30.8.22

Tại sao phải bận tâm về con người đỏ?

TẠI SAO PHẢI BẬN TÂM VỀ CON NGƯỜI ĐỎ?

Ngày 7 tháng 12 năm 2015, Sara Danius, thư ký thường trực của Viện Hàn Lâm Thụy Điển, đã đọc bài diễn văn đề dẫn giải Nobel văn chương Svetlana Alexievich. Chúng tôi dịch bài phát biểu dũng cảm này, trong đó bà nêu lại sự đóng góp rất quan trọng của nhà văn nữ người Belarus: Hãy để những người còn sống lên tiếng khi còn kịp.

Ảnh: © Natalia Fedosenko/TASS/Sipa USA

SARA DANIUS: Thưa quý bà, quý ông, tôi xin chào mừng quý vị đến với Viện Hàn Lâm Thụy Điển!

Cách đây hai tháng, vào đầu tháng 10, trong căn phòng lớn này, ngay trước một giờ trưa, đông đảo phóng viên đã tề tựu, nóng lòng muốn biết danh tính của người mới được giải. Tôi đã mở cửa, bước lên bục và giữ một khoảnh khắc ngắn im lặng. Rồi tôi bắt đầu nói. Và ngay khi tôi bắt đầu nói lên từ “belarus”, tiếng reo hò vỡ òa. Tất cả mọi người đều muốn biết tất cả về người được trao giải Nobel văn chương năm nay, Svetlana Alexievich. Bà ấy sinh ra ở đâu? Bà lớn lên ở đâu? Bà đã viết những gì? Bắt đầu từ đâu? Bà ấy có phải là phóng viên không? Trong trường hợp này, thể loại báo chí của bà là gì? Một thể loại mới? Những bài viết của bà có biểu thị một kiểu phi hư cấu mới không? Tôi đã trả lời tuần tự từng phóng viên, từ phóng viên này đến phóng viên khác, nơi này 30 giây, nơi kia 3 phút. Sau chừng ba tiếng đồng hồ, cuộc họp báo đã chấm dứt.

Sara Danius (1962-2019)
Svetlana Alexievich (1948-)

Trong thời gian đó, tôi không khỏi nghĩ đến những câu hỏi lớn hiện ra đằng sau những câu hỏi nhỏ, mà không ai quan tâm. Trong số những câu hỏi lớn có: Con người đỏ, sự đi lên và sụp đổ của công dân xô viết. Đằng sau điều ấy nổi lên một câu hỏi còn lớn hơn nữa: tại sao lại quan tâm đến câu chuyện về sự đi lên và sụp đổ của Con người đỏ? Đế chế này đã kết thúc. Trải nghiệm lớn, kéo dài trong bảy thập kỷ, đã chết và đã bị chôn vùi. Và Con người đỏ đã dần dần được thay thế bởi một con người khác còn chưa được biết tên. Chúng ta thiếu vắng Con người đỏ đến độ phải bận tâm về nó?

Trải nghiệm lớn, kéo dài trong bảy thập kỷ, đã chết và đã bị chôn vùi. Và Con người đỏ đã dần dần được thay thế bởi một người còn khác chưa được biết tên. Chúng ta thiếu vắng Con người đỏ đến độ phải bận tâm về nó?

SARA DANIUS

Alexievich đã quyết tâm đi đến với nhiều người. Bà muốn nghe những câu chuyện của họ trước khi quá muộn. Và luôn luôn là về những người có thể đã không được tham gia vào câu chuyện nếu bà không đi qua đó và nếu bà đã không quyết định viết lịch sử những phụ nữ trong Chiến tranh thế giới thứ hai, lịch sử tất cả các phụ nữ - một triệu phụ nữ - đã tình nguyện tham gia chiến đấu. Chúng ta đã biết gì về họ? Và nếu tôi nói với quý vị rằng hai triệu người nói tiếng Nga đã mua quyển sách này, và quý vị có thể chắc chắn rằng ngay trong các vùng này, người ta đã không biết gì nhiều về các nữ chiến sĩ. Trong chiến tranh, họ là những giảng viên y khoa, xạ thủ bắn tỉa, chiến sĩ pháo binh, sĩ quan phòng không, lính công binh, phi công… Ngày nay họ là những kế toán viên, nhân viên phòng thí nghiệm, hướng dẫn viên và giáo viên. Phiên bản chính thức về Thế chiến thứ hai tập trung vào những khát vọng của cá nhân con người xô viết. Alexievich cho thấy những điều đã thực sự diễn ra. Đôi lúc khó mà chấp nhận.

Chúng ta đã biết gì về những người con của tất cà những người đàn ông và phụ nữ ở tuổi trưởng thành đã ra đi tham gia chiến tranh? Hay về rất nhiều chiến sĩ đã tham chiến mười năm ở Afghanistan? Hay về tất cả những người đã trở lại Tchernobyl mười năm sau thảm họa, thường là trong nguy hiểm chết người, để làm lại cuộc đời? Hay còn là về tất cả những người khác, tất cả những con người xô viết (homo sovieticus) đã bị gạt ra bên lề khi kỷ nguyên xô viết chấm dứt, một số bị lạc lõng ngay từ đầu, một số khác sợ sệt, những người khác còn hoài nghi. Một số còn tin vào con người xô viết, những người khác đã không còn tin từ lâu.

Đó là một sự cô đọng các thảm họa đã làm nên những đặc điểm cuộc đời của Con người đỏ từ cách mạng tháng mười 1917 cho đến ngày sụp đổ của chế độ cộng sản xô viết.

Tác phẩm của Alexievich hàm chứa hai quan điểm. Một mặt, bà muốn nói về Con người đỏ này và tất cả những trải nghiệm đã tạo nên họ. Mặt khác, bà mong chờ rằng trải nghiệm thực của con người bắt đầu phô bày, vượt qua những khuôn mẫu cứng nhắc và những phiên bản bị ngụy tạo. Đó chính là nút thắt của vấn đề, ở một mặt nào đó.

Bà ấy cần những thảm họa, nhưng cũng cần các cảm xúc. Nếu thảm họa chỉ là những mưu chước, thì lẽ ra chỉ một thảm họa đã làm nên chuyện, chỉ một quyển sách là đủ. Và nếu những cảm xúc mà bà tìm kiếm là tầm thường, thì chỉ một quyển sách cũng đủ. Các thảm họa chỉ ra một con đường, cũng như các cảm xúc, nhưng mỗi lần là khác nhau.

Bà ấy cần những thảm họa, nhưng cũng cần các cảm xúc. Nếu thảm họa chỉ là những mưu chước, thì lẽ ra chỉ một thảm họa đã làm nên chuyện, chỉ một quyển sách là đủ. Và nếu những cảm xúc mà bà tìm kiếm là tầm thường, thì chỉ một quyển sách cũng đủ. Các thảm họa chỉ ra một con đường, cũng như các cảm xúc, nhưng mỗi lần là khác nhau.

SARA DANIUS

Điều đó làm tôi nghĩ đến quyển sách của bà La guerre n’a pas un visage de femme (Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ - Nguyên Ngọc dịch -). Sách có một lợi thế đặc biệt: nó bàn đến một biến cố lịch sử mà ta tưởng đã biết rõ. Nhưng chỉ cần đọc một ít trang để hiểu rằng trái lại ta đang đối diện với một điều hoàn toàn mới. Thứ nhất, một triệu phụ nữ đã tình nguyện tham gia cái mà người ta đã gọi là cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Thứ hai, sự tham gia của phụ nữ đã làm thay đổi nhận thức về chiến tranh. Và thứ ba là, sau chiến tranh, những phụ nữ đã tham chiến và kinh nghiệm của họ đã bị đánh giá thấp: trong khi nam giới là những chiến sĩ anh hùng, thì phụ nữ không được tuyên dương. Họ bị coi thường. Sau chiến tranh, những phụ nữ này bị xem là những gái điếm và bị đối xử như vậy.

Khi Alexievich đến – chừng 35 năm sau khi chiến tranh kết thúc – bà muốn thăm dò sự thật, bà đã gặp trên bước đường của mình cả sự kính trọng lẫn nghi ngờ. Đã cần rất nhiều giờ làm việc tận tâm. Bà đã nghe, nghe lại rồi nghe lại lần thứ ba – thường là nhiều hơn nữa – cho đến giây phút huyền diệu là lúc một người chịu mở cánh cửa bí mật ra một nơi bí mật và kể lần đầu bắn giết là như thế nào, thấy một người bạn ngã xuống vì viên đạn của kẻ thù, đi cà nhắc với những đôi giày kích cỡ quá lớn (lớn hơn đến mười số) vừa kéo lê những người bị thương – và rồi lại chải chuốt mái tóc, cuộn tóc làm đẹp. Và giỏi hơn những người đàn ông với một khẩu súng. Những điều này, đã xưa cũ từ nhiều thập kỷ, Alexievich trình bày cho chúng ta dưới hình thức một câu chuyện trần trụi nhưng với nhiều tiếng nói.

Ales Adamovich (1927-1994)
Sofia Fedorchenko (1888-1959)

Ai có thể hoàn thành việc này? Alexievich đã dành gần 40 năm để viết ra. Bà thừa nhận những hình mẫu của mình, trong đó có đại văn hào Belarus Ales Adamovich (1927-1994), ông đã cùng với những người khác mô tả cuộc bao vây Leningrad trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, một cuộc bao vây đã kết thúc với một con số kinh khủng người bị chết và bị đói – một nạn đói do kẻ thù gây ra. Trong số những hình mẫu còn có nữ y tá đồng thời là nhà văn Sofia Fedorchenko, nhiều năm trước đó, trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, bà có mặt ở tiền tuyến và nghe những người lính Nga nói trong lúc họ tưởng là không có ai nghe họ, họ không biết rằng người nữ y tá đi sau họ, vô danh và có vẻ đang bận rộn với công việc đã ghi nhớ những lời họ nói. Thế đấy, vâng, có những hình mẫu. Bằng cách mở rộng tầm nhìn, ta tìm thấy những nhà sử học như Studs Terkel ở Mỹ, mới qua đời chỉ cách đây vài năm ở tuổi 96, và ông vẫn là một trong những người tiêu biểu quan trọng của cái mà ta gọi là lịch sử truyền khẩu.

Alexievich phó thác quyết định cho Adamovich với sự kính trọng cao nhất và thường nhắc đến ảnh hưởng của ông đối với dự án của bà. Nhưng, cho dù tôi ngờ rằng bà ấy sẽ không chấp nhận, bà đã vượt qua nhiều giai đoạn khác nữa. Bà muốn nói chuyện với nhiều người, và tôi hiểu điều này trong ý nghĩa sâu sắc nhất và đầy đủ nhất. Bà khao khát lời nói của những người còn sống, những lời nói sẽ biến mất khi những người này không còn hiện hữu. Bà không muốn các hình ảnh, nhật ký riêng tư, thư từ, báo chí, nơi chốn. Bà muốn có lời nói của những người còn sống và chính vì điều này mà bà luôn trở lại đó. Nhưng chưa hết: bà loại bỏ những điều dư thừa để tập trung vào điều chính yếu. Bà không thêm gì hết, bà rút bớt. Bà nói cho chúng ta tên của người đối thoại, tuổi của họ và họ đang làm gì, và không có gì khác nữa. Vậy là chúng ta đứng trước một tác phẩm hợp xướng, những tiếng nói đan kết với nhau. Đó là thành công lớn của Alexievich.

Svetlana Alexievich khao khát lời nói của những người còn sống, những lời nói sẽ biến mất khi những người này không còn hiện hữu. Bà không muốn các hình ảnh, nhật ký riêng tư, thư từ, báo chí, nơi chốn. Bà muốn có lời nói của những người còn sống và chính vì điều này mà bà luôn trở lại đó. Bà không thêm gì hết, bà rút bớt.

SARA DANIUS

Còn lại vấn đề quan trọng về những kinh nghiệm lịch sử của con người. Tại sao chúng ta phải bận tâm về nó? Alexievich đã nghiên cứu từ thảm họa này đến thảm họa khác. Bà đã nghiên cứu những người đàn ông và mẹ của họ đã sống qua chiến tranh Afghanistan như thế nào. Bà đã viết về thảm kịch Tchernobyl và về cách mà nó đã tác động đến những người đã trở lại mười năm sau. Bà đã tìm những người mà bằng cách này hay cách khác đã sống sót khi chế độ cộng sản xô viết sụp đổ. Đó là những tai ương lịch sử. Không ai thoát ra nguyên vẹn, vĩnh viễn không ai còn là mình như trước.

Tại sao chúng ta phải muốn có những kinh nghiệm ấy? Bởi vì Alexievich nói với chúng ta điều gì đó về chúng ta và về những người mà chúng ta có thể là họ, hay đã có thể là họ, chúng ta, những người bên lề của lịch sử. Bà nói với chúng ta về lịch sử với một cảm xúc bị dồn nén bởi từng thảm họa tiếp nối nhau, với tất cả các cung bậc cảm xúc của từng cá nhân chịu đau khổ, và nhất là với tình thương, tình thương tuyệt vọng đối với những người mà chúng ta đã gần gũi, những trẻ em mà chúng ta đã mất, người chồng hay người vợ, các bậc cha mẹ, tình thương bị tổn thương đối với tất cả những người nay không còn nữa.

Bà cũng nói với chúng ta về một loại tình thương khác, tình thương cuồng nhiệt đối với một tổ quốc, một tình thương mà chúng ta muốn thấy như là một món quà của một thời đại khác, nhưng có thể nó hoàn toàn không phải điều đó, mà là một tình cảm nói về những đòi hỏi của tổ quốc đối với chúng ta: đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn có thể làm gì cho tổ quốc của mình. Chính là điều đó, trong tình thương bị thui chột đối với đất nước mình, mà Alexievich tìm gặp lại những gương mặt quen thuộc, tất cả những người đã sống rất lâu trong niềm hy vọng về một miền đất tốt đẹp hơn.

CHÚ THÍCH

Hợp tác với Institut Français, le Grand Continent công bố một loạt bài viết và phỏng vấn: những cuộc “Đối thoại lớn” (“Grands Dialogues”) này tạo thành một diễn đàn tập hợp những trí thức hàng đầu từ các lĩnh vực nghệ thuật, văn chương, khoa học, báo chí và từ sự cam kết và đại diện của toàn bộ các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Pourquoi faudrait-il se soucier de l’homme rouge?”, Le grand continent, 02.7.2022.

Print Friendly and PDF