20.8.20

Dược phẩm: Đại dịch COVID 19 đặt lại vấn đề quyền sở hữu trí tuệ

DƯỢC PHẨM: ĐẠI DỊCH COVID 19 ĐẶT LẠI VẤN ĐỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Philippe Froute[*]
Ông Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới Francis Gurry (bên trái) và Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal (ở giữa) nhân dịp lễ công bố Global Innovation Index 2019 (Chỉ số sáng tạo toàn cầu năm 2019). Cùng với Brazil, Ấn Độ là một trong những nước đầu tiên đặt lại vấn đề luật pháp về bằng sáng chế.
Vào ngày 25 tháng 3 năm 2020, bác sĩ Denis Mukwege, người đoạt giải Nobel Hòa bình 2018, đã đưa ra lời kêu gọi cảnh giác và huy động tập thể để chống lại dịch coronavirus ở Châu Phi.
Denis Mukwege (1955-)
Antonio Guterres (1949-)
Ba ngày sau, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, nói rằng ông sợ là lục địa Châu Phi sẽ có hàng triệu trường hợp tử vong do Covid-19 nếu không áp dụng các biện pháp ngay lập tức.
Hai lời kêu gọi đoàn kết này một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế của Phương Bắc và Phương Nam, cũng như những trở ngại vẫn còn để xóa bỏ nó. Mặc dù đã có những nỗ lực quốc tế, đặc biệt là từ Châu ÂuPháp, vào ngày 17 tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới ước tính rằng còn cần phải huy động 44 tỷ đô la trong số 114 tỷ đô la cần thiết để triển khai các biện pháp chống dịch trên lục địa này vào năm 2020. Tình hình có thể còn tồi tệ hơn do hậu quả kinh tế của cuộc khủng hoảng y tế, có nguy cơ đặt ra câu hỏi về khả năng của các quốc gia trong việc tiếp tục hỗ trợ cho các nền kinh tế khác.
Ngoài khía cạnh tài chính, cuộc khủng hoảng ý tế Covid-19 trước hết đặt ra câu hỏi về sự tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe và thuốc men và đặc biệt là kiến ​​thức cần thiết để sản xuất chúng. Làm thế nào để khuyến khích các nhà sản xuất tham gia vào thị trường? Một giải pháp là thiết lập các cơ chế loại trừ và/hoặc tạo ra thế không có cạnh tranh cho một sản phẩm nhất định. Giải thích.
Bằng sáng chế, có ích cho sản xuất nhưng lại giới hạn sự tiếp cận đối với thuốc
Paul Samuelson (1915-2009)
Ngay khi chúng ta đề cập vấn đề kiến ​​thức, chúng ta đụng ngay đến câu hỏi hóc búa về phương thức tốt nhất để cung cấp một sản phẩm công cộng. Theo định nghĩa kinh điển được đề xuất bởi nhà kinh tế Paul Samuelson, hai đặc điểm cốt lõi của định nghĩa về sản phẩm công cộng là: không độc quyền và không cạnh tranh. Nguyên tắc không độc quyền giả thiết người ta không thể loại trừ ai đó tiếp cận kiến ​​thức ngay khi nó được phổ biến. Nguyên tắc không cạnh tranh ngụ ý rằng số lượng có sẵn không phụ thuộc vào số lượng tiêu thụ.
Trong lĩnh vực y tế và đặc biệt trong sản xuất thuốc, giải pháp phổ biến nhất để khuyến khích các nhà sản xuất tiềm năng tham gia là dựa vào bằng sáng chế. Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), ngành dược phẩm là lĩnh vực công nghiệp sử dụng bằng sáng chế rộng rãi nhất để tài trợ cho các khoản đầu tư vào lĩnh vực Nghiên Cứu và Triển Khai (R & D). Logic công nghiệp như sau: chi phí liên quan đến nghiên cứu rất cao trong khi chi phí sản xuất thì thấp. Một khi một sản phẩm mới được phát minh, nếu không có sự bảo vệ, rất khó để hưởng lợi từ thành quả của nó.
Việc cấp bằng sáng chế cho phép nhà sản xuất có quyền độc quyền tạm thời giúp loại các đối thủ của mình khỏi cuộc cạnh tranh và do đó cho phép sản phẩm của họ mang tính cạnh tranh, bằng cách kiểm soát số lượng sản xuất. Hai đặc điểm này kết hợp với nhau cho phép một công ty có thể tác động đến giá cả. Điều này không phải là không có hậu quả đối với việc tiếp cận với thuốc: năm 2019, một nghiên cứu của Công Ty Bảo Hiểm Ngoại Thương (COFACE) đã tiết lộ rằng tại Hoa Kỳ, hơn 3.400 loại thuốc đã thấy giá của chúng tăng gấp bốn lần so với mức lạm phát.
Vắc-xin chống COVID 19, một cõi thần tiên mới cho ngành công nghiệp dược phẩm?
Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, các phân tích chính dự đoán một sự suy giảm mạnh mẽ của tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp dược phẩm đáng lẽ giảm một nửa (với mức độ từ 3 đến 6% mỗi năm cho đến năm 2023).
Theo nghiên cứu của một văn phòng tư vấn về dược phẩm của Mỹ, Viện Khoa học Dữ liệu Con người IQVIA, sự chậm lại này chủ yếu là do hết thời hạn độc quyền thương mại đối với nhiều loại thuốc với số lượng lên tới 121 tỷ USD, trong đó gần 80% cho riêng Hoa Kỳ. Trong bối cảnh này, việc phát hiện ra một loại vắc-xin để chống lại Covid-19 dường như là một cõi thần tiên mới cho ngành công nghiệp dược phẩm và cho các quốc gia nơi ở cội nguồn của việc sản xuất được cấp bằng sáng chế.
Tuy nhiên, sự tồn tại của lợi nhuận giả định rằng các tác nhân kinh tế có khả năng giải quyết chúng, nghĩa là có thể hấp thụ sự tăng giá và sự mất mát về mặt sức khỏe liên quan. Trong trường hợp của Ấn Độ, tổn thất cho người tiêu dùng từ việc các bằng sáng chế được chấp nhận trong lĩnh vực dược phẩm được ước tính vào khoảng 145 đến 450 triệu đô la.
Đối với Châu Phi, nghiên cứu IQVIA cho thấy lục địa này chỉ chiếm một phần rất nhỏ nhu cầu về thuốc theo giá trị (chưa đến 1% thị phần của ngành). Như vậy, nó không phải là một mục tiêu được các phòng thí nghiệm ưu tiên. Do đó, việc tiếp cận với các loại thuốc chủ yếu là thông qua việc sử dụng các loại thuốc được sản xuất ngoài phạm vi của những ràng buộc của các bằng sáng chế và do đó rất là rẻ (thuốc gốc), còn cần phải mua được hay sản xuất được. Một nhóm gồm 22 nền kinh tế mới nổi, trong đó có Brazil và Ấn Độ, đã tham gia thành công vào thị trường này. Chúng thường được gọi là các “nước sản xuất dược phẩm mới nổi/pharmergents”.
Mô hình tạo sự đột phá của các “nước sản xuất dược phẩm mới nổi”
Brazil và Ấn Độ có điểm chung là họ tham gia vào thị trường dược phẩm bằng cách đặt vấn đề nền tảng của định chế về bằng sáng chế. Các nhà sản xuất thuốc gốc, cũng như các hiệp hội bệnh nhân Brazil và Ấn Độ và các tổ chức phi chính phủ quốc tế như Bác sĩ Không Biên Giới hoặc Oxfam, đã khởi xướng nhiều hành động chống lại bằng sáng chế về dược phẩm.
Trong bước đầu, các chiến dịch công khai được tiến hành để đòi hỏi giấy phép bắt buộc và bảo vệ việc sản xuất thuốc gốc. Các giấy phép này cho phép chính phủ cấp giấy phép sản xuất mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu bằng sáng chế, nếu những người xin cấp phép có thể chứng minh rằng họ đã bị từ chối truy cập vào giấy phép tự nguyện và việc sản xuất được dành cho thị trường nội địa.
Các công cụ điều tiết hiện có trong khuôn khổ luật sáng chế đã được sử dụng trong giai đoạn thứ hai, theo hai cách tiếp cận: thực thi quyền đối lập của bên thứ ba nhằm tranh chấp hiệu lực của bằng sáng chế, hoặc truy đòi quyền sử dụng bằng sáng chế mà không cần xin phép chủ sở hữu của nó. Nói cách khác, quyền áp đặt giấy phép bắt buộc vì lý do sức khỏe cộng đồng.
Brazil đã sử dụng giải pháp cuối cùng vào tháng 5 năm 2007, áp đặt giấy phép bắt buộc đối với thuốc kháng vi-rút thường được sử dụng để chống lại vi-rút AIDS, Efivarenz. Lúc đó, bộ Y tế chịu trách nhiệm về chính sách chống lại HIV đã trở nên đủ mạnh để chịu được áp lực chính trị và thương mại, từ trong và ngoài nước, chống lại giấy phép bắt buộc.
Brazil đã có thể triển khai chính sách này vì họ đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển năng lực sản xuất dược phẩm và các trung tâm nghiên cứu trong ngành công nghiệp dược phẩm. Các trung tâm này có thể thực hiện các hoạt động nghiên cứu đảo ngược cho phép họ tự sản xuất dược phẩm gốc, do đó buộc các nhà sản xuất dược phẩm không phải là thuốc gốc phải giảm giá.
Một mô hình khiến cho một số quốc gia bị gạt ra bên lề
Mô hình này không thể được áp dụng ở mọi nơi trên hành tinh. Do đó, trong số 22 quốc gia pharmergents”, chỉ có bốn quốc gia là thuộc Châu Phi (Algeria, Nam Phi, Ai Cập và Nigeria) và họ không có kỹ năng đàm phán tốt như Brazil, Ấn Độ hoặc Trung Quốc. Điều này có nghĩa là 50 quốc gia Châu Phi khác phụ thuộc vào thương mại quốc tế để kiếm ra dược phẩm cho mình, đặc biệt là vắc-xin Covid-19 mới một khi nó được sáng chế.
Kiminori Matsuyama
Tình trạng phụ thuộc này tương tự như tình trạng được nhà kinh tế Kiminori Matsuyama mô tả trong bối cảnh mô hình bẫy nghèo. Thật vậy, sự kết hợp của việc không thể tự sản xuất các loại thuốc này với việc không thể mua được chúng trên thị trường nếu giá quá cao khiến các quốc gia bị gài bẫy. “Cái bẫy nghèo đói” này ngăn chặn người dân của họ tiếp cận với sự chăm sóc sức khỏe, giống như các nền kinh tế bị mắc kẹt trong tình trạng kém phát triển tự duy trì do không thể cho phép nền kinh tế hưởng lợi từ các hiệu ứng gắn với các nỗ lực gia tăng sản xuất.
Các nước này cũng phụ thuộc vào viện trợ quốc tế để mua không chỉ vắc-xin, mà còn các dụng cụ xét nghiệm và khẩu trang. Tuy nhiên, dựa trên các hậu quả kinh tế của cuộc “Đại Phong Tỏa”, các dòng tài chính dành cho các quốc gia Châu Phi nghèo nhất có nguy cơ cạn kiệt. Nhiều người đang kêu gọi xoá nợ hoặc đưa ra các đảm bảo để cung cấp cho các chính phủ nhiều khả năng hành động hơn.
Một mối quan tâm quan trọng khác là nguy cơ đột biến của virus Corona. Trong trường hợp này, các nghiên cứu hiện tại để tìm ra một loại vắc-xin có thể bị xét lại. Thật vậy, chúng ta có thể phải đối mặt với làn sóng nhiễm bệnh thứ hai do một dạng vi-rút mới mà loại vắc-xin tiềm năng hiện đang được phát triển tỏ ra không hiệu quả. Vì lý do này, đã có nhiều lời kêu gọi, đặc biệt của các hiệp hội như Bác Sĩ Không Biên Giới, được tung ra để các công ty sản xuất thuốc từ bỏ bằng sáng chế của họ và hợp tác để chống lại coronavirus.
Nếu ta muốn ngăn chặn sự lưu hành của coronavirus SARS-CoV-2, tuyệt đối cần phải tìm một giải pháp đa phương cho cuộc khủng hoảng. Thậm chí không cần đề cập đến những khía cạnh về đạo đức của một thái độ như vậy, bỏ rơi cả một bộ phận của thế giới bởi vì không có triển vọng lợi nhuận nào, sẽ là một sai lầm. Cuộc khủng hoảng y tế này cho thấy sức khỏe toàn cầu đang đặt lại vấn đề về luật sở hữu trí tuệ trên bình diện quốc tế.
Phạm Như Hồ dịch




Chú thích:

[*] Philippe Foutre là giảng viên chính về kinh tế học, Đại học Paris-Est Créteil Val de Marne.

Print Friendly and PDF