4.8.17

Tại sao chủ nghĩa xã hội?



Albert Einstein (1879-1955)

 TẠI SAO CHỦ NGHĨA XÃ HỘI?[1] (1949)

Albert Einstein
Có đúng không khi một người-không-phải-chuyên-gia lại phát biểu về các vấn đề kinh tế và xã hội? Tôi tin rằng, từ nhiều nguyên nhân, chúng ta có thể chấp nhận điều đó.
Trước hết, chúng ta hãy xem xét vấn đề được đặt ra từ quan điểm hiểu biết khoa học. Có hay không một sự khác biệt căn bản giữa thiên văn học và kinh tế học? Các nhà khoa học trong cả hai lĩnh vực đều cố gắng tìm ra các quy luật chung của các chuỗi hiện tượng được định nghĩa rõ, để làm cho mối liên hệ giữa các hiện tượng trở nên hiểu được một cách tốt nhất. Nhưng trong thực tế, những khác biệt về phương pháp luận này là có thật. Các quy luật của kinh tế là phức tạp vì những hiện tượng kinh tế quan sát được thường lệ thuộc vào nhiều yếu tố rất khó để đánh giá riêng lẻ. Cho nên những kinh nghiệm có được, chừng nào còn dựa trên cái-gọi-là loài người văn minh, được biết rằng đã chịu ảnh hưởng và hạn chế sâu rộng từ những nguyên nhân không thuần kinh tế: Ví dụ, hầu hết lãnh thổ của các nước lớn trong lịch sử được hình thành nhờ vào sự xâm chiếm. Các dân tộc đi chinh phục trở thành tầng lớp đặc quyền đặc lợi về mặt pháp lý và kinh tế. Họ giành cho mình độc quyền sở hữu đất đai và bổ nhiệm giới giáo sĩ từ chính hàng ngũ của họ. Giới này, bằng con đường giáo dục, có nhiệm vụ giữ ổn định sự phân chia giai cấp, và tạo ra một hệ thống giá trị, qua đó con người, một cách không ý thức, được dẫn dắt phần lớn trong hành vi xã hội của họ.
Nhưng di sản lịch sử, có thể nói, là của hôm qua, và chúng ta chưa nơi nào thực sự khắc phục được tình trạng kia, cái mà theo Thorstein Veblen có thể được gọi là "giai đoạn ăn cướp" trong lịch sử phát triển loài người. Thuộc về thời kỳ này là những sự kiện kinh tế có thể quan sát được – đó là một nền tảng nhỏ hẹp cho sự thiết lập các định luật tổng quát. Giờ đây, vì chủ nghĩa xã hội chính xác được hiểu là nỗ lực để khắc phục “giai đoạn ăn cướp” trong lịch sử phát triển loài người, cho nên khoa học kinh tế trong hiện trạng hôm nay của nó chỉ có thể phục vụ một cách giới hạn để cho điều được xem là những mục tiêu đáng vươn đến của chủ nghĩa xã hội là khả thi.
Thorstein Veblen (1857-1929)
Tiếp đến, chủ nghĩa xã hội hướng đến một cứu cánh đạo đức - xã hội. Khoa học, tuy nhiên, không thể tạo ra các cứu cánh, hay thậm chí không thể làm cho chúng thấm nhuần vào con người; khoa học, cùng lắm, chỉ cung cấp các phương tiện để đạt đến những cứu cánh nhất định. Mà các cứu cánh được thiết lập bởi những nhân cách lớn có lý tưởng đạo đức và - nếu có khả năng tồn tại lâu dài, chúng sẽ được tiếp nhận bởi nhiều người, mặc dù số đông, nửa ý thức nửa không, sẽ quyết định sự phát triển từ từ của xã hội. Do đó, không nên đánh giá quá cao khoa học và các phương pháp của nó khi nói về những vấn đề của con người.[2]
Trong một thời gian dài, vô số tiếng nói đã khẳng định rằng xã hội đang ở vào một tình trạng khủng hoảng, rằng tính ổn định của nó bị lung lay nghiêm trọng. Đặc tính của tình trạng đó là cá nhân trở nên vô cảm hay thậm chí thù địch đối với cộng đồng nhỏ hay lớn hơn mà họ là thành viên. Để minh họa ngắn gọn cho điều tôi nói, xin kể lại trải nghiệm sau: Trong cuộc trò chuyện với một người thông minh và đứng đắn, tôi đề cập đến hiểm họa của một cuộc chiến tranh hủy diệt đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại của loài người, và rằng chỉ một tổ chức vượt lên trên quốc gia mới có thể đưa ra một lối thoát[3]. Ngay lúc đó, người đối thoại của tôi trả lời một cách rất bình thản: “Tại sao ông lại kịch liệt phản đối sự biến mất của loài người khỏi trái đất đến vậy?” Một thế kỷ trước, có lẽ không ai buông ra những lời này một cách dễ dàng như thế. Đó là tuyên bố của một con người đã nỗ lực đi tìm một cách vô vọng sự cân bằng nội tâm, và ít nhiều đã bị mất đi hy vọng đạt đến sự cân bằng đó. Đó là biểu hiện của một sự cô đơn đau đớn trong tâm hồn mà rất nhiều người đã trở thành nạn nhân. Nguyên nhân từ đâu? Và có một lối thoát nào hay không?
Đặt ra những câu hỏi như vậy dễ hơn là trả lời chúng trong một chừng mực đáng tin cậy. Nhưng tôi phải cố gắng hết sức, dù tôi rất biết những rằng tâm tư (Fühlen) và mưu cầu (Streben) của chúng ta đầy mâu thuẫn và tối tăm.
Con người vừa là một “hữu thể đơn độc” vừa là một “hữu thể xã hội”. Với tư cách một hữu thể đơn độc, anh ta cố gắng bảo vệ sự tồn tại của chính mình và của những người gần gũi nhất, thỏa mãn ham muốn cá nhân, và để phát triển khả năng tiềm tàng của mình. Với tư cách một hữu thể xã hội, anh ta tìm cách giành lấy sự công nhận và tình cảm của những người đồng loại, để chia sẻ niềm vui và đau khổ với họ, và để cải thiện vận mệnh của họ. Các nỗ lực này, rất thường mâu thuẫn với nhau, sự kết hợp của chúng mới tạo ra tính cách đặc biệt của một con người, và quyết định sự cân bằng nội tâm, và giá trị xã hội của một cá nhân[4]. Sức mạnh tương đối của hai lực này có thể phần lớn là do bẩm sinh. Nhưng môi trường ngẫu nhiên xung quanh, nơi một người lớn lên, cấu trúc của xã hội, truyền thống sinh động của xã hội đó, là những nhân tố quyết định phần lớn nhân cách hình thành của anh ta. Đối với cá nhân, danh từ trừu tượng “xã hội” có nghĩa là tổng thể các mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp của họ đối với các cá nhân đương thời và các cá nhân của những thế hệ trước. Cá nhân một mình có khả năng tự tư duy, cảm xúc, mưu cầu và lao động; nhưng họ, trong sự tồn tại thể chất, trí tuệ và xúc cảm phụ thuộc quá nhiều vào xã hội đến mức không thể nào nghĩ đến bản thân mà không có xã hội kia. Chính con người nhận được thực phẩm, áo quần, chỗ ở, công cụ lao động, ngôn ngữ, các hình thái tư duy, và phần lớn nội dung tư duy của họ; họ sống nhờ vào lao động và những thành tựu của nhiều triệu người của hiện tại và quá khứ, những người khuất sau một từ “xã hội” nhỏ bé. Sự phụ thuộc chặt chẽ của cá nhân vào xã hội, do đó, là tự nhiên, và không thể thay đổi được – như ở các loài ong và kiến. Nhưng trong khi ở các loài ong và kiến, cả quá trình sống được quy định bởi các bản năng cứng nhắc đến từng chi tiết nhỏ nhất bởi di truyền, thì các hình thái xã hội, và các tương tác đặc thù đối với con người phần lớn là có thể thay đổi và uốn nắn được. Trí nhớ, năng lực kết hợp, năng khiếu ngôn ngữ để truyền đạt là những yếu tố làm cho sự phát triển trong xã hội loài người phổ biến không bị chi phối chặt chẽ bởi những điều kiện sinh học. Sự phát triển này đã được thể hiện trong các truyền thống, thể chế và các tổ chức, và trong văn chương; trong hoạt động khoa học và kỹ thuật; trong các tác phẩm nghệ thuật. Điều này giải thích rằng con người, một nghĩa nào đó, bằng hành động của mình, tự quyết định vận mệnh của mình, tư duy và ý chí một cách có ý thức có thể đóng một vai trò.
Con người từ khi sinh ra đã nhận một di sản sinh học được xem là cố định và không thể thay đổi, bao gồm những bản năng tự nhiên đặc thù của giống loài chúng ta. Ngoài ra, con người nhận được trong cuộc đời mình một di sản văn hóa từ xã hội thông qua sự truyền đạt và nhiều loại ảnh hưởng khác; di sản văn hóa này là thứ chịu tác động của những biến đổi, và quyết định lên các quan hệ giữa cá nhân và xã hội ở mức độ lớn. Nhân học hiện đại đã chứng minh bằng nghiên cứu và sự so sánh các nền văn hóa gọi là sơ khai, rằng hành vi xã hội của con người có thể khác nhau ở mức độ lớn, tùy theo sự cấu tạo của di sản văn hóa và các tổ chức có ảnh hưởng quan trọng trong xã hội. Từ đây, những ai thiết tha mong muốn thay đổi số mệnh con người có thể nuôi niềm hy vọng: Con người, trên cơ sở di truyền sinh học của họ, không nhất thiết bị kết vào cái tội truyền kiếp là tiêu diệt lẫn nhau, hay mang trong người một định mệnh tàn ác tự tạo.
Nếu chúng ta tự hỏi, cấu trúc của xã hội và thái độ của các cá nhân, vốn được quyết định bởi sự hình thành của truyền thống, phải như thế nào để làm cho sự tồn tại của con người trở nên càng mỹ mãn càng tốt, thì chúng ta trước hết phải lưu ý đến những yếu tố mà sự thay đổi của chúng nằm ngoài tầm với của chúng ta. Ngoài yếu tố di truyền sinh học có sẵn cố định trong các cá nhân, chúng ta phải nghĩ đến một yếu tố khác ở đây mà sự phát triển công nghệ những thế kỷ qua đã đem lại. Sự cung cấp các nhu yếu phẩm cho các quần thể dân cư sống đông đúc đòi hỏi một sự phân công lao động phát triển, và một sự tập trung cao độ của bộ máy sản xuất. Nhìn lại, sự tự cung tự cấp cho cá nhân hay các nhóm tương đối nhỏ trước đây, mà chúng ta thấy thật nên thơ, giờ đã vĩnh viễn qua rồi. Nói một cách quá đi một chút, chúng ta ngày nay có thể nói: Con người đã tạo dựng được một cộng đồng sản xuất và tiêu thụ trên quy mô hành tinh.
Bây giờ tôi có thể nói ngắn gọn, bản chất của cuộc khủng hoảng hiện tại nằm ở đâu. Nó liên quan đến vị trí của cá nhân đối với xã hội. Cá nhân đã trở nên ý thức hơn bao giờ hết sự phụ thuộc của mình vào xã hội. Nhưng họ không cảm nhận sự phụ thuộc này theo nghĩa tích cực, như một sự liên kết hữu cơ, như một sự che chở an toàn, mà là một mối đe dọa cho các quyền tự nhiên của mình, hoặc thậm chí sự tồn tại kinh tế của họ. Hơn nữa, vị trí của họ trong xã hội lại có tính chất: các động cơ ích kỷ thì được cổ vũ trong sự phát triển của chúng, trong khi các động cơ xã hội vốn yếu thế hơn thì tiếp tục bị teo lại. Dù địa vị của các cá nhân trong xã hội có khác nhau, nhưng tất cả họ đều đau khổ về sự teo lại này. Bị giam cầm trong ngục tù ích kỷ vô hình của chính mình, họ cảm thấy bất an, cô đơn, và bị tước quyền tham gia vào niềm vui đơn giản, trong sáng và vô tư của cuộc sống. Cá nhân, với cuộc sống ngắn ngủi và mong manh, có thể tìm thấy ý nghĩa trong cuộc đời bằng hoạt động cống hiến cho xã hội.
Tôi cho rằng nguồn cội đích thực của cái tai họa này nằm một phần trong tính vô chính phủ về kinh tế của xã hội. Đó là một cộng đồng sản xuất khổng lồ mà các thành viên trong đó thường xuyên tranh giành lẫn nhau để tước đoạt những thành quả lao động chung – không phải bằng bạo lực, mà bằng sự tuân thủ nghiêm chỉnh chung các quy định pháp lý đã được đặt ra. Ở đây, điều cơ bản là: những cái gọi là tư liệu sản xuất, những thứ tạo điều kiện cho người lao động sản xuất hàng tiêu dùng (thực phẩm, quần áo) và tạo ra những tư liệu sản xuất mới, có thể được cho phép là tài sản của các cá nhân, và thực tế phần lớn là như thế. Những tư liệu sản xuất này một phần là tài nguyên thiên nhiên (đất đai, hầm mỏ v.v.), một phần là các sản phẩm của lao động con người (các tòa nhà, máy móc, v.v.).
Để đơn giản, sau đây tôi sẽ gọi tất cả những người không sở hữu tư bản (hay tư liệu sản xuất) là "người lao động", mặc dù điều này không phù hợp hoàn toàn với cách sử dụng từ ngữ. Chủ sở hữu tư bản ở vị thế có thể mua sức lao động của người lao động. Bằng cách sử dụng các phương tiện sản xuất, người lao động sản xuất ra hàng hóa mới, những thứ sẽ trở thành tài sản của chủ tư bản. Điểm cốt lõi trong quá trình này là người lao động, đo lường ở giá trị thực, nhận được bao nhiêu cho lao động mà họ đã bỏ ra, so sánh với giá trị thực của các sản phẩm do họ sản xuất ra. Trong chừng mực hợp đồng lao động là "tự do", những gì người lao động nhận lại được quyết định không phải bởi giá trị thực của hàng hóa họ sản xuất ra, mà bởi sự xem xét nhu cầu tối thiểu cuộc sống của họ, và số lượng người lao động cạnh tranh nhau trong tương quan với số lượng lao động được chủ tư bản cần. Điều căn bản là, thù lao cho lao động, ngay cả trong lý thuyết, không được quyết định theo giá trị sản phẩm mà lao động làm ra.
Tư bản tư nhân có khuynh hướng tập trung vào tay một ít người, một phần do sự cạnh tranh giữa các chủ tư bản, một phần do sự phát triển công nghệ và phân công lao động ngày càng tăng nên các tổ chức sản xuất lớn hơn được ưu đãi so với những tổ chức nhỏ hơn. Kết quả là sự xuất hiện một tập đoàn đầu sỏ (oligarchy) của tư bản tư nhân mà ngay cả một xã hội được tổ chức dân chủ cũng không thể kiểm soát quyền lực của chúng. Điều này có lý do, vì sự bầu chọn vào các cơ quan lập pháp bị lệ thuộc vào các đề nghị của các đảng phái chính trị, mà sự tài trợ các đảng phái này phần lớn lại lệ thuộc vào tư bản tư nhân, nghĩa là bằng cách này, những lực lượng tư bản đã chen chân vào giữa giới cử tri và các cơ quan lập pháp. Hậu quả là những người đại diện nhân dân trong thực tế không bảo vệ một cách đầy đủ lợi ích của tầng lớp dân chúng chịu thiệt thòi. Hơn nữa, trong những điều kiện hiện nay, các nhà tư bản tư nhân phần lớn kiểm soát, trực tiếp hoặc gián tiếp, các cơ quan thông tin đại chúng (báo chí, đài phát thanh, giáo dục). Do đó, các cá nhân riêng lẻ gặp khó khăn trong việc đưa ra một ý kiến khách quan cho mình, và sử dụng một cách hợp lý các quyền chính trị của họ. Tình trạng mô tả trên được đặc trưng bởi hai yếu tố chính yếu:
Thứ nhất, phương tiện sản xuất (vốn) là sở hữu tư nhân (tư hữu), và người chủ sở hữu toàn quyền sử dụng chúng. Thứ hai, hợp đồng lao động là tự do.
Một nền kinh tế theo nghĩa đó là thuần túy tư bản chủ nghĩa tư nhân và chưa hề tồn tại nơi nào. Đặc biệt, sau những cuộc đấu tranh chính trị kéo dài, giới lao động đã đạt được một dạng “Hợp đồng lao động tự do” có phần được cải thiện hơn cho một số khu vực lao động. Nhưng xét chung, nền kinh tế của chúng ta chỉ khác biệt với “Tư bản chủ nghĩa thuần túy” đôi chút.
Người ta sản xuất vì lợi nhuận, chứ không phải vì nhu cầu. Người ta không quan tâm làm sao để tất cả mọi người dân có khả năng lao động được tham gia vào quá trình sản xuất. Luôn luôn tồn tại một “đội quân thất nghiệp”. Mỗi người lao động, một khi có được một chỗ làm, thì run sợ bị mất nó. Sản xuất cho những người thất nghiệp và những người bị trả đồng lương thấp là điều không đáng làm. Thiếu thốn và suy giảm sản xuất hàng tiêu dùng là hệ quả. Tiến bộ công nghệ, như một hệ quả, làm gia tăng thất nghiệp, hơn là giảm nhẹ gánh nặng lao động cho mọi người. Các động cơ lợi nhuận, kết hợp với sự cạnh tranh giữa các chủ tư bản, gây ra sự bất ổn trong sử dụng vốn, điều dẫn đến các cuộc “Suy thoái kinh tế” luôn tái diễn thường xuyên hơn. Cuộc cạnh tranh không kiềm chế dẫn đến một sự lãng phí lao động thái quá, và đến sự què quặt mặt xã hội trong thiên hướng của con người được đề cập trước đây. Sự què quặt này, tôi cho là điều tồi tệ lớn nhất mà chủ nghĩa tư bản gây ra. Điều tồi tệ này đã có ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục, ở đó các cá nhân trẻ được khắc sâu vào đầu tinh thần cạnh tranh quá đáng, và được giáo dục để ngưỡng mộ sự thành công hám lợi: đó là sự chuẩn bị cho cuộc đời nghề nghiệp sau này.
Trong niềm tin của tôi, chỉ có một con đường để loại bỏ điều tồi tệ nghiêm trọng này, đó là việc thiết lập một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, kết hợp với một sự giáo dục có ý hướng nhắm đến những mục tiêu xã hội: Các phương tiện sản xuất là sở hữu của xã hội và được xã hội sử dụng một cách có kế hoạch. Một nền kinh tế kế hoạch, với nền sản xuất hàng tiêu dùng thích nghi với nhu cầu hàng hóa của xã hội, sẽ phân phối công việc cần thực hiện cho tất cả các cá nhân có khả năng lao động, và đảm bảo cho tất cả mọi người khỏi sự thiếu thốn. Giáo dục cho cá nhân, bên cạnh sự phát triển các năng lực cá nhân, còn có mục đích đánh thức một lý tưởng hướng đến phụng sự đồng loại, thay vì tôn vinh quyền lực và thành công.
Tuy nhiên, kinh tế kế hoạch chưa hẳn là chủ nghĩa xã hội. Một nền kinh tế kế hoạch có thể gắn liền với sự nô dịch hoàn toàn cá nhân. Chủ nghĩa xã hội mang trong nó một vấn đề xã hội-chính trị không dễ giải quyết: Làm sao, trong một sự tập trung sâu rộng quyền lực chính trị và kinh tế, bộ máy hành chính không trở thành quá toàn năng, không quá phình lên, để cá nhân khỏi bị teo lại về mặt chính trị, và cùng với cá nhân, đối trọng dân chủ trước quyền lực của bộ máy hành chính cũng không bị teo lại?
Việc làm sáng tỏ những mục tiêu và vấn đề của chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ có ý nghĩa lớn nhất. Tiếc rằng, trong tình hình hiện tại của xã hội, sự thảo luận tự do về đề tài này bị cản trở như một điều cấm kỵ lớn.
Đỗ Thị Thu TràNguyễn Xuân Xanh dịch
(Trong Einstein, Từ những năm sau của đời tôi, Out of my later years. Sắp ra mắt)
Nguồn: Why Socialism?, MonthlyReview.Org, Volume 61, Issue 01 (May)




[1] Bài được đăng trong số thứ nhất (tháng 5, 1949) của tạp chí Monthly Review (New York).

[2] Bản tiếng Anh thêm vào đoạn này mà bản gốc tiếng Đức không có: “và chúng ta không nên cho rằng chỉ có các chuyên gia mới là những người có quyền phát biểu về những vấn đề tác động đến việc tổ chức xã hội.”

[3] Einstein từng đề nghị một “chính phủ thế giới” nhằm tránh nguy cơ chiến tranh hạt nhân hủy diệt.

[4] Bản tiếng Anh có thêm “và cải thiện những điều kiện của cuộc sống”.

Print Friendly and PDF