Vốn con người
Human capital
® Giải Nobel: BECKER, 1992 – LUCAS, 1995 – SCHULTZ, 1979 – SOLOW, 1987
“Phân tích vốn con người bắt đầu với giả thiết cho rằng những cá thể quyết định giáo dục, đào tạo, chăm sóc y tế và những phần bổ sung vào hiểu biết và sức khoẻ của mình bằng cách cân nhắc những phần được và những chi phí” (Becker, 1993).
Như thế lĩnh vực của vốn con người được xác định bằng việc mở rộng phân tích kinh tế sang những quyết định mà theo truyền thống không thuộc về bộ môn này. Cá thể được giả định là có tính duy lí, tối đa hoá phúc lợi của bản thân trên toàn bộ cuộc đời mình và có một hành vi nhất quán trong thời gian. Điểm xuất phát của lí thuyết vốn con người có tính kinh tế vi mô. Đó là lựa chọn cá thể về sự đầu tư con người. Những món lợi của đầu tư này có thể có tính tiền tệ hay không. Những món lợi này nằm trong sự gia tăng của năng suất của cá thể trên thị trường và ngoài thị trường. Những chi phí gồm có những chi phí tiền tệ trực tiếp và chi phí gián tiếp, bao giờ cũng đặc biệt quan trọng, thời gian dành cho đầu tư vào vốn con người. Tuy nhiên đầu tư con người không thu về một vấn đề lựa chọn. Đó cũng là quá trình cá nhân sản xuất thêm vốn con người mà người đó hàm chứa trong bản thân. Việc chất chứa này đối lập vốn con người với vốn không con người. Hệ quả là không có thị trường vốn con người (ngoại trừ trong một xã hội nô lệ, mà ta có thể tìm thấy một phân tích lí thuyết trong Blaugh, 1972). Giá của một kho vốn con người không phải là một giá thị trường mà là một giá trị sử dụng. Trực giác về khái niệm vốn con người xuất hiện ngay từ thế kỉ XVI (Hales) và XVII (Misselden, Mun và nhất là Petty). Nhưng khái niệm này chỉ tìm được một khuôn khổ thích hợp với A. Smith, 1776. Smith nhấn mạnh đến những chi phí và món lợi của giáo dục và chỉ ra bằng cách nào có thể xem giáo dục như là một đầu tư. Việc trình bày khái niệm vốn con người cũng đã phải gánh chịu việc thiếu chặt chẽ mà trong một thời gian dài là đặc trưng cho lí thuyết tổng quát về tư bản. I. Fisher (1906 và nhất là 1930) làm rõ một cách chính xác những quan hệ giữa tư bản và thu nhập. Kho tư bản sinh ra những luồng dịch vụ (thu nhập) trong thời gian và chính giá trị dự kiến của những dịch vụ (thu nhập) này xác định giá trị của tư bản. Do tư bản là một kho đầu nguồn của một luồng thu nhập, nên với thu nhập của con người ứng một vốn con người. Do tổng thu nhập của một cá thể là thu nhập tâm lí của cá thể này (enjoyment income), nên khái niệm vốn con người là rất rộng. Khái niệm này chỉ một kho mà những luồng dịch vụ có thể là những luồng tiền tệ hay không. Tuy nhiên lí thuyết thuần tuý này về tư bản được đón nhận một cách lí thú, nhưng như một điều kì lạ về mặt lí thuyết. Ngoại trừ một số ngoại lệ (von Thünen, Nicholsson, 1891; L. Dublin & A. Lotka, 1930, Walsh, 1935; F. Knight, 1944; M. Friedman & S. Kuznets, 1946), phải chờ đến những năm 1950 sự chú ý mới nhằm vào sự bất bình đẳng của những thu nhập cá thể và nhất là vào những nguồn gốc của tăng trưởng. Bằng những khái niệm gộp, sự tăng trưởng của những nhân tố tư bản và lao động như được đo một cách truyền thống không đủ để giải thích tăng trưởng của tổng sản phẩm. Cuộc “cách mạng của đầu tư vào vốn con người” (M. J. Bowman, 1966) thường được đánh dấu từ T. W. Schultz (1961). Schultz nhấn mạnh đến tính thống nhất sâu sắc của những kiểu đầu tư khác nhau vào vốn con người, về mặt đào tạo, tính cơ động hay sức khoẻ, những kiểu đầu tư này có điểm chung là cải thiện những năng lực của cá thể, trên và ngoài thị trường. Ông chỉ ra bằng cách nào khái niệm vốn con người cung cấp được một cách giải thích thống nhất cho những hiện tượng bề ngoài là không đồng nhất. Ví dụ, tăng trưởng quan sát được của năng suất trên một đơn vị lao động được viện dẫn để giải thích “nhân tố dư thừa” của tăng trưởng, nhưng chính ngay bản thân năng suất này lại không được giải thích: tăng trưởng của năng suất này đơn giản là do người ta giữ không đổi trong thời gian đơn vị lao động trong lúc đơn vị này đã được tăng lên do gia tăng của kho vốn con người trên đầu người. Sụt giảm của tỉ số vốn hữu hình trên thu nhập không tương ứng với một sụt giảm của tỉ số vốn trên thu nhập, nhưng tương ứng với một gia tăng tương đối của vốn con người so với vốn hữu hình, trong lúc tỉ số tổng vốn (vốn con người và vốn hữu hình) trên thu nhập là không đổi. Ví dụ khác nữa là việc xây dựng lại nhanh chóng của các nước phát triển sau thế chiến thứ hai, cũng như năng lực hấp thụ có giới hạn vốn nước ngoài của những nước kém phát triển hơn được giải thích bằng những chu cấp về vốn con người của những nước này. Những khái niệm cơ bản của lí thuyết mới được tinh vi hoá trong một số đặc biệt của tạp chí Journal of Political Economy tháng mười 1962 dành cho đầu tư vào vốn con người và nhất là trong lần xuất bản đầu tiên năm 1964 của tác phẩm của Gary S. Becker về vốn con người.
Khả năng sinh lời và thu nhập
Những phân tích (được trình bày chi tiết trong mục “Giáo dục”) tập trung nhiều vào đầu tư con người về tri thức và kĩ năng. Khả năng sinh lời của đầu tư này thường ít nhất bằng với đầu tư phi con người. Đây là một yếu tố giải thích dạng của những thu nhập của lao động trong cuộc đời hoạt động. Đầu tư này có hình thức giáo dục phổ thông và đại học, đào tạo trong doanh nghiệp, tập huấn thông qua kinh nghiệm và sự cơ động nghề nghiệp. Nhưng những hình thức đầu tư khác nhau này được nối khớp trong một quá trình tích luỹ vốn con người trên toàn bộ cuộc sống. Trình độ học vấn càng cao thì những đầu tư con người càng quan trọng trong suốt cuộc sống hoạt động. Những hiện tượng này giải thích một phần sự phân phối những thu nhập cá nhân.
Tính chất cá nhân của quá trình tích luỹ khiến cho quá trình này nhạy cảm với những đặc điểm cá nhân, những năng lực và môi trường gia đình và xã hội xuất thân. Những đặc điểm này dường như có tương quan với trình độ học vấn. Những tương quan này đòi hỏi phải vận dụng những cách xử lí thích hợp để không ước lượng quá cao tỉ suất lợi tức bằng cách gán cho giáo dục những món lợi bắt nguồn từ những đặc điểm cá nhân.
Những hiệu ứng khác
Gia tăng của năng suất cá thể ở bên ngoài thị trường bằng việc tích luỹ vốn con người ảnh hưởng đến tiêu dùng và tiết kiệm. Ngoài hiệu ứng gián tiếp thông qua thu nhập, giáo dục còn có hai hiệu ứng trực tiếp. Những hiệu ứng này có thể được phân tích thông qua khái niệm hàm sản xuất gia đình do Becker (1965) đề xuất. Những dịch vụ cuối cùng (commodities) về tiêu dùng do cá thể hay hộ gia đình sản xuất từ những sản phẩm và dịch vụ mua trên thị trường (goods) và thời gian dành cho hoạt động tiêu dùng. Một mặt giáo dục ảnh hưởng mạnh hơn đến tính hiệu quả của một số hoạt động (đọc sách báo) hơn là đến một số hoạt động khác (vận động cơ thể). Như thế, giáo dục tác động đến những giá tương đối của những dịch vụ cuối cùng và khuyến khích tiêu dùng nhiều hơn những hoạt động rẻ hơn. Mặt khác, bằng cách gia tăng hiệu quả trung bình của sản xuất gia đình, giáo dục cho phép tiêu dùng nhiều hơn những dịch vụ cuối cùng, với mức thu nhập danh nghĩa và thời gian tiêu dùng và sản xuất gia đình không đổi. Hiệu ứng thu nhập thực tế này ảnh hưởng đến những hành vi được quan sát (R. T. Michael, 1972 và 1975). Tương tự như thế, giáo dục có hai hiệu ứng trực tiếp đến tiết kiệm, ngoài hiệu ứng gián tiếp thông qua thu nhập (L. C. Solmon, 1975). Hiệu ứng thứ nhất là làm tăng khuynh hướng tiết kiệm trung bình và khuynh hướng tiết kiệm cận biên, mọi yếu tố khác không đổi. Hiệu ứng thứ hai là một hiệu quả tốt hơn trong những đầu tư tài chính do có một cảm nhận tốt hơn về lạm phát, một chân trời dài hơn và chấp nhận những rủi ro có tính toán.
Vốn sức khoẻ là một thành tố của vốn con người. Sức khoẻ được cá thể yêu cầu vì sức khoẻ tham gia trực tiếp vào hàm lợi ích của cá thể, nhưng cũng vì sức khoẻ xác định tổng thời gian có được dành cho những hoạt động thị trường và phi thị trường. Cá thể thừa hưởng một kho sức khoẻ ban đầu mất giá trị với thời gian nhưng có thể được tăng lên bằng một đầu tư sử dụng những dịch vụ chăm sóc y tế và thời gian dành cho sức khoẻ. Giáo dục làm tăng năng suất của đầu tư phi hàng hoá về sức khoẻ (M. Grossman, 1972).
Những tác động khác nhau này của vốn con người kéo theo là lợi tức thực tế của đầu tư vào vốn con người là cao hơn lợi tức được tính từ ảnh hưởng chỉ trên các thu nhập. Mặt khác, Becker, Murphy và Tamura (1986) cho thấy là trong những xã hội có vốn con người dồi dào thì các gia đình có xu hướng lớn mạnh trong lúc chúng lại có xu hướng thu nhỏ lại khi vốn con người trở nên khan hiếm. Trong một lĩnh vực khác, lĩnh vực của sự phân biệt đối xử thì những chênh lệch về lương giữa nam và nữ một phần thuộc về những khác biệt trong thời lượng hoạt động và trong kinh nghiệm nghề nghiệp (Mincer & Polachek, 1974).
Tăng trưởng nội sinh
Nếu phân tích những nguồn gốc của tăng trưởng đã góp phần vào sự phát triển của lí thuyết đầu tư vào vốn con người thì, ngược lại, vốn con người nằm ở trung tâm của những lí thuyết tăng trưởng nội sinh kể từ những năm 1980. Lucas (1988) quan tâm đến những ngoại ứng tích cực trên sản xuất do tích luỹ vốn con người sinh ra. Tỉ suất tích luỹ cân bằng cạnh tranh như thế là thấp hơn tỉ suất xã hội tối ưu và chênh lệch này là cơ sở cho tính chính đáng của một sự can thiệp công cộng. Đối với hệ thống kinh tế, tích luỹ vốn con người là nội sinh và cho phép giải thích một cơ chế cộng dồn tăng trưởng mà không cần phải viện đến một tăng trưởng ngoại sinh. Romer (1990) lấy lại vai trò của tiến bộ kĩ thuật như là nguồn gốc nội sinh của tăng trưởng. Nhưng vốn con người hiện ra như yếu tố hàng đầu cho việc sản xuất những nghiên cứu. Ông đưa vào một sự phân biệt quan trọng giữa khái niệm kho vốn con người là một kho hàm chứa, và khái niệm kho tri thức hiện có trong một xã hội, kho tri thức này là một sản phẩm công cộng.
Ba hướng nghiên cứu ưu tiên dường như nổi lên từ tiến hoá lí thuyết của ba mươi năm qua. Tích luỹ vốn con người là một quá trình động và tích luỹ này hiện ra như thế trong những lí thuyết về tăng trưởng. Nhưng tích luỹ này cũng hiện ra như vậy ở cấp độ kinh tế vĩ mô. Về vốn con người được tích luỹ trong doanh nghiệp, Becker phân biệt vốn con người nói chung (ví dụ kĩ năng tin học) làm tăng năng suất của người lao động bất luận công ti nào sau này người lao động làm việc trong đó, và vốn con người đặc thù (hiểu biết về tổ chức của doanh nghiệp) chỉ làm tăng năng suất của người lao động trong doanh nghiệp đã đào tạo người lao động ấy. Phân biệt này được sử dụng rộng rãi để giải thích tính cơ động thấp hơn của những người lao động có kĩ năng đặc thù hay xu hướng thăng cấp người trong nội bộ công ti hơn là tuyển dụng người ngoài công ti. Nhưng việc tài trợ việc đào tạo tổng quát, một cách logic, phải do người làm công ăn lương gánh chịu dưới hình thức lương thấp hơn trong thời gian đào tạo, trong một tình thế cân bằng cạnh tranh tĩnh, vì nếu không quyền lợi của người làm công ăn lương này là thay đổi công ti sau khi được đào tạo xong. Thế mà trong thực tế điều này không xảy ra. Trong một nền kinh tế có đổi mới và sản phẩm mới, quyền lợi của công ti là nên tài trợ việc đào tạo tổng quát. Hướng nghiên cứu thứ hai là việc phân tích những ngoại ứng do kho đã tích luỹ được gây ra cho tích luỹ vốn con người. Cuối cùng lúc khởi đầu lí thuyết trước hết là một lí thuyết về đầu tư vốn con người. Còn phải làm rõ và đo kho vốn con người (OECD, 1996) và nối khớp khái niệm này với những khái niệm vốn vô hình và vốn xã hội.
▶ BECKER G. S., Human Capital, New York, NBER/Columbia University Press, 1st ed.., 1964 (2nd ed. 1975); “A Theory of the Allocation of Time”, Economic Journal, 1965, p. 493-517; “Nobel Lecture: the Economic Way of Looking at Behavior”[*], Journal of Political Economy, 1993, 3, p. 385-409. – BECKER G. S., MURPHY K. M. & TAMURA R., “Human Capital, Fertility and Economic Growth”, Journal of Political Economy, 1986, 5, Part II, p. 12-37. – BLAUGH M., An Introduction to the Economics of Education, 1972, London, Penguin Books. – LUCAS R., “On the Mechanics of Economic Development”, Journal of Monetary Economics, 1988, p. 3-42. – MICHAEL R. T., The Effect of Education on Efficiency in Consumption, New York, NBER, 1972. – MENCER J., Schooling, Expérience and Earnings, New York, NBER/Columbia University Press, 1974. – MINCER J. & POLACHEK S., “Family Investment in Human Capital: Earnings of Women”, Journal of Political Economy, 1974, 2, Part 2, p. 76-108. – ROMER P., “Endogeneous Technological Change”, Journal of Political Economy, 1990, 5, Part II, p. 71-102. – SCHULTZ T. W., “Investment in Business Capital”, American Economic Review, 1961, p.1-17. – SOLMON, L. C., “The Relation Between Schooling and Saving Behavior”, in JUSTER F. T., chủ biên, Education, Income and Human Behavior, New York, McGraw-Hill, 1975. – Coll.: Mesurer le capital humain. Vers une comptabilité du savoir acquis, Paris, OCDE, 1996.
Claude JESSUA
Giáo sư danh dự đại học Panthéon-Assas (Paris 2)
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001.
[*] Bản dịch tiếng Việt: “Nhìn cuộc sống từ giác độ kinh tế” trong Các thuyết trình tại lễ trao giảI thưởng Nobel về khoa học kinh tế, tập 3: 1991-1995, trang 70-104, Hà Nội, 2000, nhà xuất bản Chính trị quốc gia (ND).↩