10.8.17

Trung Quốc: sự sôi động của số hóa



TRUNG QUỐC: SỰ SÔI ĐỘNG CỦA SỐ HÓA
Du khách tham quan gian hàng Ant Fortune, một công ty con của đại gia Trung Quốc Alibaba, tại một hội chợ ở Hàng Châu vào ngày 20 tháng 11 năm 2015. (Ảnh: Zhejiang Daily / Imaginechina, via AFP).
Trước sự cần thiết phải định hướng lại nền kinh tế của đất nước, và vứt bỏ hoàn toàn hình ảnh công xưởng của thế giới khi nói về mình, Trung Quốc đặt toàn bộ nỗ lực vào việc số hóa nền kinh tế. Vấn đề này đã được đặt ra trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2010-2015), các chương trình phát triển theo hướng này đã được củng cố trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2015-2020). Ngoài ra, với 731 triệu người sử dụng Internet tính đến cuối năm 2016, Trung Quốc tượng trưng cho một dân số kết nối mạng trực tuyến lớn nhất thế giới, và các bông hoa của Internet đã không ngừng sáng tạo lại cách thức tiêu dùng. Cuộc cách mạng kỹ thuật số tại Trung Quốc đã khởi động!
Số hóa ngành công nghiệp
Trước đây được xem là công xưởng của thế giới, Trung Quốc đã bắt đầu, từ một vài năm nay, chuyển đổi sang một xã hội của sự đổi mới. Lấy cảm hứng từ chương trình về các công nghệ cao của Đức, Bắc Kinh đã triển khai nhiều “lịch trình” để số hoá các doanh nghiệp. Trung Quốc có tham vọng tạo ra những nhà máy kết nối mạng và mang tính siêu cạnh tranh trên trường quốc tế; nói cách khác, là những nhà máy phiên bản 4.0.
Khái niệm này, được Đức khởi xướng vào năm 2013 tại triển lãm Hannover Messe, diễn dịch một tổ chức kiểu mới với các phương tiện sản xuất sử dụng kỹ thuật số và đặc biệt là các công nghệ thông tin và truyền thông (ICT – Information and Communication Technology), Internet vạn vật và dữ liệu lớn. Mục đích là thiết lập một mô hình kinh tế và xã hội kiểu mới, trước sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng chi phí lao động, những thứ tạo ra sự cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á (Việt Nam, Philippines và Thái Lan).
Để lấp đầy sự chậm trễ quan trọng ấy, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ngay từ giờ đã triển khai những dự án theo hướng có lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp phiên bản 4.0. Ví dụ, 58% các ngành công nghiệp của Trung Quốc đã đầu tư vào việc phát triển các hệ thống mạng thông minh, và có đến một trên mười doanh nghiệp đã triển khai những dự án độc lập[1].
Các doanh nghiệp lớn trong nước, đứng đầu là Huawei ZTE, là những doanh nghiệp có mức hiện đại hoá phiên bản 4.0 tốt nhất. Nhưng các doanh nghiệp khác cũng đã có những bước tiến bộ khá xa, điển hình là Sany, nhà sản xuất lớn thứ 6 trên thế giới, với những máy móc được kết nối mạng và sử dụng những dữ liệu được thu thập để cải tiến quá trình sản xuất. Công ty Changying Precision Technology Company còn tiến xa hơn nữa với một nhà máy tự động hóa hoàn toàn ở Đông Quan (tỉnh Quảng Đông, ở miền nam Trung Quốc). Là nhà sản xuất các linh kiện cho điện thoại di động, công ty được điều khiển duy nhất bằng robot [người máy], từ các dây chuyền sản xuất đến các thiết bị vận chuyển. Từ 650 nhân viên, nhà máy nay chỉ sử dụng 60 người, chủ yếu là để bảo trì các máy tính. Các kết quả đạt được là cực kỳ khả quan: năng suất sản xuất các linh kiện tăng gấp ba lần (một “cánh tay” robot tương đương với 6 hoặc 8 công nhân) và mức sản phẩm lỗi giảm xuống từ 25% còn 5%. Tỉnh Quảng Đông, tập trung cao vào ngành sản xuất chế biến, đã công bố một kế hoạch tài trợ trong ba năm để khuyến khích việc thành lập những nhà máy thông minh. Đặc biệt, kế hoạch dự kiến mua robot để cung cấp cho những doanh nghiệp nào muốn đặt nhà máy trong tỉnh.
Có hai chương trình cấp chính phủ làm khung cho cuộc cách mạng công nghiệp này: “Made in China 2025 [Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025]” và “Internet +”. Nói chung, cả hai chương trình đó chính thức hóa việc áp dụng các kỹ thuật điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet di động và Internet vạn vật trong ngành công nghiệp, mà còn trong lĩnh vực tài chính, y tế hoặc cả trong lĩnh vực nông nghiệp. Các chương trình này ủng hộ sự phát triển thương mại điện tử, FinTech (công nghệ tài chính) và sự gia tăng hiện diện của các doanh nghiệp kỹ thuật số của Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Từ nay, các dịch vụ kết nối mạng toàn diện là đặc quyền của người tiêu dùng Trung Quốc, những người không thể sống mà không có điện thoại thông minh, và vì những lý do đã rõ!
Kỹ thuật số phục vụ cho tiêu dùng
Các số liệu mới nhất về số lượng người Trung Quốc sử dụng Internet không nói dối: dân số Trung Quốc là dân số siêu kết nối mạng. Các lĩnh vực như thương mại điện tử hoặc du lịch đã biết thích nghi nhanh với những người tiêu dùng mới luôn đòi hỏi nhiều hơn. Ví dụ, Trung Quốc là thị trường thương mại điện tử lớn nhất với một tốc độ tăng trưởng khủng khiếp trong vài năm gần đây. Trong năm 2015, doanh số bán hàng trực tuyến chiếm 630 tỷ USD, 80% hơn một chút so với tại Hoa Kỳ. Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu Forrester, doanh số bán hàng trực tuyến nói trên có thể đạt 1000 tỉ USD vào năm 2019[2].
Trong số những quán quân về thương mại điện tử, đương nhiên là chúng ta sẽ thấy có Alibaba với Tmall Taobao, mà còn có Dangdang JD.com. Nền tảng mạng Alibaba, cũng đã phá kỷ lục về doanh số bán hàng trong năm 2016, đặc biệt nhân Ngày độc thân [Single’s Day] (tương đương với ngày Black Friday của Mỹ) vào ngày 11 tháng 11, với 17,8 tỷ USD[3]. Những lĩnh vực như du lịch cũng đã biết tranh thủ kỹ thuật số trong việc tiêu dùng này. Các nền tảng mạng như Ctrip Qunar tiến hành lướt sóng và đề xuất các dịch vụ so sánh giá cả, mua vé máy bay và thanh toán “một cửa” [trên một trang mạng duy nhất]. Điều này cũng được lý giải bởi một sự thay đổi các thói quen tiêu dùng. Với sự xuất hiện của Internet, từ nay 70% khách du lịch Trung Quốc tổ chức các chuyến du lịch của họ một cách độc lập. Đây là một sự thay đổi đáng kể so với các thế hệ trước, phải nhờ đến các cơ quan dịch vụ.
Sự tăng trưởng tổng thể về doanh thu đã được nhấn mạnh bởi việc sử dụng điện thoại thông minh trên diện rộng. Thật vậy, trong số 731 triệu người Trung Quốc sử dụng Internet, thì có 95% người truy cập Internet thông qua một thiết bị di động, và đặc biệt hơn là thông qua điện thoại của họ. Ví dụ, toàn bộ các doanh nghiệp dịch vụ Trung Quốc đều biết đến một cách “uber hóa” nào đó, giống như ứng dụng gọi xe taxi Didi Chuxing, đã mua lại công ty con Uber China vào tháng 8 năm 2016, hoặc các dịch vụ cho thuê xe đạp ở các thành phố lớn – Mobike và Ofo. Khác với các mô hình cho thuê truyền thống, việc tìm thuê một chiếc xe đạp hoặc thanh toán một hành trình được thực hiện duy nhất thông qua một ứng dụng di động. Một dấu hiệu thành công và bản chất sáng tạo của họ là hai doanh nghiệp này đã tranh thủ được sự hỗ trợ của các tập đoàn lớn như Tencent đối với Mobike, Didi Chuxing Xiaomi (nhà phát triển điện thoại) đối với Ofo.
Trong lĩnh vực FinTech [một lĩnh vực hoạt động mà trong đó các doanh nghiệp sử dụng những công nghệ thông tin và truyền thông; thuật ngữ này là chữ viết tắt và ghép lại của hai chữ “Fin – tài chính” và “Tech – công nghệ” – BBT], Trung Quốc cũng có một vị trí tốt. Thực vậy, theo một nghiên cứu của công ty Research and Markets [Nghiên cứu và Thị trường], trong năm 2015, 83,1% các giao dịch ngân hàng đều được thực hiện qua điện thoại di động. Người Trung Quốc, những người chưa bao giờ là những người thường sử dụng thẻ ngân hàng, nay đã bị thuyết phục bởi sự dễ dàng và tốc độ thanh toán nhanh chóng bằng một ứng dụng đơn giản. Những nhà cung cấp chính của thị trường này là Alipay của Alibaba và chức năng wallet [ví đựng tiền] trong WeChat của Tencent. Đây là hai trong số những bông hoa đầu tiên của Internet Trung Quốc, đã sớm nhận ra những cơ hội của loại hình dịch vụ này. Họ hiện đang nắm khoảng 90% thị trường này[4]. 
Kỹ thuật số hóa cũng lan rộng đến các hệ thống cho vay đặc biệt thông qua Lufax, một nền tảng mạng của công ty bảo hiểm Ping'an. Ngày nay, doanh số của nó đã lên đến 18,5 tỷ USD. Rồi đến Ant Financial, một công ty con của Alibaba, một đại gia về thương mại điện tử hiện diện trên tất cả các mặt trận, trong đó nền tảng mạng cho vay đã có hơn 7 triệu người sử dụng vào tháng 7 năm 2015.
Cuối cùng, ngày nay thật khó nói về môi trường kỹ thuật số Trung Quốc mà không nói đến WeChat (Weixin trong tiếng Trung Quốc – 微信, một ứng dụng vạn năng của Tencent. Khởi đầu là một dịch vụ nhắn tin đơn giản, WeChat ngày nay đã được sử dụng để gọi xe taxi, mua vé xem phim, quảng bá thương hiệu, chuyển tiền, v.v.. Vào tháng 9 năm 2016, nó có 768 triệu người sử dụng hàng ngày, tăng 35% so với năm trước. Một nửa trong số đó sử dụng WeChat trung bình 90 phút mỗi ngày![5] Thành công của họ được lý giải là do tính dễ dàng sử dụng và đặc biệt là do vô số các dịch vụ được cung cấp.
Như vậy, người sử dụng có thể gửi tin nhắn không những bằng văn bản mà còn bằng giọng nói, đăng ảnh và những video ngắn trên không gian cá nhân của mình được gọi là “khoảnh khắc”, theo dõi tin tức về các thương hiệu của mình và các trang mạng yêu thích, tham gia vào các nhóm chủ đề, chuyển tiền (dịch vụ được gọi là hongbao, khi liên hệ đến việc trao những phong bì đỏ [bao lì xì] vào dịp năm mới). Ứng dụng này cũng cho phép gọi xe taxi và trả tiền taxi, thông qua việc tích hợp ứng dụng Didi Chuxing. Một dịch vụ mua vé máy bay cũng đã được bổ sung vào năm 2014, hợp tác với nền tảng giữ chỗ trên mạng trực tuyến LY.com.
Ngành kỹ thuật số Trung Quốc thậm chí còn là nguồn cảm hứng cho các nước khác như chương trình tham quan 2016 FrenchTech Tour China đã chứng minh. Được điều hành bởi [cơ quan thương mại] Business France và [ngân hàng đầu tư] BpiFrance, đây là một chương trình tham quan chuyên sâu kéo dài hai tuần tại bốn trung tâm chính của các ngành công nghệ kỹ thuật số mới, là Hồng Kông, Thẩm Quyến, Thượng Hải và Bắc Kinh. Mười hai doanh nhân khởi nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực Internet, FinTech hoặc viễn thông và phát thanh truyền hình đã có dịp quan sát những cơ hội phát triển các sản phẩm của họ tại thị trường Trung Quốc.
Ý chí phục hồi lại sự năng động kinh tế, sự tiến hóa liên tục của các hình thức tiêu dùng và truy cập Internet càng làm cho sự cần thiết đặt cược của Trung Quốc vào kỹ thuật số thêm đậm nét. Trung Quốc bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư một cách dè dặt, nhưng không thể phủ nhận rằng về mặt các đổi mới di động và xã hội, thì các doanh nghiệp Trung Quốc đã có một bước tiến khá dài so với các đối thủ cạnh tranh Mỹ của họ như Facebook  Twitter. Sự đổi mới về kỹ thuật số đã mang lại một động lực mới và nhiều triển vọng cho nền kinh tế Trung Quốc.
Elodie Le Gal
Giới thiệu tác giả
Là chuyên gia về Trung Quốc, Elodie Le Gal là nhà tư vấn tại Spin Partner và là điều phối viên của Portail de l'Intelligence Économique. Bà đã đặc biệt nghiên cứu về hiện tượng bong bóng bất động sản Trung Quốc và vai trò của không gian số trong các mối quan hệ Trung-Mỹ.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Chine: l’effervescence de la digitalisation, AsiaLyst, 08/02/2017.




[1] Nguồn: Staufen AG, “China – Industry 4.0 Index 2015”.

[2] Nguồn: McKinsey

[3] Theo số liệu được Reuters trích dẫn.

[4] Nguồn: McKinsey

[5] Nguồn: Báo cáo Dữ liệu của WeChat vào năm 2016.

Print Friendly and PDF