20.8.22

Lịch sử kinh tế

 

LỊCH SỬ KINH TẾ

Economic History

è Giải Nobel: FOGEL, 1993 NORTH, 1993

Lịch sử kinh tế, trong thế kỉ XX, đã chấp nhận một cách tiếp cận ngày càng có tính định lượng. Và ở cương vị này, bộ môn đã giữ một vai trò độc đáo, trong nội bộ những khoa học nhân văn, vì đã dần dần triển khai những phương pháp thống kê tinh vi hơn, xây dựng một tập nhất quán những chuỗi thời gian, cũng như vì những kiến giải do bộ môn đề nghị để hiểu tốt hơn những hướng tiến hoá của thế giới đương đại, dựa trên những khái niệm và công cụ phân tích mượn của khoa học kinh tế khi không tự mình tạo nên những khái niệm và công cụ phân tích đặc thù. Những ràng buộc này đã biến bộ môn này thành một khoa học có vẻ là mới, nhất là khi so sánh với ba cách tiếp cận của lịch sử kinh tế như từng được vận dụng trong thế kỉ XIX cách tiếp cận của các nhà kinh tế, có tính đặt vấn đề và tính tổng thể theo cách của trường phái thể chế Đức, cách tiếp cận của các nhà thống kê, tập hợp những dãy dữ liệu lương và giá cả và cách tiếp cận của các nhà sử học, có tính mô tả nhiều hơn. Nhưng mối quan tâm lượng hoá đã có mặt trong những nghiên cứu được công bố trước đây với mục đích trình bày những biến giải thích những chu kì của thế kỉ XVIII và XIX: hoặc là việc phân chia lợi nhuận-lương theo cách nhìn của C. E. Labrousse (1933-1944) trong những phân tích của ông về các cuộc khủng hoảng Pháp, hoặc là xuất khẩu và đầu tư trong khuôn khổ của những công trình của A. D. Gaver (1953), R. C. O. Matthews (1954) và của D. C. North (1961) về những biến động kinh tế Anh-Mĩ. Khác biệt chủ yếu giữa những công trình này với những công trình được dùng làm cơ sở cho những trường phái gần đây hơn là ở việc mở rộng trường nghiên cứu tới chân trời rất dài hạn và ở việc vận dụng một cách tiếp cận kinh tế vĩ mô nhằm đo đạc, rồi giải thích, không phải là những tai nạn ở từng thời điểm của tình thế kinh tế mà là những quá trình công nghiệp hoá, và một cách tổng quát hơn, sự tăng trưởng của những nước Tây phương và của thế giới thứ ba

Phyllis Deane (1918-2012)
Walt W. Rostow (1916-2003)

Bước chuyển đổi từ trường phái này sang trường phái khác được tiến hành thông qua những ấn phẩm của W. W. Rostow (1960-1963) về động thái của công nghiệp hoá. Nhưng không vì giới sử học kinh tế đã tin vào những giả thiết của ông. Việc phân tách sự cất cánh (take-off) thành ba giai đoạn những điều kiện tiên quyết, gia tăng của đầu tư từ 5% lên 10% của GDP, và việc đi vào tăng trưởng liên tụckhông chiêu mộ được bao nhiều môn đồ. Nhưng thời hậu chiến là một thời kì bất trắc lớn, do những nhiệm vụ của việc tái thiết và những ẩn ức do kỉ niệm của những năm 1930 để lại. Bởi thế lúc bấy giờ có một sự quan tâm trở lại đối với quá khứ và điều này giải thích mối quan tâm của các nhà sử học quay về với những kinh nghiệm thành công mà mục đích ngầm ẩn là tái lập niềm tin vào khả năng khởi động lại nền kinh tế và để biện minh cho những trưng thu trên thu nhập và động viên các nguồn lực cần thiết để đảm bảo việc cấu trúc lại các nền kinh tế. Từ đấy, xuất hiện một loạt những nghiên cứu được phát triển dưới ảnh hưởng của Simon Kuznets, tác giả vào năm 1941 của việc tái hiện thu nhập quốc gia Mĩ, bao phủ thời kì giữa hai cuộc thế chiến và là người hoạt náo trường phái. Lúc đầu các tác giả đã tìm cách đặt những mốc cho một lịch sử định lượng cho phép đánh giá tiến hoá tổng quát của các nền kinh tế, do đó xây dựng những chỉ báo của tổng sản phẩm vật chất (commodity output), tiếp đấy thiết kế những chuỗi tổng sản phẩm quốc gia, những thành tố và sử dụng của tổng sản phẩm này. Đối với các nhà sử học, đây là một nỗ lực về phương pháp luận, vì họ phải chấp nhận là những dữ liệu được tái tạo lại cũng thật không kém gì những chuỗi giá cả được lấy lại từ những kho tư liệu. Tuy nhiên đây là một phương pháp không thể thiếu được vì bước chuyển từ cách tiếp cận bằng khái niệm giá cả sang cách khái niệm bằng khái niệm khối lượng là cần thiết để đề cập vấn đề tăng trưởng. Do đó trong những năm từ 1950 đến 1960 những dữ liệu thống kê đã được hình thành: ở Anh với những công trình của Phyllis Deane và W. A. Cole; ở Pháp đặc biệt với những công trình của nhóm được Jean Marczewski phối hợp của Viện khoa học kinh tế ứng dụng (ISEA); ở Hoa Kì với những công trình của Robert Gallman, M. Abramovitz và Paul David, v.v..

Anna Schwartz (1915-2012)
Robert W. Fogel (1926-2013)

Nhưng chỉ việc có thể tính toán một cách đổi mới những chuỗi giá cả, số lượng, và ngay cả giá trị, tức là việc tự trang bị những phương tiện để sáng tạo lại hiện thực lịch sử đã là một lời mời gọi làm hơn thế nữa vì nay đã có thể mở rộng trường nghiên cứu và trả lời nhiều câu hỏi cho tới bây giờ chưa có câu trả lời. Những người bảo vệ New Economic History là những tác giả đầu tiên vượt qua làn ranh. Thật vậy, ngay từ năm 1957, họ đã xây dựng những thế giới ảo (counter-factual) để so sánh với thế giới hiện thực nhằm kiểm tra hay tước đi hiệu lực của những giả thiết trung tâm của tư liệu lịch sử: ví dụ, R. Fogel, đã xét lại vấn đề vai trò của đường sắt trong sự tăng trưởng của Hoa Kì, bằng cách giảm việc tiết kiệm mà đường sắt mang lại cho vận chuyển thu hoạch xuống còn 4% của GDP; A. Conrad và J. Meyer nghĩ là họ có thể biện minh, nhân danh tính duy lí tài chính, việc duy trì chế độ nô lệ cho đến cuộc nội chiến Mĩ; nhiều nghiên cứu độc lập nhằm vào việc giảm cước đường thuỷ vào thời những thuyền buồm có tốc độ cao (clipper), vai trò của đầu tư trong giáo dục, vào những chi phí giao dịch, v.v.. Một số tác giả, chú ý đến việc bám sát một cách gần nhất hiện thực kinh tế và phân tích những cơ chế của hiện thực này, đã cố gắng xây dựng những mắt xích còn thiếu của hệ thống: A. Imlah (1958) đã làm điều này cho cán cân thanh toán, M. Friedman và A. Schwartz cho quĩ tiền, C. H. Feinstein (1972) cho tích luỹ tư bản, Nhiều tác giả khác, quan tâm nhiều hơn đến vai trò của những nhân tố sản xuất trong tăng trưởng, đã lấy cảm hứng từ tác phẩm của E. Denison (1962) để đo trọng lượng của những yếu tố này và tính toán những năng suất của chúng. Tóm lại, cuối cùng đã có thể có được những nghiên cứu tổng hợp hơn, nhằm phân tích hoạt động tổng quát của những nền kinh tế và giải thích thành tựu của những nền kinh tế này: do dó J. G. Williamson (1974) đã thử viết nền kinh tế Mĩ thành phương trình trong một mô hình cân bằng chung; những thành tố cổ điển của GDP được M. Lévy-Leboyer áp dụng cho nước Pháp của thế kỉ XIX để giải thích sự phát triển và giới hạn của sự phát triển của nước này; và những tổng hợp, bằng những khái niệm cung và cầu, tập trung vào thế kỉ XX, đã được thực hiện, từ nghiên cứu của J. J. Carré, P. Dubois và E. Malinvaud (1972) cho nước Pháp, đến nghiên cứu của R. C. O. Matthews, C. H. Feinstein và J. C. Odding-Smee (1985) cho nước Anh.

Danh sách rút ngắn như trên về các công trình cho thấy phạm vi rộng lớn và tính đa dạng của những tiến bộ đạt được. Do đó sẽ là không công bằng khi không nhắc lại là bộ môn, nhờ những công trình đó, đã chiếm lĩnh diện trường và phần lớn những công cụ phân tích mà bộ môn còn thiếu. Nhưng điều này không có nghĩa là lịch sử kinh tế tránh khỏi những phê phán. Và không xét lại giá trị của những nghiên cứu này, cần ghi nhớ hai câu hỏi lớn.

1) Cần gán một giá trị khách quan nào cho những dữ liệu thống kê và những phương pháp được dựng để xây dựng kiến trúc này? Có thể nào gán cho chúng một khoảng xấp xỉ hoá đặc biệt tốt và không ngại có những độ chệch trong việc thiết kế chúng? Thống kê ngoại thương và những chuỗi số tiêu dùng của một vài sản phẩm nông nghiệp, ví dụ bông, là tương đối đáng tin cậy. Nhưng nghĩ thế nào đây về phép tính những giá trị gia tăng thêm vào những sản phẩm này ở những công đoạn sản xuất sau? Và tương tự như thế đối với những chuỗi số được tái tạo từ những nhân tố sản xuất, dân số hoạt động và trang thiết bị trong lúc ta không biết được tiến hoá của năng suất lao động, tỉ suất sử dụng trang thiết bị và nhân công, và đóng góp của những nghệ nhân không làm việc trong nhà máy? Để nêu một ví dụ, những chênh lệch thường gặp trong những chuỗi số liệu thực phẩm là do chúng được xây dựng trên cơ sở thuế đánh vào bia (một ngành tăng trưởng mạnh) hay trên thu hoạch lúa (một ngành tăng trưởng thấp) và hiếm khi trên cơ sở sản phẩm của những nhà máy bột, nhà máy rượu hay nhà máy đường, tức là những công nghiệp có hệ số tư bản cao không được tính đến do không được liệt kê trong các ấn phẩm thống kê.

Việc gộp các chuỗi, trong khuôn khổ của hệ thống tài khoản quốc gia, cũng có thể là nguồn gốc của những điểm không chắc chắn, vì phép gộp dựa trên, nếu ta lấy trường hợp của Anh, cấu trúc dân số của năm 1841, năm có cuộc điều tra dân số đầu tiên, và trên giả thiết một năng suất không đổi của nhân công trong toàn thể các ngành. Hơn nữa, các chuỗi số còn được điều chỉnh bằng những giá tương đối của các ngành, và những giá này hoàn toàn không được biết một cách chính xác vì lịch sử giá cả, điểm xuất phát của việc lượng hoá, đã bị coi nhẹ từ nhiều năm nay. Kết quả là một sự không chính xác thật sự trong việc ước lượng những tiến bộ của công nghiệp, đặc biệt là cho thời kì của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, những tỉ lệ tăng trưởng nằm trong khoảng từ 2,8% một năm theo Hoffmann (1939) đến 1,7% năm theo Crafts (1992). Và thật ra có rất nhiều những cảnh báo của các tác giả về tính không chắc chắn (guesses) cho những thời kì sau. Bởi thế cần thận trọng không nên đặt cơ sở cho một phân tích lịch sử chỉ duy nhất trên một tỉ suất tăng trưởng nếu tỉ suất này không được củng cố bằng những chứng cứ định tính của vi lịch sử. Và cần làm điều này, cho dù những chuỗi kinh tế vĩ mô được xây dựng lại là một thước đo qua đấy tính nhất quán của những giả thiết có tính giải thích được đánh giá.

2) Cũng đã có nhiều dè dặt đối với những mô hình lí thuyết mà các nhà định lượng có xu hướng sử dụng để đặc trưng cho tiến hoá của các nền kinh tế. Không tham gia vào cuộc tranh luận giữa các trường phái, ta cũng có thể tự hỏi là sự tin tưởng mà một số trường phái đặt vào những giả thiết quá bị đơn giản hoá phải chăng giải thích một điều là những ý tưởng mới, do chính họ đề xướng, không phải bao giờ cũng ngang tầm những nghiên cứu của họ. Mỗi bước của quá trình công nghiệp hoá đã mang đến một loạt những tra vấn xuất phát từ những tác giả ít quan tâm đến những thước đo chính xác. Chỉ cần nêu lên, vào đầu thế kỉ XIX, chủ đề tính bất trắc của những thị trường của Smith, chu kì dân số-nguồn sinh tồn của Malthus, việc điều chỉnh lương với việc sử dụng đất có năng suất giảm dần của Ricardo, qui luật tiêu trường của J. B. Say, việc phân chia giá trị thặng dư của Marx, v.v.. Và với độ lùi một thế kỉ sau, cũng trên cương vị những đóng góp mới, khái niệm đổi mới của Schumpeter, việc đối lập những công nghệ Anh và Mĩ, do cấu trúc nhân công áp đặt, việc các công ti lớn nội bộ hoá các thị trường (bàn tay hữu hình của Chandler), bế tắc của những nước thế giới thứ ba, do không với tới được nền giáo dục, v.v.. Như thế ta có quyền hỏi là sự thiếu hụt tư tưởng, trong những năm gần đây, phải chăng là do các nhà định lượng, tự giam mình trong phạm vi của cái đo được, đã không tính đầy đủ đến sức nặng của lịch sử cụ thể. Và đây là một nghịch lí đối với những tác giả luôn chú ý không loại bỏ khỏi những mô hình của mình các biến.

ABRAMOVITZ M. & DAVID P., Economic growth in America: historical realities and neoclassical parables, De Economist, 1973, CXXI, 3. BAIROCH P., Le Tiers-Monde dans limpasse. Le démarage économique du XVIIIe au XXe siècle, Paris, 1971. CARRE J. J., DUBOIS P. & MALINVAUD E., La croissance franVaise: un essai danalyse économique causale de laprès-guerre, Paris, Le Seuil, 1972. CHANDLER A. D. Jr., The Visible hand: The Managerial Revolution in American Business, Cambridge (Mass.), Harvard University Press, 1977 (bản dịch tiếng Pháp, La main visible des managers, Paris, Economica, 1988). CONRAD A. H. & MEYER J. R., The Economics of Slavery and Other Studies in Econometric History, Chicago, Aldine, 1964. CRAFTS N. F. R., British Economic Growth during the Industrial Revolution, Oxford, Clarendon Press, 1985. DEANE P. & COLE W. A., British Economic Growth, 1688-1959. Trends and Structure, Cambridge, Cambridge University Press, 1962. DENISON E. F., Why Growth Rates Differ: Postwar Experiences in Nine Western Countries, Washington (DC), 1967. FOGEL R. W., Railroads and American Economic Growth: Essays in Econometric History, Baltimore/London, Johns Hopkins Press, 1964. GALLMAN R. E., Gross national product in the United States, 1834-1909, trong NBER, Output, Employment and Productivity in the United States after 1800, New York, Columbia University Press, 1966. GAYER A. D., ROSTOW W. W. & SCHWARTZ A. J., The Growth and Fluctuation of the British Economy 1790-1850, New York, 1975. HABAKKUK H., American and British Technology in the Nineteenth Century: the Search for labour-Saving Inventions, Cambridge, Cambridge University Press, 1962, HOFFMANN W. G., Das Wachstum der deutschen Wirtschaft seit der Mitte des 19. Jahrhunderts, Berlin/Heidelberg/New York, Springer Verlag, 1965. IMLAH A. H., Economic Elements in the Pax Britannica, Cambridge (Mass.), Harvard University Press, 1958. LABROUSSE C. E., Esquisse du mouvement des prix et des revenus en France au XVIII s., Paris, 2 vol., 1933; La crise de léconomie franVaise à la fin de lAncien Régime et au début de la Révolution franVaise, Paris, 1944. LANDES D. S., The Unbound Prometheus. Technological Change and Industrial Development in Western Europe from 1750 to the Present, Cambridge, Cambridge University Press, 1999 (bản dịch tiếng Pháp, LEurope technicienne ou le Prométhée libéré, Paris, Gallimard, 1975). LEVY-LEBOYER M. & BOURGUIGNON F., Léconomie au XIX s. Analyse macroéconomique, Paris, Economica, 1985. MARCZEWSKI J. et al., Histoire quantitative de léconomie franVaise, Paris, Cahiers de lISEA, 1965. MATTHEWS R. C. O., A Study in Trade History: Economic Fluctuations in Great Britain, 1833-1842, Cambridge, Cambridge University Press, 1954. MATTHEWS R. C. O., FEINSTEIN C. H. & ODLING-SMEE J. C., British Economic Growth, 1856-1973, Ox ford, Clarendon Press, 1982. NORTH D. N., The Economic Growth of the United States 1790-1860, New York, Prentice-Hall, 1961. WILLIAMSON J. G., Late Nineteenth-Century American Development. A General Equilibrium History, London, Cambridge University Press, 1974.

Maurice LEVY-LEBOYER

Giáo sư ưu tú đại học Nanterre (Paris 10)

và Patrick VERLEY

Giáo sư đại học Genève (Thuỵ Sĩ)

Nguyễn Đôn Phước dịch

® Hệ thống tài khoản quốc gia; Sử trắc học; Thống kê.

Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry (đồng chủ biên), PUF, Paris, 2001.

Print Friendly and PDF