28.8.17

"Kinh tế xã hội chủ nghĩa": Marx, Lenin, Stalin và... Việt Nam

Trần Hải Hạc (Trường đại học Paris 13) trả lời phỏng vấn của Hồ Thị Hoà (Trường đại học tự do Bruxelles) trong khuôn khổ báo cáo về "các nước xã hội chủ nghĩa từ sau năm 1991"

“KINH TẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA”:

MARX, LENIN, STALIN… VÀ VIỆT NAM

Trần Hải Hạc (1945-)
TRẦN HẢI HẠC
trả lời phỏng vấn của Hồ Thị Hoà
Diễn Đàn đăng dưới đây bài phỏng vấn Trần Hải Hạc, trường Đại học Paris 13, tác giả cuốn Relire Le Capital - Marx, critique de l'économie politique et objet de la critique de l'économie politique (nxb Page Deux, 2003). ... Cuộc phỏng vấn do Hồ Thị Hoà thực hiện trong khuôn khổ báo cáo “Các nước xã hội chủ nghĩa sau năm 1991”, Université Libre de Bruxelles.
BẢN TIẾNG PHÁP: version françasie
Thưa giáo sư, từ sau Cách mạng tháng Mười năm 1917 và đặc biệt là sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, Liên Xô và nhiều nước theo chủ nghĩa xã hội đã chọn học thuyết Mác-Lê làm nền tảng xây dựng nền kinh tế kế hoạch hoá của mình. Như vậy, có thể nói là tồn tại một mô hình lý thuyết hoàn chỉnh của Marx và Lenin về kinh tế hay không? Mô hình ấy được khái quát bằng những luận điểm chính như thế nào?
Trước tiên, theo tôi, cần phân biệt về mặt thuật ngữ thuyết của Marx, thuyết của Lenin và chủ nghĩa Mác-Lê là từ ngữ do Stalin sáng chế để gọi thuyết của ông.
Joseph Stalin (1878-1953)
Karl Marx (1818-1883)
1. Điều đầu tiên cần nhắc nhở là tất cả công trình kinh tế học của Marx đều tập trung bàn về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hay, theo uyển ngữ ngày hôm nay, là nền kinh tế thị trường. Khi nói đến chủ nghĩa xã hội, Marx chỉ phác hoạ một vài viễn cảnh (như khi Marx phê phán chủ nghĩa nhà nước trong Phê phán cương lĩnh Gotha), nhưng ông không hề đưa ra một phân tích mang tính hệ thống, một lý thuyết. Marx không có xây dựng lý thuyết về chủ nghĩa xã hội vì một lẽ đơn giản là ông không thể lý thuyết hoá một cái gì không tồn tại. Cho nên có sự nhầm lẫn, sai lầm khi đồng hoá thuyết của Marx với một mô hình về chủ nghĩa xã hội hay về nền kinh tế kế hoạch hoá. Tất nhiên, Marx khẳng định mình là cộng sản, nhưng chủ nghĩa cộng sản, đối với ông, không phải là một lý tưởng mà thực tế phải noi theo: đó là sự vận động hiện thực xoá bỏ thực trạng hiện nay của sự vật. Và bởi lẽ Marx hoạt động nghiên cứu với tư cách là nhà khoa học, ông nghiên cứu sự vật như nó là – chủ nghĩa tư bản, sự tái sản xuất của nó và sự phủ định nó –, chứ không phải sự vật như nó phải là – một lý tưởng về xã hội được quan niệm độc lập với sự vận động lịch sử hiện thực. Do đó mà ông nhất định từ chối vạch ra những quy luật tất yếu của xã hội tương lai (“những công thức nấu ăn cho các nhà bếp tương lai” – trong Lời bạt viết cho bản tiếng Đức xuất bản lần thứ hai của Tư bản).
Vladimir Lenin (1870-1924)
2. Điều mà Cách mạng 1917 đưa vào chương trình nghị sự cũng không phải là vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội mà là vấn đề quá độ từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội. Các văn bản của Lenin không hề chứa đựng lý thuyết về nền kinh tế xã hội chủ nghĩa – phải đến những năm 1930, thuyết này mới xuất hiện –, và chỉ bàn đến “lý thuyết về nền kinh tế xô viết” mà, theo ông, là một nền kinh tế nhà nước hoá chứ không phải xã hội chủ nghĩa. Tranh luận trong đảng cộng sản, Lenin phê phán ảo tưởng của “chủ nghĩa cộng sản thời chiến” khiến cho không ít người nghĩ rằng chế độ sản xuất và phân phối do nhà nước tổ chức đã xác lập một hệ thống kinh tế mới có tính chất xã hội chủ nghĩa (Báo cáo hội nghị thứ 7 của đảng bộ Matxcơva). Ông còn cho rằng chủ nghĩa tư bản nhà nước là một hình thái sản xuất cao hơn hệ thống kinh tế nhà nước hoá hiện hành, và nó là một bước tiến để đi đến chủ nghĩa xã hội (Bệnh ấu trĩ cánh tả và những ý kiến tiểu tư sản). Cũng từ đó, ông quan niệm “chính sách kinh tế mới” là chính sách liên minh công - nông, bởi giai cấp công nhân phải tiến lên chủ nghĩa xã hội cùng chung với giai cấp nông dân, chứ không có cách nào khác (Diễn văn bế mạc đại hội 11 đảng cộng sản Nga).
3. Những cuộc tranh luận về kinh tế tiếp diễn ở Liên Xô cho đến “Bước ngoặt lớn” 1930, là lúc Stalin thủ tiêu mọi bất đồng quan điểm trong ban lãnh đạo đảng, và áp đặt bằng khủng bố các chính sách tập thể hoá toàn diện nông thôn, phát triển ưu tiên công nghiệp nặng, kế hoạch hoá tập trung sản xuất và phân phối (Những vấn đề chủ nghĩa Lenin). Tính xã hội chủ nghĩa của quan hệ sản xuất nhà nước hoá trở thành một giáo điều từ đó, và bản Hiến pháp 1936 tuyên bố Liên Xô đã xoá bỏ bóc lột. Đồng thời, Stalin cho tiến hành đề án soạn thảo sách giáo khoa kinh tế học chính trị nhằm hệ thống hoá các quy luật của “phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa”, và ông đã can thiệp vào việc biên soạn nó mỗi khi cần thiết (Những vấn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội ở Liên xô). Xuất bản năm 1954 với tựa đề Sách giáo khoa chính trị kinh tế học của Viện hàn lâm khoa học Liên xô, bộ sách này khẳng định quan điểm chính thống trong lĩnh vực lý luận kinh tế. Ngày hôm nay, tinh thần và phương pháp của nó vẫn làm cơ sở quy chiếu cho các sách giáo khoa kinh tế học chính trị Mác-Lê sử dụng ở Trung Quốc và Việt Nam.
Xin được đặt lại một câu hỏi lỗi thời: Sự sụp đổ của Liên Xô và khối Đông Âu có thể lý giải như thế nào, thưa giáo sư?
Tôi dùng lại ở đây phép phân biệt (thuyết của Marx / thuyết của Lenin / chủ nghĩa Mác-Lê hay thuyết của Stalin) đã nêu ở trên.
1) Sự sụp đổ của Liên xô vì lý do nội tại là điều mà thuyết của Stalin không thể tư duy. Chủ nghĩa Mác-Lê không thể giải thích nó, trừ phi viện cớ âm mưu nước ngoài, tức là một lý do ngoại sinh. Song, chấp nhận lý lẽ này có nghĩa là chủ nghĩa xã hội là một hệ thống không có tính ổn định, do vậy, nó không phải là một phương thức sản xuất mới.
Sở dĩ mô hình về nền kinh tế xã hội chủ nghĩa không có khả năng lý giải điều đã xảy ra ở Liên xô và các nước Đông Âu, đó là vì mô hình này được xây dựng lên nhằm che khuất quan hệ sản xuất hiện thực, sự tái sản xuất của nó và sự phủ định nó; hay nói cách khác, để tránh né... không phân tích “chủ nghĩa xã hội hiện tồn”. Mô hình kinh tế mang tên xã hội chủ nghĩa được xây từ những phạm trù pháp lý duy hình thức và những lập luận vòng vo lẩn quẩn như: không có bóc lột ở Liên xô bởi các tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của toàn xã hội; sở hữu này mang tính chất xã hội chủ nghĩa vì tư liệu sản xuất được tập thể hoá bởi một nhà nước xã hội chủ nghĩa; nhà nước này có tính chất xã hội chủ nghĩa vì quyền lực chính trị nằm trong tay của đảng cộng sản; đảng này mang tính chất cộng sản bởi nó chủ trương bãi bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất... Cho nên, ngay từ đầu, câu hỏi về bóc lột (người lao động, trong xã hội này, có thực sư làm chủ hoạt động sản xuất và phân phối sản phẩm hay không?) bị đưa ra khỏi kinh tế học chính trị của chủ nghĩa xã hội.
Theo tôi, có thể thêm một nhận xét khác nữa: đó là tính chất phi hiện thực của mô hình kế hoạch hoá tập trung, hoạt động chỉ theo quan hệ xã hội hàng dọc, cũng như của mô hình thị trường phi tập trung, hoạt động chỉ theo quan hệ hàng ngang. Thật vậy, muốn tái sản xuất, các nền kinh tế thị trường “hiện tồn” đều phải trông nhờ vào một cấp điều tiết tập trung – nhà nước – để khắc phục tính không ổn định. Cũng như thế, các nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung “hiện tồn” đã không thể tái sản xuất nếu không có những thị trường ngầm và không chính quy để vượt qua những mất cân đối.
2) Việc nghiên cứu chủ nghĩa xã hội hiện tồn phải bắt đầu từ sự phê phán kinh tế học chính trị của chủ nghĩa xã hội. Và ở khía cạnh này, chúng ta tìm thấy trong các công trình của Marx phê phán bái vật tư bản và bái vật nhà nước những yếu tố cần thiết để giải ngộ chủ nghĩa Mác-Lê. Tôi xin chỉ nêu lên ở đây hai nhận xét.
  • Trong Tư bản, Marx không ngừng phê phán việc đồng hoá quan hệ sản xuất với hình thức biểu hiện pháp lý của nó là quan hệ sở hữu. Không những hình thức sở hữu pháp lý che khuất thực chất của quan hệ sản xuất, nó còn biểu hiện điều ngược lại: chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa hiện ra như một chế độ xã hội phi bóc lột. Bộ Tư bản cũng cho thấy sở hữu công về tư liệu sản xuất là một hình thái pháp lý che giấu quan hệ giai cấp: đó là trường hợp của sở hữu cộng đồng về đất đai trong “chuyên chế phương Đông” hay của sở hữu nhà nước về đất đai trong chủ nghĩa tư bản; và cả khẩu hiệu quốc hữu hoá đất đai và địa tô – ghi trong Tuyên ngôn đảng cộng sản – cũng là “mồi đánh lừa” (Thư gửi Sorge 3.6.1881) nếu xã hội vẫn để tồn tại quan hệ lao động làm thuê hoặc chỉ xoá bỏ nó một cách duy hình thức (trường hợp của hiến pháp Liên xô năm 1936).
  • Marx tiến hành công trình phê phán nhà nước từ những văn bản đầu tiên 1843-1846 của ông (Phê phán pháp quyền chính trị của Hegel, Bàn về vấn đề Do Thái, Hệ tư tưởng Đức) và đeo đuổi nó cho đến các văn bản sau cùng (Cuộc nội chiến ở Pháp, Phê phán cương lĩnh Gotha). Theo phân tích đó, trong một xã hội chi phối bởi lợi ích riêng, phạm trù lợi ích chung thể hiện qua hình thái của nhà nước hiện đại, độc lập với xã hội dân sự và đứng ở trên nó; đồng thời, bởi vì xã hội dân sự là một xã hội phân chia giai cấp, nhà nước hiện đại là hình thái qua đó giai cấp thống trị áp đặt những lợi ích riêng của nó như là lợi ích của chung, cho nên lợi ích chung này là hão huyền. Marx còn phân tích mâu thuẫn này trong sự vận hành của nhà nước hiện đại: như chế độ đại nghị trong đó sự chia cách giữa các công dân (chỉ có vai trò cử tri) và các dân cử (trở thành một giai cấp lãnh đạo) dẫn đến chỗ công dân bị truất quyền lực chính trị của mình; hay chế độ quan liêu trong đó cán bộ quan chức đưa quyền lợi của bản thân ra làm thành quyền lợi của nhà nước mà họ chỉ là viên chức. Chính là trong khuôn khổ phê phán nhà nước và sự sùng bái nó mà Marx nêu lên viễn cảnh về một nhà nước tiêu vong (và nắm bắt phác hoạ của nó trong những thực tiễn chính trị mới của Công xã Paris 1871) – đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa quan liêu và sự phình ra của bộ máy nhà nước mà người ta chứng kiến trong chủ nghĩa xã hội hiện tồn.
3) Nằm trong khuôn khổ của lịch sử Liên xô các năm 1917-1923, những văn bản của Lenin biểu hiện một sự quan tâm phân tích các quan hệ sản xuất hiện thực và trả lời các câu hỏi: ai trong xã hội là người thực sự quyết định việc phân bổ tư liệu sản xuất? phương thức tổ chức lao động? sự phân phối sản phẩm xã hội? Ngay từ năm 1918, Lenin nhận xét rằng tước quyền sở hữu của các nhà tư bản, như là một hành vi pháp lý hay chính tri, không giải quyết vấn đề của chủ nghĩa xã hội, bởi lẽ còn phải xây dựng một phương thức quản lý các quan hệ xã hội khác hơn là chủ nghĩa tư bản – một chế độ quản lý của công nhân (Cách mạng vô sản và tên phản bội Kautsky). Rồi, khi nguy cơ sụp đổ buộc chính quyền xô viết thực hiện một loạt bước lùi – như thay chế độ kiểm soát của công nhân bằng chế độ quản lý hành chính tập trung các hoạt động kinh tế; bổ nhiệm các giám đốc doanh nghiệp đến nay do công nhân bầu lên; mở rộng thang lương cán bộ hơn năm lần mức lương tối thiểu... –, Lenin xác định rằng đó là những biện pháp tình thế có tính chất tư bản chủ nghĩa (và ông nhấn mạnh: phải hiểu ‘tư bản’ không phải là tiền vốn, mà là những quan hệ xã hội nhất định – Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền xô viết). Tuy vậy, những biện pháp tạm thời và phi xã hội chủ nghĩa đó đã tồn tại kéo dài sau khi Lenin mất và ngày càng được cũng cố thêm đến chỗ trở thành – sau Bước ngoặt lớn 1930 – nội dung đương nhiên của các quan hệ về quản lý sản xuất, tổ chức lao động và phân phối sản phẩm mang danh xã hội chủ nghĩa.
Leon Trotsky (1879-1940)
Một điều khác có thể, theo tôi, được ghi nhận ở Lenin là sự phê phán định nghĩa nhà nước Liên xô như là “nhà nước công nhân”: đặc tính này, trước hết, quên rằng không phải công nhân mà nông dân chiếm đa số; mặt khác, nó không thấy rằng nhà nước công nhân đó đã có biến dạng quan liêu (Cuộc khủng hoảng của đảng). Và bởi vì không thể loại trừ mâu thuẫn quyền lợi giữa công nhân và bộ máy nhà nước, cần có những công đoàn phi nhà nước hoá để bảo vệ công nhân chống lại nhà nước của họ (Công đoàn, tình hình hiện nay và những sai lầm của Trotsky). Trong văn bản cuối đời, Lenin cảnh tỉnh đảng viên cộng sản Nga về ảo tưởng rằng họ đã hội đủ yếu tố cần thiết để xây dựng bộ máy chính quyền thực sự xứng đáng mang danh xô viết hay xã hội chủ nghĩa (Thà ít mà tốt). Ông cho rằng những người cộng sản đã trở thành những kẻ quan liêu và nếu có một điều gì có thể làm cho chính quyền cộng sản tiêu vong thì đó chính là chủ nghĩa quan liêu (“Kẻ thù nguy hiểm nhất bên trong của ta: đó là người cộng sản quan liêu” – Tình hình quốc tế và nội bộ của Cộng hòa xô viết).
4) Xuất phát từ quan điểm của Marx hay quan điểm của Lenin để phê phán kinh tế học chính trị Mác-Lê, tất nhiên, không có nghĩa là trong những phân tích của Marx hay của Lenin không có điều gì phải nói lại, và thuyết Marx hay thuyết Lenin có thể thoát được sự phê phán. Song việc phê phán ở đây không có cùng tính chất hay chí ít không ở cùng bình diện. Tôi không triển khai vấn đề này trong khuôn khổ giới hạn của cuộc phỏng vấn, và chỉ nêu hai nhận xét ngắn như sau.
  • Những gì Marx nói về chủ nghĩa xã hội tựu trung là một số viễn tượng phác thảo từ sự phân tích chủ nghĩa tư bản và mâu thuẫn giai cấp của nó: phương thức sản xuất của người lao động hợp tác tự do (không còn đối lập lao động trí óc với lao động chân tay, công tác chỉ huy với công tác thừa hành); phương thức phân phối sản phẩm theo lao động rồi theo nhu cầu. Không hề thấy Marx nói gì về mâu thuẫn của xã hội sau chủ nghĩa tư bản: khả năng và tính chất của những xung đột xã hội, hình thái và phương thức xứ lý xung đột đó. Hẳn có thể nói, như Marx trong Phê phán cương lĩnh Gotha, rằng đó là những vấn đề mà chỉ khoa học mới có khả năng trả lời, tức là chỉ có thể giải đáp trên cơ sở phân tích kinh nghiệm lịch sử của chủ nghĩa xã hội. Song, bất luận lý giải như thế nào, đây quả là một vấn đề trung tâm – bởi nó liên quan đến sự tồn tại của quan hệ quyền lực và của dân chủ, đến vai trò của nhà nước và các tổ chức chính trị –, và đó là bãi ngầm đã làm đắm chìm chủ nghĩa xã hội hiện tồn.
  • Những gì Lenin phân tích gắn liền với kinh nghiệm những năm đầu của Cách mạng xô viết và liên quan đến các vấn đề của thời kỳ quá độ, còn gọi là “chuyên chính vô sản”. Thuật ngữ này của Marx chỉ chế độ thống trị chính trị của giai cấp vô sản thay thế sự thống trị chính trị của giai cấp tư sản: đây là thống trị của một giai cấp, chứ không phải của một nhóm cách mạng, và nó không hề bao hàm ý nghĩa độc đảng, huống chi là độc tài cá nhân. Song, chính sự từ bỏ quy tắc dân chủ trong đời sống chính trị, bắt đầu từ bên ngoài đảng cộng sản (cấm các đảng và báo chí đối lập; truất thực quyền của các xô viết), sau đó là bên trong đảng (cấm các khuynh hướng có tổ chức; dùng biện pháp công an đối với đảng viên bất đồng chính kiến) đã – ngay vào thời của Lenin – mở đường cho chủ nghĩa Stalin.
Giáo sư có thể lý giải vì sao sự sụp đổ như của Liên xô và Đông Âu lại không xảy ra ở một số xã hội khác như Trung Quốc và Việt Nam?
Các xã hội nói trên, tuy thuộc cùng một tập hợp, có thể có quỹ đạo khác nhau do đặc tính lịch sử của mỗi nước, đặc biệt là những điều kiện chính trị qua đó đảng cộng sản đã lên nắm quyền, đã chấp chính và còn giữ chính quyền hay không. Về phương diện đó, có thể phân biệt các trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam – tương đối gần nhau – với trường hợp của Liên Xô, tách biệt khỏi trường hợp của các nước Đông Âu.
Đồng thời, các xã hội này có cùng chung những xu thế và đặc tính mang tính cơ cấu. Nếu lấy trường hợp của Việt Nam, có thể ghi nhận rằng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa chưa từng là hiện thực. Chế độ kinh tế kế hoạch hoá tập trung rơi vào khủng hoảng ngay từ kế hoạch năm năm đầu tiên 1961-1965: nó đã tỏ ra không có khả năng cung cấp lương thực cho các khu vực phi nông nghiệp và sức mua của công nhân viên chức đã giảm 25%. Để duy trì hệ thống kinh tế gọi là xã hội chủ nghĩa, đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã phải từ bỏ độc quyền nhà nước trong phân bổ nguồn lực, và chấp nhận thị trường tự do tồn tại (15% thương nghiệp năm 1965, 25% năm 1975). Như vậy, ngay khi đất nước chưa thống nhất, hệ thống này đã không chặn đứng được sự phát triển nội sinh của một nền kinh tế song hành, và đành phải nhắm mắt trước đủ loại thực tiễn “chui” trong các hợp tác xã cũng như các doanh nghiệp nhà nước. Vào cuối thập niên 1970, trước nguy cơ sụp đổ kinh tế và bùng nổ xã hội, ĐCSVN (hội nghị trung ương 9 năm 1979) mới tiến hành bước ngoặt đầu tiên trong đường lối chính thức: hợp thức hoá những thực tiễn “phá rào” (khoán trong nông nghiệp, kế hoạch 3 trong công nghiệp) và định chế hoá nền kinh tế lai tạp, kết hợp kế hoạch nhà nước và quan hệ thị trường với cơ chế hai giá (giá quy định và giá tự do). Đến cuối những năm 1980, nền kinh tế lai tạp lâm vào khủng hoảng, buộc ĐCSVN (đại hội VI năm 1986) dấn thân vào con đường “đổi mới”: phê phán những sai lầm của mô hình tâp trung quan liêu bao cấp, ĐCSVN cũng thừa nhân sự thất bại của ý đồ vận dụng quan hệ thị trường để duy trì chủ nghĩa xã hội nhà nước. Các quyết định phi tập thể hoá nông thôn, xác lập quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và bãi bỏ chế độ hai giá đánh dấu nền kinh tế Việt Nam đoạn tuyệt với hệ thống cũ và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường – theo một quá trình cải cách kinh tế tương tự như Trung Quốc một thập niên trước đó.
Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới trong bối cảnh quốc tế của phong trào Perestroika Liên Xô. Nhưng, chỉ ít lâu sau, ban lãnh đạo ĐCSVN (do tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đứng đầu) quyết định sập lại cánh cửa cải cách chính trị: chấm dứt các thảo luận liên quan đến hệ thống chính trị (trách nhiệm nghiên cứu lý luận Trần Xuân Bách bị khai trừ); nắm lại báo chí và giới trí thức (trách nhiệm văn hoá tư tưởng Trần Độ bị gạt ra). Thắng lợi bầu cử của công đoàn Solidarnosc ở Ba Lan, Mùa xuân của sinh viên Bắc Kinh, sự sụp đổ của Bức tường Berlin rồi sư tan rã của Liên Xô càng củng cố lãnh đạo ĐCSVN trong quan điểm khước từ mọi ý kiến đặt lại vấn đề độc đảng, cũng như mọi đề xuất dân chủ hoá nội bộ đảng. Có thể phân tích Việt Nam hiện nay – cũng như Trung Quốc láng giềng – là một xã hội vận hành dựa vào một thứ thoả hiệp không nói ra giữa người dân và đảng cộng sản, một thỏa ước giữa chủ nghĩa tự do kinh tế và chuyên chế chính trị: đảng để cho các cá nhân tự do trong các phương tiện làm giàu (kể cả phương tiện phi pháp) nhưng, ngược lại, không dung túng bất cứ ai đặt lại vấn đề độc quyền chính trị của đảng. Một loại thoả ước như vậy, thật ra, phụ thuộc vào năng lực của đảng cầm quyền đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao. Sau khi đánh mất tính chính đáng giành lấy trong cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc, ĐCSVN tìm cách tạo dựng lại nó một phần nhờ vào mức tăng trưởng kinh tế bình quân 6-7% đã duy trì qua hai thập niên. Tính chính đáng mới này, hiện nay, trở nên khá mong manh.
Trung Quốc xây dựng một nền kinh tế “xã hội chủ nghĩa theo màu sắc Trung Quốc”, Việt Nam cũng tuyên bố xây dựng một nền “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”, lấy “chủ nghĩa Mác-Lê làm nền tảng”. Theo ông thì Chủ nghĩa Mác-Lê có thực sự làm nền tảng cho các chính sách kinh tế hiện nay của Việt Nam hay không? Nếu có thì ở những khía cạnh nào?
Tôi không thấy cái gì là “xã hội chủ nghĩa” hay “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong sự phát triển kinh tế hiện nay của Trung Quốc và của Việt Nam. Theo tôi, đó là sự phát triển của chủ nghĩa tư bản mà các đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam giả vờ che đậy đằng sau khái niệm giả bộ trung tính là “kinh tế thị trường”. Nếu căn cứ trên thuyết của Marx thì đây là tích luỹ tư bản ban đầu, trong đó quyền lực nhà nước đan kết với bạo lực hung tợn nhất. Nếu căn cứ vào phân tích của Lenin thì đây là sự phát triển chủ nghĩa tư bản nhà nước, trong đó sở hữu nhà nước về tư liệu sản xuất che lấp những quan hệ sản xuất có tính chất tư bản chủ nghĩa. So với các nước cựu xã hội chủ nghĩa, tính đặc thù của Trung Quốc và Việt Nam ở chỗ quá trình xây dựng chủ nghĩa tư bản được tiến hành dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản – đã trở thành đảng của bộ máy quan liêu liên minh với giai cấp tư sản mới. Danh nghĩa “chủ nghĩa xã hội” được nêu lên ở đây chỉ để biện minh cho độc quyền chính trị của đảng “cộng sản” mà thôi.
Còn về chủ nghĩa Mác-Lê hiện hành ở Việt Nam và Trung Quốc thì có thể nói rằng nó là sự trá hình thực tế, đồng thời là sự đánh tráo khái niệm của Marx và phân tích của Lenin. Có thể nêu lên ở đây ví dụ của cuộc thảo luận về bóc lột vừa qua ở Việt Nam: ĐCSVN đã đưa ra tranh luận vấn đề đảng viên có được làm kinh tế tư bản tư nhân hay không. Đứng từ góc độ của chủ nghĩa Mác-Lê, câu hỏi này chỉ đặt ra đối với khu vực tư bản tư nhân, bởi khu vực “xã hội chủ nghĩa” (quốc doanh và tập thể) đã bãi bỏ chế độ bóc lột. Trong khi đáng lý ra khu vực kinh tế nhà nước mới là nơi vấn đề quan hệ bóc lột phải ưu tiên được xem xét, bởi đó là thực tiễn bị che lấp, phi pháp và khoác áo xã hội chủ nghĩa. Còn trong khu vực kinh tế tư bản chủ nghĩa, quan hệ bóc lột dù sao cũng là thực tiễn công khai, hợp pháp và chính đáng theo quan niệm của ĐCSVN về “nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ngoài ra, cuộc thảo luận còn nêu lên vấn đề xác định quan hệ bóc lột dựa vào tiêu chuẩn về số lượng lao động (5 hay 10 người) mà chủ doanh nghiệp thuê mướn: đó là hạn chế phạm trù giá trị thặng dư vào hình thái biểu hiện trực tiếp nhất của nó là lợi nhuận doanh nghiệp. Nói cách khác, đó là gạt qua một bên các hình thái biểu hiện khác của giá trị thặng dư, những hình thái dường như hoàn toàn tách rời khỏi quan hệ với lao động làm thuê – lợi tức; cổ tức và chênh lệch thị giá chứng khoán; địa tô và chênh lệch thị giá đất đai – mà người ta đều biết là nguồn thu nhập chủ yếu hiện nay của số đông đảng viên (và trước tiên của đảng cộng sản, nhà tư bản lớn nhất ở Việt Nam). Trong các cuộc thảo luận, người ta làm bộ quên rằng bóc lột tư bản chủ nghĩa không phải là quan hệ kinh tế vi mô giữa chủ nhân và lao động thuế mướn trong doanh nghiệp, mà là quan hệ kinh tế vĩ mô giữa hai giai cấp trong xã hội.
Thưa giáo sư, ông có cho rằng Việt Nam có thể cần đến một lý thuyết hoặc một tổ hợp các lý thuyết “khác Mác-Lê” để phát triển hay không? Nếu có thì đấy có thể là các lý thuyết nào?
Tôi không nghĩ rằng, để có thể phát triển, Việt Nam cần đến một lý thuyết hay một tổ hợp các lý thuyết, cho dù đó là chủ nghĩa Marx-Lênin hay một cái gì khác. Điều mà Việt Nam cần, theo tôi, là tiếp cận phê phán các lý thuyết, thuyết của Marx dĩ nhiên, nhưng cả thuyết kinh tế học thống trị và những phiên bản khác nhau, tân cổ điển, tân Keynes hay Áo. Hơn thế, tôi cho rằng nguy cơ đang đe doạ tư duy kinh tế hiện nay không phải là chủ nghĩa Mác-Lê, đã hoàn toàn mất uy tín, mà là chủ nghĩa tân tự do đang có xu hướng trở thành tư tưởng chính thống mới ở Việt Nam. Huống chi, kinh nghiệm cho thấy rằng chủ nghĩa tân tự do thích cặp đôi với chuyên chế chính trị.
Xin cám ơn giáo sư. Hi vọng vấn đề về chủ nghĩa tân tự do sẽ được giáo sư bàn thảo tới trong một dịp gần đây.
TRẦN HẢI HẠC
trả lời phỏng vấn của Hồ Thị Hoà
Print Friendly and PDF