CUỘC GẶP VỚI “VUA” CỦA METAVERSE
Andrew Bosworth, giám đốc công nghệ của Meta, tên mới của tập đoàn Facebook, muốn chuyển 1 tỷ người Trái đất sang một thế giới tồn tại song song.
Người ta rất thích nói chuyện với ông ấy về đặc ngữ tiếng Latinh “veritas” được xăm trên cổ tay trái của ông, về niềm đam mê của ông đối với đội bóng rổ San Francisco Warriors, hoặc về việc chuyên gia về khoa học thần kinh máy tính này, một ngành học đi tìm cách thiết lập sự tương tác giữa các chức năng nhận thức của con người với hoạt động của một máy tính, người đã dành cả tuổi thanh xuân trong một trang trại, sống giữa bầy ngựa và các vườn nho Grenache và Carignan, trên các ngọn đồi của Saratoga, một thị trấn nhỏ với 50.000 cư dân thuộc vùng duyên hải California, nơi mà Olivia de Havilland, ngôi sao điện ảnh nữ đã trưởng thành trong phim Gone with the Wind [Cuốn theo chiều gió]. Người ta rất thích được nghe ông kể về cuộc gặp với Mark Zuckerberg vào năm 2004, lúc Andrew Bosworth chỉ là một trợ lý giáo sư bình thường của đại học Harvard, giảng dạy các bài học về trí tuệ nhân tạo cho nhà sáng tạo tương lai của Facebook, một sinh viên đam mê công nghệ thông tin và không mấy chuyên cần. Hoặc giả quay trở lại cuộc tranh luận sôi nổi gần đây, vốn đối nghịch ông, một người mới lên nắm giữ vị trí tối cao là giám đốc công nghệ của Meta, công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp, với Elon Musk. Đứng trước nhà tỷ phú lập dị, người tự hỏi trên Twitter rằng làm thế nào để có thể sửa lại những dòng tweet của chính mình sau khi đã đăng, “Boz [Andrew Bosworth]” đã đáp lại: “Chúng tôi đã giải quyết vấn đề này ở Facebook cách đây lâu lắm rồi.” Và ông nói thêm rằng đó “không thực sự là một vấn đề”. Elon Musk đã bốp chát đáp trả: “Facebook khiến tôi nổi da gà.”
Các cột mốc [trong sự nghiệp của Andrew Bosworth]
2004: tốt nghiệp ngành tin học tại Đại học Harvard, quê quán tại Hạt Santa Clara ở California, sau đó làm việc cho Microsoft.
2006: gia nhập Facebook, hai năm sau khi Facebook được thành lập, nơi ông sẽ là kiến trúc sư nguồn cấp dữ liệu thông tin.
2017: thành lập Phòng thí nghiệm Reality Labs, nơi ông điều hành các hoạt động trong thực tế ảo tăng cường, thực tế ảo, và cho ra mắt nhiều sản phẩm ảo, như [kính thực tế ảo] Oculus Quest, Portal và Ray-Ban Stories.
2022: trở thành Giám đốc công nghệ của Meta.
Andrew Bosworth |
Cái hố không đáy? Không vì thế mà cuộc phỏng vấn Andrew Bosworth dành cho tờ Point chỉ xoay quanh Metaverse [vũ trụ ảo]. Có rất nhiều điều để nói về nó… vì thế giới thực tế ảo tương tác này, vốn khởi nguồn cho việc đổi tên Facebook thành Meta, là một vụ đánh cược rủi ro cao nhất đối với mạng xã hội này kể từ khi được thành lập, vào năm 2004. Theo hãng tin Reuters, khi Mark Zuckerberg đặt mục tiêu chuyển 1 tỷ người Trái đất sang một thế giới tồn tại song song vào năm 2030, tham vọng này đã tiêu tốn 13 tỷ đô-la. Một cái hố không đáy?
Thực vậy, trong khi doanh số của Facebook có xu hướng chững lại, Andrew Bosworth muốn chuẩn bị cho “kỷ nguyên thời hậu điện thoại di động”, với nhiều sản phẩm khác nhau, từ vòng đeo tay kết nối kiểu CTRL-Labs đến kính [thực tế ảo] Ray-Ban Stories, cho phép chia sẻ những video được quay trực tiếp trên các mạng xã hội, thông qua bộ thiết bị nghe nhìn thực tế ảo Oculus Quest. Vào ngày 18 tháng 6 năm 2016, trong một bản ghi nhớ nội bộ có tựa đề “The Ugly [Điều tồi tệ]”, người đứng đầu nhóm các kỹ sư của tập đoàn đã chia sẻ thông điệp này: “Sự thật khủng khiếp là chúng ta quá tin vào việc kết nối con người với nhau, đến mức tin rằng mọi thứ cho phép ta kết nối được với nhiều người hơn, trên thực tế [de facto], thường là điều tốt.” Andrew Bosworth đã đăng mẫu tin đó lên để phản ứng lại một vụ nổ súng ở Chicago dẫn đến cái chết của một người đàn ông, được lan truyền trên Facebook Live... Khi được trang BuzzFeed đăng công khai, mẫu tin đó đã khiến Zuckerberg phải tuyên bố: “Boz là một nhà lãnh đạo tài năng, người nói rất nhiều điều có tính khiêu khích. Chúng tôi chưa bao giờ tin rằng cứu cánh biện minh cho phương tiện. Chúng tôi nhận ra một điều là tự thân việc kết nối con người với nhau là chưa đủ. Còn phải làm thế nào để gắn kết con người gần lại với nhau.” Bản thân Bosworth, sau đó, cũng tự biện minh: “Mục đích của bài đăng nói trên, giống như nhiều bài đăng khác mà tôi đã chia sẻ trong nội bộ công ty, là làm nổi bật những vấn đề mà tôi cho là đáng được thảo luận thêm với tập thể các cộng tác viên của công ty.”
Phần [thực tế] tăng cường. Ngay cả khi ở đầu bên kia thế giới, đối thủ cờ vua của bạn có thể tạo ra cảm giác như đang ở trước mặt bạn. |
Michel Beaudouin-Lafon |
“StarTrek”. Người hâm mộ [phim khoa học viễn tưởng] Star Trek, người nổi lên với tư cách là kiến trúc sư nguồn cấp dữ liệu của Facebook, sẽ được đánh giá dựa trên sự thành công của cuộc cách mạng của Metaverse. Vào tháng 12 năm 2021, nền tảng thực tế xã hội ảo Horizon Worlds đã được Meta cho ra mắt tại Hoa Kỳ và Canada; cách đây vài ngày, “Zuck” đã đưa ra một cái nhìn đại thể về dự án Cambria, vốn sẽ tạo điều kiện cho việc tiếp cận thế giới tồn tại song song: một bộ thiết bị nghe nhìn, kết hợp với một hệ thống phần mềm mới, cho phép người dùng nắm bắt các vật thể ảo, bằng cách siết chặt ngón tay lại, hoặc nhìn thấy xuất hiện trước mặt mình một huấn luyện viên thể dục, có khả năng xem xét các chuyển động của chân và tay của người dùng. Nếu dự án đó làm cho nhiều công ty lớn nhất, như Microsoft, phải chảy nước miếng, thì Metaverse cũng làm dấy lên nhiều quan ngại. “Đó là một môi trường hợp tác ảo, một không gian ba chiều [3D], nơi mà con người được đại diện bởi một nhân vật hóa thân, và nơi mà con người có thể truyền thông với nhiều người dùng khác đang hiện diện”, theo lời giải thích của Michel Beaudouin-Lafon, chuyên gia về sự tương tác giữa người và máy và là nhà nghiên cứu tại CNRS. “Vấn đề đặc biệt ở đây là trong Metaverse mọi thứ đều diễn ra theo thời gian thực. Đây là sự khác biệt với Facebook hay Twitter, vốn là những phương tiện trung gian không đồng bộ: trước khi thế giới có thể đọc được bài đăng của tôi, nó phải trải qua các thuật toán sàng lọc và các quy trình tiết chế của thuật toán. Khoảng trống này cho phép có thời gian phản ứng lại. Đây không phải là trường hợp của Metaverse: nếu tôi xúc phạm ai đó trên Metaverse, thì không ai có thời gian để làm bất cứ điều gì.”
1 tỷ
Đây là con số người trên Trái đất mà Mark Zuckerberg hy vọng sẽ kết nối với Metaverse từ nay đến năm 2030.
13 tỷ đô-la
Đây là chi phí phát sinh bởi hoạt động thực tế ảo tăng cường và thực tế ảo tại Meta trong mười lăm tháng qua.
Liệu thế giới tồn tại song song này có thực sự cần thiết hay không? “Đây sẽ là một bước tiến lớn đối với các cư dân trên hành tinh chúng ta, những người sẽ có thể truyền thông với nhau trong một không gian thực tế ảo tương tác và thân thiện. Tôi nghĩ từ nay đến ba hoặc năm năm nữa, thực tế hoạt động này sẽ bắt đầu trở thành một xu hướng phổ biến. Tuy nhiên, sẽ luôn có những khoảng trống, dù chỉ là vì một lý do theo kiểu thiết bị sẵn có,” Andrew Bosworth nói. Điều đó có nghĩa là? “Chúng tôi sẽ có tiến bộ về chuỗi cung ứng và xem xét các kiểu bộ xử lý nào và bộ pin nào sẽ sẵn có vào thời điểm đó. Nhưng phần mềm, cấu trúc xã hội mà chúng tôi đang cố gắng xây dựng, cần đến một lượng lớn người tham gia từ xã hội. Thử nhìn Internet xem. Trong những năm 1990, khi còn là một học sinh trung học ở California, tôi chỉ có một địa chỉ Internet bình thường thôi, nhưng đã cảm thấy rất may mắn: phải mất hơn mười năm bố mẹ tôi mới có một địa chỉ Internet …” Thế đó, cần phải kiên trì.
Nhưng vì sao lại không tự bằng lòng với Internet để kết nối nhân loại với nhau? Đại dịch Covid-19, ít nhất, đã cho thấy lợi thế của việc dân chủ hóa các cuộc họp qua cầu truyền hình... “Gần đây, con trai tôi đã tìm được một trang web giúp nhận diện nấm. Đó là một điều thật tuyệt vời… và không thể tưởng tượng được nếu không có Internet, phải không? Tuy nhiên, điều đó không tạo ra được các cuộc trò chuyện. Nó thiếu cái 'một cái gì đấy' khiến cho con trai tôi và những người đam mê khác có thể tiến hành một cuộc trò chuyện. “Cái gì đấy” là cái gì nào? “Trên Internet, con người thường ít tử tế với nhau hơn so với khi đối mặt với nhau bằng xương bằng thịt. Đối với tôi, Metaverse có thể tạo ra cảm nhận về một con người thực đang ở trước măt bạn, khiến bạn cảm thấy có trách nhiệm với lời nói của mình.” Như thế, Metaverse sẽ hạn chế hiệu ứng bong bóng – việc chỉ có trò chuyện với những người suy nghĩ giống mình – vốn đã phân hóa các mạng xã hội rất nhiều và mở đường cho chủ nghĩa cực đoan…
Nguyên
mẫu. Thiết bị nghe nhìn của dự án Cambria sẽ cho phép người dùng nắm bắt các vật thể ảo bằng cách siết chặt ngón tay lại, hoặc nhìn thấy xuất hiện trước mặt họ một huấn luyện viên.
Web 3. Liệu từ nay đến tháng 6, công ty tại Menlo Park, vốn có thể dựa vào siêu máy tính lớn nhất thế giới, có tham vọng tương tự trong thế giới thực tế ảo tương tác này hay không, thứ giống như cái mà họ đã tạo ra trên Internet, đã bị chỉ trích vì đã tạo ra một Web trong Web? “Theo định nghĩa, Metaverse lớn hơn quy mô của một công ty đơn lẻ,” Boz trả lời. Từ cách nhìn này, Meta sẽ tự định vị như thế nào trước việc có nhiều công ty khởi nghiệp, dựa vào Web3 để xây dựng các thế giới thực tế ảo tồn tại song song? Trước khi cố gắng trả lời câu hỏi này, cần nhắc lại một đôi nét lịch sử. Web 1.0 là một thuật ngữ đã được sáng tạo vào năm 1990 và đã cho ra đời phiên bản Internet đại chúng đầu tiên. Nếu ai cũng có thể tạo ra một trang web riêng của mình, thì về cơ bản nó được tạo ra để người khác có thể vào đó để đọc. Kể từ năm 2004, Web 2.0 đã cho phép người dùng tương tác trực tuyến. Các mạng xã hội là một minh họa hoàn hảo cho điều này. “Trong cùng thời gian đó, các nền tảng đã chi phối chúng ta”, theo lời giải thích của doanh nhân Timothy Ferriss, tác giả cuốn Tools of Titans [Công cụ của những kẻ khổng lồ].
Timothy Ferriss (1977-) |
Web3, đang trong quá trình xây dựng, có thể được định nghĩa như là một Internet, nhờ vào sự vận hành phi tập trung bởi công nghệ chuỗi [blockchain], làm cho việc chia sẻ quyền sở hữu [dữ liệu] giữa những người xây dựng công nghệ và những người sử dụng nó, trở nên khả thi. Chris Dixon, ngôi sao phân tích tại a16 z, giải thích: “Hệ thống này thưởng công cho sự đóng góp của người tham gia bằng sản phẩm kỹ thuật số. Các sản phẩm kỹ thuật số này có thể là tiền mã hóa, chẳng hạn như đồng bitcoin hoặc ether, nhưng cũng có thể là những phiếu bầu điều hành tượng trưng cho các quyền trên một dự án blockchain hay NFT [Non-fungible token], có thể dưới dạng chứng thư sở hữu một tác phẩm nghệ thuật.” Đây là cương lĩnh của The Sandbox, một công ty khởi nghiệp, đã thuyết phục được những nhân vật nổi tiếng như Snoop Dogg, cũng như các tập đoàn Carrefour, Gucci hay Axa, đầu tư vào các sản phẩm kỹ thuật số nói trên, và nghiên cứu tạo ra các trải nghiệm. Những người Pháp sáng lập công ty, Arthur Madrid và Sébastien Borget, thậm chí còn mơ đến việc sử dụng công ty để đặt nền móng cho một nền dân chủ mới, dựa trên sự lựa chọn của những người tham gia đóng góp.
Và trong khi đó, cuộc cạnh tranh...
The Sandbox, Decentraland, Zepeto, Tencent, Disney, Microsoft, Snap, Nvidia, Apple hay thậm chí Amazon, tất cả đều có những tham vọng lớn trong thế giới thực tế ảo tương tác.
Bong bóng bảo vệ. Nếu Andrew Bosworth – người gần đây đã ca ngợi công nghệ blockchain – thấy mô hình phi tập trung đó là thú vị, thì ông ta chỉ mới hài lòng một nửa. “Làm thế nào để quản lý các mô hình không gian phi tập trung hiện nay, vốn cho phép ghi lại các dữ liệu bất biến và thường trực về những thứ mà sau này có thể bị cho là mang tính phỉ báng hoặc có hại đối với công chúng?” ông tự hỏi. Trong khi có một vụ quấy rối nổ ra ở Meta, dẫn đến việc nền tảng phải triển khai công cụ “bong bóng bảo vệ” khi có một nhân vật đại diện bị quấy rối – khi đó, không ai có thể đến gần trong vòng một thước hay trao cho nhân vật này một nụ hôn ảo –, Andrew Bosworth cho thấy thiện ý sẵn sàng tuân thủ sự điều tiết của Châu Âu, đang có ràng buộc nhiều hơn về mặt tiết chế. “Bạn sẽ có nhiều mức độ an toàn, bảo mật và kiểm soát việc truy cập cao hơn trong một số không gian nào đó, và sẽ có một mức độ phi tập trung cao hơn trong một số không gian khác… Tất cả đều phụ thuộc vào những gì bạn tìm kiếm.”
Không
có hội chứng jet lag [triệu chứng rối loạn khi thay đổi múi giờ]. Đó là lời hứa cho
phép bạn du hành trong không gian và thời gian từ phòng khách của bạn.
Còn về khả năng tương tác với nhiều Metaverses khác nhau, khi Disney, Nvidia hoặc Snap, đã bày tỏ mong muốn xây dựng thế giới tồn tại song song của riêng họ, thì sao? “Thực vậy, có rất nhiều người mong muốn một vật nào đó được mua trong vũ trụ này có thể được sử dụng theo cách hoàn toàn tương tự trong một vũ trụ khác. Chúng ta muốn có được một sự tương thích nhiều nhất có thể. Nhưng chúng ta không chắc sẽ đạt được điều đó một cách suôn sẻ,” Bosworth nhận xét. Người hâm mộ Stewart Brant, người sáng lập tạp chí Whole Earth Catalog vào những năm 1970, một tạp chí sùng bái tư tưởng chống văn hóa, mang tính vị lai cũng như điên rồ, đã tưởng tượng ra các giao diện thần kinh mới. “Công trình mà chúng tôi đang nghiên cứu với [công ty khởi nghiệp] CTRL-Labs trên cổ tay cho thấy chúng ta có khả năng diễn giải ý định của mình trong thế giới thực tế ảo tương tác. Chúng tôi cần đảm bảo cho nhân vật đại diện không diễn giải thái quá các động thái của người sử dụng trong đời sống thực, ví dụ như làm đổ tách cà phê trong một văn phòng ảo.” Liệu có cổng vào nào phù hợp hơn so với các cổng vào khác, thông qua một thấu kính có kết nối đeo ở mắt hay không, ví dụ? “Đó là một hướng nghiên cứu. Nhưng chúng tôi cần nghiên cứu dựa trên công xuất, khả năng tự chủ, kết xuất ánh sáng, để cho khả năng thực tế ảo tương tác gần hơn với khả năng của thực tế ảo.” Vào ngày 11 tháng 5, Boz đã đến Ý cùng với Zuckerberg để gặp Leonardo Del Vecchio, Tổng giám đốc công ty Essilor Luxottica, để triển khai công nghệ kính HUD [Head-Up Display, màn hình trong suốt hiển thị dữ liệu], một mẫu kính cạnh tranh với cái mà công ty máy ảnh Snap đã giới thiệu.
800 tỷ đô-la
Theo ngân hàng đầu tư Citi, đây là con số mà thị trường sẽ dành cho thế giới thực tế ảo tương tác vào năm 2030.
Đọc được suy nghĩ. Meta cũng mong muốn có được công nghệ đọc được suy nghĩ của con người, như điều mà Building 8, một phòng thí nghiệm bí mật của Facebook, đã từng tưởng tượng vào thời đó, bằng cách diễn giải các xung điện trong não bộ con người. Kể từ đó, liệu có nên đưa vào não bộ con người một con chip hay không, thứ mà Elon Musk đã mơ ước với Neuralink, công ty mà ông là nhà đồng sáng lập ở San Francisco? “Tôi không nghĩ cần đến một sự can thiệp bằng phẫu thuật y học. Các nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã làm việc với Trường Y khoa San Francisco của Đại học California để giải mã và diễn giải các ý định của một người gặp khó khăn khi phát biểu, và trường hợp đó đã được cải thiện nhờ một cảm biến không xâm nhập vào cơ thể.” Thành tựu này, được công bố trên tạp chí y học The New England Journal of Medicine, làm cho Boz cảm thấy khuây khoả trong bối cảnh mà Thung lũng Silicon thường được so sánh với phòng thí nghiệm của bác sĩ Folamour.
Còn về tương lai của việc làm, trong nội bộ các nền tảng [thực tế ảo] theo kiểu Horizon Worlds, thì sao? “Cuộc thảo luận qua Zoom rất trôi chảy, nhưng điều đó sẽ trở nên ít trôi chảy hơn nếu có khoảng hai mươi người tham gia. Cần tạo ra một phòng họp ảo, cho phép giữ liên lạc với thực tế thực, để có thể truy cập các thông báo của chúng tôi khi tham gia các buổi họp đó. Thực tế tăng cường sẽ làm cho điều đó trở nên khả thi.”
Douglas Engelbart (1925-2013) |
Khi Metaverse có nguy cơ làm bùng nổ mức tiêu thụ năng lượng cũng như các nguy cơ về thói nghiện và thao túng, liệu chúng ta có còn sự lựa chọn là nên hay không nên tham gia các thế giới tồn tại song song đó, hay không? “Có, bởi vì nó vận hành giống như Internet: nếu nhìn vào những gì mà Internet mang lại cho nhân loại, thì sự cán cân lợi hại vẫn nghiêng về mặt tích cực”, theo lời giải thích của người đã ngấu nghiến cuốn Dealers of Lightning [Người buôn ánh chớp], mà nội dung đề cập đến những nỗ lực đầu tư tại viện nghiên cứu Stanford Research Institute và trung tâm nghiên cứu Xerox Park vào những năm 1960, vốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra Internet. “Trong buổi thuyết minh vào năm 1968, Douglas Engelbart đã thực hiện một cuộc gọi video trực tiếp từ Palo Alto đến San Francisco. Cũng tại buổi thuyết minh đó, ông ấy đã giới thiệu con chuột đại chúng đầu tiên, các công cụ hội nghị truyền hình trực tuyến giúp tổ chức các cuộc họp từ xa… Đó là một việc thật điên rồ, phải không? Điều đó đã xảy ra hơn năm mươi năm trước, và người ta đã tìm cách tạo ra một cơ hội truyền thông đồng bộ…”
Về tác giả
Guillaume Grallet |
Guillaume Grallet là người say mê công nghệ mới. Là người hâm mộ các phim giả tưởng “Woody et les robots [Woody và người máy]”, cũng như “Bienvenue à Gattaca [Chào mừng đến Gattaca]”, ông quan sát thấy thực tế vượt qua viễn tưởng. Từ các mạng viễn thông đến các mạng xã hội, thông qua các trò chơi điện tử, khoa học robot, chiến tranh mạng, hay thậm chí cả chip sinh học: hãy đến và thảo luận ở đây về những thành tựu thực cũng như những hứa hẹn giả dối. Với niềm đam mê và không cấm kỵ!
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Rencontre avec le “roi” du métavers, Le Point, ngày19/05/2022