30.8.17

Những huyền thoại về toàn cầu hoá: Phỏng vấn Noam Chomsky và Ha-Joon Chang


NHỮNG HUYỀN THOẠI VỀ TOÀN CẦU HOÁ: PHỎNG VẤN NOAM CHOMSKY VÀ HA-JOON CHANG
Noam Chomsky. (Ảnh: Jeanbaptisteparis)
Kể từ cuối những năm 1970, nền kinh tế của thế giới và của các quốc gia thống trị đang bước vào giai đoạn toàn cầu hóa (tân tự do), mà tác động và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và cộng đồng ở khắp mọi nơi đang tạo ra một sự bất mãn lớn cùng với làn sóng nổi dậy của chủ nghĩa dân tộc, và tinh thần chống đối giới tinh hoa. Nhưng chính xác thì điều gì đang thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa? Và ai mới thực sự hưởng lợi từ toàn cầu hoá? Toàn cầu hoá và chủ nghĩa tư bản có đan xen nhau không? Làm thế nào để đối phó với các mức độ bất bình đẳng và bất an kinh tế khổng lồ ngày càng gia tăng? Liệu những người cấp tiến và triệt để có nên tập hợp lại không đằng sau lời kêu gọi áp dụng chế độ thu nhập cơ bản phổ quát? Trong cuộc phỏng vấn duy nhất và độc quyền dưới đây, hai nhà lãnh đạo tinh thần hàng đầu của thời đại chúng ta, nhà ngôn ngữ học và trí thức công cộng Noam Chomsky và nhà kinh tế học Ha-joon Chang, đã chia sẻ quan điểm của họ về những vấn đề thiết yếu này.
C. J. Polychroniou: Toàn cầu hoá thường được coi là một quá trình tương tác và hội nhập giữa các nền kinh tế và người dân trên thế giới thông qua giao dịch thương mại quốc tế và đầu tư nước ngoài với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Liệu toàn cầu hoá có phải chỉ là một quá trình trung lập, không thể tránh khỏi của các liên kết kinh tế, xã hội và công nghệ, hoặc là một cái gì đó mang tính chính trị nhiều hơn, trong đó hành động của nhà nước sẽ tạo ra sự chuyển đổi toàn cầu (toàn cầu hoá do nhà nước lãnh đạo)?
Ha-Joon Chang (1963-)
Ha-Joon Chang: Huyền thoại lớn nhất về toàn cầu hóa là việc cho rằng đó là một quá trình được thúc đẩy bởi tiến bộ công nghệ. Điều này đã cho phép các nhà bảo vệ toàn cầu hóa gọi những người phê bình [toàn cầu hóa] là những “người Luddites hiện đại” (Luddites, phong trào công nhân ngành dệt, vào thế kỉ 19 tại Anh Quốc, đã phá hoại các máy dệt vì cho rằng máy móc đã đánh cắp việc làm của họ – ND), những người đang hoài cổ chống lại với sự tiến bộ không ngừng của khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, nếu công nghệ là cái xác định mức độ toàn cầu hóa, thì làm thế nào có thể giải thích việc thế giới vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã toàn cầu hóa nhiều hơn là vào thời kỳ giữa thế kỷ 20? Trong kỷ nguyên tự do đầu tiên, khoảng giữa năm 1870 đến năm 1914, chúng ta dựa vào tàu thủy chạy bằng hơi nước và điện báo có dây, nhưng nền kinh tế thế giới hầu như đã toàn cầu hóa nhiều hơn so với thời kỳ ít tự do hơn trong giữa thế kỷ 20 (khoảng giữa năm 1945 và năm 1973 ), khi chúng ta đã có tất cả những công nghệ về giao thông vận tải và truyền thông của ngày hôm nay, ngoại trừ internet và điện thoại di động, mặc dù dưới hình thức kém hiệu quả hơn.
Lý do tại sao thế giới ít toàn cầu hóa hơn trong thời kỳ sau này là vì, trong giai đoạn này, hầu hết các nước đều áp đặt những hạn chế [thuế quan] đáng kể lên sự dịch chuyển của hàng hoá, dịch vụ, đồng vốn và con người, và chỉ tự do hoá chúng một cách từ từ. Điều đáng chú ý là, mặc dù có mức độ toàn cầu hóa thấp hơn… nhưng thời kỳ này là thời kỳ mà chủ nghĩa tư bản đã làm được tốt nhất: tăng trưởng nhanh nhất, mức độ bất bình đẳng thấp nhất, mức độ ổn định tài chính cao nhất và – trong trường hợp của các nền kinh tế tư bản tiên tiến – tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử 250 năm của chủ nghĩa tư bản. Đây là lý do tại sao thời kỳ này thường được gọi là “Thời đại hoàng kim của chủ nghĩa tư bản”.
Công nghệ chỉ đặt ra ranh giới bên ngoài của toàn cầu hoá – thế giới không thể nào đạt được mức độ toàn cầu hóa cao chỉ với những chiếc thuyền buồm. Chính các chính sách kinh tế (hoặc chính trị, nếu muốn) mới xác định, một cách chính xác, mức độ toàn cầu hóa đạt được ở những lĩnh vực nào.
Hình thức toàn cầu hoá theo định hướng thị trường và doanh nghiệp hiện nay không phải là hình thức toàn cầu hoá khả thi duy nhất – chứ chưa nói là tốt nhất. Có thể có một hình thức toàn cầu hóa khác, công bằng hơn, năng động hơn và bền vững hơn.
Chúng ta biết rằng toàn cầu hoá đã bắt đầu, một cách chính xác, từ thế kỷ 15, và kể từ đó đã có nhiều giai đoạn toàn cầu hoá khác nhau, với mỗi giai đoạn phản ánh tác động cơ bản của quyền lực nhà nước đế chế và của những biến đổi của các hình thức định chế, như các doanh nghiệp và sự xuất hiện của các công nghệ và truyền thông mới. Điều gì giúp chúng ta phân biệt được giữa giai đoạn toàn cầu hoá hiện tại (từ 1973 đến nay) với các giai đoạn [toàn cầu hoá] trước?
Chang: Giai đoạn toàn cầu hóa hiện tại khác với các giai đoạn [toàn cầu hóa] trước đây theo hai cách quan trọng.
Sự khác biệt đầu tiên là ít có chủ nghĩa đế quốc ra mặt hơn.
Trước năm 1945, các nước tư bản tiên tiến đã thực hiện chủ nghĩa đế quốc [công khai]. Họ thuộc địa hóa các nước yếu hơn hoặc áp đặt các “hiệp ước bất bình đẳng” lên các nước yếu đó, làm cho các nước đó trở thành gần như những thuộc địa – ví dụ, họ chiếm các phần lãnh thổ dưới hình thức các khế ước “thuê đất”, tước đi quyền áp đặt thuế quan của các nước thuộc địa, v.v..
Kể từ năm 1945, chúng ta đã chứng kiến ​​sự trỗi dậy của một hệ thống toàn cầu bác bỏ kiểu chủ nghĩa đế quốc trần trụi này. Đã có một quá trình phi thuộc địa hóa liên tục, và khi giành được chủ quyền, các nước thuộc địa trở thành thành viên của Liên hiệp quốc, trên nguyên tắc mỗi quốc gia một phiếu bầu.
Tất nhiên, thực tiễn có khác đi – các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc có quyền phủ quyết và nhiều tổ chức kinh tế quốc tế (Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới) được điều hành theo nguyên tắc mỗi đô-la một phiếu bầu (quyền bỏ phiếu gắn với số tiền đóng góp). Tuy nhiên, ngay cả như vậy, trật tự thế giới sau năm 1945 cũng vô cùng tốt đẹp so với trật tự thế giới trước đó.
Điều không may là, bắt đầu từ những năm 1980 và tăng nhanh từ giữa những năm 1990, đã có một sự đảo ngược chủ quyền mà các quốc gia thời hậu thuộc địa đã được hưởng. Sự ra đời của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 1995 đã thu hẹp “không gian chính sách” đối với các nước đang phát triển. Sự co lại này đã được tăng cường qua một loạt các thỏa thuận thương mại và đầu tư song phương và nội vùng, giữa các nước giàu với các nước đang phát triển, chẳng hạn như Hiệp định Tự do Thương mại với Hoa Kỳ và Hiệp định Hợp tác Kinh tế với Liên minh châu Âu.
Điều thứ hai để phân biệt tiến trình toàn cầu hoá sau năm 1973 là nó đã được các tập đoàn xuyên quốc gia định hướng hơn nhiều so với trước đây. Các tập đoàn xuyên quốc gia đã tồn tại kể từ cuối thế kỷ 19, nhưng tầm quan trọng của chúng về mặt kinh tế đã tăng lên rất nhanh kể từ những năm 1980.
Chúng cũng đã ảnh hưởng đến việc định hình các quy tắc toàn cầu theo cách làm tăng quyền lực của chúng. Điều quan trọng nhất là chúng đã đưa cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS) vào trong nhiều thỏa thuận quốc tế. Thông qua cơ chế này, các tập đoàn xuyên quốc gia có thể kiện các chính phủ lên một tòa án gồm ba thẩm phán, được chọn lọc từ một nhóm các luật gia ủng hộ quan hệ thương mại quốc tế của các doanh nghiệp, chống lại việc làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp thông qua các quy định. Đây là một sự mở rộng chưa từng thấy của quyền lực của doanh nghiệp.
Thưa ông Noam, toàn cầu hóa và chủ nghĩa tư bản có khác nhau không?
Noam Chomsky: Nếu chúng ta hiểu “toàn cầu hóa” là sự hội nhập quốc tế, thì nó đã có từ rất lâu trước chủ nghĩa tư bản. Những con đường tơ lụa có niên đại vào thời trước Đấng Giê-su là một dạng mở rộng của toàn cầu hóa. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản nhà nước công nghiệp đã làm thay đổi quy mô và đặc điểm của toàn cầu hoá, và đã có nhiều thay đổi tiếp theo khi nền kinh tế toàn cầu được định hình lại bởi những người mà Adam Smith gọi là những “bậc thầy của nhân loại”, theo đuổi “châm ngôn kinh tởm”: “Tất cả cho bản thân, và không gì cho người khác.”
Ronald Reagan (1911-2004)
Margaret Thatcher (1925-2013)
Đã có những thay đổi khá quan trọng trong giai đoạn gần đây của toàn cầu hóa tân tự do, kể từ những năm cuối thập niên 1970, với Reagan và Thatcher là những nhân vật biểu tượng – mặc dù các chính sách chỉ thay đổi một chút khi thay đổi chính quyền. Các tập đoàn xuyên quốc gia là tác lực thúc đẩy, và quyền lực chính trị của họ chủ yếu định hình chính sách của nhà nước vì lợi ích của họ.
Trong những năm này, với sự hỗ trợ từ các chính sách của các nhà nước mà chúng thống trị, các tập đoàn xuyên quốc gia đã gia tăng xây dựng các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), trong đó “doanh nghiệp dẫn đầu” sẽ gia công sản xuất thông qua các mạng lưới toàn cầu phức tạp mà nó đã thành lập và kiểm soát. Một minh hoạ chuẩn là Apple, công ty lớn nhất thế giới. Sản phẩm IPhone được thiết kế tại Hoa Kỳ. Các bộ phận của sản phẩm từ nhiều nhà cung cấp tại Hoa Kỳ và Đông Á được lắp ráp chủ yếu tại Trung Quốc, trong các nhà máy thuộc sở hữu của tập đoàn Foxconn của Đài Loan. Lợi nhuận của Apple được ước tính khoảng gấp 10 lần lợi nhuận của Foxconn, trong khi đó thì giá trị gia tăng và lợi nhuận lại rất thấp tại Trung Quốc, nơi mà công nhân làm việc vất vả trong các điều kiện khốn khổ. Sau đó, Apple thành lập một văn phòng tại Ireland để tránh bị Hoa Kỳ đánh thuế – và gần đây đã bị EU phạt 14 tỷ US$ tiền truy thu thuế.
Xem lại “thế giới các chuỗi giá trị toàn cầu [GVC world]” trên báo Quan hệ Quốc tế của Anh, Nicola Phillips viết rằng công việc sản xuất cho Apple liên quan đến hàng ngàn công ty và doanh nghiệp không có quan hệ chính thức với Apple, và ở các tầng thấp hơn, họ có thể hoàn toàn không biết được đích đến của những sản phẩm mà họ đang sản xuất. Đây là một tình huống khái quát hóa.
Quy mô to lớn của hệ thống toàn cầu hóa mới này được bộc lộ trong Báo cáo Đầu tư Thế giới năm 2013 của Ủy ban về Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc. Theo ước tính, khoảng 80% giao dịch thương mại toàn cầu nằm trong các chuỗi giá trị toàn cầu được các tập đoàn xuyên quốc gia thành lập và điều hành, chiếm khoảng 20% ​​việc làm trên toàn thế giới.
Sự giàu có của quốc gia theo các thước đo truyền thống đã suy tàn. Nhưng quyền sở hữu công ty của Hoa Kỳ đối với nền kinh tế toàn cầu hóa đã bùng nổ.
Sean Starrs
Quyền sở hữu nền kinh tế toàn cầu hoá này đã được nhà kinh tế học chính trị Sean Starrs nghiên cứu. Ông chỉ ra rằng các ước tính truyền thống về sự giàu có của quốc gia về GDP đang gây hiểu nhầm trong kỷ nguyên của toàn cầu hoá tân tự do. Với các chuỗi cung ứng hòa nhập và phức tạp, các hợp đồng phụ và các công cụ khác như thế, quyền sở hữu công ty đối với sự giàu có của thế giới đang trở thành một thước đo thực tế về quyền lực toàn cầu hơn là sự giàu có của quốc gia, khi thế giới tách khỏi mô hình các nền kinh tế chính trị riêng biệt ở cấp độ quốc gia, hơn là trước đây. Khi điều tra quyền sở hữu của công ty, Starrs phát hiện ra trong hầu hết mọi lĩnh vực kinh tế – chế tạo, tài chính, dịch vụ, bán lẻ và các lĩnh vực khác – các tập đoàn của Hoa Kỳ đều dẫn đầu trong việc sở hữu nền kinh tế toàn cầu. Nói chung, quyền sở hữu của họ chiếm gần 50% trên tổng số. Đó là ước tính xấp xỉ tối đa về sự giàu có của quốc gia Hoa Kỳ vào năm 1945, ở đỉnh điểm lịch sử của quyền lực Hoa Kỳ. Sự giàu có của quốc gia theo các thước đo truyền thống đã suy tàn từ năm 1945 đến nay, có thể là 20%. Nhưng quyền sở hữu công ty của Hoa Kỳ đối với nền kinh tế toàn cầu hóa đã bùng nổ.
Quan điểm chuẩn của các chính trị gia chính thống là toàn cầu hoá đem lại lợi ích cho mọi người. Tuy nhiên, toàn cầu hóa tạo ra người thắng và kẻ thua, như cuốn sách Global Inequality [Bất bình đẳng toàn cầu] của Branko Milanovic đã cho thấy, vì vậy câu hỏi là: Liệu sự thành công trong toàn cầu hóa có là vấn đề về kỹ năng không?
Branko Milanovic (1953-)

Chang: Giả định – toàn cầu hóa đem lại lợi ích cho mọi người dựa trên các lý thuyết kinh tế chủ đạo – cho rằng công nhân có thể được sử dụng lại một cách ít tốn kém hơn, nếu các giao dịch thương mại quốc tế hoặc đầu tư xuyên biên giới làm cho một số ngành công nghiệp không tồn tại được.
Theo quan điểm này, nếu Hoa Kỳ ký Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico, thì sẽ có một số công nhân ngành sản xuất ô-tô tại Hoa Kỳ có thể mất việc, nhưng họ sẽ không thua thiệt, vì họ có thể tự đào tạo lại và kiếm được việc làm trong các ngành đang mở rộng, nhờ có NAFTA, như ngành công nghiệp phần mềm hoặc nghiệp vụ ngân hàng đầu tư.
Bạn sẽ lập tức thấy được sự vô lý của lập luận – theo ông biết, đã có bao nhiêu công nhân ngành sản xuất ô-tô tại Hoa Kỳ đã tự đào tạo lại để trở thành các kỹ sư phần mềm hoặc nhân viên ngân hàng đầu tư trong hai thập niên gần đây? Điển hình là các công nhân ngành sản xuất ô-tô đã bị sa thải nay đang làm những công việc như là công nhân vệ sinh ca đêm ở một kho hàng hoặc nhân viên xếp hàng lên các kệ ở siêu thị, nhận những mức lương thấp hơn nhiều so với trước đây.
Vấn đề là, ngay cả khi đất nước hưởng lợi nói chung từ toàn cầu hóa, thì vẫn luôn có những người bị thua thiệt, đặc biệt là (mặc dù không phải riêng cho ai) các công nhân có những kỹ năng không còn được đánh giá cao nữa. Và trừ phi những người bị thua thiệt này được bồi thường, thì bạn không thể nói rằng thay đổi là điều tốt cho “tất cả mọi người”…
Tất nhiên, hầu hết các nước giàu đều có cơ chế để những người thắng từ quá trình toàn cầu hóa (hoặc bất kỳ sự thay đổi kinh tế đích thực nào) bù đắp cho những người bị thua thiệt. Cơ chế cơ bản cho việc này là chế độ phúc lợi, nhưng cũng có các cơ chế đào tạo lại và tìm kiếm việc làm do Nhà nước tài trợ – người Bắc Âu thực hiện điều này đặc biệt rất tốt – cũng như các kế hoạch thuộc các ngành nghề cụ thể để bù đắp cho những “người bị thua thiệt” (ví dụ như chính sách bảo hộ tạm thời để các doanh nghiệp cấu trúc lại, tiền trợ cấp thôi việc cho công nhân). Các cơ chế này tốt hơn ở một số nước này so với một số nước khác, nhưng không nơi nào là hoàn hảo, và điều không may là có một số nước còn giảm chúng xuống nữa. (Chế độ phúc lợi ở Anh bị co lại gần đây là một ví dụ điển hình.)
Theo ông, ông Ha-Joon Chang, liệu sự hội tụ của toàn cầu hoá và công nghệ có khả năng tạo ra sự bất bình đẳng nhiều hơn hoặc ít hơn không?
Chang: Như tôi đã lập luận ở trên, công nghệ và toàn cầu hóa không phải là định mệnh.
Sự thật là sự bất bình đẳng về thu nhập đã giảm ở Thụy Sĩ từ năm 1990 đến năm 2000 và sự bất bình đẳng về thu nhập gần như đã gia tăng ở Canada và Hà Lan trong thời kỳ tân tự do, cho thấy các quốc gia có thể lựa chọn cho mình kiểu bất bình đẳng về thu nhập, mặc dù họ đều đối mặt với cùng những công nghệ và xu hướng giống nhau trong nền kinh tế toàn cầu.
Hiện nay, có rất nhiều điều các nước có thể làm nhằm tác động đến sự bất bình đẳng về thu nhập. Nhiều nước châu Âu, trong đó có Đức, Pháp, Thụy Điển và Bỉ cũng có bất bình đẳng như (hoặc không khác biệt nhiều so với) Hoa Kỳ, trước khi phân phối lại thu nhập thông qua thuế lũy tiến và chế độ phúc lợi. Do họ phân phối lại khá nhiều, nên sự bất bình đẳng tại các nước này thấp hơn rất nhiều.
Thưa ông Noam, theo cách nào thì toàn cầu hoá có thể làm tăng các xu hướng vốn có của chủ nghĩa tư bản đối với sự phụ thuộc kinh tế, bất bình đẳng và bóc lột?
Chomsky: Toàn cầu hóa trong kỷ nguyên của chủ nghĩa tư bản công nghiệp luôn làm gia tăng sự phụ thuộc, bất bình đẳng và bóc lột, thường đến các mức cực đoan khủng khiếp. Hãy lấy một ví dụ kinh điển, cuộc cách mạng công nghiệp ban đầu dựa một cách quyết định vào bông, được sản xuất chủ yếu tại miền Nam nước Mỹ trong một hệ thống nô lệ khắc nghiệt nhất trong lịch sử nhân loại – và khoác dưới những hình thức mới sau cuộc Nội chiến với việc hình sự hoá đời sống của người da đen và chế độ tá điền. Phiên bản toàn cầu hoá của ngày nay không chỉ bao gồm việc siêu bóc lột ở các tầng thấp hơn của hệ thống các chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn gần như là diệt chủng, đặc biệt ở Đông Congo, nơi có hàng triệu người đã bị tàn sát trong những năm gần đây, trong khi các khoáng sản chủ chốt lại tìm đến các công cụ công nghệ cao được sản xuất trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhưng ngay cả ngoài những yếu tố gớm ghiếc của toàn cầu hoá... việc theo đuổi “châm ngôn kinh tởm” một cách khá tự nhiên sẽ tạo ra những hậu quả như thế. Nghiên cứu của Phillips, mà tôi đã đề cập, là một ví dụ hiếm hoi về “các mức độ bất bình đẳng được sản sinh và tái sản sinh như thế nào trong các [chuỗi giá trị toàn cầu] thông qua sự bất đối xứng về quyền lực thị trường, sự bất đối xứng về quyền lực xã hội và sự bất đối xứng về quyền lực chính trị”. Như Phillips đã chỉ ra, “Việc củng cố và huy động những bất đối xứng về thị trường dựa trên việc đảm bảo một cấu trúc sản xuất, mà trong đó đứng đầu là một số nhỏ các tập đoàn rất lớn, trong nhiều trường hợp các nhà bán lẻ có thương hiệu, chiếm các vị trí độc quyền nhóm – tức là, các vị trí thống trị thị trường, và trong đó các tầng sản xuất thấp hơn được đặc trưng bởi các thị trường đông dân và cạnh tranh mạnh mẽ… Hệ quả trên toàn thế giới là sự tăng trưởng bùng nổ các công việc mang tính bấp bênh, không an toàn và bị bóc lột trong nền sản xuất toàn cầu, được thực hiện bởi một lực lượng lao động chủ yếu bao gồm những công nhân phi chính thức, công nhân nhập cư, lao động theo hợp đồng và lao động nữ, và mở rộng đến điểm cuối phổ là cưỡng bức lao động có chủ đích”.
Dean Baker (1958-)
Những hậu quả này được tăng cường bởi các chính sách thương mại và tài khóa có tính toán, một vấn đề được Dean Baker thảo luận đặc biệt. Như ông ấy đã chỉ ra, tại Hoa Kỳ, “từ tháng 12 năm 1970 đến tháng 12 năm 2000, việc làm trong ngành chế tạo gần như không thay đổi, ngoài những thay đổi lên xuống theo chu kỳ. Trong 7 năm kế tiếp, từ tháng 12 năm 2000 đến tháng 12 năm 2007, việc làm trong ngành chế tạo đã giảm hơn 3,4 triệu người, một tỷ lệ gần bằng 20%. Tỷ lệ sụt giảm việc làm này là do sự bùng nổ thâm hụt thương mại trong thời kỳ này, chứ không phải do sự tự động hóa. Đã có rất nhiều sự tự động hóa (còn được biết đến là tăng năng suất) trong ba thập niên từ năm 1970 đến năm 2000, nhưng năng suất cao đã bị bù đắp bởi sự gia tăng sức cầu, khiến cho việc làm thay đổi ít. Điều này không còn đúng khi thâm hụt thương mại bùng nổ lên gần 6% GDP vào năm 2005 và 2006 (hơn 1,1 nghìn tỷ US$ trong nền kinh tế hiện nay).
Đây là những hậu quả đáng kể của chính sách đồng đô-la cao và của các hiệp định về quyền lợi của nhà đầu tư được che đậy và trá hình “tự do thương mại” – trong số những lựa chọn chính trị vì lợi ích của những người chủ, chứ không phải là kết quả của các quy luật kinh tế.
Thưa ông Ha-Joon Chang, người cấp tiến nhắm đến việc phát triển những chiến lược để chống lại các hiệu ứng bất lợi của toàn cầu hóa, nhưng có rất ít sự thống nhất về cách làm hiệu quả nhất và thực tế nhất. Trong bối cảnh này, có nhiều đáp trả khác nhau từ các hình thức đối chọn toàn cầu hoá đến vấn đề nội địa hóa? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Chang: Nói tóm lại, tùy chọn ưa thích của tôi là một hình thức toàn cầu hóa có kiểm soát nhiều hơn, dựa trên rất nhiều hạn chế đối với dòng chảy vốn toàn cầu và nhiều hạn chế hơn nữa đối với dòng chảy các hàng hóa và dịch vụ. Hơn nữa, ngay cả với những hạn chế này, sẽ không tránh khỏi việc có người thắng và kẻ thua, và bạn sẽ cần có một chế độ phúc lợi mạnh hơn (không phải yếu hơn) và các cơ chế khác mà qua đó những người bị thua thiệt từ quá trình toàn cầu hóa được bồi thường. Về mặt chính trị, một chính sách kết hợp như thế sẽ đòi hỏi có những tiếng nói mạnh mẽ hơn cho người lao động và công dân.
Tôi không nghĩ rằng việc nội địa hóa là một giải pháp, cho dù tính khả thi của việc nội địa hóa phụ thuộc vào việc định nghĩa địa phương là gì và việc chúng ta đang nói tới những vấn đề gì. Nếu địa phương được nói đến là một ngôi làng hoặc một khu phố ở khu vực đô thị, thì bạn sẽ thấy ngay rằng sẽ có rất ít điều để có thể “nội địa hóa”. Nhưng nếu ông nói đến một bang của nước Đức hoặc một bang của Hoa Kỳ, thì tôi có thể thấy họ có thể cố gắng trồng trọt nhiều hơn để có lương thực hoặc sản xuất một số sản phẩm nào đó hiện đang phải nhập khẩu vì chính lợi ích của họ. Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi thứ, đơn giản là cung ứng phần lớn mọi thứ tại địa phương là điều không khả thi. Sẽ là điều không khôn ngoan nếu mọi đất nước, chưa nói đến mọi bang của Hoa Kỳ, chế tạo ra máy bay riêng của họ, điện thoại di động riêng của họ, hoặc thậm chí cả thức ăn riêng của họ.
Nói như vậy không có nghĩa là tôi chống lại tất cả các hình thức nội địa hóa. Chắc chắn sẽ có những thứ tốt hơn nếu được cung ứng tại tại địa phương, chẳng hạn như một số món ăn hoặc dịch vụ chăm sóc y tế nào đó.
Một câu hỏi cuối cùng: Ý tưởng về thu nhập cơ bản phổ quát đang chậm chạp nhưng dần dần lấn sân để trở thành một công cụ chính sách để hóa giải vấn đề đói nghèo và những quan ngại về tự động hóa. Trong thực tế, các công ty như Google và Facebook là những công ty ủng hộ mạnh mẽ chế độ thu nhập cơ bản phổ quát, mặc dù xã hội sẽ phải chịu kinh phí cho chính sách này trong khi đa số các công ty đa quốc gia ngày càng sử dụng nhiều robot và các kỹ thuật khác được máy tính hỗ trợ để thực hiện những công việc mà theo truyền thống do con người làm. Liệu những người cấp tiến và những người phản đối toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa nói chung có ủng hộ ý tưởng về thu nhập cơ bản phổ quát hay không?
Chang: Chế độ thu nhập cơ bản phổ quát (UBI) có nhiều phiên bản khác nhau, nhưng đó là một ý tưởng tự do theo nghĩa nhấn mạnh đến việc tối đa hóa quyền tự do cá nhân hơn là bản sắc tập thể và tinh thần đoàn kết.
Tất cả công dân tại những nước có thu nhập cao hơn mức trung bình đều được hưởng một số quyền nào đó đối với một lượng nguồn lực cơ bản. (Tại các nước nghèo, hầu như không có việc này). Họ có quyền tiếp cận một số dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, lương hưu, nước sinh hoạt và những thứ “cơ bản” khác trong đời sống. Ý tưởng đằng sau chế độ UBI là các quyền thụ hưởng nguồn lực phải được thanh toán cho cá nhân bằng tiền mặt (thay vì bằng hiện vật) càng nhiều càng tốt, để họ có thể tối đa hóa lựa chọn của họ.
Milton Friedman (1912-2006)
Friedrich Hayek (1899-1992)
Phiên bản UBI của cánh hữu, được hậu thuẫn bởi Friedrich von HayekMilton Friedman, những giáo chủ của chủ nghĩa tân tự do, cho rằng chính phủ nên cung cấp cho người dân một khoản thu nhập cơ bản ở mức có thể tồn tại được, đồng thời không cung cấp nhiều hơn nữa (hoặc ít hơn nữa) hàng hoá và dịch vụ. Theo tôi có thể thấy, đây là phiên bản UBI được các công ty thuộc Thung lũng Silicon hậu thuẫn. Tôi chống lại hoàn toàn điều này.
Có những người theo chủ nghĩa tự do cánh tả ủng hộ UBI, những người sẽ thiết kế nó ở mức khá cao, điều này đòi hỏi phải phân phối lại thu nhập ở một mức khá cao. Nhưng họ cũng tin rằng việc cung cấp, theo cách tập thể, các hàng hoá và dịch vụ “cơ bản” thông qua chế độ phúc lợi phải được giảm thiểu (mặc dù mức phúc lợi “tối thiểu” của họ vẫn lớn hơn đáng kể so với mức phúc lợi của phe tân tự do). Phiên bản này có thể được tôi chấp nhận nhiều hơn, nhưng tôi chưa được thuyết phục lắm.
Thứ nhất, nếu các thành viên của một xã hội được cung cấp một số hàng hóa và dịch vụ theo cách tập thể, thì họ sẽ có quyền tập thể để gây ảnh hưởng đến cách thức con người sử dụng các quyền cơ bản của họ.
Thứ hai, việc cung cấp thông qua một chế độ phúc lợi phổ quát dựa trên quyền công dân làm cho các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, chăm sóc trẻ em, bảo hiểm thất nghiệp và lương hưu rẻ hơn rất nhiều thông qua việc mua bán với số lượng lớn và chia sẻ rủi ro. Việc Hoa Kỳ chi ít nhất 50% nhiều hơn cho việc chăm sóc y tế so với các nước giàu khác (17% GDP ở Hoa Kỳ so với mức tối đa 11,5% GDP ở Thụy Sĩ) nhưng lại có những chỉ báo y tế tồi tệ nhất là một gợi ý rất đáng quan tâm về những vấn đề tiềm tàng có thể có trong một hệ thống UBI gắn với việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản của tư nhân, ngay cả khi mức UBI cao.
Chomsky: Câu trả lời, theo tôi nghĩ, là: “tất cả còn tùy” – cụ thể là, tuỳ bối cảnh kinh tế xã hội và chính trị, trong đó ý tưởng được triển khai. Xã hội mà chúng ta mong muốn, theo tôi nghĩ, sẽ tôn trọng khái niệm “jedem nach seinen Bedürfnissen”: mỗi người được hưởng theo nhu cầu của mình. Trong số những nhu cầu chính yếu của hầu hết mọi người, đó là một cuộc sống có nhân phẩm và có trách nhiệm. Điều đó đặc biệt có nghĩa là công việc được thực hiện dưới sự kiểm soát của chính bản thân mình, điển hình là trong quan hệ đoàn kết và tương tác với người khác, sáng tạo và có giá trị đối với xã hội nói chung. Những việc này có thể được biểu hiện dưới nhiều hình thức: xây một cái cây cầu đẹp và cần thiết, nhiệm vụ đầy thử thách dạy và học với trẻ nhỏ, giải quyết một vấn đề nổi bật trong lý thuyết số, hoặc vô số các tùy chọn khác. Thoả mãn những nhu cầu như thế chắc chắn nằm trong khả năng của con người.
Trong thế giới hiện tại, các công ty chuyển sang kỹ thuật tự động hoá ngày càng nhiều, như họ đã từng làm trong quá khứ; máy tỉa bông, ví dụ. Hiện tại, có rất ít bằng chứng cho thấy hiệu ứng vượt quá chuẩn mực. Các tác động chính sẽ xuất hiện trong năng suất, mà trong thực tế còn thấp so với tiêu chuẩn của thời kỳ hậu Thế chiến II. Trong khi đó, lại có rất nhiều việc phải làm – từ việc tái thiết lại cơ sở hạ tầng đang sụp đổ, đến việc thành lập các trường học tươm tất, nâng cao kiến ​​thức và hiểu biết, và nhiều thứ khác nữa. Có rất nhiều bàn tay sẵn sàng để làm. Có rất nhiều nguồn lực. Nhưng hệ thống kinh tế xã hội lại rối loạn đến mức không có khả năng tập hợp các nhân tố này một cách thỏa đáng – và với chiến dịch hiện nay của Trump và đảng Cộng hòa tạo ra một nước Hoa Kỳ nhỏ bé đang run rẩy dưới các bức tường, thì tình hình chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn. Trong chừng mực các robot và các hình thức tự động hóa khác có thể giải phóng con người khỏi những việc thường nhật và nguy hiểm và giải phóng họ để có những nỗ lực sáng tạo nhiều hơn (và đặc biệt là tại Hoa Kỳ, không có thời gian nhàn rỗi, với thời gian dành cho bản thân), thì đó là tất cả những gì vì điều tốt. Chế độ UBI có thể có chỗ đứng, mặc dù đó là một công cụ còn quá thô để đạt được phiên bản Mác xít được ưa thích.
C. J. Polychroniou
C. J. Polychroniou là nhà kinh tế học chính trị/nhà khoa học chính trị, đã giảng dạy và làm việc tại các trường đại học và trung tâm nghiên cứu ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Các mối quan tâm nghiên cứu chính của ông là hội nhập kinh tế châu Âu, toàn cầu hóa, nền kinh tế chính trị của Hoa Kỳ và giải cấu trúc đối với dự án kinh tế-chính trị của chủ nghĩa tân tự do. Ông là cộng tác viên thường xuyên của Truthout, cũng như là thành viên của Dự án Trí tuệ Công cộng của Truthout. Ông đã xuất bản nhiều sách và các bài báo của ông đã được đăng trên nhiều tập san, tạp chí, báo và các trang mạng tin tức được ưa chuộng. Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Croatia, tiếng Pháp, tiếng Hy Lạp, tiếng Italia, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Thổ.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF