22.8.17

Trung Quốc: "Các con đường tơ lụa", một dự án kinh tế rủi ro


TRUNG QUỐC: "CÁC CON ĐƯỜNG TƠ LỤA", MỘT DỰ ÁN KINH TẾ RỦI RO
Ảnh chiếc tàu hỏa đầu tiên nối liền Trung Quốc với Kazakhstan rời một cảng cuối container ở tỉnh Giang Tô ngày 25/2/2015. Tuyến đường sắt này nối liền một tỉnh của Trung Quốc với Almaty, một thành phố chính của Kazakhstan, là một trong những tuyến đường sắt mới được phát triển trong khuôn khổ chính sách mới của Trung Quốc (Ảnh: WANG JIANMIN/IMAGINECHINA)
Tiềm năng kinh tế của Trung Quốc là bao la. "Con đường tơ lụa" mới được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt kỳ vọng không chỉ làm sống lại một trục huyền thoại. Dự án "Một Vành đai Một con đường" (OBOR) trải dài trên nhiều hành lang đường bộ và đường biển. Nó cũng bao gồm rất nhiều rủi ro về an ninh cho các công dân và cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc dự định triển khai. Liệu Bắc Kinh sẵn sàng đi đến bao xa để bảo vệ dự án khổng lồ này? Ngay từ bây giờ, Trung Quốc đã sang trang về chính sách đối ngoại của họ, chấm dứt một thái độ "kín kẽ" trên sân khấu toàn cầu. Phân tích.
Vào tháng 9 năm 2013, trong một bài phát biểu tại Đại học Nazarbayez của Astana, Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc mong muốn xây dựng một "vành đai kinh tế" dọc theo con đường tơ lụa huyền thoại. Kể từ đó, sáng kiến Trung Quốc đã phát triển. Sáng kiến đã trở thành 'OBOR', theo chữ viết tắt bằng tiếng Anh (One Belt, One Road, theo tiếng Trung Quốc yidai yilu): "nhất đới, nhất lộ". Từ nay, nằm ở trung tâm của chính sách ngoại giao của Trung Quốc, nó được Bắc Kinh xem như là dự án ưa thích đặc biệt của Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, một khi động lực chính trị đã được thúc đẩy ở cấp cao nhất, thì đến phần chính quyền các cấp, các doanh nghiệp và các đối tác của Trung Quốc mang lại sức sống cho ý tưởng. Trên khắp đất nước, các quan chức, các nhà đầu tư và các học giả đã cố gắng tự định vị mình để gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án OBOR. Vào tháng 3 năm 2015, các Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao và Ủy ban Quốc gia về Phát triển và Cải cách (NDRC) đã công bố bản kế hoạch hành động đầu tiên, trong đó nêu rõ một số khía cạnh quan trọng của dự án OBOR. Ví dụ người ta biết rằng từ nay sáng kiến này bao gồm năm hành lang đường bộ, ngoài hành lang đường biển nối liền Biển Đông và miền Nam Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.
Một sáng kiến vẫn còn "mở"
Bản đồ này mang tính không chính thức, lấy cảm hứng từ cơ quan thông tấn nước Trung Quốc mới cho thấy ý tưởng của dự án OBOR (Một vành đai Một con đường), làm sống lại con đường tơ lụa huyền thoại. Thực vậy, dự án OBOR có một "cầu nối đường bộ đến vùng Âu-Á" với ba hành lang (Trung Quốc/ Mông Cổ/Nga; Trung Quốc/Trung Á/Trung Đông; Trung Quốc/bán đảo Đông Dương), một "con đường tơ lụa trên biển" nối lền Biển Đông với Ấn Độ Dương, một hành lang Trung Quốc/Pakistan và một hành lang Trung Quốc/Miến Điện/Bangladesh/Ấn Độ. (Thực hiện: Alexandre Gandil, Asialyst.com)
Dù có kế hoạch hành động này, sáng kiến của Tập Cận Bình không thiếu những vùng tối. Cho đến nay, vẫn chưa có danh sách những cơ sở hạ tầng ưu tiên nào lẫn lịch trình triển khai nào. Ngay cả bản vẽ chính xác của dự án OBOR cũng gây nên sự khó hiểu. Không có bản đồ chính thức nào của dự án OBOR được công bố, có lẽ vì bản kế hoạch hành động định nghĩa nó như là một sáng kiến "mở", theo đó tất cả các nước đều có thể tham gia. Trang web của cơ quan thông tấn Tân Hoa Xã, dành riêng cho con đường tơ lụa mới, cũng chỉ mới cung cấp một sơ đồ các đường kết nối giữa các khu vực địa lý lớn, mà không hề nói rõ những nước hoặc thành phố nào mà dự án sẽ hình thành các hành lang giao thông trong tương lai.
Cho đến giờ, Trung Quốc đã triển khai các công cụ tài chính chính để hỗ trợ cho dự án OBOR Ngân hàng Đầu tư Châu Á cho các dự án về cơ sở hạ tầng và Quỹ vì con đường tơ lụa. Tất cả mọi thứ đều chỉ ra rằng Trung Quốc không có ý định vội vã để đảm bảo lợi tức trên vốn đầu tư của các dự án của họ, bằng cách nghiên cứu chúng dưới tất cả các chiều kích. Bởi vì sự được mấtrất lớn về mặt tiềm năng. Như chú thích của một nghiên cứu của Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại (ECFR), vùng bao phủ của dự án OBOR bao gồm "55% GDP toàn cầu, 70% dân số thế giới và 75% các trữ lượng năng lượng đã được biết."
Ví dụ về Afghanistan
Tuy nhiên, ở vào giai đoạn thiết kế dự án OBOR này, xuất hiện một tham số bản lề, sẽ quyết định sự thành công của sáng kiến cũng như tương lai và bản chất của sự hiện diện của Trung Quốc trong không gian Âu-Á: vấn đề an ninh của các công dân và của cải của Trung quốc tại những nước có dự án OBOR đi qua, đặc biệt ở vùng Trung Á rộng lớn (năm nước cộng hòa Kazakhstan, Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Tajikistan, Afghanistan và Pakistan).
Không có quốc gia nào khác cho thấy sự căng thẳng này như Afghanistan. Tại một hội nghị chuyên đề gần đây của các chuyên gia về dự án OBOR tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, một đại biểu người Afghanistan đã nhấn mạnh đến sự vắng mặt của nước mình, một lãnh thổ bản lề của con đường tơ lụa lịch sử. Vào thời điểm khi Trung Quốc đầu tư vào các dự án lớn tại Pakistan để phát triển mạng lưới giao thông và sản xuất năng lượng, thế còn nước láng giềng Afghanistan thì sao, một nước đang thiếu cơ sở hạ tầng một cách trầm trọng? Liệu có thể hình dung trong tương lai một đóng góp của Trung Quốc vào việc phát triển các tài nguyên thiên nhiên của đất nước này không? Liệu một tuyến đường sắt cao tốc qua đèo Khyber huyền thoại, trước đây là một đoạn đường nguy hiểm đối với các đoàn lữ hành, thì nay có trở thành một biên giới chiến lược với các khu vực của các bộ lạc Pakistan hay không?
Một số chuyên gia Trung Quốc đang núp đằng sau rủi ro tấn công khủng bố, quá cao tại Afghanistan, để tránh xem xét một sự hiện diện về kinh tế và con người đủ mức để khởi đầu một vòng luân chuyển hiệu quả về phát triển kinh tế. Một số người khác thì cho rằng không thể không đưa Afghanistan vào dự án OBOR, nhưng lại không có bằng cớ để hỗ trợ cho lựa chọn này.
Một biện pháp mới cho Pakistan
Sự nhập nhằng này về vấn đề Afghanistan cho thấy giờ đây Trung Quốc rất ý thức đến các rủi ro về an ninh gắn với sự phát triển kinh tế quốc tế của họ. Tại Pakistan, quốc gia mà ở đó các công dân Trung Quốc đã phải chịu đựng nhiều thiệt hại nhất trong thập kỷ qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Phát triển đã công bố, vào tháng 2 vừa qua, rằng quân đội đã huấn luyện một đơn vị đặc biệt để bảo vệ 5.000 chuyên gia Trung Quốc mà Pakistan đang chờ đợi xuất hiện trên lãnh thổ của họ, trên các công trường của hành lang kinh tế, từ Gwadar đến Kashgar. Liệu điều này có thể là một mô hình cho khu vực không?
Trong tất cả các vùng tối của dự án OBOR, các rủi ro về an ninh là điều giải thích khá rõ cho tất cả các vùng tối khác. Trung Quốc chỉ tham gia có ngoại lệ vào các cuộc khủng hoảng về an ninh quốc tế. Trung Quốc ưu tiên cho một tiếp cận tập trung vào các lợi ích thương mại của họ, và chọn cách sơ tán công dân của mình khi tình hình trở nên không chịu đựng được nữa. Trong mười năm qua, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện hơn mười lăm cuộc sơ tán tại các nước có khủng hoảng, quan trọng nhất là tại Libya (35.000 công dân) vào năm 2011, và mới nhất là tại Yemen và Iraq.
Cách tiếp cận cứng rắn và đoạn tuyệt với thế không can thiệp
Nhưng liệu một cuộc tấn công khủng bố chống lại dự án OBOR có tác động gì lên chính sách đối ngoại của Trung Quốc? Ngoài việc sơ tán công dân, Trung Quốc đã sử dụng cách tiếp cận cứng rắn trong những năm gần đây. Các đội tuần tra của hải quân Trung Quốc đã hộ tống các tàu container ở Vịnh Aden, trong khi các lực lượng cảnh sát biên phòng thì tuần tra dọc theo sông Cửu Long để góp phần vào tình hình an ninh đường sông. Bắc Kinh thậm chí đã xem xét đến một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, ở Miến Điện, chống lại một thủ lĩnh băng đảng bị buộc tội sát hại dã man 13 thủy thủ Trung Quốc trên sông Mekong, trước khi tổ chức cuộc dẫn độ hắn thông qua nước Lào, xét xử ở Trung Quốc và xử tử hắn ở Côn Minh.
Đối với một đất nước mà nguyên tắc cốt yếu của chính sách đối ngoại là không can thiệp, thì ở đây có một loạt các vi phạm đáng kể, tất cả đều liên quan đến việc bảo vệ công dân của mình. Kể từ năm 2013, Sách trắng của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã xác định việc bảo vệ các "lợi ích ở nước ngoài" của Trung Quốc là một trong những nhiệm vụ của quân đội, một sự khẳng định được lặp lại trong luật hoàn toàn mới về an ninh quốc gia. Liệu Trung Quốc có thể đổi hướng chính sách đối ngoại của họ đến đâu trong trường hợp có khủng hoảng, tác động trở lại đến tình hình an ninh của các công dân của họ?
Từ bỏ thế kín kẽ
Mặc cho những rủi ro mới này, trò chơi, nghịch lý thay, đáng để diễn giải lại dưới góc độ các lợi ích an ninh của Trung Quốc.
Wang Jisi (1948-)
Tất cả các nhà quan sát chính sách đối ngoại của Trung Quốc đều biết rằng: trọng tâm của Trung Quốc nằm ở Đông Á, điểm quy chiếu chính về bản sắc văn hóa của Trung Quốc, nơi tập trung các đối tác thương mại lớn và các ưu tiên của họ về mặt quốc phòng. Trung Quốc triển khai dự án trong một sự cạnh tranh địa chiến lược với Hoa Kỳ, nước có xu hướng tập trung vào những vấn đề về an ninh của khu vực: Đài Loan, các vùng biển phía Nam và phía Đông Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, như nhận xét của giáo sư Wang Jisi (Đại học Bắc Kinh), một trong những người ủng hộ có ảnh hưởng nhất đến việc triển khai chính sách đối ngoại của Trung Quốc về hướng phía Tây, thì sự được mất trong vấn đề an ninh ở Đông Á sẽ bóp nghẹt các quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tại sao không đánh lạc hướng bằng cách chú ý đến lục địa rộng lớn Âu-Á nhiều hơn nữa?
Về mặt địa chính trị, dự án OBOR hiện ra như một nỗ lực của Trung Quốc nhằm triển khai chính sách đối ngoại của họ tại một điểm mù của sự cạnh tranh Trung-Mỹ. Khi khởi xướng dự án thay vì rút sau hậu trường một cách kín kẽ, Tập Cận Bình đã phá vỡ những giới luật vốn đã hướng dẫn chính sách ngoại giao của Trung Quốc kể từ khi Đặng Tiểu Bình tiến hành các cuộc cải cách. Tuy nhiên, rủi ro đối với Trung Quốc chính xác nằm ở việc họ từ bỏ thế kín kẽ, một vị thế vốn từng phục vụ cho hình ảnh và lợi ích của họ ở các nước đang phát triển. Mười lăm năm sau khi các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu mở rộng ra thị trường quốc tế, một vị thế kín kẽ như thế đã thực sự giúp ngăn các công dân của họ trở thành mục tiêu tấn công của các tổ chức khủng bố Hồi giáo.
Nhưng không thể giữ vị thế này nữa, và Trung Quốc phải tìm ra một sự cân bằng mới giữa các lợi ích kinh tế và phần đóng góp vào tình hình an ninh quốc tế. Những rủi ro đáng kể mà các công dân của họ phải gánh chịu tại nhiều nơi trên thế giới đã buộc Bắc Kinh phải thực thi những trách nhiệm chưa từng đảm nhận. Chắc chắn, dự án OBOR sẽ thúc đẩy quá trình này bằng cách phân bổ lại các con bài an ninh khu vực trong vùng Trung Á rộng lớn, và gia tăng đặt cược một lần nữa vào Trung Quốc và các đối tác của họ – nhưng đặc biệt là vào Trung Quốc.
Mathieu Duchâtel
Giới thiệu tác giả
Mathieu Duchâtel là phó giám đốc chương trình Châu Á và Trung Quốc của hội đồng ECFR (Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại) kể từ năm 2015. Trước khi gia nhập ECFR, ông là đại diện của SIPRI (Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm) ở Bắc Kinh và là nhà nghiên cứu tại Asia Centre [Trung tâm Châu Á] có trụ sở tại Đài Bắc và Paris.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF