George Stigler (1911-1991) |
STIGLER George J., 1911-1991
Damien Gaumont
George J. Stigler sinh tại Renton, bang Washington, Hoa Kì, năm 1911. Sau
khi bắt đầu học tại đại học Northwestern (1932), ông tốt nghiệp tiến sĩ đại học
Chicago năm 1938. Giảng viên phụ đạo tại đại học Iowa từ 1936 đến 1938, ông lần
lượt là phó giáo sư rồi giáo sư của đại học Minnesota từ 1938 đến 1946, tiếp
đấy ông là giáo sư đại học Brown (Rhode Island) từ 1946 đến 1947, đại học
Columbia từ 1947 đến 1958, đại học Chicago từ 1958 đến 1981 và được đại học này
phong giáo sư ưu tú năm 1981. Làm nghiên cứu cho National
Bureau of Economic Research từ 1941 đến 1976, ông là giám đốc của tạp chí Journal of Political Economy từ 1973 đến
lúc mất năm 1991. Năm 1964 ông là chủ tịch American Economic Association. Rất
tích cực trong nhiều cơ quan công cộng trong đó có Task Force on Competition
and Productivity của tổng thống Hoa Kì Richard Nixon năm 1969, ở châu Âu ông
chưa bao giờ đạt đến đỉnh điểm của sự nổi tiếng như Milton Friedman, dù ông là
chủ tịch Hội Mont-Pèlerin từ 1977 đến 1978. Năm 1982, ông được Viện hàn lâm
khoa học hoàng gia Thụy Điển biểu dương.
Richard Posner (1939-) |
Gary Becker (1930-2014) |
Luận án tiến sĩ của G. J. Stigler là một đóng góp quan trọng cho lịch sử tư tưởng kinh tế (1941), được ông cảm nhận
như một bộ môn bổ sung thiết yếu cho nghiên cứu trong kinh tế học. Những đóng góp
của ông trong lĩnh vực tổ chức công nghiệp làm ông nổi tiếng, đặc biệt là những
nghiên cứu về những lí thuyết chi phí và cấu trúc công nghiệp, và mở ra nhiều
viễn cảnh về những phương thức hoạt động và cấu trúc của các thị trường (1942
và 1946). Ngay từ đầu những năm 1960, ông phê phán những qui định của Nhà nước
và hướng chương trình nghiên cứu của ông vào việc áp dụng khoa học kinh tế vào những hành vi chính trị (1950, 1956, 1957
và 1970). Cùng với G. Becker, ông nghiên cứu việc áp dụng khoa học kinh tế vào
xã hội học và cùng với R. Posnern ông nghiên cứu việc áp dụng khoa học kinh tế vào
những bộ môn của luật học.
Richard Nixon (1913-1994) |
Milton Friedman (1912-2006) |
Lập luận logic của Stigler có tính kinh tế vi mô và dựa trên tiên đề cho
rằng tự do cạnh tranh là tình thế thị trường làm cho sự thoả mãn của người tiêu
dùng cao nhất có thể, ngoại trừ đối với tiền thuê nhà và sự ô
nhiễm. Đối với ông, những doanh nghiệp độc quyền là những doanh nghiệp đáng lí
ra đã bị cạnh tranh loại bỏ do những chi phí sản xuất cố định quá cao, nhưng vẫn
còn tồn tại được nhờ điều ông gọi là “nguyên lí người sống sót”. Nói cách khác, quyền lợi sống còn của những doanh nghiệp này là
duy trì những rào cản gia nhập thị trường rất cao để ngăn những đối thủ mới
nhảy vào. Còn sự can thiệp của Nhà nước thì sẽ nhanh chóng trở thành tốn kém
cho người tiêu dùng, vì giá cả vẫn được giữ ở một mức cao lẫn cho các doanh
nghiệp sử dụng những sản phẩm này như một đầu vào sản xuất (ví dụ dầu lửa).
Việc bảo hộ một vài ngành thường chỉ đưa đến việc tìm kiếm một tô tình thế
(1975 và 1982).
Nhưng đối với Stigler, việc quay về với chủ nghĩa tự do là do cộng đồng
kinh doanh không muốn Nhà nước nới lỏng sự can thiệp vào kinh tế vì những ràng
buộc của cạnh tranh đè nặng lên công đồng này khuyến khích cộng đồng tìm kiếm
những trợ cấp của Nhà nước. Chính vì thế mà những lựa chọn công cộng thiên lệch
về hướng những nhóm gây áp lực quan trọng nhất và/hoặc có hiệu quả nhất. Xem
xét vào chiều sâu tác động của luật pháp kinh tế về các thị trường, Stigler đi
đến giả thiết theo đó một số qui định có thể được quan niệm nhằm bảo vệ các
doanh nghiệp, các tổ chức và nhóm ngành nghề hơn là bảo vệ công chúng và người
tiêu dùng.
Mặt khác, những công trình của Stigler nêu bật vai trò của thông tin trong
tiến hoá của thị trường. Theo lí thuyết truyền thống, tiến trình của những biến
cố của thị trường phải dẫn đến việc là mỗi sản phẩm được bán ở cùng một giá
khắp mọi nơi. Để điều này có thể xảy ra phải đưa những chi phí tìm kiếm và phổ
biến thông tin về các sản phẩm và giá cả vào trong mô hình tổng thể bên cạnh
những chi phí thông thường về sản xuất và vận tải. Năm 1982, ông được giải khoa
học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel “vì những nghiên cứu độc đáo và có ảnh
hưởng của ông về những cấu trúc công nghiệp, hoạt động của các thị trường cũng
như về những nguyên nhân và hiệu ứng của các qui định công cộng”.
· Production
and Distribution Theories [Những lí thuyết sản xuất và phân phối], New
York, Macmillan, 1941. – The Theory of Competitive Price [Lí thuyết giá tiêu dùng], New York, Macmillan, 1941. – Employment
and Compensation in Education [Việc làm và bù đắp trong giáo dục], New
York, National Bureau of Economic Research, 1950. – Trends
in Employment in the Service Industries [Những xu thế việc làm trong các ngành dịch vụ], Princeton University
Press, 1956. – The Citizen and the State [Công dân và Nhà nước], University of Chicago Press, 1975. – The
Economist as a Preacher [Nhà kinh tế như một nhà thuyết giáo],
Oxford, Basil Blackwell, University of Chicago Press, 1982. – BLANK D. & STIGLER G. J., The Behavior of Industrial Price [Hành vi của giá công nghiệp], New York, National Bureau of
Economic Research, 1970.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Những giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel của Damien
Gaumont trong Dictionnaire des sciences
économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên,
Paris, Presses Universitaires de France, 2001, trang 1020-1021.