16.4.22

Nền kinh tế giữa hai triều đại: Châu Âu, đại dịch, chiến tranh

NỀN KINH TẾ THỜI GIỮA HAI TRIỀU ĐẠI

Châu Âu, đại dịch, chiến tranh.

Trong bài lí thuyết này, Joseph Stiglitz, người được giải Nobel kinh tế, đã cân nhắc những điểm mạnh và điểm yếu của chúng ta trong cuộc chiến cho triều đại sắp tới.

Joseph E. Stiglitz[1]

Đúng vào thời điểm đánh giá đầu tiên về châu Âu và đại dịch, cuộc xâm lược Ukraine buộc chúng ta phải xem xét lại kết luận của mình[2]. Các sự kiện luôn thắng thế và ta cần phải đặt cả châu Âu, đại dịch và cuộc xâm lược Ukraine ở một viễn tưởng rộng lớn hơn.

Bài học của đại dịch

Joseph Stiglitz (1943-)

Châu Âu đã thể hiện sự đoàn kết ấn tượng trong việc ứng phó với đại dịch và cuộc khủng hoảng Ukraine. Tốc độ, sự linh hoạt và cam kết đối với hai cuộc khủng hoảng này là vô cùng mạnh mẽ. Điểm mạnh thì rất nhiều, nhưng với tư cách là một nhà học thuật, tôi không thể không chỉ ra những điều đáng lẽ phải làm.

Để đáp lại lập luận rằng Trái phiếu Euro/Eurobonds lẽ ra đã phải được phát hành trong cuộc khủng hoảng Vùng Euro, ta phải nhắc lại rằng chính sách này đã được thực hiện để ứng phó với đại dịch và đó là dữ kiện cần thiết cho sự ổn định và hoạt động lâu dài của Châu Âu và Khu vực Vùng Euro. Vài bộ phận của phản ứng này có thể bị chỉ trích: tiền lẽ ra phải được hướng nhiều hơn vào các khoản trợ cấp và tổng số tiền đáng ra phải lớn hơn. Một trong những lý do khiến nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ hơn là do đã có nhiều biện pháp kích thích hơn. Quan trọng hơn, Eurobonds có thể được sử dụng như một cơ hội để phát triển một hệ thống thuế trên toàn châu Âu cho sự hoàn trả chúng.

Nhiều lĩnh vực cần một hệ thống thuế của Châu Âu. Ở Pháp, vấn đề về thuế trên nền kỹ thuật số đã được đặt ra. Nó là cần thiết, nhưng nó phải được triển khai ở cấp độ thích đáng, cấp độ của châu Âu. Điều đáng lo ngại là hiệp định thuế mới cấm - một cách phi lý - loại thuế này. Tương tự, lẽ ra phải có một loại thuế tài sản chung. Vẫn còn nhiều bất bình đẳng ở châu Âu, và một trong những vấn đề mà châu lục này phải đối mặt là người dân có thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác ở châu Âu để tránh thuế. Các ví dụ nổi tiếng đã xuất hiện ở Pháp, và cuộc khủng hoảng có thể là cơ hội để tạo ra một loại thuế thu nhập chung.

Ở Pháp, vấn đề về thuế trên nền kỹ thuật số đã được đặt ra. Nó là cần thiết, nhưng nó phải được triển khai ở cấp độ thích đáng, cấp độ của châu Âu.

JOSEPH E. STIGLITZ

Khi bắt đầu xây dựng châu Âu, người ta lo ngại về những tác động ngoại ứng xuyên biên giới. Điều gì sẽ xảy ra nếu một quốc gia thâm hụt trong việc quản lý các vấn đề tài khóa của mình? Những tác động kinh tế vĩ mô đối với các quốc gia khác là gì? Điều đã được xác định là vấn đề chủ yếu không phải là do các ngoại ứng xuyên biên giới mà là do sự cạnh tranh thuế. Thực tế là một vài quốc gia - chẳng hạn như Irlande và Luxembourg - đã sử dụng việc này một cách rất thoải mái. Họ cướp các nước láng giềng bằng cách trở thành các khu vực pháp lý với mức thuế thấp: sớm hay muộn, vấn đề này sẽ phải được xử lý.

Một khía cạnh ấn tượng thứ hai trong phản ứng của châu Âu là kế hoạch phục hồi Thế hệ tiếp theo của EU (Next Generation EU). Với chính sách Xây dựng trở lại tốt hơn (Build Back Better), Tổng thống Biden đã có khái niệm đúng đắn, nhưng ông đã không thể thực hiện được nó. Châu Âu đã làm hơn Mỹ ở điểm số tiền chi ra để giúp hồi sinh nền kinh tế đã được sử dụng gấp đôi, gấp ba hoặc gấp bốn lần. Đây là một trong những quy luật cơ bản của kinh tế học: khi tiền khan hiếm, nguồn lực cũng khan hiếm. Số tiền này không chỉ giúp vực dậy nền kinh tế, mà còn giúp giải quyết cuộc khủng hoảng bất bình đẳng, cuộc khủng hoảng khí hậu và tất cả các vấn đề khác mà các xã hội của chúng ta đang phải đối mặt. Đây thực sự là ý tưởng của chương trình Thế hệ tiếp theo của EUXây dựng trở lại tốt hơn. Rõ ràng là sau đại dịch, Châu Âu và Hoa Kỳ không muốn quay trở lại thế giới như hồi tháng 9 năm 2019. Chi tiêu tất cả số tiền này trên thực tế có thể giúp chuyển các xã hội của chúng ta sang một hướng khác.

Các quy định nhằm giải quyết tình trạng nghèo ở trẻ em minh họa thành công mà Hoa Kỳ đã đạt được trong một năm với gói cứu trợ của Mỹ và sự thất bại trong việc duy trì nó. Ở một quốc gia giàu có như Hoa Kỳ, thật là một tội ác khi còn 20% trẻ em lớn lên trong cảnh nghèo đói. Trong một năm, dưới thời tổng thống Joe Biden, con số này đã giảm một nửa, từ 20% xuống 10%. Điều này cho thấy rằng lẽ ra nó đã phải được thực hiện sớm hơn. Chúng ta đã tận dụng cuộc khủng hoảng để giải quyết một vấn đề tồn tại lâu nay trong nước. Thật không may, chính trị ở Hoa Kỳ không đơn giản như vậy và đảng Cộng hòa hiện muốn đẩy nhiều trẻ em trở lại cảnh nghèo đói, vì vậy đây chỉ là một chiến thắng tạm thời.

Với chính sách Xây dựng trở lại tốt hơn, Tổng thống Biden đã có khái niệm đúng đắn, nhưng ông không thể thực hiện được nó. Châu Âu đã làm tốt hơn Mỹ ở điểm số tiền chi ra để giúp hồi sinh nền kinh tế đã được sử dụng gấp đôi, gấp ba hoặc gấp bốn lần.

JOSEPH E. STIGLITZ

Khía cạnh thứ ba là chất lượng của sự phản hồi và, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, sự thừa nhận rằng có một vấn đề về chăm sóc sức khỏe, đó là sự khác biệt cơ bản giữa Châu Âu và Hoa Kỳ. Trong khi Hoa Kỳ chi nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe - gần 20% GDP cho chăm sóc sức khỏe - thì Pháp chi khoảng 11%. Tuy nhiên, các con số thống kê về sức khỏe ở Mỹ tồi tệ hơn nhiều: tuổi thọ thấp hơn, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn, tất cả các chỉ số sức khỏe đều tệ hơn. Điều này một phần là do thiếu một hệ thống y tế công cộng tốt. Hoa Kỳ không công nhận một điều có trong hiến chương Liên Hiệp Quốc: quyền được chăm sóc sức khỏe là một quyền cơ bản của con người.

Tôi còn nhớ một nhận xét của một cựu tổng thống Pháp khi đến thăm Đại học Columbia giữa cuộc tranh luận về Obamacare. Một trong những sinh viên đã hỏi ông “Quan điểm của ông về Obamacare là gì? “Phản ứng của ông rất ngoại giao: “Bạn biết đấy, tôi không can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ, tôi không muốn đưa ra ý kiến ​​của mình. Nhưng thật sự tôi không hiểu làm thế nào đất nước bạn lại có thể có một hệ thống chăm sóc sức khỏe không công nhận quyền được chăm sóc của mọi người. Ông thừa nhận rằng có một điều gì đó rất kỳ lạ trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ, đó là chúng ta không công nhận quyền được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc.

Lý do rất nhiều người Mỹ đã chết là vì những yếu kém trong hệ thống y tế. Sars-Cov-2 không phải là một loại vi rút quân bình: nó tấn công những người có sức khỏe kém trước tiên. Và do hệ thống y tế yếu, nhiều người đã rơi vào tình trạng này. Bước đột phá khác do hậu quả của đại dịch là sự công nhận rằng sức khỏe cộng đồng là một lợi ích công cộng, tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ một xã hội lành mạnh.

Một vấn đề quan trọng và phân cực ở Hoa Kỳ - và ở mức độ thấp hơn ở Châu Âu - là nhiều người Mỹ coi việc phải tiêm phòng hoặc đeo khẩu trang là hành vi xâm phạm quyền tự do của họ, cũng giống như việc không được mang súng theo mình là một sự xâm phạm quyền tự do của họ. Điều cần phải hiểu là quyền tự do của một số người là “sự-không-có quyền tự do” của những người khác: nếu bạn mang theo vũ khí và giết ai đó, bạn sẽ tước đi quyền được sống của họ, một quyền cơ bản hơn quyền được mang vũ khí. Nếu bạn không đeo khẩu trang, bạn sẽ làm tăng khả năng người khác mắc bệnh và chết vì nó. Quyền không đeo khẩu trang xâm phạm quyền của người khác, một quyền cơ bản hơn: quyền được sống.

Sars-Cov-2 không phải là một loại vi rút quân bình: nó tấn công những người có sức khỏe kém trước tiên. Và do hệ thống y tế yếu, nhiều người đã rơi vào tình trạng này.

JOSEPH E. STIGLITZ

Theo nghĩa này, đại dịch đã cung cấp một bài học quan trọng về cách chúng ta nên làm việc cùng nhau như một xã hội.

Khía cạnh thứ tư trong phản ứng của Châu Âu đối với đại dịch là vùng này đã đi đầu trong phản ứng kinh tế toàn cầu. Quy mô của phản ứng giúp hồi sinh nền kinh tế ở Hoa Kỳ và châu Âu đã được đề cập, nhưng các nước đang phát triển và thị trường mới nổi đơn giản là không có đủ nguồn lực để làm điều tương tự. Hoa Kỳ chi 25% GDP, một số quốc gia chi nhiều hơn, châu Âu ít hơn một chút. Đây là số tiền chưa từng có và là phản ứng ấn tượng đối với cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi chỉ có thể chi một phần nhỏ trong số tiền đó.

Châu Âu đã đi đầu trong việc hợp tác với IMF để đảm bảo khả năng có thể sử dụng nhiều tiền hơn. Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDRs) trị giá 650 tỷ đô la đã được phân bổ cho tất cả các quốc gia trên thế giới để đối phó với các hệ quả kinh tế từ đại dịch. Thật đáng thất vọng là tại Hoa Kỳ, Tổng thống Trump đã phủ quyết sáng kiến ​​này vốn hầu không tốn gì cho người nộp thuế ở Mỹ. Châu Âu tiếp tục gây áp lực và cuối cùng, dưới thời Tổng thống Joe Biden, 650 tỷ đô la đã được phát hành. Đến nay, số tiền này vẫn chưa hoàn toàn được sử dụng. SDR được phát hành cho các quốc gia, cho dù giàu hay nghèo, và số tiền này sẽ được sử dụng lại từ những quốc gia không cần đến nó cho những quốc gia cần nó. Châu Âu đã thực hiện công việc tái chế các SDR này tốt hơn nhiều so với nhiều nơi khác. Hoa Kỳ vẫn chưa đồng ý và sẽ có các cuộc thảo luận vào tháng tới tại Washington trong cuộc họp của IMF. Rõ ràng là sẽ không có sự phục hồi toàn cầu cho đến khi có sự phục hồi về cơ bản ở khắp mọi nơi. Ở nhiều quốc gia, chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc khủng hoảng nợ, đặc biệt là do chi phí dầu mỏ cao và lãi suất cao - một tình huống sẽ đe dọa sự phục hồi toàn cầu.

© Lu Hongjie / Costfoto/Sipa USA

Những thiếu sót trong ứng phó của chúng ta

Mặc dù chúng ta có thể ăn mừng những thành tựu này, có một số điều đáng thất vọng cần lưu ý. Xã hội dân sự phải cố gắng gây áp lực lên những người ra quyết định để khắc phục những thiếu sót này.

Nỗi thất vọng lớn nhất là sự thất bại trong việc xóa bỏ bằng sáng chế cho vắc-xin Covid-19. Điều rất rõ ràng là khi bắt đầu đại dịch, như WHO đã nói, không ai trên thế giới được an toàn khi mọi người chưa được an toàn. Chừng nào bệnh dịch còn có mặt, ở bất cứ đâu, thì vẫn có khả năng sẽ xuất hiện một đột biến gen nguy hại hơn, dễ lây nhiễm hơn hoặc kháng vắc-xin tốt hơn. Thật là ngu ngốc khi đã không làm mọi thứ có thể để đảm bảo việc tiêm chủng cho tất cả các cư dân trên hành tinh. Chúng ta nên ăn mừng thành tựu này vì đầu tư công vào nghiên cứu cơ bản và khoa học cũng như quan hệ đối tác công tư đã cho phép chúng ta phát triển một loại vắc-xin trong thời gian kỷ lục. Nhưng lẽ ra, chúng ta không chỉ sản xuất hàng tỷ liều cần thiết ở các nước tiên tiến, mà còn hàng tỷ liều bổ sung cần thiết ở các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi. Chúng ta đã không làm được điều này và phải thừa nhận rằng đây là một thất bại lớn về tổ chức và thể chế.

Chừng nào bệnh dịch còn có mặt, ở bất cứ đâu, thì vẫn có khả năng sẽ xuất hiện một đột biến nguy hại hơn, dễ lây nhiễm hơn hoặc kháng vắc-xin tốt hơn. Thật là ngu ngốc khi không làm mọi thứ có thể để đảm bảo việc tiêm chủng cho tất cả các cư dân trên hành tinh.

JOSEPH E. STIGLITZ

Hẳn là việc đăng ký bằng sáng chế cho các vắc-xin được cho là sẽ khuyến khích nghiên cứu, nhưng trong bối cảnh đại dịch, đòi hỏi cấp bách là vắc-xin phải được phân phối cho tất cả mọi người. Khi WTO được thành lập, có một hiệp định về sở hữu trí tuệ bao gồm một điều khoản cho phép cấp giấy phép bắt buộc. Điều này có nghĩa là không có sự thay đổi nào trong các nguyên tắc cơ bản của quyền sở hữu trí tuệ. Tại Hoa Kỳ, xã hội dân sự đã thành công trong việc thuyết phục Tổng thống Biden ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin, nhưng các công ty dược phẩm không muốn điều đó. Nhưng chủ yếu là Đức, cùng với một số quốc gia châu Âu khác, là trở ngại trong việc đạt được sự từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ. Đã có một số lượng lớn người chết và một số lượng còn lớn hơn những người đã mắc bệnh vì sự miễn trừ đã không được thông qua khi nó được đề xuất lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2020.

Biến động Ukraine

Thật không thể tưởng tượng nổi khi chứng kiến ​​một cuộc chiến trên bộ ở châu Âu trong thế kỷ 21. Phản ứng của châu Âu là rất ấn tượng về sự đoàn kết của họ, ngay cả từ các quốc gia phi tự do như Hungary. Các quốc gia từng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với một nhà độc tài như Putin đã ủng hộ hành động của châu Âu. Sự đoàn kết này báo hiệu tốt cho tương lai của châu Âu.

Một giáo sư kinh tế có thể mang lại gì cho cuộc thảo luận này khi các vấn đề chính trị và chiến lược phức tạp như vậy đang được thảo luận? Ít nhất ba vấn đề cần được xem xét.

Đầu tiên là vấn đề mà tôi phải đối mặt cách đây 25 năm khi tôi làm cố vấn kinh tế của Tổng thống Clinton: Liệu các biện pháp trừng phạt có hiệu quả không? Có một lịch sử lâu đời về các lệnh trừng phạt được áp dụng ở những nơi như Nam Phi, Nam Rhodesia hay Myanmar. Câu trả lời tôi có thể đưa ra là: đôi khi. Thường thì điều này tốn rất nhiều thời gian. Đối với Nam Phi, điều này đã mất một thời gian dài. Nhưng những kinh nghiệm này cung cấp bài học về những gì có thể làm cho các biện pháp trừng phạt hiệu quả hơn. Để các biện pháp trừng phạt có hiệu quả, chúng phải mang tính phổ biến, càng mạnh càng tốt và có tác động bất đối xứng. Nói cách khác, tác động đối với quốc gia bị trừng phạt phải lớn hơn tác động đối với quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt. Trong bối cảnh hiện tại, có vẻ như khả năng thành công là rất tốt.

Liệu các biện pháp trừng phạt có hiệu quả không? Đôi khi. Và thường điều này tốn rất nhiều thời gian.

JOSEPH E. STIGLITZ

Sức mạnh của sự đáp trả từ Hoa Kỳ, Châu Âu và thế giới phương Tây đã vô cùng hiệu quả. Quy mô của lệnh trừng phạt bao gồm lĩnh vực tài chính, tất cả các khía cạnh của thương mại thiết yếu và khả năng xóa bỏ điều khoản của WTO về “tối huệ quốc”. Cuối cùng, điều quan trọng là phải xem xét vị trí đặc biệt của phương Tây đối với Nga. Phần lớn mọi người đều không nhận ra nền kinh tế Nga đã bị thu hẹp đến mức nào. Một số người coi đây là cuộc đụng độ của hai siêu cường gần như ngang nhau, nhưng xét về quy mô, nền kinh tế Nga còn nhỏ. Tùy thuộc vào phương pháp được sử dụng để đo lường, nó có kích thước của nền kinh tế Hà Lan hoặc Tây Ban Nha. Những quốc gia này không phải là nhỏ bé, nhưng chúng chỉ là một phần nhỏ của châu Âu, chưa kể đến châu Âu và Hoa Kỳ cộng lại.

Hơn nữa, Nga có nền kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên. Chúng tương ứng với 70% hoặc nhiều hơn hàng xuất khẩu của Nga. Nền kinh tế của nước này không đa dạng lắm và phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Có một sự bất đối xứng đáng kể giữa Châu Âu, Hoa Kỳ và Nga. Chúng ta có các nguồn năng lượng khác, các nguồn thực phẩm khác, chúng ta sản xuất các đầu vào quan trọng nhất cho quá trình sản xuất của chúng ta, chúng ta có một ngành công nghiệp đa dạng, và do đó, khả năng xảy ra các tác động bất đối xứng rất lớn là rất mạnh. Đây đặc biệt là trường hợp của lĩnh vực tài chính Nga, vốn đã trở nên phụ thuộc lẫn nhau với phương Tây. Hầu như bất kỳ hệ thống tài chính nào cũng mong manh, và nếu nó đột ngột bị cắt khỏi các đối tác tài chính của nó, có thể xảy ra sự chấn động và hệ thống có thể bị phá vỡ.

Các giới hạn của các biện pháp trừng phạt

Tuy nhiên, có một số giới hạn đối với hiệu quả của các biện pháp trừng phạt. Giới hạn đầu tiên và quan trọng nhất là Trung Quốc. Như đã lưu ý, các biện pháp trừng phạt chỉ có tác dụng nếu chúng mang tính phổ quát. Chúng ta đã tạo ra chuỗi cung ứng toàn cầu và Trung Quốc là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu này. Nếu Trung Quốc quyết định lách các lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ và châu Âu áp đặt, tác động của các lệnh trừng phạt sẽ rất hạn chế. Đây là lý do tại sao Hoa Kỳ đã nói rõ - và châu Âu cũng nên công khai điều này một cách ngoại giao - rằng việc Trung Quốc lách các lệnh trừng phạt sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng. Trung Quốc không có lợi khi đứng về phía sai. Nga là một nền kinh tế nhỏ và do đó, những lợi ích khi có Nga là đối tác thương mại duy nhất giới hạn đến mức Trung Quốc rõ ràng không muốn điều này xảy ra.

Bảo lưu quan trọng thứ hai là về hiệu quả của các lệnh trừng phạt liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu chính của Nga: tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu và khí đốt. Đức, và rộng hơn là châu Âu, đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi trở nên phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Nga không phải là một đối tác thương mại ổn định. Nga không phải là một thực thể chính trị ổn định mà ta có thể phụ thuộc vào. Khí đốt khác với dầu vì các dự trữ thay thế khí được thay thế chậm hơn. Ở đây, các nhà kinh tế học nói về sự suy yếu của thị trường, tức là rủi ro phụ thuộc vào khí đốt của Nga đã không được đánh giá trên thị trường. Khi sử dụng khí đốt của Nga, Đức chuyển sang nguồn năng lượng rẻ nhất, giá cả không phản ánh chi phí carbon hoặc rủi ro. Châu Âu hiện buộc phải chấp nhận trải nghiệm của chi phí này.

Nhìn từ phía bên kia bờ Đại Tây Dương, dường như cũng có một loại tham nhũng, với cựu Thủ tướng Đức góp phần gây ra sự lệ thuộc này rồi sau đó chọn làm việc cho Gazprom. Đây không phải là một điều tốt theo quan điểm của chính trị dân chủ và chúng ta lẽ ra phải nhạy cảm hơn với những gì nó có thể gây ra.

Trung Quốc không có lợi khi đứng về phía sai.

JOSEPH E. STIGLITZ

Vấn đề thứ ba gắn với hiệu quả của các biện pháp trừng phạt liên quan đến thực tế là các biện pháp trừng phạt có chi phí cao hơn cho quốc gia bị trừng phạt. Một trong những cái giá mà Hoa Kỳ và châu Âu phải đối mặt hiện nay là lạm phát, vốn đang xảy ra do sự gián đoạn nguồn cung liên quan đến đại dịch. Vấn đề đặt ra là lạm phát này được nhận thức như thế nào. Có nhiều nhà báo viết rằng đây là mức lạm phát cao nhất trong vòng bốn mươi năm qua, như thể đó là ngày tận thế. Cần phải hiểu rằng lạm phát mà chúng ta đã trải qua cách đây bốn mươi năm cao hơn nhiều. Mức lạm phát này cao hơn 10%, và ở một số quốc gia, con số này thậm chí đạt 15%, rất khác so với ngày nay. Tôi nghĩ rằng lạm phát hiện tại là sự gián đoạn tạm thời bên phía cung và có thể mất nhiều thời gian hơn để giải quyết, đặc biệt là với sự gián đoạn về năng lượng và lương thực do chiến tranh.

Vì nhiều lý do, tôi ít lo lắng hơn về lạm phát, mặc dù nó vẫn là một vấn đề chính trị cần được giải quyết. Ba hoặc bốn điều cần phải được thực hiện. Thật không may, các công ty dầu khí đang tham gia vào thứ chỉ có thể được gọi là “trục lợi chiến tranh”. Rõ ràng là không thể có sự lạm dụng về giá cả hay sự trục lợi chiến tranh. Lợi nhuận của chúng tăng lên rất nhiều vì chúng sở hữu các dự trữ. Các công ty dầu mỏ lớn không mua dầu từ các công ty khác, nhưng giá trị dự trữ của chúng đã tăng lên. Chi phí sản xuất không tăng đột biến nên chúng chủ yếu được hưởng lợi từ việc thiếu hụt khí đốt và dầu mỏ; đây là một phần của sự điều chỉnh thị trường. Trong ngắn hạn, khả năng điều chỉnh là tương đối thấp, và do đó chúng được hưởng lợi từ những mức giá cao hơn này. Ở Hoa Kỳ, có nhiều dự thảo luật đã được Ro Khanna tại Hạ viện và Sherrod Brown tại Thượng viện đề xuất để hạn chế việc định giá quá đáng và áp dụng một mức thuế đối với những mức lời đặc biệt mà các công ty có hành vi này thu được. Tôi đề nghị rằng một phần của số lợi nhuận này hay của loại thuế mới này có thể được sử dụng để giúp những người bị ảnh hưởng bởi lạm phát, bù đắp vào chi phí sưởi ấm hoặc xăng tăng lên của họ.

Thứ ba, cần phải nhìn nhận rằng đây là một vấn đề chung và một số quốc gia có nhiều khả năng bị ảnh hưởng hơn những quốc gia khác. Chúng ta phải chia sẻ bên trong châu Âu và giữa châu Âu và Hoa Kỳ, đồng thời nhận ra rằng sẽ phải trả giá vì cuộc chiến ở Ukraine. Điều quan trọng là phải đoàn kết khi chiến đấu cùng nhau để chi phí được chia sẻ.

Các nhà kinh tế học thường có điều gì đó để nói về sự chuyển đổi thất bại của Nga từ chủ nghĩa cộng sản sang nền kinh tế thị trường. Chúng ta phải nhận ra rằng quá trình chuyển đổi này không thành công và chúng ta phải tự vấn mình tại sao. Điều này một phần là do liệu pháp sốc, do các chính sách dựa trên sự Đồng thuận Washington và các học thuyết tân tự do làm kim chỉ nam cho chúng. Lẽ ra cần phải chú trọng nhiều hơn đến nền dân chủ và xã hội dân sự. Nếu điều này đã được thực hiện - mặc dù không chắc chắn - Nga có thể đã đi theo một hướng khác. Hoa Kỳ cũng phải nhìn nhận những thất bại của mình trong lĩnh vực này, bởi vì viện trợ của chính phủ Hoa Kỳ cung cấp cho Nga đã bị tham nhũng làm hoen ố.

Một khía cạnh khác mà các nhà kinh tế học nói đến là vai trò của thông tin và thông tin sai lệch.

Tôi đã được trao giải Nobel Kinh tế học về thông tin cho công trình nghiên cứu về cách con người có được những thông tin khác nhau. Chúng tôi đã không tập trung vào vấn đề những người cố tình truyền bá thông tin sai lệch, trong khi đây là một vấn đề cốt yếu. Có cả một loại tổn hại do kỹ thuật số gây ra, chẳng hạn như sự kích động hoặc phong trào chống vắc-xin đã cản trở việc tiêm chủng. Một trong những vấn đề chính là liệu chúng có thể được kiểm soát trong một khuôn khổ dân chủ hay không và tôi nghĩ rằng thông tin sai lệch ít nhất cũng có thể được kiểm soát tốt hơn. Một trong những sáng kiến ​​quan trọng mà châu Âu đang hướng tới trong nhiệm kì Pháp làm chủ tịch là các quy định DMA (Digital Markets Act) và DSA (Digital Services) – (tức là hai quy định do Liên Minh châu Âu trin khai để kiểm soát các thị trường kỹ thuật số (DMA) từ tháng 3 năm 2022 và các dịch vụ kỹ thuật số (DSA) đang được thương lượng, nhm giới hạn sự thống trị của các nền tảng lớn trong lãnh vực kỹ thuật số và kìm hãm sự lan truyền các nội dung và các sản phẩm bất chính - ND), cho phép châu Âu đóng vai trò hàng đầu trong sự quy định và thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu.

Francis Fukuyama (1952-)

Để kết luận, có một trách nhiệm đạo đức để làm mọi thứ có thể hầu giúp Ukraine. Trong khuôn khổ Bản ghi nhớ Budapest, khi Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân, chúng ta đã cam kết ủng hộ Ukraine và chúng ta phải tôn trọng cam kết này. Đại dịch đã là một thời điểm quyết định để nhận ra bản chất hoàn toàn thiết yếu của hoạt động của Nhà nước và tập thể. Cuộc xâm lăng đặt dấu chấm hết cho ý tưởng về sự kết thúc của lịch sử. Fukuyama tin rằng sự sụp đổ của Bức màn sắt đánh dấu sự kết thúc của lịch sử, rằng tất cả chúng ta sẽ hội tụ vào các nền dân chủ tự do và nền kinh tế thị trường. Điều này có vẻ rất ngây thơ khi chúng ta chuẩn bị bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và phải nghĩ về cuộc sống sau đó sẽ như thế nào. Chúng ta cũng phải suy ngẫm sâu sắc về làn sóng chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy trên thế giới. Ở Pháp và Hoa Kỳ, nó vượt ra ngoài nền kinh tế. Các nhà kinh tế học muốn giải thích mọi thứ bằng kinh tế học, nhưng kinh tế học đóng một vai trò rất quan trọng và chúng ta đã thất bại trong việc đảm bảo sự thịnh vượng được chia s. Tiến trình phi công nghiệp hóa đã không được quản lý tốt và có một số lượng lớn người dân có thu nhập bị đình trệ từ bốn mươi năm nay.

Cuộc chiến ở Ukraine này là một phần của một cuộc chiến lớn hơn để bảo vệ lý tưởng của chúng ta, đó là cuộc chiến vì dân chủ.

JOSEPH E. STIGLITZ

Quan trọng hơn, cuộc chiến ở Ukraine này phải được coi là một phần của một cuộc chiến lớn hơn.

Nhiều điểm tôi đã đề cập là thành quả của những ý tưởng và lý tưởng Khai sáng. Đó là những ý tưởng về sự kìm hãm và sự đối trọng, về Nhà nước pháp quyền, khoa học, sự tiến bộ, tổ chức xã hội, cho phép hợp tác trên quy mô cần thiết trong thế kỷ 21. Đó là nguồn gốc của phúc lợi của chúng ta và là lý do tại sao mức sống của chúng ta cao hơn nhiều so với hai thế kỷ trước.

Ta không thể nào tưởng tượng được rằng những lý tưởng này của Thời đại Khai sáng lại b đặt thành vấn đề và bị tra cứu lại như ngày nay. Chúng ta phải công nhận rằng phần lớn phúc lợi của chúng ta, phần lớn những gì chúng ta coi là sở đắc, phần lớn mức sống của chúng ta là do những ý tưởng này và nhờ những lý tưởng này và chúng ta sẽ phải chiến đấu để bảo vệ chúng. Trận chiến ở Ukraine này là một phần của cuộc chiến lớn hơn này để bảo vệ lý tưởng của chúng ta, đó là cuộc chiến vì dân chủ.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Économie de l’interrègne, Le Grand Continent, 21.3.2022.




Chú thích:

[1] Joseph Stiglitz là nhà kinh tế học Mỹ đoạt giải Nobel vào năm 2001 cùng với George Arkerlof và Michael Spence cho những công trình nghiên cứu về “những thị trường có thông tin không đối xứng”. Ông được xem như là đại diện ưu tú và có ảnh hưởng nhất của trường phái kinh tế tân Keynesian chủ trương sự củng cố của Nhà nước và các biện pháp tập thể (ND).

[2] Phiên bản đầu tiên của văn bản này đã được Joseph Stiglitz trình bày tại hội nghị về tương lai của châu Âu do Tòa án Kiểm toán tổ chức vào ngày 15 tháng 3 năm 2022.

Print Friendly and PDF