24.7.21

Edgar Morin, một thế kỷ minh triết trong ba bài học

EDGAR MORIN, MỘT THẾ KỶ MINH TRIẾT TRONG BA BÀI HỌC

Tác giả: Ousama Bouiss[*]

Edgar Morin ở trụ sở UNESCO, ngày 2/7/2021. AFP

Một “con người”. Trước tiên Edgar Morin trả lời như vậy đối với câu hỏi tôi là ai?”. Một con người sẽ mừng thọ 100 tuổi ngày 8 tháng 7 năm 2021. Về phương diện cá nhân và lịch sử, đó là một cuộc đời phong phú, đầy mạo hiểm, đã trải qua những tình cảm yêu thương và cô đơn, các cuộc chiến tranh – ví dụ chiến tranh thế giới 1939 – 1945 mà ông đã tham gia Lực lượng Kháng chiến – những biến cố trọng đại của quốc gia – như những biến cố tháng năm 1968 – kể cả sự nổi lên của văn hóa đại chúng, hay gần đây là khủng hoảng Covid.

Sẽ rất khó thuật lại tất cả sự phong phú của trải nghiệm lâu dài của kiến trúc sư của “tư duy phức hợp” này. Do đó ở đây chúng tôi chọn chia sẻ vài yếu tố minh triết toát ra từ quyển sách của ông Những bài học của một thế kỷ cuộc đời (Leçons d’un siècle de vie). Bởi vì tác phẩm này – mà mỗi trang là một bài học về lý trí, tình thương và minh triết – vừa ngắn vừa phong phú, chúng tôi sẽ không tìm cách tổng hợp nên chỉ trình bày lại ba ý kiến được chúng tôi hy vọng khiến nó sẽ là một trong những tác phẩm mà người đọc muốn đọc trong mùa hè này.

Minh triết số 1: Kháng cự lại mọi hình thức thống trị

Ngay lời mở đầu tự nó đã là một bài học minh triết. Mặc dù nhan đề của quyển sách là Những bài học của một thế kỷ cuộc đời, Edgar Morin không hề có ý định đưa ra những bài học. Đúng hơn là ông tìm cách, từ trải nghiệm đặc biệt của riêng ông, rút ra những bài học mà ông “mong ước là chúng bổ ích cho mỗi người, không chỉ là tự vấn về cuộc đời của chính họ, mà còn là để đi tìm Con đường riêng của chính họ”.

Ta có thể thấy trong những lời của ông một sự khiêm tốn trí thức vốn là đặc điểm nổi bật của ông, và nhất là ta gặp lại mối quan tâm hàng đầu của ông đã thúc đẩy công trình của ông về “tư duy phức hợp”: kháng cự lại mọi hình thức thống trị, về ý thức hệ, chủ nghĩa giáo điều hay thậm chí là sự tôn thờ thần tượng. Như vậy, lời nói đầu này không quên nhắc lại kết luận của ông trong tập đầu của tác phẩm La Méthode -Phương pháp- (1977, trang 387):

“Hãy nói rằng ngay từ bây giờ một khoa học phức hợp sẽ không bao giờ tự hợp thức hóa bởi năng lực thao túng mà nó mang lại, ngược lại là khác. […] Trong khi làm phong phú thêm và thay đổi ý nghĩa của từ biết”, sự phức hợp khiến ta làm phong phú thêm và thay đổi ý nghĩa của từ hành động”, từ này trong khoa học cũng như trong chính trị, và khi nó muốn có nghĩa là “giải phóng” thì cuối cùng, bi đát thay, nó luôn trở thành “thao túng” và “nô lệ.”

Từ đó, muốn kháng cự sự thống trị, cũng như mọi hình thức tàn bạo và man rợ, ông đề nghị một nguyên tắc hành động không phải ra lệnh mà là tổ chức, không phải thao túng mà là liên lạc/trao đổi, không phải điều khiển mà là thúc đẩy” (1977, trang 387).

Minh triết số 2: Ý thức về tính phức hợp của con người

Trong lúc những cuộc đấu tranh vì căn tính còn sôi động, thì lời nhắc nhở của Edgar Morin về tính phức hợp của con người thật hiền hòa biết bao. Bản thân ông gắn với nhiều tính từ tùy theo hoàn cảnh, “là người Pháp, Do Thái gốc Tây Ban Nha (Sephardi), một phần Ý và Tây Ban Nha, hoàn toàn thuộc Đa Trung Hải, thuộc văn hóa châu Âu, người con của Mảnh đất Tổ quốc”, ông nhắc chúng ta nhớ rằng “mỗi người đều có một căn tính phức hợp, nghĩa là cùng lúc vừa là một vừa là nhiều” (trang 9).

Như vậy, về vấn đề căn tính của con người (mà ông đã triển khai rộng rãi nội dung này trong tập thứ năm của tác phẩm Phương pháp), từ đó ông rút ra tư duy minh triết mang tính cứu rỗi này, nó đi đôi với minh triết thứ nhất: “Sự từ chối một căn tính là một khối duy nhất hay bị giản lược, ý thức về tính thống nhất và tính đa dạng (unitas multiplex) của tính thống nhất là những điều cần thiết về vệ sinh tinh thần để cải thiện các quan hệ giữa người với người.

Khi đó, vấn đề là tự thấy mình và thấy nơi người khác tính phức hợp tam vị nhất thể (complexité trinitaire) của con người: cá nhân-xã hội-giống loài. Mặt khác, tạo điều kiện cho mỗi người tự hoàn thiện về phương diện cá nhân, xã hội và nhân học tạo nên một trong những cứu cánh đạo đức của “tư duy phức hợp” (bên cạnh sự kháng cự và tính man rợ). Cũng vậy, “tính phức hợp của con người được biu đạt bằng một loạt các tính lưỡng cực:

  • Homo sapiens (có lý tính, khôn ngoan) và cũng là Homo demens (điên loạn);
  • Homo faber (sáng tạo ra công cụ, người kỹ thuật, xây dựng) và cũng là Homo […] mythologicus (tín đồ tôn giáo, cả tin, có niềm tin tôn giáo, tin vào huyền thoại);
  • Homo œconomicus tận hiến cho lợi nhuận cá nhân vẫn là không đủ và phải nhường chỗ cho Homo ludens (người chơi) và Homo liber (thực hiện những hoạt động vô cớ” (trang 74).

Minh triết số 3: sống một cách nên thơ, nghĩa là với tình thương

Cuối cùng chúng ta nói đến minh triết của “Nghệ thuật Sống”. Kháng cự lại sự hung bạo và man rợ, ý thức về tính phức hợp của con người và quan tâm đến sự hoàn thiện mình, và cuối cùng là sống một cuộc sống nên thơ và tin vào tình thương. Thật vậy, đối với Edgar Morin những tai họa, những cố gắng để sống sót, công việc nặng nhọc và không ích lợi, bị ám ảnh bởi lợi nhuận, sự lạnh lùng của tính toán và tính hợp lý trừu tượng, tất cả những điều đó góp phần vào sự thống trị của diễn ngôn cụ thể […] trong đời sống thường nhật của chúng ta” (trang 56).

Vậy thì điều khẩn cấp là tìm lại con đường của thơ ca, của say đắm, tình thân thiện, tình người nồng ấm và tình người bao dung. Như vậy, ta có thể hy vọng tìm thấy “trạng thái thơ mộng” này nghĩa là “trạng thái xúc cảm trước những gì mà ta cảm thấy đẹp và/hay đáng yêu […] vốn là một trạng thái thăng hoa thứ hai rất hiền dịu, trong trao đổi những nụ cười, nhìn ngắm một khuôn mặt hay một phong cảnh, rất sống động trong tiếng cười, rất phóng khoáng trong những giờ phút hạnh phúc, rất đậm đà trong lễ hội, trong những giao lưu tập thể, trong nhảy múa, âm nhạc và đặc biệt là nồng nhiệt, say đắm, phấn chấn trong trạng thái yêu thương được chia sẻ. (trang 55 – 56)

Với Edgar Morin, “thơ ca tuyệt đỉnh là thơ ca của tình yêu”. Hẳn nhiên, “tất cả những gì thuộc về đam mê, để khỏi rơi vào sự lạc lối, phải được lý trí giám sát” (một sự hợp tác cần thiết giữa lý trí rộng mở và tình người bao dung). Như vậy, “mọi lý trí phải được thúc đẩy bởi một niềm đam mê, khởi đầu với niềm đam mê hiểu biết”. Như vậy, với tình yêu sự hiểu biết, cuộc sống, những người đã đồng hành cùng ông trong cuộc phiêu du một thế kỷ đời người, ta có thể tặng cho Edgar Morin những vầng thơ đẹp sau đây của Victor Hugo trong bài thơ “Ceux qui vivent, ce sont ceux qui luttent” (“Những người đang sống là những người chiến đấu” (trong Les Châtiments – Những hình phạt –, 1848)

 

 (Nhà giáo Phạm Tiến Dũng lược dịch –ND-):

Quoi, ne point aimer! suivre une morne carrière,

Sans un songe en avant, sans un deuil en arrière!

 

(Ồ sao chẳng chút yêu thương

Theo dòng sự nghiệp chán chường không anh

Tương lai thiếu mộng hầu khanh

Sau lưng tang chế cũng đành bỏ đi)

[…]

 

Regarder sans respect l’astre, la fleur, la femme!

Toujours vouloir le corps, ne jamais chercher l’âme!

Pour de vains résultats faire de vains efforts!

 

(Chẳng hề có chút tình chi

Đàn bà, hoa đẹp chẳng gì bận tâm

Chỉ còn ánh mắt vô tâm

Những vì tính tú xa xăm chẳng màng

Thèm thuồng thể xác đài trang

Còn hồn đâu muốn cưu mang chút nào

Gắng công phí sức biết bao

Rồi khi kết cuộc đâu nào thành công)

[…]

 

Oh non, je ne suis point de ceux-là! grands, prospères,

Fiers, puissants, ou cachés dans d’immondes repaires,

Je les fuis, et je crains leurs sentiers détestés;

Et j’aimerais mieux être, ô fourmi des cités,

Tourbe, foule, hommes faux, cœurs morts, races déchues,

Un arbre dans les bois qu’une âme en vos cohues!

 

(Không, không, tôi chàng hề mong

Làm người vĩ đại thong dong sang giàu

Quyền uy, hãnh diện trên cao

Hay là chui rúc ao hào nhuốc nhơ

Lánh xa họ, sợ đường dơ

Thà làm cây đứng chơ vơ giữa rừng

Còn hơn hồn lạc lạnh lùng

Trái tim đã chết trên vùng diệt vong

Thị thành lũ kiến đám đông

Ta đây chẳng muốn nằm trong bọn người!)

Còn cần phải nói rất nhiều về sự súc tích của minh triết trong Những bài học của một thế kỷ cuộc đời. Dù đó là giữ lý trí rộng mở cho tính phức hợp, sự bất trắc và sai lầm, dù đó là sự cần thiết không ngừng tái tạo ý tưởng của ông bằng cách tự xem xét hay còn là những hiểm họa chính trị, tác phẩm là nguồn tài nguyên phong phú để “tìm thấy Con đường của riêng mình”.

Xin cám ơn Edgar thân mến và chúc sinh nhật vui vẻ!

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Edgar Morin, un siècle de sagesse en trois leçons”, The Conversation, 7.7.2021.

----

Những bài có liên quan:




Chú thích:

[*] Nghiên cứu sinh tiến sĩ về chiến lược và lý thuyết các tổ chức.
Ousama Bouiss là thành viên của nhóm nghiên cứu liên ngành Reliance en Complexité (Đại học Montpellier, UNESCO) và là chuyên viên tư vấn của văn phòng Hector Advisory.

Print Friendly and PDF