SỰ TRỞ LẠI CỦA CHIẾN TRANH XÁC NHẬN NGẦM RẰNG LỊCH SỬ THỰC SỰ ĐÃ KẾT THÚC
Xe tăng Nga bị quân Ukraine phá hủy ở
vùng Lugansk, ngày 26 tháng 2 năm 2022. Một hình ảnh từ thời khác? Anatolii
Stepanov/AFP
Khó khăn lớn của cuộc chiến chống Ukraine không chỉ liên hệ đến một mình Putin. Những tranh luận mà cuộc xung đột phát sinh báo hiệu sự phức tạp sâu sắc về địa chính trị của tình hình. Sự khó khăn là do một cái gì đó mà tất cả chúng ta, con người, bây giờ phải chịu trách nhiệm.
Alexandre Kojève (1902-1968) |
Điều mà Putin rõ ràng là dường như không biết, cũng như tất cả chúng ta, là lịch sử rất có thể đã hoàn toàn kết thúc. Và chắc chắn là nó đã kết thúc rất lâu trước khi những luận điểm của Fukuyama về sự kết thúc của lịch sử xuất hiện sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Đồng hương của Putin sau này nhập quốc tịch Pháp, Aleksandr Kojevnikov (Alexandre Kojève), sinh năm 1902 tại Moscow, đã hiểu và dạy điều này một cách lỗi lạc trong một cuốn sách xuất bản năm 1947, Introduction à la lecture de Hegel (Dẫn nhập vào những tác phẩm của Hegel).
Francis Fukuyama, năm 2016. Fronteiras
Do Pensamento/Flickr, CC
BY-SA
Nếu điều trên là đúng, dĩ nhiên ta rõ ràng phải hỏi nó có ý nghĩa nào. Vì thoạt nghe có vẻ hoàn toàn vô lý. Các sự kiện của thời sự thế giới mang lại cảm giác ngược lại rằng, còn lâu mới kết thúc, lịch sử lại đang bắt đầu lại.
Lịch sử đã kết thúc, theo quan điểm của Kojève, bởi vì bây giờ chúng ta có thể hiểu tại sao nhân loại đã chiến đấu kể từ khi xuất hiện. Điều này không phải lúc nào cũng như vậy, ít nhất là ta cũng thấy như vậy. Nhân loại chiến đấu. Như chúng ta thấy ngày càng rõ ràng hơn, đó chính là cuộc đấu tranh cho cái được gọi là công lý và sự tôn trọng con người. Chúng ta đã biết điều này kể từ khi ý tưởng về Nhà nước pháp quyền ra đời, điều có thể tạo ra quyền con người theo nghĩa chung của thuật ngữ này. Nhân loại vừa là sự xuất hiện, vừa là sự ra đời, và càng mạnh càng tốt, là sự thực hiện sự tôn trọng và công lý.
Lịch sử nhân loại là sự kiện mang lại trên thế giới này sự tôn trọng, sự công nhận, của mỗi người và mọi người. Bất kể giới tính của chúng ta, màu da, tuổi tác, v.v.. Đó vừa là sân khấu vừa là cốt truyện của cuộc chiến cổ xưa này cấu thành phẩm giá của mỗi người và mọi người. Như Alexandre Kojève đã trình bày về “sự công nhận phổ quát về tính cá nhân bất khả quy” của mỗi người và mọi người.
Tại sao viết điều này bây giờ? Sự đánh cuộc là thế này. Nếu tất cả chúng ta đều nhận thức rõ ràng rằng sự ra đời của khái niệm Nhà nước pháp quyền, dựa trên quyền con người, là hệ quả cuối cùng của cuộc phiêu lưu của con người, thì nhận thức tập thể này có khả năng gây ra hiệu ứng không thể trở ngược lại đối với sự hiểu biết của chúng ta về sự vật và cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể đặt cược rằng sau đó giả định cũ rằng chỉ còn có thể tiến hành chiến tranh, chiến tranh này sau chiến tranh trước, mãi mãi là chiến tranh, sẽ dần bị lãng quên. Tuy nhiên còn cần phải bắt tay vào việc.
Mong muốn được công nhận
Tất cả chúng ta đều khát khao được công nhận. Sự khác biệt so với quá khứ là ngày nay chúng ta biết điều đó. Chúng ta biết rằng khái niệm Nhà nước pháp quyền được xây dựng để giải tỏa cơn khát này. Chúng ta có trong tầm tay của mình, nếu chúng ta sẵn sàng đọc và tin cậy chúng, những cuốn sách thiết yếu của văn hóa toàn cầu nói rằng có thể có hoà bình và chúng đưa ra một số hướng khái quát về những gì ta có thể thử làm để đạt được điều đó.
Cuối cùng chúng ta cũng đã hiểu – ít nhất là người ta cũng đã rõ ràng nói với chúng ta – rằng động lực của chiến tranh và của cuộc phiêu lưu của con người đã được tạo nên từ đâu. Chúng ta có trong tay những cuốn sách chỉ dẫn phác thảo những đường nét của một đời sống chính trị hòa bình, với những người bảo vệ phù hợp giúp đảm bảo rằng những người được coi là người bảo vệ chúng ta, những người cai trị, đúng là những người bảo vệ: Hướng đến nền Hoà bình Vĩnh cửu của Kant, Các Nguyên lý của Triết Học Pháp Quyền của Hegel, v.v..
Ở đây cũng vậy, việc làm của Alexandre Kojève là cốt yếu: ta phải đọc những gì ông ấy viết trong cuốn Esquisse d’une phénoménologie du Droit (Phác thảo về một hiện tượng luận về pháp quyền, được viết vào giữa Thế chiến thứ hai, năm 1943.
Luận điểm là nhân loại đã chuyển từ sự thống trị của những Chủ Nhân sang sự trỗi dậy của quyền tự trị của Người Nô lệ. Kết quả của lịch sử là sự vượt qua sự thống trị bằng sự ra đời của các Công dân bình đẳng với nhau, không phân biệt giới tính, nguồn gốc dân tộc, v.v.. Đối với mỗi “loại” tương ứng một hình thức pháp quyền thống trị thiết yếu liên quan đến lý tưởng công lý: “công lý bình đẳng” (của Chủ nhân), “công lý tương đương” (của Nô lệ), và “công lý công minh” (của Công dân).
Điều rất quan trọng là một khi sự “căng thẳng” chủ-nô được hiểu rõ, thì trên thực tế, công lý trở thành “vĩnh cửu” - nghĩa là đã diễn ra ngay từ sự xuất hiện của loài người, và do đó luôn luôn cần phải được chinh phục lại theo hướng một tính công dân không bao giờ có thể được coi là đã sở đắc.
Quá muộn
Hệ quả chính của việc này là, trên cơ sở của những điều trên, cử chỉ của Putin là một “cú” muộn màng. Không thích đáng. Đã lỗi thời. Giống như tất cả các “cú” mà chúng ta chứng kiến ngày nay (xem Bernard Bourgeois, Penser l’histoire du présent avec Hegel (Suy nghĩ về lịch sử của hiện tại với Hegel). Chính phủ Nga có thể tuyên bố rằng Ukraine là một phần của Nga – thời Nga hoàng và thời cộng sản - và rằng cuộc xâm lược Ukraine chính là sự giải phóng, “bản anh hùng ca” để “tái chinh phục” Ukraine hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta biết, bất chấp những biến động liên tục, về chiều hướng của lịch sử.
Giống như Thế chiến thứ hai, cuộc xâm lược
của Nga giống như một sự thoái trào. Sergey Bobok/AFP
Chúng ta không thể giả vờ sống một lịch sử đích thực bằng cách lùi lại. Đặc biệt sau hai cuộc Chiến tranh thế giới của thế kỷ 20, cuộc thứ hai là do sự thụt lùi có thể so sánh với cuộc chiến mà Putin muốn chúng ta chứng kiến, ta không thể nào xem xét bất kỳ sự chính đáng nào cho cử chỉ như của Nga đối với Ukraine.
Chúng ta đang ở cuối lịch sử của mình và ở bước khởi đầu của một cái gì khác. Nhưng để thực sự mở ra tương lai, ta phải chấp nhận quá khứ, nền đất vững chắc duy nhất để từ đó có thể thực hiện được những ước mơ mới có thể có, được thúc đẩy bởi những thứ khác ngoài sự khao khát và sự thiếu thốn.
Laurent Bibard |
Chúng ta hãy nhấn mạnh vào điều này: những gì được khẳng định ở đây không chỉ nói về Nga và “những nước khác”. Nó nói về nhân loại nói chung. Bởi vì tai họa mà Putin và nước Nga phải gánh chịu, gây ra tất cả những hành vi thái quá, thật sự mang tính phổ quát. Đó là một căn bệnh rất đơn giản, đặc thù của con người, được gọi là sự ước ao được công nhận mà biểu hiện ngày càng trở nên toàn cầu hóa. Chúng ta đang chứng kiến sự kết thúc của lịch sử. Một sự kết thúc có lịch sử riêng của nó mà tất cả chúng ta đều cùng có trách nhiệm.
Càng có thể nhận ra những kho tàng của tư tưởng đã quay trở lại lịch sử và rút ra những điều cốt yếu, chúng ta càng ít dễ bị lôi cuốn vào những cơn giận dữ đã không còn giá trị nữa.
Thật vậy, rõ ràng là không còn “chủ thể” nữa.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Le retour de la guerre confirme en creux qur l’histoire est belle et bien finie”, The Conversation, 17.3.2022.
Chú thích: [*]
Giáo sư quản trị, giữ ghế giáo sư mang tên “Edgar Morin về sự phức hợp”, ESSEC (École supérieure des sciences économiques et commerciales)