12.8.22

Metaverse sẽ giúp ích cho văn hoá như thế nào

METAVERSE[*] SẼ GIÚP ÍCH CHO VĂN HÓA NHƯ THẾ NÀO

DIỄN ĐÀN. Ba nhà sử học tranh đấu để các tổ chức văn hóa thực hiện chuyển hướng qua thực tế ảo nhằm thu hút một công chúng mới.

Các tác giả: Arthur Chevallier, Raphaël Doan Baptiste Roger-Lacan[**]

Lịch sử là một mơ tưởng. Diễn tiến, cường độ, ký ức của nó dựa trên một sự tưởng tượng. Lịch sử là một khoa học, nhưng là một khoa học lỗi thời, nói theo từ ngữ của Gabriel Martinez-Gros. Nó được gợi lên bởi một niềm đam mê từ nguyên thủy, vốn không xuất phát từ sở thích về bác học hay phương pháp, cũng không phải từ sở thích về nguồn gốc hay kho lưu trữ, mà bởi một tình cảm mạnh mẽ, trẻ con, luôn luôn không được thỏa mãn: mong muốn đi ngược thời gian và biết được các thế giới đã mất và cư dân của họ như thế nào. Đó là điều làm cho những nơi như Pompéi hay Versailles trở nên hấp dẫn; đó là những nơi mà ta có thể tưởng rằng thời gian đã dừng lại hẳn. Là những người yêu thích, nhà nghiên cứu, độc giả, những người hiếu kỳ, nhà văn, phóng viên, trí thức, tất cả chúng ta, bất kể mối quan hệ của chúng ta với lịch sử như thế nào, đều bị thu hút bởi nim đam mê quan trọng này.

Chính vì vậy mà lịch sử vẫn là một khoa học được yêu thích vượt xa tất cả các ngành khoa học nhân văn khác. Bằng chứng là vị trí của các sách về lịch sử trong các nhà sách hay sự thành công của các kênh YouTube về các vấn đề lịch sử. Sở thích này không mới. Văn học, nghệ thuật và các kỹ thuật thường chiếm lấy đối tượng này [lịch sử], góp phần hình thành cách nhìn của chúng ta về quá khứ của mình. Chính là trong khi viết lịch sử mà Tacite đã cho ra đời những trang đẹp nhất và thơ mộng nhất của văn học cổ đại.

H. J. C. von Grimmelshausen (1621-1676)

Phải chăng ngoài khía cạnh là một tuyệt tác của văn học, Les Aventures de Simplicius Simplicissimus của von Grimmelshausen còn là những lời chứng hùng hồn nhất của Chiến Tranh Ba Mươi Năm? Ta nói gì khi Walter Scott, Alexandre Dumas hay Léon Tolstoï quay qua dùng hư cấu đã tạo ra niềm đam mê lịch sử cho hàng triệu trẻ em và người lớn? Từ khi sáng chế ra điện ảnh, anh em nhà Lumière đã không lầm, họ tức khắc bắt tay vào việc thực hiện, cùng với những sáng chế của mình, những cảnh lịch sử, mở đầu cho một truyền thống điện ảnh huy hoàng. Có bức tranh nào của thế kỷ XVIII sống động hơn phim Barry Lyndon, một tuyệt tác của Stanley Kubrick?

Ngày nay, khi xã hội của chúng ta dường như sắp có một sự chuyển mình về mặt công nghệ tương tự như sự chuyển mình trước đây đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của máy chiếu phim vào cuối thế kỷ XIX, hai công cụ đặt vấn đề về chỗ đứng của lịch sử trong thế giới ngày mai: trí tuệ nhân tạo và metaverse.

Cải thiện hiểu biết của chúng ta về các thế giới ngày xưa

Bây giờ, các trí tuệ nhân tạo tổng hợp hình ảnh, như DALL-E hay Imagen, đã có khả năng sản xuất theo đơn đặt hàng, ví dụ, những hình ảnh mô phỏng như thật vụ ám sát César tưởng như chúng đã được quay phim cảnh thật với những ống kính bí mật; những trí tuệ nhân tạo tổng hợp văn bản, như GPT-3 (Generative Pre-trained Transformer 3), đã có khả năng viết các bài tiểu luận đầy thuyết phục về những chủ đề lịch sử gai góc. Nếu bị sử dụng không đúng, những công cụ này có thể góp phần vào việc lan truyền những ý tưởng sai lầm về thực tại lịch sử và bóp méo những biểu tượng của quá khứ. Nhưng nghi ngờ quá đáng sẽ là một sai lầm. Nếu được nắm vững, chúng sẽ giúp chúng ta luôn xác định được một cách tinh tế hơn những biểu tượng của chúng ta và từ đó là sự hiểu biết của chúng ta về các thế giới ngày xưa. Mai này, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp ích rộng rãi cho những tái hiện khảo cổ học; cho những văn kiện lưu trữ, nó giúp chúng ta thực hiện những phân tích định tính mà ta còn gặp khó khăn khi đo lường tầm ảnh hưởng. Tóm lại, nó sẽ cho chúng ta thấy những điều mà bây giờ không thể thấy được.

Đọc thêm: Metaverse: Bạn còn chưa thấy gì cả… Métavers: vous n'avez encore rien vu…

Metaverse cũng chứa đựng những tiềm lực to lớn đối với lịch sử. Từ lâu rồi các nhà văn và các nhà làm phim tưởng tượng một thế giới mà một phần lớn thời gian rảnh của chúng ta sẽ diễn ra trong những thế giới kết hợp thực và ảo. Nhờ những công cụ như những cái mũ thực tế ảo hay những cặp kính thực tế ảo tăng cường, thế giới này sẽ hiện hữu trong tương lai. Trong thực tế, chúng ta đã ở nơi đó một ít rồi. Mỗi ngày chúng ta ngồi trước màn hình bao nhiêu lâu, tuy nhiên nó thô sơ so với những gì sẽ diễn ra sắp tới đây? Những chàng khổng lồ của công nghệ - đứng đầu là Meta, nhưng còn có Apple, Google, Microsoft hay Sony - đã đầu tư hàng trăm tỷ đô la trong lĩnh vực mới này.

Ta có thể không thích cái xã hội sắp xuất hiện này, coi thường nó hay cho nó là nguy hiểm. Nhưng một cách hết sức sáng suốt, ta không thể nghĩ rằng metaverse sẽ không thay đổi dòng tiến triển của nền văn minh với những tỷ lệ tương đương với codex, nghề in, điện ảnh, Internet.

“Văn hóa có bị buộc trở thành một biến số điều chỉnh trong những dự án to lớn này không?”

Do đó, nếu chúng ta không muốn văn hóa và lịch sử vắng mặt trong thế giới ngày mai này, thì chúng phải nắm lấy cái xã hội sắp xuất hiện này. Đó là cơ hội để văn hóa và lịch sử tìm lại được vị trí hàng đầu của mình. Văn hóa có bị buộc trở thành một biến số điều chỉnh trong những dự án to lớn này không? Chúng tôi không nghĩ vậy. Tốt hơn, chúng ta tin rằng văn hóa có khả năng chiếm một vị trí trung tâm. Giữa tương lai đang ló dạng và quá khứ đã đưa chúng ta đến đây, không hề có mâu thuẫn.

Như bất kỳ một kỹ thuật mới nào, kỹ thuật này chắc chắn phải được kiểm soát và quản lý bởi các qui định, nhưng không loại bỏ nó. Bởi vì công nghệ này kết nối lại với trái tim của lòng đam mê lịch sử, đó là mong muốn tiến đến gần hơn nữa cường độ của quá khứ, chiếm lĩnh hoàn toàn điều mà về bản chất là không thể nắm bắt được.

“Một em bé 10 tuổi, ngồi trong phòng ở Thượng Hải, có thể thăm viếng đền Parthénon, chiêm ngưỡng bức tranh La Joconde, đi dạo trong những hành lang của lâu đài Fontainebleau.

Và cả một thế giới của những điều khả dĩ mở ra cho chúng ta! Một em bé 10 tuổi, ngồi trong phòng ở Thượng Hải, có thể thăm viếng đền Parthénon, chiêm ngưỡng bức tranh La Joconde, đi dạo trong những hành lang của lâu đài Fontainebleau. Và điều đó hoàn toàn không thô sơ như những cuộc viếng thăm ảo mà ta có thể thực hiện trên các trang web Internet hiện nay: tất cả được thực hiện không một chút va chạm, tưởng như bản thân em bé ấy có mặt ở đó, cùng một em bé có thể nói chuyện hàng giờ với Socrate trong các khu vườn của Athènes; thăm viếng một diễn đàn La Mã được tái hiện với ngồn ngộn đám đông; bay trên chiến trường Azincourt; phụ giúp Marie Curie trong phòng thí nghiệm của bà ấy.

Đọc thêm: Metaverse, một vùng trắng về pháp lý với những thách thức có thực/Le métavers, un no man's land juridique aux défis bien réels

Có những tổ chức/cơ quan như Versailles đã thực hiện những thí nghiệm đầu tiên đầy hứa hẹn trong hướng này. Những viễn cảnh này rất phấn khởi đối với những người muốn lan tỏa tất cả các nền văn hóa trên qui mô toàn cầu. Và thật ra, đâu có gì khác với việc số hóa thư viện và các kho lưu trữ tài liệu giấy đã biến đổi công trình lịch sử? Trong cuộc chiến vì tương lai của tri thức, văn hóa và lịch sử phải ở tuyến đầu. Ngay từ bây giờ, hai ngành này phải hình dung ra cách mà chúng có thể rút ra những lợi ích từ những tiềm lực của thực tế ảo và từ việc đưa lên trực tuyến một tri thức có chất lượng cao, cho tất cả mọi người trên toàn thế giới.

Nếu các nhà sử học, vốn là những người liên quan hàng đầu, không quan tâm đến, thì những người không biết lịch sử sẽ làm thay cho họ và gây nguy hiểm cho nền tảng của ngành chúng ta: đó là sở thích về quá khứ và niềm đam mê sự thật.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Comment le metavers va rendre service à la culture”, Le Point, 20.6.2022.

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[*] Tạm dịch là siêu vũ trụ ảo. Trong bài sẽ để nguyên từ metaverse (ND).

[**] Raphaël Doan, cựu sinh viên trường ENS (École Normale Supérieure) và trường ENA (École Nationale d’Aministration), thạc sĩ văn chương cổ điển. Raphaël Doan đã công bố Quand Rome inventait le populisme - Khi La Mã sáng tạo ra chủ nghĩa dân túy - (Cerf, 2019), Le Rêve de l'assimilation - Giấc mơ đồng hóa - (Passés composés, 2021), Le Siècle d'Auguste - Thế kỷ Auguste - (PUF, 2021).

Baptiste Roger-Lacan, cựu sinh viên trường ENS, tốt nghiệp học viện Khoa học Chính trị Paris và đại học Sorbonne, thạc sĩ lịch sử, Baptiste Roger-Lacan là biên tập viên của tạp chí le Grand Continent. Ông sắp hoàn thành luận án về imaginaires contre-révolutionnaires - những tưởng tượng phản cách mạng -.

Arthur Chevallier, nhà văn, biên tập viên, đáng chú ý là tác giả của Napoléon sans Bonaparte - Napoléon không có Bonaparte (Cerf, 2021), Napoléon et le bonapartisme - Napoléon và chủ nghĩa bonaparte (PUF, 2021). Ông cũng là người điều hành cuộc triển lãm “Napoléon”, do các đơn vị le Grand Palais và La Villette tổ chức năm 2021.

Print Friendly and PDF