NHỮNG BỨC TƯỢNG NÓI LÊN ĐIỀU GÌ?
Nicolas Barreyre[*]
Tối ngày 10 tháng 6 năm 2020, tại Richmond, thủ đô của bang Virginia, một đám đông treo dây thừng vào chân của một bức tượng lớn bằng đồng cao hơn hai mét và hạ nó khỏi cái bệ của nó. Đây là bức tượng của Jefferson Davis, chủ tịch của Liên Minh Miền Nam (Confédération) trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ - nhóm mười một bang miền nam đã tiến hành một cuộc chiến tranh chết chóc từ năm 1861 đến 1865 để duy trì chế độ nô lệ bằng mọi giá. Những người biểu tình, với quy mô chưa từng có kể từ Phong trào Dân quyền, được huy động trong phong trào phát sinh trên khắp đất nước sau cái chết hung bạo của George Floyd vì nghẹt thở do một đội cảnh sát tuần tra ở Minneapolis gây ra. Floyd, một người đàn ông da đen khoảng bốn mươi tuổi, đã trở thành biểu tượng của nhiều cái chết của người da đen dưới tay của các cảnh sát mà đa số là người da trắng, nay đã được trang bị quân sự, và gần như không bao giờ bị trừng phạt vì những cái chết này.
Nicolas Barreyre (1975-) |
George Floyd (1973-2020) |
Tại sao cuộc biểu tình này, cũng như các cuộc biểu tình khác trên khắp đất nước, lại tấn công một bức tượng trăm tuổi trong khi ưu tiên của nó là đòi hỏi một cuộc cải cách sâu sắc của hệ thống cảnh sát Mỹ để xóa bỏ những thành kiến phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống? Phân tích trường hợp của Hoa Kỳ ở đây có thể giúp hiểu được vị trí của các công trình kỷ niệm trong không gian công cộng, vai trò của chúng trong đó và đặc biệt là tại sao, trong bối cảnh chính trị nhất định, những bức tượng này lại bắt đầu nói lên nhiều điều. Nếu mỗi quốc gia có lịch sử riêng, nó không bao giờ bị cô lập với các quốc gia khác, nhất là khi nó chia sẻ cùng với các quốc gia này ý nghĩa của những công trình công cộng. Ở Châu Âu cũng vậy, các cuộc tranh luận về các bức tượng đã xuất hiện trở lại và giành được một tầm quan trọng mới trong những tuần gần đây: bức tượng của một thương gia kiếm được nhiều tiền trong việc buôn bán nô lệ bị ném xuống biển ở Bristol ở Anh; các bức tượng của Léopold II, vua của người Bỉ chịu trách nhiệm về một chế độ nô lệ đặc biệt chết người ở Congo vào cuối thế kỷ 19, là mục tiêu và việc tháo dỡ các bức tượng này đang được tiến hành; và cả các bức tượng của Victor Schœlcher, một nhân vật rất khác so với hai nhân vật trên, cũng đã bị tấn công ở Martinique vào ngày 22 tháng 5 năm 2020. Ở đây, trường hợp các bức tượng của Liên Minh Miền Nam ở Mỹ có thể làm sáng tỏ điều này.
Trong một báo cáo được công bố vào năm 2016, Trung tâm Luật của Miền Nam về sự Nghèo (Southern Poverty Law Center), một tổ chức phi chính phủ do Phong trào Dân quyền thành lập, đã thống kê và lập bản đồ gần 800 bức tượng trong số 1.700 tượng đài cho Liên Minh (phần lớn là vô hình, như tên của đường phố, trường học hoặc căn cứ quân sự). Nhưng nhận thức về sự có mặt khắp nơi này, tập trung nhưng không giới hạn ở miền Nam, chỉ nổi lên mạnh mẽ vào năm 2015, với cuộc tấn công khủng bố nhắm vào một nhà thờ của người da đen ở Charleston vào năm 2015, do một thanh niên da trắng đã cố ý mang các biểu tượng của Liên Minh và tuyên bố muốn tiến hành “một cuộc chiến giữa các chủng tộc”. Điều này không có nghĩa là các dấu hiệu của miền Nam ly khai, và đặc biệt là cờ, không phải là một vấn đề chính trị trước đó, mà còn hoàn toàn ngược lại. Nhưng đối với số đông người Mỹ, đó là một vấn đề trừu tượng, rất xa với cuộc sống hiện tại của họ. Vụ tấn công Charleston, xảy ra trong khi phong trào Tôn Trọng Mạng Sống Của Người Da Đen/Black Lives Matter (BLM) huy động lực lượng để đáp trả cái chết của Michael Brown, người đã bị một cảnh sát viên da trắng bắn chết ở Ferguson một năm trước, đã kết tinh những dấu ấn của Liên Minh như là biểu tượng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mà Hoa Kỳ đã thất bại không xóa bỏ được - hoặc từ chối làm điều này. Cuộc tấn công đã gắn kết mạnh mẽ, trong lương tâm công chúng, sự công phẫn về những cái chết hung bạo của người da đen hiếm khi bị trừng phạt với sự phô trương các biểu tượng của phe ly khai.
Robert Lee (1807-1870) |
Charlottesville, vào tháng 8 năm 2017, là thời điểm của sự bùng cháy của ý thức chính trị này. Trong khi một bức tượng của Tướng Robert Lee, cựu chỉ huy quân đội Virginia trong chiến tranh, bị đe dọa tháo dỡ, các nhóm theo chủ nghĩa ưu việt của người da trắng (suprémaciste), được vũ trang mạnh mẽ, đã quyết định “bảo vệ” bức tượng, trong một cuộc biểu tình pha trộn các biểu tượng của phái cực hữu (cuộc diễu hành với bó đuốc như Ku Klux Klan thời trước, chữ thập ngoặc) với những lá cờ “Liên Minh”. Cái chết hung bạo của một người phản biểu tình, Heather Heyer, bị giết bởi chiếc xe tải lớn của một người theo chủ nghĩa ưu việt của người da trắng, đã xác nhận trong mắt nhiều người rằng bức tượng Lee không chỉ là một di sản, mà dưới chân của nó ta có thể tiếp tục ăn uống ngoài trời một cách thoải mái mà không thèm có một cái nhìn thoáng qua.
Điều mà sự kiện tại Charlottesville đã tiết lộ - một cách bi thảm - là bức tượng không mang tính trung lập (không phải là vô thưởng vô phạt). Nó đã được dựng lên, giống như hàng trăm tượng khác từ những năm 1890 đến những năm 1920, đích xác là để chiếm lấy không gian công cộng và để ghi khắc các giá trị dân sự thống trị trên đá. Lễ khánh thành, vào năm 1924, đã làm rõ ý nghĩa của nó: được dựng lên ở rìa của một quận của người da đen, nó khẳng định một trật tự dựa trên chủng tộc, được khẳng định bằng bài phát biểu để tôn vinh của chủ tịch Đại học Virginia và được củng cố bởi một cuộc diễu hành của Ku Klux Klan. Tượng đài này phục vụ cho sự khẳng định một trật tự chính trị, là kết quả của một phong trào lâu dài trong đó người Mỹ da đen bị loại khỏi không gian công cộng, để triển khai các nghi lễ công dân của riêng họ, kỷ niệm việc bãi bỏ chế độ nô lệ và những tiến bộ đã giành được trong thời kỳ Tái thiết.
Điều mà nhiều người Mỹ phát hiện ra tại Charlottesville năm 2017 là, với Phong trào Dân quyền trong những năm 1950 và 1960, mọi hy vọng rằng các bức tượng đã mất đi sự thu hút mang tính biểu tượng này là điều ảo tưởng. Ngược lại, sự “tôn trọng di sản miền nam” đã được phe Cộng hòa sử dụng để thu hút những cử tri từ chối sự kết thúc của sự phân biệt chủng tộc (“chiến lược miền Nam” của Nixon và những người kế vị ông). Tầm quan trọng về ý thức hệ của những biểu tượng ly khai có thể được nhận thấy trong các đạo luật được thông qua từ năm 2004 đến 2017 tại năm bang miền nam để ngăn chặn việc hạ bệ (hoặc thậm chí là sự bối cảnh hóa) mọi tượng đài của Liên minh - lý do mà bức tượng Lee vẫn còn tại Charlottesville. Tuy nhiên, kể từ năm 2017, mọi thứ đã tiến hóa: các thành phố New Orleans và Baltimore đã hạ bệ các tượng đài chính của Liên minh. Tổng cộng, khoảng một trăm bức tượng đã bị hạ bệ ở trong nước. Và trong ba tuần, phong trào đã được đẩy mạnh: bang Virginia, đã bãi bỏ luật bảo vệ các tượng đài của mình, và đang chuẩn bị một số tháo dỡ ở Richmond, nơi mà toàn bộ một đại lộ được dành riêng cho các di tích này. Bang Kentucky vừa thông báo rằng bức tượng của Jefferson Davis, người lãnh đạo Liên Minh, sẽ được chuyển khỏi Tòa nhà Quốc hội.
Những bức tượng này nói lên điều gì? Chúng không kể lại lịch sử. Hoàn toàn không phải là những di tích để tang người chết, chúng tôn vinh các tướng lĩnh và binh lính anh hùng, và cố tình xóa bỏ lý do của cuộc đấu tranh của họ - duy trì chế độ nô lệ. Lịch sử, như được các nhà sử học viết, đã bác bỏ hoàn toàn quan điểm này về cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ - một sự đọc lại mang tính ý thức hệ được xây dựng có chủ ý ngay sau sự kết thúc của cuộc xung đột dưới cái tên “Chính nghĩa bị đánh mất”. Chúng là dấu hiệu của một lịch sử khác, đó là lịch sử của việc áp đặt sự phân biệt chủng tộc bất bình đẳng trong một phần của đất nước trong nhiều thập kỷ.
Trong những điều kiện này, phải làm gì với những bức tượng này? Tháo rời chúng? Để chúng tại chỗ bằng cách bối cảnh hóa chúng với các điểm nhấn khác (biển, tượng đài chung, v.v.)? Duy trì hiện trạng? Nhà sử học không thể trả lời những câu hỏi này - chính các công dân phải chiếm lấy các cuộc tranh luận, bởi vì đó là chính trị. Điều mà trường hợp mẫu mực của các bức tượng của Liên Minh Mỹ dạy chúng ta là những di tích này không chứa đựng một bài học của lịch sử, nhưng là dấu hiệu của các giá trị công dân được ghi lại trong không gian công cộng. Chúng là kết quả của một sự lựa chọn, được thực hiện ở một thời điểm nhất định, để dựng lên một giai đoạn hoặc một nhân vật lịch sử làm ví dụ (tích cực hoặc tiêu cực), trong khi khắc sâu vào đá sự diễn giải mà ta muốn đưa ra. Và ý nghĩa này tùy thuộc nhiều vào các lý do cho việc lắp đặt tượng đài hơn là vào sự thật lịch sử của nhân vật hay giai đoạn được thể hiện.
Các nhà sử học có thể soi sáng những cuộc tranh luận như vậy, nhưng họ không thể quyết định với tư cách “chuyên gia”. Trong một quốc gia dân chủ, thật chính đáng khi có thể đặt vấn đề, trong một cuộc tranh cãi, về mọi biểu tượng công dân có thể gây nên sự chán ghét trong xã hội. Cho dù sự lựa chọn nào được đưa ra cho mỗi bức tượng này, việc đưa chúng vào bảo tàng không phải là một sự xóa nhòa Lịch sử, mà đơn giản chỉ là sự khẳng định các giá trị công dân hiện tại. Vấn đề quan trọng là liệu những giá trị này được nhấn mạnh có phản ánh giá trị của toàn bộ các công dân hay chỉ là của một bộ phận thiểu số đã áp đặt chúng.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Que racontent les statues”, Carnet de l'EHESS, 1.7.2020.
Bài liên quan:
“Tưởng niệm làm cho sử học bị đóng băng và loại bỏ sứ mệnh quấy rầu của nó”, Phân tích kinh tế, 8.5.2019.
Để tìm hiểu thêm:
Southern Poverty Law Center, “Whose Heritage? Public Symbols of the Confederacy”, éd. rév. 1er février 2019
David W. Blight, Race and Reunion: The Civil War in American Memory, Cambridge, Mass., Belknap Press, 2001
W. Fitzhugh Brundage, The Southern Past: A Clash of Race and Memory, Cambridge, Mass., Belknap Press, 2005
Louis P. Nelson et Claudrena N. Harold (dir.), Tcharlottesville 2017: The Legacy of Race and Inequity, Charlottesville, University of Virginia Press, 2018
Caroline Rolland-Diamond, Black America. Une histoire des luttes pour l’égalité et la justice, XIXe-XXIe siècle, Paris, la Découverte, 2016
Tìm đọc trong Carnet de l'EHESS: perspectives sur l'après-George Floyd:
Jean-Frédéric Schaub, “George Floyd, une émotion mondiale”, 30 juin 2020
cùng với thư mục tổng quát của Carnet de l'EHESS: perspectives sur l'après-George Floyd
và trên các phương tiện truyền thông đại chúng:
“Les statues meurent-elles aussi?”, Anne Lafont, France Culture, 23/06/2020
“Faut-il débaptiser les rues Jules-Ferry?”, Christophe Prochasson, L'Express, 22/06/2020
“Du Général Lee aux Néo-confédérés: la cause perdue des suprémacistes blancs”, Nicolas Barreyre, France Culture, 28/08/2017.
Chú thích:
[*] Nicolas Barreyre là Phó giáo sư về sử học ở Trường Nghiên Cứu Cao Cấp về Khoa Học Xã Hội. Hiện ông đang nghiên cứu về tổ chức và các hình thái của Nhà Nước Mỹ vào thế kỷ XIX và đặc biệt quan tâm đến những hệ quả về mặt định chế của kinh tế học và các mối liên hệ mà kinh tế học xây dựng giữa các công dân và guồng máy Nhà Nước.↩