26.9.21

Các nghiên cứu hạ cấp – Trở lại các nguyên tắc sáng lập của một dự án biên soạn lịch sử về Ấn Độ thuộc địa

CÁC NGHIÊN CỨU HẠ CẤP (SUBALTERN STUDIES)

Trở lại các nguyên tắc sáng lập của một dự án biên soạn lịch sử về Ấn Độ thuộc địa

Isabelle MERLE[*]

Isabelle Merle (1961-)

GENÈSES là một tạp chí khoa học xã hội và lịch sử xuất bản các bài báo của các nhà xã hội học, sử học, khoa học chính trị, kinh tế học, luật học và nhân học. Mục đích của Genèses là sử dụng phân tích lịch sử để làm sáng tỏ các cuộc tranh luận hiện nay. Nó cũng tập trung vào lịch sử của khoa học và khoa học xã hội, nguồn gốc và sự phát triển của ranh giới giữa các khoa học, của các đối tượng và các phương pháp. Nó mang tính liên ngành và quốc tế. Các Sổ Tay mới của Genèses nhằm mục đích làm cho các trang đánh giá của tạp chí trở nên dễ tiếp cận hơn và năng động hơn.

********************************************************

Dù chỉ mới được du nhập vào Pháp, trào lưu biên soạn lịch sử của bộ Subaltern Studies ở Ấn Độ đã từng có một sự phát triển đáng ca ngợi trong hai mươi năm vừa qua, trước hết là ở Ấn Độ và sau đó trong thế giới của các đại học Mỹ, Úc và Canada và cả đến một số nước của Phương Nam, đặc biệt ở Nam Mỹ[1]. Nay sự tương phản thật là rõ ràng giữa số lượng lớn những tài liệu tiếng Anh mà nó đã khơi gợi, của những người ủng hộ nó cũng như những người phê phán nó, và sự “không tiếp nhận” nó ở Pháp.

Roland Lardinois (1948-)

Cũng như nhà Ấn Độ học Roland Lardinois đã ghi nhận trong ngày đầu tiên của hội thảo về vấn đề này được Trung Tâm Nghiên Cứu Về Ấn Độ và Nam Á của Học Viện Nghiên Cứu Cao Cấp về Khoa Học Xã Hội/Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales tổ chức vào tháng 12 năm 2002, các Subaltern Studies đã bị giam hãm rất lâu trong không gian thu hẹp của những cuộc thảo luận kín giữa các nhà nghiên cứu chuyên về Ấn Độ. Ông đã nhắc lại rằng ông đã cố gắng du nhập các Subaltern Studies vào những năm 1980 khi dịch bài dẫn nhập của cuốn Những khía cạnh cơ bản của các cuộc nổi dậy của nông dân ở Ấn Độ thuộc địa/Elementary Aspects of Peasant Insurgency in Colonial India của Ranajit Guha, người sáng lập dự án này[2] nhưng đã không gây được tiếng vang nào[3]. Đến năm 1999, nỗ lực này được nhà Phi Châu học Mamadou Diouf tiếp nối khi dịch và tập hợp vài bài mới trong cuốn L’historiographie indienne en débat. Colonialisme, nationalisme et sociétés postcoloniales/Tranh luận về thuật biên soạn lịch sử Ấn Độ. Chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa dân tộc và các xã hội hậu thực dân[4]. Hai năm sau, trong một số đặc biệt của Tạp chí L’Homme dành cho “Intellectuels en diasporas de l’Asie du Sud/Các trí thức vùng Nam Á sống ở các cộng đồng hải ngoại”, Jacques Pouchepadass đã viết một dẫn nhập thuật lại những tiến hóa của trào lưu biên soạn lịch sử này từ lúc khởi nguồn[5].

Edward Said (1935-2003)

Trong bài này, chúng tôi không đặt câu hỏi về sự “không tiếp nhận của Pháp”, mà chỉ muốn nhấn mạnh đến những khó khăn mà các “hậu quả của sự chênh lệch” gây nên, cho những ai muốn tìm hiểu một cách chi tiết một dự án phong phú với nhiều định hướng đa dạng và tiến hóa. Khó khăn này đặc biệt gắn với việc các Subaltern Studies được biết đến ở Pháp và ở nơi khác như là trào lưu biên soạn lịch sử gắn liền chặt chẽ với thuyết hậu hiện đại và được gọi là Nghiên Cứu Hậu Thực Dân ở Hoa Kỳ. Sự lựa chọn các bài mà Mamadou Diouf đã thực hiện cho cuốn sách của ông là bằng chứng cho thấy nỗ lực soi sáng một cách rõ ràng điều mà một thành viên của dự án ban đầu, Sumit Sarkar, gọi là các Nghiên Cứu Hạ cấp muộn/Late Subaltern Studies đối lập với các Nghiên Cứu Hạ Cấp sớm/Early Subaltern Studies[6]. Nó cũng đánh dấu sự chuyển hướng mà dự án đã có vào những năm cuối những năm 1980, dưới ảnh hưởng chéo của sự nghiệp của Foucault bao gồm sự tương đối hóa về mặt khoa học luận mà nó dẫn đến và chủ đề lớn về phức hợp “quyền lực/tri thức” mà nó đề xuất, và sự nghiệp của Edward Said[7] mà ảnh hưởng đã nhanh chóng lan tỏa trong thuật biên soạn lịch sử Ấn Độ, đặc biệt với điểm nhấn là bộ Subaltern Studies. J. Pouchedapass đã kỹ càng mô tả những logic của sự chuyển hướng này mà hậu quả là dần dần chuyển trọng tâm của một dự án, trước đây hướng tới việc xét lại thuật biên soạn lịch sử của Ấn Độ thuộc địa và hậu thực dân và sự triển khai một lịch sử của những người hạ cấp lấy nguồn cảm hứng từ thuyết Mác Xít của Gramsci (Early Subaltern Studies), tới một sự phê phán đa dạng và tổng quát cách thuật chuyện của sử học, tính hiện đại và những tiền giả định lấy Châu Âu làm trung tâm vốn dựa trên niềm tin về một hình thái phổ cập của Lý Tính và Tiến Bộ (Late Subaltern Studies). Những viễn tưởng mới này, mang dấu ấn mạnh mẽ của sự chuyển dịch ngôn ngữ/linguistic turn, của sự phê phán văn học và tư duy triết học, đã dần dần xâm nhập trường đến mức gạt ra ngoài lề sử học như là một khoa học, những tranh luận và những thực tiễn của nó, trong khi trước đó sử học nằm ở trung tâm của dự án ban đầu.

Georges Balandier (1920-2016)

Trong sự thừa thải hiện nay của các bài viết dành cho “tính hạ cấp” dưới mọi hình thức và trong mọi trạng thái của nó, bài viết này chấp nhận nguy cơ bị xem như là lạc hướng khi trở lại với những yếu tố chủ yếu của dự án các Subaltern Studies như nó đã được R. Guha, nhà sáng lập, trình bày cách đây hơn hai mươi năm. Ý đồ là soi sáng các nguồn gốc của một thuật biên soạn lịch sử, sinh ra trong những năm 1970, vốn đã tìm cách “bộc lộ” một lịch sử khác của Ấn Độ dưới thời thực dân bị các thuật biên soạn lịch sử thống trị, của đế chế hay của chủ nghĩa dân tộc, che giấu. Khi trở về với nhân vật bảo trợ của Nghiên Cứu Hạ Cấp, R. Guha, khi theo dõi sự nghiệp và hành trình tri thức của ông, tôi muốn tường thuật những vấn đề và những giới hạn của một dự án vốn là, trước hết và một cách toàn diện, một dự án lịch sử xã hội, một âm vang thật sự đáng chú ý của các nỗ lực khác về thuật biên soạn lịch sử phê phán được triển khai ở châu Âu trong lĩnh vực lịch sử công nhân, lịch sử nông thôn hay chung hơn lịch sử các giai cấp bình dân. Trở lại với sự nghiệp của Guha là tự trang bị những phương tiện để hiểu được nguồn gốc của một dự án, nhưng cũng để nắm bắt tốt hơn những con đường mà ông đã giúp mở ra, đã được tiếp tục, bỏ rơi hay chuyển hướng. Quan điểm được theo ở đây là quan điểm của một nhà sử học, ở bên ngoài lĩnh vực Ấn Độ học, vốn nghiên cứu những khu vực thực dân khác[8] đã quan tâm đến cách đặt vấn đề mà các Subaltern Studies đã đề xuất liên quan đến điều mà Georges Balandier gọi là “tình huống thuộc địa[9]. Thật vậy chính những thách thức của một tư duy sử học đặt trong bối cảnh thuộc địa và sự phong phú của những câu hỏi rất đa dạng đã lôi cuốn tôi tới với địa bàn Ấn Độ thông qua các Early Subaltern Studies vốn quan tâm đến sự khảo sát “những cách tiếp cận mới, những đối tượng mới, những địa bàn mới” để đổi mới lịch sử xã hội của Ấn Độ hiện đại với, ở trung tâm của cách đặt vấn đề, một sự đăng quang của “tính hiện đại thuộc địa” và những hậu quả mà nó kế thừa.

Trở lại với người sáng lập dự án: Ranajit Guha

Ranajit Guha (1922-)

Như một tiểu sử ngắn được soạn thảo để vinh danh nhà sáng lập bộ Subaltern Studies trong tập 8 nhắc lại[10], R. Guha sinh năm 1922 ở bang Bengale (huyện Bakargani) trong một gia đình điền chủ khá giả và có học thức. Cha của ông là luật sư. Cũng như cả một thế hệ người Ấn Độ thuộc các giai cấp được ưu đãi, ông nhận được một sự giáo dục vững chắc (kết hợp kiến thức về chữ Phạn, bengali và tiếng Anh) dẫn ông tới trường Presidency College ở Calcutta nổi tiếng rồi đến đại học của thành phố này. Cũng như một số người thuộc thế hệ của mình, ông đã trở thành đảng viên Đảng Cộng Sản Ấn Độ lúc còn rất trẻ và quy theo thuyết mác xít. Hoạt động chính trị tích cực của ông khiến ông quay đầu với con đường đại học cổ điển (ông không làm luận án tiến sĩ) và trở thành một nhà hoạt động toàn thời gian bắt đầu từ năm 1947, thời điểm ông rời Ấn Độ để sang Paris, nơi mà ông sẽ cư trú với tư cách là thành viên của Liên Đoàn Thanh Niên Dân Chủ Thế Giới. Năm 1953, sau khi đi khắp nơi ở châu Âu và tiếp xúc với nhiều giới khác nhau, ông trở về giảng dạy lịch sử ở đại học Calcutta. Sau sự xâm chiếm Hungary năm 1956, ông rời bỏ Đảng Cộng Sản. Năm 1959 ông qua Anh nơi ông sẽ ở lại hai mươi mốt năm, dạy học trước tiên ở đại học Manchester rối sau đó ở Trường Nghiên Cứu về Phi Châu và Á Châu thuộc đại học Sussex.

Về những năm hoạt động chính trị của ông, ta cần phải giữ lại ba yếu tố quan trọng. Trước hết là sự tán thành chủ nghĩa Marx đã để lại dấu ấn trên cơ sở của bộ Subaltern Studies mà ông phát động vào năm 1982, cho dù rằng đó là một chủ nghĩa mác xít phê phán. Sau nữa là sự lưu lại ở Pháp qua đó ông làm quen với những công trình nghiên cứu sử học, nhân học, ngôn ngữ học và triết học vốn sẽ là nguồn cảm hứng cho ông sau này. Sau cùng đó là việc tác phẩm đầu tiên của ông A Rule of property for Bengal/Quy tắc của quyền sở hữu ở Bengal được xuất bản năm 1963 và được dành tặng cho ông thầy của ông vào thời đó, nhà sử học Sushoban Sarkar, mô tả một cách tinh tế nhưng cơ sở của chính sách ruộng đất mà người Anh đã triển khai ở Bengale từ năm 1793 và được biết đến dưới cái tên Permanent Settlement[11]. Mục tiêu chủ yếu của chính sách đó là củng cố một cách “vĩnh viễn” những quyền lợi và nghĩa vụ (đặc biệt trên phương diện thuế má) của một giai cấp điền chủ Ấn Độ (những zamindars) trong khuôn khổ của một trật tự thực dân đang chớm nở, với mục đích là gắn chúng với nhau nhưng cũng để khắc sâu trong đầu óc của họ những chuẩn mực và những quy chiếu mới có cơ sở trên nguyên lý về quyền tư hữu, cái nền cơ bản trên đó, theo người Âu Châu, xã hội hiện đại được xây dựng[12]. Khi cố gắng mô tả những nhân vật có thế lực ở cội nguồn của một cái muốn được xem như là một “hệ thống” thật sự, R. Guha tiết lộ những nét phác thảo của trí tưởng tượng thực dân được nuôi dưỡng bởi các tư tưởng triết học, đặc biệt các tư tưởng của trường phái trọng nông đang lưu hành giữa hai thủ đô tri thức vào thời đó, Paris và Edimbourg, cũng như bởi các quan niệm đầu tiên về Đông Phương được hòa vào những tiền đề của Ấn Độ Học. A Rule of Property for Bengal/Quy tắc của quyền sở hữu ở Bengal đề xuất một sự phân tích rất tinh tế và biểu hiện sự quan tâm của Guha đối với thế giới của đất đai và các xã hội nông thôn sau này sẽ nhận được sự ưu tiên trong bộ Subaltern Studies, sự cẩn thận mà ông thể hiện để mô tả môi trường văn hóa và tri thức trong đó các cá nhân mà ông quan sát sống, và sau cùng sự hiểu biết của ông về Châu Âu thời Khai Sáng. Tuy nhiên, tác phẩm đầu tiên vẫn có một cấu tạo cổ điển theo nghĩa Châu Âu vẫn giữ thế thượng phong như là tác nhân chính của cuộc điều tra. Vùng Bengale xuất hiện như là một đối tượng của những phóng chiếu tri thức và chính trị của những “nhà cải cách” Anh có nhiệm vụ tư duy một “xã hội mới” phải phục tùng sự tiến hóa trong đế chế (Anh)[13].

Những tác phẩm chính của Ranajit Guha

A Rule of Property for Bengal. An Essay on the Idea of Permanent Settlement, Paris, Mouton, 1963.

Elementary Aspects of Peasant Insurgency in Colonial India, Delhi, Oxford University Press India, 1983.

“On some Aspects of the Historiography of Colonial India”, in R. Guha (éd.), Subaltern Studies I, Delhi, Oxford University Press, 1982, pp. 1-8.

“The Prose of Counter-Insurgency”, in R. Guha (éd.), Subaltern Studies II, Delhi, Oxford University Press, 1983, pp. 1-42.

“Chandra’s Death”, in R. Guha (éd.), Subaltern Studies V, Delhi, Oxford University Press, 1987, pp. 135-165.

Selected Subaltern Studies, New York, Oxford University Press, 1988 (en coll. Gayatri Chakravorty Spivak, éd.).

An Indian Historiography of India: A Nineteenth Century Agenda and its Implications, Calcutta, K.P. Bagchi and Company, 1988.

“Dominance without Hegemony and its Historiography”, in R. Guha (éd.), Subaltern Studies VI, Delhi, Oxford University Press, 1989.

“Discipline and Mobilize”, in Partha Chatterjee, Gyanendra Pandey (éd.), Subaltern Studies VII, Delhi, Oxford University Press, 1993.

Dominance without Hegemony: History and Power in Colonial India, Cambridge, Harvard University Press, 1998.

“The Small Voice of History”, in Shahid Amin, Dipesh Chakrabarty (éd.), Subaltern Studies IX, Delhi, Oxford University Press, 1996.

A Subaltern Studies Reader: 1986-1995, Minneapolis, University of Minnesota Press, 1997.

History and the Limit of World History, Columbia, Princeton, University Presses of California, 2003.

Christopher Hill (1912-2003)
Edward P. Thompson (1924-1993)

Hai mươi năm trôi qua trước khi cuốn sách thứ hai của R. Guha, Elementary Aspects of Peasant Insurgency in Colonial India/Những khía cạnh cơ bản của các cuộc nổi dậy của nông dân ở Ấn Độ thuộc địa, được xuất bản năm 1983 ngay sau tập đầu tiên của bộ Subaltern Studies; cả hai tác phẩm đều nằm trong một dự án khoa học. Hai mươi năm để hoàn thiện những viễn tưởng nghiên cứu mới và tập hợp xung quanh ông những nhà sử học Ấn Độ và Anh trẻ trong một bối cảnh tri thức chịu ảnh hưởng mạnh của các nhân vật chính của lịch sử mác xít Anh, Edward P. Thompson, Christopher Hill và Eric Hobsbawm, và các tác phẩm của Claude Lévi-Strauss, Pierre Bourdieu, Roland Barthes, Jack Goody, Clifford Geertz, Max Gluckman và nhiều người khác, và cả những người thuộc trường phái lịch sử xã hội Pháp và đặc biệt là Georges Lefebvre. Tất cả những tác giả này đều được trích dẫn trong thư mục của Elementary Aspects. Ngược lại, Michel Foucault không được trực tiếp trích dẫn trong tác phẩm của ông. Thông qua danh sách rất phong phú của những tác giả mà ông quan tâm, ta có thể thấy R. Guha thể hiện rõ rệt, vượt qua những ranh giới của sử học, sự quan tâm của ông đối với việc nghiên cứu ngôn ngữ và tín hiệu học cũng như đối với nhân học, đặc biệt nhân học cấu trúc, mối quan hệ mà những người bảo vệ các Subaltern Studies hiện nay có xu hướng che giấu.

David Ludden (1948-)
Dipesh Chakrabarty (1948-)

Hai mươi năm thai nghén này cũng mang dấu ấn của một bối cảnh chính trị trong đó R. Guha và các sinh viên của ông đã sống, bối cảnh của một cánh tả mác xít ly khai bị khuấy động khi mất những ảo tưởng mà các chế độ quan liêu của “chủ nghĩa xã hội hiện thực”, những sự lệch lạc của chủ nghĩa Thế giới Thứ Ba và những giới hạn của các lý thuyết mác xít chính thống đã khơi gợi. Chủ nghĩa Marx vẫn là một triển vọng chính trị chủ yếu cho tất cả, và vẫn còn như vậy đối với một vài người, đặc biệt D. Chakrabarty, đệ tử trung thành nhất, như một cuộc tranh luận với những bài của Marx mà ông này đã tiến hành trong một cuốn sách mới đây cho thấy[14]. R. Guha đã tìm thấy cái khung lý thuyết đầu tiên của dự án của ông trong sự nghiệp của Antonio Gramsci. Tìm cách thoát khỏi một khung phân tích hoàn toàn dựa trên các quan hệ giai cấp, các cấu trúc xã hội và các quy chiếu đối với những logic thuần kinh tế, ông thăm dò một hướng giải thích dành một chỗ rộng lớn hơn cho văn hóa, ý thức, sự tự chủ trong hành động và sự khác biệt[15]. Như David Ludden nhấn mạnh, sự nghiệp của Antonio Gramsci được dịch sang tiếng Anh vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, chỉ gây nên một âm vang thật sự bắt đầu từ năm 1977, với sự xuất bản của cuốn Chủ nghĩa Marx và văn học/Marxism and Litterature của Raymond Williams (Londres, Oxford University Press); cách mà Guha sử dụng nó tạo nên một phương tiện can thiệp dưới một góc độ mới vào cuộc tranh luận xung quanh xu hướng lịch sử nhìn từ phía dưới/history from below đã phát triển tiếp theo các công trình nghiên cứu của E. P. Thompson. Tuy nhiên Guha không chấp nhận công thức này mà ông cho là dựa trên một tiền đề mang tính tinh hoa. Những công trình nghiên cứu về các nhóm xã hội bị bỏ rơi cho đến lúc bấy giờ, những “giai cấp và văn hóa bình dân”, hay các phong trào xã hội, “các cuộc nổi dậy của nông dân” và “các cuộc khởi nghĩa của công nhân”, đã được nhân bội trong những năm 1960-1970 ở Mỹ, Anh và Pháp, và đã tìm thấy những công trình tương đương ở Nam Á với sự phát triển của những nghiên cứu nông thôn, các chuyên khảo địa phương cũng như sự nghiên cứu các cuộc nổi dậy của nhân dân, điều tất nhiên đi kèm với, trong tình huống thuộc địa, sự suy nghĩ về nguồn gốc của chủ nghĩa dân tộc. Chính là dựa trên toàn bộ những điều đã được thu thập mà Guha đã chuẩn bị cho cuốn sách thứ hai của ông Elementary Aspects, giống như đồng nghiệp của ông Sumit Sarkar, người sẽ ly khai dự án Subaltern Studies trong tương lai, đang chuẩn bị cho một tổng hợp mới về lịch sử Ấn Độ hiện đại[16] với việc đặt các phong trào nhân dân ở trung tâm của luận điểm của mình. Sự giải phóng khỏi ách thực dân và sự đăng quang của dân tộc là đối tượng của một cuộc tranh luận gay gắt với sự xuất bản của cuốn The Emergence of Indian Nationalism. Competition and Collaboration in the Later Nineteenth Century/Sự trổi dậy của Chủ Nghĩa Dân Tộc Ấn Độ, Cạnh Tranh và Hợp Tác vào cuối thế kỷ XIX của Anil Seal năm 1968 do nhóm được gọi là Cambridge School of South Asian History/Trường Phái Cambridge về Lịch Sử Vùng Nam Á[17] chủ trương. Luận đề của nhóm này đề xuất một lịch sử các thể chế dười thời thực dân, đặc biệt tập trung vào các trò chơi của các bè phái, các phe đảng và các tham vọng cá nhân trong các định chế đại nghị của Ấn Độ nhằm giành lấy quyền lực, và trở thành mục tiêu của nhiều sự tấn công, đặc biệt của Guha và của chương trình của bộ Nghiên Cứu Hạ Cấp. Trong một bài trong tập I cũng như trong phần dẫn nhập của cuốn Elementary Aspects, Guha tố cáo thuật biên soạn lịch sử mang tính tinh hoa này vốn thu gọn chủ nghĩa dân tộc trong những xung đột về quyền lợi và những sự cạnh tranh hoàn toàn nội bộ của những nhóm thống trị hay quan niệm nó như là “giai đoạn học nghề” nhờ đó mà các thành phần tinh hoa Ấn độ dần dần dấn thân vào thực tiễn chính trị bằng cách thương lượng địa vị của họ trong khuôn khổ các định chế thực dân và học hỏi dần dần việc sử dụng các đòn bẩy quyền lực mà người Anh đã tổ chức và theo những phương thức mà “tính hiện đại” chính trị đòi hỏi. Đối với Guha, Cambridge School tượng trưng cho những giới hạn một thuật biên soạn lịch sử hoàn toàn dành cho sự phân tích những “bọn quyền quý của xã hội này”, không quan tâm đến nhân dân và hành động của họ. Những tác giả khác như nhà sử học Bernard S. Cohn (sau này sẽ kết hợp với chương trình của Subaltern Studies) đả kích Cambridge School vì quan niệm mang tính “duy chính trị” về lịch sử và sự không quan tâm mà họ biểu hiện đối với nền văn hóa Ấn Độ, các giá trị, các tư tưởng và các mối quan hệ xã hội[18].

Nhóm sáng lập bộ Subaltern Studies

Sumit Sarkar (1939-)
David Hardiman (1947-)

Cuối những năm 1970, R. Guha đã tập hợp một nhóm tám sinh viên trẻ (sáu người Ấn Độ và hai người Anh) trẻ hơn ông khoảng hai mươi tuổi. Tất cả những người này, ở Anh, Mỹ hay Úc đang làm hay hoàn thành luận án tiến sĩ. Năm trong sáu sinh viên Ấn Độ trở về Ấn Độ sau khi kết thúc sự học tập của họ và vẫn còn làm việc trong các định chế nghiên cứu Ấn Độ, cho đến bây giờ. Shahid Amin, Sumit Sarkar, Gyanendra Pandey đang giảng dạy ở trường đại học New Delhi, Partha Chatterjee và Gautam Bhadra làm việc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội ở Calcutta từ hai mươi năm nay. Trong những người sáng lập, Dipesh Chakrabarty là người duy nhất ở lại nước ngoài. Ông đã trở thành giảng viên (lecturer) ở Đại Học Melbourne (Úc) rồi giáo sư ở Đại Học Chicago. David Arnold và David Hardiman đã có sự nghiệp ở Anh. Arnold là giáo sư tại Trường Đông Phương Học và Á Châu Học ở Londres, Hardiman là giáo sư tại trường đại học Manchester.

Eric J. Hobsbawm (1917-2012)

Cũng đã đến lúc phê phán quan niệm kì diệu của lịch sử về chủ nghĩa dân tộc vốn trong một thời gian dài được mô tả như là một cuộc phiêu lưu lý tưởng đã được các thành phần tinh hoa Ấn Độ sáng suốt lãnh đạo để kéo nhân dân khỏi điều kiện của một sự lệ thuộc và sự khốn khổ nhằm dẫn họ đến tự do. Quan niệm kì diệu này, đặc biệt được đại diện bởi một nhà sử học như Bijan Chandra[19], nhấn mạnh đến vai trò của nhà lãnh đạo và những người nổi tiếng nhất, Jawaharlal Nehru hay Mohandas Gandhi, và của các tổ chức chính trị, trước hết là đảng Quốc Đại Ấn Độ, và đến sự đối lập rõ ràng giữa thành phần tinh hoa Ấn Độ, hoàn toàn dấn thân cho sự nghiệp giải phóng nhân dân và những đại diện của một quyền lực thực dân đáng phỉ nhổ[20]. Đối với Guha, đây cũng chỉ là một phiên bản khác của lịch sử mang tính tinh hoa chỉ quan niệm lịch sử qua hoạt động chính trị của những nhà lãnh đạo và các tổ chức mà hoàn toàn không tính đến các phong trào nhân dân và đặc biệt đến sự kháng cự của nông dân bị coi là “tiền chính trị”, theo mô hình của E. Hobsbawm. Tuy nhiên, đối với R. Guha, khái niệm này được dùng để chỉ các hình thức “nguyên thủy” của những cuộc nổi dậy mà đặc tính là sự vắng mặt của một ý thức giai cấp, chương trình hay hệ tư tưởng, không thích đáng cho bối cảnh Ấn Độ còn bị một tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội tiền tư bản và bán phong kiến thống trị cho đến đầu thế kỷ XX, được một nền văn hóa truyền thống còn rất mạnh chính đáng hóa; một tổ chức mà người Anh giúp gia cố bằng cách củng cố sự ổn định của trật tự của những điền chủ có trách nhiệm thu tô và thuế. Các cuộc nổi dậy của nông dân không thể bị đặt ngoài lĩnh vực chính trị chỉ vì tính chất cổ xưa và “tiền hiện đại” của chúng vì không những các cuộc nổi dậy này đã hoàn toàn tham gia vào hoạt động chính trị mà còn là thành tố, cũng như các phong trào khác, của “tính hiện đại chính trị”[21].

Trở lại nhưng ý tưởng sáng lập: khái niệm “Hạ Cấp” và lĩnh vực chính trị tự trị của nó

Đối với D. Ludden, cuốn sách thứ hai của R. Guha và chương trình trong đó nó được ghi nhận ra mắt vào thời điểm mà một cái hố được đào sâu, trong thuật biên soạn lịch sử của Ấn Độ, giữa những viễn tưởng của một lịch sử dân tộc đặt trọng tâm vào sự phân tích lĩnh vực chính trị và thể chế và một lịch sử được gọi là nhân dân chủ yếu hướng tới sự nghiên cứu các cuộc kháng cự. Theo ông, chương trình của bộ Subaltern Studies còn làm cho cái hố nay sâu hơn nữa khi đặt ra ngay từ đầu một nguyên tắc triệt để: sự tồn tại của một lĩnh vực hoạt động chính trị tự chủ của những người hạ cấp[22].

Subaltern Studies. Một dự án xuất bản

Dự án Subaltern Studies được thể hiện qua sự xuất bản của một bộ mười một tập (lúc đầu chỉ tính là sẽ có ba mà thôi) từ năm 1982 đến năm 2000 quy tụ gần năm mươi cộng tác viên. Sáu tập đầu tiên được chính R. Guha làm chủ biên cho đến năm 1989. Tập 7 (1992) được P. Chatterjee và G. Pandey làm chủ biên; tập 8 (1994), mang phụ đề Tiểu luận vinh danh Ranajit Guha do D. Arnold và D. Hardiman làm chủ biên; S. Amin và D. Chakrabarty là chủ biên của tập 9 (1996); G. Bhadra, G. Prakash và S. Tharu là chủ biên tập 10 (1999). Tất cả những tập này đều được NXB Oxford University Press xuất bản. Ngược lại tập 11 do P. Chatterjee và Pradee Jeganathan làm chủ biên được NXB Columbia cho xuất bản ở New York năm 2000. Sự di chuyển này không phải là không có ý nghĩa. G. Spivak mà các công trình chứng minh, hơn các người khác, về một định hướng “hậu hiện đại” đã soạn phần kết luận mang tựa “Lời bạt cho bộ Subaltern Studies mới”. Tập cuối cùng này mang tựa “Cộng Đồng, Giới Tính và Bạo lực”.

Thuật ngữ “hạ cấp” như R. Guha đã ghi nhận trong bài tựa của tập I, có nghĩa là thuộc “hạng dưới” theo định nghĩa của Concise Oxford Dictionnary, sẽ được sử dụng – như ông nói – “như một từ bao hàm tất cả những thuộc tính của sự lệ thuộc trong các xã hội ở vùng Nam Á, cho dù rằng chúng được biểu hiện về mặt giai cấp, đẳng cấp, tuổi tác, giới tính, việc làm hay trong bất cứ lĩnh vực nào khác”[23]. Cần phải trước hết nhấn mạnh đến mối quan hệ lệ thuộc như là thành tố của thân phận hạ cấp, như A. Gramsci đã làm trong sự nghiệp của ông và cũng như D. Arnold đã giải thích trong một bài mang tựa đề “Gramsci và tính hạ cấp của người nông dân ở Ấn Độ”. Đó là một mối quan hệ lệ thuộc, theo D. Arnold, giúp xác định trong bối cảnh tiền tư bản của Ấn Độ cũng như của Ý vào thế kỷ XIX các mối quan hệ giữa các nhóm xã hội một cách rõ ràng hơn là ngôn ngữ giai cấp[24]. Như vậy, sự lưỡng phân thành phần tinh hoa/thành phần hạ cấp sẽ dẫn, trên phương diện lý thuyết, không phải tới những loại hạng xã hội được xác định rõ ràng mà nhà nghiên cứu sẽ phân định ranh giới và mô tả những đặc tính mà đến một quan hệ quyền lực đặc trưng cho cả trật tự xã hội Ấn Độ truyền thống lẫn trật tự thực dân Anh.

Trong một bài xuất bản năm 1989[25] rồi được bổ sung để trở thành cuốn sách năm 1998, Thống trị mà không bá chủ và sự biên soạn lịch sử của nó/Dominance without Hegemony and its Historiography, R. Guha triển khai một lập luận dài để mô tả những hình thức đặc biệt về sự thực thi quyền lực ở Ấn Độ thuộc địa. Nó dựa trên quan hệ cơ bản giữa sự thống trị và sự lệ thuộc, những thuật ngữ gắn liền với những khái niệm cưỡng bức/thuyết phục, hợp tác/kháng cự. Bằng cách kết hợp những nguyên tắc trên đó trật tự thực dân được xây dựng – trấn áp/cưỡng bức, trung thành/phục tùng, tiến bộ hay cải tiến, sự đối lập được khoan dung (rightful dissent) – với những ý tưởng Ấn Độ được coi như là tương đương (Danda, Bhakti, Dharma, Dharmique protest), R. Guha mô tả một thế giới trong đó các thành phần tinh hoa Ấn Độ và Anh đã thông đồng với nhau trong một thời gian dài, dựa trên phương thức của một sự hợp tác căng thẳng và mang tính cạnh tranh, để ủng hộ một trật tự dựa trên sự lệ thuộc của những thành phần không phải là tinh hoa, nói một cách khác, đó là những người hạ cấp. Diện chính trị của những thành phần tinh hoa này là đa dạng và phức tạp và chứa đựng nhiều mâu thuẩn sâu sắc: một chế độ Anh dựa trên những giá trị dân chủ và phổ cập và khẳng định khuyến khích chúng nhưng trên thực tế, ở Ấn Độ, đã củng cố những thứ bậc cũ, bảo vệ và duy trì những quyền lợi, những đặc quyền truyền thống trong khi vẫn áp đặt một chế độ chuyên chế; những thành phần tinh hoa Ấn Độ vốn, theo cách này hay cách khác, là những người hưởng lợi của chế độ Raj[26], thì tạo nên một tập hợp rất đa dạng và bất bình đẳng, với vài thành phần dựa trên một tính chính đáng cũ xưa và truyền thống, thành phần khác thì tiêu biểu cho một giai cấp tư sản mới và “hiện đại” muốn “bắt chước” kẻ thực dân như những người học trò ngoan, trung thành và dễ bảo; tuy nhiên đó là một giai cấp tư sản bị ức chế rốt cuộc cũng đã về với chính nghĩa dân tộc chủ nghĩa vì đã không đạt được những quyền lợi mà họ đòi hỏi. Thế giới căng thẳng của những thành phần tinh hoa này hoạt động trong một khung chính trị dựa trên một sự đồng thuận tối thiểu đặt cơ sở trên một sự tin cậy tương đối với những thể chế đại nghị và nhà nước được người Anh xây dựng, sự tôn trọng những thể chế bán phong kiến kế thừa từ Ấn Độ thời tiền thực dân, sự tôn trọng những thứ bậc quan liêu hay truyền thống. Gắn với thế giới chính trị này của các thành phần tinh hoa, có những phương thức biên soạn lịch sử của Ấn Độ củng cố địa vị lãnh đạo và thống trị của họ đối với thành phần còn lại của dân số bị đặt trong tình trạng lệ thuộc.

Antonio Gramsci (1891-1937)

Phân tích các hình thức đa dạng của sự thống trị mà thế giới của những thành phần thống trị Anh và Ấn Độ áp đặt trên phần còn lại của dân số - đặt cơ sở trên một trật tự kinh tế và chính trị vừa là tư bản vừa là truyền thống – R. Guha lấy lại khái niệm bá chủ mà A. Gramsci đã dùng để chỉ “một sự đồng thuận ý thức hệ và chính trị được thương lương kết hợp các nhóm thống trị và những người bị trị”[27]. Tuy nhiên ông tách ra khỏi một quan niệm mang tính tổng thể để, ngược lại, khẳng định sự tồn tại của một lĩnh vực hoạt động tự chủ trong thế giới của những người hạ cấp. Theo ông, đó chính là một trong những nét đặc thù của sự thực thi quyền lực ở Ấn độ thuộc địa. Theo ông có một sự lưỡng phân cấu trúc giữa lĩnh vực chính trị của những kẻ thống trị và lĩnh vực chính trị của những người bị trị, gắn với việc chế độ (thực dân) không có khả năng tác động đến toàn bộ các thành phần dân số và tạo ra sự tán thành của họ vì những mâu thuẫn phá ngầm nó. Thật vậy chế độ bị kẹt giữa ảo tưởng của dự án dân chủ phổ cập và thực tế của những thực tiễn chuyên chế, sự duy trì những thứ bậc truyền thống và sự áp đặt một mô hình của nước ngoài, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và tính chất cổ của những phương thức bóc lột (lao động ép buộc, lao dịch, cống nộp), sự thiếu vắng một nền giáo dục phổ cập, những giới hạn của sự tiến bộ. Vì theo Guha, chế độ thực dân “chỉ có thể duy trì quyền lực của mình trên bán lục địa với điều kiện là ngăn cản giai cấp tư sản Ấn Độ thực hiện được dự án tổng thể của mình […]. Kết quả là một xã hội đã thật sự thay đổi dưới tác động của chủ nghĩa tư bản thực dân nhưng vẫn có nhiều lĩnh vực rộng lớn trong ý thức và đời sống của nhân dân thoát khỏi ảnh hưởng của sự bá chủ của giai cấp tư sản”[28]. Cho nên Guha đã đưa ra công thức “Thống Trị mà không Bá Chủ/Dominance without Hegemony” để chỉ một quyền lực không toàn diện nuôi dưỡng ngay trong lòng của nó những thành phần tinh hoa bản địa mang trong bản thân chúng một dự án dân tộc chủ nghĩa không có khả năng có tiếng nói “nhân danh nhân dân/dân tộc” (to speak for the nation), và chính vì thế dựa trên cơ sở của một cách đọc lịch sử không đầy đủ và phiến diện của sự đăng quang của chính mình. Do đó có một lĩnh vực chính trị được khẳng định trong đó những tác nhân chính không phải là những nhóm thống trị của xã hội bản xứ, cũng không phải là chính quyền thực dân, mà là những giai cấp hay nhóm hạ cấp “tự chủ” theo nghĩa nguồn gốc và sự tồn tại của chúng không tùy thuộc vào hoạt động chính trị của các thành phần tinh hoa. Ngược lại đây là một thế giới chính trị của những ý nghĩa và hành động độc đáo vốn có cội nguồn trong Ấn Độ tiền thực dân nhưng, “còn lâu mới bị hủy diệt hay không còn hiệu lực […] bởi sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân, vẫn hoạt đông mạnh mẽ, bất chấp chủ nghĩa này, bằng cách thích ứng với những điều kiện của thời Raj và phát triển những hoạt động và những căng thẳng đôi khi rất mới qua những hình thức và mục tiêu của chúng[29]”.

Đối với R. Guha, chính trị của nhân dân/The politics of the people trước hết bao gồm lịch sử liên tục của những sự kháng cự, vận động và nổi dậy do những điều kiện bóc lột những người hạ cấp gây ra, đặc biệt những điều kiện có dưới thời thực dân. Những hoạt động kháng cự và vận động mà bộ Subaltern Studies có sứ mệnh mô tả, có vẻ tự chúng tạo thành lĩnh vực chính trị của người hạ cấp vì chúng là minh chứng cho một biên độ và khả năng hành động sáng tạo (agency) và cho một “ý thức nổi dậy” cần phải được phân tích để “khôi phục chủ thể” và để thuật lại quan niệm về thế giới và ý chí để thay đổi nó của họ[30]. Như vậy, trong một quan điểm mác xít, vấn đề là cần phải hiểu những điều kiện của sự trỗi dậy của một ý thức lý thuyết thông qua những kinh nghiệm đấu tranh được tích lũy và còn chưa được tổ chức; “sự nổi dậy là trung tâm của một tương quan lực lượng giữa hai xu hướng mâu thuẫn nhau trong một ý thức lý thuyết còn rất thiếu sót, phôi thai – một xu hướng bảo thủ được nuôi dướng bởi những ảnh hưởng được kế thừa hay được chấp nhận từ nền văn hóa thống trị và một xu hướng cấp tiến hướng tới sự biến đổi vật chất toàn diện của những điều kiện sống của những người phản nghịch[31]”. Cuốn sách thứ hai của Guha xuất bản năm 1983 có mục tiêu là mô tả cuộc đấu tranh này không phải như là một chuỗi những cuộc đấu tranh đặc thù mà trong hình thức tổng quát của nó bằng cách mô tả những “chiều kích sơ đẳng” và những “điểm tương đồng cấu trúc”[32] của sự nổi dậy của nông dân rút ra từ một trăm mười trường hợp nổi dậy của nông dân đã xảy ra từ năm 1783 đến năm 1900 ở Ấn Độ. Nghiên cứu này trước hết nhắm đến những thực tiễn nổi dậy, xuất phát từ những dấu hiệu nhỏ nhặt nhất hay ít được nhận diện, những lời đồn, những lời chửi rủa, sự đảo ngược các cách cư xử từ sự vận động cho đến những hành động bạo lực công khai, những vụ đốt cháy, những vụ phá hủy các công trình, những vụ ám sát và cả một sự phân tích tinh tế hành động cướp bóc như là hính thức trung gian, những mối liên hệ đoàn kết, những sự phụ thuộc đối với những lãnh thổ và cách mà ký ức truyền lại những biến cố này. Theo Guha thì “ý thức nổi dậy” giống như một “trí tưởng tượng tập thể về các hành động”[33] đoạn tuyệt với những quy tắc và những biểu tượng về uy quyền và bao gồm cả một loạt những hành động thách thức quyền lực một cách ít nhiều công khai tùy vào tương quan lực lượng vào lúc đó. Chúng ta nhận ra ở đây một câu hỏi tương tự với câu hỏi mà James C. Scott phát triển về vùng Đông Nam Á trong Vũ khí của kẻ yếu/Weapons of the Weak[34] hoặc trong cuốn Sự thống trị và Nghệ thuật kháng cự/Domination and the arts of resistance[35] liên quan đến mối quan hệ quyền lực và các hình thức mà chúng có khi chúng được biểu hiện trong một bối cảnh “công” hay “tư” (Public transcripts and Hidden transcripts/Các bản tường thuật công và các bản tường thuật bị che giấu) và những gì mà việc này tiết lộ về những sắc thái có thể có, những hình thức của sự ngờ vực và kháng cự của những người mà Scott gọi là những người dưới quyền/subordinates[36].

Roland Barthes (1915-1980)

Sự suy nghĩ của R. Guha trong cuốn Elementary Aspects không chỉ dẫn ông đến những cố gắng để vẽ ra các đường biên của cái thế giới của những thực tiễn và ý nghĩa mà còn dẫn ông tới việc đặt những câu hỏi về chính những thể thức của kiến thức sử học. Cuộc khởi nghĩa, cuộc nổi dậy, những thực tiễn lệch lạc đều là những biến cố nổi bật làm sáng tỏ vài khía cạnh của lục địa bị che giấu của những người hạ cấp và giúp đoán thấy các logic nằm ẩn dưới nó. Nhưng kiến thức mà ta có thể có, xuất phát từ loại biến cố này, đặc biệt trong bối cảnh thuộc địa, đa phần tùy thuộc vào những văn bản được các thành phần tinh hoa Anh và hiếm hơn bản xứ soạn thảo. Vượt qua sự phê phán các tài liệu, cuối cùng vẫn là cổ điển, vốn thường là sự giải mã những độ vênh nhau của việc mô tả, R. Guha đề nghị điều mà ông gọi là một sự “phân tích ngược dòng (against the grain)”, mà dựa trên một quan điểm mang tính kí hiệu học chủ yếu lấy cảm hứng từ R. Barthes, gồm việc nghiên cứu các tầng ý nghĩa khác nhau của văn bản để cố gắng nắm bắt lịch sử của quyền lực mà nó chứa đựng[37]. Lịch sử này để lại dấu ấn trên tất cả giai đoạn của tiến trình chế tạo tri thức sử học, từ những tài liệu lưu trữ được soạn thảo vào thời điểm những biến cố cho đến những bản biên soạn lịch sử mới nhất và cả những bản tường thuật bán chính thức và hồi cố được soạn thảo dưới thời thực dân. Đối với R. Guha, trở lại vấn đề chế tạo tài liệu lưu trữ và phân tích văn bản và các đặc tính của nó, có nghĩa là giải mã kiến thức thực dân (colonial knowledge) và thuyết mục đích luận của chủ nghĩa dân tộc còn tồn tại dai dẳng trong thuật biên soạn lịch sử hiện nay và dứt khoát đoạn tuyệt với cách diễn giải các cuộc nổi dậy nằm ở bên ngoài chính những người nổi dậy. Do đó cần phải thu hẹp sự phân tích vào chính những người hạ cấp và ý nghĩa mà họ gắn cho các biến cố mà họ tham gia, đồng thời tính đến tất cả các chiều kích của ý thức có thể mang tính tôn giáo hay huyền thoại, của một sự diễn giải có thể là từng mảnh, mâu thuẫn, rời rạc; tất cả những chiều kích mà thuật biên soạn lịch sử cổ điển, dân tộc chủ nghĩa hay không, đã từ chối nhận thức. Đây là một lời kêu gọi trí tưởng tượng sử học mà, dưới ảnh hưởng của một cách đọc giải kiến tạo và hậu hiện đại, sau này sẽ mở ra con đường cho sự phê phán triệt để hơn về sử học như là một tri thức hàn lâm của Châu Âu, bị xem như là không phù hợp để thuật lại các thế giới hạ cấp Ấn Độ, các thế giới ý nghĩa nằm ẩn dưới và sự đóng góp của họ vào sự nghiệp xây dựng dân tộc/quốc gia Ấn Độ[38].

Carlo Ginzburg (1939-)

Được trang bị với bộ lý thuyết này, R. Guha, vào đầu những năm 1980, đã khuyến khích các bạn đồng nghiệp trẻ đào sâu những con đường mà ông đã mở. Mục tiêu là củng cố sự thừa nhận lĩnh vực chính trị tự chủ của người hạ cấp mà các nghiên cứu về các cuộc vận động của nông dân là một chương quan trọng, nhưng cũng chỉ là một chương mà thôi. Nếu thế giới của người nông dân được đề cao là vì, khi tập hợp đại đa số dân số Ấn Độ dưới thời thuộc địa, thế giới này được xem như là đề xuất một “hình tượng động viên” hay một “hệ chuẩn về phong trào nổi dậy của nông dân” cho phái sinh các cuộc vận động công nhân hay các cuộc vận động khác[39]. Do đó việc nghiên cứu các hình thức hành động và kháng cự của người nông dân vẫn thống trị trong những công trình đầu tiên của các nhà nghiên cứu hạ cấp với sự quan tâm đậm nét đối với lĩnh vực các hình tượng, đặc biệt các hình tượng tôn giáo, cũng như đối với sự truyền bá các tin đồn và những áp lực của những người nổi dậy trên những người đại diện chính thức của các phong trào dân tộc chủ nghĩa. Ta có thể ghi nhận việc R. Guha nhấn mạnh đến sự mô tả các hình thức thực tiễn của sự nổi dậy trong cuốn Elementary Aspects đã nhường chỗ, trong các công trình của ông sau này và của các đồng nghiệp trẻ, cho một quan điểm ngày càng được khẳng định rõ ràng của sự phân tích văn hóa các sự kiện, các hình tượng cũng như của sự suy nghĩ càng sâu về sự chế tạo những dấu vết dưới dạng tài liệu và về sự diễn giải chúng[40]. Như vậy đã có sự khuyến khích vượt qua cái khung của những cuộc vận động và kháng cự vốn cũng chỉ là mặt nổi của tảng băng. Khái niệm “chính sách của nhân dân” hay lĩnh vực hành động chính trị tiến hóa tới một nghĩa rộng lớn hơn bao gồm các thực tiễn của đời sống hàng ngày và các cuộc đấu tranh hàng ngày cho sự sống còn[41]. R. Guha đã cho một thí dụ xuất sắc (cho sự tiến hóa này) trong bài viết, Cái chết của Chandra/Chandra’s Death xuất bản năm 1987, nghiên cứu một vụ án về cái chết của một người phụ nữ thuộc đẳng cấp và giai cấp khốn khổ nhất ở Ấn Độ, sau khi phá thai. Bản tường thuật vụ kiện được truyền lại đến ta được nhà sử học coi như là những mảnh thoát khỏi bối cảnh về câu chuyện được các nhân chứng thuật lại và được một nhân viên tòa án địa phương mà vai trò là giam hãm câu truyện trong các phạm trù hợp pháp ghi lại để xác định tính chất của các sự kiện, tức là trong trường hợp này sự tìm kiếm vụ án mạng. Ảnh hưởng của M. Foucault và bài viết nổi tiếng của ông Tôi, Pierre Riviere thật là ấn tượng trong bài này, tuy rằng R. Guha đi theo một con đường khác hơn là chỉ giải kiến tạo diễn ngôn tư pháp. Vì mục đích của ông là tái lập, vượt qua văn bản, bối cảnh xung quanh sự kiện và soi sáng những sự liên kết dựa trên lãnh thổ hay quan hệ họ hàng, những quy tắc trừng phạt theo tập quán, áp lực của chế độ gia trưởng và cả những sự đoàn kết và sự tương trợ giữa phụ nữ. Tất cả những điều này đều vượt quá hệ thống tư pháp thực dân, thoát khỏi sự tác động của nó. Sumit Sarkar cho rằng cuộc điều tra này, cũng như nhiều công trình nghiên cứu khác cũng nằm trong quan điểm này[42], gần gũi với cách tiếp cận của xu hướng lịch sử vi mô của Ý, và đặc biệt những công trình của Carlo Ginzburg mà vào lúc đó có vẻ như là Guha không biết. Thật vậy ta chỉ có thể ngạc nhiên khi thấy sự tương đồng giữa những câu hỏi được đưa ra, đặc biệt trong phần dẫn nhập của cuốn Le Fromage et les Vers/Pho mát và các con sâu của C. Ginzburg xuất năm 1980 mở ra một sự suy nghĩ về nền văn hóa của những người mà tác giả gọi là các “giai cấp hạ cấp” khi dựa trên sự phân tích một vụ án được tòa án dị giáo tổ chức vào thế kỷ XVI chống lại một nhà thuyết giáo là chủ cối xay bột. Theo C. Ginzburg, “sự chênh lệch giữa các yêu cầu của quan tòa và những câu trả lời của những người bị cáo – một sự lạc điệu không thể quy cho những sự gợi ý hay cho sự tra tấn – cho thấy một tầng sâu thẳm những tín ngưỡng dân gian, chủ yếu có tính độc lập[43]. Trong bài này, R.Guha đã làm cho quan điểm lịch sử xã hội của ông tinh tế hơn nhờ vào sự đóng góp của nhân học văn hóa và do đó gắn với một nỗ lực tư duy của thuật biên soạn lịch sử rộng lớn hơn cũng đang được thực hiện trong những ngành khác vào những năm này.

Thuật biên soạn lịch sử hạ cấp trong những năm 1980: một vài công trình của các thành viên sáng lập

Gyanendra Pandey, The Ascendancy of the Congress in Uttar Pradesh, 1926-1934: A Study in Imperfect Mobilization, Delhi et New York, Oxford University Press, 1978.

Sumit Sarkar, Modern India, 1885-1947, Delhi, Macmillan, 1983; Popular Movements and Middle-Class Leadership in Late Colonial India. Perspectives and Problems of a History from Below, Calcutta, K.P. Bagchi, 1983; A Critique of Colonial India, Calcutta, Papyrus, 1985.

Shahid Amin, Sugarcane and Sugar in Gorakhpur: An Inquiry into Peasant Production for Capitalist Enterprise in Colonial India. Delhi, Oxford University Press India, 1984.

David Arnold, Police, Power and Colonial Rule: Madras, 1859-1947, Delhi, Oxford University Press India, 1986.

Dipesh Chakrabarty, Rethinking Working-Class History: Bengal, 1890-1940, Princeton, N.J., Princeton University Press, 1989.

David Hardiman, Peasant Nationalists of Gujarat: Kheda district, Delhi et New York, Oxford University Press, 1981; The Coming of the Devi: Adivasi Assertion in Western India, Delhi, Oxford University Press India, 1987.

Gautam Bhadra, “Four Rebels of Eighteen-Fifty-Seven”, in Ranajit Guha (éd.), Subaltern Studies IV, Delhi, Oxford University Press, 1987, pp. 229-275.

Partha Chatterjee, Bengal, 1920-1947: The Land Question, Calcutta, Centre for Studies in Social Sciences, 1984; Nationalist Thought and the Colonial World: A Derivative Discourse?, Londres, Zed Books, 1986 [Theo Sumit Sarkar, cuốn sách này cũng báo hiệu bước ngoặt hậu hiện đại của dự án Subaltern Studies].

Thách thức và giới hạn của một sự thúc đẩy: suy nghĩ về những đóng góp của sự nghiệp của Ranajit Guha

Ngày nay thì người ta thường giới thiệu dự án biên soạn lịch sử do R. Guha chủ xướng vào những năm 1980 bằng việc nhắc lại sự gắn bó của nó với xu hướng sử học “nhìn từ phía dưới”, mà vài người đại diện của xu hướng Nghiên Cứu Hạ Cấp Muộn (late Subaltern Studies) đánh giá, với một cách khá là trịch thượng, như là quá quen thuộc[44]. Họ cho rằng đó chỉ là thứ tiền sử của dự án vốn chỉ tìm thấy hình thức thật sự độc đáo với sự đăng quang của một định hướng hậu cấu trúc và hậu hiện đại. Tuy nhiên, D. Chakrabarty bác cách nhìn hồi cố này và ra sức tố giác ý tưởng cho rằng dự án, lúc khởi đầu, cũng chỉ là sự áp dụng đơn thuần một phương pháp luận lịch sử xã hội của Anh đã được thử nghiệm ở những địa bàn khác. Ngược lại, ông tìm thấy trong chính những công trình của chính R. Guha, ngay từ lúc đầu, những đặc tính sáng tạo của một phương pháp phục vụ cho một chương trình (nghiên cứu) “hậu thực dân”.

Jules Michelet (1789-1874)
Michel Foucault (1926-1984)

Tuy nhiên rõ ràng là những câu hỏi R. Guha đặt ra lúc ban đầu nằm trong một truyền thống biên soạn lịch sử lâu dài, không ngừng được lặp lại, từ Jules Michelet, vốn muốn xác định những đường viền của lịch sử của những người khiêm nhường, những người “không có chức vị”, những hành động, cử chỉ và tập quán, những thực tiễn và tín ngưỡng của họ. Chính qua điều đó nó tham gia vào một phong trào tư tưởng rộng lớn vốn, từ những năm 1960, đã làm cho cách tiếp cận sử học về các nhóm và các văn hóa mà người ta thường gọi là dân gian, lệ thuộc, hạ cấp hay bình dân được tinh tế và phong phú hơn. Những thách thức của nghiên cứu của R. Guha – tìm kiếm một lĩnh vực tự chủ của những người hạ cấp, sự biện chứng giữa tính hiệu quả lịch sử của những sự ràng buộc vật chất và của chính quyền và tính sáng tạo hành động (agency), sự quan tâm không suy giảm đối với chiều kích văn hóa của các hiện tượng, ý nghĩa mà các tác nhân gắn cho hành động của mình, ngôn ngữ của các văn bản, việc sử dụng những quan điểm của Foucault, quyền lực/tri thức, những hậu quả của nó trên sự diễn giải các tài liệu lưu trữ và rộng hơn trên các bản tường thuật lịch sử - cũng đã đồng thời được khảo sát trong nhiều lĩnh vực và chủ đề khác. Phê phán chính tính hiện đại hay tính hiện đại của những “đại” tự sự thường đi kèm với tư duy về cái bên lề. Vì, cũng giống như những người hạ cấp ở Ấn Độ, những người công nhân, phụ nữ, Mỹ da đen đã trong một thời gian dài hoàn toàn bị loại bỏ khỏi chân trời khoa học vì trong thực tế họ bị xem như là không nằm trong những trào lưu lịch sử cốt yếu. Tuy nhiên thật là quy giản nếu ta chỉ rút gọn chương trình sáng lập của bộ Subaltern Studies như là một sự chuyển giao những phương pháp và câu hỏi đã được thiết kế ở châu Âu hay Mỹ sang Ấn Độ. Vì sự độc đáo của dự án chính là tư duy lại những phương thức viết lịch sử trong một tình huống thuộc địa, điều tự nó sẽ đặt ra những câu hỏi mới. Sự nghiệp của R. Guha chỉ có thể được hiểu trong khuôn khổ của một thuật biên soạn lịch sử được thiết kế theo dòng của một trạng huống thực dân rồi hậu thực dân, được đánh dấu rất sớm bởi một “quyết tâm hiểu biết” của Anh, sản xuất ra một tri thức sử học, rồi bởi sự thành hình dần dần của một phản lịch sử dân tộc chủ nghĩa phục vụ cho một “sứ mệnh hiện đại và phổ cập” hay bởi sự khẳng định một quan điểm diễn giải mác xít về thế giới. Những bản tường thuật này cạnh tranh với nhau có một điểm chung, đó là một quan điểm mang tính mục đích luận về sự tiến bộ, sự tiến bộ này nhìn thấy trong sự xâm nhập của Châu Âu sự khởi đầu của một trào lưu biến đổi tất yếu hướng tới một tính hiện đại đã được xác định ở bên ngoài. Một tính hiện đại có nguồn gốc ở Châu Âu làm rung chuyển một Ấn Độ được nhận thức như là quá “xơ cứng” trong các truyền thống của mình. Phủ nhận cách đọc này, R. Guha đề nghị một cách khác để tư duy “tính hiện đại thuộc địa”. Chống lại sự chia tách truyền thống/hiện đại, Ấn Độ/Châu Âu, người thực dân/người thuộc địa, ông ra sức tư duy những đặc tính của một “tình huống”, một “thời điểm” lịch sử, khi có cái nhìn bao quát tất cả các thành phần của xã hội – từ những người nghèo hay sống xa các trung tâm quyền lực hay các kênh ảnh hưởng thực dân cho đến các thành phần tinh hoa, Anh hay Ấn Độ, tất cả đều tham gia, trong một sự năng động căng thẳng, vào việc “chế tạo” một tính hiện đại Ấn Độ đặc thù không thể được phân tích theo thước đo của những mô hình khác (khiến cho nó sẽ luôn luôn bị coi như là chưa hoàn thành) mà dưới ánh sáng của những đặc tính của chính nó. Tính hiện đại thuộc địa, chủ yếu được Guha quan niệm dưới góc độ chính trị và văn hóa, bao gồm nhiều tình huống rất tương phản, và những loại đối lập rất đa dạng giữa các hệ tư tưởng, giá trị và thực tiễn, vốn là nguồn gốc của nhiều mâu thuẫn. Thế giới thuộc địa mà R. Guha mô tả là một thế giới bị phân mảnh và năng động, dựa trên những tương quan lực lượng và những mối quan hệ quyền lực mà ta cần phải đo lường các lực và các giới hạn. Một vài bộ phận của nó ít nhiều thoát khỏi sự bá quyền của Âu Châu trong khi, ngược lại, có vài bộ phận khác đi vào một tiến trình lai tạp và chuyển dịch (translationnal process) như D. Chakrabarty đã nhắc lại cho chúng ta.

“Vấn đề của tính hiện đại tư bản nay không thể còn được xem như là một vấn đề xã hội học đơn thuần về sự quá độ […] mà còn là một vấn đề về sự chuyển dịch. Đã có một thời – trước khi chính tri thức trở thành toàn cầu hoá – các tiến trình chuyển dịch các hình thức, các thực tiễn và các ý nghĩa trong những phạm trù chính trị-lý thuyết phổ cập có nguồn gốc chủ yếu từ Âu Châu được xem như là những mệnh đề không đặt vấn đề trong khoa học xã hội[45].”

Thuật biên soạn lịch sử hạ cấp những năm 1990-2002. Hướng tới một viễn tưởng “hậu hiện đại”

Gyanendra Pandey, The Construction of Communalism in Colonial North India, Delhi, Oxford University Press India, 1990.

David Arnold, Colonizing the Body: State Medicine and Epidemic Disease in Nineteenth-Century India, Berkeley, University of California Press, 1993; The Problem of Nature: Environment, Culture and European Expansion, Oxford, Basil Blackwell, 1996.

Partha Chatterjee, The Nation and its Fragments: Colonial and Postcolonial Histories, Delhi, Oxford University Press India, 1995.

Ranajit Guha, Dominance without Hegemony. History and Power in Colonial India, Cambridge, Harvard University Press, 1997.

Dipesh Chrakrabarty, Provincializing Europe. Post-Colonial Thought and Historical Difference, Princeton, Princeton University Press, 2000; Habitations of Modernity. Essays in the Wake of Subaltern Studies, Chicago, The University of Chicago Press, 2002.

Trong những thành viên sáng lập, vài người vẫn gắn bó với mối liên hệ nguồn gốc với sử học xã hội:

Shahid Amin, Event, Metaphor, Memory: Chauri Chaura, 1922-1992, Berkeley, University of California Press, 1995.

David Hardiman, Feeding the Baniya: Peasants and Usurers in Western India, Chauri Chaura, Delhi, 1996.

Sumit Sarkar, Writing Social History, Delhi, Oxford University Press India, 1997.

Nhưng các phương thức “thuần hóa” các công cụ Châu Âu, để lấy lại công thức của P. Chatterjee[46] – tư cách công dân, xã hội dân sự, dân chủ, luật pháp, dân tộc, bác ái – thì dẫn đến một tiến trình phức tạp và mơ hồ ở cội nguồn của một nền văn hóa chính trị đặc thù và lai tạp vốn là nguyên lý của dân tộc/quốc gia Ấn Độ hiện đại.

Ta thấy ở đây sự phong phú của những câu hỏi mà R. Guha đã đặt ra mà công lao là đã khuyến khích một tư duy về tính phức tạp của một “tình huống thuộc địa”, những mâu thuẫn và nghịch lý trên đó nó được xây dựng, những tiến trình lai tạp mà nó đưa vào và cả về tính khác biệt mà sự đối đầu giữa những thế giới ý nghĩa vô biên biểu lộ. Khi đặt vấn đề của “tính hiện đại thuộc địa” ở trung tâm của tư tưởng của mình, R. Guha đã xây dựng một tư duy hoàn toàn vượt hẳn vấn đề của những người hạ cấp vì nó dẫn đến việc phải nhân bội những con đường có thể có để khảo sát lịch sử hiện đại của Ấn Độ. Tư duy ban đầu về một xã hội học lịch sử về những thực tiễn phản kháng và nổi dậy được kết nối một cách chặt chẽ với một sự phê phán trong lĩnh vực biên soạn lịch sử hướng tới một suy nghĩ về dự án của Nhà Nước thực dân và những giới hạn của quyền chi phối của nó, về các thành phần tinh hoa và những mâu thuẫn mà chúng chứa đựng, về diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa và những phương thức để áp đặt nó[47], và gần như ở bên lề của sự nghiên cứu nhân học và sử học một thế giới xã hội và một “ý thức” hạ cấp mà văn bản Cái chết của Chandra đã cho ta đoán thấy. Nói cho cùng, bài này có tác dụng của một trải nghiệm đặc biệt và đó chính là nghịch lý của một sự nghiệp mong muốn trở thành công cụ của sự “khám phá” các nhóm bị thuật biên soạn lịch sử thống trị che khuất. Tuy nhiên sự khảo sát sử học và phương pháp luận của bộ Subaltern Studies dưới góc độ của quan hệ quyền lực hay của tính tự chủ - mục tiêu chính của chương trình lý thuyết ban đầu – tương đối còn hạn chế. Nỗ lực đã được vài học trò của Guha tiếp tục nhưng sau này nó dần dần bị bỏ rơi. Do đó nảy sinh ra cảm tưởng về một việc làm chưa được hoàn thành mà hậu quả là đã sản xuất ra một khái niệm tương đối mập mờ để cho những người triệt để theo xu hướng của sự chuyển dịch ngôn ngữ (linguistic turn) lấy lại và biến khái niệm hạ cấp thành một hạng loại thoát khỏi tính vật chất và mọi bối cảnh, cho phép thiết kế một diễn ngôn lý thuyết phi lịch sử. Nói cho cùng ta có thể đưa ra giả thuyết rằng điều mà R. Guha quan tâm nhất là sự phê phán thuật biên soạn lịch sử thống trị (dân tộc chủ nghĩa hay không), các phương thức để viết sử và sự giải mã ngôn ngữ của các tài liệu lưu trữ với một sự quan tâm đặc biệt đến quan hệ biện chứng giữa quyền lực và tri thức mà ông huy động tuy không rõ ràng bày tỏ sự quy chiếu đối với M. Foucault. D. Chakrabarty thấy ở đây một mối liên hệ không bị đứt đoạn giữa các Subaltern Studies Sớm và Muộn.

“Khi phê phán thuyết duy sử học và quan điểm lấy Châu Âu làm trung tâm và khi sử dụng sự phê phán này để khảo sát khái niệm dân tộc bằng cách nêu bật các đặc tính gắn với nguyên bản của các tài liệu lưu trữ, khi xem (vấn đề của) tính đại diện như là một chiều kích của mối quan hệ giữa các thành phần tinh hoa và những người hạ cấp, Guha và những đồng nghiệp của ông đã tách ra khỏi những giả thuyết của cách tiếp cận sử học nhìn từ phía dưới (history from below) của thuật biên soạn sử học mác xít của Anh. Với những công trình của Guha, nền sử học của Ấn Độ đã có bước ngoặt nổi tiếng được gọi là sự chuyển dịch ngôn ngữ (linguistic turn)[48]”.

Claude Lévi-Strauss (1908-2009)

Nếu D. Chakrvabarty đã nhận ra các mối quan hệ nguồn gốc có thể có, ông cũng đã phóng đại tầm quan trọng của chúng vì R. Guha vẫn bám rễ một cách chắc chắn vào một hệ chuẩn sử học mặc dù ông có quan tâm đến những công trình của R. Barthes hay của C. Lévi Strauss. Không phải là ông phủ nhận ý tưởng về bối cảnh (mà ông khẳng định một cách mạnh mẽ trong bài Cái Chết của Chandra) và cũng không phải là ông không biết đến những logic xã hội và những sự ràng buộc vật chất, kinh tế và pháp lý. Chính cái hệ chuẩn sử học này đã dần dần bị bỏ rơi trong những năm 1980 và cùng với nó cả một bộ phận của tư tưởng của R. Guha về lịch sử xã hội và sau cùng là sự nghiên cứu những người hạ cấp như là những thực thể xã hội cụ thể[49]. Ưu tiên đã được dành cho sự nghiên cứu các diễn ngôn, sự phê phán các siêu tự sự, sự phê phán sử học như là một tri thức của Phương Tây, cho việc tìm kiếm tính hạ cấp trong những mảnh của nền văn học bản xứ truyền khẩu hay thành văn hay trong những điều nằm dưới các tài liệu lưu trữ thuộc địa. Sự quan tâm hướng tới diễn ngôn của các thành phần tinh hoa, đến các người theo chủ nghĩa dân tộc hay các thành phần trung lưu bengali, và như vậy tiếp nối cái tư duy cổ xúy cho các phương thức nội tâm hóa những giá trị và thực tiễn của Châu Âu vốn buộc phải xác định lại “con người Ấn Độ” (ít nhất là đối với thiểu số Bengali “hiện đại” nói trên). Nhưng tất cả các điều này phải được trả giá bằng xu hướng “phi vật chất hóa” thế giới thuộc địa được quan sát như nằm ở bên ngoài các bối cảnh, các cấu trúc, các sự ràng buộc, các chuẩn mực, Nhà Nước và dưới lăng kính duy nhất của diễn ngôn của một vài người.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Les Subaltern Studies. Retour sur les principes fondateurs d’un projet historiographique de l’Inde coloniale”, Genèses, 2004/3 (n056), pages 131 à 147

----

Bài có liên quan:



Chú thích:

[1] Các kênh tìm kiếm Google hay Alta Vista (Mỹ, Úc, Canada) giúp ta tìm thấy một số lượng đồ sộ danh mục các bài hay sách bằng tiếng Anh của các thành viên của Nhóm Subaltern Studies cũng như nhiều bài có liên quan. Ví dụ xem: www.untimelypast.org, www.lib.virginia.edu, www.clas.ufl.edu. Đối với Châu Mỹ La Tinh, ta có thể tham khảo Ilean Rodriguez (chủ biên), The Latin American Subaltern Studies Reader, Duke, Duke Universty Press, 2001 và Saurabh Dube (chủ biên), Pasados Poscoloniales. Coleccion de ensayos sobre la nueva historia y etnografia de la India, Mexico, El Colegio de Mexico, 1999.

[2] Ranajit Guha, Elementary Aspects of Peasant Insurgency in Colonial India/Những khía cạnh cơ bản của các cuộc nổi dậy của nông dân ở Ấn Độ thuộc địa, Delhi, Oxford University Press, 1983.

[3] Roland Lardinois, Joël Dusuzeau (éd.), Miroir de l’Inde. Études indiennes en sciences sociales/Cái gương về Ấn Độ, Các công trình nghiên cứu về Ấn Độ trong khoa học xã hội, Paris, MSH, 1989.

[4] Mamadou Diouf, L’historiographie de l’Inde en débat. Colonialisme, nationalisme et sociétés postcoloniales/ Tranh luận về thuật biên soạn lịch sử Ấn Độ. Chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa dân tộc và các xã hội hậu thực dân, Paris, Karthala-Sephis, 1999.

[5] Jacques Pouchepadass, Les Subaltern Studies ou la critique postcoloniale de la modernité/Nghiên cứu hạ cấp hay sự phê phán hậu thực dân tính hiện đại, tạp chí L’Homme, số 156, 2000, số đặc biệt “Các tri thức vùng Nam Á sống ở các các cộng đồng hải ngoại”

[6] Sumit Sarkar, “The Decline of the Subaltern in Subaltern Studies/Sự suy tàn của người hạ cấp trong Subaltern Studies”, in David Ludden (chủ biên), Reading Subaltern Studies. Critical History, Contested Meaning and the Globalization of South Asia/Đọc các công trình Nghiên Cứu Hạ Cấp. Sử học phê phán, Những ý nghĩa bị tranh cãi và sự toàn cầu hóa vùng Nam Á, Londres, Anthem Press, trg. 400-429.

[7] Edward Said, Đông Phương Luận, New York, Pantheon Books; Londres, Routledge & Kegan Paul; Toronto, Random House, 1978.

[8] Chủ yếu là Nouvelle Calédonie (Tân Đảo) và Úc và rộng lớn hơn các vùng thuộc địa của Pháp và Anh ở vùng Nam Thái Bình Dương.

[9] Xem bài của Georges Balandier. “La situation coloniale. Approche théorique/Tình huống thuộc địa. Một tiếp cận lý thuyết” xuất bản năm 1951 trong tạp chí Cahiers Internationaux de Sociologie và được lấy lại dưới một dạng được chỉnh sửa trong Sociologie actuelle de l’Afrique noire, dynamique sociale en Afrique centrale/Xã hội học hiện nay về Châu Phi Đen, Tính năng động xã hội ở Trung Phi, Paris, PUF, 1955.

[10] Shahid Amin và Gautam Bhadra, “Ranajit Guha. A Biographical Sketch/Ranajit Guha. Một tiểu sử tóm tắt”, trong David Arnold và David Hardiman (chủ biên), tập VIII của bộ Nghiên Cứu Hạ Cấp, Delhi, Oxford University Press, 1994, trg. 222-224.

[11] Ranajit Guha, A Rule of Property for Bengal. An Essay on the Idea of Permanent Settlement/Quy tắc của quyền sở hữu ở Bengal. Tiểu luận về ý tưởng về sự định cư vĩnh viễn, Paris, Mouton, 1963.

[12] Trong bài tựa của cuốn sách này, R. Guha giải thích rằng chính ông xuất thân từ một gia đình điền chủ: “Trong thời thơ ấu, cũng như nhiều người thuộc thế hệ của ông, ông đã lớn lên dưới bóng của chính sách “Định cư vĩnh viễn”. Sinh kế của ông, cũng như của gia đình của ông, đến từ những ruộng đất mà chưa có ai đi thăm cả. Sự giáo dục của ông chịu sự tác động hoàn toàn của những nhu cầu của bộ máy quan liêu thực dân vốn tuyển lựa cán bộ của nó trong những con cháu của các gia đình đã hưởng lợi từ chính sách của Lord Cornwallis. Môi trường văn hóa của ông hoàn giới hạn trong những giá trị của các tầng lớp trung lưu sống nhờ vào các tô tức của họ và hoàn toàn xa lạ với nền văn hóa bản địa của các đám đông nông dân.” (R. Guha, Quy tắc của…., sđd, trg. 9).

[13] Xem bài phân tích cuốn sách này của T. V. Sathyamuthy trong “Indian Peasant Historiography. A Critical Perspective on Ranajit Guha’s Work/Lịch sử của nông dân Ấn độ. Một cái nhìn phê phán về các công trình của Ranajit Guha”, The Journal of Peasant Studies, tập 18, 1990, trg. 92-99.

[14] Dipesh Chakrabarty, Provincializing Europe. Postcolonial Thought and Historical Difference/Biến Châu Âu thành tỉnh lẻ. Tư tưởng hậu thực dân và sự khác biệt lịch sử, Princeton, Princeton University Press, 2000.

[15] Christopher Alan Bayly, “Rallying Around the Subaltern/Tập hợp xung quanh bộ Nghiên Cứu Hạ cấp”, The Jounal of Peasant Studies, tập 16, số 1, 1988, trg. 11.

[16] Sumit Sarkar, Modern India/Ấn Độ hiện đại, 1885-1947, Delhi, Oxford University Press, 1983.

[17] Anil Seal, The Emergence of Indian Nationalism. Competition and Collaboration in the Later Nineteenth Century/Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ. Cạnh tranh và hợp tác vào cuối thế kỷ XIX, Cambridge, Cambridge University Press, 1968. Tiếp là cuốn của John Gallagher, Gordon Johnson, Anil Seal (chủ biên), Locality, Province and Nation. Essays on Indian Politics 1870-1940/Địa phương, tỉnh và quốc gia. Tiểu luận về chính trị Ấn Độ 1870-1940, Cambridge, Cambridge University Press, 1973.

[18] Bernard Cohn, “Is there a New Indian History? Society and Social Change Under the Raj/Có một Sử Học Mới về Ấn Độ không? Xã hội và biến đổi xã hội dưới thời Raj”, trong Bernard Cohn, An Anthropologist Among the Historians and Other Essays/Một nhà Nhân học giữa các nhà Sử Học và các tiểu luận khác, Oxford, Oxford University Press, 1990.

[19] Dipesh Chakrabarty, “A Small History of Subaltern Studies/Một lịch sử ngắn về bộ Nghiên Cứu Hạ Cấp”, trong Habitations of Modernity. Essays in the Wake of Subaltern Studies/Những nơi cư trú của tính hiện đại. Tiểu luận về sự nổi lên của Nghiên Cứu Hạ Cấp, Chicago, The University of Chicago Press, 2002, trg. 5.

[20] Ranajit Guha, “On Some Aspects of the Historiography of Colonial India/Về vài khía cạnh của thuật biên soạn lịch sử của Ấn Độ thời thực dân”, trong R. Guha (éd.), Subaltern Studies I, Delhi, Oxford University Press, 1982, trg. 2.

[21] R. Guha, Elementary Aspects…/Các khía cạnh cơ bản …, sđd., trg. 5-8.

[22] David Ludden, “A Brief History of Subalternity/Một lịch sử ngắn của tính Hạ Cấp”, trong D. Ludden (chủ biên), Reading Subaltern Studies. Critical History, Contested Meaning and the Globalization of South Asian/Các công trình Nghiên Cứu Hạ Cấp. Sử học phê phán, Những ý nghĩa bị tranh cãi và sự toàn cầu hóa vùng Nam Á, Londres, Anthem Press, trg. 10.

[23] R. Guha (chủ biên), Subaltern Studies I, sđd., trg. 1 (bài tựa).

[24] David Arnold, “Gramsci and Peasant Subalternity in India/Gramsci và tính hạ cấp của người nông dân ở Ấn Độ”, The Journal of Peasant Studies, tập 11, số 4, 1984, trg. 163.

[25] Ranajit Guha, “Dominance without Hegemony/Thống Trị mà không Bá Chủ, trong R. Guha (chủ biên), Subaltern Studies VI, Delhi, Oxford University Press, 1989, trg. 210-309; Dominance without Hegemony. History and Power in Colonial India/Thống trị mà không Bá Chủ. Lịch sử và quyền Lực ở Ấn Độ thuộc địa, Cambridge (Mass.), Havard University Press, 1998.

[26] Chế độ RAJ của Anh là cái tên không chính thức của thời kỳ thống trị của người Anh trên bán lục địa Ấn, tức là vùng địa lý bao gồm các nước sau đây: Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Miến Điện.

[27] Dominic Strinati, An Introduction to Theories of Popular Culture/Dẫn nhập vào các lý thuyết về nền văn hóa dân gian, Londres, Routledge, 1995, trg. 165.

[28] R. Guha, “Dominance without Hegemony…/Thống Trị mà không Bá Chủ…”, sđd., trg. 274.

[29] R. Guha, “On Some Aspects of the Historiography…/Về vài khía cạnh của thuật biên soạn lịch sử …”, sđd., trg. 4.

[30] R. Guha, Elementary Aspects…/Những khía cạnh cơ bản, sđd., trg. 11.

[31] nt.

[32] R. Guha, “On Some Aspects of the Historiography…/Về vài khía cạnh của thuật biên soạn lịch sử”, sđd., trg. 334.

[33] D. Chakrabarty, “A Small History…/Một lịch sử ngắn …”, sđd., trg. 15.

[34] James C. Scott, Weapons of the Weak/Vũ khí của kẻ yếu, New Haven, Yale University Press, 1985.

[35] James C. Scott, Domination and the Arts of Resistance. Hidden Transcripts/Sự thống trị và nghệ thuật kháng cự. Những tài liệu bị che giấu, New Haven, Yale University Press, 1990.

[36] Trong những lời cảm tạ của cuốn sách cuối cùng của ông, James C. Scott đã nhắc lại sự gặp gỡ với những thành viên của bộ Nghiên Cứu Hạ Cấp năm 1987, khi ông được Research School of Pacific Studies của Trường Đại Học Quốc Gia Úc (ANU) mời, và rất nhiều những lời phê bình mà ông đã phải đối phó. Từ năm 1980, R. Guha là nhà Senior Research Fellow trong cùng một ban. Gyanendra Pandey và Dipesh Chakhabarty cũng từng lưu lại ANU rất nhiều lần.

[37] Ranajit Guha, “The Prose of Counter-Insurgency/Văn phong của sự phản khởi nghĩa”, trong R. Guha (chủ biên), Subaltern Studies II, Delhi, Oxford University Press, 1983.

[38] Xem Gyanendra Pandey, The Construction of Communalism in Colonial Norh India/Sự thiết kế thuyết Làng Xã ở vùng Bắc Ấn Độ dưới thời thuộc địa, New Delhi, Oxford University Press, 1990; Partha Chatterjee, The Nation and its Fragments/Dân tộc và những mảnh của nó, New Jersey, Princeton University Press, 1993; Sahid Amin, Event, Memory, Metaphor/Sự kiện, Ký Ức, các Ẩn dụ, Berkeley, University of California Press, 1995; Dipesh Chakrabarty, Provincializing Europe/Biến Châu Âu thành tỉnh lẻ, Princeton, Princeton University Press, 2003.

[39] R. Guha, “On Some Aspects of the Historiography…/Về vài khía cạnh của thuật biên soạn lịch sử”, sđd., trg. 5.

[40] David Hardiman, “Rebellious Hillmen. The Gudem-Rampa Risings/Cuộc nổi dậy của người dân sống ở đồi núi, Cuộc nổi dậy Gudem-Rampa, 1839-1924”, trong R. Guha (chủ biên), Subaltern Studies I, sđd., trg. 88-142. David Hardiman, “Adivasi Assertion in South Gujarat. The Devi Movement of 1922-1923/Phong trào Adivasi ở vùng Nam Gujarat. Phong trào Devi năm 1922-1923”, trg R. Guha (chủ biên), Subaltern Studies III, Delhi, Oxford University Press, 1984, trg. 196-230. Tanika Sarkar, “Jitu Santal’s Movement in Malda, 1924-1932. A Study of a Tribal Protest/Phong trào Jitu Santal ở Malda. Nghiên cứu về sự phản kháng của một bộ lạc”, trong R. Guha (chủ biên), Subaltern Studies IV, Delhi, Oxford University Press, 1985, trg. 136-164. Dipesh Chakrabarty, “Conditions for Knowledge of Working-class Conditions. Employers, Govenment and the Jute Workers in Calcutta/Điều kiện để nghiên cứu về thành phần lao động. Chủ, Chính Phủ và những người lao động trong ngành đay, 1890-1940”, trong Ranajit Guha (chủ biên), Subaltern Studies II, sđd., trg. 259-310; “Trade Unions in a Hierarchical Culture. The Jute Workers in Calcutta, 1920-1950/Nghiệp đoàn trong một văn hóa có thứ bậc. Những người lao động trong ngành đay ở Calcutta, 1920-1950”, trong R. Guhat (chủ biên), Subaltern Studies III, sđd., trg. 116-152. Gyanendra Pandey, “Rallying round the Cow. Sectarian Strife in the Bhojpur Region, 1888-1917/Sự tập hợp xung quanh Con Bò. Xung đột giữa các bè phái ở vùng Bhojpur, 1888-1917”, trong R. Guha (chủ biên), Subaltern Studies II, sđd., trg. 60-129. Shahid Amin, “Gandhi as Mahatma. Gorakhpur District/Gandhi như là một vị thánh (Mahatma), Huyện Gorakhpur, Eastern UP, 1921-1922/”, trong R. Guha (chủ biên), Subaltern Studies III, sđd., trg. 1-61.

[41] David Arnold, “Famine in Peasant Consciouness and Peasant Action. Madras, 1876-1878/Nạn đói trong tâm thức của người nông dân và hành động của người nông dân. Madras, 1876-1878”, trong R. Guha (chủ biên), Subaltern Studies III, sđd., trg. 62-115; “Touching the Body. Perspective on the Indian Plague, 1896-1900/Đụng chạm đến cơ thể. Quan điểm về nạn dịch Ấn Độ”, trong R. Guha (chủ biên), Subaltern Studies V, Delhi, Oxford University Press, 1987, trg. 55-90. David Hardiman, “From Custom to Crime. The Politics of Drinking in Colonial South Gujarat/Từ thói quen đến tội ác. Chính sách về rượu ở vùng Nam Gujarat thuộc địa”, trong in R. Guha (chủ biên), Subaltern Studies IV, sđd., trg. 165-228.

[42] Sumit Sarkar, “The Kalki-Avatar of Bikrampur. A Village Scandal in Early Twentieth-Century Bengal/Sự kiện Kalki-Avatar ở Bikramour. Một vụ tai tiếng ở Bengal vào đầu thế kỷ XX”, trong R. Guha (chủ biên), Subaltern Studies VI, sđd., trg. 1-53. Gyanendra Pandey, “Encounters and Calamities. The History of a North Indian Quasba in the Nineteenth Century/Những cuộc chạm trán và những thiên tai. Lịch sử của vùng Quasba ở phía Bắc Ấn Độ vào thế kỷ XIX”, trong R. Guha (chủ biên), Subaltern Studies III, sđd., trg. 230-270.

[43] Carlo Ginzburg, Le Fromage et les vers. L’univers d’un meunier du XVIe siècle/Pho mát và các con sâu. Thế giới của một người chủ cối xay vào thế kỷ XVI, Paris, Flammarion, 1980, trang 14.

[44] Gyan Prakash, “Writing Post-Orientalist Histories of the Third World. Perspectives from Indian Historiography/Những bài viết hậu thực dân về lịch sử của Thế giới Thứ Ba. Viễn tưởng từ thuật biên soạn lịch sử Ấn độ”, Comparative Studies in Society and History, n° 32, 1990.

[45] D. Chakrabarty, Provincializing Europe…/Biến Châu Âu…., sđd., trg. 17.

[46] Partha Chatterjee, Nationalist Thought and the Colonial World. A Derivative Discours/Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và thế giới thuộc địa. Một diễn ngôn phái sinh, Londres, Zedbooks, 1986.

[47] Ranajit Guha, “Discipline and Mobilize/Kỷ luật và sự vận động”, trong Partha Chatterjee, Gyanendra Pandey (chủ biên), Subaltern Studies VII, Delhi, Oxford University Press, 1993, trg. 69-120.

[48] D. Chakrabarty, “A Small History…/Một lịch sử ngắn…”, sđd., trg 16.

[49] Jim Masselos, “The Dis/appearance of Subalterns. A Reading of a Decade of Subaltern Studies/Sự xuất hiện/sự biến mất của người hạ cấp. Nghiên cứu về một thập niên của bộ Nghiên Cứu Hạ Cấp”, trong D. Ludden (chủ biên), Reading Subaltern Studies…/Nghiên cứu bộ Nghiên Cứu Hạ Cấp…, sđd., trg. 187-211. Xem thêm Vinay Bahl, “Relevance (or Irrelevance) of Subaltern Studies/Sự thích đáng (hay không thích đáng) của Nghiên Cứu Hạ Cấp”, nt., trg. 358-399.



[*] Isabelle MERLE là nhà sử học công tác ở Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc gia (CNRS Pháp), chuyên về các tiến trình thực dân hóa ở vùng Nam Thái Bình Dương. Bà là tác giả của cuốn sách mà bà là chủ biên cùng với Elsa Faugère, Tân Đảo: hướng tới một vận mệnh chung/La Nouvelle-Calédonie: vers un destin commun? (Paris, Karthala, 2010).

Print Friendly and PDF