HƯỚNG DẪN VÀO CÁC THIÊN ĐƯỜNG THUẾ
Cuộc phỏng vấn Gabriel Zucman
do Thomas Vendryes thực hiện, ngày 15 tháng 11 năm 2011
Gabriel Zucman (1986-) |
Có bao nhiêu tiền được giấu ở các thiên đường thuế? Ai gởi? Và như thế nào? Dựa vào một phương pháp luận độc đáo và những dữ liệu chưa được khai thác trước đó, Gabriel Zucman đã rọi trực tiếp những ánh sáng mới vào các vấn đề này, với hy vọng có thể giúp cải thiện cuộc chiến chống lại các thiên đường thuế.
Gabriel Zucman hoàn tất luận án tiến sĩ của ông tại Trường Kinh tế Paris. Ông quan tâm đến sự bất bình đẳng về của cải, đặc biệt trên phạm vi toàn cầu. Cùng với khoảng hai mươi nhà nghiên cứu trẻ, ông làm cho tạp chí Regards croisés sống động lên với chủ đề kinh tế.
La Vie des Idées: Ông đã thực hiện một công trình quan trọng về cái mà ông gọi là “của cải còn thiếu của các quốc gia”, có nghĩa là di sản của những hộ gia đình không xuất hiện trên các dữ liệu thống kê của quốc gia và thế giới, bởi vì nó được giấu ở các thiên đường thuế. Trước tiên, ông có thể cho chúng tôi biết một vài độ lớn: số tiền của những của cải đó là bao nhiêu? Cấu trúc tổ chức của nó ra sao? Ai là chủ sở hữu chính? Các thiên đường thuế lớn nằm ở đâu?
Gabriel Zucman: Nghiên cứu mà tôi đã thực hiện gợi ý có khoảng 8% di sản tài chính của các hộ gia đình được giữ lại ở các thiên đường thuế trên toàn thế giới. Vào cuối năm 2008, di sản tài chính của các hộ gia đình - nghĩa là tiền gửi ngân hàng, các danh mục cổ phiếu, các khoản đầu tư vào các quỹ đầu tư và các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của các hộ gia đình trên khắp thế giới - là 75 nghìn tỷ US$. Vì vậy, các hộ gia đình nắm giữ khoảng 6 nghìn tỷ US$ ở các thiên đường thuế.
Chúng ta thường tưởng tượng có một tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ là có tiền nhàn rỗi, nằm yên trong một két sắt hoặc trong một tài khoản vãng lai. Trên thực tế, các hộ gia đình giàu có không đến Thụy Sĩ để gửi hàng triệu US$ vào các tài khoản ngân hàng, mang lại 1% tiền lời mỗi năm. Từ các tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ, họ thực hiện những hoạt động đầu tư tương đối tinh vi. Phần lớn của cải ở hải ngoại đều được đầu tư vào các chứng khoán tài chính: các cổ phiếu, cổ phần trong các quỹ đầu tư, các trái phiếu. Trong số các chứng khoán tài chính đó, cổ phần trong các quỹ đầu tư đóng vai trò trội nhất. Điều đó không có gì ngạc nhiên: đầu tư vào một quỹ, mà tự thân nó sẽ đầu tư tiếp vào các trái phiếu Mỹ, chứng khoán Brazil, v.v., mang lại lợi tức nhiều hơn so với việc tích luỹ tiền mặt vào một tài khoản vãng lai.
Thật khó hơn để biết ai là người sở hữu của cải ở các thiên đường thuế, so với việc biết được tổng số tiền các của cải ở hải ngoại và cơ cấu của các của cải đó. Trên thực tế, chúng ta chỉ có những dữ liệu đáng tin từ phía Thụy Sĩ. Các ngân hàng Thụy Sĩ quản lý khoảng một phần ba các của cải ở hải ngoại, tức khoảng 2.000 tỷ US$ vào cuối năm 2008. Điều đó khiến Thụy Sĩ trở thành thiên đường thuế quan trọng nhất trong việc quản lý các của cải xuyên biên giới.
Trong số 2.000 tỷ US$ đó, hơn 60% thuộc về người châu Âu, đặc biệt là người Ý, người Đức, người Pháp, người Tây Ban Nha, người Bồ Đào Nha và người Hy Lạp. Ở vị trí thứ hai là các quốc gia vùng Vịnh - các gia đình giàu có vùng Vịnh là những khách hàng quan trọng của các ngân hàng Thụy Sĩ và London kể từ những năm 1970, điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi xét đến sự phát triển kém cõi của hệ thống tài chính ở các nước vùng Vịnh.
Trái với một cách nhìn phổ biến, của cải của các nhà độc tài châu Phi hoặc các trùm chính trị Nga chỉ chiếm một phần nhỏ trong số những của cải do các ngân hàng Thụy Sĩ quản lý. Hầu hết số tiền gửi ở Thụy Sĩ vẫn thuộc về người châu Âu, và nói rộng hơn thuộc về những cư dân của các nước giàu - ngoại trừ Nhật Bản. Tuy nhiên, có vẻ như tỷ lệ tiền gửi của các nước mới nổi đang tăng lên, và tỷ lệ tiền gửi của người châu Âu và người Mỹ đang giảm xuống.
Chúng tôi không biết ở các thiên đường thuế khác thì như thế nào. Một số báo cáo dựa trên các cuộc phỏng vấn các nhà quản lý của cải cho thấy hầu hết các của cải được quản lý ở các thiên đường thuế châu Âu (Thụy Sĩ, Luxembourg, Jersey, Guernsey, Liechtenstein, v.v.) thuộc về người châu Âu, hầu hết các của cải được quản lý ở các quần đảo Caribbean (quần đảo Cayman, Bahamas, Bermuda, v.v.) thuộc về người Mỹ (Bắc Mỹ và Nam Mỹ), và hầu hết các của cải được quản lý ở các thiên đường thuế châu Á (Singapore và Hồng Kông) thuộc về người châu Á. Nhưng chỉ có những dữ liệu vững chắc từ phía Thụy Sĩ.
Điều rõ ràng là một phần đáng kể các của cải ở hải ngoại nhất thiết thuộc về người châu Âu, bởi vì họ sở hữu phần lớn những của cải được quản lý bởi thiên đường thuế lớn nhất, nước Thụy Sĩ.
La Vie des Idées: Tại sao Nhật Bản khác với các nước giàu khác, có nghĩa là tại sao, không giống như người châu Âu và người Mỹ, các hộ gia đình giàu có Nhật Bản không che giấu di sản của họ ở các thiên đường thuế?
Gabriel Zucman: Cần phải thận trọng, bởi vì chúng ta chỉ có được dữ liệu từ phía Thụy Sĩ. Nhưng đúng là người Nhật có vẻ như không phải là khách hàng lớn của các ngân hàng Thụy Sĩ. Những nghiên cứu, cố gắng tìm hiểu điều gì thúc đẩy người ta gửi tiền ở các thiên đường thuế, cũng không có kết luận nhất quán. Song, điều có vẻ khá hợp lý là thuế suất trong nước đóng một vai trò quan trọng: ở Nhật Bản, cổ tức mà các hộ gia đình được hưởng chỉ bị đánh thuế ở mức 10%, so với 21% ở Hoa Kỳ, 24% ở Đức và hơn 30% ở Pháp.
Di sản và thu nhập được che giấu như thế nào
La Vie des Idées: Ông có thể đơn cử một sự dàn dựng hay sắp xếp thông thường, ví dụ như của một hộ gia đình châu Âu, để che giấu di sản và thu nhập của mình khỏi sự giám sát của các cơ quan thuế? Cơ chế này hoạt động như thế nào?
Gabriel Zucman: Cần phân biệt hai bước: gửi tiền ở ngân hàng Thụy Sĩ (ví dụ), và quản lý số tiền được gửi đến Thụy Sĩ. Thử bắt đầu với bước thứ hai. Nếu bạn có một triệu euro trong một tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ, cơ quan thuế của Pháp không có bất cứ cách nào để biết, bởi vì các ngân hàng Thụy Sĩ hầu như không trao đổi thông tin với cơ quan thuế của Pháp (đây là nguyên tắc giữ bí mật ngân hàng). Một triệu euro đó sẽ tạo ra thu nhập (tiền lãi, tiền cổ tức) mà cơ quan thuế của Pháp không biết; vì vậy, có một tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ giúp tránh được thuế thu nhập, thuế tương trợ trên của cải và thuế thừa kế.
Nói chung, những người gửi tiền ở các ngân hàng Thụy Sĩ đều có những biện pháp phòng bị bổ sung. Ví dụ, rất ít các hộ gia đình trực tiếp đứng tên các tài khoản ngân hàng; hầu hết các của cải ở hải ngoại được nắm giữ thông qua trung gian của các công ty bình phong, các quỹ tín thác hoặc các quỹ, sao cho mối liên kết giữa một tài khoản ngân hàng và chủ sở hữu thực của nó trở nên mờ nhạt hơn.
Trong sơ đồ-mẫu, một hộ gia đình người Pháp có một tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ thông qua một công ty bình phong có trụ sở đặt tại Panama (tất cả điều này đều diễn ra một cách hoàn toàn hình thức, không có điều gì xảy ra ở Panama: công ty bình phong được trực tiếp thành lập ở Thụy Sĩ). Tiền được đầu tư, khá rộng rãi, vào các quỹ đầu tư hoạt động ở Luxembourg (mà trên thực tế, đối với nhiều quỹ, đó là những công ty con của các ngân hàng Thụy Sĩ). Luxembourg không đánh thuế các khoản thanh toán xuyên biên giới: hộ gia đình người Pháp này nhận 100% tiền cổ tức được các quỹ trả vào tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ. Cơ quan thuế của Pháp không có bất cứ cách nào để biết được thu nhập ở hải ngoại của các hộ gia đình, vì vậy nếu hộ gia đình người Pháp này không khai báo thu nhập của mình trên tờ khai thuế, thì họ không phải nộp thuế ở Pháp. Cuối cùng, nếu cơ quan thuế của Pháp có nghi ngờ, họ sẽ nhanh chóng vấp phải thực tế bề ngoài là tài khoản ngân hàng này thuộc về một công ty của Panama, chứ không phải của một hộ gia đình Pháp có địa chỉ ở Paris. Khi biết cách diễn giải chúng - có nghĩa là khi hiểu rõ cách thức xây dựng chúng -, các dữ liệu chính thức của Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ, mà mọi người có thể truy cập được, sẽ hiển thị rất rõ sơ đồ-mẫu này giữa Pháp-(Panama)-Thụy Sĩ-Luxembourg. Đây không phải là một truyện trinh thám dở.
Rồi, thử quay lại bước đầu tiên: tiền đến Thụy Sĩ bằng cách nào? Trong trí tưởng tượng tập thể, mọi thứ đều diễn ra thông qua các va-li tiền mặt; nhưng sẽ rất khó để đi lại với số tiền lớn như thế (và còn rất rủi ro). Trong thực tế, phần lớn các vụ chuyển tiền là các giao dịch chuyển khoản điện tử hoàn toàn vô thưởng vô phạt. Ví dụ, một công ty do một hộ gia đình Pháp kiểm soát sẽ mở một tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ để mua một dịch vụ hư cấu. Một cơ chế hoạt động khác: rất nhiều nhân viên trong ngành tài chính London, ngày nay, nhận tiền lương trực tiếp trên một tài khoản ngân hàng ở Jersey. Giống như vậy, nhân viên các công ty đa quốc gia thường nhận tiền lương trên một tài khoản ngân hàng ở Síp chẳng hạn. Một khi tiền đã tới một thiên đường thuế, thì nó có thể dễ dàng chảy sang một thiên đường thuế khác.
Tại sao một số công ty trả lương cho nhân viên trên các tài khoản ngân hàng ở hải ngoại? Bởi vì họ kiếm được phần lớn lợi tức ở các thiên đường thuế. Lợi tức của một công ty Mỹ ở một thiên đường thuế sẽ không bị đánh thuế ở Hoa Kỳ, cho đến khi lợi tức đó được chuyển về Hoa Kỳ. Thay vì chuyển lợi nhuận về Hoa Kỳ, các công ty đa quốc gia có mọi lợi ích để trả lương trực tiếp cho nhân viên từ các khoản thu nhập được tích lũy ở các thiên đường thuế.
Làm thế nào để đo lường số tiền ở các thiên đường thuế?
La Vie des Idées: Với sự phức tạp và ẩn danh của các công cụ đó, được lựa chọn chính xác để thoát khỏi sự giám sát của nhà nước, thì làm thế nào để đo lường và nghiên cứu nó, và mức độ tin tưởng của ông vào kết quả nghiên cứu của mình?
Gabriel Zucman: Khi một hộ gia đình Pháp có một tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ, một cổ phần trong quỹ đầu tư của Luxembourg, thì Pháp không ghi bất kỳ tích sản nào (các nhân viên kế toán Pháp không có bất cứ cách nào để đo lường tích sản đó). Thụy Sĩ cũng không ghi bất kỳ tích sản hoặc tiêu sản nào (bởi vì tất cả điều này, từ quan điểm kế toán quốc tế, không liên quan gì đến Thụy Sĩ: đó là một khoản đầu tư được một người Pháp thực hiện ở Luxembourg). Nhưng, Luxembourg ghi có một tiêu sản: nói một cách chính xác hơn, các nhân viên kế toán của Luxembourg thấy người nước ngoài có cổ phần trong các quỹ đầu tư của Luxembourg, điều này tạo ra một tiêu sản của Luxembourg đối với phần còn lại của thế giới. Tất nhiên, sẽ có nhiều tiêu sản được ghi hơn là tích sản trên thế giới; đặc biệt, những tiêu sản của Luxembourg lớn hơn rất nhiều so với tổng tích sản của tất cả các nước trên thế giới được ghi cho Luxembourg (trong trường hợp này, khoản chênh lệch là 1 nghìn tỷ US$ vào năm 2008).
Để làm nổi bật những bất thường này, tôi tham chiếu một cuộc khảo sát phối hợp được tiến hành dưới sự điều hành của IMF kể từ năm 2001, có tên gọi là Khảo sát phối hợp các danh mục đầu tư (CPIS). Cuộc khảo sát này, với một chất lượng ngoại lệ, đã được tiến hành để giải quyết những bất thường được các nhà thống kê của IMF quan sát thấy trong nhiều thập kỷ qua, trong cán cân thanh toán thế giới - và đặc biệt là sự mất cân đối bất thường giữa các tích sản và tiêu sản. Khảo sát này giúp phối hợp những dữ liệu giữa các nước, phổ biến những thông lệ thực hành tốt nhất trên thế giới, v.v. Nó giúp giải quyết gần như mọi vấn đề trong các tài khoản ngân hàng quốc tế… ngoại trừ một: các nhân viên kế toán Pháp, mặc cho thiện chí tốt đẹp của họ, không thể, mà lẽ ra phải làm được, ghi có các tích sản của người Pháp ở Thụy Sĩ. Vì vậy, sự bất thường được ghi nhận trong CPIS, sau công trình phối hợp lớn lao của IMF và các chuyên gia trên toàn thế giới, phản ánh phần lớn thông lệ hoạt động của các hộ gia đình ở các thiên đường thuế.
Tất nhiên, phương pháp mà tôi sử dụng là gián tiếp. Không thể định lượng chính xác số tiền ở các thiên đường thuế. Không thể biết chính xác ai là chủ các tài khoản ngân hàng ở hải ngoại. Nghiên cứu của tôi chỉ đưa ra các độ lớn. Tôi nghĩ khoảng 8% di sản tài chính của thế giới là một con số hợp lý. Tất cả các nghiên cứu hiện hành, dù được các công ty tư vấn tiến hành dựa trên các cuộc phỏng vấn hoặc từ các tổ chức phi chính phủ (NGO) chuyên về các thiên đường thuế, đều đưa ra những con số lớn hơn, đôi khi lớn hơn rất nhiều. Tôi không nghĩ vấn đề được phóng đại. Ngoài ra, tôi chỉ quan tâm đến một khía cạnh trong hoạt động của các thiên đường thuế - công việc quản lý xuyên biên giới các của cải, thay mặt cho những khách hàng cá thể. Có rất nhiều điều khác đang diễn ra ở các thiên đường thuế, nhiều điều mà chúng ta còn phải học hỏi.
Nghiên cứu của tôi dựa trên những dữ liệu chỉ mới có gần đây, nhưng hoàn toàn mang tính công khai và dễ dàng tiếp cận. Vì vậy, mọi người đều có thể kiểm tra lại các tính toán mà tôi đã thực hiện (nếu muốn), đặc biệt từ phần phụ lục trong công trình của tôi, trong đó mô tả từng bước một cách thức mà tôi đã tiến hành, các nguồn tài liệu được sử dụng, v.v. Tôi hy vọng điều này sẽ giúp cải thiện các ước tính của tôi. Có điều chắc chắn là sự xuất hiện các dữ liệu mới sẽ giúp cải thiện các số liệu.
La Vie des Idées: Những độ lớn mà ông tìm thấy đối với những của cải được che giấu có vẻ là khá đáng kể. Những độ lớn đó có thể làm thay đổi như thế nào sự quan ngại mà người ta thường nghĩ trong các cán cân kinh tế và tài chính toàn cầu?
Gabriel Zucman: Việc xem xét của cải của các hộ gia đình ở hải ngoại tác động đáng kể đến những gì đã biết về sự mất cân đối tài chính quốc tế. Theo các số liệu chính thức, khu vực đồng euro có vị thế âm so với phần còn lại của thế giới: nhìn bề ngoài, phần còn lại của thế giới nắm giữ nhiều tích sản hơn của khu vực đồng euro, so với khu vực đồng euro nắm giữ các tích sản của phần còn lại của thế giới. Điều này khá ngạc nhiên từ quan điểm lý thuyết kinh tế, bởi vì châu Âu, giống như Nhật Bản, trong tổng thể, là một khu vực tăng trưởng chậm, già nua, với một tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm cao; lý thuyết kinh tế gợi ý rằng châu Âu phải ở vị thế một chủ nợ ròng đối với phần còn lại của thế giới.
Việc xem xét di sản không đăng ký của các nước châu Âu giúp giải quyết nghịch lý này: có nhiều khả năng một khi của cải của người châu Âu ở hải ngoại được chuyển về, thì vị thế của khu vực đồng euro sẽ được cải thiện.
Tương tự, thế giới các nước giàu có, trong tổng thể, theo các số liệu thống kê chính thức, mắc nợ thế giới các nước đang phát triển. Lý thuyết kinh tế gợi ý rằng thế giới các nước giàu có phải ở vị thế chủ nợ, hoặc ít nhất là ở vị thế cân bằng. Việc xem xét những của cải không đăng ký ở các thiên đường thuế sẽ giúp dung hòa một phần giữa lý thuyết với thực tế.
Cuộc chiến chống lại các thiên đường thuế
La Vie des Idées: Liệu các kết quả nói trên cũng có nghĩa là các hộ gia đình giàu sẽ vẫn giàu nhiều hơn nữa so với những gì được thấy trên các dữ liệu thống kê quốc gia, và như vậy là sự bất bình đẳng, ít nhất về mặt di sản, sẽ tăng hơn nữa? Liệu điều đó cũng có nghĩa là các hộ gia đình đó đã thực sự có thể che giấu di sản của họ, và như vậy thì mọi nỗ lực đánh thuế trên của cải là vô ích, thậm chí là phản tác dụng?
Gabriel Zucman: Phần lớn các của cải ở hải ngoại, thoát khỏi sự giám sát của tất cả các nguồn dữ liệu có sẵn, dù đó là hệ thống tài khoản quốc gia, các dữ liệu thuế, các cuộc khảo sát… Do của cải của các thiên đường thuế chắc chắn thuộc về những người rất giàu, nên có nhiều khả năng là sự bất bình đẳng về di sản thậm chí còn lớn hơn những gì mà các công cụ đo lường thông thường của chúng ta cho thấy. Nhưng các thiên đường thuế, về cơ bản, không đặt lại vấn đề hiểu biết của chúng ta về sự phân phối của cải trong nội bộ các quốc gia. Các nguồn dữ liệu có sẵn cho thấy các di sản đều cực kỳ tập trung: theo những gì chúng ta biết, ở Pháp, 10% những người giàu nhất nắm giữ hơn 60% di sản quốc gia. Trong thực tế, họ có thể nắm giữ 65% hoặc 70% di sản quốc gia - trong mọi trường hợp, các của cải đều rất tập trung.
Về những hậu quả mà các thiên đường thuế gây ra lên việc đánh thuế các di sản, cần phải hiểu rõ vấn đề. Việc có một tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ hoặc Bahamas là điều hoàn toàn hợp pháp (ít nhất là ở Pháp). Nhưng việc không báo cáo thu nhập nhận được từ một tài khoản ngân hàng ở hải ngoại là điều hoàn toàn bất hợp pháp. Các thiên đường thuế cho phép những người muốn vi phạm pháp luật làm điều đó. Hoa Kỳ và Châu Âu phải nắm bắt vấn đề theo một cách phối hợp. Nếu muốn, các nước lớn có thể dễ dàng chấm dứt hành vi trốn thuế của cá nhân ở các thiên đường thuế. Chỉ cần buộc các thiên đường thuế trao đổi tự động những thông tin mà họ nắm giữ. Mỗi khi một hộ gia đình Pháp nhận được cổ tức từ một tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ, thông qua một công ty bình phong của Panama, thì Thụy Sĩ phải gửi thông tin đó cho Pháp. Liên minh châu Âu, nếu đồng thuận, sẽ dư sức có khả năng buộc tất cả các thiên đường thuế phải tuân thủ quy định về việc trao đổi tự động thông tin này. Vả lại, đây là mục tiêu cuối cùng của chính sách tiết kiệm mà Liên minh châu Âu đã áp dụng từ năm 2005. Do đó, hoàn toàn có thể dự kiến nạn gian lận thuế ở các thiên đường thuế sẽ bị xóa bỏ từ nay trong vòng vài năm. Mọi thứ đều phụ thuộc vào sự thống nhất của các nước châu Âu và mong muốn của Hoa Kỳ.
La Vie des Idées: Nếu điều đó không quá khó như thế, thì tại sao các quốc gia châu Âu hay Hoa Kỳ đã chậm trễ quá lâu trong cuộc chiến chống lại các thiên đường thuế? Và những khả năng kháng cự của các thiên đường thuế trước các yêu cầu của cộng đồng quốc tế phát sinh từ đâu?
Gabriel Zucman: Bất chấp những nỗ lực đáng ca ngợi của rất nhiều tổ chức phi chính phủ và của một số nhà nghiên cứu, những người đã nắm bắt được vấn đề từ rất sớm, vẫn có một sự thiếu hụt thông tin đáng kể về các thiên đường thuế. Sự thiếu hụt thông tin này là vùng tự do hoạt động của các nhóm gây áp lực, những người không muốn thay đổi bất cứ điều gì một cách cụ thể. Và thật khó để triển khai đúng đắn các chính sách, khi không hiểu chính xác điều gì đang xảy ra lẫn quy mô của vấn đề. Thế nhưng, đây là một chủ đề mang tính rất kỹ thuật, mà chi tiết các dữ liệu đóng vai trò rất lớn. Ví dụ, trong phiên bản hiện hành, chỉ thị về tiết kiệm của Liên minh Châu Âu không đánh thuế các tài khoản ngân hàng ở hải ngoại thuộc sở hữu của người châu Âu thông qua các công ty bình phong ngoài châu Âu. Cho đến gần đây, không ai ở Brussels nhận thức được rằng phần lớn các tài khoản ngân hàng ở hải ngoại được tổ chức thông qua những cấu trúc như trên. Kết quả là chỉ thị về tiết kiệm hoạt động kém hiệu quả. Các nhà kinh tế chịu một phần trách nhiệm: họ quan tâm rất ít đến các thiên đường thuế. Nhưng mọi thứ đang chuyển động, và điều này, theo lẽ thường, sẽ giúp những người hoạch định chính sách triển khai những công cụ phù hợp hơn.
Thomas Vendryes, ngày 15 tháng 11 năm 2011
Thomas Vendryes |
Cựu sinh viên Trường Sư phạm, Thomas Vendryes đã hoàn tất bằng tiến sĩ Khoa học kinh tế tại Trường Kinh tế Paris, trong đó có một phần thời gian nghiên cứu được tiến hành ở Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Sau khi nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Đại học Paris-Sud, hiện tại ông là Phó giáo sư tại Trường Sư phạm Cachan, thuộc Khoa Khoa học Xã hội. Các công trình của ông thuộc lĩnh vực kinh tế học phát triển, và tập trung chủ yếu vào các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu đất đai và các vấn đề di dân nội địa, được nghiên cứu chủ yếu từ kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les paradis fiscaux: visite guidée, La Vie Des Idées, ngày 15 tháng 11 năm 2011.