Paul Lazarsfeld (1901-1976) |
LAZARSFELD PAUL-FELIX, 1901-1976
Lazarsfeld chào đời tại Wien. Đến New York năm 1933 với một học bổng nghiên cứu ở Rochester, ông ở lại Hoa Kì sau cuộc đảo chính của thủ tướng. Được bổ nhiệm làm giáo sư đại học Columbia năm 1941, cả sự nghiệp của ông diễn ra ở đây cho đến lúc về hưu năm 1970. Lazarsfeld nổi tiếng nhờ vai trò quan trọng của ông trong sự phát triển của xã hội học bằng các cuộc điều tra, của xã hội học định lượng và của xã hội học toán. Ông tiến hành những cuộc điều tra được coi là cổ điển đặc biệt trong những lĩnh vực của xã hội học về thất nghiệp, phát thanh, tiêu dùng và bầu cử. Ông đã góp phần vào việc tầm thường hoá các phương pháp phân tích thống kê trong xã hội học. Ông là người sáng tạo những phương pháp quan sát, như phương pháp panel; ông ở cội nguồn của những phương pháp phân tích dữ liệu, như phương pháp nhiều chiều. Ông lấy cảm hứng của những phương pháp này từ một chương trình nghiên cứu chung, được ông đặt tên là “phân tích thực nghiệm hành động”.
Ông mượn của các nhà tâm lí học K. và Ch. Bühler ý tưởng cho rằng việc hiểu biết những hành động cá nhân là một trong những mục đích chính của các khoa học xã hội. Từ giáo huấn của A. Adler ông giữ lại ý các động cơ không phải bao giờ cũng tức thì có mặt trong ý thức của tác nhân và do đó cần được “xây dựng lại”, để sử dụng một từ của Weber mà Lazarsfeld không dùng.
Có thể xây dựng lại những lí do và động cơ nằm bên dưới hành động đặc biệt bằng cách dựa trên việc so sánh những nhóm con mà phân tích nhiều chiều cho phép xác định, hoặc trên việc so sánh những câu trả lời thu được khi điều hoà dạng các câu hỏi đặt ra. Ở đây việc xem xét những “trường hợp lệch chuẩn” cũng có thể có một vai trò cơ bản. Các nguyên tắc này cũng có thể áp dụng cho những hành vi tiêu dùng cũng như cho những lựa chọn bầu cử, thậm chí cho những quan điểm ý thức hệ mà tác phẩm The Academic Mind (1958) nghiên cứu.
Edward C. Tolman (1886-1959) |
Talcott Parsons (1902-1979) |
Đối với Lazarsfeld, “phân tích thực nghiệm hành động” khác biệt với những chương trình nghiên cứu quan trọng khác. Theo thuyết hành vi chính thống, chính ngay ý niệm hành động phải bị bác bỏ tư cách khoa học do không phù hợp vì kéo theo việc mô tả những yếu tố tinh thần mà về bản chất là không quan sát được. Lazarsfeld (1966) chỉ ra rằng lí tưởng của thuyết hành vi – loại trừ những biến không quan sát được – là không thể chấp nhận. Theo Lazarsfeld, diễn tiến tri thức của E. C. Tolman, tuy là một tác giả có thẩm quyền của thuyết hành vi, xác thực nhận định trên. Tolman nguyên là một chuyên gia về tâm lí học động vật. Tuy là người theo thuyết hành vi ông nhanh chóng nhận ra là không thể mô tả hành vi động vật mà không sử dụng những khái niệm như “cẩn thận” hay “sợ hãi”. Lazarsfeld cho thấy là vì lí do này, Tolman đã không có khó khăn gì để đóng góp vào lí thuyết hành động của E. Shils và T. Parsons, dù cho lí thuyết này một cách sâu sắc không tương thích với lí thuyết hành vi cổ điển.
Oscar Morgenstern (1902-1977) |
Lazarsfeld lên án sự giáo điều của thuyết hành vi nhưng ông lại nhạy cảm với mục tiêu khoa học của thuyết này. Ông có cảm tưởng rằng điều quan trọng là phát triển một phong cách nghiên cứu tránh được hai chướng ngại sau: sự cứng nhắc của thuyết hành vi và sự ít đáng tin cậy của tâm lí học nội quan. Ông cũng biết là còn có một chương trình nghiên cứu khác phân tích hành động con người, đặc biệt cắm sâu ở Wien, tức là các mô hình tiên nghiệm của các nhà kinh tế. Lazarsfeld quen biết O. Morgenstern, nhà tiên phong trong việc áp dụng lí thuyết trò chơi vào kinh tế học. Nhưng kiểu phân tích này đối với ông có vẻ giả tạo. Các nhà kinh tế trang bị cho homo economicus của họ một tâm lí học duy lí hạn hẹp một cách tiên thiên. Theo Lazarsfeld, cách nhìn này đánh giá thấp tính đa chiều kích của những động cơ của các chủ thể xã hội và tính đa dạng của những đáp trả của họ trước một tình thế nhất định. Nó cường điệu hoá những khía cạnh vị lợi của hành động. Như vậy, “phân tích thực nghiệm hành động” trong tinh thần của Lazarsfeld mô tả một chương trình nhằm thay thế thuận lợi cho hai chương trình thống trị, chương trình của thuyết hành vi và chương trình của Trường phái Áo về kinh tế học. Đồng thời, nó phủ nhận chủ nghĩa ấn tượng của tâm lí học nội quan.
Cuối cùng, phân tích thực nghiệm hành động rất gần với truyền thống của “xã hội học thấu hiểu”. Dù sao cả hai cách tiếp cận này đều dựa trên cùng mấy nguyên tắc giống nhau: a) phân tích những hành động cá nhân là thời khắc mấu chốt của mọi phân tích xã hội học; b) tìm lại những lí do và động cơ của các hành động này; c) có thể thật sự xây dựng lại các lí do và động cơ này bằng cách phát triển những quy trình so sánh và thao tác phương pháp luận. Lazarsfeld đã có nhiều đóng góp chủ yếu trên điểm thứ ba này.
Theo Lazarsfeld, phân tích thực nghiệm hành động phải xem xét hai loại nhân tố được ông đặt tên là “động cơ” và “cơ chế” (mechanisms). Bằng thuật ngữ “động cơ” ông nói đến chiều kích cảm xúc của hành động. Ý niệm mechanism mô tả toàn bộ những yếu tố phi cảm xúc cần phải tính đến trong việc phân tích hành động, như các chiến lược nhận thức nhằm khắc phục những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt.
Chẳng hạn, trong một phân tích nổi tiếng, ông thăm dò những tin tưởng tập thể do một buổi phát thanh của O. Welles gây ra khi thông báo những kẻ xâm lược từ sao Hoả đã đổ bộ lên trái đất. Trong số những người được phỏng vấn, một số đã tin là có sự xâm lược của người ngoài hành tinh, và một số khác thì không. Càng dễ gặp niềm tin là có sự xâm lược khi trình độ học vấn của người được hỏi càng thấp. Vì năng lực xem xét một mệnh đề với óc phê phán, theo trung bình là càng thấp khi trình độ học vấn là càng thấp. Giáo dục hình thức tạo điều kiện cho sự phát triển của khả năng phê phán. Nhưng việc xem xét những “trường hợp lệch chuẩn” cho phép phân tích tinh tế hơn. Trong số những người có trình độ học vấn thấp, một số đã không tin sự xâm lược là có thật: những người hoài nghi này làm những nghề, như thợ sửa xe ôtô, đã tập cho họ lập luận có phương pháp về những quan hệ nhân quả.
Một nhóm người lí thú khác là những người gị hoảng loạn sau buổi phát thanh. Phân tích đa chiều cho thấy là họ không có những nguồn lực xã hội lẫn những nguồn lực nhận thức cần thiết để có một quan điểm vững chắc về tính thực tế của sự xâm lược của người đến từ sao Hoả. Nói cách khác họ có lí do để rơi vào hoảng loạn.
Nghiên cứu về thất nghiệp ở Marienthal cho thấy là tình hình thất nghiệp có những tác động đa dạng đến các quan hệ gia đình. Rất nhiều gia đình bị tan vỡ do người chủ gia đình bị thất nghiệp. Nhưng vẫn có những trường hợp lệch chuẩn. Chẳng hạn, trước cuộc suy thoái, trong một gia đình quan hệ vợ chồng không được đầm ấm. Thế mà quan hệ của họ được cải thiện đáng kể khi người chồng rơi vào thất nghiệp. Trước cuộc suy thoái, mỗi người, kể cả người vợ, chờ đợi là người chồng đảm nhận vai trò nghề nghiệp và chức năng của một người chủ gia đình, một chức năng thường dành cho đàn ông trong nước Áo của những năm 1920. Sau khi có cuộc suy thoái, những đòi hỏi này biến mất. Người đàn ông không còn là chủ gia đình nữa. Do đó anh ta không còn phải giữ vai trò này nữa, một vai trò mà anh ta không muốn đảm nhận. Quan hệ vợ chồng của anh được tác động một cách tích cực. Nghiên cứu Voting (1954) cũng cung cấp nhiều ví dụ cho sự tương đồng giữa phân tích thực nghiệm hành động và phương pháp luận của xã hội học thấu hiểu. Trong nghiên cứu này Lazarsfeld sử dụng một mô hình mở hơn nhiều so với những mô hình phân tích hành vi bầu cử bắt nguồn từ truyền thống kinh tế. Còn trong tác phẩm Personal Influence (1955) nổi tiếng ông chỉ ra rằng các phương tiện truyền thông đại chúng không có một tác động cơ học mà một định kiến gán cho chúng: khi một thông điệp quảng cáo lôi kéo sự chú ý của thính giả thì người này kiểm tra hiệu lực của thông điệp trước khi chuyển sang mua hàng.
Lazarsfeld không cho là các tác nhân ý thức những lí do thúc đẩy họ hành động. Tuy nhiên, những lí do này giải thích các lựa chọn của họ, và có thể xây dựng lại những lí do ấy một cách có phương pháp. Cần có hai điều kiện để việc xây dựng lại này là hợp thức. Việc xây dựng lại phải viện đến những mệnh đề tân lí chấp nhận được. Và, một khi nối liền nhau, các giả thiết này về các lí do và động cơ của các tác nhân giải thích vào chi tiết cấu trúc của các dữ liệu.
Một điểm yếu trong sự nghiệp của Lazarsfeld là dường như ông không thấy là chương trình của ông đã được một số nhà xã hội học cổ điển triển khai thật sự, đặc biệt bởi một Tocqueville hay một Weber, và họ đã sử dụng nó trước đó để để trình bày những hiện tượng xã hội vĩ mô.
· (1933), Les chômeurs de Marienthal, Paris, Minuit, 1989 (cùng với M. JAHODA & H. ZEISEL); ed., Radio Research 1942-1943, 1944 (cùng với F. STANTON); The People’s Choice. How the Voter makes up his Mind in a Presidential Campaign, New York, Duell, Sloan and Pearce, 1944 (cùng với B. BERELSON & H. GAUDET); Voting: a Study of Opinion Forrmation in a Presidential Campaign, Chicago, The University of Chicago Press, 1954 (cùng với B. BERELSON & W. MCPHEE); ed., Mathematical Thinking in the Social Sciences, 1954; Personal Influence. The Part Play by People in the Flow of Mass Communication, 1955 (cùng với E. KATZ); ed., The Language of Social Research: a Reader in the Methodology of Social Research, 1955 (cùng với M. ROSENBERG); The Academic Mind Social Scientists in a Time of Crisis, Glencoe (Ill.), Free Press, 1958 (cùng với W. THIELENS); ed., Méthode de la sociologie, Paris-La Haye, Mouton, 1965-1970, 3 vol. (cùng với R. BOUDON); Philosophie des sciences sociales, Paris, Gallimard, 1970.
▶ KENDALL P. (ed.), The Varied Sociology of Paul F. Lazarsfeld, New York, Columbia University Press, 1982. – LAUTMAN J., LECUYER B.-P. (ed.), Paul Lazarsfeld (1906-1976). La sociologie de Vienne à New York, Paris, L’Harmatan, 1998.
Raymon Boudon
Institut de France, Đại học Paris-Sorbonne (Paris IV)
Nguyễn Đôn Phước dịch
➝ Dữ liệu (phân tích); Merton; Thái độ; Xã hội học vĩ mô/vi mô.
Nguồn: Dictionnaire de la pensée sociologique của Massimo Borlandi, Raymond Boudon, Mohamed Cherkaoui và Bernard Valade (chủ biên), Paris, PUF, 2005.