HỒNG KÔNG “KHÔNG PHẢI LÀ THUỘC ĐỊA CỦA ANH”: NGÔN NGỮ CỦA CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC TRUNG QUỐC MỚI
Phỏng vấn Antoine Vannière, sử gia tác giả cuốn Quảng Châu Loan, một thuộc địa trá hình. Một lãnh vực cho thuê của Pháp ở vùng nam Trung Quốc/Kouang-Tchéou-Wan, colonie clandestine. Un territoire à bail français en Chine du Sud 1898-1946, Éditions les Indes savantes, 2020, 690 pages, do Tamara Lui thực hiện
Lễ trao trả Hồng Kông, ngày 1 tháng 7 năm 1997. (Nguồn: Bloomberg) |
Hai tuần trước lễ kỷ niệm 25 năm Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc. Hai tuần trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình đích thân tới dự, lần đầu tiên “ra ngoài” Lục địa kể từ cuối năm 2019 và thời điểm bắt đầu đại dịch. Ba nhà xuất bản sách giáo khoa đã nộp các bản sửa đổi của họ cho các cơ quan chức năng để bắt đầu năm học vào tháng Chín. Được coi là một cuộc cải cách, giáo trình này mang tên “Quyền Công dân và Phát triển Xã hội” và dành cho học sinh trung học đã thay thế cho giáo trình “Nghiên cứu Tự do” (“Liberal Studies”) gây tranh cãi. Trong đó có viết rõ ràng rằng “Hồng Kông không phải là thuộc địa của Anh”. Trước đây, một số sách giáo khoa trung học đã xóa cụm từ “Hồng Kông là thuộc địa của Anh”, và phiên bản cô đọng tạm thời của cuộc triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử Hồng Kông không còn có từ “thuộc địa”. Theo một số người, mặc dù Vương quốc Anh cai trị Hồng Kông trên cơ sở quy chế “thuộc địa”, chính phủ Trung Quốc kể từ triều đại nhà Thanh đã không công nhận các hiệp ước bất bình đẳng và chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của mình đối với thành phố này. Đối với tờ Global Times rất chính thống và theo chủ nghĩa dân tộc, những thay đổi này đối với chương trình giảng dạy sẽ cho phép “một số giáo viên không còn truyền tải cho học sinh những quan điểm chính trị sai lầm và độc hại nữa”. Nhà sử học Antoine Vannière, tác giả của một luận án về sự xâm chiếm thuộc địa của Pháp ở miền nam Trung Quốc, giải thích cho Asialyst về các sắc thái của các thuật ngữ khác nhau và đưa ra cái nhìn của ông về địa chính trị Trung Quốc thông qua Hồng Kông.
Sự khác biệt giữa “lãnh thổ cho thuê” và “thuộc địa” là gì? Vượt lên trên vấn đề về chủ quyền, phải chăng đó là vấn đề thời hạn?
Antoine Vannière |
Antoine Vannière: Nói một cách đơn giản và ngắn gọn, nếu các sách giáo khoa nói rằng Hồng Kông chưa bao giờ là thuộc địa, trên thực tế, điều đó là không chính xác. Đó là một cách chơi về tính đa nghĩa của từ “thuộc địa”. Không phải là không có một định nghĩa pháp lý, nhưng tính chất lịch sử của khái niệm thuộc địa được viết và tô màu khi lịch sử diễn ra. Người ta có thể lấy ví dụ về sự mơ hồ tương tự như trường hợp lãnh thổ cho thuê Quảng Châu Loan (广州 湾), được coi là lãnh thổ được Pháp thuê, ở miền Nam Trung Quốc (1898-1946). Nhưng về phần họ, người Pháp coi nó như một “thuộc địa trá hình”. Lãnh thổ bị chiếm hữu này do Toàn quyền Đông Dương quản lý như một thuộc địa, nhưng quy chế “lãnh thổ cho thuê” chỉ được sử dụng để tuân theo các quy định quốc tế và không xúc phạm đế chế Trung Quốc thời đó. Trường hợp của Hồng Kông thì mơ hồ hơn, vì đảo Hồng Kông đã được nhượng lại vào năm 1842 cho Vương quốc Anh như một thuộc địa. Điều đó có nghĩa là một phần lãnh thổ Trung Quốc đã bị tách khỏi đế chế nhà Thanh, tức là bị chiếm đoạt bởi một quốc gia khác, trong trường hợp này là Vương quốc Anh, và trong một thời gian không hạn định, trái với quy chế “lãnh thổ cho thuê”. Về phương diện này, phần lãnh thổ này ở Hồng Kông thực sự là thuộc địa.
Vả lại, Công ước Bắc Kinh năm 1860, sau Chiến tranh nha phiến lần thứ hai, cũng chứng thực việc Trung Quốc công nhận Hiệp ước Nam Kinh năm 1842 – tức là sự nhượng lại Hồng Kông cho Vương quốc Anh - và thậm chí còn mở rộng thuộc địa này có lợi cho Luân Đôn. Nhưng từ năm 1898, khi một phần của Tân Giới được thêm vào thuộc địa Hồng Kông, phần mở rộng này được nhượng lại dưới dạng lãnh thổ cho thuê, chứ không phải là thuộc địa. Và dần dần, Trung Quốc coi toàn bộ Hồng Kông như là lãnh thổ cho thuê. Và trên thực tế, vào tháng 7 năm 1997, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) giành lại quyền sở hữu đối với Hồng Kông, nước này đã làm như vậy 99 năm sau khi nhượng lại Tân Giới, như thể việc hết hạn hợp đồng này được áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ của Hồng Kông. Thật vậy, điều này đã được hai nước công nhận trong một tuyên bố chung ký trước LHQ vào năm 1984. Điều này có nghĩa là thuộc địa nguyên thủy của Hồng Kông đã hòa tan trong quy chế lãnh thổ cho thuê, và, ở đâu đấy, Vương quốc Anh đã tán thành điều này. Do đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc thực sự có thể khẳng định rằng Hồng Kông chưa bao giờ là một thuộc địa, nhưng như vậy có lẽ là nôn nóng giải quyết vấn đề và xóa sổ sáu mươi năm lịch sử của sự chiếm hữu này, từ năm 1842 đến năm 1898.
Có thể nói, định nghĩa một thuộc địa thay đổi từ một quốc gia sang một quốc gia khác, từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác. Nhưng phải chăng có một lý do nào khác cho phép Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phủ nhận sự thực dân hóa, cụ thể là việc Đảng không công nhận bất kỳ hiệp ước bất bình đẳng nào được ký kết trước khi chế độ Cộng Hòa được thành lập vào năm 1911?
Nếu ta muốn thì có thể nghĩ như thế, nhưng trong trường hợp này, điều đáng ngạc nhiên là CHND Trung Hoa đã công nhận các hiệp ước hồi nhượng đã được đàm phán giữa Nhà nước Trung Quốc vào thời điểm đó, vốn theo chủ nghĩa dân tộc - chính phủ của Tưởng Giới Thạch - và Pháp về Quảng Châu Loan, vào tháng 8 năm 1945 và vào tháng 2 năm 1946. Đây là một cách để cắt xén trong những hiệp ước này, bằng cách chấp nhận một số và từ chối một số khác... Những hiệp ước bất bình đẳng này, cuối cùng được ký kết giữa một bên mạnh và một bên yếu vào thế kỷ 19, CHND Trung Hoa không muốn công nhận chúng ngày hôm nay, điều đó không có gì là sốc cả. Nhưng đây là một cách đọc không đối xứng các hiệp ước quốc tế. Không có một định nghĩa nào về thuật ngữ “thuộc địa”, giống như một định lý, vừa không thể bị vi phạm và vừa phổ quát, cũng như không có một cách giải thích duy nhất về ý niệm thuộc địa. Mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa, tùy thuộc vào lịch sử và mối quan hệ của nó với các văn bản quốc tế, có cách định nghĩa riêng về thuộc địa là gì. Như vậy, Trung Quốc có cách đọc của họ, phần vì họ là nạn nhân hơn là người thụ hưởng hiện tượng thuộc địa hoá, trong khi Pháp và Anh có định nghĩa riêng của họ, tất nhiên là rất khác.
Tuy nhiên, trong các hiệp ước năm 1842, chúng ta tìm thấy tên của Hồng Kông, chính thức dưới cụm từ “Thuộc địa Hồng Kông” …
Theo Hiệp ước Nam Kinh, London coi Hồng Kông là thuộc địa. Khi Vương quốc Anh sử dụng từ “thuộc địa”, có nghĩa là lãnh thổ này là thuộc sở hữu của Vương quyền Anh, một lãnh thổ hải ngoại được cai trị như một phần của đế chế Anh và cư dân của nó là thần dân của đế quốc này. Vì vậy, Hồng Kông phụ thuộc vào Vương quốc Anh, vương quốc này quản lý các thuộc địa khác nhau của mình thông qua Văn phòng Thuộc địa, ngoại trừ Ấn Độ, có bộ phận quản lý riêng, Văn phòng Ấn Độ.
Về vấn đề quốc tịch, nó phức tạp hơn một chút. Nó phụ thuộc vào các đế chế và cũng vào các mức độ giải thích khác nhau. Trong hệ thống của Pháp, ví dụ, cư dân bản địa của các thuộc địa, những người được gọi vào thời điểm đó là “dân bản xứ”, không phải là công dân Pháp: họ có quốc tịch Pháp (ít nhất là ở Algeria), nhưng lại không có các quyền công dân của người Pháp, và do đó được coi là công dân hạng hai. Trong hệ thống của Anh, có một cái gì đó tương tự: người Anh phân biệt giữa một bên là công dân Anh, vừa là công dân và vừa là thần dân, và một bên chỉ là thần dân của Nữ hoàng trong phần còn lại của đế chế, bất kể quy chế của các lãnh thổ bị chiếm đóng. Trong trường hợp này, những người bị đô hộ phụ thuộc vào Vương quyền Anh, họ đôi khi giữ hệ thống bầu cử của riêng mình và một số thậm chí có thể được bầu làm đại diện cho dân cư của họ. Họ có thể đi du lịch trong phạm vi của Đế quốc Anh, nhưng phải xin thị thực để vào Anh. Họ là thần dân chứ không phải là công dân Anh. Điều phức tạp trong hệ thống đế quốc này là mọi thứ không bao giờ giống nhau từ đế quốc này sang đế quốc khác, từ loại người này sang hạng người khác. Người dân Hồng Kông là thần dân của Nữ hoàng, điều này cho họ những quyền và nghĩa vụ nhất định, nhưng không phải là những quyền và nghĩa vụ giống như của các công dân Anh.
Để hiểu rõ vấn đề, cần phải thấy rằng nếu các chính quốc trao cho những thần dân này, những dân tộc bị đô hộ, những quyền tương tự với quyền của công dân của họ, thì cuối cùng họ sẽ bị tràn ngập bởi số lượng cư dân sống trong đế chế của họ. Đây là điều mà một số người Pháp về cơ bản đã lo sợ trước Chiến tranh thế giới thứ hai, khi họ sợ rằng nước Pháp sẽ trở thành thuộc địa của các thuộc địa của mình (đạo văn Édouard Herriot, trong một bài diễn văn năm 1946)! Nếu cư dân trong đế chế có quyền giống như công dân của chính quốc, một ngày nào đó, Thủ tướng Anh có thể là người Hồng Kông hoặc người Kenya, điều mà cả người Pháp và người Anh đều không muốn. Đây là lý do tại sao, trong số nhiều thứ khác, họ đã duy trì hệ thống hai tốc độ để các chính quốc, một ngày nào đó, không bị áp đảo bởi cư dân của các thuộc địa. Tất cả điều này đến từ việc thứ bậc hoá các “chủng tộc”, như người ta nói lúc bấy giờ.
Gần đây, để hỗ trợ diễn ngôn “phi thuộc địa hóa” Hồng Kông của họ, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã gợi lên một sự kiện lịch sử ít được công chúng biết đến, liên quan đến cuộc bỏ phiếu tại LHQ năm 1972, theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc, lúc mới trở thành thành viên của Hội đồng bảo an, rút Hồng Kông và Macao ra khỏi danh sách các lãnh thổ không tự quản. Nhưng các nhà nghiên cứu Trung Quốc nói về một danh sách các “lãnh thổ thuộc địa”. Một lần nữa, điều này có phải là chơi chữ trên cả hai ý niệm này không?
Đó cũng vẫn là một cách diễn giải luật pháp quốc tế. Mục đích của việc rút Hồng Kông và Ma Cao ra khỏi danh sách này là để tránh khả năng đòi hỏi độc lập có thể xảy ra, và cho phép các lãnh thổ này một ngày nào đó trở về với chủ quyền của Nhà nước Trung Quốc. Rõ ràng có một ý đồ chính trị che giấu cuộc đấu tranh về các ý niệm này. Về cơ bản, chúng ta có một vấn đề tương tự ở Pháp với các quy chế khác nhau của các vùng lãnh thổ hải ngoại. Ngày nay, đảo Réunion và Mayotte là những tỉnh hải ngoại hình như không có ý định đòi hỏi độc lập, bởi vì chúng là một bộ phận cấu thành nhà Nước Pháp. Mặt khác, Tân Đảo, là một “tập thể ở nước ngoài” (với quy chế đặc biệt), chắc chắn đang dần dần hướng tới sự độc lập của mình, ngay cả khi vấn đề này vẫn chưa được giải quyết và vẫn còn tùy thuộc các cuộc trưng cầu dân ý ở địa phương.
Diễn ngôn của chính phủ Trung Quốc về việc thực dân hóa Hồng Kông có mục đích chính trị, điều này có thể hiểu được. Tuy nhiên, sự thực thi quyền lực của Vương quốc Anh đối với Hồng Kông trong hơn một thế kỷ không chỉ giới hạn đơn giản trong việc quản lý hành chính: ảnh hưởng văn hóa hiện diện khắp nơi trong cuộc sống hàng ngày của người Hồng Kông. Vậy thì, nói rằng Hồng Kông chưa bao giờ là thuộc địa, đó chẳng phải là một cách diễn đạt ít có ý nghĩa sao?
Đó chính là lợi ích của việc thực hiện nghiên cứu “lịch sử toàn diện”, theo nghĩa là người ta cố gắng xóa bỏ các sự phân cách giữa các lĩnh vực lịch sử khác nhau, và du nhập lại vấn đề của sự hiện diện hành chính trong các chiều kích văn hóa, kinh tế, xã hội và chính trị. Tất cả các yếu tố này là một phần của cùng một hệ thống. Chắc chắn, người nắm quyền điều hành chính là người chỉ đạo, là người đưa ra các quyết định. Nhưng sự thực dân hóa không chỉ đơn giản là một sự thống trị hành chính: đặc biệt trong hệ thống của Pháp, nó có tham vọng tỏa sáng và mở rộng ảnh hưởng văn hóa của Pháp để biến đổi những người bị đô hộ và làm cho họ thích nghi với văn hóa của chính quốc, thậm chí với tham vọng là “một ngày nào đó” họ sẽ trở thành người Pháp thực thụ. Đây là chính sách “đồng hóa” nổi tiếng, được thực dân Pháp khẳng định từ lâu ở trong nước, ít nhất là cho đến khoảng năm 1906. Ngược lại, trường hợp của Anh có phần khác, trước khi các quan chức Pháp quyết định làm theo, ngay trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Người Anh muốn dần dần nâng đỡ những người được họ bảo hộ hướng tới nền văn minh châu Âu – mà tất nhiên họ đặt cao hơn những nền văn minh khác - để cho họ dần dần tiếp cận với ánh sáng của tri thức, mà không đánh mất những nét đặc thù của họ, nền văn hóa của họ. Giới thực dân và các nhà sử học đã nói về chính sách “liên kết” này, nhằm mục đích liên kết các dân tộc mà không có tham vọng hợp nhất chúng trong dài hạn.
Vì vậy, ở Hồng Kông, người Anh biết rằng người Trung Quốc cư trú có một lịch sử và văn hóa rất cổ xưa, có niên đại vài thiên niên kỷ, và do đó sẽ không bao giờ trở thành người Anh. Ngược lại, họ có thể dễ dàng trở thành người đối thoại và đối tác tốt, với điều kiện là phải dạy cho họ văn hóa Anh, “khai hóa” họ và cho họ tiếp cận với trình độ ít nhiều tương tự như của người Châu Âu. Và cuối cùng, họ thậm chí có thể được trao quyền tự trị, nhưng trong mối quan hệ đối tác bền vững và huynh đệ với Vương quốc Anh. Đó là giấc mơ của người Anh, chứ hoàn toàn không phải biến những người này thành người Anh. Và dưới góc độ này, chúng ta có thể nghĩ rằng họ tương đối đã thành công, theo các tiêu chí riêng của họ: thông qua một chính quyền cần mẫn, họ đã “Anh hóa” được hầu hết cư dân trong các thuộc địa của họ, bằng cách cung cấp cho họ tiếng Anh, một phần của văn hóa của mình, một sự tiếp cận các quyền được mở rộng và một khả năng giao thương với nhau ngày càng tăng. Những người từ hai nền văn hóa khác nhau này đã trở nên giống nhau phần nào, ít nhất là đủ để giao tiếp và kinh doanh với nhau. Do đó, khá rõ ràng rằng việc nghiên cứu quá trình thuộc địa hoá chỉ xét về khía cạnh hành chính của nó hầu như không có ý nghĩa gì.
Trong các yếu tố ngôn ngữ của chính phủ Trung Quốc, các nhà lãnh đạo cũng chơi chữ rất nhiều với các thuật ngữ khác nhau. Năm 1984, trong cuộc đàm phán Trung-Anh về quy chế tương lai của Hồng Kông, Đặng Tiểu Bình đã viện dẫn “sự thu hồi chủ quyền” (收回 主权). Nhưng ngày nay, chính phủ thường sử dụng sự “khôi phục quyền quản lí” (恢复 管理 权). Ngược lại, ở phương Tây và ở Pháp, chúng ta nói đến sự hồi nhượng. Sự khác biệt giữa hai ý niệm “khôi phục quyền quản lí” và “thu hồi” là gì?
Thuật ngữ “hồi nhượng” (rétrocession) thuộc từ vựng pháp lý. Để có sự trao trả, trước đó phải có sự chuyển nhượng (cession), được một quyết định pháp lý xác định. Thuật ngữ của Đặng Tiểu Bình “thu hồi chủ quyền” là khá mơ hồ và một phần không chính xác, và người ta có thể hiểu rằng chính phủ của Tập Cận Bình không còn sử dụng nó nữa. Thật vậy thuật ngữ này có thể chấp nhận được nếu nó liên quan đến thuộc địa Hồng Kông, vì quy chế này, về mặt pháp lý, tổ chức sự chuyển giao chủ quyền có lợi cho Quốc gia thực dân tiếp nhận. Ngược lại, trong trường hợp các vùng lãnh thổ cho thuê ở Trung Quốc, chủ quyền của Nhà nước Trung Quốc đã được chính thức công nhận, Nhà nước tiếp nhận chỉ là cơ quan quản lý, không hơn không kém, mặc dù tình trạng thực tế lại thường mâu thuẫn với tinh thần của luật pháp. Do đó, nói về “sự thu hồi chủ quyền” có nghĩa là xác nhận tình trạng thuộc địa của Hồng Kông. Chính vì lý do này mà ngày nay bộ máy cai trị Trung Quốc sử dụng cụm từ “khôi phục quyền quản lí”. Thuật ngữ này thuộc về một lãnh vực thông dụng và phổ biến hơn, và tôi không nghĩ rằng nó có ý nghĩa đặc thù trong luật quốc tế. Đơn giản, nó chỉ định một cách thực thi quyền lực có hiệu lực. Nói cách khác, nói đến việc “khôi phục quyền quản lí” là đồng nghĩa với việc đòi hỏi thu hồi một quyền lực chưa bao giờ được chính thức nhượng đi, nhưng lại bị người khác đánh cắp. “Tiếp quản (khôi phục quyền quản lí)”, theo ngôn ngữ chính trị Trung Quốc hiện nay, là một cách coi quyền lực đã bị một bên thứ ba chiếm đoạt mà không được sự đồng ý của Nhà nước Trung Quốc. Ngược lại, sự hồi nhượng rõ ràng cho thấy rằng ngay từ đầu đã có sự chuyển nhượng hoặc một thỏa thuận thương lượng giữa hai Quốc gia, điều mà hiện nay bị Trung Quốc tranh cãi.
Sự chuyển nhượng, được một công ước hay một hiệp ước công nhận, ngay cả khi nó bị áp đặt bằng vũ lực và đe dọa vũ trang, với súng và binh lính, được ghi nhận trong luật quốc tế giữa các quốc gia. Đối với Hồng Kông, đó là Hiệp ước Nam Kinh, được ký kết giữa Hoàng gia Anh và Đế quốc Trung Quốc. Hiệp ước này chắc chắn đã được áp đặt đối với Bắc Kinh, nhưng sau đó, vào năm 1984 và 1997, nó đã bị vô hiệu bởi các hiệp định khác, các hiệp định khác này tổ chức tiến trình hồi nhượng. Ở phương Tây nói riêng, nhưng không chỉ ở đó, người ta rất nhạy cảm với vấn đề về công pháp quốc tế, điều đó không có nghĩa là chúng ta nhất thiết đúng, nhưng đó là cách để người phương Tây coi các quốc gia là thực thể nắm giữ chủ quyền.
Ngày nay, chính phủ Trung Quốc dường như xem rằng một hiệp ước như hiệp ước Nam Kinh (1842) và Bắc Kinh (1860) chỉ là sự phản ánh các mối quan hệ quyền lực, điều này không hoàn toàn sai, chúng ta có thể đồng ý. Do đó, khi chính phủ Trung Quốc muốn đề cập việc “khôi phục quyền quản lí” ở Hồng Kông thì điều này ngụ ý rằng rốt cuộc điều quan trọng không phải là các hiệp ước mà là một tương quan lực lượng ở một thời điểm nhất định, và do đó cũng là hệ quả của những mối quan hệ quyền lực này. Bằng cách hành động theo cách này, chính phủ Trung quốc chỉ trả lại cho người Phương Tây chính sự đạo đức giả của họ. Nếu thực sự đã có một hiệp ước, thì chính phủ Trung Quốc chỉ được ký kết giữa các cường quốc không ngang sức. Và theo nghĩa này, Trung Quốc, nếu có đủ phương tiện, lẽ ra đã không bao giờ nên ký một thỏa thuận cắt xén một phần lãnh thổ và dân số của mình như vậy. Và không phải vô cớ mà những hiệp ước này được gọi là bất bình đẳng, kể cả ở phương Tây.
Theo nhà sử học John Carroll, trong cuốn sách A Concise History of Hong Kong, ngay từ đầu, người Anh đã coi Hồng Kông như một chỗ để bắt rễ chứ không phải là nơi khởi đầu của một cuộc chinh phục châu Á…
John Mark Carroll (1961-) |
Đối với người Anh, Hồng Kông, giống như Gibraltar, là một loại bàn đạp, một căn cứ cho các tàu của Anh, vừa là cảng để cung cấp than cho hạm đội của họ, vừa là các điểm chiến lược để làm chủ biển và đại dương. Vào thời điểm, viễn tưởng của London mang tính chiến lược hơn. Từ năm 1842 đến năm 1898, người Anh chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ chiếm Trung Quốc, hoặc một phần lãnh thổ của Trung Quốc từ Hồng Kông. Họ chỉ nghĩ đến việc đảm bảo an toàn cho hải quân của họ, và tỏa sáng văn hóa của họ và tăng cường thương mại của họ. Đó là lý do tại sao họ cần một hòn đảo nhỏ, nơi họ có thể như “ở nhà”. Đây là điều mà người Đức cũng đã làm ở Giao Châu (胶州): họ cũng không thực sự nghĩ đến việc xây dựng một thuộc địa to lớn trên khắp Trung Quốc, mặc dù họ cũng muốn sẵn sàng trong trường hợp Trung Quốc bị chia cắt. Ngược lại, người Pháp có một thái độ khác có thể được giải thích bởi một truyền thống thuộc địa riêng biệt của họ. Đối với họ, ít nhất là ban đầu và đối với Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương thuộc Pháp từ năm 1897 đến năm 1902), Guangzhouwan là sự khởi đầu của một cuộc chiếm đoạt rộng lớn hơn của đế quốc, có khả năng bao gồm các tỉnh phía nam của Đế quốc Trung Quốc để sáp nhập chúng vào lãnh thổ bị Pháp chiếm hữu ở Đông Dương. Vì vậy, ở Hồng Kông và Quảng Châu Loan, có hai động năng hoàn toàn khác nhau.
Paul Doumer (1857-1932) |
Đối với người Anh, điều chính là làm chủ và cai trị Hồng Kông và cảm thấy như ở nhà, với những người thần dân Trung Quốc làm việc cho họ và dần dần thích nghi với nền văn hóa của họ, mà không nhất thiết phải nhắm đến mục tiêu xa hơn. Mục tiêu là giữ Hồng Kông như một cảng mở cho thương mại với nội địa Trung Quốc giống như cách họ nắm giữ các trạm giao dịch hoặc lãnh thổ nhỏ như Gibraltar, Cyprus, Aden hoặc Tích Lan. Theo một cách nào đó, vấn đề đặt ra là phủ đầy các đại dương trên toàn cầu, giống như một chuỗi ngọc, giống hệt như cách mà Trung Quốc của Tập Cận Bình ngày nay làm với “Con đường tơ lụa mới” nổi tiếng. Bằng cách có một loạt các điểm hỗ trợ dọc theo bờ biển, có thể tiến con chốt từng chút một trên bàn cờ, và không cần thiết phải chiếm toàn bộ các lãnh thổ. Rốt cuộc, đó là một hình thái thuộc địa hiện đại, nhưng đã được Hoàng gia Anh triển khai vào thế kỷ 19 (cho dù Hoàng gia Anh cũng không bỏ qua sự chiếm đoạt những vùng đất rộng lớn, như ở Ấn Độ).
Điều gây sốc và đáng lo ngại trong những gì đang diễn ra ở Hồng Kông là, trong thời gian ngắn như vậy, giữa sự ban hành luật an ninh quốc gia vào năm 2020 và ngày nay, với việc sửa đổi các sách giáo khoa, chính phủ Trung Quốc tìm cách thay đổi hoặc viết lại 150 năm lịch sử…
Vâng, điều đó thật ấn tượng, bởi vì chúng ta cảm thấy rõ ràng một ý chí rõ ràng và được đảm nhận để viết lại lịch sử từ quan điểm của một quốc gia, tức là mang tính dân tộc chủ nghĩa, thay vì xem xét lịch sử như nó đã diễn ra. Chúng ta có thể đoán được sự cám dỗ của Bắc Kinh để chơi chữ, dựa trên sự mơ hồ của chúng, để xác định lại các khái niệm và ý niệm, để đề xuất một phiên bản lịch sử mới, được sửa đổi hoàn toàn, nhằm nhường chỗ cho một chủ nghĩa đế quốc mới. Tôi có cảm giác rằng Trung Quốc ngày nay đang bắt chước, bằng cách trả mối thù người phương Tây, những gì người Anh và người Pháp đã làm từ giữa thế kỷ 19 cho đến giữa thế kỷ 20, tức là áp đặt một chủ nghĩa đế quốc mới. Khi Trung Quốc mua các mảng của các cảng ở Athens hoặc Sri Lanka, họ khẳng định rằng đó là thương mại, kinh doanh, thậm chí là viện trợ hữu nghị. Nhưng thực sự, đối với họ, đó là một cách để xây dựng một cường quốc thế giới, bằng cách sử dụng sự mắc nợ của các quốc gia này, với mục tiêu lâu dài là chiếm lấy một phần đáng kể chính quyền của họ và xâm phạm chủ quyền của họ. Về cơ bản đó là một lịch sử theo hướng ngược lại, dựa trên sự đảo ngược tương quan lực lượng. Cách thức này không quá khác so với cách thức được người Pháp và người Anh triển khai vào thế kỷ 19.
George Orwell (1903-1950) |
Bằng cách tiếp thu kỹ thuật của các cường quốc hơn một thế kỷ trước, nhưng trong một thế giới đã hoàn toàn thay đổi, hiện đang toàn cầu hóa và nơi các quốc gia hoàn toàn nhận thức được những gì đang diễn ra, Trung Quốc tạo ra nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột toàn cầu. Bởi vì tất cả các quốc gia lớn hiện nay đều có vũ khí và khả năng hủy diệt hoàn toàn không thể tưởng tượng được và không so sánh được với những gì có trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Như chúng ta biết, bi kịch là, nói chung, chủ nghĩa đế quốc dẫn thẳng đến chiến tranh. Bằng cách phủ nhận bối cảnh và thực tế của thế giới ngày nay, Bắc Kinh đang đùa với lửa. Đây là lý do tại sao Trung Quốc cần viết lại lịch sử. Thay đổi các từ ngữ và định nghĩa, thực hiện chủ nghĩa xét lại lịch sử, đều đưa chúng ta trở lại với cuốn 1984 của George Orwell. Nếu chúng ta muốn đô hộ một dân số và thiết lập một chế độ độc tài và chuyên chế, cách tốt nhất vẫn là biến đổi tư duy của dân chúng và áp đặt một ký ức chung, cho dù nó là lừa phỉnh. Và điều đó thông qua lịch sử và ngôn ngữ. Thật không may, chúng ta có thể thấy rõ điều này ngày nay với Vladimir Putin về vấn đề Ukraine. Chúng ta có thể lấy một ví dụ khác, đó là Thổ Nhĩ Kỳ với cuộc diệt chủng người Armenia: đây là một cách khác để viết lại lịch sử và phủ nhận một số thực tế nhất định. Chủ nghĩa xét lại chưa bao giờ thuận hòa với hòa bình và sự chung sống. Và điều này mở đầu cho một cuộc xung đột có thể xảy ra.
Thông qua một lịch sử được soạn lại như thế, các nhà chức trách Trung Quốc tìm cách xây dựng tính chính danh, như họ đã làm trong một thời gian dài bằng cách sử dụng cụm từ “thế kỷ của sự sỉ nhục” để mô tả giai đoạn kéo dài từ năm 1842 đến năm 1949. Thật vậy, người ta có thể xem xét một cách đúng đắn rằng Trung Quốc đã bị sỉ nhục, rằng các phần lãnh thổ và chính quyền của họ đã bị người nước ngoài gây nhiễu và chiếm đoạt; nhưng bằng cách đảo ngược thực tế theo cách thức tấn công này, điều này đã dẫn đến việc nuôi dưỡng một tinh thần trả thù, thay vì khâu lại những vết thương của quá khứ. Cách làm như vậy đặt Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào một logic quyền lực hoàn toàn không thuận lợi cho hòa bình và có nguy cơ dẫn đến xung đột vào một thời điểm nào đó. Có phải Trung quốc muốn điều này không? Tôi không biết, nhưng Trung Quốc dường như làm mọi cách để tự thuyết phục rằng, nếu tình cờ điều đó xảy ra, Trung Quốc sẽ ở trong tư thế tự vệ, dựa trên quá khứ mà Trung Quốc đã thiết kế lại.
Quyền lực không chỉ được đo lường về mặt kinh tế, mà còn trên phương diện của sự tường thuật về mặt chính trị…
Johann Chapoutot (1978-) |
Thiết lập một cường quốc, trước tiên phải bắt rễ vào một câu chuyện. Chúng ta phải đọc (lại) cuốn sách của Johann Chapoutot, Le Grand Récit/Đại tự sự, được xuất bản gần đây. Nó cho thấy tất cả hoạt động như thế nào, dựa trên một câu chuyện chung, áp đặt một ý nghĩa. Ngày xưa, các cường quốc tự áp đặt mình thông qua hành động quân sự và chiếm đoạt lãnh thổ, trong khi vẫn tuyên bố hành động nhân danh đạo đức và nghĩa vụ (Jules Ferry). Ngày nay, họ sử dụng kinh tế, tài chính, và kết thúc (có thể) bằng một cuộc tấn công quân sự.
Tamara Lui |
Nếu quay trở lại Hồng Kông, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng Trung Quốc đã hoàn toàn hấp thụ lãnh thổ lõm trước đây của Anh, và không còn chính sách “một quốc gia, hai hệ thống” nữa. Thông qua sự nhồi sọ của tuyên truyền, câu chuyện của chính phủ Trung Quốc có xu hướng trở thành hiện thực, ít nhất là đối với một bộ phận dư luận Trung Quốc. Chỉ cần bắt đầu công việc làm xói mòn này ngay bây giờ là đủ, để sau hai mươi năm nữa, một thế hệ mới, chưa bao giờ nghe về câu chuyện thuộc địa Hồng Kông và không cố gắng tìm hiểu, sẽ bị thuyết phục về quyền chính đáng của Nhà nước Trung Quốc. Đây chính xác là những gì đang xảy ra với sự kiện bi thảm vào tháng 6 năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn: đối với những người ở Trung Quốc sinh sau ngày đó, đó là một câu chuyện mà chế độ đang cố gắng xóa khỏi ký ức của họ. Hẳn là việc định dạng lại ký ức này là một việc dài hơi và sẽ diễn ra trong một thời gian dài. Nhưng nó dẫn đến việc chuẩn bị người dân cho một cuộc xung đột có thể xảy ra, sau khi đã thuyết phục họ rằng họ có pháp lý đứng về phía họ. Nếu một Nhà nước gây ra xung đột mà người dân lại không đoàn kết đứng sau nó và đồng tâm toàn ý với những người cai trị họ, nó có rất ít cơ hội chiến thắng.
Cuộc phỏng vấn này đã được Antoine Vannière xem xét và chỉnh sửa
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: Hong Kong “pas une colonie britannique”: le langage du nouvel impérialisme chinois, Asialyst, ngày 15/07/2022.
----
Bài có liên quan:
Chú thích: [*]
Xuất thân từ Hồng Kông, từng là nhà báo của hai hãng truyền thông lớn của Hồng Kông, Bà Tamara Lui chuyển sang làm phim tài liệu. Chuyên nghiên cứu về người Trung Quốc nhập cư vào Pháp, Bà hiện đang thực hiện các dự án kinh tế xã hội và đoàn kết.