LƯỢC SỬ VỀ ESPERANTO, NGÔN NGỮ HÒA BÌNH 135 NĂM TUỔI BỊ HITLER VÀ STALIN GHÉT BỎ
Một giáo viên Esperanto hướng dẫn lớp học trong một căn phòng với bức tranh người sáng tạo ngôn ngữ trên tường. Ảnh: Janek Skarzynski/AFP via Getty Images |
Tác giả: Joshua Holzer
Vào cuối những năm 1800, thành phố Białystok - nơi từng là của Ba Lan, sau đó là của Phổ, sau nữa là của Nga, và ngày nay lại là một phần của Ba Lan - là một trung tâm của sự đa dạng, với số lượng lớn người Ba Lan, Đức, Nga và người Do Thái Ashkanazi nói tiếng Yiddish. Mỗi nhóm nói một ngôn ngữ khác nhau và nghi ngờ các thành viên của các cộng đồng khác.
Ludwik L. Zamenhof (1859-1917) |
Trong nhiều năm, L.L. Zamenhof - một người đàn ông Do Thái đến từ Białystok từng được đào tạo thành bác sĩ ở Moscow - đã mơ ước về một cách để các nhóm người khác nhau có thể giao tiếp dễ dàng và hòa bình.
Vào ngày 26 tháng 7 năm 1887, ông xuất bản cái mà ngày nay được gọi là “Unua Libro,” hay “Cuốn sách đầu tiên”, giới thiệu và mô tả Esperanto[*], một ngôn ngữ mà ông đã dành nhiều năm thiết kế với hy vọng thúc đẩy hòa bình giữa những người dân trên thế giới.
Từ vựng của Esperanto chủ yếu được lấy từ tiếng Anh, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ý, La-tinh, Ba Lan, Nga và Yiddish, vì đây là những ngôn ngữ mà Zamenhof quen thuộc nhất.
Về mặt ngữ pháp, Esperanto chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các ngôn ngữ châu Âu, nhưng thú vị là một số đổi mới của Esperanto có nét tương đồng nổi bật với các đặc điểm được tìm thấy trong một số ngôn ngữ châu Á, chẳng hạn như tiếng Trung.
Giờ đây, 135 năm sau, châu Âu một lần nữa lại bị bạo lực và căng thẳng, đặc biệt là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, ít nhất một phần bị thúc đẩy bởi một cuộc tranh luận chính trị về sự khác biệt ngôn ngữ. Thật không may, xung đột về ngôn ngữ là phổ biến trên khắp thế giới.
Lời hứa về hòa bình thông qua một ngôn ngữ chung vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, nhưng có lẽ đã có khoảng 2 triệu người nói tiếng Esperanto trên toàn thế giới. Và nó vẫn đang lan rộng, mặc dù chậm.
Các gia đình tập hợp từ khắp nơi trên thế giới để nói tiếng Esperanto.
Một ngôn ngữ cho tất cả
Lớn lên trong môi trường đa văn hóa nhưng đầy cảnh giác của Białystok, Zamenhof đã dành cả cuộc đời của mình để xây dựng một ngôn ngữ mà ông hy vọng có thể giúp thúc đẩy sự hòa hợp giữa các nhóm. Mục tiêu không phải là thay thế ngôn ngữ mẹ đẻ của bất kỳ ai. Mà là, Esperanto sẽ đóng vai trò là ngôn ngữ thứ hai phổ quát giúp thúc đẩy sự hiểu biết quốc tế - và hy vọng hòa bình.
Esperanto dễ học. Danh từ không có giống đực hay giống cái về ngữ pháp, vì vậy bạn không bao giờ phải tự hỏi liệu từ “cái bàn” có giống đực hay giống cái. Không có động từ bất quy tắc, vì vậy bạn không cần phải ghi nhớ các bảng chia động từ phức tạp. Thêm vào đó, chính tả hoàn toàn là phiên âm, vì vậy bạn sẽ không bao giờ bị nhầm lẫn bởi các âm câm hoặc các chữ cái tạo ra các âm thanh khác nhau trong các ngữ cảnh khác nhau.
Trong cuốn sách “Unua Libro”, Zamenhof đã phác thảo 16 quy tắc cơ bản của Esperanto và cung cấp một từ điển. Cuốn sách này đã được dịch ra hơn một chục thứ tiếng, và ở đầu mỗi ấn bản, Zamenhof vĩnh viễn từ bỏ mọi quyền cá nhân đối với tác phẩm của mình và tuyên bố Esperanto là “tài sản của xã hội”.
Chẳng bao lâu sau, Esperanto đã lan sang Châu Á, Bắc và Nam Mỹ, Trung Đông và Châu Phi. Bắt đầu từ năm 1905, những người nói tiếng Esperanto từ khắp nơi trên thế giới bắt đầu tụ họp mỗi năm một lần để tham gia Đại hội Esperanto Thế giới để kỷ niệm - và sử dụng - ngôn ngữ này.
Từ năm 1907 đến khi qua đời năm 1917, Zamenhof đã nhận được 14 đề cử cho Giải Nobel Hòa bình, mặc dù ông chưa bao giờ giành được giải thưởng này.
Tiếp tục công việc của Zamenhof, Hiệp hội Esperanto Toàn cầu, một tổ chức tìm cách khuyến khích mối quan hệ giữa mọi người thông qua việc sử dụng Esperanto, đã được đề cử giải Nobel Hòa bình hơn 100 lần để ghi nhận “đóng góp cho hòa bình thế giới bằng cách cho phép người ở các quốc gia khác nhau tham gia quan hệ trực tiếp mà không có rào cản ngôn ngữ.” Cho đến nay, Hiệp hội chưa bao giờ đạt được giải thưởng này.
Esperanto là gì, và nó hữu ích cho việc gì?
Đấu tranh và thành công
Sau Thế chiến thứ nhất, Hội Quốc Liên - tiền thân của Liên Hợp Quốc - được thành lập với hy vọng ngăn chặn xung đột trong tương lai. Ngay sau đó, đại biểu Iran tại Hội Quốc Liên đã đề xuất sử dụng Esperanto làm ngôn ngữ quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên, đề xuất này đã bị đại biểu Pháp phủ quyết vì lo ngại Pháp ngữ sẽ mất uy thế trong ngoại giao. Năm 1922, chính phủ Pháp đã đi một bước xa hơn và cấm giảng dạy Esperanto tại tất cả các trường đại học của Pháp vì được cho là một công cụ để truyền bá chủ nghĩa cộng sản.
Trớ trêu thay, cuộc sống đằng sau Bức màn sắt không dễ dàng hơn gì đối với những người nói tiếng Esperanto. Ở Liên Xô, những người nói tiếng Esperanto bị cáo buộc là một phần của “tổ chức gián điệp quốc tế”. Nhiều người đã bị bắt bớ và sau đó bị bỏ mạng trong cuộc Đại thanh trừng của Stalin.
Theo Hitler, Esperanto là bằng chứng cho thấy âm mưu chiếm thế giới của người Do Thái. Trong thời Đệ tam Đế chế, Gestapo nhận được lệnh cụ thể phải tìm kiếm hậu duệ của Zamenhof. Cả ba người con của ông đều chết trong cuộc thảm sát Holocaust - nhiều người nói tiếng Esperanto cũng bị chết như vậy.
Bất chấp những sự kiện này, vào năm 1954, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc, hay còn gọi là UNESCO, đã thông qua một nghị quyết công nhận - và thiết lập mối quan hệ với Hiệp hội Esperanto, đã mở ra cánh cửa cho phong trào Esperanto được đại diện tại các sự kiện của UNESCO liên quan đến ngôn ngữ.
Năm 1985, UNESCO đã thông qua một nghị quyết khuyến khích các quốc gia bổ sung Esperanto vào chương trình giảng dạy ở trường học của họ. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã cung cấp Esperanto như một lựa chọn ngoại ngữ tại một số trường đại học của họ, một trong những trường đó có bảo tàng Esperanto. Hiện có một chương trình về liên ngôn ngữ học được cung cấp tại Đại học Adam Mickiewicz ở Ba Lan được giảng dạy bằng tiếng Esperanto.
Gần đây hơn, UNESCO đã tuyên bố năm 2017 là năm của Zamenhof, và kể từ thời điểm đó, tạp chí hàng đầu của nó - The UNESCO Courier - đã có ấn bản tiếng Esperanto được công bố hàng quý.
Vào tháng 5 năm 2022, có một nhóm Esperanto tại Trạm Nam Cực Amundsen-Scott ở Nam Cực.
Hãy cho hòa bình một cơ hội
Ngày nay, Esperanto được những nhóm người đam mê trên khắp thế giới sử dụng - kể cả ở Nam Cực. Hiện có rất nhiều nguồn tài nguyên Esperanto miễn phí trực tuyến, bao gồm Duolingo, lernu!, Từ điển minh họa hoàn chỉnh về Esperanto, Hướng dẫn hoàn chỉnh về ngữ pháp Esperanto và Google Dịch.
Esperanto cũng có ấn bản Wikipedia của riêng mình và hiện tại, có nhiều mục Wikipedia được viết bằng tiếng Esperanto hơn so với các bài viết bằng tiếng Đan Mạch, tiếng Hy Lạp hoặc tiếng Wales.
Người sáng lập Esperanto và nhiều người nói tiếng Esperanto coi Esperanto là phương tiện để đạt được một thế giới hòa bình hơn.
Trong tiếng Esperanto, từ “Esperanto” có nghĩa là “người hy vọng”. Một số người có thể cho rằng thật lý tưởng khi tin rằng Esperanto có thể đoàn kết nhân loại, đặc biệt là giữa một cuộc chiến tranh lớn khác.
Joshua Holzer |
Nhưng ngay cả những cuộc chiến tranh bạo lực nhất cũng không kết thúc nếu không có các cuộc đàm phán hòa bình - vốn thường yêu cầu người dịch phải thông dịch ngôn ngữ của các bên đối lập. Zamenhof tự hỏi - và tôi cũng vậy - liệu bản thân bạo lực có thể ít phổ biến hơn nếu một ngôn ngữ trung lập có thể giúp mọi người thu hẹp khoảng cách của họ hay không.
Joshua Holzer là Trợ lý Giáo sư Khoa học Chính trị, Đại học Westminster, Hoa Kỳ.
Người dịch: Lê Thị Hạnh
Nguồn: “A brief history of Esperanto, the 135-year-old language of peace hate by Hitler and Staline alike”, The Conversation, ngày 25.07.2022.
----
Có thể tham khảo:
1) Trang của Hiệp hội Esperanto toàn cầu (Universala Esperanto-Asocio hay UEA) liên quan đến Việt Nam: https://uea.org/landoj/vjetnamio
2) Trích bài Esperanto as an Asian language:
“Rồi có Hồ Chí Minh, một nhà cách mạng trẻ tuổi đi khắp thế giới. Năm 1905, anh sống tại Crunch End, London và học Esperanto khoảng thời gian này. Sau này, ông sẽ sử dụng ngôn ngữ quốc tế này vào năm 1945 khi Đài tiếng nói VN loan báo với thế giới về Tuyên ngôn độc lập của nước này”.