1.7.21

Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc: khi Tập Cận Bình viết lại lịch sử

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC: KHI TẬP CẬN BÌNH VIẾT LẠI LỊCH SỬ

Alex Payette

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn đánh bóng lại hình ảnh thời Mao-ít từ năm 1949 đến năm 1976. (Nguồn: Foreign Affairs)

Cách mạng Văn hóa? Một “kinh nghiệm quý báu”. Thời kỳ Mao-ít từ năm 1949 đến năm 1976? 27 năm thành tựu to lớn, với những thành quả ấn tượng”. Đó là những yếu tố mới trong ngôn từ của Tập Cận Bình và những người thân cận ông để viết lại lịch sử Đảng. Đối với sự kiện kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập ĐCSTQ, cần trở về cội nguồn, dù phải quay lưng lại với cách nhìn của Đặng Tiểu Bình. Và làm như thể Trung Quốc sống biệt lập với thế giới.        

Vương Hỗ Ninh (1955-)

Tháng 6 luôn là một thời kỳ nhạy cảm đối với Đảng[1]. Chưa đầy ba tuần nữa sẽ là lễ kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập Đảng, người ta cảm thấy được áp lực. Bằng chứng là lời kêu gọi của Tập Cận Bình vào ngày 1 tháng 6, đưa ra hình ảnh một nước Trung Quốc thân thiện và đáng kính. Điều đó nói lên rất nhiều điều về bầu không khí chung: Đảng phải thay đổi diễn ngôn để thể hiện một bộ mặt đẹp đẽ vào tháng Bảy. Liệu đây có phải là tuyên bố về một sự chuyển hướng thực sự sau hơn 4 năm thực thi chính sách ngoại giao hung hăng? Có cơ sở để nghi ngờ điều đó. Hơn nữa, một khi bộ máy Đảng-Nhà nước đã phát động thì khó có thể ngăn được. Từ quan điểm Mao-ít thuần túy, sự thay đổi giọng điệu này giống như một kiểu chiến tranh du kích tu từ học: thay đổi mạnh diễn ngôn để khiến thế giới bên ngoài phản ứng và làm cho nó bất ổn. Mặt khác, xin lưu ý rằng Tập đã trực tiếp gửi đi thông điệp cho cả thế giới bên ngoài lẫn các cán bộ Đảng trong một cuộc họp của Bộ Chính trị: điều đó giống như một nỗ lực nhằm tránh ảnh hưởng của Vương Hỗ Ninh [Wang Huning], nhà tư tưởng của Đảng, trong nội bộ bộ máy tuyên giáo.

Tôn Nghiệp Lễ (1964-)
Hoàng Nhất Binh (1968-)

Thông điệp của Tập đến như một luồng gió mới. Ở hậu trường, những người đứng đầu các viện nghiên cứu của Đảng[2] được thay thế bằng những cán bộ chuyên gia về tư tưởng của nhân vật số một Trung Quốc. Ví dụ, với việc Tôn Nghiệp Lễ (Sun Yeli/ ) tại Ban Tuyên giáo và Hoàng Nhất Binh (Huang Yibing/黄一兵), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn học Đảng. Tập tìm cách bố trí những cán bộ, như Hoàng Nhất Binh, vốn là những người đã nghiên cứu về các tác phẩm của ông: Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội với đặc điểm Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”, Bộ máy Quản trị của Trung Quốc, Tập Cận Bình thúc đẩy việc kiến tạo một cộng đồng chia sẻ tương lai vì tương lai của nhân loại[3], hoặc là những người phát triển bộ sách mới về lịch sử Đảng[4] nhằm củng cố tính chính thống về hệ tư tưởng trong nội bộ ĐCSTQ.

Từ lâu, Tập đã nỗ lực thống nhất lại Đảng xoay quanh một phiên bản mới về lịch sử Đảng của ông, xoay quanh một diễn ngôn gần hơn với cách hiểu của ông về lịch sử Đảng, nhằm gạt bỏ những diễn giải cạnh tranh khác. Nhưng tại sao lại là lúc này? Trên thực tế, có khá nhiều điều bất nhất và lộn xộn xung quanh lịch sử Đảng – có thể do “sự xâm nhập của các tư tưởng ngoại lai” và của “chủ nghĩa hư vô lịch sử”. Trên vấn đề này, không nên quên bài bình luận của Tập được đăng trên tạp chí của Đảng, Qiushi (Đi tìm sự thật), vào ngày 19 tháng 4 vừa qua, với tiêu đề “Có một lập trường rõ ràng chống lại chủ nghĩa hư vô lịch sử”[5]. Nói cách khác, tránh hiểu lịch sử Đảng khác với cách hiểu dựa vào một cách nhìn chính thức.

Ôn Gia Bảo (1942-)

Hơn nữa, và đây cũng là điều khiến Tập khó chịu, có một số người tham chiếu lịch sử Đảng để đôi khi chỉ trích chính quyền đương nhiệm. Ví dụ điển hình gần đây nhất chắc chắn là bức thư của Ôn Gia Bảo gửi cho mẹ ông ấy, được đăng ở Ma Cao. Cựu Thủ tướng đã chỉ trích, một cách nặng nề, những hành động tàn nhẫn mà bố ông phải gánh chịu trong cuộc Cách mạng Văn hóa, được coi là một lời chỉ trích gián tiếp đối với “sự chuyển hướng sang cánh tả” do Tập thực hiện. Tuy nhiên, sự chuyển hướng này, muốn được coi như một nỗ lực giải cứu Đảng khỏi di sản của Đặng Tiểu Bình, là đặc trưng cho thời kỳ làm chủ tịch nước của nhân vật số một Trung Quốc, ngay từ nhiệm kỳ đầu. Theo nghĩa này, việc chỉ trích cuộc Cách mạng Văn hóa là một cách để chỉ trích Tập, điều mà tổng bí thư Đảng không thể chấp nhận.[6]

Trong diễn văn được đăng ngày 31 tháng 3 trên tạp chí Cầu Thị (Qiushi), Tập Cận Bình kêu gọi cần phải cảnh giác với các “xu thế xấu” khi nghiên cứu lịch sử Đảng. Thật vậy, một số đoạn có thể đã bị phóng đại và một số người có thể cố sử dụng điều đó như một vũ khí để bôi nhọ Đảng hoặc thậm chí xuyên tạc lịch sử Đảng. Tất nhiên, không cần nói ra một cách rõ ràng, Tập có vẻ như đang ám chỉ, ở đây là chính sách “Đại nhảy vọt” cũng như cuộc Cách mạng Văn hóa. Tập đã viết, chúng ta cần có “một sự hiểu biết đúng đắn và đánh giá khoa học về các sự kiện quan trọng, các cuộc họp và các nhân vật quan trọng của Đảng”[7]. Tất cả điều đó càng trở nên cấp bách hơn khi gần đến ngày kỷ niệm một trăm năm thành lập Đảng, vốn phải có một tầm nhìn chặt chẽ và thống nhất về quá khứ của Đảng, trong mắt của tổng bí thư.    

Đó là lý do tại sao, theo Tập, cần phải thiết lập lại quyền kiểm soát các luồng tư tưởng, lịch sử và học thuyết chính thức để thống nhất tư tưởng và hiểu biết về các sự kiện[8]. Logic của Đảng là việc thống nhất hệ tư tưởng sẽ hạn chế sự bất đồng chính kiến, trong khi vẫn củng cố được ban lãnh đạo hiện tại. Tuy nhiên, mỗi lần xem xét lại như thế sẽ làm suy yếu các nền tảng của Đảng, bởi vì cứ mỗi lần như thế điều đó sẽ dẫn đến sự xa rời một chút thực tế các sự kiện. Thế mà, việc không được phép xem xét kỹ lưỡng lịch sử Đảng – thì điều đó thậm chí có thể bị coi là phỉ báng.

tác phẩm “LƯỢC SỬ ĐẢNG”

Trang Vinh Văn (1961-)

Tập mới của cuốn Lược sử Đảng, xuất bản vào đầu năm 2021, không chỉ ôn lại di sản của nhiều nhà lãnh đạo khác nhau, mà còn của nhiều thời kỳ khác nhau. Như vậy, cuộc Cách mạng Văn hóa không còn được coi là “thập kỷ tai hoạ” (十年浩劫), mà, theo cách diễn đạt của Trang Vinh Văn (Zhuang Rongwen, 庄荣文) giám đốc điều hành Ban Tuyên giáo trung ương và cộng sự của Tập ở Phúc Kiến, thời kỳ đó phải được hiểu là một “kinh nghiệm quý báu” (宝贵经验). Vào đầu tháng 5, Trang đã tổ chức các lớp học về lịch sử Đảng để quảng bá cho phiên bản mới của sự kiện này. Theo ông, giai đoạn Mao-ít 1949-1976, là “27 năm thành tựu to lớn, với những thành quả ấn tượng”[9]. Điều thú vị là cần xem mức độ đánh đồng giữa “kinh nghiệm” và “bài học [kinh nghiệm]” trong diễn ngôn chính thức, khi nói về thời kỳ 1949-1976, và đặc biệt về cuộc Cách mạng Văn hóa.

Điều tương tự cũng diễn ra trong văn bản hướng dẫn của Văn phòng Tổng vụ Trung ương, liên quan đến “Bốn bài giảng”: lịch sử Đảng, nước Trung Quốc mới, cải cách và mở cửa, cũng như sự phát triển chủ nghĩa xã hội. Các bài giảng này phải được truyền tải rộng rãi, đặc biệt là cho giới trẻ, để tránh “chủ nghĩa hư vô lịch sử”.

Ý tưởng ở đây là việc xem xét lại lịch sử Đảng, đặc biệt trong thời kỳ 1949-1976, được trình bày dưới một góc độ mới, để chuẩn bị cho việc bước vào thời đại hậu Đặng Tiểu Bình. Chính Tập đã nói về điều đó như sau: cần phải sẵn sàng “nắm bắt giai đoạn phát triển mới này, triển khai quan niệm phát triển mới và xây dựng một mô hình phát triển mới[10]. Và sự phát triển đó, trước hết, cần bắt đầu bằng việc xem xét lại lịch sử Đảng để có thể tô vẽ một bộ mặt mới của Đảng vào tháng 7, và để có thể giới thiệu những thành tích của Đảng cho người dân (và cho thế giới) biết, trong khi vẫn tiếp tục củng cố vị thế của Đảng trong 100 năm nữa.

MỘT CƠ HỘI CHIẾN LƯỢC?

Trong một bài báo đăng trên trên tạp chí Cầu Thị (Qiushi) ngày 30 tháng 4, Tập nói về những cơ hội và thách thức chưa từng có trước đây. Trên hết, ông ca ngợi “thuật lãnh đạo của Trung Quốc”, mà trong mắt ông, là vượt trội so với thuật lãnh đạo của các nước khác, trong việc quản lý được đại dịch [Covid]. Theo một số người, Tập Cận Bình nhìn thấy được một cơ hội cần nắm bắt, trong tình trạng hỗn độn của thế giới ngoài nước Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khi các nền dân chủ lớn vẫn đang đứng vững và đang trên đường phục hồi, thì rất khó để nhìn thấy cơ hội đó nằm ở đâu. Có thể cơ hội đó không liên quan gì với tình hình các mối quan hệ quốc tế hiện nay, đặc biệt khi ai cũng biết Đảng [Cộng sản Trung Quốc] không hề có ý định – cũng như năng lực – để, theo chúng tôi, phân xử những vấn đề giữa các Nhà nước hoặc chủ động trong việc xây dựng một cấu trúc quản trị công bằng.      

Thay vào đó, cơ hội đối với Đảng là làm sạch lịch sử của họ – trong khi vẫn tiếp tục nói về cuộc Cách mạng Văn hóa – với hy vọng một ngày nào đó có thể vinh danh thời kỳ này. Nhưng bất chấp cơ hội kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập Đảng, đặc biệt về mặt hình ảnh, việc quay trở lại cuộc Cách mạng Văn hóa vẫn là điều chưa chắc, căn cứ vào tính đa dạng của xã hội Trung Quốc ngày nay. Thực vậy, việc định nghĩa lại bản chất cuộc Cách mạng Văn hóa để đánh bóng lại hình ảnh Đảng đòi hỏi trước tiên phải từ bỏ di sản của Đặng. Một lựa chọn như thế sẽ không hề dễ: Đảng Cách mạng đã trở thành đảng cầm quyền dưới thời của Đặng, chưa kể đến sự phát triển kinh tế và những quyền lợi khổng lồ mang lại cho xã hội. Do đó, việc xem xét lại lịch sử Đảng bằng cách định nghĩa lại, theo hướng tích cực, cuộc Cách mạng Văn hóa là mâu thuẫn với những thành tựu hiện tại của Đảng, những thành tựu sẽ nằm trong chương trình nghị sự của sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng vào tháng Bảy.

YÊU NƯỚC VÀ YÊU ĐẢNG

Nếu xem xét kỹ hơn, Đảng đang cố kích thích chủ nghĩa yêu nước, tức tình yêu tổ quốc, để chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập Đảng. Tuy nhiên, ngay từ năm 1949, yêu tổ quốc, về thực chất, có nghĩa là yêu Đảng (爱党). Việc giáo dục lòng yêu nước, vốn từ thời đó không tách rời hệ tư tưởng của Đảng, nhằm mục đích quảng bá cho ĐCSTQ, cũng như cho “nền giáo dục đỏ” (红色教育). Và điều gì tốt hơn đối với “nền giáo dục đỏ” nếu không nói đến những thành tựu của cuộc Cách mạng Văn hóa? Chẳng phải thời kỳ đó (1966-1976), thời kỳ của nền giáo dục đỏ – thậm chí là đỏ tươi – là quá xuất sắc hay sao? Tuy nhiên, chỉ việc “giáo dục đỏ” thôi là chưa đủ.

Tháng 4 năm ngoái, Bộ giáo dục đã ban hành một chỉ thị cấm những tác phẩm được coi là có vấn đề trong khuôn viên nhà trường. Việc cấm đoán này, ban đầu được giới thiệu như là một loạt các “biện pháp hành chánh trong việc tiếp cận các tài liệu ngoại khóa đối với học sinh tiểu học và trung học”, đã làm rõ một “danh sách 12 mặt trái” (12负面清单) không được khuyến khích hoặc lựa chọn bởi học viên. Ngoài ra, các cán bộ và nhân viên nhà trường phải phân loại sách để tránh bị trừng phạt. Mục tiêu, tương tự như cuốn sách mới về lịch sử Đảng, là thiết lập một bức tường lửa để “bảo vệ” học sinh tiểu học và trung học khỏi ảnh hưởng các tư tưởng từ nước ngoài. Và đợt sách đầu tiên bị rút khỏi các kệ sách là những cuốn sách có nội dung “phỉ báng” nhiều nhất về lịch sử Đảng. Theo đó, bất cứ điều gì không có lợi cho lòng tự hào dân tộc và sự ủng hộ dành cho Đảng đều có thể bị kiểm duyệt[11].

“giải ô nhiễM” TRƯỚC sự kiện kỷ niệm một trăm năm

Ngay từ khi được thành lập vào năm 1921, Đảng luôn biết vận dụng tư tưởng và giáo dục để củng cố vị thế của mình. Ngay từ cuối thời Mao, hệ tư tưởng, giáo dục, nhưng trên hết là việc kiểm soát thông tin, phần lớn đều nhằm mục đích phục vụ Đảng-Nhà nước trong việc duy trì sự ổn định quyền lực của họ. Trong những năm gần đây, Dữ liệu lớn [Big data] và công nghệ thông tin đã tham gia vào kho vũ khí được ĐCSTQ sử dụng để chống lại các luồng thông tin từ nước ngoài.    

Vấn đề đặt ra đối với Đảng là họ bị kẹt giữa nhu cầu mở cửa lĩnh vực giáo dục để tạo điều kiện thuận lợi cho sự sáng tạo đổi mới – đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ mới. Điều này có nghĩa là cần nới lỏng sự kìm kẹp chính trị trong lãnh vực nói trên. Mong muốn kiểm soát tất cả các lĩnh vực của ngành giáo dục – và do đó là hệ tư tưởng – là có lợi cho Đảng, nhưng lại cản trở sự phát triển các ý tưởng và từ đó sự sáng tạo đổi mới.

Như vậy, vị thế nhập nhằng này, vốn đã xảy ra trong một thời gian rồi, đã dẫn đến tình trạng thiếu chặt chẽ về mặt giáo dục, một lãnh vực ngày càng ít thuận lợi cho việc phát triển những ý tưởng mới. Những nỗ lực gần đây trong việc định nghĩa lại một số giai đoạn của lịch sử Đảng – đặc biệt là cuộc Cách mạng Văn hóa – và “kiểm duyệt” dần dần các luồng thông tin từ nước ngoài, trông giống như một cuộc đổi mới của “chiến dịch chống lại nạn ô nhiễm tư tưởng” do Đặng phát động vào năm 1983. Tuy nhiên, đừng quên những gì đã xảy ra trong chiến dịch đó: khi cố gắng kiểm soát tư tưởng quá mức, chính Đảng đã kích động sự bất bình của người dân, để rồi đã phải ngưng lại. Do đó, bất chấp tất cả những nỗ lực xem xét lại và diễn giải lại lịch sử Đảng, thì ngày nay việc đó không còn khả thi khi muốn loại bỏ tất cả những “lời tuyên truyền lố lăng, dã man, phản động và tự do” (xuất phát từ nước ngoài, tất nhiên) trong đời sống công cộng ở Trung Quốc.      

Chiến dịch “đổi mới tinh thần” – theo tinh thần của Đảng (党的精神) – là một phần trong lôgic “thời đại mới” của Tập Cận Bình. Một “kỷ nguyên mới” muốn quay trở lại cội nguồn của Đảng, trong khi nước Trung Quốc ngày nay, dù muốn hay không, là một phần của cấu trúc quốc tế và trên thực tế, đang chịu ảnh hưởng từ bên ngoài. Đảng, dù sắp tròn trăm năm tuổi, đáng lý phải biết rằng nếu tham lam quá đáng, thì chỉ làm hại mình mà thôi. Nhất là về mặt hệ tư tưởng.

Tác giả Alex Payette

Giới thiệu tác giả

Alex Payette

Alex Payette

Alex Payette (Phd) là đồng sáng lập và CEO của Tập đoàn Cercius, một công ty tư vấn về tình báo chiến lược và địa chính trị. Ông là cựu nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Nhân văn Canada (SSHRC). Ông có bằng tiến sĩ về chính trị học so sánh của Đại học Ottawa (2015). Các nghiên cứu của ông tập trung vào các chiến lược xây dựng sự vững chắc của Nhà nước-Đảng Trung Quốc. Cụ thể hơn, những công trình mới nhất của ông tập trung vào sự tiến hóa của các quá trình thể chế, cũng như vào sự tuyển chọn và đào tạo giới tinh hoa ở Trung Quốc thời đương đại. Các công trình này đã được đăng trên tạp chí Journal Canadien de Science Politique [Khoa học Chính trị Canada] (2013), tạp chí International Journal of Chinese Studies [Nghiên cứu Quốc tế về TQ] (2015/2016), tạp chí Journal of Contemporary Eastern Asia [Đông Á thời Đương đại] (2016), East Asia: An International Quarterly [Đông Á: Báo cáo quốc tế hàng quý] (2017), Issues and Studies [Các vấn đề và Nghiên cứu] (2011) cũng như Monde Chinois/Nouvelle Asie [Thế giới Trung Quốc/Châu Á mới] (2013/2015). Ông cũng đã đăng một bản chú thích nghiên cứu về ai là những ứng cử viên tiềm năng” cho Bộ Chính trị Trung Quốc vào năm 2017, bài dành cho IRIS [Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược] – mục Asia Focus #3.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: 100 ans du Parti communiste chinois: quand Xi Jinping réécrit l'histoire, Asialyst, ngày 12/06/2021.




Chú thích:

[1] Không chỉ đối với những sự kiện xảy ra trong tháng 6 năm 1989, mà còn những sự kiện xảy ra trong tháng 6 năm 1999.

[2] Ví dụ, Trung tâm Nghiên cứu Văn học Đảng (中共中央文献研究室/Phòng Nghiên cứu Trung ương Trung Cộng).

[3] 习近平论坚持和推动构建人类命运共同体 (Tập Cận Bình cho rằng phải kiên trì đẩy mạnh và xây dựng cộng đồng mang vận mệnh của nhân loại). Tôn Nghiệp Lễ đã tham gia biên tập tất cả các cuốn sách nêu trên, và cả các tuyển tập của Hồ Cẩm Đào và tác phẩm “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân.

[4] Tác phẩm “Lược sử Đảng Cộng sản Trung Quốc” (中国共产党简史).

[5] 旗帜鲜明反对历史虚无主义 (thể hiện rõ ràng quan điểm phản đối hư vô trong lịch sử).

[6] Hai ông [Tập và Ôn] cũng bất đồng về lịch sử cuộc chiến tranh Trung-Nhật 1937-1945. Theo Ôn Gia Bảo, sự kiện cầu Marco Polo vào tháng 7 năm 1937 đánh dấu sự khởi đầu của tám năm kháng chiến. Điều mà theo Tập Cận Bình là phiên bản chính quyền của Quốc dân Đảng (KMT). Từ quan điểm “cộng sản”, điểm khởi đầu là “sự kiện Phụng Thiên [Mukden]” ngày 18 tháng 9 năm 1931, trong cuộc xâm lược Mãn Châu của Nhật Bản.

[7] 正确认识和科学评价党史上的重大事件、重要会议、重要人物. (Đánh giá chuẩn xác và khoa học về lịch sử Đảng là một sự kiện mang tính trọng đại, là một hội nghị mang tính trọng yếu, gồm những nhân vật quan trọng.)

[8] 统一思想,统一认识 (thống nhất tư tưởng, thống nhất nhận thức).

[9] 取得了巨大成就的27年,取得的成就令人瞩目(Có được thành tựu cực lớn trong 27 năm, thành tựu khiến người khác phải chú ý.)

[10] 把握新发展阶段,贯彻新发展理念,构建新发展格局. (nắm chắc giai đoạn phát triển mới này, quán triệt lý tưởng phát triển mới và xây dựng bố cục phát triển mới.)

[11] Chưa kể đến số phận của những ấn phẩm có nội dung liên quan đến tôn giáo.

Print Friendly and PDF