26.8.17

Cuộc khủng hoảng năm 2007, một bi kịch với bốn hoạt cảnh



CUỘC KHỦNG HOẢNG NĂM 2007, MỘT BI KỊCH VỚI BỐN HOẠT CẢNH

Cách nay đúng mười năm, ngày 09 tháng 8 năm 2007, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã quyết định bơm hơn 330 tỷ USD vào hệ thống tiền tệ toàn cầu. Mục tiêu của họ là ngăn chặn cơn hoảng loạn đang thâm nhập các thị trường với thông báo của ngân hàng BNP Paribas đóng băng việc rút tiền của khách hàng từ ba quỹ đầu tư chứng khoán được bảo đảm bằng các tín dụng dưới chuẩn. Từ vài tháng gần đây, các định chế tài chính khác cũng gặp khó khăn liên quan đến các khoản tín dụng nói trên, nhưng lần này cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1929 đã khởi đầu.
Cuộc khủng hoảng này đã không ngừng thay hình đổi dạng. Khởi đầu, vào đầu năm 2007, từ một phân khúc của thị trường thế chấp bất động sản Mỹ – các khoản vay dưới chuẩn nổi tiếng từ nay –, lần đầu tiên nó đã biến thành một cuộc khủng hoảng ngân hàng mà cao trào là sự phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ vào tháng 9 năm 2008. Sau đó, nó dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn – cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đầu tiên của thời hậu chiến –, bị rất nhiều biện pháp can thiệp của nhà nước chống đỡ. Trong khi ánh sáng cuối đường hầm có vẻ đến gần, thì cuộc khủng hoảng đã bước vào giai đoạn thứ tư, năm 2009, mà nó vẫn chưa kết thúc: tâm bão đã dịch chuyển từ Hoa Kỳ sang châu Âu, từ các khoản nợ tư đến các khoản nợ công.
Năm 2009, tâm bão đã dịch chuyển từ Hoa Kỳ sang châu Âu, từ các khoản nợ tư đến các khoản nợ công
Pierre-Noël Giraud (1949-)
Đối với nhà kinh tế học, Pierre-Noël Giraud, những cơn biến động của cuộc khủng hoảng chỉ là những tình tiết của cùng một tiểu phẩm nhiều chương hồi, Từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra, vấn đề chính là, như thường xảy ra đối với các thị trường tài chính, sự đảo ngược của cái mà tôi gọi là mistigri [căn bệnh đánh bạc]”, có nghĩa là khối lượng các chứng khoán tài chính không có khả năng giữ lời hứa về thu nhập, mà hậu quả là làm giảm đáng kể giá cả các chứng khoán đó, nếu không muốn nói là bị triệt tiêu. Trình bày lại cuộc khủng hoảng chính là theo dõi dòng chảy quỷ quái của căn bệnh mistigri này. Cuộc khủng hoảng đã phát sinh, đã phát triển, nó đã dịch chuyển như thế nào từ một thị trường và một lục địa đến một thị trường và một lục địa khác, và tại sao có quá nhiều khoản nợ không có khả năng thanh toán.
Lúc khởi đầu là các khoản nợ
Mọi thứ bắt đầu có vẻ giống như một hiện tượng bong bóng bất động sản cổ điển. Tại Hoa Kỳ, và cả tại châu Âu, giá nhà đất đã tăng vọt trong thập niên trước cuộc khủng hoảng. Giá nhà đất đã được nhân đôi tại Hoa Kỳ, nhân 2,5 lần tại Pháp, nhân 3 lần tại Tây Ban Nha và Anh, nhân 4 lần tại Ireland. Song song đó, số tiền nợ của các hộ gia đình cũng vọt lên cao vút. Sự bùng nổ về tín dụng cho các hộ gia đình và sự tăng giá bất động sản đã kích hoạt lẫn nhau leo thang mà không có một tác lực ngăn trở nào cả: sự gia tăng nợ được “lý giải” bởi sự tăng giá của di sản mà người ta có thể kiếm được. Và sự tăng giá bất động sản, không những không làm dịu đi tình trạng của người mua như trường hợp của một thị trường hàng hóa “cổ điển”, mà ngược lại còn thu hút người mua lao vào như một hứa hẹn về một sự giàu có trong tương lai.
Diễn biến của giá cả bất động sản từ năm 2000 đến năm 2011, cơ sở 100 trong quý 1 năm 2000
Diễn biến của tình trạng nợ của các hộ gia đình từ năm 2000 đến năm 2012, tính theo % GDP
Sự liên kết chặt chẽ này giữa mức tăng trưởng tín dụng và mức tăng trưởng giá cả tài sản là một nhân tố chính gây ra sự bất ổn trong các nền kinh tế tài chính hóa. Về vấn đề này, hiện tượng bong bóng bất động sản của những năm 2000 chỉ là biểu hiện mới nhất của một cơ chế đã hoạt động vào cuối những năm 1990, trong sự căng phồng của bong bóng Internet. Ngoại trừ các tài sản, vào thời đó, là cổ phiếu các công ty của nền kinh tế mới, và các tác nhân lao vào vòng nợ nần để mua các cổ phiếu đó, chủ yếu là các doanh nghiệp.
Một kỷ nguyên đồng tiền giá rẻ
Alan Greenspan (1926-)
Nhưng sẽ không thể có một mức tăng trưởng tín dụng như vậy nếu không có các điều kiện thuận lợi về tiền tệ và tài chính. Thập niên 2000 là thập niên của tín dụng giá rẻ, ở Hoa Kỳ, cũng như ở một phần lớn châu Âu. Tại Hoa Kỳ, để đối phó với những hiệu ứng của sự tan vỡ bong bóng Internet, Fed, Ngân hàng Trung ương của Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Alan Greenspan, đã cắt giảm rất mạnh lãi suất cho vay, một chính sách lãi thấp mà Fed tiếp tục thực hiện cho đến năm 2004. Lựa chọn này đã đẩy mạnh tín dụng gia đình và làm cho nước Mỹ tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Nhưng với cái giá phải trả là một hiện tượng bong bóng mang tính tàn phá còn nhiều hơn so với hiện tượng bong bóng trước.
Sau sự tan vỡ của bong bóng Internet, chính sách lãi suất thấp mà Fed theo đuổi đã đẩy mạnh hoạt động tín dụng gia đình và làm cho nước Mỹ tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ không phải là nguyên nhân duy nhất. Khi Fed cuối cùng quyết định nâng cao mức lãi suất ngắn hạn, thì lãi suất dài hạn không tăng theo như truyền thống. Một cách giải thích cho “điều bí ẩn” về lãi suất dài hạn này nằm trong bối cảnh quốc tế mới. Sự hòa nhập vào nền thương mại thế giới của những nước mới nổi khổng lồ như Trung Quốc đã làm cho các sản phẩm chi phí thấp tràn ngập các thị trường phương Tây. Điều này đã làm giảm các mức lạm phát được kỳ vọng, và từ đó làm giảm các mức lãi suất dài hạn.
Bên cạnh đó, kể từ thời điểm bước ngoặt của những năm 2000, ngày càng có nhiều nước có những khả năng cho vay đáng kể. Cùng với Đức và Nhật Bản, những nước xuất khẩu tiền tiết kiệm theo truyền thống, còn có thêm các nước sản xuất dầu hỏa, mà thặng dư đã bùng nổ với cao trào của vàng đen, và các nước Đông Nam Á, trong đó có Trung Quốc, những nước theo đuổi một chiến lược tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi xuất khẩu, kể từ cuộc khủng hoảng năm 1997. Tất cả số tiền tiết kiệm này đều hội tụ chủ yếu vào Hoa Kỳ, bởi vì hầu hết các nước đều ít nhiều muốn neo đồng tiền của họ với đồng US$, và còn bởi vì thị trường Mỹ cung cấp một loạt các khoản đầu tư thanh khoản và phi rủi ro phù hợp theo yêu cầu của họ.
Vai trò của các hoạt động đổi mới tài chính
Chính hệ thống tài chính của Mỹ sẽ tạo ra cung các tài sản “phi rủi ro” này. Nhờ vào một tập hợp các kỹ thuật tài chính và sự đồng lõa của các cơ quan xếp hạng tín dụng, các nhà giả kim về rủi ro đã thực hiện những điều kỳ diệu: họ chuyển đổi các khoản tín dụng cho các hộ gia đình trong tình hình tài chính bấp bênh thành những chứng khoán nợ được đánh giá ngang với các trái phiếu của những nhà nước vững chắc nhất. Bằng cách đó, cả một mảng hệ thống ngân hàng được điều tiết một cách yếu kém – các ngân hàng đầu tư, các quỹ đầu cơ và các phương tiện đặc biệt khác –, hoạt động trên cơ sở những hiệu ứng đòn bẩy quan trọng hơn bao giờ hết, đã thu về những khoản lợi nhuận kỳ lạ với sự giúp đỡ của các cơ quan điều tiết. Những khoản nợ khổng lồ của các định chế tài chính, phần lớn không được nhận ra trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, thì nay nhìn lại hiện ra như một lực tích luỹ đích thực những căng thẳng sẽ diễn ra sau này.
Đồng tiền chung, nhân tố của sự mất cân bằng
Kể từ cuối những năm 1990, châu Âu cũng trải qua một kỷ nguyên tín dụng dồi dào và lãi suất thấp. Sự đổi mới, thứ đã làm giảm rủi ro nhận thức được và thúc đẩy các dòng chảy của nguồn vốn quốc tế, không phát sinh từ sự khéo léo của các nhà tài chính, mà từ ý muốn của các nhà chính trị: đó là đồng euro. Thực vậy, các thị trường tài chính đã có một cái nhìn sai về đồng tiền chung, xem đó như là lý do đủ để hội tụ các lãi suất dài hạn giữa các nước, những nước đang duy trì những biến động tăng giá rất khác biệt. Những nước trong tình trạng đuổi kịp kinh tế đã trải qua một mức lạm phát nhanh hơn thấy rõ so với mức lạm phát của các nước lớn ở trung tâm của khu vực đồng euro. Vì vậy mà trong nhiều năm, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha hoặc Ireland đã hưởng lợi từ lãi suất thực âm (mức lãi suất thấp hơn mức lạm phát), thứ đã đẩy các tác nhân vào cảnh nợ nần.
Công nghệ tái cấu trúc tài chính được các ngân hàng đầu tư phát triển dựa trên một loạt các công cụ quản lý rủi ro tài chính. Trong những năm 2000, công nghệ này đã mang lại một sự tăng trưởng kinh tế chưa từng có, kết hợp nhiều kỹ thuật chuyển giao và hoà tan các rủi ro tín dụng khác nhau. Kỹ thuật cơ bản nhất, chứng khoán hóa, là tập hợp lại các khoản tín dụng của ngân hàng vào một công ty đặc biệt, và công ty này sẽ mua lại chúng bằng cách phát hành chứng khoán trên thị trường. Như vậy, các khoản tín dụng đã được rút ra khỏi bảng cân đối của ngân hàng, trong khi rủi ro và các khoản thu nhập gắn với rủi ro đã được chuyển cho nhiều nhà đầu tư. Vào đêm trước của cuộc khủng hoảng, vào năm 2006, các khoản tín dụng bất động sản dưới chuẩn chiếm gần một phần ba các khoản tín dụng được chứng khoán hóa.
Kỹ thuật này đạt thêm một độ tinh vi nữa cùng với các sản phẩm đã được cấu trúc. Hình thức chứng khoán hóa đặc biệt này giới thiệu một hệ thống thứ bậc giữa nhiều “lát” chứng khoán khác nhau từ một tổ hợp tín dụng giống nhau. Nguy cơ vỡ nợ được gánh chịu bởi những lát được gọi là chứng khoán “đàn em”, trong khi những lát chứng khoán “cao cấp”, được bảo vệ nhiều hơn, được bán cho các nhà đầu tư như là những tài sản “an toàn”, với sự đồng lõa của các cơ quan xếp loại tín dụng. Việc phát hành các trái phiếu nợ có thế chấp (CDO, collateralized debt obligations) đã có một bước tăng tốc đáng kể cho đến khi nổ ra cuộc khủng hoảng, từ 200 tỷ USD vào năm 2001 lên 1200 tỷ USD vào năm 2007, trước khi gần như biến mất.
Cuối cùng, các sản phẩm phái sinh tín dụng (CDS, credit default swaps [hợp đồng bảo hiểm nợ xấu]) cho phép chuyển rủi ro của một khoản tín dụng mà không phải chuyển bản thân tín dụng đó. Đây là một hình thức bảo hiểm khả năng vỡ nợ của khách hàng vay, được trả theo một phí bảo hiểm.
Tất cả các kỹ thuật này dường như nhắm đến việc chia sẻ rủi ro tín dụng. Chúng đặc biệt cho phép các ngân hàng gia tăng đáng kể việc cấp phát các khoản cho vay: do không còn những rủi ro có liên quan, các ngân hàng không còn phải huy động vốn để đảm bảo các khoản cho vay và có thể cấp nhiều khoản cho vay mới. Như vậy, lượng tín dụng được cấp sẽ phát triển không tương xứng với nguồn vốn được dự trữ.
Diễn biến này làm thay đổi sâu sắc hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Đó là việc hỗ trợ ngày càng ít hơn các khách hàng vay đối với những khoản vay đến kỳ hạn và bỏ túi tiền hoa hồng ngày càng nhiều hơn bằng cách bán các rủi ro tín dụng. Trong một mô hình như thế, sự liên kết giữa người vay và người cho vay bị phá vỡ hoàn toàn, việc đánh giá rủi ro là việc tính toán xác suất chứ không phải là việc kiểm tra khả năng thanh toán của cá nhân người vay.
Kết quả: tình trạng thâm hụt nợ nước ngoài của các nước này được đào sâu hơn, có chú ý đến mọi sự khác nhau, thậm chí sâu sắc hơn so với tình trạng của Hoa Kỳ. Vào đêm trước cuộc khủng hoảng, tỷ lệ thâm hụt hiện hành của Mỹ đạt mức kỷ lục là 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha gần đến 10%, của Hy Lạp vào khoảng 15%. Các nhu cầu đi vay này được bảo đảm bởi khả năng cho vay của các nước thành viên khác, trong đó có Đức, toàn khu vực đồng euro nói chung ở mức cân bằng. Nhưng không có điều khoản nào, trong các quy tắc chung liên quan đến đồng tiền chung, quy định những tình trạng mất cân bằng nội bộ như vậy. Hiệp ước bình ổn, tập trung vào các lĩnh vực tài chính công, hoàn toàn làm ngơ trước sự chệch đường của nợ tư nhân.
Nhồi máu tiền tệ
Núi nợ càng cao, thì sự sụp đổ càng nặng. Hiệu ứng đòn bẩy khổng lồ được các định chế tài chính huy động, theo kiểu hồi mã thương, biến thành một cỗ máy khổng lồ tạo ra thiệt hại. Việc có vô số các cam kết và hợp đồng gắn liền các tác nhân tài chính với nhau khiến cho sự lây lan càng nguy hiểm hơn. Đó là điều giải thích làn sóng sốc từ vòng xoáy bất động sản Mỹ kể từ năm 2006 đã lan rộng đến tất cả các thị trường tài chính và đến tận các ngân hàng châu Âu đang hoạt động rất tích cực trên các thị trường Mỹ. Cuối cùng, hoạt động kinh doanh của toàn bộ hệ thống tài chính quốc tế bị tê liệt bởi sự ngờ vực và sự cạn kiệt thanh khoản. Sự nhồi máu tiền tệ này gây ra một chế độ hạn chế cấp phát tín dụng và đẩy nhanh hơn nữa nền kinh tế toàn cầu rơi vào cuộc suy thoái.
Các chính phủ vào cuộc giải cứu
Để khắc phục những thiếu sót của các tác nhân tư nhân, các chính phủ đã thực hiện tất cả các vai trò: người cho vay, cổ đông, người bảo lãnh, người tiêu dùng, nhà đầu tư... Các ngân hàng trung ương đã cung cấp hầu như không giới hạn thanh khoản cho các ngân hàng, có ngày bơm vào hàng trăm tỷ US$ trên thị trường liên ngân hàng. Họ đã gia hạn thời hạn cho vay đối với các ngân hàng, mở rộng phạm vi của các chứng khoán được chấp nhận như là tài sản thế chấp và thậm chí trực tiếp mua vào các chứng khoán nợ để hỗ trợ cho các thị trường. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã mua 1.500 tỷ US$ chứng khoán nợ công và tư ngay từ năm 2009. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào cuộc trễ hơn và – trong thời gian đầu – một cách khiêm tốn hơn. Thông qua tất cả các hoạt động này, các ngân hàng trung ương đã gánh những món nợ mà các tác nhân tư không còn muốn gánh nữa.
Năm 2011, nợ công của các nước phát triển đạt mức trung bình 100% GDP, 30 điểm phần trăm cao hơn so với bốn năm trước!
Tài chính công cũng chịu một phần cú sốc. Năm 2011, nợ công của các nước phát triển đạt mức trung bình 100% GDP, 30 điểm phần trăm cao hơn so với bốn năm trước! Một phần của sự gia tăng này là do việc cứu trợ các ngân hàng. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sự hỗ trợ cho lĩnh vực tài chính đã lên đến khoảng 5% GDP của các nước phát triển, chỉ cho đến năm 2012, sau khi đã trừ ra các khoản tiền đã hoàn trả. Tuy nhiên, một số nước đã phải trả một cái giá cao rất đáng kể cho những hoạt động điên rồ của các ngân hàng của họ: mức tương đương 40% GDP ở Ireland! Và còn nữa, đó mới chỉ là những khoản tiền được chi ra cho đến hiện tại, chưa bao gồm những khoản bảo lãnh của các chính phủ đối với các chứng khoán được các định chế tài chính phát hành hoặc những lần bơm mới các nguồn vốn công có thể cần thiết.
Tuy nhiên, gánh nặng lớn nhất của việc gia tăng nợ công được lý giải bởi cuộc suy thoái kinh tế, và đặc biệt bởi những tổn thất về nguồn thu. Để so sánh, các kế hoạch phục hồi kinh tế được triển khai từ năm 2009-2010 chỉ tạo ra thêm một cái hố nhỏ mà thôi.
Vì vậy, bằng cách cách trực tiếp hoặc gián tiếp, các chính phủ đã gánh về phần mình một phần các khoản nợ tư quá cao đã có từ trước cuộc khủng hoảng. Đó là điều không thể tránh khỏi: thực vậy, chỉ có một mình Nhà nước mới có thẩm quyền để phân bổ chi phí và kỳ hạn cần thiết để kéo dài việc trả nợ trong thời gian. Hoạt động này có thể ngăn chặn sự lưu hành của căn bệnh mistigri, nhưng với hai điều kiện: đó là các bảng cân đối của ngân hàng phải thanh lọc thực sự các nợ xấu và, tất nhiên, là Nhà nước phải đủ sức tạo được niềm tin đối với các chủ nợ của mình.
Những Nhà nước bị mắc bẫy
Trong trường hợp ngược lại, sự lây lan khủng hoảng sẽ tiếp tục dòng chảy điên cuồng của nó. Và đó là điều đã xảy ra ở châu Âu kể từ khi Hy Lạp công bố, vào cuối năm 2009, tình trạng thảm họa của các hoạt động tài chính công của họ. Sau đó có vẻ như Nhà nước Hy Lạp khó mà đáp ứng được các cam kết của họ.
Diễn biến của nợ công (năm 2007 và năm 2012), tính theo % GDP
Trong gần ba năm, người châu Âu đã để cho cuộc khủng hoảng, vốn chỉ là một cuộc khủng hoảng cục bộ ở các nước ngoại vi nhỏ, thoái hóa thành cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro
Phải làm gì? Giải pháp thứ nhất: chuyển căn bệnh mistigri cho các nước thành viên khác. Nhưng các hiệp ước đã quy định rằng mỗi quốc gia sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ riêng của mình và không thể được giải cứu bởi các quốc gia khác. Giải pháp thứ hai: để cho ngân hàng trung ương mua lại nợ, mà quyền lực tạo ra tiền là không có giới hạn, như Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã làm trên diện rộng kể từ đầu cuộc khủng hoảng. Nhưng, một lần nữa, các hiệp ước nghiêm cấm việc tiền tệ hóa các thâm hụt ngân sách. Chỉ còn cách để các chủ nợ phải gánh chịu thiệt hại. Nhưng sự hội nhập của các thị trường tài chính châu Âu – các ngân hàng của mỗi nước nắm giữ một lượng lớn các trái phiếu nợ công của toàn bộ các Nhà nước khác – đã làm cho việc một Nhà nước vỡ nợ có nhiều khả năng kéo theo một chu kỳ tổn thất mới của các ngân hàng.
Ngoài những giải thích về mặt tài chính, sự gia tăng nợ trong những năm 2000 có thể được diễn giải như là một triệu chứng kiệt sức của một mô hình tăng trưởng không bình đẳng. Theo quan điểm này, việc các hộ gia đình ngày càng gia tăng các khoản nợ phản ánh sự bất lực của một hệ thống hiệu quả để phân phối lại các thu nhập cần thiết cho đại đa số người dân nhằm duy trì mức độ tiêu dùng của họ. Mối quan hệ này có vẻ khá rõ ràng tại Hoa Kỳ, nơi mà thu nhập trung vị đã giảm mạnh kể từ năm 2000, trong khi các hộ gia đình tiếp tục mua trả chậm Giấc mơ Mỹ.
Tại châu Âu, sự gia tăng bất bình đẳng là ít hiển nhiên hơn, nhưng dù sao cũng có thực. Nó tạo ra một cuộc xung đột về phân phối được thể hiện, trong một quốc gia như Pháp, bởi tình trạng chệch đường liên tục của nợ công. Thực vậy, đây chỉ là kết quả của việc cắt giảm thuế cho những người giàu nhất, trong khi nhu cầu bảo vệ những người nghèo nhất thì tăng... Nói chung, trong khu vực đồng euro, mối quan hệ giữa bất bình đẳng và nợ là sáng tỏ. Giữa các nước với các mức sống còn chênh lệch nhau, thì đồng tiền chung đã tạo thuận lợi cho sự hội tụ bằng nợ nần.

Trong gần ba năm, người châu Âu đã rơi vào bộ ba bất khả này và đã làm cuộc khủng hoảng, vốn chỉ là một cuộc khủng hoảng cục bộ ở các nước ngoại vi nhỏ, thoái hóa thành cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro. Họ đã chắp vá với những thỏa hiệp khập khiễng bằng cách kết hợp một ít kỹ thuật giải cứu tài chính, một ít kỹ thuật vỡ nợ và một ít kỹ thuật tiền tệ hóa... Họ muốn tin rằng tình trạng thắt lưng buộc bụng mạnh mẽ của các Nhà nước sẽ làm dịu thị trường. Nhưng tình trạng đó chỉ làm cho sự tăng trưởng kinh tế đổ vỡ và làm cho các khoản nợ tư và công thậm chí còn trầm trọng hơn. Mười năm sau khi nổ ra một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử, các Nhà nước châu Âu vẫn chưa rõ: chặn đứng căn bệnh nợ mistigri, cuối cùng, buộc phải cho đồng euro một nền tảng chính trị.
Bài viết được đăng lần đầu vào ngày 01/12/2012
Sandra Moatti
Sandra Moatti
Michel Aglietta (1938-)
Trưởng ban biên tập của tạp chí kinh tế chính trị
Phó ban biên tập của Alternatives Economiques, Sandra Moatti đặc biệt phụ trách các mảng kinh tế học vĩ mô châu Âu và quốc tế, cũng như kinh tế học lãnh thổ và bất động sản. Bà cũng là Trưởng ban biên tập của tạp chí Kinh tế chính trị.
Trước đây, bà từng là chuyên gia kinh tế ngân hàng (CPR), nơi bà cộng tác với Michel Aglietta. Cùng với Michel Aglietta, bà đã xuất bản cuốn Le FMI, de l’ordre monétaire aux désordres financiers [IMF, từ trật tự tiền tệ đến các rối loạn tài chính] (Economica, 2000).
Học tại trường Sciences Po Paris và trường HEC, sau đó học triết học và kinh tế học tại Đại học Paris I, bà cũng đã hoàn thành một khóa học về kiến trúc tại trường Paris-La Villette. Bà gia nhập tạp chí Alternatives Economiques vào năm 2002.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: La crise de 2007, une tragédie en quatre actes, Alternatives Economiques, 09/08/2017
Print Friendly and PDF