7.4.22

Báo cáo của IPCC: Có khả năng chia cho hai lượng phát thải khí nhà kính từ nay đến năm 2030

BÁO CÁO CỦA IPCC: CÓ KHẢ NĂNG CHIA CHO HAI LƯỢNG PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH TỪ NAY ĐẾN NĂM 2030

Céline Guivarch Franck Lecocq

Công viên năng lượng mặt trời ở Domaine des Mées (Alpes de Haute Provence). GERARD JULIEN/AFP

Kết thúc bộ ba tập báo cáo, được mở đầu vào tháng 8 năm 2021 – với bản báo cáo về “khoa học biến đổi khí hậu”, và tiếp theo sau với bản báo cáo về tình hình “tác động và thích ứng” vào tháng 3 năm 2022 – IPCC (Nhóm liên chính phủ về nghiên cứu khí hậu) đã công bố vào hôm thứ Hai tuần này, ngày 4 tháng 4 năm 2022, bản báo cáo mới về “giảm nhẹ tác động của phát thải khí nhà kính”.

Được khởi xướng vào năm 2018, bộ báo cáo này đã được 278 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới ký kết, dựng lên thực trạng kiến thức khoa học về các phương án giảm thải khí nhà kính (từ đây gọi là “giảm nhẹ tác động của khí thải”).

Bản báo cáo mở đầu với bản tổng kết lượng khí thải trong quá khứ và hiện tại, và triển vọng về lượng khí thải trong tương lai. Sau đó, xem xét các phương án giảm khí thải theo từng lĩnh vực hoặc hệ thống rộng lớn, đặc biệt chú ý đến nhu cầu và việc thu giữ carbon.

Bản báo cáo kết thúc với một cuộc thảo luận về các chính sách chống biến đổi khí hậu, nguồn tài trợ và những đổi mới mà các chính sách này đòi hỏi; tất cả xuất phát từ lăng kính phát triển bền vững.

Chúng tôi giới thiệu ở đây những thông điệp chính của bản báo cáo, khuyến khích sự tò mò của độc giả, để nghiên cứu tài liệu rất phong phú này.

Tình hình khí thải đang gia tăng bất chấp sự huy động trên toàn cầu

Điểm khởi đầu là các chính sách hiện hành về chống biến đổi khí hậu đang có hiệu lực ở nhiều quốc gia, và trong nhiều lĩnh vực. Các chính sách này rất đa dạng và “bao phủ” hơn một nửa lượng khí thải trên thế giới.

Sự huy động này cũng được phản ánh trong các kế hoạch phi carbon hóa ngày càng nhiều tham vọng hơn: giờ đây, ngày càng có nhiều quốc gia cam kết hướng đến việc trung hòa carbon vào năm 2050. Đây không phải là những nỗ lực riêng của chính phủ các nước: các nỗ lực đó đã tồn tại, ngày càng nhiều, ở cấp độ khu vực và địa phương và trong khu vực tư nhân, chẳng hạn như thông qua mạng lưới các thành phố cam kết hướng đến việc trung hòa carbon.

Thực tế là, bất chấp sự huy động này, lượng phát thải khí nhà kính trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng.

Ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm lại, lượng khí thải chưa bao giờ đạt mức cao tuyệt đối như thế. Lượng khí thải sụt giảm đột ngột được quan sát thấy vào năm 2020 do Covid phần lớn đã tiêu tan. Và các kế hoạch ở cấp độ quốc gia, cho dù có tham vọng cách mấy, sẽ khiến lượng khí thải vào năm 2030 cao hơn mức khí thải tương thích với các mục tiêu mà cộng đồng quốc tế đã đặt ra ở Paris vào năm 2015.

Tầm quan trọng của việc giảm khí thải CO trên thế giới và theo lĩnh vực hoạt động trong thời gian phong tỏa [vì đại dịch]. CC BY-NC-ND

Trên thực tế, để ngăn nhiệt độ thời tiết trung bình trên bề mặt địa cầu không vượt quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp – mục tiêu “đầy khát vọng” của thỏa thuận Paris – thì cần phải chia cho hai lượng phát thải khí nhà kính, từ nay đến năm 2030, và đạt được mức khí thải CO2 ròng bằng 0 trên bình diện thế giới vào năm 2050.

Giảm 20% khí thải vào năm 2030 và đạt được mức trung hòa CO2 vào năm 2070 là điều cần thiết, để có một cơ hội hợp lý đạt được mục tiêu hạn chế nhiệt độ thời tiết tăng quá 2°C.

Giảm khí thải với chi phí hợp lý

Việc giảm khí thải như nói trên đòi hỏi những chuyển đổi lớn trong tất cả các lĩnh vực. Từ góc nhìn này, bản báo cáo đã cho thấy một mức độ lạc quan thận trọng.

Thật vậy, nhiều phương án để giảm phát thải khí nhà kính đã chứng kiến chi phí giảm khí thải giảm rất nhanh trong một vài năm. Ví dụ, việc sản xuất điện từ các tấm pin mặt trời quang điện đã trở nên cạnh tranh trong mười năm qua so với việc sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch.

Các phương án giảm khí thải cho phép dự kiến chia cho hai lượng khí thải vào năm 2030, với chi phí hợp lý. Tất nhiên, các mức chi phí này đều khác nhau giữa các khu vực với nhau, và cần được tính toán một cách thận trọng vì những ảnh hưởng rất quan trọng có tính hệ thống (xây dựng đường dây điện mới để vận chuyển nguồn năng lượng điện từ gió, xây dựng các cơ sở hạ tầng sạc điện cho các loại xe điện).

Nhưng nhận xét này có giá trị đối với cả các hệ thống năng lượng, nông nghiệp và lâm nghiệp, xây dựng, giao thông, công nghiệp hoặc thậm chí trong các hệ thống quản lý đô thị.

Lựa chọn các phương pháp canh tác nông nghiệp, giúp làm tăng trữ lượng carbon trong đất. Jansen Lube/FlickrCC BY

Nhiều giải pháp

Điểm quan trọng là, các phương án giảm nhẹ (tác động của khí thải) có sẵn thuộc nhiều bản chất khác nhau: bao gồm việc ứng dụng các công nghệ “sạch”, cũng như chuyển đổi các phương thức sản xuất và tiêu dùng, cơ sở hạ tầng hoặc tổ chức xã hội.

Trong lãnh vực vận tải, chẳng hạn, có thể giảm nhu cầu bằng cách tối ưu hóa các chuỗi cung ứng, làm việc từ xa, hoặc phi vật thể hóa; xây dựng cơ sở hạ tầng để giúp các hộ gia đình sử dụng các phương tiện di chuyển phát ít khí thải hoặc không phát khí thải, như các phương tiện giao thông công cộng hoặc các phương tiện di chuyển được gọi là “tích cực” (đi xe đạp, đi bộ, v.v.), ngoài ra còn cải thiện các phương tiện di chuyển cá nhân, bằng cách làm cho chúng nhẹ hơn, ít tiêu thụ năng lượng hơn và điện khí hóa chúng.

Thúc đẩy các phương tiện di chuyển tích cực. Javier Garcia/Unsplash

Thách thức là phải vượt qua nhiều rào cản để thực hiện các giải pháp này.

Đầu tiên là vấn đề tài chính, và bản báo cáo đã nghiên cứu chi tiết nhiều giải pháp khác nhau mà theo đó, vấn đề tiết kiệm, đặc biệt trong khu vực tư nhân, để có thể hướng tới các hành động giảm tốt hơn khí thải.

Thứ hai là vấn đề công nghệ, và bản báo cáo đã đưa ra nhiều con đường làm chất xúc tác tốt hơn cho các nỗ lực nghiên cứu và phát triển trong các khu vực công và tư, nhằm phát triển các giải pháp phi carbon hóa trong những ngành công nghiệp khó giảm khí thải nhất, chẳng hạn như ngành sản xuất xi măng hoặc ngành hàng không.

Thứ ba là vấn đề thể chế. Về bản chất, tùy thuộc vào các cấu hình chính trị cụ thể ở từng quốc gia hoặc khu vực, tuy nhiên, phổ biến ở khắp mọi nơi và đòi hỏi không ít sự quan tâm.

Vấn đề thứ tư có bản chất vật lý: các tòa nhà, đường xá, nhà máy, nói tóm lại, tất cả các công trình có tuổi thọ dài hạn, có tầm ảnh hưởng mang tính quyết định đến lượng khí thải và khả năng giảm phát thải khí nhà kính. Bản báo cáo đã nhấn mạnh đến mức độ lựa chọn về chất liệu, mà ngày nay, mang tính quyết định. Do đó, việc tiếp tục đầu tư vào các cơ sở hạ tầng có phát khí thải sẽ khiến các nền kinh tế đi vào con đường làm tăng cao lượng khí thải hoặc tạo ra những “tài sản bị mắc kẹt” sau này.

Từ lợi ích “phi khí hậu” đến giảm khí thải

Nói rộng ra, việc tăng tốc giảm lượng khí thải sẽ không hề dễ, đối với nhiều mục tiêu lớn khác mà xã hội các nước đã tự đặt ra.

Bản báo cáo thực sự cho thấy, trong ngắn hạn, những chuyển biến từ việc giảm khí thải đều có một cái giá về kinh tế và xã hội, được phân bổ không đồng đều theo từng quốc gia, khu vực hoặc thậm chí theo từng lãnh vực kinh tế, nhưng rất thực tế.

Đáp lại, bản báo cáo đã nghiên cứu nhiều phương án chuyển đổi “đúng đắn”, cho phép tìm ra vị trí của mỗi phương án trong một thế giới carbon thấp trong tương lai. Nó cũng nhấn mạnh đến nhiều lợi ích “phi khí hậu” từ các phương án giảm khí thải. Ví dụ, việc hạn chế đốt nhiên liệu hóa thạch, ngoài việc làm giảm lượng phát thải khí nhà kính, còn làm giảm các chất ô nhiễm cục bộ có hại cho sức khỏe.

Lyon, trong thời kỳ đỉnh điểm ô nhiễm vào năm 2017. Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí trên tỷ lệ tử vong đã được chứng minh. Philippe Desmazes/AFP

Bản báo cáo cho thấy việc loại bỏ các rào cản giảm khí thải thường đi đôi với việc loại bỏ các rào cản thực thi nhiều mục tiêu xã hội khác, chẳng hạn trong lĩnh vực tiếp cận nhà ở.

Cuối cùng, bản báo cáo nhắc lại những nỗ lực phối hợp với việc giảm khí thải phải được cân nhắc với những rủi ro liên quan đến từng hành động nhỏ nhất. Như báo cáo về tình hình “tác động và thích ứng vào tháng 3 năm 2022 đã chỉ ra:

“Biến đổi khí hậu đang ngày càng đe dọa đến sức khỏe và sinh kế của người dân trên toàn thế giới, và đang gây ra những tác động nghiêm trọng không thể đảo ngược đối với thiên nhiên.”

Vì thế, bằng cách né tránh những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, giảm nhẹ (tác động của khí thải) là điều cần thiết để giảm nghèo đói, cải thiện sức khỏe và phúc lợi, hoặc thậm chí để cung cấp nguồn nước sinh hoạt sạch.

Đắm mình trong “bản tóm tắt dành cho người ra quyết định”

Về mặt hành động, bản báo cáo đã đưa ra một tập hợp các chính sách công ở tất cả các cấp, nhằm khuyến khích việc giảm khí thải, loại bỏ rào cản và thay đổi quỹ đạo phát triển kinh tế.

Bản báo cáo cũng nhấn mạnh đến sự hội nhập cần thiết của tất cả các tác nhân xã hội – các công ty, khu vực tài chính, xã hội dân sự, công dân... – trong việc thực thi các biện pháp tức thời và đầy tham vọng, nhằm làm giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính, và tránh cho chúng ta – và tránh cho con em chúng ta – phải đối mặt với những thách thức không thể vượt qua trong tương lai.

Có thể truy cập đầy đủ trực tuyến bản báo cáo giảm nhẹ (tác động của khí thải), cũng như bản tóm tắt kỹ thuật và bản tóm tắt dành cho các nhà hoạch định chính sách. Bản tóm tắt cuối này, dày khoảng bốn mươi trang, là điểm mở đầu tốt nhất để nghiên cứu bản báo cáo mới nhất của IPCC.

Giới thiệu tác giả

Céline Guivarch

Céline Guivarch, Nhà kinh tế học tại Cedly, Giám đốc Nghiên cứu, trường École des Ponts ParisTech (ENPC)

Céline Guivarch là nhà kinh tế học tại Cired (Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Môi trường và Phát triển) và là giám đốc nghiên cứu của trường École des Ponts ParisTech.

Céline Guivarch là thành viên nhóm tác giả soạn thảo bản báo cáo lần thứ 6 của IPCC (Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu), và là thành viên Hội đồng cấp cao về khí hậu.

Nghiên cứu của bà tập trung vào biến đổi khí hậu, một chủ đề đề cập đến các công cụ của kinh tế học, cũng như qua các công trình đa ngành liên quan đến việc mô hình hóa khí hậu và chu trình carbon, hoặc vận dụng toán học ứng dụng hoặc khoa học môi trường. Nghiên cứu của bà dựa trên các mô hình số để nghiên cứu mối tương tác giữa các động lực kinh tế, diễn biến của các hệ thống kỹ thuật và lối sống, và biến đổi khí hậu.

Bà đặc biệt quan tâm đến vai trò của sự không chắc chắn trong các quyết định về chính sách khí hậu.

Trước khi gia nhập giới nghiên cứu, bà đã làm việc hai năm ở vùng Trung Á cho một dự án về biến đổi khí hậu. Bà cũng đã làm việc một năm tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Bà tốt nghiệp các trường École Polytechnique và École des Ponts ParisTech.

Franck Lecocq

Franck Lecocq, Nhà nghiên cứu cao cấp về kinh tế học, Giám đốc Cired, AgroParisTech – Đại học Paris-Saclay

Franck Lecocq, chuyên gia về kinh tế học biến đổi khí hậu, là giám đốc của Cired (Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Phát triển) từ năm 2012, sau khi làm phó giám đốc phòng thí nghiệm kinh tế rừng ở Nancy. Ông cũng đầu tư nghiên cứu rất nhiều ở IPCC, qua đó ông là tác giả chính của bn báo cáo về giảm nhẹ tác động của khí thải (tháng 4 năm 2022).

Tuyên bố công khai

Céline Guivarch là thành viên của Hội đồng cấp cao về khí hậu, và là thành viên của nhóm các tác giả soạn thảo bản báo cáo lần thứ 6 của IPCC về giảm nhẹ (tác động của khí thải). Céline Guivarch có nhận tài trợ từ Ủy ban châu Âu, Bộ chuyển đổi sinh thái và hòa nhập, Ademe, Hội đồng cấp cao về đào tạo và nghiên cứu chiến lược, Cơ quan năng lượng quốc tế, Ngân hàng thế giới, EDF, Renault, chủ nhiệm “Mô hình hóa triển vọng cho sự phát triển bền vững” và Viện về tính cơ động bền vững.

Franck Lecocq là tác giả điều phối bản báo cáo lần thứ 6 thuộc nhóm III của IPCC, và là thành viên hội đồng khoa học của EDF. Ngoài nguồn tài trợ cơ bản từ các tổ chức bảo trợ (CNRS, ENPC, AgroParisTech, CIRAD, EHESS), Cedly còn nhận sự tài trợ từ các chương trình nghiên cứu quốc gia (ANR, ADEME, v.v.) và quốc tế (Liên minh Châu Âu, Ngân hàng Thế giới, v.v.), cũng như sự tài trợ từ các đối tác công và tư thông qua 3 chủ nhiệm đề tài, hợp đồng nghiên cứu và luận án CIFRE.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Rapport du GIEC: diviser les émissions de gaz à effet de serre par deux d’ici à 2030, c’est possible, The Conversation, ngày 04/04/2022.

Print Friendly and PDF