29.9.21

Trong một bài đánh giá mới, một số nhà khoa học thuộc F.D.A. và những nhà khoa học khác nói rằng không cần thiết phải tiêm liều tăng cường cho người dân

TRONG MỘT BÀI ĐÁNH GIÁ MỚI, MỘT SỐ NHÀ KHOA HỌC THUỘC F.D.A. VÀ NHỮNG NHÀ KHOA HỌC KHÁC NÓI RẰNG KHÔNG CẦN THIẾT PHẢI TIÊM LIỀU TĂNG CƯỜNG CHO NGƯỜI DÂN

Jonea Jones, 26 tuổi, bên phải, đang được tiêm vắc-xin Covid-19 liều thứ hai tại một phòng tiêm chủng miễn phí ở San Antonio. Ảnh: Matthew Busch for The New York Times

Tác giả: Apoorva Mandavilli

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế, bao gồm một số nhà khoa học tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố một đánh giá vào hôm thứ Hai nói rằng cho đến nay không có dữ liệu nào về vắc xin ngừa virus corona cho ta bằng chứng đáng tin cậy ủng hộ việc tiêm liều thứ ba tăng cường cho dân chúng nói chung.

18 tác giả bao gồm Tiến sĩ Philip Krause và Tiến sĩ Marion Gruber, là các nhà khoa học của tổ chức F.D.A., đã thông báo vào tháng trước rằng họ sẽ rời cơ quan, ít nhất một phần vì họ không đồng ý với việc chính quyền Biden thúc đẩy việc tiêm liều thứ ba tăng cường trước khi các nhà khoa học liên bang có thể xem xét bằng chứng và đưa ra khuyến nghị.

Chính quyền Biden đã đề xuất sử dụng việc tiêm liều tăng cường vắc xin tám tháng sau những mũi tiêm đầu tiên. Nhưng nhiều nhà khoa học đã phản đối kế hoạch này, nói rằng vắc xin tiếp tục có khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại bệnh nặng và phải nhập viện. Một ủy ban cố vấn cho F.D.A. dự kiến sẽ gặp nhau vào thứ Sáu để xem xét dữ liệu.

Trong bài đánh giá mới được công bố trên tạp chí The Lancet, các chuyên gia nói rằng bất cứ lợi ích nào từ liều tiêm tăng cường cũng sẽ không lớn hơn lợi ích của việc sử dụng những liều đó để bảo vệ hàng tỷ người vẫn chưa được tiêm chủng trên toàn thế giới. Họ nói rằng liều tiêm tăng cường có thể hữu ích ở một số người có hệ thống miễn dịch yếu, nhưng vẫn chưa cần thiết cho dân chúng nói chung.

Nhiều nghiên cứu được công bố bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, bao gồm ba nghiên cứu vào thứ Sáu, cho thấy rằng mặc dù hiệu quả chống lại sự lây nhiễm của biến thể Delta dường như giảm chút ít theo thời gian, nhưng hiệu quả của vắc xin vẫn được duy trì ổn định đối với bệnh nặng ở tất cả các nhóm tuổi. Chỉ ở người trên 75 tuổi, ta mới thấy vắc xin bị giảm sút mức độ bảo vệ để không phải nhập viện.

Miễn dịch do vắc xin mang lại dựa trên sự bảo vệ từ kháng thể và cũng từ tế bào miễn dịch. Mặc dù mức độ kháng thể có thể suy giảm theo thời gian - và làm tăng nguy cơ bị lây nhiễm - nhưng ký ức của [hệ miễn dịch của] cơ thể về virus vẫn tồn tại lâu dài.

Các chuyên gia cho biết, các vắc xin này hơi kém hiệu quả trong việc chống lại sự lây nhiễm của biến thể Delta so với biến thể Alpha, nhưng virus vẫn chưa tiến hóa để tránh các phản ứng bền vững từ các tế bào miễn dịch. Liều tiêm tăng cường cuối cùng có thể cần thiết ngay cả đối với dân chúng nói chung nếu một biến thể xuất hiện và trốn tránh được phản ứng miễn dịch của vắc xin.

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc quảng bá tiêm liều tăng cường trước khi cần thiết, cũng như bất kỳ báo cáo nào về tác dụng phụ của việc tiêm liều tăng cường như các vấn đề về tim hoặc hội chứng Guillain-Barre[*], có thể làm giảm niềm tin vào việc tiêm liều đầu tiên.

Apoorva Mandavilli (1974-)

Dữ liệu từ Israel cho thấy tiêm liều tăng cường giúp gia tăng khả năng bảo vệ chống lại việc lây nhiễm. Nhưng các chuyên gia cho biết bằng chứng này đã được thu thập chỉ trong khoảng một tuần sau khi tiêm liều thứ ba và bằng chứng này có thể không còn giá trị tin cậy theo thời gian.

Vài nét về tác giả

Apoorva Mandavilli là Phóng viên chuyên về khoa học và y tế toàn cầu. Bà đạt Giải thưởng Victor Cohn năm 2019 về thành tích Xuất sắc trong việc Viết báo cáo Y khoa. Liên lạc với bà: @apoorva_nyc

Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn:In a new review, some FDA scientists and others say boosters aren’t needeed for the general population”, New York Times, 13.9.2021.

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[*] Hội chứng Guillain – Barre: viêm đa dây thần kinh cấp tính (ND).

Print Friendly and PDF