21.8.20

Vắc xin, phát minh và thông tin khoa học: những sản phẩm công cộng như những sản phẩm khác?

VẮC XIN, PHÁT MINH VÀ THÔNG TIN KHOA HỌC: NHỮNG SẢN PHẨM CÔNG CỘNG NHƯ NHỮNG SẢN PHẨM KHÁC?
Patrick O'Sullivan[*]
Các chính phủ có ý kiến khác nhau về các phương tiện kinh tế để tổ chức việc nghiên cứu chống lại virus. Chinnapong/Shutterstock
Ngay trong đại dịch Covid-19, đối mặt với sự kháng cự lì lợm, không chịu biến mất của virus, việc nghiên cứu vắc xin trở thành ưu tiên trong lĩnh vực y tế và chính trị, hơn nữa, những nghiên cứu dịch tễ học còn cho rằng có thể nhân loại phải học cách sống với virus này về lâu dài.
Nhưng nếu việc nghiên cứu một vắc xin là mối bận tâm được chia sẻ trên toàn thế giới, thì các ý kiến lại khác nhau về những cách tổ chức và tài trợ tốt nhất việc nghiên cứu và sản xuất vắc xin.
Các lãnh đạo chính trị đã có những tuyên bố quan trọng theo đó mọi vắc xin đều phải được xem là sản phẩm công cộng mà toàn nhân loại có thể tiếp cận được (hay ít nhất là đối với những người cần đến vì lý do sức khỏe). Ví dụ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo rõ vào đầu tháng 6 tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về chủng ngừa rằng ông muốn “hành động ngay từ bây giờ để khi phát minh ra vắc xin chống Covid-19 thì mọi người đều được hưởng vì nó sẽ là một sản phẩm công cộng toàn cầu”.
Thông điệp của Emmanuel Macron tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về chủng ngừa (Élysée, tháng 6/ 2020).
Trước đó vài ngày, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố với Tổ chức Y tế thế giới WHO như sau:
“Những vắc xin được triển khai nghiên cứu tại Trung Quốc khi đưa vào sử dụng sẽ được xem là sản phẩm công cộng toàn cầu […], đó sẽ là sự đóng góp của Trung Quốc vào việc giúp mọi người tại các nước đang phát triển tiếp cận và sử dụng được vắc xin”.
Tất nhiên, mặt khác lại có lập trường của tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách ưu tiên mua những vắc xin đầu tiên có sẵn bằng cách trả tiền (ông đã cải chính điều này), cho dù những vắc xin này được triển khai ngoài nước Mỹ.
Trước những khẳng định mạnh mẽ về mặt chính trị này, thiết tưởng cũng có ích khi xem lại lý thuyết chính trị-kinh tế về việc cung cấp tối ưu những sản phẩm công cộng. Thật vậy, lý thuyết này đem lại một cách nhìn lý thú về tính khả dĩ chấp nhận được của những khẳng định đã được nêu ra, về cơ sở lý thuyết và thậm chí là tư tưởng của chúng.
Mặt khác, những khẳng định này đưa đến một cuộc thảo luận rộng hơn về sở hữu trí tuệ, tri thức khoa học và các cơ sở dữ liệu trong nền kinh tế tri thức.
Các nhà kinh tế học bất đồng ý kiến
Một sản phẩm công cộng theo nghĩa hẹp về mặt kinh tế là một sản phẩm mà việc tiêu thụ hoặc sử dụng bởi một người không gây trở ngại cho sự tiêu thụ nó cùng lúc (hay vào một lúc khác) bởi những người khác.
Như vậy, những kiến thức khoa học và bí quyết công nghệ là những sản phẩm công cộng nổi bật. Cuộc thảo luận thực sự không bàn về tính chất của sản phẩm công cộng, mà về phương thức tối ưu và hiệu quả nhất để sản xuất ra chúng, và sau đó là cung cấp cho những người tiêu dùng tiềm năng.
Như vậy, phải để việc cung cấp vắc xin hoàn toàn cho các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân trong cơ chế thị trường; hay Nhà nước phải giám sát, điều phối thậm chí trực tiếp chịu trách nhiệm về việc cung cấp và về lượng vắc xin có sẵn cho những ai mong muốn hoặc cần được chủng ngừa? Những nhà kinh tế học chính trị có nhiều bất đồng về những vấn đề này.
Một mặt, những người “cuồng nhiệt với thị trường” cho rằng mọi sản phẩm hay dịch vụ luôn luôn được sản xuất hiệu quả hơn nhờ vào cơ chế thị trường không bị điều tiết: các doanh nghiệp tư nhân sẽ sản xuất sản phẩm công cộng và cung cấp cho những người có điều kiện và có khả năng chi trả để tiếp cận sử dụng nó (điều này giả định trước sự loại trừ “những người ăn không” nghĩa là những người tìm cách tiêu thụ miễn phí sản phẩm công cộng một khi nó đã được sản xuất cho những người khác và họ đã trả tiền).
Tiếc thay, cách tiếp cận này vấp phải một trở ngại: sự nổi lên của những tập đoàn độc quyền nhờ vào những tính kinh tế theo quy mô mạnh trong việc sản xuất một số sản phẩm công cộng, và do đó tạo thuận lợi cho việc tăng giá, đặc biệt là bởi nhiều lạm dụng vị trí khống chế như giá nước tại Vương Quốc Anh.
Mặt khác, có những luồng tư tưởng kinh tế quan trọng nhấn mạnh rằng sự phân bổ tối ưu, và thực tế là  sự tiếp cận sản phẩm, có thể đạt được một cách tốt nhất bằng hình thức tiêu dùng có tính hợp tác như ta thấy trong các câu lạc bộ thể thao chẳng hạn. Những thành viên của câu lạc bộ phối hợp với nhau để cung cấp cho nhau những cơ sở thể thao vì sự hài lòng chung của những người tham gia thể thao (và của khán giả).
Tại Vương Quốc Anh, giá nước đã tăng nhiều lần do sự nổi lên của các tập đoàn độc quyền. SimonPRBenson/Shutterstock
Đáng chú ý đó cũng là quan điểm của những công trình nghiên cứu của nhà kinh tế học người Anh Arthur Cecil Pigou, của Mancur Olson, người Mỹ, của Knut Wicksell, người Thụy Điển hay của Ronald Coase theo cách riêng của ông. Tất cả đều thừa nhận rằng việc tiêu dùng sản phẩm công cộng tự thân nó là có tính tập thể.
Arthur Cecil Pigou (1877-1959)
Mancur Olson (1932-1998)
Nhưng ở những lĩnh vực mà một số đông người có liên quan chẳng hạn như quốc phòng (tất cả mọi công dân đều hưởng lợi được bảo vệ), khí hậu nóng lên hay một nạn dịch như virus corona (tất cả nhân loại đều liên quan), thì các sáng kiến và quyết định tiêu dùng tập thể được Nhà nước hay nhiều Nhà nước đảm nhận nhân danh công dân của họ vẫn hiệu quả hơn so với các sáng kiến tự phát kiểu câu lạc bộ hay hội đoàn mà số người đại diện phải lên đến hàng triệu để đáp lại những thách thức về tiêu dùng tập thể đang được bàn đến.
Tổ chức sản xuất công cộng như thế nào?
Nếu ta quyết định là nhà nước có vai trò bảo đảm việc cung cấp một số sản phẩm công cộng, thì đặt ra vấn đề cụ thể về cách thức sản xuất.
Một chính phủ có thể quyết định tự mình trực tiếp tiến hành sản xuất, như đối với quốc phòng và cảnh sát trong hầu hết các quốc gia trên thế giới, cũng như đối với một số cơ sở hạ tầng then chốt như mạng lưới điện hay đường sắt/đường bộ được Nhà nước trực tiếp sản xuất và cung ứng.
Tuần tự, đối với một vài công đoạn của sản xuất sản phẩm công cộng, các chính phủ có thể quyết định cho các doanh nghiệp của khu vực tư nhân thầu lại và được cho là cung cấp sản phẩm công cộng nhằm bảo đảm  việc tiếp cận hợp lý cho tất cả công dân. Trong trường hợp độc quyền tư nhân, điều đó giả định có một sự kiểm soát giá cả chặt chẽ, việc này đôi khi bị ngăn cản bởi cách hành xử của những nhóm sản phẩm hay bởi tham nhũng.
 Tháng năm vừa qua, chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết rằng các vắc xin được triển khai ở Trung Quốc sẽ được xem như là một “sản phẩm công cộng toàn cầu”. Gil Corzo/Shutterstock
Ta cũng có thể tính đến một thỏa hiệp giữa việc cung cấp đơn thuần sản phẩm công cộng bởi Nhà nước và việc sản xuất công cộng hoàn toàn tư nhân dưới hình thức hợp tác công-tư, mặc dù kinh nghiệm này không phải là tốt đẹp nhất trong nhiều trường hợp.
Như vậy, việc nghiên cứu vắc xin có thể được thực hiện thông qua các cơ sở công (đại học công hoặc viện nghiên cứu dịch tễ học chẳng hạn), các tổ chức tư nhân không vì lợi nhuận có tham gia vào nghiên cứu y học (như Viện Pasteur ở Pháp) hoặc các công ty dược phẩm tư nhân vì lợi nhuận.
Mặc dù cả Emmanuel Macron lẫn Tập Cận Bình không xác định rõ những chi tiết về kinh tế, họ cũng đã nêu rành mạch sự cần thiết của điều tiết của Nhà nước về kết quả của quá trình và đặc biệt là việc phân phối các sản phẩm vì sự an sinh của nhân loại nói chung nhờ vào giá cả phải chăng.
Mở rộng logic đến sở hữu trí tuệ?
Nhưng những nhà lãnh đạo của chúng ta có ý thức về sự can dự của lập trường chính trị của họ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học không?
Thực vậy, các vắc xin, cũng như mọi hình thức của kiến thức khoa học hay của phát minh theo nghĩa hẹp thuần kinh tế của nó là một sản phẩm công cộng toàn cầu.
Hơn nữa ngày nay, vào thời đại của những big data (dữ liệu lớn), tất cả các loại cơ sở dữ liệu thông tin  là những sản phẩm công cộng cũng chính vì lý do đó: một người sử dụng cơ sở dữ liệu hoàn toàn không loại trừ sự sử dụng cơ sở dữ liệu ấy  bởi một người khác.
Quả thực ta có thể quan niệm những cơ sở dữ liệu thông tin khổng lồ ngày nay là những thư viện ngày xưa mà mọi người đều có thể tiếp cận những kệ sách và dữ liệu với phí quản lý đơn giản để bảo đảm việc duy trì thư viện (hoặc trong một vài trường hợp là miễn phí).
Các máy chủ lưu trữ dữ liệu có phải là những thư viện thời nay không? Maxim Tupikov/Shutterstock
Do đó, ta có thể tự hỏi một cách chính đáng rằng mọi dạng kiến thức và phát minh khoa học hay các cơ sở dữ liệu thông tin cũng phải được xem như những sản phẩm công cộng toàn cầu không. Xuất phát từ giả thuyết này, làm thế nào để có thể có sẵn các sản phẩm công cộng toàn cầu với phí hành chánh tối thiểu để toàn nhân loại có thể tiếp cận được?
Nhưng trong khi các quyền sở hữu trí tuệ ngày nay được sử dụng như những công cụ hữu hiệu của thống trị thương mại (vì chúng cho phép ngăn chặn việc chuyển giao công nghệ đến các nước ít phát triển), thì việc mở rộng logic “sản phẩm công cộng toàn cầu” đến toàn bộ lĩnh vực phát minh khoa học và các cơ sở dữ liệu thông tin có thể sẽ làm đảo lộn tổ chức hiện nay của nền kinh tế thế giới.
Như thế, để bảo đảm sự tiếp cận với bí quyết công nghệ tại những vùng nghèo nhất thế giới, phải chăng đã đến lúc xé bỏ toàn bộ các hiệp định TRIPS (Quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại - Droits de propriété intellectuelle liés au commerce) của Tổ chức Thương mại thế giới để mở đường cho một thế giới mới và hào phóng hơn trong việc chia sẻ kiến thức và thông tin, cũng như vắc xin? Những vấn đề này đáng cho cuộc thảo luận mà các nhà lãnh đạo của chúng ta đã khởi động được tiếp tục.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư




Chú thích:

[*] Giáo sư, Dân cư, Tổ chức và Xã hội, Trường Quản trị Grenoble (Grenoble École de Management -GEM-)

Print Friendly and PDF