nghệ thuật chứa đựng tự trong bản chất quyền sở hữu khoa học: quyền này chắc chắn sẽ dẫn đến quyền kia. Sau quyền sở hữu khoa học, chúng ta sẽ có quyền sở hữu y tế. Khi một bác sĩ phát hiện ra một phương thuốc chữa trị hiệu quả bệnh lao phổi, ông ta và gia đình sẽ là những người duy nhất, có lẽ trong một thế kỷ, được phép bán mạng sống cho những người bị ho lao.

Frédéric Mourlon, Khảo sát dự luật về quyền sở hữu văn học và nghệ thuật

Maresq aîné, 1864.

Những nhận xét mà luật sư Frédéric Mourlon đã công bố cách đây gần 160 năm trong một cuộc tranh luận về quyền tác giả giờ đây mang một chiều kích tiên tri.

Katalin Karikó (1955-)
Drew Weissman

Việc điều chế và phổ biến vắc-xin chống lại Covid-19 nêu bật tầm quan trọng của vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học của các công ty tư nhân. Điều này đặc biệt được minh chứng bằng sự phát triển của vắc-xin mRNA: vào năm 2005, Katalin Karikó và Drew Weissman, đều là nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ, đã cùng nhau lấy bằng sáng chế tạm thời về vai trò của mRNA trong phản ứng miễn dịch ngay khi họ công bố công trình của họ trên tạp chí Immunity.

Nhờ vào một trò chơi phức tạp, kết hợp giữa việc đăng ký và bán các bằng sáng chế, sự lưu hành của các nhà khoa học và các nguồn vốn, những loại vắc-xin này đã có thể được điều chế một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, đối mặt với những khó khăn trong việc sản xuất chúng, một cuộc tranh luận, có lẽ vẫn còn quá kín đáo, đã nổi lên về việc giải phóng các bằng sáng chế này được coi là bất lợi đối với các yêu cầu của thời điểm hiện tại. Quyền sở hữu khoa học, hay quyền kiểm soát giá trị và lợi nhuận thu được từ nghiên cứu, vừa là đòn bẩy cần thiết cho sự đổi mới vừa là một phanh hãm sự phổ biến không mong muốn của nó.

Quyền sở hữu khoa học có một lịch sử được ghi nhận trong thời gian dài và thật hữu ích khi gợi lại lịch sử này để hiểu một cách đầy đủ tính đặc biệt của thời điểm mà chúng ta đang trải qua. Thật vậy, quyền sở hữu khoa học sinh ra cùng với sự “phát minh ra khoa học” được khẳng định vào thế kỷ 19 khi hoạt động của các nhà khoa học chuyên nghiệp rốt cuộc được chỉ định với tư cách này, với chữ S (Science) viết hoa.

Mong muốn kiểm soát thành quả của sản xuất khoa học đã là trọng tâm của hoạt động khoa học. Tranh chấp về ai là tác giả của các khám phá diễn ra thường xuyên, thậm chí còn là kinh niên. Ngay cả khi tất cả những cuộc tranh chấp này không đạt đến cường độ của cuộc tranh cãi xung quanh việc phát hiện ra Sao Hải Vương, vốn đối lập các nhà thiên văn học Urbain Le Verrier và John Adams vào năm 1846, tất cả đều xuất phát từ một nền kinh tế biểu tượng giúp xây dựng một trật tự tri thức và chứng nhận giá trị của một quá trình lao động. Việc chỉ định một tác giả của một khám phá giúp tạo cho khám phá này một cái tên và một vị trí trong hệ thống kiến ​​thức. Nó cũng làm tăng giá trị cho công sức của người ở nguồn gốc của sự khám phá.

Louis Agassiz (1807-1873)

Tuy nhiên, quyền sở hữu khoa học không chỉ giới hạn ở mức độ biểu tượng thuần túy này mà còn phải được xem xét dưới khía cạnh vật chất. Vào giữa những năm 1860, một cuộc xung đột đã nổ ra giữa Louis Agassiz, người sáng lập Bảo tàng Động vật học So sánh tại Đại học Harvard, và cộng tác viên của ông là James Clark, người đã yêu cầu thủ trưởng của mình công nhận quyền sở hữu khoa học của mình. Bối cảnh của tranh chấp này là việc xuất bản cuốn sách đồ sộ Đóng góp cho Lịch sử Tự nhiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đã đòi hỏi phải huy động các tín dụng vừa có tính biểu tượng vừa có tính vật chất mà Agassiz tự coi mình là người cung cấp. Năm 1865, để tránh bất kỳ sự cạnh tranh nào có thể xảy ra, ông này đã tái khẳng định quyền sở hữu của bảo tàng mà ông lãnh đạo đối với tất cả các sản phẩm của nhân viên của mình.

Do đó, việc kiểm soát quyền sở hữu khoa học là cách tốt nhất để bảo vệ một hoạt động khoa học vốn luôn được triển khai ở mức độ biểu tượng và vật chất. Vả lại, giá trị của quyền sở hữu khoa học không chỉ giới hạn trong phạm vi hàn lâm. Sự phát triển của ngành công nghiệp trong thế kỷ 19 đi đôi với sự tham gia của nhiều nhà khoa học chuyên nghiệp trong các dự án thương mại. Sự tham gia này đặt ra một cách gay gắt câu hỏi về việc phân chia giá trị của các sản phẩm khoa học.

Louis Pasteur (1822-1895)

Hoàn toàn không từ bỏ lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu của mình về mặt kinh tế, một số nhà khoa học đang cố gắng khẳng định quyền của mình. Điều này giải thích tại sao Pasteur thường dùng đến việc đăng ký các bằng sáng chế cùng lúc với các công bố học thuật của mình. Đó không chỉ là vấn đề ngăn chặn các “con ong bầu công nghiệp” nộp đơn xin cấp bằng sáng chế trên cơ sở các khám phá khoa học có sẵn của các nhà khoa học, mà cách tiếp cận như vậy còn là để ngỏ khả năng xảy ra một cuộc phiêu lưu công nghiệp. Vả lại, năm 1873, Pasteur đã quyết định thành lập một công ty dựa trên công trình nghiên cứu của ông về bia và cho thấy tinh thần kinh doanh khoa học có thể tiến xa đến đâu.

Lợi nhuận cho các nhà công nghiệp, còn vinh quang cho các nhà khoa học!

Thật vậy, sự “phát minh ra khoa học” như là nền tảng của xã hội công nghiệp đã làm cho quyền sở hữu khoa học có một vị trí đôi chiều. Các nhà khoa học cố gắng bảo vệ quyền sở hữu khoa học của mình, nhưng họ không thể làm điều này một cách rõ ràng vì đồng thời họ còn phải đấu tranh để có được nguồn tài trợ cho một khoa học chưa được công nhận đầy đủ như một định chế có nhu cầu chính đáng. Làm thế nào có thể khẳng định lợi ích của bản thân khi những người trong nghề của mình không được lắng nghe?

Do đó mâu thuẫn trên giải thích sự bảo vệ kín đáo này về quyền sở hữu khoa học. Nó cũng giải thích rằng nhờ vào các cuộc chiến tranh bằng sáng chế đôi khi khốc liệt, khoa học cuối cùng được xác định trong các phòng xử án như một quỹ chung và miễn phí. Lợi nhuận cho các nhà công nghiệp và vinh quang cho các nhà khoa học! Mặc dù đó là kết quả của sự đối đầu về lợi ích, nhưng ý tưởng về tính miễn phí của khoa học cũng không ngăn cản những cuộc dàn xếp kín đáo hoặc sự xuất hiện của những sáng kiến ​​đầu tiên nhằm tài trợ cho nghiên cứu khoa học với tư cách như thế.

Tuy nhiên, sự tiến hóa này làm nảy sinh những vấn đề mới.

Sự phát triển của các cấu trúc nghiên cứu-triển khai trong các công ty lớn, như phòng thí nghiệm nghiên cứu của công ty General Electric, được thành lập vào năm 1900, hoặc việc thiết lập quan hệ đối tác giữa các nhà khoa học, các nhà công nghiệp hoặc Nhà nước đặt lại vấn đề về quyền sở hữu các khám phá khoa học có khả năng có những ứng dụng công nghiệp. Vấn đề này càng sâu sắc hơn khi các công ty lớn tăng cường sự kiểm soát hoạt động sáng tạo của nhân viên và sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để áp đặt sự độc quyền.

Paul Ehrlich (1854-1915)

Trong bối cảnh mới này, nổi lên trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, các hình thức thể chế chưa từng có xuất hiện. Năm 1904, Paul Ehrlich, người được giải Nobel Y học 4 năm sau đó, là người lãnh đạo một phòng thí nghiệm do một quỹ tư nhân tài trợ để có thể nhận các bằng sáng chế mà các đối tác công nghiệp của ông đòi hỏi. Trên cơ sở của thỏa thuận này, thuốc điều trị Salvarsan chống bệnh giang mai đã được phát triển vào năm 1909, trước khi được công ty Hoechst đưa ra thị trường. Tại Hoa Kỳ, vào năm 1912, việc thành lập Tập đoàn Research Corporation cho phép tăng giá trị của các bằng sáng chế xuất phát từ nghiên cứu khoa học: một số trường đại học Hoa Kỳ đã sử dụng nó trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến.

Paul Langevin (1872-1946)

Điều thú vị là vào trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi các cộng đồng khoa học có quy mô không đáng kể so với ngày nay, câu hỏi về việc định giá công trình của họ đã là trọng tâm của sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Vả lại, cuộc Đại Chiến/The Great War cũng sẽ cung cấp một nghịch chứng mà tiếng vọng là tình hình hiện tại. Xung đột không chỉ là cơ hội cho một cuộc vận động chưa từng có của giới khoa học, mà vấn đề quyền sở hữu khoa học lại xuất hiện một cách ngấm ngầm. Việc bảo vệ quyền sở hữu khoa học không bị sự xung đột trì hoãn. Paul Langevin, chẳng hạn, đã không bao giờ quên bảo vệ các công trình của mình về sự dò tìm dưới biển bằng một bằng sáng chế.

Ngoài ra, một số quốc gia cũng không ngần ngại đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ để đối phó với các nhu cầu thiết yếu về y tế hoặc quân sự. Đối mặt với các vấn đề cung cấp hóa chất hoặc dược phẩm, chẳng hạn như Salvarsan, Hoa Kỳ đã trưng dụng hàng nghìn bằng sáng chế của các công ty có nguồn gốc từ Đức. Hành động này là cơ sở cho sự canh tân của ngành công nghiệp hóa chất Hoa Kỳ sau cuộc xung đột.

Tính miễn phí của khoa học có thể dẫn đến việc giá tr của nó bị các tác nhân khác ngoài các nhà nghiên cứu chiếm lấy.

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, quyền sở hữu khoa học đã thực sự trở thành một vấn đề trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ngày càng phụ thuộc vào sự tiến bộ của nghiên cứu. Nó thậm chí đang trở thành chủ đề tranh luận gay gắt trong nội bộ các tổ chức quốc tế đang định khung trật tự thế giới mới, như Hội Quốc Liên, Tổ chức Lao động Quốc tế hay Viện Hợp tác Trí tuệ Quốc tế, tiền thân của Unesco ngày nay.

Marie Curie (1867-1934)

Được phát động ở Pháp, phong trào này nhằm mục đích đạt được sự công nhận quyền sở hữu khoa học trong luật thực định, như bản quyền tác giả hoặc quyền sở hữu công nghiệp. Mặc dù nhận được sự ủng hộ của những nhân vật lớn như Marie Curie, dự án vẫn vấp phải sự nghi ngờ nhất định của các nước nói tiếng Anh và sự phản đối gay gắt từ giới kinh doanh vốn coi đây là mối đe dọa đối với lợi nhuận của họ.

Bất chấp sự thất bại của nó, cuộc tranh cãi này đã đóng góp rất nhiều cho việc đặt vấn đề về giá trị và sự tài trợ nghiên cứu khoa học vốn đã thay đổi quy mô giữa hai các cuộc thế chiến. Tất nhiên, vấn đề này được đặt ra một cách khác nhau tùy theo các quốc gia và các ngành.

Tại Hoa Kỳ, nơi các trường đại học đang áp dụng chính sách sử dụng bằng sáng chế từ rất sớm, cộng đồng y tế cực kỳ dè dặt về khả năng cấp bằng sáng chế cho các phương thức mà họ tin rằng phải được dành cho sự sử dụng của mọi người. Tuy nhiên, sự do dự này không ngăn cản việc thỉnh thoảng dùng đến quyền sở hữu trí tuệ để tạo ra độc quyền nhằm đảm bảo chất lượng sản xuất.

Hans Halban (1908-1964)
Lew Kowarski (1907-1979)

Tại Pháp, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia, được thành lập vào năm 1939, là quản lý các bằng sáng chế của Hans Halban, Frédéric Joliot-Curie và Lew Kowarski về năng lượng nguyên tử. Những nhà khoa học này sẽ đóng một vai trò thiết yếu trong sự phát triển của ngành công nghiệp hạt nhân ở Pháp. Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, ngay cả khi không trở thành một loại quyền sở hữu trí tuệ được tích hợp vào luật thực định, quyền sở hữu khoa học đã tự khẳng định như một đòn bẩy cơ bản của nghiên cứu ngày càng tham gia vào sự phát triển kinh tế.

Câu chuyện này tiếp tục trong Thế chiến thứ hai và xa hơn nữa. Trong chiến tranh, Hoa Kỳ đã tiến hành việc trưng dụng hàng loạt các bằng sáng chế do các công ty Đức nắm giữ cũng như bản quyền của các nhà xuất bản khoa học Đức.

Sau đó, những câu hỏi như vậy về việc phân chia giá trị của nghiên cứu vẫn tiếp tục xuyên suốt Đại Khoa học (Big Science). Trong một chế độ tăng trưởng kinh tế ngày càng mạnh, mối liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu và các công ty tạo ra một sự điều tiết quyền sở hữu khoa học (ngay cả khi cụm từ này hầu như không xuất hiện trong diễn ngôn nữa).

Đạo luật Phát triển Sáng chế của Anh năm 1948 được xác định trong sự nối tiếp các sáng kiến ​​được thực hiện trong những năm giữa các cuộc thế chiến. Vấn đề quyền sở hữu khoa học - được đổi tên thành “quyền của nhà khoa học” - cũng xuất hiện trở lại tại Unesco vào giữa những năm 1950. Ở Hoa Kỳ, sự gia tăng các tài trợ liên bang cho nghiên cứu và cho các hợp đồng với các công ty tư dẫn đến việc tra vấn về việc dựa vào quyền sở hữu khoa học giữa các đối tác khác nhau.

Nếu các cơ quan liên bang đã đạt đến việc tạo ra nhịp độ trong một thời gian nhất định, ảnh hưởng của chúng đang dần bị các công ty và thậm chí chính các trường đại học đặt vấn đề. Đây là nguồn gốc của Đạo luật Bayh-Dole nổi tiếng năm 1980 cho phép các trường đại học và doanh nghiệp nhỏ lấy bằng sáng chế từ nghiên cứu do chính phủ tài trợ. Luật này, thường xuất hiện như một trong những dấu hiệu đánh dấu sự xuất hiện của một chế độ tân tự do về khoa học, trên thực tế, là kết quả của một quá trình vận hành lâu dài.

Tính miễn phí của khoa học cũng không tự nhiên hơn sự chấm dứt nó.

Tất nhiên, có sự khác biệt lớn giữa sự khởi đầu của việc thể chế hóa nghiên cứu và tình hình hiện tại.

Sự đan xen giữa các hoạt động kinh tế và nghiên cứu chắc chắn đã được thực hiện mạnh mẽ hơn nhờ sự phát triển của thị trường tài chính hoặc nhờ những thay đổi trong quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng phân tích lịch sử ra đời của nghiên cứu khoa học cho thấy rằng vấn đề phân chia các sản phẩm của khoa học đi đôi với việc thể chế hóa nó và cả việc hội nhập của nó vào sự phát triển kinh tế.

Trước hết, một nhận định như vậy thôi thúc chúng ta xem xét công việc kép của các tác nhân khoa học trong lĩnh vực xây dựng tri thức, tất nhiên, mà còn cả trong công việc tìm kiếm những tài nguyên vật chất. Việc kiểm soát giá trị của lợi nhuận thu được từ nghiên cứu luôn được thực hiện trên hai bình diện, biểu tượng và vật chất, ngay cả khi ta khẳng định là chỉ đứng trên bình diện đầu mà thôi.

Từ đó, điều này dẫn đến tính miễn phí của khoa học cũng không tự nhiên hơn sự chấm dứt nó. Tính miễn phí có thể dẫn đến việc các tác nhân khác ngoài các nhà nghiên cứu chiếm lấy được giá trị của nó. Việc chấm dứt nó có thể làm chậm sự hợp tác và trao đổi. Giữa hai thái cực này, những lựa chọn được đưa ra luôn dẫn đến câu hỏi: ai trục lợi từ khoa học?

Câu trả lời không bao giờ là duy nhất, cũng không phải là bất biến. Trước hết, nó phụ thuộc vào môi trường thể chế, dù đó là việc tổ chức nghiên cứu hay luật về quyền sở hữu trí tuệ. Nó cũng phụ thuộc vào cán cân quyền lực mà các tác nhân khoa học có thể thiết lập với các tác nhân kinh tế và chính trị.

Khi nó nằm trong tay các nhà khoa học, quyền sở hữu khoa học có thể là đòn bẩy trong đàm phán với những người khác. Điều này cũng không nhất thiết đúng khi nó đã được thực hiện bởi các tổ chức nghiên cứu, nơi các nhà nghiên cứu không phải lúc nào cũng có tiếng nói. Thật vậy, cán cân quyền lực cũng thuộc lĩnh vực khoa học vì lợi nhuận, dù là biểu tượng hay vật chất, hiếm khi được phân phối đồng đều giữa các cộng tác viên khác nhau của khoa học đang được triển khai.

Những bất bình đẳng về nguồn lực đôi khi tương ứng với những bất bình đẳng về quyền lực. Về vấn đề này, các ngôi sao của các công ty khởi nghiệp ngày nay thường che khuất những nhân viên trí thức vô danh, và có những câu chuyện hiện đang nở rộ về các anh hùng của mRNA, nhanh chóng ca ngợi công lao của những doanh nhân hàn lâm này, nhưng thường để lại trong bóng tối những tập thể đã làm nên thành công của họ[1].

Lúc đó, để biết ai sở hữu được khoa học, chắc cũng không vô ích hỏi xem ai khai thác nó.

Ghi chú của BBT: Gabriel Galvez-Behar gần đây đã công bố cuốn Posséder la science. La propriété scientifique au temps du capitalisme industriel (Sở hữu Khoa học. Quyền sở hữu khoa học trong thời kỳ của chủ nghĩa tư bản công nghiệp), tại nhà NXB của EHESS (Trường Nghiên Cứu Cao Cấp về Khoa Học Xã Hội).

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: “Propriété intellectuelle: à qui profite la science?, AOC, 6.4.2021.

----                       

Bài có liên quan:




Chú thích:

[*] Nhà sử học, Giáo sư lịch sử đương đại tại Đại học Lille (UMR IRHIS) và chủ nhiệm Khoa Nhân văn.

[1] Có một điều khá đáng chú ý là trong số bốn tác giả của bài báo then chốt được công bố vào năm 2005 trên tạp chí Immunology, chỉ có Katalin Karikó và Drew Weissman được nhắc đến là những nhà phát minh trong bằng sáng chế được công bố cùng ngày và sau đó là trong những câu chuyện về sự khám phá. Hai tác giả còn lại là Michael Buckstein và Houping Ni.

Print Friendly and PDF