ANNE CASE VÀ ANGUS DEATON: “TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN, NHƯ CON DAO NGOÁY VÀO VẾT THƯƠNG”
Raphaël Bourgois[*]
(Nguồn: Pathways) |
Những cái chết vì tuyệt vọng đã làm giảm sút kỳ vọng sống tại Mỹ đến nỗi hạ thấp tuổi thọ trung bình kể từ năm 2014. Hai nhà nghiên cứu lớn của Đại học Princeton, Anne Case và Angus Deaton, đã chỉ ra trong tác phẩm mới của họ tầng lớp công nhân da trắng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất như thế nào bởi hiện tượng này trong những năm vừa qua. Điểm xuất phát của một phân tích mạnh mẽ về diễn biến của cơ cấu các bất bình đẳng đã cung cấp các chìa khóa giải thích hiện tượng Trump và chủ nghĩa dân túy đang tồn tại dai dẳng.
Angus Deaton (1945-) |
Anne Case và Angus Deaton là hai nhà kinh tế lớn người Mỹ, gần gũi với chính quyền mới Biden, và quan tâm đến các nguyên nhân và biểu hiện của bất bình đẳng. Năm 2015, Angus Deaton đã nhận giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển, được xem như giải Nobel kinh tế, về “phân tích của ông về tiêu thụ, nghèo khó và phúc lợi”. Từ nhiều năm nay, hai tác giả cùng nhau phát triển việc phân tích vấn đề này bằng cách quan tâm đến một hiện tượng ít được nghiên cứu: “những cái chết vì tuyệt vọng”. Chết vì tuyệt vọng, tương lai của chủ nghĩa tư bản là nhan đề của tác phẩm mới của họ, do Nhà xuất bản Đại học Princeton (Princeton University Press) xuất bản vào tháng ba 2020 và trong vài ngày nữa (24/2/2021 – ND) bản dịch (tiếng Pháp-ND) của Laurent Bury sẽ được nhà xuất bản Presses Universitaires de France phát hành. Qua tìm hiểu về sự giảm sút chưa từng có của kỳ vọng sống của người Mỹ vào năm 2014 và nó tiếp diễn trong nhiều năm liền, hai nhà kinh tế học đã nêu rõ tầm quan trọng của tự tử, nghiện rượu và khủng hoảng ma túy đã tấn công dữ dội hơn một tầng lớp thường bị lãng quên: nam giới da trắng không có bằng cấp từ 25 đến 55 tuổi. Đông đảo những người này đã bầu cho Trump. Đó là điểm xuất phát của một phân tích không khoan nhượng những lệch hướng của chủ nghĩa tư bản, không phải để thoát khỏi nó mà để đưa nó trở lại đúng hướng và có thể nghĩ đến một tương lai cho nó. (Raphaël Bourgois)
Các nhà kinh tế học
càng ngày càng quan tâm đến các cảm xúc, tuy nhiên đo lường sự “tuyệt vọng”
không có gì là hiển nhiên. Nó đã trở thành một đối tượng nghiên cứu của hai vị
và nó đã được thiết lập như thế nào?
Anne Case (1958-) |
Anne Case: Chúng tôi đã không sử dụng
nhiều sự tuyệt vọng như một “đối tượng” mà là như một triệu chứng, triệu chứng
của một cuộc khủng hoảng sâu sắc tại Mỹ. Chúng tôi đã xác nhận những vụ tự tử
và tử vong do dùng ma túy quá liều hay do nghiện rượu đang gia tăng trong tầng
lớp công nhân da trắng từ đầu thập niên 1990. Những số liệu gia tăng một cách lạnh
lùng. Sự gia tăng này là hậu quả của điều mà chúng tôi gọi “những cái chết vì
tuyệt vọng”, vì bị kích động bởi một sự tuyệt vọng nào đó mà những người này, bằng
cách này hay cách khác đã tìm đến cái chết. Chúng tôi luôn luôn dùng khái niệm
tuyệt vọng trong mối liên hệ với sự gia tăng của tử vong.
Angus Deaton: Vả lại, thành ngữ “chết vì
tuyệt vọng” đã xuất hiện sau bài báo đầu tiên của chúng tôi về vấn đề đảo chiều
của đường biểu diễn kỳ vọng sống. Đó là trong một cuộc phỏng vấn, Anne đã dùng
nó một cách tự phát và người phóng viên đã nhận nó về mình, điều này đã trao cho
nó một cuộc sống riêng, và đến lượt chúng tôi tiếp nhận nó. Nhưng để trở lại với
điều đã xây dựng nên công trình của chúng tôi về vấn đề này, trước tiên chúng
tôi nhận thấy số tự tử gia tăng rất nhanh chóng trong số những người trưởng
thành từ ba mươi đến sáu mươi tuổi. Chúng tôi nhận thấy những nguyên nhân tử
vong khác cũng gia tăng trong tầng lớp này: xơ gan do rượu, dùng ma túy quá liều,
v.v.. Tại sao lại có những cái chết này? Câu trả lời là vì những người này đã có
một cuộc sống kinh khủng, chính xác là không sống nổi. Thế là chúng tôi đã gộp
chung những nguyên nhân khác nhau này để nói về “những cái chết vì tuyệt vọng”
đối với họ. Tất nhiên, qua đó chúng tôi không muốn nói là nghiện rượu hay nghiện
ma túy chính xác là tự tử, nhưng dường như sự so sánh là thích đáng. Theo hiểu
biết của chúng tôi, còn chưa có một định nghĩa lâm sàng về tuyệt vọng, ta không
thể tham chiếu một quyển sách giáo khoa.
Angus Deaton, trong
tác phẩm trước của ông, La Grande évasion
(Cuộc vượt thoát vĩ đại) ông đã chỉ ra thế giới đã giàu lên nhiều như thế
nào vào thế kỷ XX, nạn nghèo khó đã giảm bớt nhờ tiến bộ của y tế và của khoa học.
Nhưng ông cũng nhấn mạnh đến những bất bình đẳng của sự phát triển này, được nhận
biết qua chỉ báo kỳ vọng sống này.
Angus Deaton: Một số người đã thấy trong
quyển sách này một tác phẩm đối xứng với Cuộc vượt thoát vĩ đại, điều gì đó như
là ”nhà tù to lớn”, chủ nghĩa bi quan tiếp nối chủ nghĩa lạc quan. Quả thật
kỳ vọng sống là một dữ kiện mà phần lớn các nhà kinh tế học không quan tâm.
Nhưng thật là tầm thường nếu nói ta không thể hưởng lợi từ thu nhập hay các sản
phẩm tiêu dùng nếu ta không còn sống, hoặc ngay cả khi ta nghèo khổ, ta phải rất
vất vả để trả nợ hay đang đau đớn vì bệnh tật. Như vậy thật là phi lý nếu nghĩ
đến hoàn cảnh con người chỉ duy nhất về phương diện tiền bạc, sự giàu có: phải
lưu ý đến sức khỏe, cũng như giáo dục hay dân chủ nhưng chúng tôi xem sức khỏe
là chiều kích chính. Tóm tắt lại, “cuộc vượt thoát vĩ đại” là câu chuyện của những
người cố thoát khỏi nghèo khó trong số những điều khác: họ cũng cố làm sao để
khỏi chết và khỏi thấy con cái họ chết, để họ có thể biết được các cháu của họ.
Như vậy, đối với tôi, tìm kiếm sự tiến bộ do con người thực hiện có vẻ - và có
lẽ là trước tiên - như một mong muốn được sống, được kéo dài cuộc sống. Đó vừa
là một cuộc chiến chống lại tử vong vừa là chống nghèo đói đã diễn ra trong suốt
thế kỷ XX, điều đã bị bỏ quên quá mức bởi các nhà kinh tế mác-xít vốn đã ảnh hưởng
đến tôi rất nhiều. Trở lại với công trình của chúng tôi, chúng tôi nhận thấy tỷ
lệ tử vong tại Mỹ đã gia tăng đều đặn trong số những người trưởng thành da trắng
thuộc tầng lớp công nhân ít học. Và song song đó, kỳ vọng sống của những người
trưởng thành sút giảm, mà không ai nhận ra vì dường như người ta thường chỉ
quan quan tâm đến kỳ vọng sống từ lúc mới sinh (tuổi thọ trung bình).
Đó là một hiện tượng
riêng có của Mỹ?
Anne Case: Tại các nước nói tiếng Anh
khác – đặc biệt là Vương quốc Anh, Canada và Úc – tử vong do quá liều có hơi
gia tăng. Ở xứ Anh (England) và xứ Wales, số tự tử có tăng một ít. Nhưng không liên
quan gì đến điều xảy ra ở Mỹ, với ngoại lệ là Scotland. Scotland rất giống Mỹ.
Nhưng trong phần còn lại của thế giới, tỷ lệ tử vong của người trưởng thành
không ngừng giảm 2% / năm, con số lẽ ra người ta chờ đợi phải có tại Mỹ. Nhưng
không, thay vì được như vậy thì tỷ lệ tử vong lại gia tăng từ những năm 1990,
nhất là đối với nam giới da trắng không có bằng cấp. Trên thế giới, nước Mỹ được
xem là ngoại lệ. Và tại Mỹ, nam giới da trắng ít học lại là ngoại lệ.
Angus Deaton: Sự gia tăng những “cái chết
vì tuyệt vọng” có phải là một thảm kịch của Mỹ? Thực ra, nó xuất hiện nơi này
nơi kia, ở England, Scotland, Canada, Úc, Ireland, đó là chỉ kể những nước nói
tiếng Anh, nhưng cũng có tại Thụy Điển. Ngược lại, có ít tự tử tại Pháp và Đức.
Nhưng không có nghĩa là những nước này được an toàn, trái lại là khác.
Trình độ bằng cấp là một
nhân tố bất bình đẳng rất quan trọng, và vậy là nó biểu lộ một cách cụ thể khi
đọc tác phẩm của hai vị về sự sút giảm kỳ vọng sống của những người có trình độ
học vấn dưới tốt nghiệp đại học. Tại sao bằng cấp lại đóng một vai trò quan trọng
như vậy?
Angus Deaton: Có một sự tương quan hiển
nhiên giữa giáo dục và sức khỏe. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là người ta
càng học cao thì sức khỏe càng tốt. Trình độ học vấn không hoạt động như một loại
thuốc chủng ngừa, để nêu ra sự tương đồng trong thời sự hiện nay: không phải
bằng cách truyền cho ai đó một tấm bằng tú tài mà họ được mạnh khỏe dẻo dai
hơn. Thực ra, vấn đề nằm ở mức độ các điều kiện sản xuất xã hội, chúng định ra
các việc làm có sẵn và về mặt này chúng suy giảm rất nhiều đối với những người
không có bằng đại học, nguyên nhân là do toàn cầu hóa – và nó gây ra sự dịch
chuyển việc làm đến các nước khác – và do tự động hóa. Và các chăm sóc y tế có
chi phí cao chỉ làm tình hình thêm trầm trọng. Như vậy, cần nhớ rằng tại Mỹ,
chi tiêu cho y tế cao gấp đôi chi tiêu tại Pháp mà chất lượng chăm sóc cũng
không tốt hơn.
Anne Case: Sở dĩ chúng tôi đã lấy xuất
phát điểm là trình độ học vấn là vì đó là một dữ liệu dễ tiếp cận: tại Mỹ trình
độ học vấn được ghi trên các giấy chứng tử. Trên đó không có thông tin về nghề
nghiệp, về thu nhập, về tình thương nhận được trong thời thơ ấu (danh tính cha mẹ?-ND), nhưng trình độ học vấn lại được ghi chính xác. Và rồi chúng
tôi đã nhận ra trình độ học vấn đã tương ứng rất cao với tỷ lệ tử vong. Bởi vì
những người có ít bằng hay không có bằng cấp là những người, như chính họ nói, càng
là nạn nhân của sự khổ sở và cô độc. Chẳng hạn rất nhiều người không lập gia
đình. Họ không có một đời sống gia đình ổn định. Họ bị loại ra khỏi thị trường
lao động. Trình độ học vấn như một con dao ngoáy vào vết thương.
Bởi vì, và đây là một
điểm khác của chứng minh của hai vị, cũng có lý là có một vết thương mở đối với
một loại người và nó bị gây ra bởi sự mất việc làm, sự biến mất của những người
chủ “tốt”, tầm quan trọng ngày càng tăng của trình độ học vấn như chúng ta vừa
nêu ra. Hiển nhiên toàn cầu hóa, tự động hóa không chỉ ảnh hưởng đến nước Mỹ,
nhưng chính ở đó mà những chỉ dấu của sự ổn định – gia đình, các nghiệp đoàn,
tôn giáo – đang bị bàn cãi nhiều nhất?
Angus Deaton: Chúng tôi tự đặt mình trong
một viễn cảnh mác-xít, và nghĩ rằng những điều kiện sản xuất quyết định cuộc sống
của bất kỳ người nào, bao gồm cả đời sống xã hội của họ. Và điều này có khi rất
cụ thể. Về việc này, sự suy yếu của các nghiệp đoàn, vốn đã đóng một vai trò
quan trọng trong đời sống nghề nghiệp-xã hội, đã có những tác động bi thảm, như
quyển sách Bowling Alone nêu ra [Chú
thích của biên tập: Bowling Alone: The
Collapse and Revival of American Community – Chơi bowling một mình: Sự sụp đổ và hồi phục của cộng đồng ở Mỹ là
nhan đề của một tác phẩm xã hội học, tác giả là Robert Putnam, xuất bản năm
2000 tại Mỹ]: nhân vật chính chơi bowling một mình trong một câu lạc bộ của
nghiệp đoàn. Hơn nữa, các nghiệp đoàn bảo vệ người làm công ăn lương. Họ chăm
lo cho sự tôn trọng các điều kiện lao động, đặc biệt là những vấn đề an toàn. Họ
thực sự chăm lo đến việc áp dụng luật, vì chính phủ liên bang không có đủ nhân
viên để làm điều này, nhưng họ còn chăm lo duy trì một mức sống tử tế cho người
làm thuê. Thế nhưng trong năm mươi năm vừa qua, Nước Mỹ đã chứng kiến mức lương
của những người không có bằng cấp sút giảm liên tục. Năm mươi năm: vậy là nửa
thế kỷ. Không phải là một điều xảy ra trong một thời gian ngắn. Nó không như cuộc
Đại suy thoái khi đó người dân phải chịu đựng trong một khoảng thời gian tương
đối ngắn. Ở đây, chúng ta chứng kiến một hiện tượng lâu dài, một sự suy sụp chậm
chạp.
Anne Case: “Tại sao lại ở Mỹ chứ không
phải ở những nơi khác?” đó là trục suy nghĩ của chúng tôi. Sau cuộc khủng hoảng
năm 2008, mức lương vẫn tương đối ổn định tại phần lớn các nước châu Âu. Nhưng
tại Mỹ, lương của những người không có bằng cấp sút giảm từ năm mươi năm nay
như Angus vừa nói, và không có một viễn cảnh việc làm ổn định và được trả lương
thỏa đáng. Hậu quả là họ kết hôn ít hơn, họ sống chung không kết hôn: đó là những
cặp ít ổn định hơn, với chỉ một đứa con, họ chia tay, kết hôn lại và đôi khi có
những đứa con khác… Nhưng thường là một cuộc sống bị rối loạn, mà hôn nhân hiển
nhiên là một trụ cột, hay dù sao cũng là một chỉ dấu của sự ổn định. Tương tự
như các mối quan hệ vợ chồng, các quan hệ xã hội-nghề nghiệp cũng tan rã. Một
nhân viên ít chuyên môn, rất có thể từ nay sẽ được thuê bởi một người thầu phụ,
không còn cảm tưởng là thành viên thiết thân của doanh nghiệp, huống hồ là anh
ta lại không được quan tâm gì cả và không được hưởng bảo hiểm y tế. Như thế, cuộc
sống trở nên bấp bênh, rất bấp bênh.
Tình trạng mất ý nghĩa
này theo hai vị có cùng hiện tượng với “các công việc nhảm nhí (“bullshit jobs”)” được mô tả bởi nhà nhân học David Graeber?
David Graeber (1961-2020) |
Angus Deaton: Không, theo ý tôi, đó
không phải là những “công việc nhảm nhí”, thành ngữ mà David Graeber đã dùng dể
chỉ những công việc đành rằng không có ý nghĩa, nhưng trình độ chuyên môn rất
cao, ví dụ như trong lĩnh vực quảng cáo. Phần chúng tôi, chúng tôi nói về các
công việc không có chuyên môn. Khi tôi còn nhỏ ở Scotland, nếu anh tìm được một
công việc trong một doanh nghiệp lớn như Imperial Chemical Industries (ICI), một
trong những doanh nghiệp quan trọng nhất nước Anh lúc bấy giờ, anh có thể xây dựng
các mối quan hệ nghề nghiệp với đồng nghiệp, ngay cả khi anh đang ở vị trí thấp
trong hệ thống, anh vẫn có thể phát triển nghề nghiệp bên trong doanh nghiệp và
từng bước leo lên các cấp bậc. Như vậy, một nhân viên bưu điện đặc biệt tài giỏi
có thể trở thành tổng giám đốc. Đã có những trường hợp như thế. Tất nhiên là
không nhiều nhưng vẫn có. Ngày nay, điều đó hoàn toàn là không thể, bởi vì những
công việc ít chuyên môn này đã bị hủy bỏ. Chúng không biến mất – ít nhất là đối
với đa số -, nhưng chúng được chuyển ra thuê ngoài. Thực vậy, từ nay rất ít doanh
nghiệp lớn tuyển dụng cho riêng mình nhân viên nhà hàng, lái xe, vệ sinh tạp vụ
hay bảo vệ. Ví dụ tất cả những người này trước đây làm việc cho GM, Kodak hay
Google bây giờ làm việc cho một nhà thầu phụ. Nicholas Bloom, giáo sư kinh tế tại
đại học Standford, tóm tắt điều này tuyệt vời chính xác trong một công thức: “anh
làm việc cho công ty, có thể anh làm chính xác cùng một công việc, nhưng anh
không còn được mời dự lễ tất niên”. Trong ý nghĩa đó, anh không còn là thành
viên của công ty, anh là một loại robot thực hiện công việc mà người ta giao
cho.
Điều mà ông mô tả là sự
biến mất của một dạng hệ thống dựa trên sự xứng đáng trước đây có thể hoạt động
trong doanh nghiệp chứ không chỉ ở trường học?
Angus Deaton: Đúng vậy, những công việc
không chuyên môn bị đưa ra khỏi tiến trình dựa trên sự xứng đáng. Hẳn là các
doanh nghiệp chấp thuận – nói chung - các đề bạt căn cứ vào sự xứng đáng của
nhân viên, nhưng với điều kiện là nhân viên này dù làm công việc ít chuyên môn
nhưng có bằng master (thạc sĩ) thậm chí là bằng tiến sĩ. Ví dụ ta có thể có một
sự nghiệp tốt ở Google bằng cách leo lên các cấp bậc, như trường hợp còn xảy ra
mấy năm trước trong lĩnh vực tài chính. Như vậy, hệ thống dựa trên sự xứng đáng
vẫn tồn tại. Vấn đề là nó không tồn tại đối với một số người, những người không
có trình độ học vấn và bị kẹt ở đáy nấc thang xã hội.
Anne Case: Để có thể bước vào thị trường
lao động, phải có một chìa khóa, và chìa khóa đó là bằng tốt nghiệp đại học.
Sau đó, có thể hệ thống dựa trên sự xứng đáng còn vận hành, nếu không phải toàn
bộ thì ít ra cũng một phần. Nhưng tiếc thay, trong những thập kỷ vừa qua, những
người đã vươn lên đỉnh của hệ thống thứ bậc kinh tế-xã hội lại đồng thời cố gắng
bảo trợ chính con cái của họ và tài sản của chúng, đến nỗi họ đã đóng các cửa
và thay ổ khóa. Và bây giờ sự thăng tiến xã hội bị tắt nghẽn. Về vấn đề này,
chính hệ thống giáo dục của chúng ta phải được đặt lại vấn đề, đáng chú ý là việc
cha mẹ trả học phí cho các trường tư để sau đó con cái họ sẽ được nhận vào các
trường đại học danh tiếng, đó là chưa nói đến hối lộ… Nếu bạn vào đại học, bạn
đang ở trên một lộ trình. Nhưng nếu bạn không vào đại học, bạn sẽ hoàn toàn
không có cơ hội để chứng minh giá trị của bạn và leo lên nấc thang xã hội. Vậy
thì nếu bạn có một công việc được trả lương tối thiểu, bạn không thể hy vọng điều
gì tốt hơn.
Quyển sách của hai vị tập
trung vào một loại người rất chính xác: những người đàn ông da trắng trung niên
không có bằng cấp hay có bằng dưới đại học. Tại sao có sự chọn lựa này?
Anne
Case: Khi chúng tôi bắt đầu công trình này vào năm 2014, tỷ lệ tử vong của người
da đen đã giảm mạnh. Thực vậy, vì những lý do chưa được biết rõ, người da đen tự
tử ít hơn người da trắng nhiều, mặc dù người da trắng là nhóm chủng tộc được ưu
đãi nhất, có trình độ học vấn cao nhất, ít bị áp lực nhất của những khó khăn về
xã hội. Tiếc thay, sau khi có thuốc Fentanyl, một loại thuốc giảm đau có thuốc
phiện cực kỳ mạnh, tử vong của những người da đen cũng bắt đầu gia tăng. Nhưng
những “người chết vì tuyệt vọng” được xác nhận từ những năm 1990 chủ yếu là người
da trắng. Không hiển nhiên như vậy, nên chúng tôi tự hỏi: tại sao? Về vấn đề
này, tổng thống Obama đã cho chúng ta vài yếu tố trả lời…
Angus Deaton: Tại Mỹ, khi ta nhận một giải Nobel, ta được mời đến Nhà Trắng vài ngày trước khi đi Thụy Điển – ít ra đó là trường hợp trước khi Trump được bầu làm tổng thống. Và khi chúng tôi đi vào Phóng Bầu Dục, tổng thống Obama đã chào chúng tôi rồi nói về bài báo mà chúng tôi vừa công bố, bài báo đã khai sinh quyển sách. Ông đã nói với chúng tôi,: “Các vị biết không, điều mà các vị mô tả về những người da trắng không có bằng cấp là điều đã xảy ra cho người da đen trong những năm 1970.” Và sự so sánh này, chúng tôi đã cố gắng thực hiện nó trong quyển sách của chúng tôi – đồng thời nhấn mạnh là cũng có những người da đen “chết vì tuyệt vọng”, đặc biệt là từ năm 2013 là năm mà từ đó tỷ lệ tử vong của người da đen bắt đầu tăng trở lại. Mặt khác, sắp tới đây chúng tôi sẽ công bố một bài báo mới trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences theo đó chúng tôi chỉ ra rằng ngày nay, hơn cả cách đây ba mươi năm, trình độ học vấn có tính phân biệt nhiều hơn màu da. Điều mà chúng tôi muốn nêu ra là hố ngăn cách tồn tại trước đây giữa người da đen có bằng đại học và người da trắng có bằng đại học, hay giữa người da đen không có bằng cấp và người da trắng không có bằng cấp ngày nay ít quan trọng hơn rất nhiều. Quả thật người da đen luôn bị phân biệt đối xử so với người da trắng, nhưng các tỷ lệ tử vong của hai nhóm cho thấy có một sự đảo chiều: tỷ lệ tử vong của những người da đen trưởng thành rất gần với những người da trắng có cùng trình độ học vấn. Như vậy, trình độ học vấn đã trở thành một chỉ báo bất bình đẳng quan trọng hơn nhóm chủng tộc nhiều, trong khi trước đây đó là điều ngược lại.
Theo hai vị, sự xích lại
gần nhau của hoàn cảnh những người da đen và người da trắng có cùng trình độ học
vấn đã có vai trò trong sự đăng quang của Trump và của chủ nghĩa dân túy?
Anne Case: Thực vậy, khó mà tin là không
có liên quan. Nếu chúng ta ngược thời gian trở lại với cuộc bầu cử tổng thống
năm 2016, các kết quả bầu cử theo hạt cho thấy có một sự tương quan cao giữa việc
bầu cho Trump và tỷ lệ tử vong của người da trắng trưởng thành. Tất nhiên, đó
không phải là hiện tượng duy nhất tương ứng với việc bầu Trump nhưng đó là một
điểm quan trọng. Bởi vì những người này, hoặc họ giữ trong lòng sự tuyệt vọng của
họ và tự xem mình là những người thất bại, đến nỗi một số người tìm đến cái chết;
hoặc họ biểu lộ nó ra ngoài và nghĩ mình là nạn nhân của một hệ thống thối nát,
thậm chí là của một âm mưu. Và, theo những gì tôi đã nghe hoặc đọc trong thời
gian qua, tôi nghĩ rằng một phần lớn sự phẫn nộ của những người ủng hộ Trump được
giải thích bằng một cảm nhận sâu sắc về sự bị coi thường: cuộc sống đã không
cho họ những gì đã hứa, họ đã bị chặn lại ngay từ điểm xuất phát.
Angus Deaton: Giới tinh hoa nhìn xuống với
thái độ ngạo mạn những người không “thành công”, những người không có bằng đại
học. Họ không nhận thức được các chủ thuyết xã hội quyết định hay giả vờ không
nhận thức được. “Anh đã có vận may và anh đã làm hỏng nó”: đó là điều họ nghĩ về
những người này. Ở đây ta có thể nghĩ đến câu nói nổi tiếng của Hillary Clinton
về “cái giỏ những người đáng thương” [NDT
(ghi chú của người dịch): “panier de gens déplorables”], dấu hiệu của một sự
đảo chiều về tư tưởng và xã hội trong lòng đảng Dân Chủ: từ nay đảng này tập hợp
giới trí thức tinh hoa và các dân tộc thiểu số, trong lúc đảng Cộng Hòa qui tụ trong
số những thành viên của mình ngày càng nhiều những người da trắng có ít hay
không có bằng cấp, những người thấy lương của mình giảm sút từ năm mươi năm nay,
bất kể màu sắc chính trị của tổng thống. Họ đã bị bỏ rơi.
Đại dịch hiện nay có
tác động gì lên tình cảnh này không? Hai vị đã nhắc đến rất nhiều trong quyển
sách của mình vai trò của các ngành công nghiệp dược phẩm lớn đối với sự gia
tăng những cái chết vì tuyệt vọng…
Angus Deaton: Tất nhiên rồi, vì tất cả
việc này là rất mới, chúng tôi không nói đến đại dịch Covid-19 trong quyển
sách. Nói như thế rồi, tôi nghĩ rằng ngành công nghiệp dược là đối tượng của một
sự ngờ vực rất lớn, một sự căm ghét lớn, ở Mỹ còn hơn cả những nơi khác. Lý do
là vì ở Mỹ, trái với điều diễn ra ở châu Âu chẳng hạn, các công ty dược phẩm bất
lương giàu lên nhiều lắm bằng cách bán các loại thuốc có chứa thuốc phiện – thuốc
rất gần với ma túy – mà các cơ quan y tế không làm gì cả, mặc dù họ được xem là
có vai trò điều tiết thị trường. Nhưng đã có gian dối, có hối lộ. Ví dụ ta biết
rằng phòng thí nghiệm Purdue, chế tạo OxyContin, đã dùng những cách này và đã
nhận tội trong một vụ án gần đây. Như vậy, tại Mỹ, một số người lợi dụng một hệ
thống – chính trị và tài chính – để làm giàu kinh khủng bằng cách gây ra tình
trạng nghiện ngập và giết chóc. Do đó, chúng tôi thuật lại trong một chương của
quyển sách của chúng tôi lịch sử của cuộc Chiến tranh Nha phiến giữa Trung Quốc
và nước Anh, trong một bối cảnh rất giống. Thật vậy, bằng cách buộc Trung Quốc
phải mở cửa cho ngoại thương và đặc biệt là cho buôn bán nha phiến, nước Anh, với
cùng một cách, đã cho phép nhiều người làm giàu lên bằng cách gây nghiện và giết
chóc. Và nước Anh đã đánh bại những người đã cố gắng chấm dứt hoạt động thương
mại gây chết chóc này.
Khủng hoảng thuốc có thuốc phiện tác động đến nước Mỹ ít được biết đến hay bị hiểu sai tại Pháp. Đâu là những nguyên nhân?
Anne Case: Bởi vì ở châu Âu người ta
không phạm phải điều không thể cứu vãn được như người ta đã làm ở Mỹ, ở đó khủng
hoảng thuốc có thuốc phiện được chia làm ba thời kỳ. Trong những năm 1990, các
bác sĩ bắt đầu kê toa các thuốc giảm đau gây nghiện nhóm opioid như OxyContin
mà công ty sản xuất Purdue không ngần ngại đầu tư vào những chiến dịch truyền
thông láo khoét – và họ tiếp tục làm như vậy 20 năm sau, mặc dù thuốc đã giết
chết hàng chục ngàn người. Trước tiên, những nhà sản xuất OxyContin đã quảng bá
thuốc này rằng nó không gây nghiện, và họ vẫn tiếp tục làm như vậy khi họ đã biết
có nhiều người đã chết vì thuốc này. Năm 2020, đã có đủ các toa thuốc chống đau
để mỗi người Mỹ trưởng thành ở Mỹ tậu được cho mình một tháng dự trữ. Thật là
khổng lồ. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, việc thương mại hóa những loại thuốc này
bắt đầu được điều tiết, đó là một điều tốt tự thân. Chỉ có điều mặt trái của tấm
huy chương là những người bị lệ thuộc vào OxyContin hướng đến một thứ thay thế
còn tệ hơn: ma túy. Tiếp theo nạn dịch OxyContin là dịch ma túy. Và hiện nay là
thời kỳ thứ ba của khủng hoảng thuốc có thuốc phiện: tiêu thụ Fentanyl gia tăng,
thuốc chống đau này mạnh hơn ma túy 100 lần và có thể giết chết một người trong
phút chốc. Lẽ ra câu chuyện có thể hoàn toàn khác, nếu người ta điều tiết ngay
từ đầu việc thương mại hóa các thuốc thuộc nhóm opioid – ví dụ thay vì kê toa
OxyContin cho một người đang bị những cơn đau (một người vừa mới nhổ răng chẳng
hạn), người ta kê toa ibuprofen (một loại
thuốc giảm đau – ND). Trái ngược với các đồng sự châu Âu, các dịch vụ y tế
Mỹ đã chơi với lửa. Và ngày nay họ chỉ có thể xác nhận những tổn hại.
Angus Deaton: Công nghiệp dược phẩm hoàn
toàn thờ ơ với số phận của những vùng của nước Mỹ ở đó tuyệt vọng đang ngự trị,
thất nghiệp triền miên, cuộc sống là một nỗi thống khổ. Điều quan trọng đối với
công nghiệp dược là ngành dược phẩm được cung ứng đầy đủ và bán hàng trăm ngàn
thuốc của họ - những thứ thuốc không có gì khác hơn là ma túy dưới dạng những viên
thuốc. Johnson & Johnson, một trong những doanh nghiệp được yêu thích nhất
tại Mỹ, đã đi đến chỗ biến Tasmania (một
đảo tiểu bang của Úc- ND) thành một trang trại thuốc phiện khổng lồ để chế
tạo thuốc cho doanh nghiệp này. Điều mà ta đang nói đó chắc hẳn là điều tồi tệ
nhất của chủ nghĩa tư bản, một điều tệ hại hầu như chỉ tác động đến nước Mỹ, ở
đó người ta cho phép giết hại vì tiền. Một số nhà chính trị bảo vệ công nghiệp
dược là những người rất quan trọng. Toàn bộ hệ thống cần được đặt lại vấn đề.
Không phải chủ nghĩa tư bản tự thân, nhưng là một chủ nghĩa tư bản tân tự
do giải điều tiết hoá. Hôm nọ, khi tôi thảo
luận với chủ tịch của viện thăm dò Gallup, ông này đã nói rằng ngày nay người
ta ghét những đại doanh nghiệp dược còn hơn cả Thượng Viện, ngay cả trong số
các đảng viên Cộng Hòa.
Trong quyển sách hai vị qui hiện tượng này cho một tiến trình được biết rất rõ trong kinh tế học, đó là sự “tìm kiếm đặc quyền đặc lợi (rent-seeking)”.
Angus Deaton: Điều tồi tệ đang làm hao
mòn hệ thống y tế của chúng ta cũng là điều đã ăn mòn hệ thống ngân hàng trước
khủng hoảng tài chính năm 2008: đó là sự giải điều tiết hoá – vì thế mà người
ta chết, vì thế mà hệ thống y tế của chúng ta đắt gấp hai lần ở những nơi khác.
Con sâu nằm trong trái cây. Đó là “ung thư di căn” mà Warren Buffet nói đến. Những
nước khác như Pháp có hệ thống điều tiết – tất nhiên là có khác chút ít giữa
các nước – có quy tắc điều hành việc chăm sóc y tế, nếu không sẽ không tránh được
tình trạng không kiểm soát được và đưa đến những thảm họa.
Anne Case: Tại Mỹ, mỗi người dành trung
bình một phần năm chi tiêu của mình cho chăm sóc y tế…
Angus Deaton: Và chúng tôi có tuổi thọ
trung bình rất thấp.
Anne Case: Quả thực là rất thấp so với
các nước giàu khác. Trong quyển sách của chúng tôi, chúng tôi đã cố gắng đặt
song song sự suy thoái của các điều kiện làm việc và sự sút giảm sức khỏe.
Trong số những người phải chấp nhận những công việc tạm bợ, rất ít người được
hưởng bảo hiểm y tế vốn là một “gánh nặng” quan trọng đối với người chủ (khoảng
20.000 euro mỗi năm). Thay vì tái phân phối xuống dưới, tiền dành cho y tế lại
được tái phân phối lên phía trên.
Nhưng đâu là những đòn
bẩy để thoát ra?
Janet Yellen (1946-) |
Angus Deaton: Khó đấy, những thay đổi lớn sẽ không tự chúng xảy ra, tôi nghĩ phải có quyết tâm chính trị từ trên. Chính đó là chỗ làm tắc nghẽn. Và nó vẫn diễn ra mặc dù có những người nắm quyền chính trị như Janet Yellen, bộ trưởng Bộ tài chính mới, một người bảo vệ tích cực công trình của chúng tôi. Ta biết vấn đề nhưng ta không hành động thích hợp – nhất là trong bốn năm vừa qua dưới chính quyền Trump. Nhưng đại dịch Covid-19 có thể đánh dấu một điểm đảo chiều. Ít nhất là chúng ta đang ở ngã tư đường: hệ thống y tế sẽ ra khỏi khủng hoảng như người hùng hay nó sẽ còn tệ hơn ngày nay. Dù sao đi nữa, công nghiệp dược đã đánh dấu một bước quyết định khi hoàn thành các vắc xin trong một khoảng thời gian kỷ lục.
Anne Case: Liên quan đến hiện tình của
thị trường lao động, tôi thấy là quá đáng khi tại Mỹ một người làm việc toàn thời
gian với mức lương tối thiểu lại nằm ở ngưỡng nghèo. Mọi việc không nên như vậy.
Do đó tôi tin tưởng vững chắc rằng một trong những đòn bẩy phải chuyển động là
tăng lương tối thiểu để giúp những người lao động đang gặp khó khăn, mà một phần
trong số họ là những người “lao động thiết yếu”, bị bắt buộc phải làm việc, phải
đi đến nơi làm việc. Tăng lương tối thiểu không phải là giải pháp, mà là một biện
pháp tạm thời trong lúc chờ đợi những biện pháp khác quan trọng hơn được thông
qua, trong đó có việc chống lại ảnh hưởng của những người vận động hành lang.
Như chúng tôi nêu trong quyển sách, về các vấn đề y tế chẳng hạn, có năm người
vận động hành lang tính cho một thành viên của Thượng Viện. Và phần lớn người
ta không biết điều đó, phần lớn không có ý niệm về tầm ảnh hưởng to lớn của quyền
lực của những người vận động hành lang, bởi vì có rất ít minh bạch. Như vậy phải
đặt vấn đề lên bàn và hành động – hành động nhanh, nếu không vấn đề sẽ trầm trọng
thêm. Nhưng cho dù chúng ta quyết định thực hiện điều gì đi nữa, cũng cần để cho
toàn bộ dân cư có thể tham gia vào việc bàn thảo, phối hợp, phải dân chủ hơn.
Như vậy, không chỉ lắng nghe những mối quan tâm của giới tinh hoa, mà cả của tầng
lớp trung lưu bậc thấp. Chỉ từ đó mới nẩy mầm một sự tiến bộ thực chất.
Angus Deaton: Dù sao, cũng có ít chỗ cho
sự lạc quan. Chúng ta đang đối mặt với một trở ngại lớn là tu chính án thứ nhất
của Hiến pháp, vì nó mà việc cải tổ và qui định những khía cạnh yếu kém của hệ
thống hiện thời trở nên khó khăn: ví dụ việc tài trợ các chiến dịch tranh cử.
Ngày nay, phải tập hợp được nhiều tiền mới có thể ứng cử vào Thượng Viện. Chúng
tôi đã có dịp thảo luận về việc này với các thành viên của Thượng Viện, họ mong
muốn thiết lập một khung pháp lý chặt chẽ hơn. Nhưng là một cuộc chiến còn lâu
mới thắng lợi, nhất là nếu Tòa Án Tối cao chống lại.
Dù sao, chính quyền của Joe Biden có thể thay đổi điều gì đó?
Elizabeth Warren (1949-) |
Angus Deaton: Quả nhiên, có một tia hy vọng
với chính quyền mới. Nhưng điều bất trắc là chỉ một phần dân cư đồng ý, trong
trường hợp cụ thể này là giới tinh hoa trí thức và các nhóm dân tộc thiểu số, bất
lợi cho tầng lớp công nhân da trắng đang chịu đựng những điều thái quá của chủ
nghĩa tư bản. Chính là phải chống lại những điều thái quá này, ví dụ một người
như Elizabeth Warren (thượng nghị sĩ – ND)
đã muốn làm việc này. Trước đây, về cơ bản bà ấy không chống lại chủ nghĩa tư bản,
bà chỉ muốn đưa nó vào quy cũ, và trong viễn cảnh này, bà đã góp phần vào vào
việc xây dựng Văn phòng những người tiêu dùng về mặt tài chính mà theo ý kiến
chung văn phòng này đã rất hiệu quả, ngay cả dưới chính quyền Trump. Bây giờ,
bà gần với Bernie Sanders hơn, ông này có vẻ thiên về chủ nghĩa xã hội hơn chủ
nghĩa tư bản. Chúng tôi không đồng ý.
Dù sao, hệ thống y tế có vẻ dễ cải cách
hơn chủ nghĩa tư bản. Về vấn đề này, chúng tôi tiến dần dần qua nhiều năm và có
thể chính quyền Biden sẽ nắm lấy vấn đề này một cách nghiêm túc và đương đầu với
nền công nghiệp dược hùng mạnh. Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Xã hội mới đã trở nên
nổi tiếng vì đã tố cáo những cách thực hành chiếm độc quyền của công ty Sutter,
công ty này sở hữu một số bệnh viện ở California. Như vậy, đứng đầu tổ chức cực
kỳ mạnh mẽ này, kiểm soát cả FDA (U.S.
Food and Drug Administration - Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc), Medicare và Medicaid (bảo hiểm y tế), là một người rất hiểu biết
những khuyết tật của hệ thống y tế Mỹ. Điều này cho hy vọng. Thực vậy, tôi lạc
quan chính là vì tôi nghĩ rằng con người muốn sống tốt hơn, và kỷ nguyên Ánh
Sáng đã dạy rằng chúng ta có thể cải thiện hoàn cảnh của chúng ta bằng cách cậy
nhờ Lý tính. Và suy cho cùng điều này làm chúng ta hy vọng về một tương lại tốt
đẹp hơn.
Bản dịch: Clément
Duclos-Vallée
Ghi chú của biên tập: Anne
Case, Angus Deaton, Morts de désespoir:
l’avenir du capitalisme (Chết vì tuyệt
vọng: tương lai của chủ nghĩa tư bản), PUF, 24/2/ 2021
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Anne Case et Angus Deaton: “Le niveau d’étude, c’est comme un couteau remué dans la plaie””, AOC, 2.12.2021.
----
Bài có liên quan:
Chú thích:
[*] Phóng viên, Tổng biên tập AOC (Analyse-Opinion- Critique)