30.7.21

Mong muốn tính xác thực làm chúng ta nghi ngờ các diễn ngôn thể chế

“MONG MUỐN TÍNH XÁC THỰC LÀM CHÚNG TA NGHI NGỜ CÁC DIỄN NGÔN THỂ CHẾ”

Etienne Klein[*]

Etienne Klein (1958-)

Ông đã nói đến tầm quan trọng của việc phổ biến khoa học đúng đắn trong đại dịch. Có phải chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội này?

Étienne Klein. Trong một nghĩa nào đó, đúng vậy. Trong đại dịch, chúng ta đã nghe rất nhiều nhà khoa học, nhưng chúng ta đã không nghe được khoa học. Chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội lịch sử để thực hành phương pháp sư phạm khoa học cho số đông nhất. Ta đã có thể nêu ra, qua từng ngày một, các nhà nghiên cứu làm việc như thế nào, họ đấu tranh chống lại những thiên kiến, nêu ra những quy trình, những sai lầm, những thành công của họ. Lẽ ra, ta cũng đã có thể dành thời gian để làm rõ một vài khái niệm quan trọng: thế nào là một “thử nghiệm mù đôi” (essai en double aveugle)[1], một phân tích thống kê, một hàm số mũ? Tại sao phải học phân biệt tương quan và quan hệ nhân quả? Than ôi, thay vì làm việc ấy, ta lại thích tổ chức những cuộc tranh luận giữa các nhân vật quan trọng.

Trong một thời gian dài nhiều tháng, ta đã lẫn lộn giữa khoa học và nghiên cứu, thế nhưng đây là hai điều khác nhau, cho dù chúng không phải xa lạ đối với nhau. Một nhà khoa học là một người có thể nói: chúng tôi biết rằng và chúng tôi tự hỏi là. Nửa phần đầu của câu này chỉ khoa học, nửa phần sau chỉ nghiên cứu. Các khoa học đại diện cho những kho ngữ liệu về tri thức được thử nghiệm một cách chính thức và không có vấn đề phản bác lại - cho đến khi có lệnh mới! -: Trái Đất là tròn chứ không phẳng, nguyên tử chắc chắn có tồn tại, vũ trụ quan sát được ngày càng giãn nở, v.v.. Nhưng những tri thức này, do tính không hoàn chỉnh của chúng, đặt ra những câu hỏi mà các nhà khoa học (và bất kỳ ai) chưa biết được câu trả lời.

Trả lời những câu hỏi như vậy chính là mục đích của nghiên cứu. Về căn bản, nghiên cứu có liên quan với hoài nghi, trong khi các khoa học được tạo nên bởi những kiến thức đã đạt được, khó phản bác nếu không có những lập luận vô cùng vững chắc. Nhưng khi không làm sự phân biệt này, hình ảnh các khoa học, bị lẫn lộn một cách quá đáng với nghiên cứu, bị rối ren và bị hủy hoại: các khoa học tạo cảm tưởng là một cuộc đấu đá thường trực giữa các chuyên gia không bao giờ đồng ý với nhau. Tất nhiên, từ bên ngoài, ta khó lòng theo dõi…

Ngày nay có chăng một sự ngờ vực của công chúng đối với khoa học?

Bernard William (1929-2003)

Đại dịch đã bộc lộ một điều gì đó đi trước nó: sự nghi ngờ một cách có hệ thống các diễn ngôn thể chế. Triết gia Bernard William đã quan sát trong các xã hội hậu hiên đại như xã hội của chúng ta hai luồng tư tưởng vừa mâu thuẫn vừa kết hợp với nhau. Một mặt là sự gắn bó mãnh liệt với tính xác thực: bằng chứng là mối bận tâm không để cho bị lừa, quyết tâm phá vỡ những vẻ bên ngoài để dò tìm những động cơ có thể có được che giấu đằng sau các diễn ngôn chính thức. Và bên cạnh sự từ khước – hoàn toàn chính đáng – bị lừa này, lại là một sự nghi ngờ cũng lớn như vậy đối với chính sự thậtsự thật có thực sự tồn tại không?”, ta tự hỏi như vậy. Nếu có, thì nó sẽ như thế nào nếu khác với tính tương đối, chủ quan, tạm thời, cục bộ, bị công cụ hóa, có tính văn hóa, phường hội, tùy theo bối cảnh, giả tạo?

Thật lạ lùng là hai thái độ đối chọi nhau này, theo thuần logic thì phải loại trừ lẫn nhau, trong thực tế lại tỏ ra hoàn toàn tương thích. Chúng còn gắn với nhau một cách cơ học: mong muốn tính xác thực tạo ra trong xã hội một tiến trình phê phán lan rộng, tiến trình này khiến người ta nghi ngờ rằng có thể tồn tại, nếu không phải là những sự thật có thể tiếp cận được, thì ít ra là những điều phản sự thật được chứng minh. Tất cả những điều đó làm suy yếu sự tin cậy đối với tiếng nói của các nhà khoa học và tất cả các hình thức diễn ngôn thể chế.

Cho phép tôi nói về một giai thoại cá nhân. Khi tôi giải thích những hiện tượng vật lý căn bản như hạt Higgs, không ai nghi ngờ rằng việc tôi thuộc CEA có thể xác định bài diễn văn của tôi. Nhưng nếu tôi nói về phóng xạ, người ta sẽ nghĩ là những lời nói của tôi một cách nào đó đang phục vụ cho lợi ích nào đó của CEA…

Nhưng làm sao có thể đánh dấu sự khác nhau giữa điều mà ta biết và điều mà ta không biết?

David Dunning (1950-)
Justin Kruger

Ranh giới giữa hai điều ấy biến chuyển theo thời gian. Ta đã thấy phô bày ra động thái điển hình của hiệu ứng mang tên “Dunning-Kruger”. Đó là một thiên kiến nhận thức đã được nhận diện từ rất lâu và đã được nghiên cứu thực nghiệm vào năm 1999 bởi hai nhà tâm lý học Mỹ, David Dunning và Justin Kruger. Hiệu ứng này được khẳng định thành một nghịch lý kép: một mặt, để đo lường sự kém cõi của mình, cần phải… có năng lực; mặt khác, sự dốt nát làm ta tự tin vào mình hơn là tri thức. Quả thực chỉ bằng cách đào sâu một vấn đề, tìm hiểu, tra vấn về nó mà người ta phát hiện ra nó phức tạp hơn sự phỏng đoán của chúng ta.

Thế là ta mất đi sự tự tin, để lấy lại nó dần dần khi ta trở nên có năng lực – nhưng từ nay sẽ nhuốm màu thận trọng. Trong đại dịch, chúng ta đã thấy phô bày ra theo thời gian thực những giai đoạn khác nhau của hiệu ứng này: cùng lúc chúng ta được thông tin, điều tra, cuối cùng chúng ta đã hiểu rằng sự việc phức tạp hơn điều ta đã phỏng đoán. Ngày nay, tôi có cảm tưởng rằng (hầu hết) mọi người đã hiểu rằng đại dịch này là một sự việc cực kỳ phức tạp. Tức thì, sự kiêu ngạo có phần suy giảm so với vài tháng trước đó, trừ trong các mạng lưới được đặc biệt định ra để cứu giúp sự kiêu ngạo này.

Hiệu ứng Dunning-Kruger

Các mạng xã hội có chịu trách nhiệm không?

Có môt phần, vì nhờ mạng xã hội, mỗi người trong chúng ta từ nay có thể lựa chọn những thông tin cho mình và cuối cùng là những “sự thật” của mình. Kỹ thuật số còn cho phép sự xuất hiện của một thân phận mới của cá nhân thời nay: ngay khi họ được kết nối, họ có thể nhào nặn sự tiếp cận thế giới của riêng họ thông qua điện thoại thông minh, và đến lượt họ, họ bị nhào nặn bởi những nội dung mà họ thường xuyên nhận được từ các mạng xã hội.

Alexis de Tocqueville (1805-1859)

Như vậy, họ xây dựng một dạng thế giới được thiết kế theo ý mình, một dạng “ngôi nhà riêng về hệ tư tưởng”, bằng cách lựa chọn những cộng đồng kỹ thuật số phù hợp với họ nhất. Như vậy hình thành cái mà Tocqueville đã gọi là những “xã hội nhỏ” có những niềm tin và ý tưởng rất thuần nhất, mỗi xã hội bảo vệ lập trường của mình. Trong thế giới đó, có thể chúng ta không bao giờ phải đối mặt với mâu thuẫn, vì chúng ta sẽ chỉ gặp những thiên kiến xác định… Và thế là chúng ta nhanh chóng tuyên bố những ý tưởng mà chúng ta yêu thích là sự thật đồng thời tự cho là… yêu thích sự thật.

Trong tường hợp này, những cuộc “thảo luận khoa học” truyền thông phải được tránh xa, để khỏi kết nạp một diễn giải sai về những sự việc?

Tôi đã luôn luôn bảo vệ ý tưởng rằng các nhà khoa học phải phát biểu công khai trước công chúng vì tôi đã luôn nghĩ rằng có một mối giây liên hệ giữa nền cộng hòa và tri thức: trong một nền cộng hòa xứng đáng với tên gọi này, những tri thức, nhất là tri thức khoa học, phải được lưu thông không trở ngại. Vậy đúng hơn câu hỏi mà tôi sẽ đặt ra là: “Những phương tiện truyền thông như chúng đang được định hình hiện nay có thích hợp với việc phổ biến tri thức khoa học không?” Đối với tôi, những điều gọi là “thảo luận” có vẻ không phải là những công cụ tốt. Có lẽ phải sáng tạo những hình thức hội thảo mới, chúng dành thời gian cho tranh luận, giải thích bằng cách nào ta đi đến chỗ biết những điều ta biết. Nhưng việc ấy đòi hỏi thời gian mà truyền thông không dành cho…

Khi tôi còn trẻ, tôi đã nghĩ rằng một khi chúng ta đã giải thích điều gì một cách rõ ràng thì ta đã hoàn thành công việc. Nhưng không! Vì có rất nhiều thiên kiến nhận thức tham gia vào, chúng điều chỉnh và bóp méo những thông điệp được phát ra. Vậy là rất phức tạp. Tôi đã dấn thân vào sự quảng bá cách đây gần ba mươi năm, và lúc đó tôi không biết lĩnh vực ngổn ngang công việc này rộng đến thế!

Phải tìm cách đem trở lại uy tín cho tiếng nói của khoa học (bạn sẽ nhận thấy là tôi muốn nói đến uy tín hơn là sự tin cậy). Chắc hẳn điều này sẽ bắt đầu bằng cách quay về dùng từ chúng ta thay vì tôi: thực vậy, khi nói đến truyền đạt tri thức, tôi muốn một nhà nghiên cứu phát biểu nhân danh cộng đồng mà ông thuộc về hơn là với tư cách cá nhân. Bởi vì khoa học thực sự là một cuộc phiêu lưu tập thể. Và sau đó cộng đồng khoa học phải làm việc để tạo ra những phương thức mới về truyền đạt tri thức.

James Bowers ghi lại

Về Etienne Klein

Triết gia các khoa học và giám đốc nghiên cứu ngành vật lý ở CEA.

Etienne Klein lãnh đạo Laboratoire de Recherche sur les Sciences de la Matière du CEA (Phòng thí nghiệm nghiên cứu về các khoa học vật liệu ở CEA) và là thành viên của Académie des Technologies (Viện Hàn lâm các Công nghệ). Ông quan tâm đến vấn đề thời gian và những chủ đề khác giao nhau giữa vật lý và triết học. Ông là giáo sư tại Ecole CentraleSupélec. Ông cũng điều hành mỗi thứ bảy trên đài France-Culture chương trình “La conversation scientifique” (Đàm thoại khoa học) và gần đây đã xuất bản tác phẩm: “Idées de génies” cùng với Gautier Depambour, Nhà xuất bản Champ-Flammarion, 2021; “Psychisme ascensionnel”, Nhà xuất bản Artaud, 2020 và “Le Goût du vrai”, Nhà xuất bản Gallimard, coll. Tracts, 2020.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Le désir de véracité nous nous porte à soupVonner les discours institutionnels”, Polytechnique Insights, 7.6.2021.




Chú thích:

[*] Triết gia các khoa học và giám đốc nghiên cứu ngành vật lý ở CEA (Commissariat à l’énergie atomique et aux énergies alternatives - Ủy ban Năng lượng nguyên tử và Năng lượng thay thế Pháp)

Print Friendly and PDF