8.8.17

Lịch sử những sự kiện kinh tế

LỊCH SỬ NHỮNG SỰ KIỆN KINH TẾ
Jean Heffer, André Straus và Patrick Verley[1]
Hiểu biết lịch sử kinh tế có giúp được gì cho nhà kinh tế trong việc xây dựng bộ môn của mình? Người ta có thể nghi ngờ khi đọc các sách kinh tế đương đại. Ngày nay hiếm có những sách kinh tế bắt đầu, như tác phẩm Principles of Economics của Alfred Marshall (1890), bằng một bức tranh rộng lớn về tiến hoá kinh tế của nhân loại. Những tạp chí kinh tế lớn, đặc biệt là những tạp chí anglo-saxon, dành ít chỗ cho lịch sử, trong lúc vào cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX người ta có thể đọc trong đó nhiều bài về tổ chức sản xuất và trao đổi trong quá khứ. Ví dụ, tại Hoa Kì, ảnh hưởng của “trường phái lịch sử” Đức lúc bấy giờ còn rất mạnh và chủ nghĩa thể chế mới, dưới ngọn cờ của Thorstein Veblen, phê phán trào lưu “chính thống” do không có khả năng hòa nhập vào những phân tích của nó sơ đồ tiến hoá darwinian. Tuy nhiên đành phải công nhận là các nhà thể chế đã không thành công trong việc áp đặt hệ chuẩn của họ dựa trên những khái niệm xung đột và quyền lực lên một ngành chịu sự thống trị của hệ chuẩn có hiệu quả về tối đa hoá dưới ràng buộc. Về mặt phương pháp luận, kinh tế học đương đại là thừa tự của Ricardo, và chính là một ví dụ về một phân tích phi lịch sử về thế giới kinh tế.
E. Malinvaud (1923-2015)
Không phải lịch sử hoàn toàn vắng bóng trong các công trình của những nhà kinh tế, nhất là lịch sử hiện đại, được tính trễ nhất là từ năm 1945. Các nhà kinh trắc dựa nhiều vào lịch sử này để kiểm định những mô hình của họ trên các chuỗi thời gian. Một số khác phiêu lưu ngược lại trong quá khứ để tái hiện tiến hoá của tăng trưởng dài hạn, một hướng nghiên cứu nhiều khó khăn do thiếu những thống kê sẵn có và tính chất ít thỏa đáng của những mô hình lí thuyết được đề nghị. Tuy nhiên vị thế của “lịch sử những sự kiện kinh tế” không cao lắm khi so sánh với uy tín được thừa nhận của những hình thức trừu tượng nhất của tri thức. “Sự kiện” không hi vọng gì đạt cùng một phẩm giá với “lí thuyết”, dù cho sự kiện không có tính thô thiển người ta định gán cho nó hay dù cho nó là kết quả của một quá trình tư duy đã sâu. Một cách tổng quát, nhà kinh tế ý thức rằng lĩnh vực khoa học của mình khác với lĩnh vực của nhà sử học, như Edmond Malinvaud đã nhận xét năm 1989: “Chúng ta đứng trước một thế lưỡng nan: hoặc tập trung chú ý vào những nguyên nhân tức thời nhất và như thế có được những kết luận khá chắc chắn, trước khi tiếp tục nghiên cứu mỗi lần trở ngược lên một nấc được xác định rõ trong chuỗi nguyên nhân chúng ta khai phá; hoặc từ bỏ đòi hỏi quá nghiêm ngặt của một tính khách quan tương tự với tính khách quan đạt được trong khoa học tự nhiên, để có thể đề ra những nguyên nhân đầu tiên của những hiện tượng lớn làm nên đời sống các xã hội [...] Trước thế lưỡng nan này, tôi không do dự: nhà kinh tế phải lấy lựa chọn thứ nhất” (Malinvaud, 1990: 115-116). Do đó nhiệm vụ của những nhà sử học, trong số những chuyên gia khác, là phát biểu những “giả thiết tổng hợp, những lí thuyết lớn về nhân loại”, vì người ta không chờ đợi ở họ một tính khách quan giống với tính khách quan của nhà kinh tế. Các nhà kinh tế có thể quan tâm đến những công trình của các đồng nghiệp sử gia “để nắm rõ hơn không những các biến cố đặc biệt quan trọng mà còn cả tính chất của bối cảnh hoạt động kinh tế”. Tóm lại, lịch sử kinh tế không mang đến gì nhiều cho các nhà kinh tế.

Ngược lại, các sử gia kinh tế thường háo hức mượn của kinh tế học những sơ đồ giải thích hay những kĩ thuật tính toán thống kê. Tất nhiên may thay không phải là tất cả các sử gia kinh tế đều làm thế nhưng chính là cuộc đối thoại giữa hai bộ môn đã bảo đảm tính năng động và việc đào sâu lịch sử kinh tế (đoạn 1: Lịch sử kinh tế và kinh tế học của Jean Heffer). Tầm vóc và tính đa dạng của những công trình sử học cung cấp cho các nhà kinh tế không những một tư liệu có chất lượng cho phép nối dài tầm nhìn thời gian vốn ngắn của các nhà kinh tế mà cả những cách đặt vấn đề phong phú, mà chỉ một vài ví dụ được nêu lên ở đây. Chiều kích không gian của những hiện tượng, còn ít được các nhà kinh tế tính đến, có thể được lợi từ một cách nhìn phê phán đối với khái niệm kinh tế-thế giới của Braudel[2] (xem phiếu của Maurice Aymard). Những quá trình công nghiệp hoá, chắc chắn là sự kiện bao trùm cuộc sống kinh tế từ hai thế kỉ nay, ngày nay hiện ra, nhờ việc nhân bội những công trình nghiên cứu, là phức tạp hơn điều ta nghĩ xưa kia. Trong chừng mực mà, theo Edmond Malinvaud, nhà kinh tế, không những bằng lòng với việc tìm hiểu, còn phải tư vấn cho người lãnh đạo ở thời cuối thế kỉ hai mươi này khi mà những vấn đề phát triển của đa số nhân loại là mối quan tâm hàng đầu thì có lẽ không phải là vô ích khi xem xét một cách nghiêm túc những công trình của các nhà sử học về cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất diễn ra từ khoảng 1780 đến 1880 (đoạn 2: Cuộc cách mạng công nghiệp trong thế kỉ XIX và XX của Patrick Verley) hay về những gian truân của những hệ thống kĩ thuật ở thế kỉ XX (đoạn 3: Công nghiệp hoá và hội nhập quốc tế ở thế kỉ XX của André Straus). Như vậy, có thể nối những mối quan hệ của một nghiên cứu liên ngành, điều luôn được chủ trương, nhưng tiếc thay hiếm khi được thực hiện.
1. Lịch sử kinh tế và kinh tế học
Lịch sử kinh tế và kinh tế học lẽ ra phải có, một cách tiên nghiệm, những quan hệ chặt chẽ. Lịch sử kinh tế cung cấp cho kinh tế học một tư liệu phong phú, để có thể kiểm nghiệm những lí thuyết và mô hình do các nhà kinh tế xây dựng. Về phần mình, kinh tế học mang lại những cấu trúc dễ hiểu nhờ đó nhà sử học về “những khía cạnh kinh tế của những thể chế xã hội trong quá khứ”, theo cách nói của Clapham, có thể phân tích những sự kiện mà không bị lạc lối trước sự đa dạng của những sự kiện. Thế mà quan hệ giữa hai bộ môn là sự thờ ơ, không biết lẫn nhau, thậm chí đối nghịch. Nhà kinh tế khẳng định là không rút tỉa gì được từ lịch sử; nhà sử học trách cứ những công trình phi thời gian và không xác thực của những đồng nghiệp kinh tế của họ. Trong sự liên minh đầy sóng gió và bất đối xứng này, chắc là các nhà sử học cần đến đối tác của mình hơn là các nhà kinh tế. Do đó, lịch sử kinh tế không bao giờ có thể thoát khỏi một cách lâu dài cuộc đối thoại với nhà kinh tế lí thuyết. Từng lúc, lịch sử kinh tế lại nối lại những quan hệ một thời lỏng lẻo để đào sâu hơn quá khứ và cứ mỗi lần như vậy cách tiếp cận lại có hiệu quả.
Còn phải viết một lịch sử về lịch sử kinh tế, từ lúc khởi đầu vào thế kỉ XVII-XVIII đến sử trắc học đương đại. Trong thời cổ đại, hay với những nhà chép sử biên niên của thời Trung cổ hay thời hiện đại, thì không có lịch sử kinh tế như một một bộ môn độc lập. Bộ môn này chỉ sinh ra trong thời đại thống kê cùng với việc hình thành Nhà nước, tại Anh, Pháp và Đức. Chính sách trọng thương khuyến khích các chính phủ tích lũy và khai thác số liệu; kinh tế lần hồi trở thành nỗi quan tâm của công chúng. Do đó không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy trong những công trình phân tích của các nhà kinh tế tự do đầu tiên, chống đối học thuyết trọng thương đang thống trị lúc bấy giờ, rải rác đây đó những nhận định lịch sử. Adam Smith không ngần ngại bàn đến sự thay dổi của sức mua của những kim loại quí, những thuộc địa và tăng trưởng đô thị bên cạnh những phát triển về giá trị lao động hay những lợi thế của việc chuyên môn hoá. Do đó không kém gì các nhà kinh tế, các sử gia kinh tế có thể coi ông là một trong những ông tổ của mình.
Sự gián đoạn thứ nhất xuất hiện với Ricardo. Cách thiết kế suy diễn của ông đẩy lịch sử kinh tế vào một hướng ngày càng được củng cố, tức một bản vẽ trong đó những chuỗi yếu tố logic được nối kết với nhau khác hẳn với những cặn bã báo hiệu những hoạt động cụ thể của các tác nhân khác nhau. Từ vài tiên đề, người ta suy ra những lớp không đổi tiếp nối nhau đáng được gọi là qui luật. Không có gì trái hơn với suy nghĩ của các sử gia khi họ thử khái quát hoá bằng phương pháp qui nạp từ những trường hợp trong đó những động cơ con người quyện lẫn vào nhau. Vai trò của sử học trong kinh tế học là đề tài của một “cuộc chiến giữa các phương pháp” trong thế kỉ trước. Ngược lại với trường phái cổ điển, trường phái lịch sử Đức cho rằng kinh tế chính trị học không có khả năng khám phá những chân lí tuyệt đối, không đổi và phổ quát và rằng bộ môn này phải tự bằng lòng với những nguyên lí tương đối, khả biến và đặc biệt gắn với những điều kiện khác nhau về thời gian, địa điểm và văn minh. Trường phái lịch sử Đức chỉ nhìn nhận có một “kinh tế quốc gia” riêng cho mỗi dân tộc và mỗi thời kì. Đối tượng của bộ môn kinh tế là làm rõ những qui luật phát triển thường tuân theo một nhịp ba bước: kinh tế tự nhiên, kinh tế tiền tệ, kinh tế tín dụng của Bruno Hilderbrand (1864); Frühkapitalismus, Hochkapitalismus, Spätkapilismus của Werner Sombart (1916-1928). Trường phái lịch sử “mới” do Gustav Schmoller (1838-1917) lãnh đạo còn đi xa hơn nữa: việc xây dựng một lí thuyết phân tích được dời lại cho tương lai một khi đã hoàn tất công tác mô tả khổng lồ dựa trên việc tích lũy những chuyên đề như tập ông đã viết về Phường hội thợ dệt da và thợ dệt của Strasbourg. Nguồn gốc và từ vựng. Góp phần vào lịch sử nền dệt Đức và luật công nghiệp Đức từ thế kỉ XIII đến thế kỉ XVIII (1879). Ta cảm nhận được hậu quả tai hại của dự án này. Nhà sử học Wolfram Fischer qui trách nhiệm cho Schmoller về sự sa sút của lí thuyết kinh tế tại Đức từ giữa 1870 đến 1920 và về phản ứng ngược khiến cho sau đó lịch sử kinh tế bị coi nhẹ. “Bằng cách cố gắng xây dựng một lí thuyết chủ yếu dựa trên những phương pháp lịch sử, ông đã làm hại vừa cho lí thuyết vừa cho lịch sử và cản trở sự phát triển của những bộ môn này ở Đức trong gần một thế kỉ (International Encyclopedia of the Social Sciences, 1968, vol. 14, trang 62). Các sử gia kinh tế hiện nay không nhận mình trong “trường phái lịch sử” này, dù là trường phái cũ hay mới.
Tương tự như vậy đối với Karl Marx, người theo cùng một phương pháp trên. Tuy nhiên không thể đánh giá thấp ảnh hưởng của tác giả này. Bằng cách trình bày lịch sử nhân loại như một sự tiếp nối của những phương thức sản xuất, mỗi phương thức có logic, động thái và mâu thuẫn riêng tất yếu dẫn đến diệt vong của phương thức đó, tác giả bộ Tư bản mời gọi các sử gia quan tâm nhiều hơn là họ đã làm cho đến lúc bấy giờ đến “kiến trúc hạ tầng”. Cách tiếp cận marxist càng có vẻ quyến rũ hơn khi nó không muốn đơn giản là một cách tiếp cận kinh tế: nghiên cứu những quan hệ sản xuất dẫn đến lịch sử xã hội. Thật vậy, không cần phải là một nhà marxist để nhìn nhận rằng hoạt động kinh tế là một động lực chủ yếu của tiến hoá của nhân loại; cuộc tranh luận xoay quanh vị trí mà người ta gán cho nó trong thứ tự những nguyên nhân; phải chăng nó phải chiếm vị thế đầu tiên? hay còn đứng sau những lực khác như tâm tính, những ý tưởng? hay trong hiện trạng hiểu biết của chúng ta, câu hỏi có ý nghĩa chăng?
May thay các sử gia không có những khắc khoải siêu hình về những cơ sở của bộ môn họ. Họ thích trầm mình trong khối tư liệu để trích ra những gì được họ xem là những mảnh chân lí. Công việc này đã khiến cho lịch sử kinh tế chinh phục được tính độc lập của nó. Có thể theo dõi những bước chinh phục này trong việc thiết lập những ghế giáo sư bộ môn này trong các đại học và xuất bản các tạp chí chuyên môn. Nếu tại Đức lịch sử kinh tế bị chìm ngập trong những Staatswissenschaften (một mớ h lốn kinh tế, thống kê, lịch sử, xã hội học và khoa học hành chính) thì nó trở thành một bộ môn riêng tại Hoa Kì, ở Harvard năm 1893 (W. J. Ashley) và tại Anh, ở Manchester (1910), ở Cambridge (1928), ở Oxford và London School of Economics (1931). Đối với các tạp chí cũng vậy, Đức đi đầu với Vierteljahrschrift für Sozial-und Wirtschaftsgeschichte (1893), tiếp theo là Revue dhistoire économique et sociale (1913), Economisch-historisch Jaarboek của Hà Lan (1916), Economic History Review của Anh (1927), Journal of Economic and Business History của Hoa Kì (1928) và Annales dhistoire économique et sociale (1929).
Ernest Labrousse (1895-1988) tượng trưng cho tinh túy của lịch sử kinh tế này, mà ta có thể gọi là “cổ điển” để đối lập với sử trắc học đương đại. Những tác phẩm Esquisse du mouvement des prix et des revenus en France au XVIIIe siècle (1933) và Crise de léconomie franVaise à la fin de lAncien Régime et au début de la Révolution (1944) tiếc thay cuốn này chưa hoàn tất vì chỉ có hai trong sáu phần đã báo được dùng làm sách tham chiếu cho nhiều thế hệ sử gia. Vào thời đó, Esquisse là một tác phẩm rất mới; nó kết hợp những công cụ được các nhà kinh tế như Aftalion và Simiand hoàn thiện với những phương pháp riêng của nhà sử học khai thác tỉ mỉ tư liệu. Để xác lập những dữ liệu vững chắc, cách duy nhất để có cơ sở cho những kết luận thích đáng, Labrousse không ngần ngại xem kĩ những bảng liệt kê chi tiết lẫn tổng thể của vương quốc để kiểm định giá trị của những số liệu trong bảng tổng kết. Một khi nắm chắc chất lượng của dữ liệu, ông xây dựng những chuỗi thời gian và xử lí chúng bằng những kĩ thuật thống kê tương đối mới so với thời bấy giờ; một công việc càng lớn khi tất cả mọi tính toán đều làm bằng tay. Công cụ được ông ưa thích là hệ số phụ thuộc (hay đồng biến thiên kề) hơn là hệ số tương quan để so sánh hai chuỗi giá. Động thái dưới ba khiá cạnh dài hạn, chu kì, vụ mùa lần đầu tiên được một nhà sử học phân tích theo cách của những nhà kinh tế. Để làm nổi rõ xu thế dài hạn của giá từ năm 1734 đến năm 1817, Labrousse không sử dụng phương pháp bình phương nhỏ nhất, một phuơng pháp ông có biết (Esquisse, t. 1, trang 142, chú thích 12), vì đường thẳng “ít tượng trưng thật sự cho động thái thật của giá cả, do dáng thăng tiến không đồng đều tùy theo giai đoạn của chuyển động này”; ông ta chuộng “đường mềm dẻo hơn của trung bình trượt”, được tính trên 13 năm, cho phép ông “sau này so sánh chuyển động này với chuyển động của những giá khác và nhất là để nghiên cứu tác động của nó trên chuyển động của thu nhập” (Esquisse, trang 138-139). Một khi đã loại ra xu thế, còn lại chuyển động chu kì: 8 chu kì đầy đủ cho giá lúa, từ 1734 đến 1789, mà “độ lệch bình quân hàng năm của chuyển động dài hạn là 2,29 nửa cân và hệ số biến thiên, tức tỉ số giữa độ lệch bình quân hàng năm và chuyển động dài hạn là 11,6 %”. Xử lí thống kê cho phép phân biệt cái tai nạn và cái chủ yếu, làm nổi lên những đều đặn, ở đây là những biến động kinh tế và giúp tìm kiếm nguyên nhân. Chính như thế đã hình thành liên minh giữa lịch sử và kinh tế, tuy mỗi bộ môn vẫn giữ lĩnh vực riêng của mình. Đối với những nhà sử học ngại sự tan loãng của lịch sử, Labrouse trả lời: “Tuy nhiên người ta có thể ít nhiều tin rằng những tính chất của một nhà sử học và một nhà kinh tế không phải là không thể hòa hợp với nhau được thậm chí những tính chất này còn là một đòi hỏi đối với những ai lấy lịch sử kinh tế làm một nghề; điều mà không ai bắt buộc anh ta cả. Đấy là không tính rằng khoa học kinh tế, một khoa học về con người, nói chung còn là một nguồn bổ sung văn hóa vô giá cho nhà sử học [...] và, ngược lại, lịch sử, tức hiểu biết qua tư liệu, việc tái tạo lại quá khứ đủ dài để tìm lại tính đồng thời được lặp lại và cho phép khám phá một mối quan hệ ổn định, một qui luật mang tính xu thế, dường như là không thể thiếu cho kinh tế học. Cả hai phía đều tán đồng khi lịch sử kinh tế, một tỉnh biên giới, trở thành nơi gặp gỡ có thể cho các nhà kinh tế và các nhà sử học. Nhưng lịch sử kinh tế vẫn là một tỉnh của lịch sử, với những mối quan tâm riêng của nó” (La crise de léconomie franVaise, trang 168), tức là việc nghiên cứu quá khứ, tìm hiểu những qui luật lịch sử tạm thời chứ không phải là một qui luật bất biến và phổ quát.
Nhà lịch sử kinh tế cũng sử dụng những phạm trù của kinh tế học phân phối: lương, địa tô, lợi nhuận, nhưng là để tìm xem cách nối kết đặc biệt của chúng trong nền kinh tế của chế độ cũ. Cuộc cách mạng 1789 nổ ra giữa lúc có sự giao thoa giữa một gia tăng của giá trong dài hạn và một suy giảm “liên chu kì” (gồm một chu kì đầy đủ và một phần của một chu kì khác: những năm 1772-1787 cho cây nho) và một cuộc khủng hoảng chu kì do thất mùa các năm 1788 và 1789. Theo cách kiến giải này, giá cả là yếu tố quyết định; những biến động của giá cả tác động đến các giai cấp xã hội với những mức độ khác nhau. Gia tăng dài hạn đến khoảng năm 1778 đã có những ảnh hưởng thuận lợi, quan trọng hơn cho giai cấp tư sản công nghiệp và thương nghiệp và địa chủ hơn là cho giới bần cùng hay công nhân. Suy giảm liên chu kì phá đi vòng phát triển tốt đẹp này. Suy giảm của thu nhập và của địa tô được ứng trước làm giảm lợi nhuận của chủ nông trại; và lương nông nghiệp cũng chịu chung số phận. Địa chủ là người hưởng lợi từ tiến hoá này nhưng những thị trường đô thị chưa đủ mạnh để bù đắp cho suy sụp của thị trường nông thôn; thất nghiệp tăng trong công nghiệp. Như thế khủng hoảng chu kì năm 1789 đã đánh vào một nền kinh tế bạc nhược, kéo theo những đảo lộn chính trị. Cách lí giải những nguyên nhân kinh tế của cách mạng 1789, được mô tả một cách thần tình trong bốn mươi trang giới thiệu chung La crise de léconomie franVaise là một tập hợp nhất quán với tất cả những thành phần của trò chơi ghép hình dường như xoay quanh việc chồng lên nhau những chuỗi thời gian về giá cả. Mô hình nằm sẵn trong đó nhưng không được hình thức hoá. Labrousse, cũng như những người theo ông không sử dụng phân tích tương quan để kiểm định tính xác thực của các giả thiết; nhưng điều này không có nghĩa rằng những giả thiết này là không đúng.
Ernest Labrousse (1895-1988)
Ferdnand Braudel (1902-1985)
Dưới sự lãnh đạo của Ernest Labrousse và của Ferdnand Braudel (La Méditerranée et le monde méditerranéen à lépoque de Philippe II, 1949) lịch sử kinh tế tại Pháp trong những năm 1950 và 1960 đã chiếm một vị trí cao, mà không có đối thoại chặt chẽ với kinh tế chính trị học. Trên điểm này, đây là một sự thụt lùi so với Esquisse. Kinh trắc học, bắt đầu phát triển trong những năm 1930, vẫn còn là một miền đất lạ đối với thế hệ những sử gia kinh tế do các đại học đào tạo. Do đó có một cạn kiệt nhất định về mặt phương pháp luận và thế hệ này đã không có khả năng theo kịp bước ngoặt khi người Mĩ tung ra “lịch sử kinh tế mới”.

New economic history sinh ra trong những đại học Mĩ vào cuối thập niên 1950 của thế kỉ hai mươi, từ những khoa kinh tế chứ không phải là trong những khoa lịch sử. Thật vậy, những sinh viên kinh tế buộc phải học lịch sử kinh tế ngày càng ít quan tâm đến bộ môn này. Đối với họ, lịch sử kinh tế dường như hoàn toàn tách biệt với phân tích kinh tế, cơ sở của chương trình đào tạo. Do đó, để có thể cứu vãn bộ môn này cần phải hợp nhất nó với lí thuyết kinh tế. Trước mắt những người đi đầu, mở ra một trường điều tra mênh mông: vô số những kết luận các sử gia “truyền thống” đạt được không còn đứng vững khi đem chúng ra phân tích chặt chẽ dựa trên những nguyên lí nhất quán. Một lĩnh vực hấp dẫn cho những người trẻ không kể gì đến truyền thống để được người ta nói đến mình và để khoe tính mới mẻ của cách tiếp cận của họ trong một xã hội mà thù lao phụ thuộc vào tiếng vang của những bài viết! Không khí của thời đại đó cũng thuận lợi cho việc hợp nhất này và đã góp phần vào sự phát triển của lịch sử kinh tế mới. Trong thập niên 1950 và 1960, điều bao trùm là tăng trưởng kinh tế. Tại Hoa Kì, tăng trưởng kéo dài suốt 106 tháng không bị gián đoạn từ tháng hai 1961 đến tháng chín 1969; Tây Âu và Nhật nhanh chóng xây dựng lại và lao vào “ba mươi năm vinh quang”. Thế giới xã hội chủ nghĩa tạo ảo tưởng về một sự phát triển thành công. Một trong những nhiệm vụ được giao cho kinh tế học là làm cách nào khởi động những chu kì tốt đẹp (cycles vertueux) trong thế giới thứ ba. Lí thuyết tăng trưởng là một trong những bộ phận yếu nhất của thân lí thuyết được xây dựng từ thế kỉ XVIII, nên thật là tự nhiên khi quay về lịch sử để tìm hiểu cách nào những nước phát triển đã chuyển từ chế độ cũ sang cuộc cách mạng công nghiệp. Còn hơn cả các Stages of Economic Growth của Rostow (1960), chính những công trình của Simon Kuznets đã khuyến khích các nhà kinh tế nhìn lại quá khứ; ông đã không chỉ khởi xướng trường phái ở Hoa Kì, mà còn cả ở Pháp khi, dưới sự chủ trì của Jean Marczewski, Les Cahiers de lISEA đã xuất bản một Histoire quantitative de léconomie franVaise, (Lịch sử định lượng nền kinh tế Pháp), dựa trên khung hệ thống tài khoản quốc gia.
Lịch sử kinh tế mới tự đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu những sự kiện kinh tế đã qua, bằng những mô hình rõ ràng, được kiểm định theo những tiêu chí chặt chẽ của kinh trắc học. Lịch sử kinh tế mới dựa trên sự liên minh chặt chẽ của ba bộ môn: lịch sử, kinh tế học, thống kê. Sử gia kinh tế xem xét những thời kì xa xưa như nhà kinh tế đương đại phân tích những gì xảy ra trong thời buổi của họ trong lĩnh vực sản xuất và trao đổi. Sử gia kinh tế vận dụng những mô hình của lí thuyết cân bằng bộ phận hay của cân bằng chung; một khi vấn đề được hình thức hoá thì những quan hệ được thiết lập giữa các biến được kiểm định, thường bằng hồi quy, và đưa đến việc chấp nhận hay bác bỏ những sơ đồ giải thích được đề nghị. Do đó lịch sử kinh tế mới thuộc về lĩnh vực rộng lớn của lịch sử định lượng. Tuy nhiên trong lĩnh vực này lịch sử kinh tế mới lại có chỗ đứng riêng: nó có lợi thế là dựa trên một tập lí thuyết chặt chẽ, trong lúc những lãnh địa lịch sử khác phải giáp mặt với sự nghèo nàn của những mô hình về xã hội học hoặc chính trị học. Giống những bộ môn này, nó hưởng lợi từ sự ra đời năm 1965 của máy tính thế hệ ba; những phép tính dài nhất và nhàm chán nhất trở nên dễ dàng. Và cũng giống những bộ môn này, nó phải tránh sức quyến rũ của việc lạm dụng công cụ thay cho suy nghĩ và làm việc nghiêm túc trên những dữ liệu. Một khi vượt qua những sơ suất của thời tuổi trẻ này, còn lại khả năng xử lí những nguồn đồ sộ đã từng làm nản lòng những người nhiệt tình nhất và kiểm định nhiều giả thiết. Tóm lại một sự phong phú kinh khủng so với lịch sử “truyền thống”, với điều kiện là không nhắm tới những tổng hợp rộng lớn và tự bằng lòng với việc làm rõ những vấn đề giới hạn hơn, nhưng được khoanh lại tốt hơn.
Thành công của lịch sử kinh tế mới dựa trên cách tài tình mà những người vận dụng nó lí giải hai vấn đề của sử liệu Mĩ: tính có lợi của chế độ nô lệ và sự cần thiết của đường sắt. Cho đến thập niên 1950 của thế kỉ hai mươi, các sử gia về miền Nam nước Mĩ cho rằng thể chế nô lệ đã trở thành không còn có lợi trước cuộc nội chiến, và để tự nó thì chế độ này sẽ chết tự nhiên và cuộc nội chiến là vô ích. Để hỗ trợ cho luận điểm này, lí lẽ sau được viện ra: giá bán của bông giảm trong lúc giá mua một nô lệ lại tăng; bị kẹt giữa những chi phí ngày càng tăng và những doanh thu ngày càng giảm, đồn điền không còn tương lai. Người ta đi tìm chứng cớ trong những tư liệu của những đồn điền lớn chuyên sản xuất sợi dệt được yêu cầu nhất trong khoảng đầu thế kỉ XIX. Lập luận coi nhẹ gia tăng của năng suất lao động và hai chức năng của sản xuất nô lệ: một mặt sản xuất bông, mặt khác sản xuất lao động nô lệ. Đó là điều mà Alfred H. Conrad và John R. Meyer nêu rõ trong một bài nổi tiếng đăng trên Journal of Political Economy tháng tư 1958. Dựa trên lí thuyết hiện đại về tư bản, họ chứng minh rằng năng suất cận biên của tư bản đầu tư vào nô lệ, đất đai và trang thiết bị ít ra cũng bằng với lãi suất mà số vốn này mang lại được nếu vốn được đầu tư vào trái phiếu, ví dụ của các công ti đường sắt (6-7 %). Tất nhiên là không phải ở khắp mọi nơi. Trên những đất nghèo nhất, với năng suất bông trên đầu người mỗi năm không quá ba quả bông, tỉ suất vốn (ước tính theo giá trị hiện tại là 1.200-1.300 đô la cho một lao động nam), cho một giá bán tại trang trại bông là 7 cent nửa kí, không vượt quá 2,2 %. Ngược lại trên những đất phì nhiêu, với một năng suất lên đến bảy quả thì một vốn có giá trị hiện tại là 1.700 đô la mang lại một tỉ suất 13 % khi giá bán là 9 cent. Trong trường hợp một nữ nô lệ, kết quả cũng tương tự như thế, và thay đổi tùy theo số con đẻ ra, do phải nuôi chúng trước khi chúng mang lợi được cho ông chủ, bằng chính lao động của chúng hay bằng tiền bán chúng cho một ông chủ khác. Những nghiên cứu tiến hành từ 1958 chỉ xác nhận lại những kết luận trên: nô lệ là một chế độ có lợi; và vào năm 1860 đó là một thể chế sinh động. Hơn nữa chế độ này có cho phép người da đen, như Robert Fogel và Stanley Engerman đã khẳng định trong Time on the Cross (1974), tiếp thu những qui tắc làm việc và đạo lí của thời Victoria không? Những kiểm định là đáng ngờ và các tác giả từ lúc đó đã thích nhấn mạnh hơn đến tính cưỡng chế lao động trong từng nhóm để giải thích năng suất cao của đồn điền miền nam so với trang trại do người chủ tự do khai thác ở miền bắc.
Những sử gia kinh tế đã khẳng định rằng đường sắt là cần thiết cho tăng trưởng kinh tế của Hoa Kì vào thế kỉ XIX. Không có đường sắt, những cánh đồng lớn miền tây đã không được khai thác, và viễn tưởng có được những đất tự do đã không hấp dẫn những di dân và đất nước này đã không trở thành giàu và mạnh như hôm nay. Robert Fogel đã tấn công vào điều ông gọi là “giáo điều của sự cần thiết” bằng cách tính thặng dư xã hội (social saving) do đường sắt mang lại vào cuối thế kỉ. Giả sử rằng năm 1890 nước Mĩ không có đường sắt nào cả, và do đó phải vận chuyển cùng một số lượng sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp và cùng một số hành khách trên cùng một khoảng cách bằng những phương tiện khác, đường bộ và đường thủy, thì tổng sản phẩm của năm đó giảm đi bao nhiêu? Câu trả lời nằm ở chênh lệch của những chi phí vận chuyển, những chi phí thêm về tồn kho, và thậm chí nếu chấp nhận là các chủ nông trại đã không khai thác đến từng ấy đất đai, còn nằm ở việc giảm những diện tích canh tác. Tổng cộng, đối với hàng hoá, thặng dư xã hội không vượt quá 5 % GDP, nếu tính thêm số khách vận chuyển do tiết kiệm được thời gian di chuyển, thì con số là khoảng 7 đến 8 %. Theo Fogel, như thế là ít. Một nước Mĩ không có đường sắt vào năm 1890 đã phải chuyển hướng một phần những nguồn lực sản xuất sang việc chuyên chở mà đường sắt nếu có đã làm cho vô dụng nhưng không vì thế mà đất nước này đã nghèo hơn. Tóm lại đường sắt là không cần thiết huống chi vai trò của đường sắt là thứ yếu trong việc phát triển một nền công nghiệp hiện đại vào lúc nền kinh tế Mĩ cất cánh. Con số thặng dư xã hội của Mĩ là đúng nhưng một con số tuyệt đối tự nó không có giá trị và chỉ có nghĩa lúc so sánh. Không một phát minh nào khác của thế kỉ XIX có thể so được với mức của đường sắt, ngược lại, tiến bộ kĩ thuật nói chung là kết quả của việc tích lũy của vô số phát minh, hơn là vào sự đột phá của một phát minh chủ yếu. Như thế, đường sắt có cần thiết hay không? Tất cả tùy thuộc là đứng ở quan điểm nào mà nhìn vấn đề. Chắc chắn là đối với Hoa Kì nó ít cần thiết hơn là đối với Mêhicô vì nước này, khác với nước láng giềng phương bắc, không có lợi thế của một hệ thống sông ngòi rộng lớn và một biển nội địa so sánh được với Ngũ hồ.
Việc sử dụng những mệnh đề có điều kiện phi thực tế (hay trái với sự kiện) là điều lịch sử kinh tế mới làm các nhà sử học ngạc nhiên nhất. Quen với việc xác lập những sự kiện có thật, dưới mắt họ quả thật là chướng khi phải xem rằng thực tế không tồn tại, cũng như họ dè dặt chấp nhận điều khoản “những điều kiện khác không thay đổi”. Cách thức của Fogel được họ cho là quá tĩnh trong lúc nhiệm vụ của họ là phân tích một thế giới không ngừng biến động. Vậy mà, một cách ngầm ẩn, mọi sơ đồ nhân quả đều giả định cùng một kiểu lập luận: X là nguyên nhân của Y; do đó nếu không có X thì Y cũng đã không xảy ra. Tính hơn hẳn của lịch sử kinh tế mới chính là ở tính rõ ràng của mô hình, và như thế mô hình có thể dễ dàng được phê phán hơn.
Năm 1990, vị trí của lịch sử kinh tế trong mỗi nước rất khác nhau. Tại Hoa Kì, những nhà sử học chuyên nghiệp đã hoàn toàn bỏ nó cho các nhà kinh tế. Thật vậy, đại đa số các nhà new economic historians, cũng như cách đây ba mươi năm, xuất thân từ các khoa kinh tế và cũng trong những khoa này mà họ giảng dạy và nghiên cứu. Các nhà sử học dường như đã từ bỏ việc tự trang bị một hiểu biết kinh tế và thống kê vững chắc, ngại rằng sẽ không đủ sức cạnh tranh với những đồng nghiệp kinh tế. May thay họ còn giữ được vị trí trong business history, lịch sử những doanh nghiệp mà, theo Alfred D. Chandler, tìm được những bài học phong phú hơn trong xã hội học. Trong lịch sử xã hội hay lịch sử tâm tính, cũng có thể sử dụng những phương pháp định lượng và càng dễ hơn nữa khi từ nay đã có sẵn những phần mềm sử dụng dễ dàng mà không chịu sự ràng buộc của những mô hình quá chặt chẽ. Đối với hầu hết những nhà sử học, những bài đăng trong hai tạp chí chính, tờ Journal of Economic HistoryExplorations in Economic History là không đọc được vì công cụ khái niệm gây bối rối. Ngoài Bắc Mĩ ra, lịch sử kinh tế không bắt rễ được tốt, ngoại trừ trong một chừng mực nào đó trong vài đại học Anh hoặc châu đại dương. Đức, Italia, Tây Ban Nha, Đông Âu, cũng như Pháp, vẫn còn là những mảnh đất cần được truyền bá. Ví dụ, tại Pháp, trường hợp gần như là trái ngược với Hoa Kì. Các nhà kinh tế không quan tâm mấy đến lịch sử kinh tế; họ không còn xem việc nghiên cứu những “sự kiện kinh tế” như một con đường hoàng gia. Tất nhiên có những ngoại lệ đáng kể, nhưng cuối cùng rất ít những chuyên gia, có ảnh hưởng tương tự như ảnh hưởng của Robert Fogel, Douglas North, Jeffrey Williamson hay Peter Temin ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Số nhà sử học cũng không đến nỗi ít như đôi lúc ta nghe thấy, dù cho quả đúng rằng lịch sử kinh tế ít thu hút những sinh viên giỏi nhất như cách đây ba mươi hay bốn mươi năm do có sự cạnh tranh của sử học tâm tính (histoire des mentalités). Tuy nhiên số đông tiếp tục làm việc theo hướng phương pháp luận được Ernest Labrousse mở đường cách đây hơn nửa thế kỉ. Một số ít tự đào tạo theo tinh thần của lịch sử kinh tế mới và do đó có thể cộng tác một cách có hiệu quả với các nhà kinh tế. Trong lúc hàng ngày cho thấy là những biến cố kinh tế đè nặng lên cuộc sống con người và tiến hoá của xã hội sẽ là không tốt nếu không dùng đến lịch sử kinh tế, hoặc là do các nhà kinh tế cho rằng quá khứ không giúp được gì để hiểu hiện tại và tương lai mà họ phải mô phỏng, hoặc là các nhà sử học cảm thấy mình yếu kém trong một lĩnh vực có vẻ kĩ thuật hơn lịch sử xã hội, văn hoá, chính trị hoặc ngoại giao. Quá khứ có nhiều bài học, như Peter Temin gần đây đã chỉ nhân nói về cuộc đại khủng hoảng của thập niên 1930, nhưng không thể rút ra được những bài học này từ những hiểu biết hời hợt, tiếp thu không tốt. Ta đã thấy điều này lúc xảy ra cơn khủng hoảng tháng mười năm 1987 khi nhiều người coi đó là sự lặp lại của cuộc khủng hoảng tháng mười 1929 trong khi bối cảnh chung hoàn toàn khác nhau. Chỉ có một sự hợp tác chặt chẽ giữa kinh tế và lịch sử kinh tế, mỗi bộ môn mang đến những đặc tính riêng của mình, mới có thể giúp ta tránh được những phát biểu vớ vẩn và quá đáng như trên. Đối với nhà kinh tế cũng như đối với nhà sử học, thỏa thuận thân tình và công trình chung là một điều cần thiết.
2. Cuộc cách mạng công nghiệp trong thế kỉ XVIII và XIX
Người ta đã nhấn mạnh một cách thích đáng đến cuộc “cách mạng kinh tế đầu tiên”, tức việc khám phá ra nông nghiệp vào thời tiền sử (1), đến cuộc “cách mạng công nghiệp thời Trung cổ”, bước nhảy vọt về năng suất do việc phổ biến cối xay nước (2), thậm chí đến cuộc “cách mạng quản lí” làm xuất hiện nhiều doanh nghiệp có nhiều đơn vị (3). Cho dù những tiến bộ này là quan trọng đến mấy đi nữa thì cuộc cách mạng công nghiệp của thế kỉ XVIII và XIX vẫn là một đoạn tuyệt cơ bản hơn vì nó đã đưa những nền kinh tế và xã hội tây phương, cho đến bấy giờ vẫn tiến hoá chậm theo nhịp độ thế kỉ, đến một chế độ tăng trưởng lũy thừa. Một chế độ, dù có những giai đoạn suy thoái, vốn là những bước tăng trưởng chậm hơn là thụt lùi, vẫn còn hoạt động đến hôm nay. Nếu một thế hệ thứ nhất những sử gia, các nhà sử học Webb, Toynbee (4),... đã nhấn mạnh đến những hậu quả xã hội họ cho là khủng khiếp hơn là đến những biến đổi của những cấu trúc và sự vận hành của nền kinh tế thì trước họ Marx và ba phần tư thế kỉ sau, những nhà kinh tế tự do vấp phải vấn đề chậm tiến như Rostow (6) hay Bairoch (7) tức khắc tìm hiểu việc hình thành sự đoạn tuyệt này. Cách tiếp cận của Marx và của Rostow và Bairoch là một cách tiếp cận kinh tế vĩ mô và nhằm xác định, từ kinh nghiệm của Anh, một mô hình giải thích duy nhất về tính đa dạng của tất cả những trường hợp những nước khác nhau gặp phải.
2.1 Phân tích bằng những nhân tố sản xuất
Những tác giả này giả định là phải có những lượng nhân tố sản xuất có sẵn trước cuộc cách mạng công nghiệp. Như vậy, theo thuật ngữ marxian, vấn đề đặt ra là tích lũy tư bản ban đầu, hay là nguồn gốc của những vốn cần thiết để tỉ suất đầu tư tăng mạnh, điều mà theo lập luận keynesian của Rostow là cần thiết để nền kinh tế cất cánh (take-off) và khởi động một tăng trưởng tự bản thân không giảm sút. Đối với Marx, tích lũy này là do việc khai thác thuộc địa ở châu Mĩ đã, thông qua ngoại thương, chuyển vốn và do hiện tượng rào đất đai lại, tập trung địa tô vào tay những địa chủ lớn. Không chỉ đơn giản là việc rào đất, hiện tượng này đòi hỏi sự tập trung ruộng đất kéo theo những thay đổi trong cơ cấu sở hữu và khai thác, điều kiện tiên quyết cho những đầu tư cải thiện đất. Ngược lại, đối với Rostow và Bairoch, thặng dư sinh ra từ một gia tăng của năng suất công nghiệp nhờ có cuộc cách mạng kĩ thuật và trồng trọt. Cùng một logic đưa đến việc giả định là trước đó phải có sẵn một lực lượng lao động không còn bị ràng buộc với đất. Đối với Marx, hiện tượng rào đất đai đã đuổi những địa chủ nhỏ từ vùng quê về sống chen chúc ở các thành phố và chỉ còn bán sức lao động để bảo đảm sự tái sản xuất: giai cấp vô sản đã hình thành một cách khách quan trước cuộc cách mạng công nghiệp. Đối với Rostov và Bairoch, chỉ có cuộc cách mạng nông nghiệp mới làm dôi ra một lực lượng lao động cho nền công nghiệp mới, vì trong những xã hội tiền công nghiệp 70 đến 80 % dân số lao động phải làm việc để nuôi sống tất cả mọi người.
Nghiên cứu lịch sử hiện đại đã không củng cố những cách đặt vấn đề trên. Khó đánh giá trong chừng mực nào ngoại thương đã chuyển lâu dài của cải từ những ngoại vi ở châu Mĩ về trung tâm châu Âu để được các nhà nước, thương mại và ngân hàng bơm vào lại trong toàn xã hội. Một vấn đề lịch sử cơ bản là phải biết xem những trao đổi bất bình đẳng này có cho phép hay không những xã hội châu Âu tiến từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII vào một thời kì tiền phát triển tạo thuận lợi cho sự khởi động sau này. Nhưng đành phải nhận thấy là những cơ chế chu chuyển là rất phức tạp, vì không phải Tây Ban Nha mà là Anh đã hiện đại hoá nhanh nhất. Ngược lại, nguồn gốc vốn được những những kĩ nghệ gia đầu tiên sử dụng là không do thương mại quốc tế cũng như không do địa tô tài trợ. Mặt khác việc rào đất đai là một cuộc đầu tư đáng kể (30 đến 40 % của tổng đầu tư từ năm 1750 đến năm 1830) và thay vì cung cấp vốn, hiện tương này đã hút vốn trên thị trường. Tương tự như thế, những nghiên cứu về số lao động công nghiệp đầu tiên không cho thấy những ví dụ về nông dân trở thành công nhân hay nhà doanh nghiệp.
John Habakkuk (1915–2002)
Thật ra những nghiên cứu gợi ý là những cách tiếp cận trên đặt sai vấn đề. Vào buổi đầu của cuộc công nghiệp hoá ở Anh, đối với các doanh nghiệp được thành lập, nhu cầu về vốn dài hạn là rất khiêm tốn (8): có thể dễ dàng huy động vốn trong vòng gia đình hay với sự trợ giúp của vài người bạn. Vả lại, ở mức vĩ mô, vốn không phải là hiếm, vì lãi suất vay mượn của Nhà nước thấp. Đầu tư công nghiệp vì thế chỉ là một phần nhỏ của tổng đầu tư và chỉ gia tăng dần dần. Ngược lại nhu cầu vốn ngắn hạn là rất lớn, để trả lương và nguyên liệu và để tài trợ những tồn kho và việc buôn bán, nhưng những công cụ tín dụng ngắn hạn được thiết lập từ thời Trung cổ trong thương mại đủ để thỏa mãn nhu cầu này. Người ta có thể phản bác cách kiến giải này bằng cách cộng những tín dụng khách hàng vào vốn cố định (9). Nhưng không có ví dụ nào để có thể tin rằng huy động đủ vốn là một điều khó khăn.
Ngược lại, thay vì cho thấy là có một “đội quân lao động dự bị”, thị trường lao động Anh những năm 1760-1815 lại có đặc trưng là thiếu lao động, kéo lương tăng lên vào thời buổi mà ngay việc rào đất đai đòi hỏi đẩy thêm hoạt động trong nông nghiệp. Bằng cách so sánh những chi phí và năng suất cận biên của những nhân tố sản xuất, H. J. Habakkuk cho thấy rằng công nghiệp hoá cốt ở việc kết hợp sản xuất tiết kiệm được lao động (“labour-saving”) do giá của nhân tố này tăng: đó là trường hợp của việc cơ khí hoá kĩ nghệ dệt hay việc áp dụng những phương pháp mới sản xuất gang từ than.
2.2 Cơ năng của thị trường
Nếu có thể xem việc sẵn có những nhân tố như là một điều kiện cho phép có tăng trưởng thì sự tồn tại những thị trường đang bành trướng là một tác nhân kích thích chủ yếu. Ngay từ trang đầu bộ Tư bản, Marx tập trung nghiên cứu “hàng hoá” nhưng do tác giả không tin rằng sức mua của lương có khả năng tăng nên đã coi nhẹ tính năng động của thị trường và ưu tiên cho mâu thuẫn giữa tăng trưởng của sản xuất những sản phẩm tiêu dùng và khả năng yếu kém của thị trường để hấp thụ những sản phẩm này, mâu thuẫn này sinh ra những cơn khủng hoảng chu kì. Đối với Rostow và Bairoch, thị trường làm chỗ dựa cho tăng trưởng công nghiệp là thị trường của nông dân do sức mua của họ tăng với năng suất nông nghiệp.
Sự phân tích thị trường nội địa là phức tạp, vì nếu không thể coi nhẹ những tham số về dân số thì tác động của dân số chỉ là gián tiếp trong chừng mực mà tiến hoá của cầu tùy thuộc vào tiến hoá của sức mua của những tầng lớp xã hội khác nhau, tầm quan trọng tương đối, những khuynh hướng tiêu dùng, và cơ cấu tiêu dùng của những tầng lớp này trên những thị trường phân khúc theo từng loại sản phẩm. Ngay từ đầu, luận điểm cho rằng tăng trưởng có tính quyết định của thị trường nông nghiệp, nhờ có cuộc cách mạng nông nghiệp, và hơn nữa do việc thay thế công cụ bằng gỗ bằng công cụ bằng sắt tạo nên một cầu lớn cho công nghiệp gang thép (11), đã bị phản bác một cách chính đáng (12) vì những thay đổi chậm chạp trong nông nghiệp. Ngược lại, một trong những đặc điểm của Anh vào thế kỉ XVIII, so với Pháp, là không chỉ có một sức mua trung bình cao hơn mà nhất là có một giai cấp trung lưu khá phát triển, với số lượng tăng. Tầng lớp này có những khuôn mẫu tiêu dùng ít chịu ảnh hưởng của tiêu dùng phô trương quí tộc nên có xu hướng mua những sản phẩm công nghiệp không mang tính cá biệt. Và như thế người ta đã có thể nói đến một cuộc cách mạng trong tiêu dùng ở Anh vào thế kỉ XVIII (13).
Vai trò của những thị trường nước ngoài cũng rất bị tranh cãi. Thương nghiệp thuộc địa là một trong những động cơ của tăng trưởng vào thế kỉ XVIII. Tuy nhiên một số tác giả như Bairoch chỉ dành cho nó một vị trí thứ yếu, nhấn mạnh đến tỉ trọng nhỏ của xuất khẩu trong GDP. Nhưng nhận xét chung này là ít thích đáng vì xuất khẩu có thể là một tố chất kích thích chủ yếu cho một số khu vực, thậm chí cho một số doanh nghiệp. Mặt khác, điều quan trọng không phải là tỉ trọng của cầu nước ngoài trong sản xuất mà là tỉ phần gia tăng của cầu nước ngoài trong gia tăng của sản xuất. Thế mà ngoại thương Anh từ năm 1700 đến năm 1800 đã tăng gấp ba. Tuy nhiên nếu như Habbakkuk hay Deane nhấn mạnh đến tầm quan trọng của xuất khẩu trong sự công nghiệp hoá của Anh, ta không giải quyết vấn đề khởi động kinh tế nhờ một nguyên nhân ngoại sinh. Vì nếu những nền kinh tế thuộc địa có thể mua những sản phẩm công nghiệp Anh thì đó là vì những nền kinh tế này có thể xuất khẩu những sản phẩm thuộc địa (đường, thuốc lá, bông, cà phê,...) mà tiêu dùng tại châu Âu tăng nhờ mức sống tăng, và điều này đưa ta trở về những đặc điểm của thị trường nội địa. Nhưng một trong những cơ may của Anh có lẽ là nước này đã ngày càng phát triển xuất khẩu sang Hoa Kì, một thị trường rộng lớn có năng lực bành trướng một cách độc lập do dân Mĩ có sức mua cao và dân số tăng nhanh. Sự phát triển, trong bước thứ hai, của thương mại Anh trên bình diện thế giới (14) sau đó, hơn cả việc mở rộng đều đặn nhưng chậm chạp của thị trường nội địa đã cho phép tăng trưởng công nghiệp tăng nhanh.
2.3 England First và tính không điển hình của mô hình Anh
Nếu những lí do khiến cho xác suất xuất hiện cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh vào thế kỉ XVIII là lớn hơn tại Pháp, dù cho Pháp là cường quốc công nghiệp hàng đầu thời bấy giờ, vẫn còn là đề tài được nghiên cứu (15) thì sự kiện chủ yếu vẫn là có cuộc cách mạng công nghiệp đã bắt đầu ở bên kia bờ biển Manche. Cuộc cách mạng công nghiệp Anh là cuộc cách mạng duy nhất diễn ra trong một thế giới chưa được công nghiệp hoá, điều này khiến cho những giải thích về cuộc cách mạng công nghiệp này dành ưu tiên cho những nguyên nhân nội sinh. Ngược lại, những nước khác đã phải cơ khí hoá và theo những cách thức mới của Anh để có thể tồn tại như những nhà sản xuất sản phẩm công nghiệp vì những kĩ thuật cũ không cho phép sản xuất với những chi phí cạnh tranh được: công nghiệp hoá để sống còn, công nghiệp hoá mô phỏng.
Rõ ràng là không thể tìm thấy y nguyên những đặc điểm của công nghiệp hoá Anh ở những nước tiến hành chậm hơn cuộc cách mạng công nghiệp trong một thế giới đã có một cường quốc công nghiệp thống trị. Gershenkron (16) là người đầu tiên nhấn mạnh điểm này: kinh nghiệm công nghiệp hoá của các nước càng trễ thì càng có những khác biệt so với mô hình chuẩn của Anh.
Kinh nghiệm của mỗi quốc gia chịu phải hai ràng buộc, ràng buộc do có cạnh tranh của nước ngoài và ràng buộc phải quản lí di sản trong nước. Những nền công nghiệp hiện đại mới sinh phải được tạm thời bảo hộ, để tránh sự cạnh tranh trên thị trường nội địa của những sản phẩm Anh và phải triển khai một chiến lược xuất khẩu để khỏi đụng trực diện sự cạnh tranh của Anh trên những thị trường nước ngoài. Nếu các nhà kinh tế Anh và những người bắt chước họ trên lục địa ủng hộ tự do mậu dịch và chuyên môn hoá lao động trên bình diện quốc tế thì người Đức List và người Mĩ Carey chủ trương sự cần thiết phải kinh qua một giai đoạn bảo hộ lúc khởi động công nghiệp hoá. Thật ra, ngoại trừ nước Anh trong những năm từ 1840 đến 1914, thế kỉ XIX là thế kỉ của bảo hộ hơn là thế kỉ của chủ nghĩa tự do. Kinh nghiệm những cuộc chiến tranh của Cách mạng (Pháp) và đế chế cũng như kinh nghiệm của cuộc phong tỏa lục địa đã có tính quyết định cho công cuộc công nghiệp hoá lục địa. Trên thị trường châu Âu này, tương đối cô lập khỏi cạnh tranh của Anh, đã có nhiều cơ hội khởi động công nghiệp hoá cho một số nước hay vùng, Bỉ, Thụy Sĩ, Saxe, Rhénanie và cho những doanh nghiệp Pháp mà cuộc phong tỏa được coi như là đã dành riêng một thị trường được bảo vệ. Như vậy địa lí công nghiệp của thế kỉ XIX đã được phác thảo.
Nhưng những kĩ thuật mới, cho dù có đơn giản đi nữa, cũng khó bắt chước được trên lục địa chính vì chúng dựa trên một bí quyết thực nghiệm. Chuyển giao kĩ thuật trong bước đầu được tiến hành bằng cách thu hút các doanh nghiệp, rồi những ê kíp công nhân Anh. Cho đến đầu năm 1840, Anh có một chính sách bảo mật kĩ thuật để giữ ưu thế không gì chối cãi của người đi trước (cấm công nhân rời khỏi đất nước, cấm xuất khẩu máy móc), rồi sau đó để tìm thị trường cho công nghiệp cơ khí, một chính sách ngược lại được áp dụng. Và những nhà sản xuất Anh về máy đã giúp cho công cuộc công nghiệp hoá lục địa để tạo những thị trường cho riêng họ (17). Bắt đầu từ giữa thế kỉ, những nhà xây dựng và kĩ sư Bỉ và Pháp giữ một vai trò tiếp sức cho cuộc công nghiệp hoá lục địa châu Âu và ven bờ Địa trung hải (18).
Kinh nghiệm của mỗi quốc gia có những đặc điểm riêng do tính độc đáo của cơ cấu kinh tế và xã hội mỗi nước. Như thế, tại Pháp, một nước ít đô thị hoá, có một dự trữ lao động nông nghiệp thất nghiệp góp phần duy trì lương ở mức thấp. Cơ khí hoá chỉ được áp dụng cho những thao tác mà máy cho phép đạt được một năng suất rất cao, như trong công đoạn kéo sợi, trong lúc lao động thủ công một thời gian dài là phổ biến ở những công đoạn, như dệt, mà chênh lệch năng suất giữa thủ công và cơ khí là không đáng kể. Như vậy nền công nghiệp cơ khí hoá tăng trưởng cùng với, chứ không cạnh tranh với, một nền thủ công công nghiệp truyền thống. Tương tự như thế, do nguồn than có giới hạn và chi phí khai thác cao, và nhất là việc vận chuyển than, nên cuộc công nghiệp hoá đầu tiên được tiến hành nhờ vào năng lượng thủy lực chứ không nhờ máy hơi nước, và những kĩ thuật gia Pháp đã rất sớm quan tâm đến những kĩ thuật tiết kiệm năng lượng. Cuộc cách mạng công nghiệp ở Hoa Kì cũng có tính độc đáo cao do có những cơ cấu rất khác với châu Âu (thị trường châu Âu ở xa, tăng trưởng mạnh của dân số, lao động ít và do đó chi phí cao, địa bàn thị trường lớn, sức mua của nông dân cao) nên sớm dẫn đến những hình thức công nghiệp hoá toàn diện và chuẩn hoá những chi tiết.
Cuối cùng mỗi nước đi sau không đi cùng một con đường công nghiệp hoá những nước công nghiệp đầu tiên đã trải qua. Ngay từ đầu, mỗi nước này vận dụng những kĩ thuật mới nhất và qui mô doanh nghiệp tối ưu. Do đó vốn cần thiết cho công nghiệp hoá ngày càng quan trọng và đòi hỏi đến tài trợ bên ngoài và đi vay nước ngoài, tạo nên một rủi ro phụ thuộc kinh tế. Nhưng đi trễ không chỉ có thiệt thòi; còn có những lợi thế: năng suất nhanh chóng vượt qua năng suất của những “early comers” và những kĩ thuật mới là dễ triển khai hơn là ở những nước phải tiến hành những chuyển đổi. Chính vì thế mà thứ tự công nghiệp là không cố định nhưng thường thay đổi, Đức và Hoa Kì vượt qua Anh và Pháp trong nửa sau thế kỉ XX.
2.4 Vài hướng nghiên cứu mới
Ngày nay có hai điểm có thể đạt được một sự đồng thuận tương đối:
a)   Trước hết giải thích cuộc cách mang công nghiệp Anh bằng một nguyên nhân duy nhất đưa đến thất bại. Dù cho đó là sức đẩy đầu tiên của tăng trưởng dân số, của cuộc cách mạng nông nghiệp, của cách mạng kĩ thuật, của xu hướng tăng trưởng dài hạn của giá cả, để chỉ nêu những nguyên nhân thường được đưa lên hàng đầu nhất, thì người ta vẫn không thể giải thích nguyên nhân đầu tiên này mà không viện đến những nguyên nhân khác và do đó vẫn ở trong một vòng luẩn quẩn. Cơ cấu và vận hành của nền kinh tế đã buộc phải thay đổi vì những tiến hoá đồng thời của nhiều loại biến đã làm mất ổn định hệ thống xã hội-kinh tế (19).
b)   Thay vì là một thay đổi đột ngột, cuộc cách mạng công nghiệp, ngay cả ở Anh, là một quá trình tuần tự, chậm, và trải dài trên hơn một thế hệ. Như thế việc sử dụng năng lượng thủy lực là phổ biến và sự phổ biến của máy hơi nước là chậm hơn điều người ta hằng nghĩ (20); vai trò của nông nghiệp vẫn còn lớn trong một thời gian dài và những thay đổi đại trà có lẽ diễn ra vào khoảng từ năm 1850 đến năm 1914 hơn (21). Sử liệu ngày nay như vậy nối lại với những đánh giá xưa kia của Clapham (22). Do đó, nếu thành ngữ “cách mạng công nghiệp” vẫn còn được giữ lại, một thành ngữ không có được sự nhất trí của các nhà sử học, thì nó không phải là để nhấn mạnh đến tính đột xuất của cuộc công nghiệp hoá nhưng để chỉ ra rằng đây là một cuộc thay đổi kiểu vận hành của nền kinh tế và không chỉ là một thay đổi số lượng và nhất là đây là một cuộc chuyển hoá chất lượng.
Ngoại trừ hai điểm trên, một số công trình theo bốn cách đặt vấn đề sau dường như là có nhiều hứa hẹn:
1)   Tuy các nhà sử học từ lâu đã biết đến nền công nghiệp nông thôn nhưng khái niệm sơ công nghiệp hoá được F. Mendels (13) đề nghị vào năm 1972 nhấn mạnh đến giai đoạn này như một giai đoạn mở đầu cho bước chuyển sang công nghiệp hiện đại. Trước đây, các tác giả có xu hướng đối lập một nền kinh tế cổ dựa trên nông nghiệp với một nền kinh tế công nghiệp mới ra đời, tùy theo mỗi nước, vào cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, mà coi nhẹ một sự kiện hiển nhiên là ở thế kỉ XVIII đã có một tăng trưởng nhanh của sản xuất công nghiệp. Mối liên hệ giữa sơ công nghiệp và công nghiệp đôi lúc là hiển nhiên: sơ công nghiệp đã cung cấp cho công nghiệp vốn, lao động, bí quyết, kĩ thuật quản lí, doanh nghiệp. Nếu dường như có thể thấy một sự liên tục giữa những vùng sơ công nghiệp và những vùng công nghiệp hiện đại, thì sẽ rất bổ ích để suy nghĩ về những lí do của một số thất bại kéo theo hiện tượng bãi công nghiệp hoá.
2)   Công nghiệp hoá là một quá trình tuần tự, xuất phát từ một vài khu vực và cực phát triển địa lí, lây lan dần sang toàn bộ nền kinh tế. Là một hiện tượng vùng nó cũng là một hiện tượng xuyên quốc gia trong nghĩa là lục địa châu Âu đã công nghiệp hoá từ một vài vùng nằm phủ lên các biên giới, như vùng bắc nước Pháp, Bỉ và vùng Rhénanie-Westphalie hay tập hợp Alsace, Thụy Sĩ, Souabe. Sẽ có tiến bộ trong phân tích công nghiệp hoá thông qua việc hiểu rõ hơn việc nối kết giữa các tầng lớp vùng, quốc gia và xuyên quốc gia (24).
Ferdinand Tönnies (1855-1936)
Max Weber (1864-1920)
3)   Những nền kinh tế và xã hội nào đã dễ dàng khởi động quá trình công nghiệp hoá là những nền kinh tế và xã hội đã trải qua một cuộc “hiện đại hoá” rộng lớn. Khái niệm xã hội này không có định nghĩa chính xác, gợi đến A. Smith cũng như Tönnies, Weber hay Polanyi, và cho phép nhấn mạnh đến những khác biệt sâu sắc giữa nước Pháp hay nước Anh vào năm 1750, nước Nga của thế kỉ XIX hay thế giới Trung cổ; những khác biệt khiến việc nhập chung những ví dụ này lại dưới tên gọi “xã hội truyền thống” là một điều phi lí. R. Cameron cho thấy là trong những cuộc công nghiệp hoá trễ, Đan mạch, Na Uy và Thụy Điển tuy là những nước nghèo nhất châu Âu vào khoảng năm 1850 lại đã tăng trưởng rất nhanh trong lúc Italia, Tây Ban Nha, Trung Âu và Đông Âu có vẻ bị thiệt thòi về lâu dài. Đối với Cameron, một trong những lí do của những sức ì này là những tỉ suất mù chữ cao (25). Một cách chung hơn, mức độ duy lí của các hành vi, khối lượng bí quyết tích lũy được, việc mở rộng những trao đổi hàng hoá, tính phức tạp của những hệ thống thương mại và của những hoạt động dịch vụ, niềm tin của các tác nhân kinh tế vào sự tiến bộ, khả năng thích nghi của họ là mảnh đất thuận lợi để cho công nghiệp hoá có thể triển khai thành công. Phân tích của việc “lỡ tàu” công nghiệp hoá của những nước rất tiên tiến trong sự hiện đại hoá, như những Tỉnh thống nhất, có thể giúp hiểu hơn nối kết của những khái niệm này. Ngược lại, có thể nói đến chăng một cuộc “cách mạng công nghiệp” của nước Nga năm 1913, một nước rất ít “hiện đại”?

4)   Cuối cùng, E. A. Wrigley đặt vấn đề tính không thống nhất của cuộc cách mạng công nghiệp (26). Đối với Wrigley, tại Anh hình như đã có một giai đoạn cơ khí hoá đầu tiên rất hạn chế (1760-1830) cho phép năng suất tăng bằng sự đồng bộ hoá các thị trường và phân công lao động giản đơn, do đó theo những hướng tiến bộ được A. Smith mô tả trong Của cải của các dân tộc. Nhưng gia tăng của năng suất này rồi cũng có thể giảm xuống dẫn đến một trạng thái dừng như Malthus đã nghĩ, trong đó số lượng thực phẩm sẽ ngăn cản mọi tăng trưởng. Tiếp theo đó là một pha thứ hai, không được ghi sẵn một cách tất định trong pha thứ nhất, trong đó những tiềm năng tăng trưởng vô tận xuất hiện nhờ việc thay thế năng lượng thủy lực, động vật và con người bằng năng lượng cơ khí của máy hơi nước và nhờ việc thay thế nhiều nguyên liệu nông nghiệp (ví dụ gỗ) bằng những nguyên liệu có nguồn gốc động vật. Như thế ở mức sản xuất nông nghiệp giới hạn cạnh tranh giữa tiêu dùng của con người, của động vật, nguồn gốc của năng lượng và tiêu dùng của các công nghiệp sẽ không còn nữa. Đối với Wrigley cuộc cách mạng thật sự là bước chuyển từ nền kinh tế gọi là “hữu cơ” sang một “mineral-based energy economy” (nền kinh tế có năng lượng dựa trên khoáng sản). Trong cách nhìn này, công nghiệp bông có lẽ là một cơ may cho Tây phương vì nó có thể tăng trưởng mà không bị giới hạn nào ngoài giới hạn của thị trường vì nguyên liệu được nhập chứ không do những nhà sản xuất nội địa cung cấp gây bất lợi cho tiêu dùng của con người. Ở đây, điều cần lưu ý là sự kết hợp của hai pha này trong thời gian. Tại Anh hai pha này dẫm chồng lên nhau hơn là nối tiếp nhau (việc sử dụng than đã có từ lâu). Hai điểm nữa cần quan tâm là dự trữ của mỗi nước về năng lượng mới (điều được Cameron (25) nhấn mạnh) và vai trò của đường sắt trong tăng trưởng.
Trong những năm 1960, Rostow và Bairoch, đã thử phân tích những cuộc công nghiệp hoá của Tây Bắc châu Âu và của Hoa Kì nhằm rút ra những bài học để vận dụng vào sự phát triển của thế giới thứ ba. Dự án này không thể thành công. Vì những cuộc công nghiệp hoá của thế kỉ XX phải được đề cập với những cách đặt vấn đề hoàn toàn khác. Những kĩ thuật của cuộc công nghiệp hoá thứ hai (xe hơi, điện, hoá học, sắt...) từ nay đòi hỏi những nguồn vốn cực lớn mà một nền kinh tế truyền thống không có khả năng tự cung cấp. Do đó đòi hỏi phải kêu gọi đến vốn nước ngoài điều nay kéo theo nguy cơ phụ thuộc kinh tế, tài chính, kĩ thuật, thậm chí chính trị. Trong một nền kinh tế quốc tế ngày càng hợp nhất, những nước ở ngoại vi càng dễ thành công trong việc công nghiệp hoá khi biết tận dụng, một mặt, những giai đoạn việc hợp nhất tương đối bị chững lại (như các cuộc thế chiến) và, mặt khác, xu hướng phân công lao động quốc tế và những kĩ thuật cho phép phát triển những khu vực của cuộc công nghiệp hoá thứ nhất, như ngành dệt, mà tầm quan trọng tương đối giảm trong những nước thuộc trung tâm công nghiệp thế giới.
3. Công nghiệp hoá và hội nhập quốc tế trong thế kỉ XX
Kể từ đầu thế kỉ XX các sử gia kinh tế bắt đầu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những đổi mới kĩ thuật trong quá trình công nghiệp hoá với luận điểm của Mantoux về cuộc cách mạng công nghiệp Anh ở thế kỉ XVIII và những công trình của Ballot về việc đưa máy móc vào công nghiệp Pháp.
Arthur Lewis (1915-1991)
Nhưng cho tới thời kì gần đây, với những công trình của Mumford, Lewis hay Marchal, người ta ít nhấn mạnh một mặt đến sự tồn tại, ở mỗi thời điểm phát triển, của mối liên kết cấu trúc giữa những phương thức kĩ thuật khác nhau được sử dụng trong nền kinh tế, mặt khác đến tính chất những liên hệ nối liền những tập hợp kĩ thuật với những tập hợp khác, như kinh tế, xã hội hay thể chế. Tất nhiên trên điểm đầu, động thái dẫn từ một đổi mới này đến một đổi mới khác trong khuôn khổ của cùng một tập hợp kĩ thuật hay trong một ngành kĩ thuật đặc biệt đã được phân tích, như trong trường hợp ngành dệt, nhưng người ta ít nhấn mạnh đến sự tồn tại của một hệ thống rộng rãi những tương tác kĩ thuật nối liền toàn bộ các ngành của nền kinh tế từ một số ít chủng loại công nghệ. Xét những thay đổi kĩ thuật đặc trưng của lịch sử kinh tế từ thế kỉ XIX đến nay trong mối quan hệ với sự phát triển kinh tế, sử liệu truyền thống chủ yếu chỉ nhận thấy sự phản ảnh của việc “bành trướng” hay “suy tàn” của một số hoạt động được nắm bắt một cách độc lập với nhau. Đối lập với cách nhìn truyền thống, phân tích đương đại về tiến bộ kĩ thuật như một hệ thống, được những tác giả như B. Gille hay C. Freeman đề xuất, muốn nhấn mạnh đến hai loại nhất quán đặc trưng cho tập hợp những qui trình sản xuất trong những thời kì tăng trưởng: một ở bên trong hệ thống kĩ thuật, và một đặc trưng cho những quan hệ giữa hệ thống kĩ thuật với những hệ thống kinh tế, xã hội và thể chế. Như thế, công nghiệp hoá trong phần lớn thế kỉ XX dựa trên việc xây dựng chậm và tuần tự một hệ thống kĩ thuật mà những yếu tố đầu tiên đã được đặt ngay từ cuối thế kỉ XIX.
Hệ thống kĩ thuật của cuộc công nghiệp hoá thứ nhất dựa trên một vật liệu được sản xuất với giá rẻ, sắt, một sản phẩm tiêu dùng có khả năng phổ biến rộng, vải, một nguồn năng lượng cơ khí mới, hơi nước, và những phương tiện giao thông mới, đường sắt và tàu chạy bằng hơi nước. Ngược lại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai dựa trên một dạng năng lượng mới, điện, một nguồn năng lượng mới, dầu lửa, những vật liệu mới, thép và những kim loại không phải là sắt, chất dẻo, một sản phẩm tiêu dùng lâu bền, xe ôtô.
Cần nhất là không nên đối lập những hệ thống này một cách cứng nhắc; thật vậy chúng sinh ra liên tục, cái mới bắt nguồn từ sự phát triển của cái đi trước (những ứng dụng đầu tiên của điện nhằm làm giảm giá trong những công ti đường sắt). Chúng sống chung với nhau trong thời gian, những ngành khác nhau của hệ thống kĩ thuật cũ cùng một lúc không vấp phải những chướng ngại từ bên trong hay bên ngoài có thể làm giảm hiệu quả sản xuất và những đổi mới kĩ thuật khởi đầu cho hệ thống kĩ thuật mới chỉ khẳng định lần hồi tính chặt chẽ nội tại của chúng. Công nghiệp dệt tiếp tục tồn tại trong thế kỉ XX trong những nước công nghiệp lớn nhưng tỉ phần của nó trong sản phẩm công nghiệp giảm dần, tỉ suất tăng trưởng thấp và sụt giảm của lợi nhuận của công nghiệp này có vẻ như buộc nó phải tiêu vong. Cơn suy tàn này không tất yếu gắn liền với tính chất của chính sản phẩm dù cho mỗi loại vải có một chu kì sống và dù cho tăng trưởng của sản xuất như vậy vấp phải những thị trường bảo hòa. Thật vậy, công nghiệp này có thể hoàn toàn sống lại bằng những sản phẩm đổi mới (với những sợi nhân tạo và tổng hợp) hay bằng việc sử dụng những công nghệ vô cùng tiên tiến.
Vấn đề tính tương thích không chỉ đặt ra giữa những kĩ thuật khác nhau mà cũng còn đặt ra giữa hệ thống kĩ thuật và những tổ chức kinh tế, xã hội và thể chế. Như thế thường là những sản phẩm mới và những phương thức mới hướng đến những hình thức tổ chức lao động mới, đến những kết hợp các nhân tố và cơ cấu thị trường. Công nghiệp xe ôtô là lĩnh vực ứng dụng ưu tiên của những phương pháp sản xuất mới: phương pháp Taylor và lao động trên dây chuyền. Những kĩ thuật này ấn định ở mức cao quy mô tối thiểu của doanh nghiệp và như thế đòi hỏi huy động vốn lớn chỉ có thể khấu hao được bằng một sản xuất đại trà. Do đó, cho loại sản phẩm này, chỉ có chỗ cho một vài nhà sản xuất trong mỗi nước, điều này sinh ra những cơ cấu sản xuất rất tập trung và mang tính độc quyền vài người.
Những tiến hoá kĩ thuật này tạo thuận lợi cho việc quốc tế hoá nền kinh tế công nghiệp. Trước hết, việc một hệ thống kĩ thuật này phủ chồng lên một hệ thống kĩ thuật khác dẫn đến sự xuất hiện trong những nước ngoại vi những ngành công nghiệp của cuộc công nghiệp hoá thứ nhất. Trong số này, công nghiệp dệt thường có một vai trò quan trọng trong cuộc công nghiệp hoá những nền kinh tế kiểu xưa. Hơn cả lợi thế về lao động được coi như một trong những lí do có thể giải thích vai trò này, một lợi thế không thực sự đặc trưng cho ngành dệt so với những ngành công nghiệp khác, có thể ghi nhận sự yếu kém của hệ số vốn. Sản xuất, ngược lại với sản xuất của ngành công nghiệp ô tô, có thể là có lời khi được thực hiện trong những doanh nghiệp nhỏ hay trung bình được hình thành từ nguồn vốn bản địa, dễ dàng vào được thị trường nguyên liệu, công nghệ và máy móc thế giới. Nếu những nước trên đường công nghiệp hoá thường sắm những trang thiết bị có năng suất cao, càng nâng cao lợi thế gắn với chi phí lao động rẻ, thì các nước này cũng có thể mua lại những máy cũ với giá rẻ được công nghiệp của những nước phát triển thải ra vì cho là lỗi thời. Nhiều lợi thế khác nằm ở việc đào tạo tương đối rẻ nhân công cho những nghề gần với những truyền thống thủ công nghiệp bản địa, ở tầm quan trọng của một thị trường có khả năng bành trướng tiềm tàng do gia tăng của dân số. Một cách tổng quát, việc lựa chọn/thích nghi những ngành công nghiệp của đợt công nghiệp hoá thứ nhất thường có chức năng tránh những nhập khẩu tốn kém nhờ việc sản xuất trong nội địa những sản phẩm dựa trên những kĩ thuật đơn giản. Điều này cũng có thể tương ứng với một chính sách di dời địa điểm sản xuất của những doanh nghiệp tại các nước đã công nghiệp hóa đến gần những thị trường tiêu thụ đang bành trướng và né tránh những biện pháp bảo hộ chống lại họ như những doanh nghiệp Bắc Mĩ đã làm tại châu Mĩ la tinh (Brazil, Achentina, Chili và ngay cả Mêhicô) từ trước năm 1929 và tiếp tục trong nửa sau những năm 1930. Những đợt công nghiệp hoá khác nhau đã diễn ra trong những điều kiện như thế nào đã là đề tài tranh luận rộng rãi liên quan đến những lợi thế mà các nước công nghiệp hóa “trễ” đã nhận được khi trực tiếp với tới một công nghệ hiện đại. Dù sao, hai ví dụ thường được nêu, trường hợp của Nga và Nhật, cho thấy, ít ra là lúc đầu, tầm quan trọng của việc có một thị trường đủ rộng để cho việc thích nghi công nghệ hiện đại là có lợi về mặt kinh tế. 
3.1 Những khó khăn của quá trình chín muồi kĩ thuật và sự cách li của những thị trường thế giới: 1900-1950
Nếu những yếu tố đầu tiên của hệ thống kĩ thuật mới với việc sản xuất và phân phối điện và việc phát triển ngành hóa tổng hợp đã xuất hiện vào cơn đại khủng hoảng của những năm 1880, phải đợi đến đầu thế kỉ thì những lĩnh vực này mới thực sự trở nên quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế và chỉ cho một số nước như Đức đối với hóa học, Hoa Kì, Đức và Anh đối với điện; Pháp chỉ đi vào con đường này sau này. Xe ô tô, một trong những động lực của tăng trưởng của thế kỉ XX, chỉ bắt đầu trở thành sản phẩm tiêu dùng rộng rãi vào trước cuộc thế chiến thứ nhất và chỉ ở Hoa Kì thôi.
Sản xuất của những ngành thuộc về cuộc công nghiệp hoá thứ nhất (dệt, luyện kim) chững lại trong những nước công nghiệp già và tỉ trọng của nó trong công nghiệp giảm dần do thị trường nội địa bảo hòa, do việc ngưng những công trường cơ sở hạ tầng (hệ thống giao thông, đô thị hoá) và do thị trường nước ngoài thu hẹp lại. Thật vậy, từ giữa phần ba thế kỉ XIX, những kĩ thuật đơn giản nhất của cuộc công nghiệp hoá thứ nhất đã được phổ biến trong một số nước có nền kinh tế nông nghiệp như Nhật và Nga. Phong trào phổ biến công nghiệp còn được chiến tranh đẩy mạnh. Nhiều nước mới, như Achentina và Brazil mà trước năm 1914 là những nhà cung cấp sản phẩm sơ cấp trong trao đổi quốc tế, hưởng lợi từ sự vắng bóng tạm thời của những công nghiệp xuất khẩu của các nước tham chiến và theo đuổi một chính sách công nghiệp hoá dựa trên việc thay thế nhập khẩu và thường núp sau những hàng rào thuế quan cao. Trong trường hợp của Nhật gia tăng của tiềm năng sản xuất còn cho phép nước này chiếm lấy những thị trường mà theo truyền thống do công nghiệp Anh nắm giữ (ví dụ ngành dệt và đóng tàu). Ấn Độ và Trung Quốc tự đáp ứng được một phần ngày càng tăng của nhu cầu về dệt.
Việc mở rộng địa bàn của những ngành thuộc đợt công nghiệp hoá thứ nhất giải thích một phần những khó khăn giữa hai cuộc thế chiến. Cho đến cuối thế kỉ XIX, tăng trưởng công nghiệp chỉ dựa một phần trên khả năng hấp thụ của thị trường nội địa của những nước công nghiệp tại đó sức mua chỉ tăng chậm. Phần còn lại của tăng trưởng do việc mở rộng dần thị trường ra toàn thế giới gánh vác (Ấn Độ hút lấy 22 % xuất khẩu bông của Anh năm 1840, 31 % năm 1850 và đến 60 % sau năm 1870). Những kĩ thuật của cuộc công nghiệp hoá với sản xuất đại trà chỉ trở nên có lợi với điều kiện là có một cầu quan trọng, có khả năng thanh toán và tăng dần. Thế mà trong những nước công nghiệp châu Âu sức mua của giới bình dân chỉ tăng chậm và không có điều kiện cần thiết nào cho việc hình thành những thị trường tiêu dùng đại chúng; những điều kiện này chỉ có được vào cuối thập niên năm mươi. Tại Hoa Kì, quả là đã xuất hiện vào những năm 1920 một thị trường tiêu dùng đại chúng nhưng sản xuất và năng suất tăng nhanh hơn lương khiến cho khu vực tài chính phình ra, lợi nhuận vượt hẳn những nhu cầu đầu tư và có một xu hướng sản xuất thừa, ví dụ thấy rõ qua gia tăng của tồn kho xe ô tô ngay từ đầu năm 1929. Còn hầu hết những thị trường nước ngoài đều không có khả năng hấp thụ những sản phẩm mới và tốn kém và trở thành nơi cạnh tranh ác liệt giữa những sản phẩm truyền thống hơn.
Nhiều đổi mới công nghệ nảy nở trong giai đoạn của những khó khăn kinh tế và co cụm này nhưng chúng không tạo thành một hệ thống kĩ thuật mới. Thật vậy hầu hết những đổi mới xuất hiện giữa hai cuộc thế chiến giống nhiều hơn với những cải thiện hay bổ sung cho những tập hợp kĩ thuật đã bắt đầu hình thành với cuộc công nghiệp hoá thứ hai vào cuối thế kỉ trước. Nhiều đổi mới triệt để hơn (như phát minh pénicilline hoặc ni lông) cùng với những đổi mới thừa hưởng từ đợt công nghiệp hoá trước bị chậm phổ biến cho đến thế chiến thứ hai, một thế chiến đã tạo thuận lợi cho việc đào sâu nghiên cứu công nghệ.
3.2 Đỉnh cao của hệ thống kĩ thuật: thời điểm của “tăng trưởng cân bằng”
Vào giữa những năm 1950 của thế kỉ hai mươi giai đoạn tái thiết hậu chiến gần như đã hoàn tất ở Nhật và trong các nước châu Âu, nền kinh tế thế giới bước vào một giai đoạn phát triển sản xuất và thương mại quốc tế chưa từng có kéo dài đến giữa thập niên 1960. Chính trong thời kì này, từ kinh nghiệm của những nước tư bản phát triển, những lí thuyết tăng trưởng kinh tế được xây dựng và xuất hiện niềm tin vào khả năng của những nền kinh tế thị trường, được hỗ trợ bởi những chính sách kinh tế thích hợp, đi trên một “đường tăng trưởng cân bằng” cho phép tránh được những cơn khủng hoảng nặng và những thời kì suy thoái. Tiến triển của sản xuất và xuất khẩu là đặc biệt mạnh trong khu vực công nghiệp và cũng như ở thế kỉ XIX, tăng trưởng của xuất khẩu vượt hẳn tăng trưởng của sản xuất.
Khi hệ thống kĩ thuật nở rộ
Tăng trưởng mạnh của thập niên 1950 đến cuối thập niên 1960 được đánh dấu bằng việc hoàn tất hệ thống kĩ thuật và sự phổ biến của hệ thống này, nhờ có tự do thương mại giữa các nước công nghiệp có nền kinh tế thị trường, ở châu Âu và ở Nhật. Phát triển hoàn chỉnh của hệ thống kĩ thuật được thể hiện bằng sự xuất hiện của vô số sản phẩm mới kích thích sự bành trướng của công nghiệp. Cầu sản phẩm hàng tiêu dùng vốn bị kìm nén trong thời chiến và thời kì tái thiết nay được những phương thức định giá mới và những chính sách chịu ảnh hưởng keynesian là một yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng của những ngành công nghiệp khai thác những phát minh có trước chiến tranh như động cơ nổ với xe ô tô, sử dụng điện như nguồn năng lượng (công nghiệp điện và điện tử sản xuất những sản phẩm tiêu dùng lâu bền), sợi tổng hợp hoặc hoá dầu. Những phát minh gần đấy hơn cũng sinh ra nhiều ngành mới như năng lượng nguyên tử và những sản phẩm mới như máy bay phản lực, máy tính điện tử, điện tử đại chúng (đặc biệt là T.V) và bắt đầu có nhiều tiến bộ kĩ thuật lớn trong viễn thông, vi điện tử và công nghệ robot.
Tiến bộ của giao thông và thông tin liên lạc góp phần hợp nhất các thị trường và làm cho phong trào di dời sản xuất trở nên dễ dàng, cho phép những công ti xuyên quốc gia phối hợp dễ hơn hoạt động của những chi nhánh đặt ở những nước khác nhau và khẳng định vị trí hàng đầu của những công ti này trong sản xuất công nghiệp.
Đợt công nghiệp hoá thứ ba
Việc nhiều nước giành lại độc lập sau thế chiến thứ hai là một trong những yếu tố giải thích đợt công nghiệp hoá thứ ba. Mặc dù lịch sử công nghiệp hoá của mỗi nước là độc nhất, có thể lập một bảng phân loại những nền kinh tế công nghiệp tùy theo phương thức công nghiệp hoá từ sau thế chiến và nhất là từ hai mươi năm nay. Lấy tính chất thị trường nội địa hay nước ngoài mà các nước ưu tiên hướng đến làm tiêu chí đầu tiên, có thể kể trong một nhóm thứ nhất các nước Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Hong Kong. Do thiếu tài nguyên thiên nhiên, sau một giai đoạn đầu áp dụng những chính sách thay thế nhập khẩu, các nước này đã từ từ (vào thời điểm chiến tranh Triều tiên đối với Hong Kong, từ 1958 đối với Đài Loan và từ giữa thập niên 1960 đối với Hàn Quốc và Singapore) chuyển sang một chiến lược tăng trưởng dựa trên những công nghiệp có tiềm năng xuất khẩu hơn là dựa vào những ngành công nghiệp giới hạn ở tiêu dùng nội địa. Ngược lại, những nước lớn ở châu Mĩ la tinh hay Trung Mĩ, Mêhicô, Achentina, Brazil từ giữa hai cuộc thế chiến đặt cơ sở tăng trưởng của họ trên việc thay thế nhập khẩu bằng sản xuất nội địa. Có nhiều lí do cho thái độ này. Trước hết, những nước chuyên xuất khẩu những sản phẩm sơ cấp phải gánh chịu sự thu hẹp của thị trường nước ngoài và do đó tác động đến khả năng nhập sản phẩm công nghiệp. Như thế suy giảm của tỉ số mậu dịch đẩy Achentina vào con đường bảo hộ và thay thế nhập khẩu. Lí do thứ hai cho việc theo đuổi sau chiến tranh một kiểu tăng trưởng dựa trên việc thay thế nhập khẩu bằng những công nghiệp nội địa trong những nước mới giành được độc lập chính trị hay mong muốn thoát khỏi những quan hệ thống trị kinh tế là nhằm tránh việc chuyên môn hoá trong sản xuất nguyên liệu và chối bỏ di sản của quá khứ thực dân. Tuy nhiên, lựa chọn này đã giới hạn tính hiệu quả của chiến lược tăng trưởng của họ. Một nhóm thứ ba là những nước châu Á gần đây mới bước vào con đường công nghiệp hoá như Malaysia, Thái Lan, Philipines hay Indonesia. Giàu tài nguyên, trong một thời gian dài phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu, chỉ gần đây, sau khi đôi lúc áp dụng những chính sách thay thế nhập khẩu những sản phẩm tiêu dùng như tại Indonesia và Thái Lan, và phải gánh nợ nần ngày càng nặng, những nước này mới trở thành những nuớc xuất khẩu lớn sản phẩm công nghiệp.
Hơn nữa trong thập niên 1980 những chiến lược tăng trưởng đã thay đổi dưới tác động của những biến đổi của môi trường quốc tế. Đã diễn ra một cuộc rượt đuổi chéo khá nghịch lí giữa “bốn con rồng” Á châu và những nước châu Mĩ la tinh liên quan đến tầm quan trọng tương đối của thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Những tỉ suất tăng trưởng cao của các nước ven Thái Bình Dương và những gia tăng lương quan trọng đã phát triển đáng kể tiềm năng của thị trường nội địa, đặc biệt là ở hai nước đông dân nhất Đài Loan và Hàn Quốc. Ngược lại, cuộc khủng hoảng nợ của châu Mĩ la tinh, bằng cách thu hẹp thêm những thị trường nội địa vốn đã yếu do sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, đã buộc các doanh nghiệp Mỹ la tinh mạnh mẽ lao vào việc tìm những thị trường xuất khẩu tiềm tàng.
3.3 Tiến đến một hệ thống công nghiệp mới?
Tăng trưởng kinh tế thế giới bắt đầu suy giảm từ cuối thập niên 1960. tiếp tục suy giảm gần như liên tục trong thập niên 1970 và nửa đầu của thập niên 1980. Trong giai đoạn đầu của thời kì này, tăng trưởng chậm đã tác động ngay chính trong lòng những nước công nghiệp. Kể từ 1974-1975 còn có thêm một gia tăng chưa từng có của nhu cầu tài trợ của những cơ quan công cộng trong những nước công nghiệp chính và là khởi đầu cho một thời kì suy giảm của tỉ suất tiết kiệm thuần của các hộ gia đình. Từ nửa sau của thập niên 1970, tăng trưởng chậm lần hồi lan đến những nước đang phát triển và những nước có nền kinh tế kế hoạch hoá.
Không có lời giải thích đơn giản và duy nhất cho sự gián đoạn trong nhịp độ tăng trưởng quan sát được ở các nước công nghiệp tây phương từ cuối thập niên 1960. Tuy nhiên một trong những nguyên do chính của sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế thế giới rất có thể là do sự cạn kiệt của những nhân tố cá biệt của sự tăng trưởng đặc biệt trong những năm 1955-1957. Trong số những nhân tố này có giá thấp của một nguồn năng lượng dồi dào, dầu lửa, tự do hoá kinh tế, đặc biệt là ở châu Âu, trái ngược với sự phân chia nhỏ những thị trường đặc trưng cho giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, tính ổn định tương đối của hệ thống thanh toán quốc tế, tốc độ nhanh chóng rút ngắn khoảng cách công nghệ của những nước châu Âu và Nhật so với Hoa Kì. Đi cùng với việc thiết lập trên một bình diện rộng những phương thức sản xuất đại chúng, những chính sách lương gần với “chế độ Ford” tạo thuận lợi cho sự tăng trưởng của những thị trường nội địa.
Tuy nhiên, từ cuối thập niên 1960, ảnh hưởng tích cực của những nhân tố này trên tăng trưởng bắt đầu giảm dần. Nhưng nếu chắc chắn rằng những cú sốc dầu lửa và những căng thẳng tiền tệ đã góp phần làm mất ổn định những trao đổi quốc tế và nền kinh tế mỗi nước thì điểm nổi bật của điều đôi lúc được gọi một cách sai trái là cơn “khủng hoảng” của thập niên 1970 và 1980 là tốc độ tăng trưởng chậm của sản xuất công nghiệp thế giới mà những dấu hiệu đã xuất hiện trước đó. Sự gián đoạn của nhịp độ tăng trưởng và của năng suất công nghiệp bắt đầu trong những nước công nghiệp trước hết tác động đến những ngành kĩ thuật mà những nền kinh tế này đang thống trị (như ngành cơ khí hay trang thiết bị lớn về điện). Do đó có thể xem đây là biểu hiện của những mất cân bằng ảnh hưởng đến phương thức phát triển đã từng bảo đảm sự tăng trưởng mạnh của thời hậu chiến, một phương thức dựa trên hệ thống kĩ thuật của cuộc công nghiệp hoá thứ hai. Tăng trưởng chậm của công nghiệp đi kèm với sụt giảm của phần đóng góp của công nghiệp vào việc tạo ra của cải trong các nước công nghiệp già khiến cho ta phải tự hỏi về một bước quá độ khả dĩ của những nước này sang một xã hội “hậu công nghiệp”.
Những thay đổi kĩ thuật có tính hệ thống không?
Suy tàn của nền kinh tế Anh và sự mờ nhạt dần của phương thức tăng trưởng nước này đã khởi xướng trong thời kì đầu của cuộc công nghiệp hoá nhường chỗ cho mô hình tăng trưởng mới do Hoa Kì triển khai là một quá trình trải dài từ trước thế chiến thứ nhất đến thập niên 1950. Bởi thế người ta có thể đặt câu hỏi là có thể xem giai đoạn mất ổn định hiện nay như một thời kì quá độ giữa hai loại tăng trưởng dựa trên hai hệ thống kĩ thuật chăng. Nhịp độ tăng trưởng chậm của công nghiệp đi kèm với những thay đổi quan trọng trong thứ tự phổ biến của các ngành và sản phẩm từ thập niên 1930 đến thập niên 1960. Những ngành có những tỉ suất tăng trưởng cao nhất, dù cho nhạy cảm với những biến thiên tình thế, là những ngành kim loại, với công nghiệp gang thép luyên kim hay điện cơ học cổ điển hoặc trong khu vực hoá trong lúc những công nghiệp tiêu dùng truyền thống như dệt hay công nghiệp thực phẩm có tăng trưởng đều đặn hơn lại tương đối chậm bước. Trong thập kỉ 1970, thứ tự này đã bị đảo lộn. Hầu hết những công nghiệp thực phẩm, nhờ dựa trên tăng trưởng mạnh của dân số trong thế giới thứ ba và gia tăng của đô thị hoá, đã có những tỉ suất tăng trưởng cao. Hai hiện tượng này đã dẫn đến sự cần thiết phải biến đổi những sản phẩm nông nghiệp (để đáp ứng những nhu cầu vận chuyển và tồn kho). Trong lúc đó, chính trong công nghiệp luyện kim đã xuất hiện những khác biệt giữa các ngành khác nhau, làm đậm nét thêm một xu hướng có thể phát hiện từ ngay thập niên 1960. Những ngành đóng tàu, máy công cụ, thiết bị điện và thiết bị cho hoạt động xây dựng suy sụp; ngược lại ngành điện tử đại chúng và tin học, những thành phần điện tử cũng như thiết bị viễn thông tiếp tục phát triển.
Những thay đổi này một phần là kết quả của tiến hoá kĩ thuật và những dạng của tiến hoá này trong hai mươi năm qua. Tất nhiên hệ quả của tiến độ phát triển nhanh và tầm quan trọng của những ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông là một tăng trưởng đặc biệt nhanh của những khu vực công nghiệp mới nhưng những hệ quả này còn thể hiện qua những thay đổi quan trọng trong những điều kiện hoạt động của hầu hết những ngành công nghiệp hơn là trong cấu hình các khu vực của nền công nghiệp. Thật vậy sự hợp nhất của những trào lưu đổi mới và những kĩ thuật riêng cho mỗi ngành được cụ thể hoá thành việc mở rộng số sản phẩm và những phương thức nền công nghiệp có được, thường là bằng một biến đổi thật sự của những phương thức sản xuất cũng như những điều kiện của cạnh tranh.
Những nét chính của tiến hoá kĩ thuật gần đây trước hết là sự thay đổi trong nguồn gốc những khu vực của phát minh công nghiệp so với thập niên 1950 và 1960, điện tử và những khu vực gắn chặt chẽ với ngành này như dụng cụ khoa học đã thay thế công nghiệp cơ khí và công nghiệp điện hay hoá. Từ địa hình của những phát minh mới này các khu vực đã nối kết nhiều quan hệ tương tác về công nghệ như được minh hoạ qua sự phát triển của công nghệ “cơ khí-điện tử”, hình thành từ những phát minh trong những lĩnh vực sản xuất máy cổ điển và máy điện, công cụ chính xác, thiết bị điện tử và viễn thông. Đặc điểm thứ hai của tiến bộ khoa học là sự tăng tốc của nó. Việc có nhiều nguồn phát minh “thứ cấp” củng cố xu hướng rút ngắn tuổi thọ của sản phẩm với hệ quả là làm cho bộ máy sản xuất nhanh chóng trở thành lỗi thời và có thể dẫn đến việc sử dụng những tư liệu sản xuất theo mô đun linh hoạt hơn. Thật vậy đây là một hệ quả có thể của tiến hoá kĩ thuật mà một số người đã gọi là cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba. Sự thích nghi của chủ nghĩa tư bản công nghiệp được tiến hành qua việc áp dụng những phương thức điều tiết có thể tàn lụi và tạm thời: như vậy lịch sử những hình thức xã hội từ lúc hệ thống kĩ thuật thứ hai ra đời cho đến thời tăng trưởng của thập niên 1960 có vẻ là lịch sử của việc mở rộng lần hồi của chế độ Ford dựa trên mô hình của doanh nghiệp lớn mà mô hình vẫn là doanh nghiệp sản xuất xe ô tô. Trong thập niên 1960 đã xuất hiện những căng thẳng trong hệ thống sản xuất giữa, một mặt, tiến hoá của cầu đặc trưng bởi sự đa dạng hoá và rút ngắn tuổi thọ của các sản phẩm và, mặt khác, tổ chức sản xuất được quan niệm để sản xuất đại trà. Khủng hoảng của mô hình Ford (một khủng hoảng còn tiếp tục gây tranh cãi), mà cú sốc dầu lửa làm thêm gay gắt, đã đưa đến việc thiết lập những phương pháp sản xuất mới, đặc biệt là trong những ngành công nghiệp chế biến và lắp ráp dựa trên một thế hệ trang thiết bị mới có thể sử dụng được một cách mềm dẻo hơn (máy công cụ điều khiển số). Tuy nhiên, những phương pháp sản xuất mới này với những hệ quả kinh tế của chúng (quy mô tối thiểu doanh nghiệp cần thiết để đạt mức lời nhỏ hơn trước, dễ dàng kết hợp hơn hai mục tiêu xưa nay mâu thuẫn là việc tìm kiến những lợi tức theo qui mô và sự cần thiết của một chính sách đa dạng hoá sản phẩm, những hình thức quản lí những luồng và tồn kho tốt hơn) không nhất thiết nhằm thay thế cho doanh nghiệp lớn và những lợi thế của nhà máy kiểu mới đôi lúc bị tranh cãi.
Nền kinh tế các nước tây phương phải chăng đang được phi công nghiệp hoá?
Cùng với sự thay đổi của thứ bậc sản phẩm và các ngành trong nội bộ công nghiệp, nền công nghiệp sản sinh ra những cách tổ chức lao động mới đồng thời đóng góp của nó vào thu nhập quốc gia các nước công nghiệp có xu hướng giảm nhường chỗ cho những dịch vụ. Ngay từ đầu thập niên 1960, công nghiệp ở trong một tình thế tương đối kém, những tỉ suất trao đổi nội địa tiến triển không thuận lợi cho công nghiệp. Hơn nữa, vào những năm 1970, tăng trưởng của năng suất lao động, mà gia tăng cho tới lúc bấy giờ vẫn bù đắp một phần tiến hoá tiêu cực của giá công nghiệp, sút giảm. Trong bối cảnh đó, xu hướng gia tăng nhanh và dai dẳng của lương công nghiệp làm cho khả năng sinh lời càng tồi tệ thêm và càng thêm đậm nét do tỉ số mậu dịch xấu đi gắn với cú sốc dầu lửa đầu tiên. Việc làm trong công nghiệp bắt đầu mất đi và qua đó củng cố ý tưởng về sự tiến hoá đến một xã hội hậu công nghiệp.
Tuy nhiên cần phải diễn đạt tinh vi hơn sự suy giảm tương đối của công nghiệp. Một mặt công nghiệp vẫn giữ một vị trí trội nhất trong những trao đổi quốc tế ở thời đại hội nhập ngày càng cao của nền kinh tế thế giới (giữa cuối thập niên 1960 và cuối thập niên 1980 tỉ trọng của những trao đổi trong GDP của thế giới tăng từ 12 đến 20 %). Mặt khác, công nghiệp gắn với những hoạt động dịch vụ. Nếu tăng trưởng của đóng góp của dịch vụ vào GDP được duy trì lâu hơn tăng trưởng của đóng góp của công nghiệp, phần lớn là vì những nhu cầu mà việc tiếp tục công nghiệp hoá đòi hỏi. Tự bản thân nó, sản xuất công nghiệp cần đến một cơ sở hạ tầng quan trọng về giao thông, dịch vụ ngân hàng và thương mại. Những tiến bộ trong việc chuyên môn hoá có xu hướng “ngoại sinh hoá” những hoạt động dịch vụ trước đó được tiến hành trong nội bộ doanh nghiệp công nghiệp như việc bảo trì hay quét dọn, việc quảng cáo; tăng trưởng của đô thị hoá đi cùng với công nghiệp hoá kéo theo việc phát triển những hoạt động quản trị địa phương hay đường sá. Cuối cùng việc hiện đại hoá những dịch vụ và trang thiết bị mà công nghiệp hoá đòi hỏi mở rộng thị trường cho công nghiệp đổi mới nhất (đặc biệt là cho tin học và viễn thông) song không vì thế mà bổ khuyết cho năng suất kém dường như là cố hữu của loại công việc trong rất nhiều ngành dịch vụ vốn ít tự động hoá dễ dàng bằng trong công nghiệp chế tạo.
Tiến đến một bản đồ địa lí công nghiệp mới?
Mặc dù tính lâu dài của những xu thế và tương quan lực lượng mới được bàn cãi nhưng hai mươi lăm năm qua đã hình thành một bản đồ công nghiệp thế giới mới xét lại ranh giới truyền thống phân chia Nam Bắc. Đặc biệt việc phát triển nhanh những trao đổi sản phẩm công nghệ cao (nhất là những trang thiết bị) là thuận lợi cho những chuyển giao công nghệ ở tầm quốc tế, thông qua việc thiết lập những chi nhánh của những công ti đa quốc gia và những thỏa ước xuyên bên giới, và càng thêm dễ dàng do có những cố gắng xóa nạn mù chữ và đào tạo, tuy mức độ khác nhau tùy từng nước, nhưng rõ nét ở mọi nơi. Trong quá trình công nghiệp hoá ở mức độ quốc tế vào cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, cần phải nhấn mạnh vai trò mấu chốt của ngành công nghiệp xe ô tô, giống như vai trò của công nghiệp bông trong quá trình công nghiệp hoá vào thế kỉ XVIII và đầu thế kỉ XIX. Một cách tổng quát, sức nặng kinh tế của những nước công nghiệp già, và nhất là của Hoa Kì đã giảm từ cuối thập niên 1960 nhường chỗ cho sự tăng trưởng mạnh của những cường quốc công nghiệp mới. Công nghiệp Mĩ trải qua một cơn khủng hoảng nặng về năng suất, chịu phải sự cạnh tranh khốc liệt của những công nghiệp trẻ của Nhật và những nền kinh tế công nghiệp mới xuất hiện trên bờ Thái bình dương. Trong hai mươi năm sau xu hướng suy giảm tương đối của Hoa Kì trong sản xuất và thương mại quốc tế vẫn tiếp tục. Tất nhiên Hoa Kì vẫn còn giữ một khả năng lớn về đổi mới kĩ thuật nhưng thường được thiết kế trong những cực xuất sắc của các chương trình lớn về không gian hay quân sự với một xu hướng nặng về những kĩ thuật phức tạp và việc nắm vững kĩ thuật hơn là khai thác kinh tế. Hoàn toàn phụ thuộc về năng lượng, Nhật đã chứng minh khả năng thích nghi cơ cấu của nền công nghiệp đặc sắc của nước này tiếp sau hai cú sốc dầu hỏa. Gần đây tăng trưởng của Nhật đã chậm lại nhưng vẫn còn liên tục nếu so sánh với thành tựu của các nước công nghiệp khác. Sức nặng của Nhật trong sản xuất thế giới dựa trên những khu vực năng động của cầu thế giới như điện tử và những sản phẩm tiêu dùng lâu bền (thiết bị hi-fi, đầu máy). Nhật đan kết nhiều mối quan hệ chặt chẽ với những nền kinh tế mới công nghiệp hoá ở châu Á. Công nghiệp hoá phổ biến nhanh trong khu vực này của thế giới và buộc phải xét lại những vị thế công nghiệp hoá và những luồng trao đổi trước đây.
Như thế, một số nước, lợi dụng chu kì tuần hoàn của những dòng đô la dầu lửa và việc phát triển của những thị trường dầu lửa mới, có sức cạnh tranh cao đã bước vào giai đoạn công nghiệp hoá như Hong Kong, Singapore và Đài Loan đã từng trải qua trong thập niên 1960.
Sự phát triển nhanh chóng của các nước này thay đổi hoàn toàn địa lí công nghiệp thế giới. Vào đầu thập niên 1970, được xem như những xưởng đơn giản làm việc cho các công ti đa quốc gia đi tìm nguồn nhân công rẻ để tiến hành sản xuất thông thường (như việc lắp ráp những thành phần đơn giản của thiết bị điện tử) các nước này trong mười năm đó ngày càng hiện ra như như những cực phát triển độc lập. Lợi thế so sánh có được nhờ nhân công rẻ và khéo tay tạo cho các nước này một sức cạnh tranh đáng kể trên các thị trường thế giới. Ban đầu rất mạnh trong thương mại quốc tế những sản phẩm công nghiệp đơn giản, một số những nước này dần dần trở thành những nhà cạnh tranh có hiệu quả cung cấp trang thiết bị hay sản phẩm cao cấp.
Tuy nhiên sức mạnh mới toanh của những nước này cho đến cuối thập niên 1980 bị giới hạn do phụ thuộc nhiều vào nước ngoài về nguồn năng lượng và nhất là về thị trường. Số bán sản phẩm công nghiệp quá phụ thuộc vào trạng thái của những thị trường tây phương. Tuy nhiên tình hình này có xu hướng thay đổi và đôi lúc một cách ngoạn mục, như ở Đài Loan và Hàn Quốc, khi thị trường nội địa từ nay có vai trò chủ yếu trong tăng trưởng. Nhưng cùng với việc định hướng lại vào những thị trường nội địa, gia tăng của thu nhập có xu hướng làm mất đi lợi thế cạnh tranh gắn liền với chi phí lương thấp. Giáp mặt với sụt giảm của sức cạnh tranh, một sụt giảm được sự lên giá của đồng nội tệ làm nặng thêm, một số nước này, tiếp theo Nhật, lao vào quá trình di dời sản xuất sang những nước dồi dào nhân công rẻ (như Đài Loan dời sản xuất sang Thái Lan, Malaysia hay Phi luật tân) và do đó góp phần vào việc phổ biến những hoạt động công nghệ.
Nếu lịch sử từ thế kỉ XIX cho thấy là công nghiệp được phổ biến lần hồi đến những nước trước đó chỉ có một nền kinh tế nông nghiệp thì cũng không nên quên rằng một số rất lớn những nước đang phát triển dường như ở ngoài quá trình này. Một khi đã có nhận xét như thế thì dù sao hệ thống sản xuất công nghiệp toàn cầu đã phát triển với một cường độ và tốc độ chưa từng có trong vòng mười năm qua. Thay đổi của bối cảnh công nghiệp thế giới thể hiện đặc biệt qua tăng trưởng của đầu tư trực tiếp vào nước ngoài từ Hoa Kì, Nhật, Tây Âu và cả từ những nước mới công nghiệp hoá. Không thể giả thích xu hướng di chuyển sản xuất ra nước ngoài chỉ bằng sự biến đổi của lợi thế so sánh quốc tế với việc giảm chi phí vận tải và viễn thông tạo điều kiện thuận lợi cho việc đặt những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động trong các nước phát triển. Việc quốc tế hoá sản xuất còn được giải thích bởi mong muốn thoát khỏi những cản trở thương mại hiện rõ hoặc ẩn mặt (hạn chế xuất khẩu tự nguyện, điều khoản chống phá giá) và tránh những nhiễu loạn trao đổi do biến động cực kì của tỉ suất hối đoái gây ra. Chuyển động về toàn cầu hoá và phân tán sản xuất công nghiệp là một thay đổi đáng chú ý so với chiều hướng thống trị cho đến đầu thập niên 1970. Trong lúc trước thời điểm này, một trong những đặc điểm của công nghiệp hoá nằm ở việc hợp nhất theo chiều dọc và sự tập trung sản xuất phái sinh từ lợi tức theo qui mô, thì từ nay những điểm nổi bật nhất là sự phát triển của việc thầu lại những phần rời và sự phân tán địa lí của sản xuất có được nhờ việc chuyên môn hoá và chuẩn hoá.
Điều đáng ghi nhận là những thay đổi cấu trúc này đi cùng với việc nền công nghiệp thế giới quay về, trên một cơ sở được mở rộng hơn trước, tính chất đa cực, một tính chất có thể là phổ biến hơn là ngoại lệ, như lịch sử giữa hai cuộc thế chiến đã từng cho thấy. Nhiều nước mới đây đã bước vào thời đại công nghiệp, một cách không liên tục. Nếu có nhiều lối giải thích những nguyên nhân của nhịp độ phát triển, kể cả những giải thích không coi nhẹ những nguyên nhân ngoài phạm vi kinh tế như các cuộc chiến tranh thì những bước đi ban đầu của quá trình công nghiệp hoá cũng tùy thuộc rất lớn vào tính chất của những công nghệ thống trị ở một thời điểm nhất định. Như vậy một đợt đầu phổ biến công nghiệp hoá đã sử dụng công nghiệp bông làm vectơ ngay khi hệ thống kĩ thuật của cuộc công nghiệp hoá thứ nhất mà vectơ này là biểu trưng bắt đầu nhường chỗ cho những yếu tố của một hệ thống kĩ thuật mới. Và trong đợt mới đây, khi hình như đang hình thành một tập hợp những công nghệ mới, việc gia nhập quá trình công nghiệp hoá thường được tiến hành thông qua công nghiệp xe ô tô. Như thế một trong những vấn đề quan trọng cho tương lai nền công nghiệp thế giới đối với những nước muốn công nghiệp hoá là, trước tính linh hoạt của những công nghệ này, có khả năng nắm bắt những công nghệ mới, hay ngược lại chi phí và tính phức tạp của chúng sẽ ngăn cản việc du nhập/thích nghi chúng vào một môi trường kinh tế và xã hội kiểu cũ. Khó có thể kết luận, trừ khi là có chủ đích trước, từ kinh nghiệm của quá khứ rằng công nghiệp hoá tất yếu sẽ tiếp tục, cũng như dự báo thiếu thận trọng những nhịp độ và phương thức công nghiệp hoá.
Thuật ngữ then chốt:
Bãi công nghiệp hoá
Cách mạng công nghiệp
Công nghiệp hoá
Kinh tế-thế giới
Hợp nhất
Tài liệu tham khảo
Của đoạn 1:
(1) Malinvaud E. (1990), “Propos de circonstances sur les orientations de la discipline économique”, Annales ESC, janvier-fevrier, n0 1.
Của đoạn 2:
(1) North D. (1981), Structure and Change in Economic History, New York, London.
(2) Gimpel J. (1975), La révolution industrielle du Moyen Age, ed. du Seuil.
(3) Chandler A. D. Jr. (1977), The Visible Hand. The Managerial Revolution in American Business, The Belknap Press of Harvard University Press
(4) Toynbee A. (1884), Lectures on the Industrial Revolution in England, London
(5) Marx K. (1965), Le Capital, trad. fr., ed. de la Pléiade, Paris
(6) Rostow W. W. (1960), The Stages of Economic Growth, Cambridge University Press
(7) Bairoch P. (1963), Révolution industrielle et sous développement, Paris
(8) Pollard S. (1964), “Fixed Capital in the Industrial Revolution in Britain”, Journal of Economic History, XXIV. Crouzet F. (1972), Capital Formation in the Industrial Revolution, London (in lại một phần trong F. Crouzet (1985), De la supériorité de lAngleterre sur la France, Paris, Perrin)
(9) Richardson P. (1989), “The Structure of Capital During the Industrial Revolution Revisited: Two Case Studies from the Cotton Textile Industry”, The Economic History Review, 2e ser. XLII, n0 4
(10) Habbakeuk, H. J. (1962), American and British Technology in the Nineteenth Century, Cambridge.
(11) Bairoch P., op. cit.
(12) Crouzet F. (1967), “Agriculture et révolution industrielle. Quelques réflexions”, Cahiers dHistoire, Tome XII
(13) McKendrick N. Brewwer J., Plumb J. H. (1982), The Birth of a Consumer Society. The Commercialization of Eighteenth Century. England. London, Europa Publications
(14) Crouzet F. (1980), “Toward an Export Economy: British Exports during the Industrial Revolution”, Explorations in Economic History, vol. 17, n0 1 (in lại trong De la supériorité..., op. cit.)
(15) Crafts N. F. R. (1977), “Industrial Revolution in England and France: Some Thoughts on the Question: “Why was England first?”, The Economic History Review, 2e ser.,vol. 25,  n0 3
(16) Gershenkron A. (1962), Economic Backwardness in Historical Perspective, Cambridge, Mass.
(17) Bruland K. (1989), British Technology and European Industrialization. The Norwegian Textile Industry in the Mid-Nineteenth Century, Cambridge University Press  
(18) Cameron R. (1971), La France et le développement économique de lEurope 1800-1914, trad. fr., Paris, éd. du Seuil
(19) Lebrun P., Brưier, M., Dhont J. và Hansotte G (1979), Histoire quantitative et développement de la Belgique au XIX siècle. Essai sur la révolution industrielle en Belgique 1770-1847, Bruxelles
(20) Tunzelmann G. N. von. (1978), Steam Power and British Industrialization to 1860, Clarendon Press, Oxford
(21) Musson A. E. (1978), The Growth of British Industry, London
(22) Clapham J. H. (1930), An Economic History of Modern Britain, Cambridge University Press
(23) Mendels F. (1972), “Proto-Industrialization, the First Phase of Industrialization”, Journal of Economic History. Clarkson L. A. (1985), Proto-Industrialization, the First Phase of Industrialization?, Macmillan, Houndsmills, Basingstoke, Hampshire and London
(24) Một điểm khởi đầu trong:
Pollard S. (ed.) (1980), Region und Industrialisierung, Göttingen
Pollard S. (1981), Peacefull Conquest, The Industrialization of Europe, 1760-1970, Oxford University Press, Oxford
(25) Cameron R. (1985), “A New View of European Industrialization”, The Economic History Review, 
(26) Wrigley E. A. (1988), Continuity, Chance and Change, The Character of the Industrial Revolution in England, Cambridge, New York, New Rochelle, Melbourne, Sydney, Cambridge University Press, 1988
_______________
Phiếu số 1: Kinh tế-thế giới (Maurice Aymard)

Trong quyển thứ ba Le Temps du Monde của bộ Civilisation matérielle, économie et capitalisme[3], Fernand Braudel đã đưa thành ngữ kinh tế-thế giới vào trong ngôn ngữ và hệ thống tham chiếu của các sử gia kinh tế. Nhưng ba mươi năm trước đó ông đã sử dụng nó ngay từ lần xuất bản đầu tiên của Méditerranée et le Monde méditerranéen à lépoque de Philippe II[4] trong một một bối cảnh khác và theo một định nghĩa rõ ràng là không đầy đủ bằng. Từ tác phẩm đầu sang tác phẩm sau, nghĩa của thành ngữ về hình thức chỉ được làm rõ hơn ít đổi hơn là sức quyến rũ của nó: thành ngữ được đặt trong một hệ thống giải thích và biểu trưng thế giới.
Áp dụng cho Địa Trung Hải vào thế kỉ XVI, “kinh tế-thế giới” được dùng để dịch những thành ngữ Đức Weltwirtschaft hay Welttheater, tức là một “không gian kinh tế được tổ chức theo kiểu của thế giới ngày nay”, còn sống “chủ yếu [...] dựa trên chính nó, chỉ giao tiếp với phần còn lại của thế giới, và đặc biệt với Viễn Đông, về những cái thừa thải không cần thiết, “trong những vùng kinh tế bổ sung cho nhau, gắn liền với nhau theo một trật tự địa dư”. Mặc dù có nguy cơ vùng ven biển Địa Trung Hải bị phân nhỏ, dù mới có sự mở cửa ra nền “kinh tế Thái Bình Dương”, vũ trụ này vẫn giữ “một đời sống tự vận hành bên cạnh, bên trên và thông qua những vũ trụ con [...] được tổ chức cho chính nó”, những “vùng kinh tế kinh tế bán kính nhỏ [...] nửa đóng”, nhưng không hoàn toàn khép kín, “chia nhau [...] không gian rộng lớn của biển cả nằm giữa” (trang 320-325). Năm 1979, ông nói rõ là toàn bộ nền kinh tế này “không phải là tất cả đời sống kinh tế của biển cả và những vùng phụ thuộc vào biển” nhưng là “lớp mặt trên”- chỉ tồn tại nhờ “hoạt động của một vùng hẹp, trái tim công nghiệp và kinh tế của không gian này, tứ giác Gênes, Milan, Vienne, Florence” (trang 339); “mọi nền kinh tế-thế giới chấp nhận một trung tâm, một vùng quyết định thúc đẩy những vùng khác, và tự mình nó xác lập tính thống nhất của không gian này” (I, trang 354) trên cơ sở một “phân công lao động theo địa lí”.
Như thế, ngay từ tác phẩm Méditerranée việc qui chiếu về nền kinh tế-thế giới cho phép “nắm bắt không gian” ở một mức độ nhất định. Nó trả lời thách thức của “kẻ thù số 1” là những khoảng cách địa dư. Với Le temps du Monde khái niệm này trở thành nguyên lí trung tâm tổ chức không gian trên bình diện toàn cầu và trong dài hạn. Vì “từ muôn thuở, ít ra là từ rất lâu, đã có những nền kinh tế-thế giới” (trang 14). Và tất nhiên không chỉ ở châu Âu.
Immanuel Wallerstein (1930-)
Thật vậy, giữa hai thời điểm trên, thành ngữ đã được Immanuel Wallerstein[5] dùng lại. Tác giả này lấy lại định nghĩa của Braudel nhưng đặt ưu tiên cho nền kinh tế-thế giới tư bản, một nền kinh tế tự khẳng định được vào khoảng 1450 so với tất cả những nền kinh tế-thế giới đã xuất hiện trước đó: lần đầu tiên trong lịch sử, nền kinh tế-thế giới tư bản không đồng nhất với một kiến trúc thượng tầng nặng nề và tốn kém của một đế chế, nhưng ngược lại bao gồm trong một tổng thể, với những qui tắc vận hành do nó áp đặt, có nhiều thực thể chính trị, trong số đó Nhà nước quốc gia có xu hướng lấn thế. Kinh tế-thế giới tư bản kích thích sự cạnh tranh giữa những thực thể chính trị này mà không để cho bất kì thực thể nào nuốt chửng nó hoàn toàn. F. Braudel, về cơ bản đồng ý với I. Wallerstein nhưng khác tác giả này trên ít nhất ba điểm: nền kinh tế-thế giới châu Âu sinh ra trước thế kỉ XV; và đã sống chung một cách lâu dài với những nền kinh tế-thế giới có trước nó, những nền kinh tế-thế giới này được tổ chức trên cùng một mô hình với nó, với một “cực đô thị, {...], một thành thị tư bản thống trị” (trang 17); cuối cùng từ Rome đến Ấn Độ và Trung Quốc, “ràng buộc của một đế chế áp bức “đã không ngăn trở” một nền kinh tế-thế giới bị bạc đãi, kiểm soátsống và tự tổ chức” được. Như thế tính đặc thù của châu Âu bị tương đối hoá và có thể rút ra những qui tắc chung cho phép so sánh những ví dụ khác nhau biết được về kinh tế-thế giới.
Có ba loại qui tắc: mọi nền kinh tế thế-giới được định nghĩa bởi không gian của nó một không gian biến đổi chậm một trung tâm luôn là một thành phố tư bản thống trị và thứ bậc của những vùng hợp thành nền kinh tế thế-giới này.
Một không gian: thế giới trong một thời gian dài bị chia cắt thành nhiều tập hợp, bị những vùng biên giới tương đối ổn định vì ít dân cư hay do khó vượt qua hay khó kiểm soát được ngăn cách nhau. Do đó có một tổ chức những trao đổi thuận tiện cho thương mại trong nội bộ mỗi vùng luồng giao dịch duy nhất mà đối tượng là những sản phẩm với số lượng lớn và thậm chí nặng nề và giới hạn những luồng trao đổi nếu có từ vùng này sang vùng khác vào những lượng sản phẩm nhỏ và có giá cao: vàng và nô lệ đổi lấy muối qua Sahara, gia vị đổi lấy kim loại quí giữa Nam Á và Đông Nam Á với Địa Trung Hải và châu Âu; một châu Âu cho đến cuối thế kỉ 15 về phía tây bị Đại Tây Dương giới hạn và chỉ từ thế kỉ 13 mới có một liên lạc trực tiếp và mong manh với Trung Quốc “con đường tơ lụa” –; những khoảng cách một lần nữa vẫn là “kẻ thù số 1” cho phép sự củng cố những mất liên tục lâu dài trong việc tổ chức không gian.
Một trung tâm: một cực đô thị mở ra biển cả phương tiện duy nhất để chiến thắng những khoảng cách do đó, luôn là một cảng có khả năng thu hút, luân chuyển và phân phối hàng hoá, con người, thông tin và vốn, và tại đó một thiểu số những tinh hoa của những nhà buôn lớn “làm mưa làm gió” và phát triển một “chủ nghĩa tư bản nhất định”. Tuy nhiên cho dù có được những thị trấn ít quan trọng hơn tiếp sức, sự thống trị này vẫn mong manh và tạm thời: do đó có việc những thành phố nối tiếp nhau đứng đầu mà nền kinh tế-thế giới của châu Âu là một ví dụ đẹp nhất với một chuỗi những Venise (thế kỉ XVI) Anvers rồi Gênes (thế kỉ XVI) Amsterdam (thế kỉ XVIII) London (XVIII-XIXX) và New York (thế kỉ XX). Đi kèm với chuỗi này là sự dịch chuyển của trọng tâm từ Địa Trung Hải sang Đông-Tây của châu Âu, rồi tiếp đến sang Đại Tây Dương.
Một thứ bậc, hay đúng ra nhiều thứ bậc không ngừng bị xét lại nhưng liền sau đó được khẳng định giữa nông thôn và đô thị, giữa những vùng ngoại vi và vùng trung tâm, giữa kinh tế địa phương, với đường kính hẹp và vùng thống trị cao hơn mà chính xác là “cái lõi” thúc đẩy toàn bộ. Quan tâm đến những khác biệt và mất liên tục, Fernand Braudel phân biệt một cách tinh vi việc chia ba (trung tâm/nửa ngoại vi và ngoại vi) do Immanuel Wallerstein đề nghị nhưng giữ lại điều cốt yếu. Sự phân chia lao động trên bình diện quốc tế kéo theo và duy trì việc chuyên môn hoá các vùng khác nhau, dành cho những vùng ngoại vi việc sản xuất những sản phẩm thứ cấp; sự phong phú và thật ra là một thứ bậc của những hình thức kiểm soát và bóc lột lao động: những hình thức này, trong cùng một hệ thống kinh tế-thế giới, đi từ chế độ làm thuê, dành cho trung tâm, đến chế độ nông nô và nô lệ của những vùng ngoại vi, qua vô số những hình thức trung gian như mới hôm qua đây còn là tô rẽ đôi, tức chế độ putting-out system. Việc tích luỹ không đồng đều của lợi nhuận, có lợi cho cái “lõi” đô thị, mà tính ưu việt thể hiện trong một nghệ thuật sống dựa trên sự xa hoa và một dư thừa nhất định của những sản phẩm vật chất và văn hoá.
Vừa là khái niệm vừa là ẩn dụ, cách công thức hoá của Braudel càng thêm phần quyến rũ do nó cho phép đặt trong viễn cảnh dài hạn của lịch sử việc chuyển từ một thế giới vốn đa dạng từ lâu, được phân chia thành nhiều tập hợp tương ứng với bấy nhiêu vùng văn minh, song tính thống nhất này không đòi hỏi sự thuần nhất sang một vũ trụ lần hồi thống nhất, không ngừng được sắp xếp có thứ tự thông qua sự bành trướng của một hệ thống kinh tế-thế giới, hệ thống kinh tế-thế giới châu Âu bung ra từ thế kỉ XVI với việc sáp nhập Đại Tây Dương và không gian Mĩ. Một sự chiếm lĩnh khiến cho châu Âu có khả năng đẩy dần biên giới về hướng tây, với việc sáp nhập nước Nga (thế kỉ XVII-XVIII), rồi đến việc khuất phục nếu không phải là sáp nhập trọn vẹn những hệ thống kinh tế-thế giới lớn của châu Á: Ấn Độ vào giữa thế kỉ XVIII và Trung Quốc từ giữa thế kỉ XIX. Tuy nhiên, sự thống nhất ấy đến nay vẫn chưa hoàn thành xong[6], vì Nga và Trung Quốc đã lần lượt đi tìm trong chủ nghĩa xã hội con đường lấy lại sự tự chủ cũ. Sự thống nhất này đã kéo theo sự suy yếu tương đối của châu Âu ngày nay nằm trong một thế giới mà cực thống trị từ cuối những năm 1920 nằm ở Hoa Kì: nhưng một số tác giả dự đoán một suy yếu tương đối của không gian Đại Tây Dương nhường chỗ cho vùng Thái Bình Dương và một dịch chuyển mới của trung tâm về hướng bờ biển tây của Hoa Kì, thậm chí về hướng Nhật Bản.
Tuy nhiên nhiều tác giả từ chối nguyên lí và việc sử dụng thành ngữ kinh tế-thế giới của F. Braudel và I. Wallerstein. Thật vậy thành ngữ này đưa đến việc xét lại một số lớn những tư tưởng hay lí thuyết được các nhà sử học và kinh tế chia sẻ trên một loạt những điểm chính xác:
việc phân biệt kinh tế-thế giới và kinh tế toàn cầu đòi hỏi một cách biểu trưng vừa không liên tục vừa phân tán của không gian: tuỳ theo vị trí ta đứng thì cùng một nguyên nhân không đưa đến những hệ quả giống nhau;
những đơn vị không gian chuẩn không còn là nền kinh tế quốc gia và nền kinh tế quốc tế mà là một đơn vị trung gian tồn tại trước và, trên nhiều khiá cạnh, ấn định ngay chính sự xuất hiện của những nền kinh tế quốc gia: London là thành phố-thế giới đầu tiên hoàn thành sự thống nhất thị trường nội địa Anh, và đó không phải là trường hợp của Venise lẫn của Amsterdam. Ngược lại, nếu F. Braudel coi tầm vóc của thị trường nội địa là chìa khoá để duy trì vị thế trung tâm có thể dự đoán trước thì một số tác giả cho rằng trung tâm của kinh tế-thế giới tư bản từ nay đang trên đường đồng nhất với nền kinh tế toàn cầu và có thể không còn được đồng nhất với một nền kinh tế quốc gia nhất định để trở thành siêu quốc gia;
sự sống chung, ngay trong nội bộ của một nền kinh tế-thế giới, của nhiều hệ thống thống trị và bóc lột lao động đoạn tuyệt chính ngay với ý đồng nhất hoá và phục tùng chỉ một logic tổ chức duy nhất làm chỗ dựa cho khái niệm phương thức sản xuất;
cũng tương tự như chủ nghĩa tư bản, như một thượng tầng kiến trúc thống trị cả hệ thống kinh tế-thế giới, đã tồn tại ở thế kỉ XVI tại châu Âu và những nơi khác, cuộc cách mạng công nghiệp không phải là một đoạn tuyệt cơ bản mà chỉ đơn giản là một giai đoạn và một thay đổi kích cỡ trong một tiến trình dài hạn hơn, và do đó việc đối lập chủ nghĩa tư bản thương mại và chủ nghĩa tư bản công nghiệp chỉ là hình thúc hơn là thực chất;
sự phân công lao động quốc tế được thương mại đường dài duy trì kéo theo sự tái sản xuất những bất bình đẳng xưa và làm trầm trọng thêm chứ không làm giảm dần những bất bình đẳng này bằng việc áp dụng “định lí giả” (F. Braudel) về lợi thế so sánh. Vì sự thống trị của trung tâm luôn dựa trên một bất bình đẳng cơ bản của trao đổi và trên một độc quyền đã có và, nếu cần, được duy trì bằng bạo lực.
Ngoài những cuộc tranh luận còn mở ngõ trên, “kinh tế-thế giới” có ít nhất hai công trạng: đặt lại không gian và từ nay là một không gian của kinh tế chứ không còn là không gian của địa lí ở trung tâm những suy nghĩ của các nhà sử học; mời gọi các nhà kinh tế phải tính đến vừa cả thời gian dài vừa cả toàn bộ những hiện tượng kinh tế, chứ không chỉ những hiện tượng trao đổi hàng hoá.
_______________
Phiếu số 2: Sách nên đọc
Ba sách nhập môn


Fohlen G., Quest-ce que la révolution industrielle?, Paris, 1971
Rioux J. P., La révolution industrielle, éd. du Seuil, Paris, 1971
Verley P., La révolution industrielle 1760-1870, M. A. Editions, Paris, 1985
Hai tách phẩm kinh điển lớn
Mantoux P., La révolution industrielle en Angleterre, Paris, 1906, (réedition, éditions Génin, Paris, 1959)
Landes D. S., LEurope technicienne ou le Prométhée libéré, trad. Fr., Paris, Gallimard, 1975
Về kinh tế-thế giới
Braudel, F., Civilisation matérielle, économie et capitalisme, 3 vol., Paris, A. Colin, 1979 (bản dịch tập 1 là Những cấu trúc sinh hoạt thường ngày, nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 1998).  
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Histoire des faits économiques” của Jean Heffer, André Straus và Patrick Verley trong Encyclopédie économique (Bách khoa kinh tế), NXB Economica, Paris, 1990, trang 93-132




[1] Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales và đại học Paris I Panthéon-Sorbonne

[2] xem “Cơ năng của kinh tế tư bản chủ nghĩa” (bản dịch tiếng Việt quyển La dynamique du capitalisme), NXB Thế giới, Hà Nội, 1995 (ND).

[3] Nhà xuất bản Armand Colin, Paris, 1979

[4] Nhà xuất bản Armand Colin, Paris, 1949, xuất bản lần thứ nhì 1966

[5] The Modern World-System, Capitalist Agriculture and the Origins of the World-Economy in the Sixteenth Century, New York, Academic Press, 1974, bản dịch tiếng Pháp là Capitalisme et Economie-monde: 1450-1650, Paris, nhà xuất bản Flammarion, 1980

[6] bài này được in tháng 11 năm 1990 (ND)

Print Friendly and PDF