12.8.17

SOKAL cá tháng tư



SOKAL cá tháng tư

Hàn Thuỷ
Tháng tư, sau một mùa đông ảm đạm, được nắng xuân phơi phới thúc dục, người phương Tây hay đùa. Trẻ con hay sinh viên tìm cách nghịch ngợm, khéo léo dán vào lưng áo nhau mảnh giấy vẽ hình “con cá tháng tư”. Các tuần san, tập san, chuyên san thì có thể đăng những bài có nội dung tào lao, tin vịt, dưới hình thức nghiêm chỉnh để lừa độc giả, rồi cải chính trong số sau. Bạn đọc nào bị mắc lỡm thì hoặc cười xoà, hoặc hơi bực một tí, rồi cũng bỏ qua, trò đùa rơi vào quên lãng, cho tới năm sau.
Vào khoảng tháng tư năm ngoái cũng có một trò đùa trên báo, nhưng quá quắt và độc địa, vì ngược đời là tác giả đùa với chuyên san. Cá tháng tư tên Alan Sokal, giáo sư vật lý lý thuyết tại đại học Nữu Ước, mắc lỡm là ban biên tập cuả chuyên san Social Text, một chuyên san có tiếng về khoa học xã hội, biên tập tại Nữu Ước và do nhà xuất bản đại học Duke, tiểu bang Bắc Carolina, phát hành. Và nếu xem những tranh luận đã nổ bùng ra và tiếp diễn trong suốt một năm ở Mỹ, Anh và Pháp (những nơi người viết bài này với tới được), chỉ vì bài báo tào lao này, hay đúng hơn, chỉ vì sự việc bộ biên tập một chuyên san bị gạt mà không biết, thì phải nói thực chất cuả hiện tượng này không phải trò đùa. Bằng một hình thức độc đáo, tác giả đã thành công mỹ mãn trong việc ‘công luận hoá’ những cãi vã cho đến nay được giới hạn một cách kín đáo trong những tháp ngà cuả học thuật, tạm gọi là giữa một số những người nghiên cứu khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Những vấn đề trong cái quan hệ phức tạp giữa hai khía cạnh cuả văn hoá phương tây này thật ra không mới và thường được gọi dưới tên “vấn đề hai văn hoá (problème des deux cultures), văn hoá khoa học và văn hoá văn chương; mà C. P. Snow đã nêu ra đầu thập niên 60.
C. P. Snow (1905-1980)
Alan Sokal (1955-)
Le Monde, tờ báo (tương đối) đại chúng và được coi như có uy tín nhất tại Pháp đã dành cho ‘sự kiện’ Sokal tới bốn số, mỗi số nửa trang hay nguyên trang báo. Những tờ báo lớn khác như The Times tại Anh và New York Times tại Mỹ cũng dành cho sự kiện này tầm quan trọng tương tự, còn phải kể thêm Los Angeles Times, và ngay cả tờ Wall Street Journal cuả những chuyên gia kinh tế tài chính. Dĩ nhiên những chuyên san phổ biến khoa học lớn cuả thế giới như Nature (Anh), Science (Mỹ), Scientific American (Mỹ), Recherche (Pháp), đều nhảy vào cuộc; chưa kể vài trăm đóng góp tự do vào cuộc tranh luận trên lưới nhện toàn cầu (WWW, từ đây xin viết Lưới). Cho nên có thể nói chất nổ đã tích tụ, chỉ chờ Sokal châm ngòi pháo.
Nhiều nhà khoa học cho rằng nhiều triết gia ‘hậu hiện đại’ đã vượt qua cái giới hạn không thể vượt qua giữa sự suy luận thuần lý nghiêm túc và sự ‘sáng tạo văn chương’, nếu không muốn nói là bịp bợm, dựa trên những suy diễn bay bổng do không hiểu rõ những vấn đề cuả khoa học hiện đại, từ đó ảnh hưởng tới những phương tiện truyền thông đại chúng, và cả trong giáo dục đại học. Ngược lại là khuynh hướng tố cáo sự toàn trị cuả khối "khoa-học-kỹ-thuật” (techno-science) muốn áp đặt trên mọi vấn đề xã hội một cái nhìn máy móc theo khuôn mẫu cuả phương pháp luận khoa-học-kỹ-thuật, chưa bao giờ giải quyết được những vấn đề thực sự quan trọng trong xã hội và cuả con người. Bảo rằng mâu thuẫn thì chưa chắc đã mâu thuẫn vì theo thiển ý cả hai phê phán trên đều có cơ sở, nhưng nếu hỏi các nhà hoạt động văn hoá, hoạt động khoa học, đâu là lằn ranh cuả lý trí, đâu là những tiêu chuẩn đạo đức cho một nền khoa học nhân bản, thì rõ ràng là... không có gì rõ ràng.
1. Vượt qua biên giới
Cá tháng tư cuả Sokal chính là một bài báo vượt qua lằn ranh lý trí theo kiểu đó, điều nó muốn chứng minh là lằn ranh đó đã mờ nhạt trong đầu cả một tập thể chủ biên một tạp chí khoa học xã hội có tầm cỡ. Không phải tình cờ mà bài báo tựa đề “Vượt qua Biên giới: để tiến tới sự diễn dịch cải biến cuả trọng trường lượng tử” (liều dịch cái không thể dịch, Transgressing the Boundaries: towards a Transformative Hermeneutics of Quantum Gravity); vế đầu ai cũng hiểu được và đánh đúng tâm lý "hậu hiện đại” (post modernism), vế sau bí hiểm nhưng toàn những danh từ kêu to, hấp dẫn. Một tác phẩm nghệ thuật.
Tháng tư 1996 (thời điểm này chắc chỉ là tình cờ) trong số Xuân Hè, Social Text cho đăng bài cuả Sokal, thì ngay tháng năm Sokal lại có bài khác, đăng trong tập san Lingua Franca cùng loại, thừa nhận đã làm việc nhại văn với ý đồ “liệu một chuyên san văn hoá đầu đàn cuả Bắc Mỹ... có chấp nhận một văn bản chứa đầy những câu vô nghĩa nếu (a) nó có vẻ hay ho nghiêm chỉnh và (b) nó tán dương khuynh hướng ý thức hệ cuả ban chủ biên?. Kết quả là một sì-căng-đan học thuật chưa từng có, bắt buộc những nhân vật có liên hệ xa gần phải lấy thái độ.
Dĩ nhiên khó có thể dịch hay tóm tắt một tác phẩm siêu thực độc đáo như bài cuả Sokal, nhưng trước khi bình bàn hầu độc giả (theo chủ quan cuả người viết) những phản ứng tiêu biểu từ nhiều phía, xin lược ghi hai điểm để làm mốc cho những nhận định, một là những thủ thuật “bịp đời” cuả Sokal, và hai là hoàn cảnh ra đời cuả bài báo.
Kỹ thuật nhại văn là làm cho những câu vô nghiã có vẻ hay ho nghiêm chỉnh bằng cách:
Andrew Ross (1956-)
Stanley Aronowitz (1933-)
(a) trích dẫn các tác phẩm cuả người duyệt, hai người chủ biên cuả Social Text được trích dẫn một người 13 lần (Stanley Aronowitz) và một người 4 lần (Andrew Ross), đáng chú ý là Social Text không hỏi ‘referee’ để thẩm định bài cuả Sokal;
(b) sử dụng ngôn ngữ theo khuynh hướng chung cuả tờ chuyên san và không ngần ngại cường điệu hơn, Sokal nói đến “toán học giải phóng” (emancipatory mathematics), đến “khoa học hậu hiện đại” (postmodern science)...
(c) trích dẫn các khoa học gia danh tiếng như Bohr, Heisenberg, Godel, Thom, là những người đặt ra các vấn đề phức tạp và thường bị diễn dịch sai, để cũng lặp lại các diễn dịch sai theo thời thượng;
(d) trích dẫn những bc thầy tư tưởng cuả “trường phái nghiên cứu xã hội phe tả (Mỹ) “mà Social Text là một đại diện, như Lacan, Derrida, Latour... khổ thay trong đó đa số người Pháp;
Thêm chú thích
(e) dùng các thủ thuật trên để sắp xếp làm sao cho kêu và xuôi tai một mớ những thật giả lẫn lộn, phần lớn các câu người không nghiên cứu vật lý không thể biết là có nghĩa hay vô nghĩa. Nhưng có vài câu nếu để ý thì ai có trình độ khoa học trung bình cũng biết là diễu, chẳng hạn như “Số Pi cuả Euclid và số G cuả Newton, trước kia được cho rằng bất biến và phổ cập, ngày nay được nhận chân trong tính lịch sử tất yếu cuả nó” (Pi là tỷ số giữa chu vi vòng tròn và đường kính, một định nghĩa toán hoàn toàn phi thời gian, còn G từ Newton đến Einstein tuy được hiểu rõ hơn nhưng vẫn giữ vai trò bất biến phổ cập là hằng số cuả trọng trường), hoặc nữa “lý thuyết số phức (complex number), một ngành toán lý mới và còn có tính tư biện (speculative)...” (thật ra lý thuyết này đã hoàn chỉnh từ ... nửa đầu thế kỷ 19, và được dạy phổ biến năm đầu đại học khoa học);
(f) tuyên bố ý đồ chính là đem lại sự minh chứng bằng khoa học dựa trên những nghiên cứu vật lý mới nhất, để ủng hộ luận đề sau: các lý thuyết khoa học về cơ bản là một công trình xây dựng cuả xã hội (theo sự đánh giá cuả Sokal về thuyết xây dựng, constructivism); việc ban chủ biên Social Text chấp nhận bài Sokal mặc nhiên chứng minh rằng đánh giá này có phần đúng. Xin để ý chữ về cơ bản” (at bottom), cũng có thể dịch là suy đến cùng, vì đây là... cơ bản cuả vấn đề.
Paul R. Gross
Norman J. Levitt (1943-2009)
Tại sao tự nhiên đùa ác? phải trình bày thêm khung cảnh lịch sử: Số Social Text Xuân Hè là một số đặc biệt với chủ đề Những Đấu Tranh về Khoa Học (Science Wars), được mời gọi viết để trả lời cho cuốn sách cuả Paul Gross và Norman Levitt: Sự mê tín cấp đại học; phái tả kinh viện và sự bất hoà với khoa học (Higher Superstition; the academic left and its quarrels with science) nxb John Hopkins University Press, 1994. Gross nghiên cứu sinh vật học tại ĐH Hopkins (rất nổi tiếng về ngành này) và Levitt dạy toán tại ĐH Rutgers. Đã gọi là đấu tranh thì mọi chiến thuật đều dùng được, coi như Sokal đã tặng Social Text một con ngựa thành Troie. Chỉ có điều là ranh giới bạn thù cuả các bên tham chiến không giống nhau; Gross và Levitt tự coi mình ở bên chiến tuyến “hữu và khoa học chống tả và mê tín” còn Aronowitz và Ross thì giương cao ngọn cờ “tả và văn hoá chống hữu và kỹ phiệt”. Sokal hãnh diện mình có lập trường cấp tiến phe tả, chàng đã từng sang xứ Nicaragua cuả Sandiniste để dạy toán, nhưng trong cuộc chiến (luận) này Sokal muốn bảo vệ tinh thần khoa học duy lý chống lại những thái độ phi khoa học cuả trường phái Pomo (Post Modernism); đó là điều bất ngờ khiến Social Text nhận tặng phẩm ngựa gỗ. Hình ảnh con ngựa thành Troie này không phải cuả người viết, hắn chỉ cóp lại từ Lưới, và có lẽ dùng điển này không cường điệu; rất nhiều ý kiến cho rằng (thí dụ như Jorge Wagensberg, giáo sư vật lý tại Barcelone, La Recherche, 4.97) sau sự kiện Sokal, không khí học thuật kinh viện sẽ không thể như trước, không chỉ tại Mỹ, và không chỉ giới hạn trong ngành khoa học luận. Vậy thì từ hơn một năm nay các bên tham chiến và các khách ít nhiều bàng quan có những bình luận gì?
2. Sokal kẻ phá hoại
Jorge Wagensberg (1948-)
Stanley Fish (1938-)
Phá hoại đây trước tiên là phá hoại không khí học thuật. Dĩ nhiên kẻ đã bị đo ván không có cách nào dậy nổi như Stanley Fish (giám đốc nhà xuất bản Duke, có thể chẳng có trách nhiệm tinh thần nào trong vụ này) chỉ còn nước than van: “làm xảo thuật như Sokal thật có hại cho mối quan hệ dựa trên thành tín từ trước tới nay vẫn thịnh hành trong giới học thuật”. Song đây không phải là một phản ứng riêng lẻ, David O. Edge, giáo sư danh dự (reader emeritus) về xã hội học tại ĐH Edinburgh, Anh Quốc, mặc dù đồng ý với Sokal rằng (công tác khoa học) “tuân thủ Logic và chuẩn mực cuả sự minh chứng, đồng thời luôn luôn đối chiếu lý thuyết và thực tế... là một thành tố thiết yếu cuả mọi chính sách tiến bộ (bài thật, trong Lingua Franca); đã phê phán rất nặng bài giả... “Những ồn ào quá đáng hiện nay đập vào tai tôi như một sự giả mạo lố bịch, thực ra nó sẽ xói mòn những quy trình cuả học thuật: và khi những quy trình đó sụp đổ thì mọi sự sẽ bị đe doạ... sự đeo đuổi chung lý trí và chân lý... và ngay cả bản thân khoa học (đọc trên Lưới). Hervé le Bras, Giám đốc nghiên cứu cuả EHESS (trường nghiên cứu sau đại học về xã hội học, Pháp), thì cho rằng đây là “một trò đùa vô giá trị”, chỉ làm “chia rẽ khoa học tự nhiên và khoa học xã hội”; và có một nhận xét đúng: cách làm cuả Sokal thực ra là tránh né sự bàn cãi có chiều sâu (La Recherche số 4.97).
Hervé le Bras (1943-)
Benjamin Weiner
Không phải chỉ những nhà xã hội học chống cách làm cuả Sokal, Benjamin Weiner nhà vật lý học thiên văn tại ĐH Rutgers (cùng ĐH với Levitt), viết trên Lưới: “tôi cho rằng (làm như thế là) phá vỡ những đạo lý cuả khoa học và cuả kinh viện... tập thể nghiên cứu học thuật phải dựa trên điều tiên quyết là các đồng nghiệp là những người tin được, có nghĩa họ chưa chắc đã đúng, nhưng họ thành thật “và đặt câu hỏibạn có thể nào chấp nhận, khi thẩm định các bài viết, phải luôn luôn coi chừng tác giả có đang lừa mình hay không?. Thêm nữa Weiner còn minh chứng cho Bruno Latour (tiến sĩ triết, giáo sư khoa học luận tại trường mỏ Paris, một trường cao đẳng kỹ thuật nổi tiếng cuả Pháp). Weiner đã dự một khoá thỉnh giảng cuả Latour tại Mỹ và tóm tắt luận đề cơ bản mà Latour phát triển là: “theo một trường phái xã hội học đang nổi trội thì các lý thuyết khoa học là những khái niệm do con người sáng tạo, nghĩa là công trình xây dựng cuả xã hội... thế thì tại sao khoa học lại hữu hiệu như vậy?. Có gì là ghê gớm đâu, vẫn trở lại mối băn khoăn siêu hình cuả Einstein: “điều khó hiểu là tại sao thế giới này có thể hiểu được?”. Nếu bảo Latour là Pomo thì đây cũng là Pomo ‘mềm’ thôi! Đối tượng cuả Sokal thực ra là những người Pomo cứng, nhóm chủ biên cuả Social Text, theo đó phải ... xây dựng một phương pháp luận khoa học mới bắt rễ từ sự cần thiết cuả xã hội...(Andrew Ross, lời phi lộ cho số đặc biệt xuân hè nói trên) nghe mang máng như nền khoa học vô sản dưới thời Staline! vẫn còn lẫn lộn phương pháp luận với đối tượng và mục đích cuả khoa học (là những điều không ai phủ nhận cần có sự kiểm soát cuả xã hội). Bị đập là phải, và bị lừa cũng là tự nhiên!
Bruno Latour (1947-)
Denis Duclos (1947-)
Nhưng Sokal còn là kẻ phá hoại quan hệ Âu - Mỹ! Theo nhà xã hội học Denis Duclos, giám đốc nghiên cứu cuả CNRS, trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp, trên báo Le Monde ngày 3.1.97 thì hiện tượng Sokal thuộc về... “một hành động thương mại, thậm chí là chiến tranh tâm lý. Triết thuyết tiềm ẩn cuả họ là chủ nghĩa sô vanh chống châu Âu...”. Duclos rõ ràng muốn bảo vệ Lacan. Bruno Latour, trên Le Monde ngày 18.1.97 cũng có một bài dài phản ứng nặng kiểu đấm dưới thắt lưng như vậy, cùng nội dung, bài này tựa đề: “sau chiến tranh lạnh thì có còn khoa học không?”, hoàn toàn trật chìa. Thôi miễn nói thêm vì thường những bài cuả Latour (một trang trong La Recherche mỗi tháng) có chất lượng cao hơn thế (vả lại cuả đáng tội những cú đấm cuả Sokal cũng không phải trên thắt lưng). Sở dĩ phản ứng phẫn nộ nặng nề là vì Latour bị Sokal nêu đích danh để “tán dương” trong bài báo ‘dỏm’. Tội lỗi cuả Latour là đã viết một bài về thuyết tương đối, tương đối bay bổng quá đà” mà Sokal không chịu được (nhưng Weiner thì lại đánh giá: “tôi thấy bài ấy tối nghĩa, nhưng không có gì xấu xa... phản khoa học. Người viết bài này chưa đọc bài ấy cuả Latour nên không dám bàn tiếp. Tuy nhiên, xin mời bạn đọc suy nghĩ thêm, Latour là giáo sư khoa học luận trong một trường cao đẳng khoa học nhất nhì cuả Pháp, học trò cuả Latour chắc phần đông hiểu rõ thuyết tương đối, chưa nói gì tới các đồng nghiệp dạy toán hay vật lý cuả ông. Latour lại giữ mục khoa học luận trong tờ La Recherche, một nguyệt san phổ biến trong giới khoa học Pháp.
Nhưng, lại tuy nhiên, lại xin mời bạn đọc bỏ thì giờ suy nghĩ thêm nữa... trong những lời dạy về phương pháp luận khoa học cuả Aristote, một trong những phương pháp là tôn trọng ý kiến cuả những người có thẩm quyền, trong nền học thuật cuả châu Âu từ đó cho tới thời hiện đại vẫn có một loại lý luận được chấp nhận, được nêu rõ ràng là “theo những ý kiến có thẩm quyền “(argument d'autorité); tương tự như "Tử viết” cuả Á đông. Loại lý luận này nói chung chỉ bị từ chối trong khoa học tự nhiên kể từ những khủng hoảng sau Galilei, và bây giờ thì trong giới khoa học tự nhiên “ý kiến có thẩm quyền” không có ý nghĩa gì nữa, anh đúng, hoặc anh không đúng, dù anh là Einstein hay Bohr đi nữa.
... “Tuy nhiên như thế thật là”..., trích thơ Bùi Giáng cho nhịp ba cuả luân vũ. Nếu tuyệt đối từ bỏ chữ "thẩm quyền", từ bỏ những quyền ưu tiên tinh thần do chức vị đại học, giáo sư này, nhà nghiên cứu nọ, vân vân... thì bài viết này có ý nghĩa gì chăng? vì tại sao lại lo lắng đến những sự "thủ dâm tinh thần” trong các tháp ngà, câu hỏi dĩ nhiên không đặt ra riêng cho Diễn Đàn, mà còn cho những media uy tín nhất cuả thế giới? Trò đùa cuả Sokal rất vui, nhưng dư vị cuả nó thật không vui chút nào. Nói vậy lại phải thanh minh rõ, người viết bài này rất thích và ủng hộ Sokal, như nhiều người khác. Ý thức được rằng giá phải trả là rất cao, nhưng trong khoa học xã hội cũng như trong khoa học tự nhiên, muốn vượt qua được sự khủng hoảng về tư tưởng cuả thời đại thì rất cần “thanh lý môn hộ” trong sinh hoạt kinh viện, điều đó không dễ.
3. Những khách mộ điệu và những đồng minh cồng kềnh
Jean Bricmont (1952-)

Bây giờ xin bỏ qua những phê phán đồng nhất từ mọi phiá về sự cẩu thả không thể chối cãi cuả Social Text, khiến cho những người chủ biên cuả nó kể như đã “thân bại danh liệt” để “vượt qua biên giới” sang phía bên kia, nói về những người ủng hộ Sokal. Đầu tiên phải kể là Jean Bricmont, giáo sư vật lý lý thuyết, tại đại học Louvain, Bỉ. Bricmont là đồng tác giả với Sokal cho một cuốn sách sẽ ra để luận chiến trực diện và có chiều sâu (hy vọng thế) với Pomo: Những sự giả trá về khoa học cuả các triết gia hậu hiện đại, les impostures scientifiques des philosophes post modernes. Theo Bricmont (Le monde 18.1.97 và La Recherche, tháng 05.97) thì Sokal muốn đả kích ba khuynh hướng phản khoa học:
- Một là, chủ nghĩa tương đối văn hoá (relativisme culturel) trong đó bất cứ cái gì cũng chỉ là sản phẩm xã hội, đẻ ra từ một môi trường văn hoá thống trị nhất định, kể cả những hiểu biết khoa học. Bricmont và Sokal không phủ định rằng, theo một nghĩa nào đó, các lý thuyết khoa học cũng là sản phẩm xã hội, nhưng nhấn mạnh không thể quên rằng các lý thuyết đó dựa trên một nền tảng thực nghiệm và vì thế không thể giải thích lịch sử khoa học chỉ bằng cách nghiên cứu xã hội học (như trường phái Pomo kiểu Feyerabend có khuynh hướng) mà bỏ quên sự đối chiếu nội dung cuả các lý thuyết khoa học với thực tế. Từ đó đi đến không phân biệt được khoa học và nguỵ khoa học như tử vi, tướng số, chiêm tinh v.v..
- Hai là, những suy diễn tuỳ tiện mượn cớ thích hợp với khoa học tự nhiên để muốn nói gì thì nói trên các vấn đề văn hoá xã hội. Đây là điểm mà ‘thí nghiệm’ Sokal đã chứng minh thành công nhất.
- Ba là, chỉ đích danh những triết gia và các nhà phân tâm học luôn luôn làm như có vẻ là mình nắm vững khoa học, đem những thành quả khoa học để dẫn chứng, hay ít ra là để làm thí dụ cho những luận cứ cuả mình, một cách hoặc hoàn toàn sai lầm, hoặc hoàn toàn không cần thiết, hoặc bay bổng mơ hồ, hoặc gán ghép miễn cưỡng như kiểu chơi chữ cuả Lacan. Trong những người này có Lacan, Derrida, Deleuse, Latour, Paul Virilio, Julia Kristeva, Jean Baudrillard...
Tóm lại, theo Bricmont, “Mục đích chúng tôi chỉ đơn giản là lưu ý công luận trên sự thiếu nghiêm chỉnh và chặt chẽ trong cách người ta sử dụng toán học và vật lý học trong rất nhiều bộ phận cuả khoa học xã hội.”
Steven Weinberg (1933-)
Người viết bài này hoàn toàn đồng ý hai điểm đầu, còn về điểm ba thì nghĩ cần phân biệt mức độ, khó có thể trách những bài do người không trong ngành viết về khoa học là mơ hồ, trách như thế quá dễ. Và nếu muốn hoàn toàn chính xác thì chỉ có cách dùng ngôn ngữ cuả khoa học, khổ thay đó không phải là ngôn ngữ cuả đời thường. Chính ở đây, vì lập trường quá cứng rắn mà Sokal và Bricmont (nói theo ngôn ngữ đấu tranh cách mạng) chưa biết “thêm bạn bớt thù”, ngược lại còn kéo theo những đồng minh khá là cồng kềnh như Gross, Lewitt, và nhất là Steven Weinberg (giải Nobel vật lý). Những người này không cùng lý tưởng xã hội với Sokal và nổi tiếng là vơ đũa cả nắm, chống những nghiên cứu về xã hội học nói chung (với mục đích rất cụ thể là để dành phần lớn quỹ nghiên cứu cho khoa học tự nhiên). Hy vọng rằng trong cuốn sách sắp ra Sokal và Bricmont sẽ điềm tĩnh hơn, theo lời khuyên cuả người đồng nghiệp Etienne Klein (La Recherche, 4.97): “Hoan hô, nhưng coi chừng tay quay bật ngược”. Klein viết thêm: “Tuyệt đối không nên làm nản lòng những người trong khoa học xã hội trong công việc thẩm định có phê phán về khoa học tự nhiên cuả họ... chúng ta cần điều ấy biết bao... đừng dọn đường cho chủ nghĩa duy khoa học kiêu ngạo. Ý kiến này cũng hoàn toàn trùng hợp với quan điểm cuả Pierre Thuillier trong Pour la science (4.97) (ấn bản tiếng Pháp cuả Scientific American), Thuillier chuyên nghiên cứu lịch sử khoa học. Sau khi trình bày sự kiện Sokal với rất nhiều cảm tình, ông viết: “Sự kiện này có thể làm người ta lo ngại rằng một thứ khủng bố duy khoa học sẽ trở lại”.
4. Để kết luận: Thông điệp và nhiễu cuả một trái bom
Theo đà cuả ngôn ngữ hình tượng đó, tuy rằng chẳng chết ai và do đó không thể bị lên án tù, cá tháng tư cuả Sokal đúng là một trái bom khủng bố. Như mọi hành động khủng bố cách mạng, nó có thể có những lý do chính đáng hay không, nhưng dù sao nó không thể thay thế cho những suy nghĩ và tranh luận có chiều sâu. Thông điệp cuả một tiếng nổ luôn luôn mang theo rất nhiều nhiễu. Người ở rất xa cũng nghe, nhưng nghe được gì trong một vấn đề tưởng như đơn giản nhưng thực ra hết sức phức tạp? Không kể rằng ngoài đối tượng chính bị đánh có thể có nhiều người bên cạnh bị mảnh bom đánh lây, và toà nhà học thuật bị nham nhở lỗ chỗ. Trong việc này Sokal nợ độc giả cuả ông rất nhiều giải thích thêm, và người ta chờ đón cuốn sách sắp ra để xem sao.
Hàn Thuỷ
Diễn Đàn số 64, 01.06.1997
Sửa vài chi tiết 09.2003
Print Friendly and PDF