Từ khóa: Nội phát luận – Lịch sử Khoa học; Ngoại phát luận – Lịch sử Khoa học; Khoa học – Lịch sử – Phương pháp
NỘI PHÁT LUẬN, NGOẠI PHÁT LUẬN TRONG PHÁT TRIỂN KHOA HỌC (1973)
Tác giả: Pierre
Thuillier[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Tại sao khoa học “hiện đại” lại ra đời ở châu Âu vào thế kỷ 16 và 17? Câu hỏi hấp dẫn nhưng không dễ trả lời (...).
Pierre Thuillier (1932-1998) |
Tất nhiên, những giải thích do giới chuyên gia đưa ra là nhiều và thường đều khác biệt. Điều này xuất phát một phần từ những lỗ hổng trong thông tin lịch sử, nhưng không chỉ vì thế mà khác hơn nhiều. Những xung đột đôi khi dữ dội giữa các sử gia khoa học có nguyên nhân sâu xa hơn: sự bất đồng của họ về chính bản chất của “khoa học”. Nhưng đấy cũng là một lý do khiến các cuộc tranh luận này là đáng quan tâm; không chỉ đơn thuần là kỹ thuật, chúng liên quan trực tiếp tới hình ảnh mà chúng ta có về hoạt động khoa học và vị trí của nó trong đời sống xã hội. Đừng bao giờ quên rằng, thông qua những tranh cãi mang tính học thuật về nền văn minh thời Phục Hưng, chính là các ý tưởng của chúng ta về văn hóa, tri thức, lao động và cuộc sống đang bị thử thách.
Đối với một số sử gia, khoa học về cơ bản là một kiến tạo của trí tuệ. Dấu nhấn được đặt trên đặc trưng của hoạt động khoa học, trên các thủ tục lô-gic được đưa vào cuộc bởi “phương pháp” nghiên cứu, và sự phát triển dần dần “nội dung” của các khoa học. Vấn đề cốt tủy là tri thức như hiểu biết chân thực. Nghiên cứu nguồn gốc và sự phát huy của khoa học (hay các khoa học) là ghi lại lịch sử của những ý tưởng và khái niệm đã cho phép các lý thuyết khác nhau nảy nở. Một số “ảnh hưởng” từ bên ngoài được tính đến (đặc biệt là ảnh hưởng của triết học); nhưng trên thực tế, khoa học được xem là một lĩnh vực tự trị, trong đó những quan hệ với thế giới của hành động là hoàn toàn phụ thuộc. Sử gia tự chuyên môn hóa một cách khá hạn hẹp, do đó đào sâu hơn cái hố vốn đã sâu ngăn cách thứ lịch sử khoa học này với các ngành sử học khác: lịch sử kỹ thuật, lịch sử nghệ thuật, lịch sử của sự phân công lao động, lịch sử chính trị, v.v.. Đây thường được gọi là quan điểm “nội phát (internalistes)”.
Cho rằng quan điểm này là quá hạn hẹp, các sử gia khác nhấn mạnh trên loại liên kết hợp nhất các lĩnh vực hoạt động khác nhau của con người. Họ thừa nhận rằng khoa học là một cuộc truy tìm tri thức; nhưng họ cho rằng chúng ta không thể chỉ dừng lại ở đấy. Khoa học luôn luôn mang sử tính, theo nghĩa mạnh. Có nghĩa là, nó được triển khai trong những điều kiện rất đa dạng và luôn luôn thay đổi, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng mỗi lần, để hiểu với đôi chút chính xác nó là một nỗ lực hướng tới tri thức theo nghĩa nào. Mặc dù các sử gia này vẫn dành một chỗ cho lịch sử nội phát của khoa học, họ bị gọi là “những nhà ngoại phát luận (externalistes)”. Trên thực tế, họ rất nhạy cảm với sự đa dạng của những hình thức “khoa học” trong các nền văn minh khác nhau, và đặc biệt quan tâm phân tích sự hòa nhập của “tri thức” theo nghĩa rộng vào các bối cảnh văn hóa khác nhau của nó. Vì tin tưởng, dù minh thị hoặc mặc thị, rằng khoa học của mình vượt trội hơn mọi hình thức khoa học khác, người Tây phương thường dùng từ khoa học để chỉ khoa học “hiện đại”, tức là thứ khoa học “thực nghiệm” sinh ra từ thời Galileo. Sự kiện này khiến người ta tưởng tượng rằng khoa học là siêu nhiên, rằng chỉ có một nền khoa học duy nhất – một nền khoa học phi thời gian một cách nào đấy, và duy nhất có khả năng tiết lộ Chân lý cho con người. Thế nhưng sau đó, làm thế nào giải thích rằng nền khoa học này đã ra đời ở một số nước Âu Châu vào cuối thế kỷ thứ XVI?
Joseph Needham (1900-1995) |
Trong các công trình đáng chú ý của ông, Joseph Needham[2] đã đặt cùng câu hỏi này dưới một dạng khác: vì sao nền khoa học hiện đại lại không ra đời ở Trung Quốc? Các sử gia nội phát trả lời rằng cuộc cách mạng khoa học đã được khởi động bởi một cuộc “cách mạng triết học” chẳng hạn. Đối với một người theo ngoại phát luận, cái tự cho là giải thích này xuất phát từ chủ nghĩa duy tâm: bởi nó chỉ nằm ở cấp ý tưởng thôi, và chỉ đổi chỗ câu hỏi chứ không trả lời nó, vì vấn đề bây giờ là phải giải thích tại sao xã hội này lại được khai sáng “triết học” chứ không phải xã hội kia. Theo Needham, các sử gia theo nội phát luận sẽ luôn luôn vấp phải trở ngại này: dù muốn hay không, công khai hoặc hiểu ngầm, họ chỉ có thể viện dẫn hoặc sự ngẫu nhiên hoặc một diễn giải mang tính “kỳ thị chủng tộc”.
Trên thực tế, Needham khẳng định sự cần thiết phải tìm tới một nghiên cứu xã hội học và lịch sử. Nếu “khoa học” đã không được sinh ra ở Trung Quốc, thì tin rằng đấy là vì người Trung Quốc không có ý tưởng làm thí nghiệm, hoặc vì họ đã thiếu óc tưởng tượng bởi một định mệnh nào đó, là điều hoàn toàn vô ích; đấy là vì, về mặt xã hội, điều kiện không thuận lợi (“chế độ phong kiến quan liêu”, sự thiếu vắng một tầng lớp doanh thương, v.v.). Trong thời Trung Cổ của Tây phương, người Trung Quốc còn đi trước Châu Âu trong nhiều lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Nếu muốn nhấn mạnh trên ý tưởng, chúng ta có thể và phải công nhận rằng, theo một nghĩa rất rộng, truyền thống văn hóa và triết học của người Trung Quốc không có khả năng khơi dậy tư duy “cơ học”[3]. Nhưng điều này chỉ cho thấy rằng nghiên cứu xã hội học mà Needham nói đến phải bao gồm việc nghiên cứu về cả những não trạng và khái niệm — để rồi đến lượt chúng, các não trạng và khái niệm này cũng đòi hỏi phải được đặt vào một tình huống cụ thể. Nói một cách trừu tượng về Não trạng Châu Âu và Não trạng Trung Hoa sẽ chẳng ích lợi gì lắm. Ngược lại, chúng ta cần phải nỗ lực liên hệ các phương thức tư duy với những tình huống lịch sử toàn thể (môi trường địa lý, tư liệu sản xuất, cấu trúc kinh tế, xã hội, chính trị, ngôn ngữ, thiết chế văn hóa, v.v.)…
Để giải thích sự ra đời của khoa học, việc giải thích (hoặc định vị) nguồn gốc của những ý tưởng theo nghĩa trí tuệ nhất của từ này là không đủ. Cũng cần phải hiểu vì sao cộng đồng người này hoặc cộng đồng người kia lại quan tâm đặc biệt tới những ý tưởng đó, và dành nhiều nỗ lực như vậy để triển khai chúng. Các sử gia theo ngoại phát luận không phủ nhận là đã có những đổi mới trí tuệ, nhưng trong các công trình nghiên cứu sự phát triển của chúng, họ đã quá chú trọng đến những cục diện lịch sử. Vì vậy, họ từ chối nhìn thấy trong sự trỗi dậy của “khoa học thực nghiệm” ở Ý, Anh và Pháp một sự ưu ái đơn thuần do các thần linh ban tặng. Theo họ, cuộc bùng nổ này đã chủ yếu gắn bó mật thiết với sự bành trướng của một kiểu xã hội hậu phong kiến nhất định: sự phát triển hàng hải, thương mại, công nghiệp, tài chính, v.v.. Ta không được tách các yếu tố trí tuệ ra khỏi môi trường cụ thể của chúng: các chế độ tư bản đầu tiên cùng với sự tiến bộ của hệ thống ngân hàng, sự tăng tốc rất rõ rệt của kỹ thuật (hàng hải, dệt may, hầm mỏ, pháo binh, kiến trúc, ấn loát), sự thăng tiến xã hội của các giới kỹ sư và nghệ sĩ, những cuộc thám hiểm hàng hải, cuộc Cải Cách và Phản Cải Cách ...
Robert Merton (1910-2003) |
Ngày nay, rõ ràng là nhiều điểm vẫn còn mù mờ: các sử gia ngoại phát luận còn khối việc phải làm. Nhưng thật là không công bằng nếu ta kết án ngay từ đầu định hướng nghiên cứu của họ, với lý cớ rằng môi trường kinh tế và xã hội của một nhà nghiên cứu không thể là “nguyên nhân” cho những ý tưởng lý thuyết của ông ta. Tất nhiên, như nhà xã hội học Robert K. Merton* từng lưu ý, các công trình của Galileo không hề được “tạo ra” bởi những ứng dụng khả thi trong động lực học của ông. Nhưng điều đó không ngăn cản Galileo tuyên bố, ngay từ đầu quyển Biểu Văn Về Hai Khoa Học Mới: “Theo tôi thấy, sự lui tới đều đặn cái công xưởng Venezia nổi tiếng của quý ông, đặc biệt là khu cơ khí này, có thể mở ra cho những đầu óc biết tư duy cả một lĩnh vực suy ngẫm hết sức rộng lớn đấy, quý đại gia ạ!”. Khi viết như vậy, ông đã chính xác đặt công trình của mình vào bối cảnh của Needham hoặc Merton. Khía cạnh lý thuyết của khoa học không hề bị phủ nhận, song thực tiễn khoa học được đặt trong quan hệ với những thực tiễn xã hội khác. Các nhà duy tâm thích lưu ý rằng chúng ta không thể suy thuyết tương đối ra từ tiểu sử của Einstein. Nhưng có thể đấy là một cách rất hẹp hòi để đặt ra những vấn đề lịch sử khoa học ở phương Tây, cả về đối tượng lẫn phương pháp. Một lần nữa, cây lại che khuất rừng. Như giả thuyết làm việc, tốt hơn nên thừa nhận rằng khoa học không chỉ là sản phẩm trí tuệ của các lý thuyết, mà còn đồng thời là một hiện tượng của nền văn minh, một thực tiễn xã hội không thể tách rời khỏi những thực tiễn khác. Chúng ta còn thiếu nhiều khái niệm để xác định một cách chính xác một số quan hệ nào đấy, chúng ta chưa có một khung lý thuyết đầy đủ để xây dựng lại và đánh giá những biện chứng khác nhau của lịch sử khoa học. Nhưng đã có nhiều công trình chứng nhận tính chính đáng và sự phong phú của những nghiên cứu thuộc ngoại phát luận.
Alexandre Koyré (1892-1964) |
Alexandre Koyré*, một trong những đại diện xuất sắc nhất của nội phát luận trong lịch sử khoa học, từng phê phán các tác giả ưa nhấn mạnh trên vai trò của những nhu cầu thực tiễn và các yếu tố kinh tế, rằng họ đã rơi vào loại “định kiến của F. Bacon và K. Marx”[4]. Nhưng bản thân ông, chắc chắn, cũng không thoát khỏi các định kiến duy tâm. Và, định kiến chống định kiến, tốt hơn chúng ta nên chọn loại định kiến mở ra thay vì đóng lại những triển vọng. Về mặt này, quyển sách Koyré đã viết về không gian (và sự hình học hoá không gian) trong thời Phục Hưng là rất có ý nghĩa: ông đã đạt được cái thành tích là không hề trích dẫn trong đó, để chỉ đưa ra một vài ví dụ, cả Brunelleschi, Alberti, lẫn Piero della Francesca, cả Leonardo da Vinci, lẫn Mercator[5], và cũng không nói tới các nhà hàng hải vĩ đại đương thời. Người ta hiểu hơn vì sao Needham đã có thể nói, một cách vừa không công bằng vừa sáng suốt: “các nhà nội phát luận không muốn công nhận rằng những người làm khoa học cũng có một thân thể, cũng ăn, cũng uống và cũng có những quan hệ xã hội với các đồng nghiệp”[6] ...
Pierre
Thuillier,
Khoa Học Hiện Đại Giữa Ác Quỷ Và Chúa Lành
(La science moderne entre le diable et le bon Dieu,
Trg: La Recherche, số 35, 6/1973).
Nguồn: Nội phát luận và ngoại phát luận trong phát triển khoa học (P. Thuillier, 1973), Viện Giáo Dục IRED, 24-02-2020.
Chú
thích: [1] Pierre
Thuillier (1932-1998), triết gia người Pháp. Tác phẩm: Socrate fonctionnaire (1969, 1982); Jeux et enjeux de la science (1972); Le Petit savant illustré (1980); Les Biologistes vont-ils prendre le pouvoir?
(1981); Darwin et Cie (1981); L’Aventure industrielle et ses mythes (1982); Les Savoirs ventriloques (1983); D’Archimède à Einstein (1988, 1996); Les Passions du savoir (1988); La Grande implosion (1995-1996); La Revanche des sorcières (1997). NVK [2] Joseph
Terence Montgomery Needham (1900-1995), nhà sinh hoá học và Trung Quốc học người
Anh. Tác phẩm chính: Science, Religion
and Reality (1925); Chemical Embryology
(1931); The Great Amphibium
(1931); Perspectives in Biochemistry
(1937); Time: The Refreshing River
(1943); Chinese Science (1945); History Is On Our Side (1947); Science Outpost (1948); Science and Civilisation in China (25 q.,
1954-2004); A History of Embryology
(1959); The Grand Titration
(1969, 1979); Within the Four Seas (1969);
Clerks and Craftsmen in China and the West
(1970); Moulds of Understanding
(1976); The Shorter Science and Civilisation in
China (3 q., 1978); Heavenly Clockwork
(1986). NVK [3] Loại
tư duy xem thiên nhiên như một cỗ máy, một tập hợp những cơ chế mà các nhà khoa
học có nhiệm vụ phát hiện ra mọi quy luật vận động. Quan điểm cơ học chiếm được
vị thế nền tảng của vật lý học cổ điển vào thế kỷ 17, sau khi đã lật đổ các
quan điểm của Platon (một thế giới những ngoại hiện, phản ánh méo mó của những
Ý thể duy nhất khả tri), của Aristoteles
(về một thế giới có định hướng mục đích như một sinh vật), và của các nhà
nguyên tử luận cổ đại (một thế giới không nguyên lý tổ chức, dưới sự chi phối của
sự ngẫu nhiên). [4] Định
kiến vật chất chủ nghĩa: Bacon cho rằng mọi ý tưởng của chúng ta đều đến từ cảm
giác; Marx cho rằng ý thức của ta do đời sống vật chất quy định. [5] Filippo Brunelleschi (Filippo di Ser Brunellesco
Lippi, 1377-1446): nhà kiến trúc, điêu khắc, kim hoàn, hoạ sĩ, ở Firenze; Leon Battista Alberti (1404-1472), nhà nhân bản đa
ngành; Piero della Francesca
(Piero di Benedetto de Franceschi hay Pietro Borghese, 1412(?)-1492): hoạ sĩ và
nhà toán học, ở Firenze; Gerard(us) Mercator
(Gerard De Kremer, 1512-1594), nhà toán học, địa dư và hoạ đồ người Hà Lan. NVK [6] Xem:
Joseph Needham, La Science chinoise
et l'Occident, Paris, Ed. du Seuil, 1969, ch. 4, ch. th. 1, tr.
126. NVK