QUYỀN LỰC MỀM TRUNG QUỐC: GIỮA CHIẾN LƯỢC ẢNH HƯỞNG VÀ KHẲNG ĐỊNH SỨC MẠNH
|
Barthélemy Courmont (1974-) |
Vấn đề quyền lực mềm Trung Quốc ngày nay là chủ đề của ngày càng nhiều công trình học thuật, ở Trung Quốc cũng như ở các nước Phương Tây. Được chính thức hóa từ Đại hội lần thứ XVII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) năm 2007 (Tài liệu, 2007), chiến lược quyền lực mềm đã dần được thực hiện và trở nên thiết yếu sau khi cặp Hồ Cẩm Đào - Ôn Gia Bảo lên nắm quyền năm 2002. Vào thời điểm một thế hệ lãnh đạo Trung Quốc thứ năm đang chuẩn bị tiếp quản từ Đại hội ĐCSTQ 2012, và có thể nhanh chóng đưa ra các hướng chiến lược mới, mà một số nhà quan sát đã mô tả là “sự đồng thuận Bắc Kinh” (Ramo, 2004; Halper, 2010), cần phải có một bản tổng hợp về quyền lực mềm và tra cứu cho cả việc tái cấu trúc ở Trung Quốc khái niệm này, một khái niệm sinh ra ở Hoa Kỳ và cách thức nó được sử dụng để phục vụ một ý đồ chiến lược lớn. Do đó, câu hỏi về thời “hậu quyền lực mềm” được đặt ra khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tự vấn về các chiến lược tốt nhất để tác động và khẳng định quyền lực của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Bài này phân tích các cách giải thích khác nhau về quyền lực mềm ở Trung Quốc và việc tái cấu trúc khái niệm của Joseph Nye, đặc biệt là sự phát triển của các công trình và sự chú ý mà nó nhận được ở Trung Quốc [1]; khảo cứu các chiến lược được thông qua và ý nghĩa của chúng đối với sự phát triển của đất nước này trên trường quốc tế [2]; giải mã chuyển động con lắc của quyền lực mềm từ Washington đến Bắc Kinh [3]; sau đó đặt câu hỏi về giới hạn của quyền lực mềm Trung Quốc [4]; và về sự cám dỗ của quyền bá chủ của Bắc Kinh như một hệ quả tất yếu của những thành công của nó [5].
1. - TỪ QUYỀN LỰC MỀM CỦA JOSEPH NYE CHO DẾN SỰ ĐỊNH NGHĨA LẠI KHÁI NIỆM NÀY Ở BẮC KINH
|
Joseph Nye (1937-) |
Trong một môi trường chính trị quốc tế được đánh dấu bằng sự biến mất của khối Đông và nhiều suy nghĩ lý thuyết và thực nghiệm về quyền lực và sự suy tàn[1], nhà khoa học chính trị người Mỹ Joseph Nye đã đưa ra ý tưởng vào cuối những năm 1980 rằng các biến đổi của hệ thống quốc tế do sự lưỡng cực mang lại đã tăng tốc và khuếch đại sự xuất hiện của một hình thức quyền lực mới, mà ông gọi là quyền lực mềm (Nye, 1988). Giáo sư đại học Princeton là người đầu tiên đã nhận thấy rằng những thuộc tính được xem là truyền thống của sức mạnh (lực lượng quân sự, trọng lượng dân số, địa lý, tài nguyên chiến lược), được định nghĩa như là các thành tố của cái mà ông xác định là quyền lực cứng trong Chiến tranh lạnh, đã thấy tầm quan trọng của chúng giảm dần theo hướng có lợi cho các thuộc tính phi vật chất, như thể chế, trình độ học vấn của dân số, công nghệ hay văn hóa. Mặc dù không được định nghĩa rõ ràng, nhưng quyền lực mềm, theo Nye, là “khả năng thay đổi những gì người khác muốn vì lực hấp dẫn của nó”, do đó đối lập với quyền lực cứng, là “khả năng thay đổi những gì người khác làm” (Nye, được trích dẫn trong Wang & Lu, 2008, trang 425). Do đó, sự sụp đổ của khối Đông có liên hệ một phần đến sự yếu kém của quyền lực mềm của Liên Xô, không thể cạnh tranh với quyền lực mềm của Mỹ, được trình bày như một ví dụ thể hiện hoàn hảo tất cả các đặc tính của khái niệm này. Trong một bài gần đây, Nye tinh chỉnh khái niệm của mình (ban đầu không rõ ràng) và chia các nguồn quyền lực mềm thành ba loại chính: văn hóa, giá trị chính trị nội bộ và chính sách đối ngoại, có thể được bổ sung bởi một số khía cạnh của sức mạnh kinh tế và quân sự, tuy thường liên quan đến quyền lực cứng (Nye, 2004). Để được coi là nguồn thực sự của quyền lực mềm, các yếu tố này phải được coi là chính đáng, đáng tin cậy và hấp dẫn đối với các chủ thể chính trị khác (do đó dẫn đến mong muốn bắt chước). Các quốc gia thực hiện chiến lược quyền lực mềm tìm cách làm cho mình hấp dẫn hơn, và do đó cải thiện hình ảnh của họ, đến mức tăng cường sức mạnh ảnh hưởng của họ.
|
George Kennan (1904-2005) |
Trên nhiều phương diện, ý tưởng này không phải là mới, nhưng đến nay nó chưa bao giờ được lý thuyết hóa. Lấy cảm hứng sâu sắc từ tính lưỡng cực, Nye tưởng tượng ra quyền lực mềm bằng cách lấy ví dụ về Hoa Kỳ đối đầu Liên Xô. Ngay từ đầu những năm 1950, George Kennan đã nhấn mạnh đến các hình thức quyền lực khác nhau có thể cho phép Washington giành thế thượng phong đối với Moscow, đồng thời đặt Chiến tranh Lạnh vốn chỉ giới hạn trước đây trong lĩnh vực quân sự chính trị trên lĩnh vực của một cuộc đấu tranh tư tưởng và văn hóa: “ảnh hưởng quyết định nhất mà Hoa Kỳ có thể tác động đến sự phát triển nội bộ của Nga là tiếp tục là gương mẫu: ảnh hưởng được xác định bởi những gì họ là, không chỉ cho những người khác mà còn cho bản thân họ (Kennan, 1951). Khái niệm quyền lực mềm, như được Nye mô tả, do đó đã khẳng định những thành công của Washington trong Chiến tranh Lạnh như nó được Kennan tưởng tượng; nó cũng cung cấp các công cụ để đặt câu hỏi về các chiến lược tốt nhất để theo đuổi trong một môi trường quốc tế mới.
|
Vương Hỗ Ninh (1955-) |
Ngay từ đầu những năm 1990, khái niệm quyền lực mềm đã gây nên sự quan tâm trong vài giới trí thức ở Trung Quốc, dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường xem với sự khinh miệt những gì họ coi là “khái niệm của phương Tây”, trong một bối cảnh được đánh dấu bởi sự xung khắc sâu sắc sau các sự kiện ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Tuy nhiên tác phẩm đầu tiên của chuyên gia người Mỹ đề cập đến quyền lực mềm (Nye, 1988) cũng đã được He Xiaodong dịch vào năm 1992 và được Nhà Xuất Bản Bản Dịch Báo Chí của Quân Đội/China’s Military Translation Press cho xuất bản. Tuy nhiên, chính một bài viết của Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), vào năm 1993, lần đầu tiên đặt ra câu hỏi về quyền lực mềm ở Trung Quốc, và mở ra cuộc tranh luận về tính thích đáng của một định hướng như vậy đối với Bắc Kinh, gợi ý rằng “nếu một quốc gia có văn hóa và một hệ tư tưởng đáng ngưỡng mộ, các quốc gia khác sẽ có xu hướng đi theo nó. (…). Nó không cần sử dụng quyền lực cứng đắt tiền và kém hiệu quả hơn” (Wang, 1993). Bài này lấy lại những ý tưởng chính của khái niệm được Nye phát triển, đồng thời xác định văn hóa như là nguồn chính của quyền lực mềm. Việc xây dựng quyền lực mềm sau đó được tổ chức tại Trung Quốc, tuy vẫn còn rụt rè, nhưng ngay lúc đó nó đã khác với ý nghĩa của khái niệm này ở Hoa Kỳ.
|
Bonnie S. Glaser |
Về phần mình, các chuyên gia không phải là người Trung Quốc, khác nhau về việc Bắc Kinh tiếp nhận khái niệm quyền lực mềm. Bonnie Glaser và Melissa Murphy thì cho rằng khái niệm này đã được đón nhận một cách thuận lợi kể từ khi được du nhập vào Trung Quốc (Glaser & Murphy, 2009), trong khi Sheng Đinh và Li Mingjiang cho rằng ngược lại khái niệm có rất ít tác động (Sheng, 2008; Li, 2008a). Đối với Sheng Đinh, sự dè dặt này được giải thích bởi việc bài báo của Wang Huning xuất hiện quá sớm sau các sự kiện ở Quảng trường Thiên An Môn và sự cô lập mà Trung Quốc là nạn nhân trên trường quốc tế chính vì đã sử dụng một cách quá thô bạo quyền lực cứng của mình. Theo ông, mãi đến giữa những năm 1990, “Trung Quốc mới thoát khỏi chấn thương Thiên An Môn” và giới học thuật và chính trị mới bắt đầu quan tâm thực sự đến quyền lực mềm (Sheng, 2008, p. 26). Sự miễn cưỡng này có lẽ được giải thích bởi những trải nghiệm thất bại của Trung Quốc trong nửa sau của thế kỷ 20. Vào những năm 1950, Trung Quốc đã xúc tiến một hệ tư tưởng phục vụ Chủ nghĩa Thế giới thứ ba và sau đó tìm kiếm, vào cuối những năm 1960, cách để tuyên truyền những ý tưởng của cuộc cách mạng văn hóa của mình; theo cách riêng của mình, Trung Quốc đã cố gắng đề xuất một dạng quyền lực mềm, với kết quả không được như mong muốn, Cách Mạng Văn hóa (1965-1975) là ví dụ điển hình nhất. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy, vào đầu những năm 1990, một thế hệ các nhà lãnh đạo đã hoàn toàn lấy cảm hứng từ các ý tưởng và khuyến nghị của Đặng Tiểu Bình để bác bỏ tất cả các nỗ lực quay trở lại các chiến lược kiểu này.
Cách giải thích khác được tìm thấy trong các cuộc tranh luận nội bộ của Đảng Cộng Sản, nơi giới bảo thủ thường miễn cưỡng đối mặt với các chiến lược xuất phát từ thế giới Phương Tây. Tuy nhiên, các chuyên gia đồng ý rằng các cuộc tranh luận lúc đầu chỉ giới hạn ở giới hàn lâm và sau đó, từ đầu những năm 2000, sự quan tâm đến quyền lực mềm dần dần lan sang giai cấp chính trị và truyền thông (Pang, 2006; Meng, 2007; Kurlantzick, 2007; Courmont, 2009; Cabestan, 2010).
Trong suốt quá trình này, các ý tưởng của Nye đã khơi dậy một mối quan tâm thật sự ở Trung Quốc, tuy nhiên khái niệm quyền lực mềm cũng được các chuyên gia và lãnh đạo Trung Quốc xác định lại, đến mức ta có thể nói đến “quyền lực mềm Trung Quốc”. Khái niệm này có những đặc điểm khác với khái niệm ban đầu được phát triển bởi Nye, nó là kết quả của sự tái cấu trúc thực sự khái niệm của Nye (Li, 2008a). Cần lưu ý rằng một số trường phái tư tưởng đã phát triển, tất cả các nhà nghiên cứu Trung Quốc không lý thuyết hóa quyền lực mềm theo cùng một cách, đến mức đề xuất cách đọc đôi khi rất khác nhau. Trong số các trường phái tư tưởng khác nhau này, có “trường phái văn hóa”, còn được gọi là “trường phái Thượng Hải”, nhanh chóng trở thành trường phái thống trị về chủ đề này. Trường phái này được gọi là “trường phái văn hóa” vì tầm quan trọng mà nó gắn cho văn hóa. Nó chủ yếu xuất phát từ khái niệm quyền lực mềm được đề xuất trong bài báo của Wang Huning (Wang, 1993). Yu Xintian, Giám đốc danh dự của Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải (SIIS), tổng hợp vị trí của trường phái văn hóa như sau: “Quyền lực mềm được tạo thành từ các ý tưởng và nguyên tắc, thể chế và các biện pháp chính trị hoạt động trong nền văn hóa của một quốc gia và không thể tách rời khỏi đó (Yu Xintian, được trích dẫn trong Glaser & Murphy, 2009, trang 13). Văn hóa là nguồn lực chính của quyền lực mềm vì nó bao gồm hai nguồn sức mạnh mềm khác được xác định bởi Nye: chính sách đối ngoại và các giá trị chính trị trong nước (Yu, 2008). Đối với những người thuộc trường phái văn hóa, lịch sử cổ đại và văn hóa truyền thống là những yếu tố chính của quyền lực văn hóa mềm của Trung Quốc. Do đó, để cải thiện sự hấp dẫn của Trung Quốc trên trường thế giới, trường phái này chủ trương quảng bá văn hóa Trung Quốc ra quốc tế.
Tại Đại Hội Toàn Quốc của ĐCSTQ lần thứ XVI vào tháng 12 năm 2002, hệ thống cải cách trong lĩnh vực văn hóa đã chính thức được triển khai, với mục đích được khẳng định là đề cao văn hóa Trung Quốc với mục tiêu chiến lược là phục vụ lợi ích của quốc gia. Tuy nhiên, chỉ vào năm 2007, tại Đại Hội Toàn Quốc thứ XVII của ĐCSTQ, quyền lực mềm mới chính thức được thông qua như một nguyên tắc chính trị. Cần lưu ý ở đây rằng điều này được thực hiện theo sáng kiến của Bộ Văn hóa, chứ không phải Bộ Ngoại giao (Tân Hoa Xã, 2007). Ngoài ra, bài phát biểu của Hồ Cẩm Đào nhân dịp này đã ghi nhận việc áp dụng chính thức khái niệm quyền lực mềm được trường phái Thượng Hải đề xuất: “Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi đổi mới các sáng kiến văn hóa xã hội chủ nghĩa, kích thích sự sáng tạo văn hóa của cả quốc gia và làm cho văn hóa trở thành một yếu tố quan trọng của quyền lực mềm của Trung Quốc (được trích dẫn trong Suzuki, 2009, trang 781). Tầm nhìn huyền diệu về sức mạnh của Trung Quốc này có đặc tính rất lạ là hầu như chỉ dựa vào các công cụ của quyền lực mềm, đi đầu là sự lan toả của ảnh hưởng văn hóa, mà không bao giờ đề cập đến các vấn đề kinh tế hoặc quân sự, ngoại trừ việc cho thấy rằng Trung Quốc cũng tìm cách đóng một vai trò trong công cuộc gìn giữ hòa bình (Huang, 1999). Do đó, lỗ hổng chính của nó là không đưa ra một tầm nhìn dài hạn mà chỉ hài lòng với việc ủng hộ các sáng kiến văn hóa để quảng bá Trung Quốc, nhưng không đặt câu hỏi tại sao. Hiểu như vậy, nó sẽ giống như một loại quảng bá thương hiệu quốc gia[2] hơn là một chiến lược chính trị thực sự. Các trường phái lý thuyết khác, hiện ít nhận được sự quan tâm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc bao gồm: “các trường phái văn hóa thứ cấp” vốn xuất phát từ tầm nhìn của trường phái Thượng Hải, nhưng lại đẩy mạnh tầm quan trọng của yếu tố văn hóa; và xu hướng của “các trường phái văn hóa phê phán”, bao gồm “trường phái ngày 4 tháng 5 năm 1919” và “trường phái văn hóa đa dạng”. Có các xu hướng khác đặt chính trị và chính sách đối ngoại vào trung tâm của các chiến lược quyền lực mềm, đó là “các trường phái chính trị” của Su Changhe, Xu Jin và Yan Xuetong (Yan và Xu, 2008). Nếu chúng có thể thắng thế trong những năm tới, các trường phái này hiện tại kín đáo hơn, nhưng vẫn ảnh hưởng đến chiến lược triển khai các nguồn lực đáng kể và đến sự thiết kế ý đồ chiến lược lớn của Trung Quốc.
2. - NHỮNG PHƯƠNG TIỆN QUAN TRỌNG PHỤC VỤ CHO CHIẾN LƯỢC ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC
Trên thực tế, quyền lực mềm đã nhanh chóng phục vụ cho chiến lược ảnh hưởng của Trung Quốc. Theo diễn ngôn chính thức trong nửa đầu thập niên 2000, mục tiêu là một mục tiêu kép. Một mặt, cần phải sử dụng quyền lực mềm để có được các thuộc tính của một cường quốc hoàn chỉnh: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ phụ thuộc vào quyền lực cứng mà còn cả vào quyền lực mềm. Sự trỗi dậy thực sự của Trung Quốc bao gồm hai hình thức sức mạnh phải hoạt động theo cách thức bổ sung cho nhau (Meng Honghua, được trích dẫn trong Wuthnow, 2008, trang 6). Do đó, một trong những lý do cho sự chấp nhận tích cực, dù là chỉ tương đối, của quyền lực mềm ở Trung Quốc trong những năm 1990 là ý tưởng của Nye đã tác động trong khi các học giả và chính trị gia đang đặt câu hỏi làm thế nào để biến Trung Quốc thành một cường quốc, và về các yếu tố cấu thành của một sức mạnh như vậy. Trong bối cảnh này, “luận điểm của Nye, gợi ý rằng các cường quốc là những nước có cả quyền lực cứng và quyền lực mềm, đã tỏ ra rất thuyết phục trong mắt các nhà phân tích Trung Quốc” (Wang & Lu, 2008, p. 435).
Thứ hai, quyền lực mềm có thể hỗ trợ cho việc thiết lập một “tập hợp môi trường thuận lợi” (Li, 2008a, trang 300) cho sự trỗi dậy của sức mạnh Trung Quốc: một môi trường quốc tế và khu vực ổn định và hòa bình, một môi trường hợp tác dựa trên sự bình đẳng và cùng có lợi, một môi trường truyền thông “khách quan và thân thiện” (Li, 2008a, trang 300). Nguyên lý theo đó cần dành ưu tiên cho các phương tiện khác ngoài quyền lực cứng, vừa quá đắt và có hiệu quả đáng ngờ, đã được ủng hộ mạnh mẽ ở Bắc Kinh sau năm 2002, và thậm chí còn mạnh hơn nữa sau năm 2007. Nhất là, điều đã được thừa nhận là quyền lực mềm không mâu thuẫn với khuyến cáo của Đặng Tiểu Bình là phải khiêm tốn trên trường quốc tế và không tìm cách áp đặt một cách thô bạo một mô hình nào đó.
Liền theo sự thông qua các cải cách, nhiều sáng kiến đã được đưa ra, như việc mở ra các viện Khổng Tử, sự trao đổi với các trung tâm văn hóa và đại học (Gill, 2008; Paradise, 2009), việc tổ chức “những năm của Trung Quốc” ở các quốc gia khác nhau và, tất nhiên, sự tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, như Thế vận hội Olympic ở Bắc Kinh hoặc cuộc Triển Lãm Thế Giới ở Thượng Hải (Pang, 2008). Mặc dù ngân sách của chúng là khổng lồ, nhưng trong hầu hết các trường hợp, các sáng kiến này không vượt quá sự quảng bá đơn giản các đặc điểm và phẩm chất của Trung Quốc.
Tuy nhiên, mục tiêu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như đã tiến hóa rõ ràng hơn sau đó. Trong những năm gần đây, quyền lực mềm không chỉ được coi là một công cụ cho phép đạt đến quy chế của một cường quốc, mà là một phương tiện để buộc phải công nhận vị thế cường quốc của Trung Quốc (Meng, 2007). Do đó, Bắc Kinh đã triển khai một chiến dịch quyến rũ to lớn, đầu tư số tiền khổng lồ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, thường là không đòi hỏi bất cứ sự đối ứng nào. Để củng cố uy tín của mình, Trung Quốc “nhấn mạnh đến các mối quan hệ tượng trưng và các cử chỉ mạnh mẽ, chẳng hạn như tái thiết Quốc hội Campuchia hoặc Bộ Ngoại giao Mozambique” (Heng, 2010, trang 298). Ví dụ này là một minh họa, trong nhiều ví dụ khác, về những nỗ lực mà Trung Quốc sẵn sàng triển khai.
Trong thực tế, như bản đồ thế giới của các viện Khổng Tử hiện có số lượng lên tới hàng trăm và được phân bố trên tất cả các châu lục là chứng minh, quyền lực mềm của Trung Quốc bao trùm lên toàn cầu; tuy nhiên, nó được thực hiện mạnh mẽ hơn các nơi khác ở các quốc gia được gọi là Phương Nam. Chúng ta có thể thấy rằng các khu vực như Đông Nam Á, Châu Phi, Trung Đông và Châu Mỹ Latinh bị ảnh hưởng trực tiếp, khi họ được hưởng lợi từ sự hiện diện ngày càng rõ ràng của Trung Quốc. Đông Nam Á đã, từ nhiều năm nay, được coi là vùng ảnh hưởng (pre carrre) của Trung Quốc. Chính là tại khu vực này, những nghiên cứu đầu tiên về quyền lực mềm của Trung Quốc và ảnh hưởng bên ngoài của Bắc Kinh đã bắt đầu phát triển (Garrison, 2005). Nó thậm chí còn là phòng thí nghiệm để triển khai quyền lực mềm của Trung Quốc tại các quốc gia của Phương Nam. Ngoài các mối quan hệ kinh tế và thương mại ngày càng bền chặt, đảm bảo cho Trung Quốc có được các đối tác quý giá, Đông Nam Á đã dần trở thành nơi hội tụ chiến lược và công nhận mô hình phát triển của Trung Quốc. Các hiệp định thương mại tự do với sáu quốc gia thành viên ASEAN có hiệu lực vào tháng 1 năm 2011 đã xác nhận xu hướng này.
Sự hợp tác mới giữa Trung Quốc và Châu Phi đã được thực hiện bởi một diễn đàn đầu tiên, vào tháng 10 năm 2000, quy tụ gần 80 Bộ trưởng Ngoại giao từ 45 quốc gia Châu Phi. Diễn đàn thứ hai diễn ra vào tháng 11 năm 2003 tại Ethiopia và kết thúc bằng việc thông qua Kế Hoạch Hành Động Addis Ababa vạch ra những đường lối chính của sự hợp tác này trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại và xã hội. Sau hai diễn đàn này, khu vực “Trung Quốc-Châu Phi/Chinafrique” đã ra đời, từ đó, đã phát triển đáng kể. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc cần các nguồn năng lượng dồi dào trên lục địa Châu Phi trong khi Châu Phi lại cần viện trợ của Trung Quốc để phát triển. Do đó, nguyên tắc hai bên cùng có lợi là rất cần thiết. Nhưng sự hiện diện của Trung Quốc ở Châu Phi, cạnh tranh với sự hiện diện của các cường quốc Phương Tây, với thời gian, có thể gây ra nhiều vấn đề về sự can thiệp chính trị, ngay cả khi Bắc Kinh từ chối cho đến nay áp đặt bất kỳ điều kiện nào lên viện trợ của mình, ngoại trừ điều kiện mà ta thường thấy: không còn công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao, vì Châu Phi đã từng là một trung tâm hỗ trợ ngoại giao cho Đài Loan (Wang & Lu, 2007).
Trao đổi thương mại là nguồn gốc của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Trung Đông; nó không ngừng tăng trưởng trong những năm gần đây. “Con đường tơ lụa mới”, được đánh dấu bằng việc nối lại thương mại và đầu tư giữa Vịnh Ba Tư Ả Rập và Châu Á, giờ đây được thể hiện bằng các trao đổi mới về vốn và hàng hóa. Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc là trung tâm của các cuộc trao đổi này, nhưng cả “nhu cầu đối với Trung Quốc” ngày càng rõ ràng đối với các quốc gia trong khu vực, bất kể bản chất của chế độ của họ và các mối quan hệ họ có với các cường quốc khác. Một cách nghịch lý, việc xuất khẩu quyền lực mềm của Trung Quốc sang Trung Đông đã diễn ra một cách tự phát; nó thậm chí còn đi trước sự quan tâm hiện nay của Bắc Kinh đối với khu vực này và bất kỳ chiến lược nào nhằm thúc đẩy sức mạnh của Trung Quốc (Zhang, 1999). Đó là bằng chứng cho thấy Trung Quốc thực sự có phương tiện để quyến rũ. Một dấu hiệu khác xác định sự xuất hiện của quyền lực mềm Trung Quốc ở Trung Đông là việc thực hiện một chiến lược khu vực không còn chỉ dựa vào các cách tiếp cận song phương. Bắc Kinh, đã nhân lên sự mở ra nhiều học viện Khổng Tử, thậm chí đã ra mắt ấn bản tiếng Ả Rập của tạp chí China Today tại Cairo. Những sáng kiến này có thể tiến hóa do các phong trào dân chủ đã nhân lên ở khu vực này, nhưng do khả năng của Bắc Kinh thiết lập quan hệ đối tác với các nền dân chủ cũng như các chế độ độc tài, điều này sẽ không làm cho sự phát triển của Trung Quốc tại Trung Đông bị nguy hại trong một thời gian nhất định. Cuối cùng, Châu Mỹ Latinh đã thu hút Bắc Kinh trong những năm gần đây, phần lớn là do dự trữ năng lượng và khoáng sản. Tiểu lục địa Châu Mỹ cũng được Trung Quốc quan tâm vì tài nguyên nông nghiệp. Cùng với Hoa Kỳ, Brazil và Argentina hiện là các nước xuất khẩu chính các sản phẩm nông nghiệp - đặc biệt là thịt và đậu nành - sang Trung Quốc. Trong một vài năm, Trung Quốc đã trở thành một thị trường tiêu thụ không thể thiếu cho các nguyên liệu của Châu Mỹ Latinh. Sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ này trong cái sân sau của Hoa Kỳ là một minh chứng cho khả năng của Trung Quốc thay thế sức mạnh của Mỹ, đặc biệt là khi ảnh hưởng của Mỹ đã giảm đi đáng kể.
3. - SỰ CHUYỂN ĐỘNG CON LẮC CỦA QUYỀN LỰC MỀM TỪ WASHINGTON ĐẾN BẮC KINH
Nếu thành công của chiến lược ảnh hưởng của Bắc Kinh là kết quả của một quá trình được tổ chức từ từ, tập trung vào quyền lực mềm, thì những phương tiện mà Trung Quốc đã triển khai để làm nổi bật lợi thế của mình cũng giải thích cho thành công này, cũng như những khó khăn của Washington trong việc duy trì quyền lực mềm của Mỹ. Do đó, một sự chuyển động con lắc từ Washington đến Bắc Kinh đã diễn ra, những khó khăn của nước này tăng cường thành công của nước kia. Sự thâm hụt trong hình ảnh của Hoa Kỳ trên khắp thế giới, và đặc biệt là ở các nước đang phát triển trong thập kỷ qua, được kết hợp với sự cải thiện rõ rệt hình ảnh của Trung Quốc. Xu hướng này có thể được giải thích bởi các lựa chọn trong chính sách đối ngoại của chính quyền Bush (đặc biệt là chủ nghĩa đơn phương trong cuộc xung đột ở Iraq), vốn bị tranh cãi nhiều ở bên ngoài, và bởi cách nêu bật tầm nhìn mới về đa cực của các nhà lãnh đạo Trung Quốc ý thức được cơ hội duy nhất đang đến với họ (Zheng, 2005). Ngoài ra, các phương tiện mà Hoa Kỳ có, về đầu tư hay viện trợ phát triển, đã giảm song song với sự gia tăng năng lực của Trung Quốc và ý muốn của Bắc Kinh cải thiện hình ảnh của mình bằng cách chi tiêu số tiền lớn (Gill, 2007). Cuộc khủng hoảng kinh tế quốc tế mà các cường quốc Phương Tây đã bị cuốn vào kể từ năm 2008 và việc cắt giảm ngân sách đáng kể đi kèm chỉ làm khuếch đại hiện tượng này (Nye, 2010a). Một số nghiên cứu, đáng chú ý là những nghiên cứu do Trung tâm Pew Research thực hiện, đã chứng minh tác động của những sự tiến hóa này trên các nước đang phát triển, đối lập sự suy giảm hình ảnh của Hoa Kỳ với sự gia tăng tầm quan trọng của vai trò của Trung Quốc và sự ủng hộ của các dân tôc đối với Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc đã thay thế một nước Mỹ ít mang tính chinh phục hơn và ít sẵn sàng đảm nhận vai trò của một cường quốc khoan dung. Nếu không có bối cảnh thuận lợi này, không chắc là quyền lực mềm của Trung Quốc đã có những thành công nhanh chóng và rực rỡ như vậy. Sau khi Barack Obama và Bộ trưởng Ngoại giao, Hillary Clinton lên nắm quyền, Washington bắt đầu thực hiện chiến lược quyền lực thông minh (Nye, 2010b), mục tiêu chính là kết hợp các năng lực của quyền lực cứng và quyền lực mềm để phục vụ một chính sách đối ngoại mới, dựa trên nguyên tắc rằng nếu quyền lực mềm là thiết yếu, thì quyền lực cứng không nên bị bỏ qua hoàn toàn như là một hình thức quyền lực. Tuy nhiên, cách tiếp cận này, mặc dù đáng khen ngợi, nhưng hầu như không che giấu sự chậm trễ đã có trong một thập kỷ.
Mối liên hệ liên tục này với trường hợp của Mỹ, cả trong quá trình bắt chước và tái cấu trúc khái niệm quyền lực mềm và trong cơ hội do những thất bại của Washington tạo nên, liên kết mật thiết quỹ đạo của Trung Quốc với Hoa Kỳ. Nó đặt ra câu hỏi về sự cạnh tranh lâu dài có thể có giữa hai cường quốc, điều không nhất thiết sẽ dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang, mà là một hình thức lưỡng cực mới giữa hai cường quốc.
Cần lưu ý rằng sự cạnh tranh với Washington là trung tâm của hầu hết các suy nghĩ về quyền lực mềm ở Trung Quốc (Yan & Xu, 2008), nhưng cũng của nhiều nghiên cứu về sự trỗi dậy của Trung Quốc được công bố tại Hoa Kỳ. Ví dụ, Fang Changping quan sát những hệ quả đối với Trung Quốc của sự cạnh tranh giữa quyền lực mềm của Mỹ và Trung Quốc (Fang, 2007). Kết hợp những nỗ lực của họ, người Mỹ Joseph Nye và người Trung Quốc Wang Jisi đặt câu hỏi về hậu quả đối với Hoa Kỳ của sự phát triển của quyền lực mềm Trung Quốc; họ kết luận rằng đây không nhất thiết là dấu hiệu của sự cạnh tranh không thể tránh khỏi (Nye & Wang, 2008). Sự chung sống hòa bình giữa hai quyền lực mềm không chắc tự nó chứa đựng sự mất cân bằng, tức là sự cạnh tranh không thể tránh khỏi giữa Washington và Bắc Kinh. Tuy nhiên, khi Trung Quốc đạt được thành công vang dội nhờ chiến lược quyến rũ, trong khi đồng thời Hoa Kỳ thấy ảnh hưởng quốc tế của mình giảm đi, phải chăng những nguy cơ về một cuộc cạnh tranh sẽ được củng cố, hoặc thậm chí còn tăng thêm bởi các phản ứng có thể có của Washington sau sự suy giảm tương đối nhưng thực sự này? Câu hỏi về phản ứng của Hoa Kỳ được đặt ra ở đây, cùng lúc với thái độ của Phương Tây nói chung đối với thực tế mới này (Ikenberry, 2008). Tương tự như vậy, những nước muốn duy trì ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc theo cái nhịp độ của Bắc Kinh, đặc biệt là bằng cách tăng đầu tư vào các nước đang phát triển. Các nhà khoa học chính trị Mỹ Stephen Brooks và William Wohlforth lưu ý rằng “Hoa Kỳ sẽ khó bảo vệ lợi ích của mình hơn nếu không đầu tư vào các tổ chức quốc tế” (Brooks & Wohlworth, 2009, trang 53), nơi Trung Quốc đang ngày càng hiện diện.
Như vậy giả thuyết về một cuộc cạnh tranh giữa quyền lực mềm của Mỹ và Trung Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian; nó sẽ thích đáng khi Bắc Kinh đạt đến một mức độ quyền lực và tầm ảnh hưởng tương đương, hoặc thậm chí cao hơn so với Washington (Qiao, 2008). Về vấn đề này, Joseph Nye tin rằng, mặc dù có sự tiến bộ ngoạn mục, quyền lực mềm Trung Quốc vẫn còn thua xa so với quyền lực mềm của Hoa Kỳ, vì các sáng kiến của chính phủ không thể một mình đảm bảo thành công. Ông giải thích rằng “các cường quốc cố gắng sử dụng văn hóa để định hình quyền lực mềm quảng bá cho mình, nhưng điều chính yếu là kết quả của xã hội dân sự hơn là của các chính phủ” (Nye, 2010a, trang 146). Như vậy một xã hội dân sự có thể thúc đẩy một quốc gia mà không có bất kỳ sự kiểm soát nào, sẽ là vũ khí tối hậu của quyền lực mềm và hiện tại, nó là vũ khí mà Bắc Kinh có ở mức độ thấp hơn nhiều so với Washington. Chắc có lẽ là vì lý do này mà chiến lược quyền lực mềm Trung Quốc dường như nhắm mục tiêu ưu tiên là chính người Trung Quốc, bằng cách đặt cược vào sự trả thù trên phương diện lịch sử và sự xóa bỏ những sự nhục nhã từng xảy ra và vào những cuộc phiêu lưu của thực dân ở thế kỷ 19 và một cảm giác tự hào dân tộc được phục hồi.
4. - GIỚI HẠN NÀO CHO QUYỀN LỰC MỀM TRUNG QUỐC?
Nếu sự so sánh với trường hợp của Mỹ làm nổi bật rõ ràng sự thành công của quyền lực mềm Trung Quốc, thì nó cũng cho phép thoáng thấy các giới hạn của quyền lực này. Theo Joseph Nye, một trong những đặc điểm của quyền lực mềm là sự gắn kết quốc gia. Về vấn đề này, nhiều khái niệm được đưa ra ở Trung Quốc trong những năm gần đây, từ “xã hội hài hòa” đến “sự trỗi dậy hòa bình”, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự gắn kết này cũng như sự cần thiết không gây ra hiểm họa cho các thể chế khiến đất nước rơi vào hỗn loạn. Ye Zicheng lưu ý rằng về điểm này, trong trường hợp của Trung Quốc, “quyền lực mềm được tạo thành từ các hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị mở, ổn định, liên tục và có thể thích ứng” (Ye, 2011, trang 19), như để nhắc lại tầm quan trọng việc đặt cược vào sự ổn định của chế độ, ở bên lề các câu hỏi về văn hóa và ảnh hưởng trên trường quốc tế. Theo cách này, chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc tìm cách chính đáng hóa các cuộc cải cách sâu sắc và cả tính bảo thủ của các thể chế chính trị có vẻ không phù hợp. Một lần nữa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang nắm bắt cơ hội, như minh họa bởi lời kêu gọi sự tổng động viên của Thủ tướng Ôn Gia Bảo sau trận động đất ở Tứ Xuyên vào tháng 5 năm 2008, phản ánh mong muốn củng cố khái niệm về một xã hội hài hòa. Nhưng, khi xét đến các khó khăn của các mạng xã hội để được chế độ Trung Quốc chấp nhận và công nhận, những tiến bộ này vẫn còn rất hạn chế.
Thật vậy, bản chất của chế độ Trung Quốc tự nó là một giới hạn đối với quyền lực mềm mà Bắc Kinh tìm cách triển khai (Gill & Huang, 2006). Tuy nhiên, Joseph Nye không bao giờ thiết lập một mối liên kết trực tiếp giữa dân chủ và quyền lực mềm. Do đó, chính các sáng kiến đôi khi quá mạnh bạo của chính quyền Trung Quốc, vốn đã cho phép quyền lực mềm cất cánh, mới là những giới hạn của quyền lực mềm. Chiến lược đầu tư lớn vào các nước đang phát triển, bất chấp các sự cân bằng ở địa phương và sự tôn trọng nhân quyền, chắc chắn mang lại lợi ích cho Bắc Kinh, nhưng có thể bị đồng hóa với quyền lực cứng hơn là quyền lực mềm. Tương tự, trên quan điểm lý thuyết, chính sách đối ngoại của Trung Quốc, dựa vào lợi ích của mình, thoạt nhìn dường như không đồng bộ với quyền lực mềm. Nghịch lý này xuất hiện rất rõ ràng trong nỗ lực thích ứng một khái niệm mà cái gốc là hệ tư tưởng tân tự do với một chiến lược tân hiện thực. Về chủ đề này phải lưu ý rằng việc tái thiết quyền lực mềm ở Trung Quốc không chỉ giới hạn ở các đường viền của nó, mà còn mở rộng cho tất cả nội hàm của nó, để phục vụ cho việc xác định lại hoàn toàn chính sách đối ngoại của Trung Quốc (Wang, 2008; Zhang, 2008). Ngoài ra cũng còn có nhiều vấn đề thực tiễn. Những trở ngại mà Bắc Kinh phải đối mặt ở cấp khu vực, chẳng hạn, là một vấn đề nan giải thực sự cho quyền lực mềm của mình. Thật vậy, làm thế nào để thiết lập uy tín của mình như một quyền lực nhân từ trên trường quốc tế nếu các nước láng giềng tiếp tục nhận thức nó với sự ngờ vực, trong trường hợp tốt nhất? Ở Hàn Quốc cũng như ở Nhật Bản, thậm chí không cần đề cập đến trường hợp rất đặc biệt của Đài Loan, việc hợp tác với Trung Quốc được xem là một điều cần thiết, đặc biệt là trong phản ứng của khu vực đối với khủng hoảng kinh tế quốc tế, nhưng chắc chắn không phải là một sự lựa chọn có chủ ý. Dư luận tại các nước này vẫn rất hoài nghi, và sự phô trương lực lượng nhỏ nhất từ Bắc Kinh, cả về các vấn đề thương mại và chiến lược, thường nhận được vô số phê phán. Lập trường mơ hồ của Bắc Kinh về vấn đề Triều Tiên, sự gia tăng sức mạnh quân sự và vấn đề nhân quyền đều là những vấn đề đối với các nước láng giềng của Trung Quốc, những nước không biết là mình nên theo sự thu hút của sự tăng trưởng của Trung Quốc hoặc dựng lên thành lũy chống lại sự bành trướng của đế chế trung tâm. Trên nhiều mặt, và các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được điều này, thành công của quyền lực mềm của Trung Quốc sẽ phụ thuộc phần lớn trong những năm tới vào khả năng của Trung Quốc để giảm bớt căng thẳng khu vực và xuất hiện như một diễn viên có trách nhiệm và mang lại sự ổn định cho các quan hệ quốc tế. Về mặt này, nếu quyền lực mềm là một chiến lược đáng hoan nghênh, thì nó cũng trong thế cạnh tranh với quyền lực mềm của các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản (Heng, 2010).
Về các mối quan hệ của Trung Quốc với Triều Tiên, nó phải được xem xét dưới một góc độ hoàn toàn khác: tình hữu nghị của Bắc Kinh với chế độ Bình Nhưỡng có tác dụng làm mất uy tín của Trung Quốc, dù ở cấp độ khu vực hay quốc tế. Đây là lý do tại sao, trong khi duy trì sự gần gũi chiến lược, ngày nay, Bắc Kinh không còn do dự để kiên quyết hơn đối với Triều Tiên, đặc biệt là khi nước này làm dấy lên nỗi ám ảnh về mối đe dọa hạt nhân.
Ở phần còn lại của thế giới, chúng ta thấy rằng quyền lực mềm của Trung Quốc thành công trong việc củng cố hình ảnh của Trung Quốc, ở những nơi mà Trung Quốc được coi là thiết yếu, đặc biệt là về đầu tư. Ở các nước phát triển hơn, nơi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nhiều hơn là một sự hỗ trợ, tình hình hoàn toàn đảo ngược. Một sự hiện diện quá rõ rệt của Trung Quốc chỉ gây ra nỗi sợ hãi ít nhiều có cơ sở: người ta đặt câu hỏi về ý đồ của cái Nhà Nước lớn này hơn là vui mừng về sự gia tăng quyền lực của nó (Leonard, 2008). Trong khi chiến lược quyền lực mềm của bất kỳ nước nào sẽ được phân tích như là một phương pháp lành mạnh, thì ở đây nó nhất thiết gây ra sự lo lắng vì bản chất của chế độ Trung Quốc và trọng lượng của Trung Quốc trên trường quốc tế.
5. - QUYỀN LỰC MỀM HAY QUYỀN BÁ CHỦ?
Nếu chiến lược của quyền lực mềm chậm được công nhận chính thức tại Bắc Kinh, các mục tiêu cuối cùng của nó vẫn chưa rõ ràng và cho đến nay, vẫn chưa được xác định rõ ràng. Do đó, một số chuyên gia phương Tây đã tra cứu về thực tế của sự đồng thuận Bắc Kinh sẽ cạnh tranh với sự đồng thuận Washington (vốn là là nguồn cảm hứng của nó) và làm đảo lộn hệ thống kinh tế quốc tế bằng cách đề xuất và áp đặt trong một số trường hợp nhất định, các quy tắc mới (Ramo, 2004; Halper, 2010; Birdsall & Fukuyama, 2011). Cho đến nay, giả thuyết của họ bị các nhà lãnh đạo Trung Quốc kiên quyết bác bỏ, tuy nhiên nó đặt ra câu hỏi sau: phải chăng quyền lực mềm chỉ là một chiến lược tạm thời, việc thiết lập bá quyền mới là mục tiêu cuối cùng mà Bắc Kinh muốn đạt? Chính các chuyên gia Trung Quốc cũng tự đặt câu hỏi về hành trình của sức mạnh của Trung Quốc (Wang, 2008; Yu, 2008; Zhang, 2008) và nghĩ đến khả năng của một mô hình quản trị mới, trong khi không còn ngần ngại nêu lên khái niệm sự đồng thuận Bắc Kinh để chỉ nó (Yu, 2006). Về phần mình, Joseph Nye lưu ý rằng “sự đồng thuận Bắc Kinh kết hợp một chính phủ chuyên quyền và nền kinh tế thị trường hưng thịnh đã trở nên phổ biến ở các nước đang phát triển hơn là sự đồng thuận Washington, liên kết tự do hóa kinh tế với các chính phủ dân chủ” (Nye, 2010a, trang 144-145). Tình trạng này cuối cùng có thể dẫn đến sự xuất hiện của một bá quyền mới, các quốc gia liên quan lựa chọn đi theo con đường mà Bắc Kinh vạch ra hơn là con đường của các cường quốc Phương Tây. Do đó, sự đồng thuận Bắc Kinh có lẽ là kết quả của một “yêu cầu” từ các nước đang phát triển chứ không phải là một dự án thực sự mà Trung Quốc đề xuất cho phần còn lại của thế giới. Trong một kịch bản như vậy, sự đồng thuận Bắc Kinh sẽ giống như quyền lực mềm vài năm trước, một chiến lược mà sau khi xác định một yêu cầu, sẽ cố gắng đưa ra một câu trả lời được đặt dưới dấu hiệu của mối quan hệ hai bên cùng có lợi được cho là đặc trưng cho loại quan hệ mà Trung Quốc và Châu Phi có. Nó cũng được cho là nguồn gốc của một thế lưỡng cực mới, trong đó hai mô hình cạnh tranh với nhau.
Thời gian tính của các mục tiêu cũng là một yếu tố quan trọng trong chiến lược quyến rũ của Trung Quốc (Zhang, 2008). Nếu quyền lực mềm của Trung Quốc đúng là một chiến lược chính trị, liệu nó có đáp ứng tầm nhìn dài hạn hay nó chỉ là sự lựa chọn không phải là hoàn hảo cho chính sách đối ngoại, hay chỉ là thành tố của một chiến lược toàn diện, thậm chí là thử nghiệm, để áp đặt các mục tiêu bá quyền? Ngoài diễn ngôn chính thức, Trung Quốc thực sự đang trở nên ngày càng tích cực, thậm chí kiêu ngạo, trên trường ngoại giao. Ví dụ, các phản ứng của Bắc Kinh đối với các gợi ý về bản chất của chế độ Trung Quốc của các nhà lãnh đạo nước ngoài đang ngày càng trở nên mạnh dạn. Tương tự như vậy, sự gia tăng sức mạnh quân sự và những hệ quả chính trị được giữ vững, nét đặc thù của một chế độ chuyên quyền không chấp nhận bị chỉ trích, khiến chúng ta nghĩ rằng quyền lực mềm của Trung Quốc - một chiến lược đáng khen ngợi được đánh dấu bằng những chiến thắng rực rỡ - không thể che khuất thực tế của một Trung Quốc đang đánh cược trên nhiều mặt cùng một lúc để tăng tốc sức mạnh của nó. Hay nó chỉ là một chiến lược quá độ, dần dần sẽ cho phép Bắc Kinh đóng vai trò lãnh đạo, trước khi tỏ ra cứng rắn hơn? Nói cho cùng, như chúng tôi đã lưu ý trước đó, quyền lực mềm đã được xây dựng một cách chủ động ở Trung Quốc và được nuôi dưỡng bởi những thành công đạt được trên trường quốc tế.
Theo cách tương tự, quyền lục mềm Trung Quốc có thể phát triển theo hướng chiến lược hung hăng hơn. Nếu Trung Quốc hiện đang cố gắng quyến rũ thế giới, cuối cùng có thể không cần nỗ lực như vậy, khi cảm thấy ở một tư thế thượng phong đối với tất cả các đối tác. Điều này thể hiện rõ trong mối quan hệ thương mại với các cường quốc khác, và có thể còn hơn thế khi lợi ích của Trung Quốc ở các khu vực đang phát triển bị đe dọa, khiến Bắc Kinh từ bỏ nguyên tắc không can thiệp vào các vấn đề chính trị để áp dụng tư thế thực dân mới ở Đông Nam Á, Châu Phi hoặc thậm chí các khu vực khác, như Mỹ Latinh.
|
Li Mingjiang |
Mọi thứ dường như phụ thuộc vào các định hướng mà Bắc Kinh gán cho chiến lược quyền lực mềm của mình và, do đó, sự xuất hiện của một thế hệ lãnh đạo mới sau năm 2012 chắc chắn sẽ mang lại sự điều chỉnh, có thể so sánh với những điều mà cặp Hoa Quốc Phong-Ôn Gia Bảo đã áp đặt từ năm 2002. Ở bên lề nhiều chuyên gia đã nghiên cứu vấn đề quyền lực mềm ở Trung Quốc, Li Mingjiang cho là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ấn định nhiều mục tiêu cho quyền lực mềm. Theo ông, các chiến lược được đưa ra nhằm mục đích: 1) đấu tranh chống lại các nhận thức tiêu cực và sự hiểu lầm về Trung Quốc của các nước khác (được truyền thông nước ngoài truyền đạt); 2) cải thiện hình ảnh quốc tế của chế độ; 3) đẩy lùi ảnh hưởng quá mức của các nền văn hóa nước ngoài (đặc biệt là ý thức hệ và tín ngưỡng làm suy yếu tính hợp pháp của đảng); 4) bác bỏ luận điểm về mối đe dọa của Trung Quốc; 5) duy trì một ngoại vi ổn định và hòa bình (Li, 2008, trang 300).
|
Pierre Gentelle (1933-2010) |
Các nền tảng của học thuyết đối ngoại mới của Trung Quốc, đặc biệt là các khái niệm “phát triển hòa bình” (gan fazhan) và “thế giới hài hòa” (hexie shijie) ủng hộ hợp tác quốc tế và giải quyết tranh chấp hòa bình, xuất phát từ các nguyên tắc chủ yếu là đa phương (Zeng, 2005; Shi, 2007). Nhưng Bắc Kinh dường như dành ưu tiên cho mô hình đa cực. Đối với Pierre Gentelle, “ý tưởng về “người chiến thắng” trong cuộc toàn cầu hóa va chạm với cách “mô tả” thế giới hiện tại của Trung Quốc” (Gentelle, 2006, trang 15). Hơn cả một cuộc chiến, Bắc Kinh tin rằng toàn cầu hóa là một cơ hội và những thành công của họ chỉ xác nhận xu hướng này. Ngoài diễn ngôn chính thức, ý tưởng này rất phổ biến ở người Trung Quốc, những người nhìn thấy sự đa cực như là sự trả lại công bằng cho sự cân bằng giữa các nền văn minh, trong khi bác bỏ nguyên tắc bá quyền trên phạm vi quốc tế. Theo ông Yang Wenchang, chủ tịch Viện Ngoại giao Nhân dân Trung Quốc (CPIFA), “sự đa cực hợp tác sẽ là đặc điểm cơ bản của nửa đầu thế kỷ 21 và điều kiện tiên quyết để biến mong muốn này thành hiện thực sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các cường quốc” (Yang, 2008, tr. 1). Bắc Kinh dự định đóng một vai trò hàng đầu trong trò chơi tinh tế này.
Cuối cùng, câu hỏi lớn khác liên quan đến việc thiết lập một mô hình kinh tế và xã hội thực sự, và mở rộng ra chính trị, mà Bắc Kinh có thể tìm cách đề xuất với các quốc gia khác, bắt đầu từ các nước đang phát triển. Hiện tại, chúng ta có thể thấy rằng nỗ lực của Trung Quốc trong việc đề xuất sự đồng thuận Bắc Kinh không phải là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược quyền lực mềm. Nhưng mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng. Với sự xuất hiện của một thế hệ lãnh đạo mới vào năm 2012, Trung Quốc - với một sức mạnh kinh tế và nay là văn hóa mà nó chưa từng biết đến - có thể tìm cách lãnh đạo các nước đang phát triển. Các lập trường của Bắc Kinh thể hiện tại hội nghị thượng đỉnh Copenhagen về việc hành tinh nóng lên vào tháng 12 năm 2009 và sự hỗ trợ đáng chú ý mà Bắc Kinh sau đó nhận được từ các quốc gia như Ấn Độ, Brazil hoặc Nam Phi, là những chỉ báo đi theo hướng này.
|
Martin Jacques (1945-) |
Trong khi kêu gọi các nước Phương Tây đối xử với họ như là một cường quốc[3], Trung Quốc, vốn khẳng định là thành viên của nhóm BRIC, tìm cách khẳng định mình là lãnh đạo của các nền kinh tế mới nổi (một số trong đó có thể được coi là có thu nhập trung bình). Tất nhiên cách tiếp cận này rõ ràng là không chắc thành công. Chính là dựa trên khả năng quyến rũ của mình mà Trung Quốc sẽ thành công, hoặc không, để dần dần đi vào thực tế của sự đồng thuận Bắc Kinh. Do đó, quyền lực mềm thể hiện là một bước thiết yếu trong tham vọng quốc tế của Trung Quốc nhằm đưa ra cái mà Martin Jacques gọi là “tính hiện đại bị phản bác” trong tác phẩm gây tranh cãi của mình (Jacques, 2010). Đối với nhà văn tiểu luận người Anh, một biến động như vậy có thể đánh dấu sự kết thúc của quyền bá chủ Phương Tây không hơn không kém. Một quan điểm mà John Ikenberry không chia sẻ, theo đó “Hoa Kỳ không thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng có thể đảm bảo rằng sự trỗi dậy này tôn trọng các quy tắc và các thể chế mà Washington và các đối tác đã đặt ra vào thế kỷ trước, để phục vụ tốt hơn lợi ích của tất cả các quốc gia trong tương lai, (Ikenberry, 2008, trang 37). Do đó, quyền lực mềm Trung Quốc là một thách thức tiềm tàng lớn đối với Hoa Kỳ và sự đồng thuận Washington, nhưng nó không tất nhiên dẫn đến sự đối đầu của hai mô hình. Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào cách mà Bắc Kinh sẽ sử dụng quyền lực mềm của mình, và mong muốn của họ dành ưu tiên hay không cho sự đồng thuận Bắc Kinh. Cũng mang tính quyết định không kém sẽ là các câu trả lời được các nước đã theo dõi hành trình của Bắc Kinh đưa ra, đứng đầu là Hoa Kỳ, với sự ngưỡng mộ không thua kém gì mối lo lắng. Việc tái cấu trúc khái niệm quyền lực mềm ở Trung Quốc đặt ra nhiều câu hỏi cả về nền tảng của chiến lược quyến rũ thực sự này và hậu quả của nó trên trường quốc tế lẫn về diễn tiến chính trị của Trung Quốc. Bằng cách cung cấp tài nguyên khổng lồ, chính quyền trung ương Trung Quốc đang cung cấp cho chiến lược quyền lực mềm của mình những gì cần thiết để đạt được thành công vang dội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, nơi mà đầu tư của Trung Quốc và hình ảnh của Trung Quốc đã tiến bộ đáng kể trong chưa đầy một thập kỷ, trong khi quyền lực mềm khác, của Hoa Kỳ, đã gặp phải những thất bại. Nhưng các giới hạn đối với quyền lực mềm Trung Quốc vẫn còn rất nhiều và đòi hỏi phải suy nghĩ về mục đích của nó. Đây có phải là một sự quá độ sang một chiến lược đầy tham vọng hơn nhiều khẳng định quyền lực, có tác dụng làm đảo lộn các quy tắc của hệ thống kinh tế quốc tế, với những hậu quả chính trị sâu rộng? Câu hỏi này chắc chắn sẽ là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong nghiên cứu về quan hệ quốc tế trong những năm tới. Các câu trả lời sẽ quyết định phần lớn sự cân bằng quyền lực giữa Bắc Kinh và Washington, sự thành công của mô hình phát triển Trung Quốc và khả năng áp đặt nó.
Thư mục
|
|
- Nancy Birdsall & Francis Fukuyama (2011), “The Post-Washington Consensus”, Foreign Affairs, vol. 90, n°2, March-April, pp. 65-74.
- Stephen Brooks & William Wohlworth (2009), “Reshaping the World Order. How Washington Should Reform International Institutions”, Foreign Affairs, vol. 88, n°2, mars-avril, pp. 57-68.
- Jean-Pierre Cabestan (2009), “China’s Foreign - and Security - Policy Decision-Making Processes under Hu Jintao”, Journal of Current Chinese Affairs, vol. 38, n°3, pp. 63-97.
- Jean-Pierre Cabestan (2010), La politique internationale de la Chine, Paris: Presses de Sciences Po.
- Yugang Cheng (2007), “Build China’s Soft Power within the Context of Globalization”, Guoji Guangcha, February, pp. 36-59.
- Gregory Chin et Ramesh Thakur (2010), “Will China Change the Rules of Global Order?”, The Washington Quarterly, vol. 33, n°4, pp. 119-138.
- Barthélémy Courmont (2009), Chine, la Grande Séduction - Essai sur le soft power chinois, Paris: Choiseul.
- Barthélémy Courmont (2011), “Quand la Chine cherche à séduire le monde”, Monde chinois, n° 25, pp 16-26.
- Documents (2007), Chine, Le XVIIe Congrès du Parti Communiste Chinois, Pékin: Société chinoise du Commerce international du Livre, Édition en langues étrangères.
- Changping Fang (2007), “Comparison of Chinese and U.S. Soft Power and Its Implication for China”, Shijie Jingji Yu Zhengzhi, 01/07, n°7, pp. 21-27.
- Garrison Jean A. (2005), “China’s Prudent Cultivation of ‘Soft Power’ and Implications for U.S. Policy in East Asia”, Asian Affairs: an American Review, vol. 32, n°1, pp. 25-30.
- Pierre Gentelle (2006), “Un scénario pour la Chine jusqu’en 2100: “vaincre sans combattre””, Monde chinois, n° 7, pp. 9-18..
- Bates Gill & Yanzhong Huang (2006), “Sources and Limits of Chinese ‘Soft power’”, Survival, vol. 48, n°2, pp. 17-36.
- Bates Gill (2007), Rising Star. China New Security Diplomacy, Washington: Brookings Institution Press.
- Jeffrey Gill (2008), “The Promotion of Chinese Language Learning and China’s Soft Power”, Asian Social Science, vol. 4, n°10, pp. 116-122.
- Bonnie Glaser & Melissa Murphy (2009), “Soft Power with Chinese Characteristics: The Ongoing Debate”, in McGiffert Carola (dir.), Chinese Soft Power and its Implications for the United States - Competition and Cooperation in the Developing World, Washington: Center for Strategic and International Studies (CSIS), pp. 10-27.
- Xiaolin Guo (2008), Repackaging Confucius. PRC Public Diplomacy and the Rise of Soft Power, Stockholm: Institute of Security and Development Studies.
- Stefan Halper (2010), The Beijing Consensus. How China’s Authoritarian Model Will Dominate the 21th Century, New York: Basic Books.
- Yee-Kuang Heng (2010), “Mirror, Mirror on the Wall, Who is the Softest of Them All? Evaluating Japanese and Chinese Strategies in the Soft Power Competition Era”, International Relations of the Asia-Pacific, n°10, pp. 275-304..
- Suofeng Huang (1999), Zonghe guoli xinlun: qianlun xin Zhongguo zong he guoli (Nouvelle théorie de la puissance globale: théorie de la puissance globale de la Chine nouvelle), Beijing: Zhongguo shehui kexue chubanshe.
- Yanzhong Huang & Sheng Ding (2006), “Dragon’s Underbelly: An Analysis of China’s Soft Power”, East Asia, vol. 23, n°4, pp. 22-44.
- John Ikenberry (2008), “The Rise of China and the Future of the West”, Foreign Affairs, vol. 87, n°1, January-February, pp. 13-26.
- Martin Jacques (2010), When China Rules the World: The Rise of the Middle Kingdom and the End of the Western World, Londres: Penguin.
- Wang Jing (1996), High Culture Fever: Politics, Aesthetics, and Ideology in Deng’s China, Berkeley: University of California Press.
- Iain Johnston Alastair (2003), “Is China a Status Quo Power?”, International Security, vol. 27, n°4, pp. 5-56.
- George Kennan (1990), “America and the Russian Future”, Foreign Affairs, vol.29, n°3, pp. 125-134.
- Joshua Kurlantzick (2007), Charm Offensive: How China’s Soft Power is Transforming the World, New Haven: Yale University Press.
- Hongyi Lai (2006), “China’s Cultural Diplomacy: Going for Soft Power”, EAI Background Brief, n°308, pp. 1-12.
- Lampton David M. (2008), The Three Faces of Chinese Power: Might, Money, and Minds, Berkeley: University of California Press.
- Marc Lanseigne (2005), China and International Institutions. Alternate Paths to Global Power, New York: Routledge.
- Mark Leonard (2008), What Does China Think?, London: Fourth Estate.
- Mingjiang Li (2008a), “China Debates Soft Power”, Chinese Journal of International Politics, vol. 2, n°2, pp. 287-308.
- Mingjiang Li (2008b), “Soft Power in Chinese Discourse: Popularity and Prospect”, Rajaratnam School of International Studies (RSIS), Working Paper 165.
- Daniel Linch (2009), “Chinese Thinking on the Future of International Relations: Realism as the Ti, Rationalism as the Yong?”, The China Quarterly, n°197, pp. 87-107.
- Honghua Meng (2007), “An Evaluation of China’s Soft Power and Promotion Strategy”, in Honghua Meng (dir.), China’s Soft Power Strategy, Zhejiang: Zhejiang Renmin Chubanshe.
- Nye Joseph S. (1988), Bound to Lead: the Changing Nature of American Power, New York: Basic Books.
- Nye Joseph S. (2004), Soft Power: The Means to Success in World Politics, New York: Public Affairs.
- Nye Joseph S. (2005), “The Rise of China’s Soft Power”, Wall Street Journal, 29 décembre.
- Nye Joseph S. (2010a), “American and Chinese Power after the Financial Crisis”, The Washington Quarterly, vol.33, n°4, pp. 143-153.
- Nye Joseph S. (2010b), “Le temps du smart power”, entretien avec Olivier Guez, Politique internationale, n° 129, automne, pp. 63-70..
- Nye Joseph S. & Jisi Wang (2009), “The Rise of China’s Soft Power and Its Implications for the United States”, in Rosecrance Richard & Guoliang Gu (ed.), Power and Restraint: A Shared Vision for the U.S.-China Relationship, New York, Public Affairs, pp. 28-30.
- Paradise James F. (2009), “China and International Harmony: The Role of Confucius Institutes in Bolstering Beijing’s Soft Power”, Asian Survey, vol. 49, n°4, pp. 647-669.
- Zhongying Pang (2006), “On China’s Soft Power”, International Review, vol. 42, pp. 1-4.
- Zhongying Pang (2008), “The Beijing Olympics and China’s Soft Power”, Brookings Institution, 04/09; http://www.brookings.edu/research/opinions/2008/09/04-olympics-pang.
- Carine Pina-Guerassimoff (2011), La Chine dans le monde: panorama d’une ascension, Paris: Ellipses.
- Liang Qiao (2008), “The New Soft Power Competition”, Xiandai Guoji Guanxi, n°5, pp. 15-19.
- Ramo Joshua C. (2004), The Beijing Consensus: Notes on the New Physics of Chinese Power, London: The Foreign Policy Centre.
- Jiru Shen (1999), “Do Not Ignore the Importance of Soft Power”, Liaowang, n°41, October, www.lwdf.cn.
- Ding Sheng (2008), The Dragon’s Hidden Wings: How China Rises with Its Soft Power, Lanham: Lexington Books.
- Ding Sheng (2010), “Analysing Rising Power from the Perspective of Soft Power: A New Look at China’s Rise to the Status Quo Power”, Journal of Contemporary Asia, vol. 19, n°64, pp. 255-272.
- Ding Sheng & Saunders Robert A. (2006), “Talking Up China: An Analysis of China’s Rising Cultural Power and Global Promotion of the Chinese Language”, East Asia, vol. 23, n°2, pp. 3-33.
- Yinhong Shi (2007), “China’s Soft Power and Peaceful Rise”, Zhongguo Pinglun, n°118, October.
- Shogo Suzuki (2009), “Chinese Soft Power, Insecurity Studies, Myopia and Fantasy”, Third World Quarterly, vol. 30, n°4, pp. 779-793.
- Hongying Wang & Yeh-Chung Lu (2008), “The Conception of Soft Power and its Policy Implications: a Comparative Study of China and Taiwan”, Journal of Contemporary China, vol. 17, n°56, pp. 425-447.
- Huning Wang, (1993), “Zuowei Guojia Shili de Wenhua: Ruan Quanli” (La culture comme puissance nationale: soft power), Fudan Daxue Xuebao (Journal de l’université Fudan), March, pp. 23-28..
- Jisi Wang (2008), “Zhongguo guoji zhanlue yanjiu de shijiao zhuanhuan” (Changement de perspective et de la recherche sur la stratégie internationale de la Chine), in Zhongguo Guoji Zhanlue Pinglun 2008 (China International Strategy Review 2008), Beijing: World Knowledge Press.
- Liang Wei (2007), “China: Globalization and the Emergence of a New Status Quo Power?”, Asian Perspective, vol. 31, n°4, pp. 125-149.
- Joel Wuthnow (2008), “The Concept of Soft Power in China’s Strategic Discourse”, Issues & Studies, vol. 44, n°2, pp. 1-28.
- Xinhua (2007), “17th Party Congress Demands Boosting Cultural Creativity ‘Soft Power’”, 28 décembre..
- Xinhua (2011), “China comes under spotlight at Davos forum”, 28 janvier, http://news.xinhuanet.com/english2010/video/2011-01/28/c_13710875.htm
- Xuetong Yan & Jin Xu (2008), “A Soft Power Comparison between China and the United States”, Xiandai Guoji Guanxi, 20/01, n°1, pp. 24-29.
- Wenchang Yang (2008), “Ushering in an Era of Multipolar Cooperation”, Foreign Affairs Journal, n°89, pp. 5-10.
- Zicheng Ye (2011), Inside China’s Grand Strategy. The Perspective from the People’s Republic, Lexington: The University Press of Kentucky.
- Cho Young Nam & Jeong Jong Ho (2008), “China’s Soft Power: Discussions, Resources and Prospects”, Asian Survey, vol. 48, n°3, pp. 453-472.
- Keping Yu (dir.) (2006), The Chinese Model and Beijing Consensus, Beijing: Social Sciences Press.
- Xintian Yu (2008), “The Role of Soft Power in China’s Foreign Strategy”, Guoji Wenti Yanjiu, 13/03, pp. 13-22.
- Wenmu Zhang (2008), “Shijie lishi zhong de qiangguo zhilu yu Zhongguo de Xuanze” (La trajectoire des grandes puissances dans l’histoire mondiale et le choix de la Chine), in Shuyong Guo (ed.), Zhanlue yu Tansuo (Stratégie et exploration), Beijing: Shijie zhishi chubanshe, pp. 33-54.
- Xiaodong Zhang (1999), “China’s Interest in the Middle East: Present and Future”, Middle East Policy, vol. 6, n°3, pp. 150-159.
- Bijian Zheng (2005), Lun Zhongguo heping jueqi fazhan xin daolu. Peaceful Rise - China’s New Road to Development (edition bilingue), Beijing: École centrale du Parti.
- Feng Zhu (2007), “China Should Give Priority to the Rise of Soft Power”, Huanqiu Shibao, 30/04, www.hunaqiu.com.
Phạm Như Hồ dịch
Chú thích:
[*] Barthelemy Courmont là giám đốc nghiên cứu ở Viện IRIS (Institut de Relations Internationales et Strategiques), một viện nghiên cứu chiến lược (think tank) chuyên về các vấn đề chiến lược và địa chính trị. Lĩnh vực nghiên cứu bao gồm các vấn đề chính trị và an ninh ở Bắc Á, chiến lược cường quốc của Trung Quốc, chính sách đối ngoại của Mỹ, các vấn đề hạt nhân.
Ông là tổng biên tập của tạp chí Monde Chinois, Nouvelle Asie. Ông là tác của khoảng 30 cuốn sách về các vấn đề địa chính trị và đã thực hiện nhiều nghiên cứu cho nhiều tổ chức công và tư trong đó có bộ Quốc phòng và bộ Ngoại Giao Pháp.↩
[1] Các tác phẩm của Francis Fukuyama, Samuel Huntington và Paul Kennedy, trong số những tác phẩm khác, là các dấu hiệu của thời kỳ này.↩
[2] Đối với chúng tôi, khái niệm xây dựng thương hiệu quốc gia là làm nổi bật các đặc điểm - còn có thể gọi là phẩm chất - của một quốc gia, trong lĩnh vực du lịch, văn hóa hay sự khéo léo, trong bất cứ ngành nào. Do đó, xây dựng thương hiệu quốc gia là một chiến lược quảng bá hơn là một sự quyến rũ, vì nó không nhất thiết phải đi kèm với một thông điệp chính trị hoặc một ý đồ mở rộng khả năng ảnh hưởng, như quyền lực mềm cho phép.↩
[3] Những kỳ vọng này về phía Trung Quốc đã thực sự được chuyển tiếp mạnh mẽ tại Diễn đàn Davos vào tháng 2 năm 2011. Xem về chủ đề này Tân Hoa Xã (2011).
Đăng trên Cairn.info ngày 01/11/2017
https://doi.org/10.4074/S0338059912001118↩