ĐẰNG SAU “CUỘC CHIẾN KINH TẾ TỔNG LỰC VỚI NGA”, TƯƠNG LAI CỦA DỰ ÁN HÒA BÌNH THÔNG QUA GIAO THƯƠNG
Tác giả: Fabien Bottini
Một tấm biển ủng hộ Ukraine kêu gọi “ngừng đưa tiền cho những kẻ giết người”, trước trụ sở của tập đoàn [năng lượng] Engie. La Défense - Paris, ngày 29 tháng 4 năm 2022. Emmanuel Dunand |
“Một thế giới mới đang được sản sinh ngay trước mắt chúng ta”: nếu đây là những gì được công bố sớm trong một bản tin nhanh của hãng thông tấn Nga RIA Novosti, vào ngày 26 tháng 2, tiếp sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga, thì chúng ta buộc phải tin vào lời tiên tri đó, mà dù thế nào vẫn có nhiều khả năng đang xảy ra, trùng khớp với sự kết hợp của nhiều sự kiện và phản ứng đang diễn ra.
Trong khi Liên minh châu Âu vừa giới thiệu gói trừng phạt thứ sáu chống lại Nga, đặc biệt là việc châu Âu ngừng nhập khẩu dầu Nga, trong sáu tháng tới, và loại ngân hàng Nga Sberbank khỏi hệ thống tài chính quốc tế Swift, thì trên thực tế, vấn đề về các mối liên hệ giữa thương mại và hòa bình được đặt ra một cách mạnh mẽ.
[A LA UNE A 12H]
— Agence France-Presse (@afpfr) May 4, 2022
L'Union européenne va intensifier sa pression sur Moscou avec une interdiction progressive des importations de pétrole et de nouvelles sanctions, a annoncé la présidente de la Commission européenne Ursula von der Leyen #AFP #AFPGraphics 1/5 pic.twitter.com/jIpcOr9emU
[TRANG 1 VÀO LÚC 12G] Liên minh châu Âu sẽ tăng cường sức ép lên Moscow bằng một lệnh cấm nhập khẩu dần dần dầu Nga và các biện pháp trừng phạt mới, theo tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen #AFP #AFPGraphics 1/5 AFP “Chúng tôi sẽ dần dần từ bỏ nguồn cung dầu thô Nga, trong sáu tháng tới, và nguồn cung các loại sản phẩm tinh chế khác từ nay đến cuối năm” – URSULA VON DER LEYEN Tuyên bố trước các Dân biểu châu Âu tại Strasbourg, ngày 04/05/2022 5:00 CH ngày 4 tháng 5 năm 2022 |
Để hiểu được vấn đề, cần biết rằng toàn cầu hóa chỉ là sự phản ánh mang tính kinh tế và pháp lý của một dự án chính trị đã từng tồn tại cách đây 5 thế kỷ: đó là dự án hòa bình thông qua giao thương, “Wandel durch Handel [Thay đổi thông qua giao thương]” nằm ở trung tâm chính sách đối ngoại của bà Angela Merkel đối với Nga.
Cội nguồn của toàn cầu hóa, dự án hòa bình thông qua giao thương
Dự án này dựa trên một ký ức nhất định về Pax Romana [Hòa bình theo kiểu đế chế La Mã] của thời kỳ cổ đại. Được Emeric de la Croix phác thảo vào năm 1623 trong cuốn Le nouveau Cynée, kể từ đó, dự án có xu hướng biến sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các Quốc gia thành phương tiện ngăn chặn chiến tranh giữa các Nhà nước.
Chính dự án này đã dẫn đến việc Montesquieu ca tụng những phẩm chất của thương mại mềm vào năm 1748 trong tác phẩm L’Esprit des lois [Tinh thần pháp luật]; và Victor Hugo hoan hỉ phát biểu, vào năm 1849, trước Đại hội những người bạn của hòa bình thế giới, rằng “sẽ đến một ngày nào đó khi không còn chiến trường nào nữa, ngoài những thị trường mở cửa cho giao thương”; trước khi đến ngày 14 tháng 8 năm 1941, Hiến chương Đại Tây Dương, do Franklin Roosevelt và Winston Churchill đồng ký tên, chẳng phải đã đề xuất triển khai dự án đó một khi cuộc xung đột 1939-1945 kết thúc, để tránh một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba.
Thế nên, dự án đó đã truyền cảm hứng cho việc khởi động tái thiết châu Âu vào những năm 1950 và sự ra đời của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) vào năm 1947.
Năm 1979-1980, các cuộc cách mạng của Thatcher ở Anh và của Reagan ở Hoa Kỳ cũng có thể được liên kết với dự án đó, vì các cuộc cách mạng đó đều dựa trên niềm tin cho rằng “Nhà nước không phải là giải pháp” mà là “vấn đề”; và chỉ có tự do hóa giao thương giữa các nước mới có thể đảm bảo sự thịnh vượng cho mọi người và thông qua đó, tiến bộ xã hội, trong tương lai.
Tự nguyện phụ thuộc vào khí đốt Nga
Một ngày sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, nhà khoa học chính trị người Mỹ Francis Fukuyama đã tự hỏi về “Hồi kết của lịch sử?”. Mười năm sau, Alain Minc đã ca ngợi thành quả của “Toàn cầu hóa tốt lành”. Bởi vì kinh tế thị trường và nền dân chủ tự do, khi đó, đã xuất hiện như hai chân trời không thể vượt qua sau sự thất bại của chủ nghĩa xã hội Xô-viết và chế độ độc đảng.
“Toàn cầu hóa tốt lành ở các nước chúng ta gợi lên chứng tâm thần phân liệt”, Alain Minc – Les Échos.
Do đó, không phải ngẫu nhiên mà sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga đã bắt đầu vào cùng thời điểm, bởi vì sự phụ thuộc này, khi đó, được coi là một cách để gắn chặt Nga hội nhập thị trường thế giới rộng lớn, bằng cách đặt nước này vào thế phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, mà, theo suy nghĩ của mọi người, Nga sẽ không có bất cứ lợi ích gì nếu thoát ra.
Đúng là các cuộc chiến tranh “phi đối xứng” (chẳng hạn như các cuộc chiến ở Nam Tư cũ hoặc ở Afghanistan) và các cuộc khủng hoảng an ninh (các cuộc tấn công khủng bố ngày “11 tháng 9”, “13 tháng 11”), khủng hoảng xã hội (“mũ bonê đỏ”, “áo gilet vàng”), khủng hoảng tài chính (cuộc khủng hoảng châu Á, bong bóng Internet, rồi khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn), khủng hoảng y tế (virus “H1N1”, “Covid-19”) và khủng hoảng kinh tế, kể từ đó đã thử thách dự án nói trên, một cách nghiêm khắc.
Nhưng chính trong bối cảnh đó mà luận điểm về thế giới mới đã bắt đầu xuất hiện. Khá lâu trước khi bản tin nhanh của hãng thông tấn Nga RIA Novosti được công bố, và trước khi Tổng thống Biden gợi lên một “trật tự thế giới mới” vào ngày 21 tháng 3 vừa qua, Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố quyết tâm “chuẩn bị đưa nước Pháp vào ‘thế giới mai sau’”, vào ngày 16 tháng 3 năm 2020, ngay giữa thời kỳ diễn ra cuộc khủng hoảng y tế.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, một phép thử cho dự án hòa bình thông qua giao thương
Nicolas Sarkozy (1955-) |
Một thập kỷ trước, vào ngày 25 tháng 9 năm 2008, Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng cho rằng, với cuộc khủng hoảng kinh tế gắn với cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn, “một ý tưởng nhất định về toàn cầu hóa đã khép lại”. Tuy nhiên, khác xa với việc đánh dấu sự đoạn tuyệt với dự án hòa bình thông qua giao thương, hai tuyên bố gần đây nhất, trong thực tế, lại nhắm vào việc làm sâu sắc hơn dự án đó: bằng cách lắp đầy các vùng vô pháp vô thiên, làm tổn hại đến sự vận hành hiệu quả của thị trường thế giới, giúp dự án đạt được kết quả tối ưu. Từ cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác, dự án cứ thế mà tiến triển.
Đây là tất cả sự khác biệt với cuộc chiến tranh cường độ cao được tiến hành ở Ukraine ngày nay. Bởi vì cuộc chiến này phản ánh sự từ chối, một cách vừa tàn bạo vừa đột ngột, từ phía Nga – một Nhà nước lục địa, cường quốc kinh tế đứng hàng thứ 11 trên hành tinh – đối với các quy tắc của trò chơi quốc tế… với nguy cơ làm cho cường quốc thứ hai, Trung Quốc, sẽ noi bước làm theo.
Từ đó, chúng ta hiểu rõ hơn những thách thức của “cuộc chiến kinh tế tổng lực” mà Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đang tiến hành chống lại Nga, và sự liên tục gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế, với những hậu quả phát sinh khi kéo dài cuộc xung đột: [mức giảm] 8,5% GDP, theo dự báo của IMF, là cái giá mà Nga phải trả trong năm 2022, tạo ra một phép thử tầm cỡ về tính hiệu quả của dự án hòa bình thông qua giao thương.
Chief Economist @pogourinchas: The war and sanctions significantly impact Russia's economy. We are projecting that output will shrink by -8.5% in 2022. This impact could even become larger if the sanctions are tightened further. https://t.co/MM02mflnGf #WEO pic.twitter.com/mLZI2z4qwt
— IMF (@IMFNews) April 20, 2022
Kinh tế gia trưởng @pogourinchas: Chiến tranh và các lệnh trừng phạt tác động một cách đáng kể đến nền kinh tế Nga. Chúng tôi dự đoán tổng sản lượng sẽ giảm -8,5% vào năm 2022. Tác động này thậm chí có thể trở nên lớn hơn nếu các lệnh trừng phạt được thắt chặt hơn nữa. bit.ly/3jLipQB #WEO 9:29 AM ngày 20 tháng 4 năm 2022 |
Một bước tiến mới của toàn cầu hóa theo một hướng phù hợp hơn với dự án ban đầu của những người thúc đẩy hòa bình thông qua giao thương sẽ phụ thuộc vào sự thành công hay thất bại của Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ.
Học hỏi từ những thất bại của [dự án] hòa bình thông qua giao thương
Tuy nhiên, đối với Larry Fink, nhà lãnh đạo của quỹ đầu tư lớn nhất thế giới BlackRock, ông nhận xét: “Chúng ta đang ở giai đoạn cuối của quá trình toàn cầu hóa kinh tế, như cách chúng ta đã trải qua trong ba mươi năm qua”.
Fareed Zakaria (1964-) |
Larry Fink (1952-) |
Nhà khoa học chính trị người Mỹ Fareed Zakaria nhận xét: cuộc chiến ở Ukraine đánh dấu hồi kết của Pax Americana [Hòa bình theo kiểu Mỹ] như cách nó đã được áp đặt dần dần kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai và bước ngoặt của những năm 1980. Bởi vì sự định hướng lại hiện đang diễn ra các dòng giao thương có vẻ như báo trước một thế giới bị chia cắt thành hai hoặc ba khối mang tính khu vực, với những lợi ích riêng của từng khu vực, duy chỉ có khối hợp thành bởi Hoa Kỳ và EU vẫn còn gắn bó với các phẩm giá của sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các Quốc gia, trên cơ sở tồn tại với các đồng minh của họ.
Dù các tiên đoán trên có thành hiện thực hay không, thì trong mọi trường hợp, cần phải xem xét lại các phương thức của nền hòa bình thông qua giao thương, mà cách nhau một thế kỷ, đã từng thất bại đến những hai lần: trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929, trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai; và trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, dẫn đến cuộc chiến ở Ukraine, mà mọi người đều hy vọng sẽ không biến thành một cuộc xung đột mới trên hành tinh. Bởi vì lịch sử dường như đang lặp lại, cũng những nguyên nhân tương tự – khủng hoảng kinh tế – tạo ra những hậu quả tương tự: cuộc xung đột huynh đệ tương tàn giữa các Nhà nước.
Sự thiếu hụt – nếu không muốn nói là thiếu vắng – sự điều tiết hiệu quả của thị trường thế giới, khi không ngăn được tình trạng một số nước cướp đoạt [tài nguyên, đất đai…] một số nước khác, chắc chắn đã tạo điều kiện làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các quốc gia.
Nếu sự bất bình đẳng giữa các quốc gia là cội nguồn gây ra tình trạng căng thẳng ở cấp độ toàn cầu, thì điều đó đã trở nên trầm trọng hơn trong chính nội bộ các Quốc gia đó, do hiện tượng tập trung của cải vào tay của những người thuộc “giới tinh hoa”, gây bất lợi cho những người thuộc “giới lao dịch”, mà tự thân hiện tượng này đã thúc đẩy chủ nghĩa dân túy trong nội bộ nhiều nước khác nhau.
Trong khi khái niệm thị trường nhắm đến việc thay thế logic của trò chơi có tổng dương (thương mại) bằng logic của trò chơi có tổng bằng 0 (quyền lực), cách thức mà các thị trường được tổ chức, kể từ đầu những 1980, đã dẫn đến việc tạo ra một logic trái ngược: tạo ra một trò chơi có tổng bằng không. Thật vậy, đối với những Nhà nước như Nga, chỉ có quyền lực mới là trò chơi có tổng dương.
Tranh luận: Lợi ích và rủi ro của thương mại quốc tế là gì? – trích dẫn từ báo Économie.
Chuyển đổi thương mại giữa các Nhà nước thành trò chơi có tổng dương thay vì trò chơi có tổng bằng 0
Walter Lippman (1889-1974) |
Việc phá vỡ vòng xoáy bạo lực giữa các Nhà nước và khắc phục những bất bình đẳng mới từ thách thức biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải quay trở lại dự án của hội thảo Lippmann năm 1938, nơi khởi nguồn sự ra đời của chủ nghĩa tân tự do, bởi vì, khác xa với những biếm họa thường thấy, các tác giả tại cuộc hội thảo đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc Nhà nước đảm bảo các “nghĩa vụ xã hội” của nó.
Walter Lippmann đã nói điều đó khi khai mạc cuộc hội thảo:
“Những gì chúng ta tìm kiếm, không phải là việc hồi sinh một lý thuyết [lý thuyết của chủ nghĩa tự do cổ điển], mà là khám phá những ý tưởng cho phép thôi thúc hướng tới nền tự do và văn minh, chiến thắng mọi trở ngại từ bản chất của con người, từ các hoàn cảnh lịch sử, từ các điều kiện sinh sống trên trái đất này”.
Louis Rougier (1889-1982) |
Về phần nhà triết học Louis Rougier, người ở đầu nguồn cuộc hội thảo này, ông đã nhấn mạnh đến sai lầm mang tính lịch sử này:
“Sau này và qua một sự hiểu sai thực sự [mà học thuyết tự do kinh doanh] đã trở thành một học thuyết về sự tuân phục xã hội và sự không can dự của Nhà nước”.
Vì thế, cần phải kết nối lại với tham vọng tái lập dự án hòa bình thông qua giao thương, bằng cách nhận diện những lựa chọn chính trị, từng làm cho dự án bị chệch hướng kể từ năm 1938, bằng cách tránh lập lại những sai lầm của quá khứ, và bằng cách tích gộp những thách thức mới của thế kỷ chúng ta – bắt đầu với thách thức về biến đổi khí hậu. Một chương trình quả thật là rộng lớn.
Bài viết này dựa trên công trình của cuốn “L’action économique des collectivités publiques: ses enjeux, son droit, ses acteurs [Hành động kinh tế của các cơ quan công quyền: thách thức, công pháp, và các tác nhân]” được đồng biên tập bởi nhà xuất bản IFDJ-Legitech,và được xuất bản vào tháng 6 năm 2020.
|
|
Tác giả
Fabien Bottini |
Fabien Bottini, Giáo sư Đại học về Công pháp, Đại học Le Mans
Fabien Bottini, Tiến sĩ về công pháp, có thẩm quyền hướng dẫn (làm) nghiên cứu (HDR), là Giáo sư Đại học tại Đại học Le Mans và là Thành viên Cấp cao của Học viện Đại học Pháp. Là thành viên của phòng thí nghiệm Thémis và thành viên liên kết của phòng thí nghiệm nghiên cứu LexFEIM, các công trình của ông tập trung vào chủ đề những biến đổi của công pháp bởi tính duy lý kinh tế kể từ đầu những năm 1980.
Tuyên bố công khai
Fabien Bottini là giám đốc dự án cho Fondafip, tổ chức think-thank về tài chính công, thành viên của tổ chức Observatoire de l’éthique publique (OEP – Giám sát đạo đức công), thành viên của Themis-UM và của MSH Ange Guépin. Ông đã nhận hoặc đang nhận tài trợ từ LexFEIM, một phòng thí nghiệm nghiên cứu về luật, và từ Phái bộ nghiên cứu về Luật pháp & Công lý. Ngoài ra, ông còn là giáo sư về “Đổi mới” của học viện Institut Universitaire de France, và giáo sư về “Trung hòa Carbon 2040” của Đại học Le Mans, là những trường đang tài trợ một phần cho các công trình của ông.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Derrière la “guerre économique totale à la Russie”, l’avenir du projet de paix par le commerce, The Conversation, ngày 04/05/2022.