9.9.21

Các tạp chí y khoa cảnh báo: So với Covid cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ tồi tệ hơn đối với sức khỏe con người

CÁC TẠP CHÍ Y KHOA CẢNH BÁO: SO VỚI COVID CUỘC KHỦNG HOẢNG KHÍ HẬU SẼ TỒI TỆ HƠN ĐỐI VỚI SỨC KHỎE CON NGƯỜI

Nguy cơ thời tiết nóng lên toàn cầu có thể làm lu mờ bất kỳ nguy cơ dịch bệnh nào và đang đe dọa tính mạng con người, theo lời giải thích của các bác sĩ.

HuffPost cùng với AFP

Nhiệt độ thời tiết tăng lên không chỉ tác động đến sự đa dạng sinh học, mà có thể làm con người trả giá đắt bằng chính mạng sống của mình (Các nhân viên cứu hỏa đang chiến đấu với ngọn lửa ở Caldor Fire, vào cuối tháng 8, ở California). Ảnh: FRED GREAVES VIA REUTERS

SỨC KHỎE - Tỷ lệ tử vong gắn với thân nhiệt cao ở những người trên 65 tuổi đã tăng hơn 50% trong 20 năm qua, theo tường trình của một bài xã luận cùng với chữ ký của 220 tạp chí y khoa, được đăng vào hôm chủ nhật tuần này, ngày 5 tháng 9. Trong khi hàng tỷ US$ được chi để chống lại đại dịch Covid-19, thì đã có hàng trăm bác sĩ dùng ngòi bút để nhắc nhở mọi người rằng hiện tượng biến đổi khí hậu có thể làm con người trả giá đắt bằng chính mạng sống của mình.

Lần đầu tiên các tổng biên tập của khoảng 20 tạp chí uy tín bao gồm Lancet, British Medical Journal [Tạp chí Y khoa Anh Quốc] hoặc National Medical Journal of India [Tạp chí Y khoa Quốc gia Ấn Độ] cùng đứng tên một xã luận cho rằng “Sức khỏe đang bị suy giảm do nhiệt độ thời tiết toàn cầu tăng lên và nạn tàn phá thiên nhiên”.

“Thiệt hại thảm khốc và không đảo ngược được đối với sức khỏe”

Sự nhân rộng tình trạng mất nước [ở bệnh nhân], các bệnh lý về thận, các bệnh u da ác tính, nhiễm trùng nhiệt đới, các bệnh lý về tâm thần, biến chứng thai kỳ, dị ứng: danh mục những bệnh lý gắn với hiện tượng nhiệt độ thời tiết ngày càng tiếp tục tăng cao còn dài thêm nữa. Chưa kể đến tình trạng suy giảm của sản suất nông nghiệp, làm chậm lại các nỗ lực đấu tranh chống suy dinh dưỡng.

Với mức tăng [nhiệt độ thời tiết] khoảng +1,1°C kể từ thời tiền công nghiệp, người ta đã có thể thấy rõ các hậu quả nói trên, vốn ảnh hưởng nặng hơn nữa đến những người dễ bị tổn thương nhất (dân tộc thiểu số, trẻ em, cộng đồng nghèo nhất, v.v.).

Nhận định trên báo trước một kịch bản thảm khốc vào khoảng năm 2030, khi các chuyên gia của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu [IPCC, Intergovernmental Panel on Climate Change] dự đoán nhiệt độ thời tiết sẽ tăng đến +1,5°C. Việc nhiệt độ thời tiết đạt đến ngưỡng này và sự tiếp diễn đà tàn phá hệ đa dạng sinh học “có nguy cơ gây ra những thiệt hại thảm khốc và không đảo ngược được đối với sức khỏe”.

“Những nguy cơ của hiện tượng biến đổi khí hậu có thể làm lu mờ bất kỳ nguy cơ dịch bệnh nào”

Các tác giả bài xã luận cho rằng, bất chấp đại dịch Covid-19, thế giới không thể trì hoãn các biện pháp “khẩn cấp” để chống lại hiện tượng nhiệt độ thời tiết nóng lên toàn cầu và sự tàn phá thiên nhiên, những thứ đe dọa đến sức khỏe con người.

Tedros A. Ghebreyesus (1965-)

Lo lắng hai tháng trước hội nghị về khí hậu của LHQ, COP26, ở Glasgow, các tác giả nhấn mạnh: “Bất chấp mối quan tâm chính đáng đối với Covid-19, chúng ta không thể chờ đến lúc kết thúc đại dịch để giảm thải khí nhà kính một cách nhanh chóng”.

“Những nguy cơ từ hiện tượng biến đổi khí hậu có thể làm lu mờ bất kỳ nguy cơ dịch bệnh nào. Đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc, nhưng không có bất cứ vắc xin nào để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu”, theo lời bình của Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới, trong một thông cáo báo chí, lưu ý rằng “mọi biện pháp nhằm hạn chế nạn phát thải và hiện tượng thời tiết nóng lên toàn cầu sẽ đưa chúng ta đến gần hơn một tương lai lành mạnh hơn và an toàn hơn”.

Sức khỏe phải là la bàn của xã hội chúng ta

Khi viện đến những khoản chi “chưa từng có” trong đại dịch, các tạp chí y khoa đã kêu gọi tăng cường nhiều hơn nữa các khoản tài trợ cho việc bảo vệ hành tinh.

Các tác giả bài xã luận cho biết: “Chỉ riêng vấn đề chất lượng không khí tốt hơn sẽ giúp cải thiện đáng kể tình hình sức khỏe dễ dàng bù đắp chi phí tổng thể nhằm giảm thiểu nạn phát thải”.

Ngoài vấn đề tiền bạc, các tác giả còn yêu cầu tiến hành một “sự thay đổi cơ bản trong phương thức tổ chức các xã hội và các nền kinh tế, cũng như cách sống của chúng ta”: hiện đại hóa các hệ thống giao thông, các thành phố, các nền sản xuất và sự phân phối thực phẩm, các thị trường tài chính, các hệ thống chăm sóc y tế, “và hơn thế nữa”.

“Năm 2021 phải là năm mà hành tinh chúng ta cần thay đổi hướng đi: sức khỏe của tất cả chúng ta phụ thuộc vào điều đó,” theo lời của Fiona Godlee, Tổng biên tập BMJ và đồng tác giả bài xã luận.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: La crise climatique sera pire que le Covid pour la santé, alertent les journaux médicaux, Huffington Post, ngày 06/09/2021

Print Friendly and PDF