18.8.20

Richard Horton, chủ bút tạp chí y học “The Lancet”: “Covid-19 cho thấy sự thất bại thảm hại của các chính phủ phương Tây”

RICHARD HORTON, CHỦ BÚT TẠP CHÍ Y HỌC “THE LANCET”: “COVID-19 CHO THẤY SỰ THẤT BẠI THẢM HẠI CỦA CÁC CHÍNH PHỦ PHƯƠNG TÂY”

Trong một quyển sách xuất bản ở Anh Quốc, chủ bút của tạp chí y học tố cáo sự bất lực của nhiều nước trước mối đe dọa của đại dịch mặc dù đã được báo trước. Ông nêu ra việc rút lại mới đây một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí của ông.
Hervé Morin và Paul Benkimoun ghi lại
Richard Horton, chủ bút tạp chí “The Lancet”. DOUGLAS FRY / PIRANAH
Richard Horton là một gương mặt nổi bật không thể bỏ qua của hoạt động xuất bản những ấn phẩm khoa học. Là chủ bút của tạp chí y học Anh The Lancet từ một phần tư thế kỷ nay, ông vừa xuất bản một quyển sách trong đó ông tố cáo sự thất bại của các nhà hành pháp phương Tây trước đại dịch (The COVID-19 Catastrophe: What’s Gone Wrong and How to Stop It Happening Again (Thảm họa Covid - 19: Có điều gì sai và làm thế nào để ngăn nó không xảy ra nữa - ND -).
Ngay từ tháng 1 /2020, The Lancet đã đăng năm bài báo giúp hiểu được điều gì đang chờ đợi hành tinh của chúng ta nếu không làm gì cả để ngăn chặn SARS-CoV-2 lây lan trên toàn cầu.
Gần đây hơn, chính tạp chí của ông lại bị đặt lại vấn đề vì đã đăng tải một bài báo nêu rõ tỷ lệ tử vong quá cao của các bệnh nhân nhập viện vì mắc phải Covid-19 và được điều trị với hydroxychloroquine; trước khi phải rút lại nghiên cứu này, vì đã không tiếp cận được các dữ liệu do một công ty mờ ám của Mỹ là Surgisphere cung cấp. Richard Horton cũng đã rút ra những bài học từ sự kiện này.
Ông vừa xuất bản một quyển sách trong đó ông phê phán rất nghiêm khắc cách quản lý đại dịch, đặc biệt là tại nước ông, Anh Quốc…
Gabriel Leung (1972-)

Lý do mà tôi dùng những lời lẽ cứng rắn là vì vào cuối tháng 1 chúng tôi đã đăng trên The Lancet năm bài báo mô tả đầy đủ căn bệnh mới này, một căn bệnh không có thuốc chữa và không có vắc xin, với tỷ lệ tử vong khá cao, và lây lan từ người sang người.
Dẫn lại lời của Gabriel Leung (Đại học Hongkong), “phương thức lây truyền bệnh này biểu thị xác suất cao của một đại dịch toàn cầu”. Người ta đã biết tất cả điều đó ngày 31 tháng 1. Hôm trước đó, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu.
Và trong sáu tuần tiếp theo đó, phần lớn các nước phương Tây tuyệt đối không làm gì cả. Đó là một sai lầm không thể tha thứ được.
Vấn đề là: tại sao tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ý Giuseppe Conte, tại sao thủ tướng Anh Boris Johnson, tại sao tổng thống Mỹ Donald Trump đã không làm gì cả? Họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở Trung Quốc sao? Họ không tin người Trung Quốc? Họ có yêu cầu đại din ngoại giao của họ ở Bắc Kinh điều tra không? Tôi không hiểu. Các chứng cứ đã rất rõ ràng ngay từ cuối tháng 1. Như vậy, tôi nghĩ rằng các chính trị gia phải làm rõ điều này.
Và không sòng phẳng khi trách cứ WHO hay Trung Quốc, như Johnson hay Trump đã làm, trong một thuyết âm mưu bí ẩn. Ngay từ tháng 1, WHO và Trung Quốc đã giải thích những gì đang diễn ra. Nhưng các chính phủ phương Tây đã có một thiếu sót có hệ thống khi xem nhẹ những thông điệp này. Có phải là do phân biệt chủng tộc đối với người Trung Quốc? Đó là một thất bại thảm hại của các nhà hành pháp phương Tây. Đại dịch này là một thảm họa do chính chúng ta tạo ra.
Có phải các ủy ban điều tra của quốc hội đã được thành lập tại Anh Quốc nhằm đánh giá việc quản lý đại dịch của chính phủ?
Không. Nước Pháp đã đi trước chúng tôi một bước. Các chính trị gia của chúng tôi nói rằng chưa phải lúc. Tôi thấy điều đó thật điên khùng. Nếu sau này chúng tôi bị một đợt dịch thứ hai trong năm nay, chúng tôi nên rút bài học về cách quản lý tồi của chúng tôi trong đợt thứ nhất.
Chúng ta cần phải rất rõ ràng trong vấn đề này. Tôi không muốn trách cứ cụ thể một cá nhân nào. Không có một người nào ở Pháp hay ở một nước nào khác của châu Âu là người duy nhất chịu trách nhiệm về sự thất bại của quốc gia. Chính là hệ thống đã sai lầm, hệ thống các hội đồng khoa học đã sai lầm tại nước các ông cũng như tại nước tôi. Hệ thống đáp trả chính trị đã sai lầm trong hai nước của chúng ta.
Theo ông, nước Pháp đã sai lầm về những điều gì?
Agnès Buzyn (1962-)
Khi có tuyên bố về tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu ngày 30 tháng 1, tại sao bộ trưởng y tế [lúc đó là Agnès Buzyn] không gửi ngay một thông điệp cho Đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh nhờ giúp đỡ để hiểu điều gì đang xảy ra ở Vũ Hán, con virus này là gì, nó đáng lo ngại đến mức nào, có đáng làm ta bận lòng như các bài báo trên The Lancet đã nêu ra?
Lẽ ra, nếu đại sứ quán làm công việc của mình một cách nghiêm chỉnh thì họ sẽ thu thập trong vòng 48 tiếng đồng hồ các thông tin của văn phòng WHO ở Bắc Kinh, của Ủy ban y tế quốc gia của chính phủ Trung Quốc. Họ sẽ hiểu tính chất của mối đe dọa, sẽ lập tức chuyển thông tin về cho bộ y tế và cho Điện Élysée vào cuối tuần thứ nhất của tháng 2, thì chính phủ sẽ có được một ý niệm rất rõ ràng về mối nguy hiểm.
Nếu điều đó đã không xảy ra, thì đó là một sự thất bại thảm hại của chính phủ Pháp và người Pháp phải đòi hỏi tại sao chính phủ đã không bảo vệ gần 30.000 mạng sống đã bị mất đi, như chúng tôi đã mất 40.000 mạng người. Đó là những cái chết có thể tránh được. Lẽ ra những người ấy phải còn sống đến hôm nay.
Tại sao người dân không phẫn nộ hơn về vấn đề này? Tôi đã thấy các cuộc biểu tình của những người “áo vàng” trên đường phố Paris. Chúng đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh. Tại sao phong trào “áo vàng” không biểu tình trên đường phố để phản đối thất bại của chính phủ đã không bảo vệ được mạng sống của gần 30.000 công dân? Ai đòi hỏi tính sổ với chính phủ đây?
Chừng nào chưa có vắc xin sẵn cho mọi người, virus sẽ không tự nó bỏ đi. Chúng ta phải sống với nó trong một tương lai gần. Có rất nhiều khả năng nó sẽ trở lại mùa đông này dưới dạng một đợt thứ hai. Và có thể là khi ta nới lỏng cách ly thì lại có những bùng phát trở lại của đợt thứ nhất.
Như vậy, sẽ không bao giờ có một thời điểm thuận lợi để tiến hành các cuộc điều tra. Chúng ta cần một cuộc điều tra để chứng minh một cách rõ ràng vấn đề không phải là trách cứ các cá nhân, mà là hiểu được điều gì đã thất bại.
Một số người so sánh những gì đã xảy ra với Covid-19 trong một khoảng thời gian rất ngắn với vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra nhưng chúng ta không hành động. Ông thấy sự so sánh đó có xác đáng không?
Có hơi khác. Trong một trận đại dịch, chúng ta nói đến xác suất thấp của một biến cố với nguy cơ cao. Biến đổi khí hậu đang diễn ra, tạo nên một vấn đề khẩn cấp nếu chúng ta không hành động.
Tôi thiên về so sánh với việc bảo vệ chống động đất hơn. Nếu các vị sống ở Los Angeles hay San Francisco, người ta sẽ yêu cầu các vị chuẩn bị cho một biến cố chắc chắn sẽ xảy ra nhưng không biết lúc nào. Rất khó xây dựng kế hoạch cho loại tình huống này.
Tại Anh Quốc, và tôi chắc tại Pháp cũng vậy, dịch cúm đứng đầu danh sách trong đánh giá quốc gia về những nguy cơ. Chúng ta biết là có dịch cúm theo mùa hàng năm, rằng dịch cúm năm 1919 là một thảm họa và ta cũng biết một ngày nào đó chúng ta sẽ phải đương đầu với một virus cúm hung dữ hơn nhiều cho dù không bằng virus của năm 1919. Và chúng ta chuẩn bị cho tình huống đó.
Chúng ta đã không chuẩn bị cho một điều gì đó kiểu virus SARS [Severe acute respiratory syndrome - Hội chứng hô hấp cấp tính nặng].
Đó là một sai lầm vì virus SARS của những năm 2002-2003 là nguyên mẫu của virus mà chúng ta có ngày nay. Chúng ta biết là trong hai mươi hoặc ba mươi năm trở lại đây, tần suất các loại nhiễm trùng lây lan từ động vật sang người đã gia tăng. Nguyên nhân đã được biết: đô thị hóa ồ ạt, nhà lụp xụp ở đô thị, chợ động vật trong thành phố, điều kiện vệ sinh tồi tệ…
Không phải tình cờ mà các virus này đến từ Trung Quốc. Quốc gia này đã trải qua một quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh nhất hành tinh. Chúng ta đã biết rằng chúng ta đang tạo những điều kiện ủ một đại dịch, nhưng không biết chính xác khi nào thì nó bùng phát ra. Chính là ở điểm này mà chúng ta đã phản bội đồng bào mình vì đã không chuẩn bị như cần phải làm.
Năm 2016, Anh Quốc đã làm một mô phỏng - bài tập mô phỏng Cygnus - nhằm đánh giá tác động của một đại dịch cúm, và nó đã chứng minh là chúng ta không sẵn sàng cho một đại dịch. Và ngày nay chúng ta lại gặp phải đại dịch mà chúng ta đã không được chuẩn bị để đối phó. Lại một trường hợp mới về sự thất bại của chính phủ và của y tế công cộng. Chúng ta đã biết là có một vấn đề nhưng chúng ta đã không giải quyết nó.
Tại Pháp đã có một kế hoạch đối phó với tình trạng đại dịch, nhưng dường như nó vẫn nằm trong ngăn tủ…
Chính xác. Nhưng không chỉ có những chính trị gia chịu trách nhiệm. Đất nước của các vị và đất nước của tôi may mắn có một số trong những nhà khoa học giỏi nhất thế giới. Viện Pasteur là một hệ thống cấp toàn cầu các cơ quan nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm. Vậy đâu là những tiếng nói của Viện Pasteur thúc đẩy chính phủ phải chuẩn bị đối phó với đại dịch, ngay từ tháng hai?
Phải đặt những câu hỏi này về các nhà khoa học, tại Anh Quốc cũng như tại Pháp, để hiểu tại sao giới tinh hoa khoa học không nhấn mạnh đến những tín hiệu lo lắng này.
Tại Pháp, giới tinh hoa khoa học này đôi khi bị chia rẽ khi nhận định về tầm quan trọng của mối đe dọa đại dịch, dù là khá trễ. Có thể những mâu thuẫn này làm cho nhiệm vụ của các chính trị gia thêm phức tạp khi họ muốn biết phải đối phó với điều gì?
Tôi hiểu điều đó. Nhưng điều tôi muốn nói là mọi sự đã rõ ràng vào cuối tháng 1. Vào tháng ba, nếu ai đó nói không có mối nguy hiểm tức thì về đại dịch thì họ tỏ rõ một sự bất tài đến độ khó tin. Vào tháng ba virus đã tàn phá miền Bắc nước Ý.
Tại Pháp, các hội đồng khoa học được thành lập để tư vấn cho chính phủ. Có thể có sự kết hợp chặt chẽ nào giữa khoa học và chính trị?
Jean-François Delfraissy (1948-)
Tôi có biết Jean-François Delfraissy, chủ tịch của một trong những hội đồng khoa học này. Các vị không thể có một nhà khoa học nào giỏi hơn ông ấy để tư vấn cho chính phủ.
Tôi không phê phán ông ấy. Trách nhiệm của hệ thống là hiểu chính xác điều gì đã xảy ra tại Trung Quốc từ tháng 1. Tôi không hiểu tại sao ngay lúc đó người ta đã không chỉ ra cho chính phủ là cần tiên liệu những phương tiện bảo vệ từng cá nhân, sẵn sàng xét nghiệm, theo dõi người nhiễm bệnh và cách ly, tránh tụ tập đông người, dự trù đóng cửa các trường học, để chuẩn bị đối phó với dịch bệnh. Và đó là sự thiếu sáng suốt. Hãy đọc lại các bài báo này của tháng 1: tất cả đều đã được nêu ra rồi. Và đã không có gì xảy ra. Chính phủ của các vị đã đáp ứng tốt hơn chính phủ của tôi. Ít ra là như vậy…
Một câu hỏi khác: Lúc đó Liên minh châu Âu ở đâu? Một trong những lý do thất bại của Anh Quốc là vấn đề Brexit, chủ nghĩa ngoại lệ, tâm tính cư dân đảo: một nhược điểm tâm lý cố hữu của nước Anh là niềm tin rằng mình tài giỏi hơn tất cả những người khác. Thế rồi người ta đã chứng tỏ điều ngược lại trong cách quản lý đại dịch này.
Nhưng Liên minh châu Âu đã có một cơ hội để bảo đảm rằng các nước không những đã được chuẩn bị mà còn phối hợp với nhau nữa. Một trong những điều nổi bật là đã thấy 27 quốc gia có 27 chiến lược khác nhau.
Tại sao Liên minh châu Âu không triệu tập các quốc gia thành viên để thông tin cho nhau, cùng hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau một cách hài hòa hơn? Tôi biết rằng câu trả lời là y tế thuộc trách nhiệm của từng quốc gia. Nhưng bất cần! Đó là một đại dịch, một tình huống khẩn cấp, một sự đe dọa an ninh quốc gia! Lẽ ra Liên minh châu Âu phải tham gia tích cực hơn để đoàn kết các nước trong hoàn cảnh này.
Hãy nói về việc “The Lancet” đã rút lại vào ngày 4 tháng 6 một bài báo đã đăng ngày 22 tháng 5[*]. Chuyện gì đã xảy ra?
Mandeep Mehra (1967-)
Sapan Desai (1979-)
Dường như đó là một sự gian lận khổng lồ của Sapan Desai, người sáng lập công ty Surgisphere. Hiện nay đang có một cuộc điều tra bởi bệnh viện Brigham and Women’s Hospital (Boston), nơi làm việc của Mandeep Mehra, tác giả chính của bài báo, để hiểu chuyện gì đã xảy ra. Điều mà chúng tôi chắc chắn là không có dữ liệu được kiểm chứng hay được công nhận một cách độc lập để yểm trợ những điều mà bài báo nêu ra.
Không ai có thể nói những dữ liệu này có tồn tại hay không, ngoại trừ chính Sapan Desai, nhưng ông đã từ chối chia sẻ với Mandeep Mehra và các tác giả khác, và ông đã từ chối cung cấp cho những người đánh giá độc lập. Đến nỗi không ai biết được tình trạng chính xác của các dữ liệu này.
Sự việc này gợi ra một việc khác, khi vào năm 2006 “The Lancet” đã phải rút lui một bài báo của tác giả người Na Uy Jon Sudbo sau khi ông này thừa nhận là đã ngụy tạo dữ liệu. Ta có thể rút ra những bài học gì từ những trường hợp này?
Jon Sudbo (1961-)
Chúng tôi sẽ phải thận trọng hơn. Hiện tại, chúng tôi tin tưởng vào những điều mà tác giả các bài báo khoa học nêu ra. Nếu họ nói có một cơ sở dữ liệu và họ ký một tuyên bố xác nhận chúng là đáng tin cậy, chúng tôi tin họ, cũng như tin tưởng những người phản biện bên ngoài mà chúng tôi mời đánh giá các công trình của họ.
Rõ ràng là sẽ phải nâng cao độ nghi ngờ của chúng tôi đối với các cơ sở dữ liệu này để có nhiều hơn cơ may nhận diện được các trường hợp gian lận. Nhưng cần phải rõ ràng: đó là một sự mất mát đối với khoa học vốn dĩ dựa vào sự tin cậy. Khi mất lòng tin vì những người có dụng ý xấu nói dối, đó là điều tồi tệ cho mọi người.
Có thể hình dung việc đăng ký trước những dữ liệu này không, như trong các thử nghiệm lâm sàng?
Cũng có gian lận trong một số thử nghiệm lâm sàng: người ta bịa ra các bệnh nhân và dữ liệu, và người ta chỉ nhận ra sau khi công bố các kết quả…
Cách duy nhất để chắc chắn 100% không công bố các công trình gian lận sẽ là các biên tập viên và người phản biện phải đến tận nơi và xem xét từng yếu tố của dữ liệu làm cơ sở cho nghiên cứu được đăng trên tạp chí. Nhưng rõ ràng đó là một nhiệm vụ bất khả thi, lố bịch. Vậy thì ta không thể bỏ qua một phần nào đó của sự tin cậy, nếu không thì khoa học sẽ không vận hành được nữa.
Ta có thể hình dung có bên thứ ba đáng tin cậy sẽ kiểm chứng một phần các dữ liệu này, một cách ngẫu nhiên, như trong trường hợp công nghiệp dược, tạo một hiệu ứng ngăn cản, tương tự như sự kiểm tra đường bộ?
Các tạp chí khoa học không thể là cảnh sát của khoa học, đó không phải là vai trò của chúng tôi. Nhưng ta có thể tính tới việc phải chú ý hơn nếu xuất hiện một cơ sở dữ liệu mới, như trường hợp của dữ liệu Surgisphere. Chính Mandeep Mehra cũng không tiếp cận được dữ liệu.
Vậy từ nay chúng tôi sẽ yêu cầu các tác giả ký tuyên bố nói rõ là họ đã tiếp cận được dữ liệu và họ đã thực sự xem được chúng. Ta có thể có những yêu cầu chặt chẽ hơn đối với các tác giả.
Trong thể thao, việc sử dụng chất kích thích dường như luôn luôn đi trước sự kiểm soát khá lâu. Có điều gì tương tự trong hoạt động khoa học?
Điều đó rất đúng. Lần nào ta cũng cố gắng rút ra bài học, nhưng gian lận vẫn tiếp tục: khá dễ dàng đối với những người gian lận, chính xác vì hoạt động khoa học được xây dựng trên sự tin cậy. Nhưng tại sao hoạt động khoa học lại phải khác với các lĩnh vực khác của xã hội, ở đó những người có dụng ý xấu cũng được biết rõ.
Với Surgisphere, ta liên quan đến một người đã có thể nói dối với các đồng tác giả, trong một công bố trên New England Journal of Medicine, trên The Lancet và trên nhiều tạp chí khác. Thật không tin nỗi là ông ta đã lừa dối nhiều người vào nhiều dịp như thế. Điều đó không có nghĩa là khoa học đã sai lầm, nhưng hệ thống trong đó nó được xây dựng có thể dễ dàng bị đảo lộn.
Nhưng có vì những dịp hiếm hoi mà điều ấy xảy ra mà ta phải thay đổi toàn bộ hệ thống? Một thành ngữ Anh nói rằng “bad cases make bad law - những trường hợp xấu làm nên những luật tồi. Đây là một trường hợp cực đoan, ta cần rút ra bài học, nhưng không có nghĩa là phải lập một hệ thống hành chánh quan liêu cồng kềnh dựa trên ý tưởng là mỗi bài báo đều có thể là đối tượng của một sự gian lận.
Có thể là có sự thúc giục từ phía những người “phản biện” bằng cách công bố đánh giá của họ để làm tăng thêm ý thức trách nhiệm của họ? Vì trong trường hợp cụ thể này, không cần thời gian lâu để những người quan sát bên ngoài các tạp chí thấy có gì đó khập khiễng trong các kết quả…
Đúng vậy. Chúng tôi dự định đặt một câu hỏi rất thẳng cho những người phản biện: có phải các vị nghĩ có vấn đề liêm chính khoa học trong bài báo này? Có khả năng gian lận không, dù rất nhỏ? Điều đó sẽ tập trung sự chú ý của họ về vấn đề này như họ chưa từng làm. Một trong những bài học là ta không thể ngay lập tức tin vào các cơ sở dữ liệu. Trong tương lai, nếu ta liên quan đến một cơ sở dữ liệu mà ta chưa hề nghe nói đến, thì cần phải thận trọng, và có thể yêu cầu - trong tình cảnh này - những người phản biện tiếp cận với những dữ liệu thô.
Nhu cầu công bố khẩn cấp trong thời đại dịch có làm ông hạ thấp sự giám sát?
Không, điều này cũng có thể xảy ra kể cả ngoài Covid-19. Nếu ai đó quyết tâm đánh lừa công chúng, ta không thể làm gì được. Nhân vật này đã cố đánh lừa các đồng nghiệp, cơ quan, báo chí và cuối cùng là công chúng. Ông ta đã thử và đã thất bại.
Một vài quan sát viên cho rằng những dữ liệu của Sapan Desai có thể hiện hữu, có thể đã được chuyển vào tư liệu điện tử của các bệnh viện mà các cấp lãnh đạo không biết. Ông có nghĩ là trường hợp này?
Thành thật mà nói, tôi không biết gì cả. Điều mà Mandeep Mehra nói với tôi là khi những người đánh giá độc lập yêu cầu Sapan Desai chuyển cho họ các dữ liệu, họ đã có một cuộc thảo luận qua Zoom, và ông ta chỉ cho họ thấy màn hình máy tính của ông. Như vậy, theo tôi biết, không ai thấy các dữ liệu của Surgisphere.
Ta có thể nghĩ rằng các đồng tác giả đã cùng làm việc với ông ta về các dữ liệu, nhưng không phải là trường hợp này. Khi Mandeep Mehra hỏi các dữ liệu, Sapan Desai cung cấp các bảng tổng hợp, nhưng không bao giờ đưa dữ liệu thô. Tôi không biết tỷ lệ ngụy tạo các dữ liệu này là bao nhiêu, nhưng chắc cũng khá đủ để ông ta không muốn chia sẻ với các đồng tác giả.
Sự kiện này có phải là lý do thuận lợi cho những người bênh vực cho một hệ thống công bố thử, tạo điều kiện cho một sự bình duyệt công khai?
Trong trường hợp đặc biệt này, một bản in thử có thể giúp phát hiện gian lận - tôi có thể hình dung như vậy. Nhưng một trong những mối nguy của những bản in thử là chúng có thể thu hút nhiều sự chú ý trước khi chúng được đọc lại.
Chúng tôi đã ký một tuyên bố do Wellcome Trust phát ra, thừa nhận rằng trong giai đoạn đại dịch các tác giả có thể mong muốn trình bày các kết quả của họ cho công chúng nhanh chóng hơn thường lệ, và họ chọn công bố thử, điều này không gây tổn hại đến cơ hội chúng được công bố trên một tạp chí. Tôi ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng in thử, trên lý thuyết. Nhưng cũng có những vấn đề với việc in thử: một vài bản đã tạo cớ cho việc phô bày những lý thuyết âm mưu về nguồn gốc của virus corona chủng mới, và người ta đã phải rút chúng lại… Những bản in thử cũng có thể đánh lừa. Chúng có vị trí của chúng, nhưng không phải là giải pháp cho những vấn đề này.
Để trở lại với vấn đề sự tin cậy mà ông đã đề cập đến, với vai trò trung tâm của nó trong tiến trình khoa học, liệu công chúng có thấy lòng tin của họ đối với khoa học bị xói mòn bởi cuộc khủng hoảng này? Công chúng phát hiện ra rằng chân lý y học rất mong manh. Điều đó tốt hay xấu?
Tôi nghĩ là tốt nếu công chúng hiểu rằng khoa học không sản sinh ra những chân lý. Điều nó làm là hướng tới chân lý mà nó không bao giờ đạt được trọn vẹn. Điều này có nghĩa là luôn luôn có chỗ cho sai lầm, cho điều không chắc chắn và sự hoài nghi.
Thật không hay khi các chính trị gia nói đã cùng phối hợp với khoa học để ra quyết định. Điều này tuyệt đối không có nghĩa gì cả. Các vị nói về khoa học nào? Chứng cớ nào, sự không chắc chắn nào, các vị tin chắc các kết quả đến mức nào? “Khoa học” trong nghĩa đó là một sáng tạo của các chính trị gia để tự vệ trước những lời phê bình. Vậy chúng ta phải giải thích một điều như vậy, “chân lý” hay “khoa học” không tồn tại. Chỉ có các xác suất, và các khả năng xảy ra.
Nếu Covid-19 phá tan ảo tưởng là khoa học cung cấp chân lý, đó là một điều tốt. Nhưng - một chữ nhưng lớn - điều đó không được tạo ra sự mất lòng tin vào khoa học. Mà là ngược lại: chỉ ra thực tế khoa học là gì, cho thấy sự khiêm nhường của nó, điều đó sẽ tăng cường lòng tin mà công chúng cần có đối với khoa học.
Điều mà chúng tôi làm một cách khiêm tốn là làm hết sức mình trong những hoàn cảnh khó khăn. Nếu chúng tôi kể ra, tôi nghĩ là công chúng sẽ tin chúng tôi. Nếu chúng tôi đưa ra những lời hứa không có cơ sở, điều dễ hiểu là công chúng sẽ không tin chúng tôi. Cuộc khủng hoảng này là một cơ hội để cộng đồng khoa học viết lại khế ước giữa khoa học và xã hội. Điều này rất quan trọng. Và đây là lúc làm điều đó.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư




Chú thích:

[*] Hydroxychloroquine or chloroquine with or without a macrolide for treatment of COVID-19: a multinational
registry analysis


Mandeep R Mehra, Sapan S Desai, Frank Ruschitzka, Amit N Patel

Print Friendly and PDF