8.7.21

Chủ nghĩa Nhà nước II

 

CHỦ NGHĨA NHÀ NƯỚC II

Michael Rappaport

Trong bài viết trước, Chủ nghĩa Nhà nước I, tôi đã định nghĩa chủ nghĩa nhà nước |statism| là sự ôm đồm quá mức và có hại đối với quyền lực của nhà nước. Giờ đây, để thấy được mức độ thịnh hành của chủ nghĩa nhà nước, tôi muốn chỉ ra chủ nghĩa nhà nước đã dần dần tiêm nhiễm cái xấu lên các mô hình chuẩn của kinh tế học như thế nào — một trong những chuyên ngành được xem là ủng hộ thị trường nhất trong giới học thuật.

Luận điểm của tôi về kinh tế học rất đơn giản. Một trong số các câu hỏi căn bản của kinh tế học là liệu các vấn đề có phải nên do thị trường hay do chính phủ giải quyết không. Khi so sánh hai thể chế này, hiển nhiên là ta nên tiến hành một cách công bằng và sau đó quyết định liệu thể chế nào hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, đó không phải cách kinh tế học tân cổ điển xử lý vấn đề. Thay vào đó, khi phát hiện một khía cạnh trong hành vi con người có thể tác động lên quá trình ra quyết định, trường phái này luôn áp dụng lý thuyết theo một cách thiên lệch thường thấy để chính phủ được lợi thế hơn thị trường.

Hãy bắt đầu với thế giới của hai thể chế hoàn hảo – một chính phủ dân chủ thiện ý mưu cầu công lợi với tri thức một thị trường có đặc trưng là sự cạnh tranh hoàn hảo. Cả hai thể chế đều hoạt động tốt nhưng tất nhiên chẳng ai cho rằng đó là một bản mô tả về thế giới thực.


Gordon Tullock (1922-2014)

James M. Buchanan (1919-2013)

Một cách để đưa một ít hiện thực vào sự mô tả trên là công nhận rằng cá nhân không chỉ quan tâm đến công lợi mà còn đến cả tư lợi. Ban đầu, kinh tế học tân cổ điển đưa ra giả thiết các tác nhân thị trường thì chú trọng tư lợi nhưng trường phái này dường như lại giả định các tác nhân chính phủ thì quan tâm đến công lợi. Điều này rõ ràng là thiên vị có lợi cho chính phủ. Phải đến Buchanan, Tullock lẫn [thuyết] lựa chọn công cộng nói chung mới làm rõ vấn đề này, tuy vậy họ mất hàng thập kỷ mới vượt qua được sự phản đối quyết liệt. Cuối cùng, nhiều người cũng nhận ra các tác nhân chính phủ thường hành động để thúc đẩy những lợi ích của riêng mình.

George Akerlof (1940-)

Joseph Stiglitz (1943-)

Khi Buchanan nhận giải Nobel [khoa học kinh tế năm 1986], người ta tưởng rằng thiên kiến này đã bị loại bỏ, nhưng cũng giống như nhiều thiên kiến khác, nó đơn giản là được áp dụng trong các bối cảnh khác. Vài năm trước, kinh tế học tân cổ điển nhận ra vấn đề của thông tin không hoàn hảo. Những người như Joseph Stiglitz và George Akerlof đưa thông tin không hoàn hảo vào các mô hình thị trường và dùng đó làm luận cứ chứng minh rằng sự điều tiết của chính phủ giúp giải quyết các thất bại của thị trường. Tuy nhiên, chính họ lẫn hầu hết giới kinh tế học đều không có ý định áp dụng sự hiểu biết sâu sắc đó vào các chính phủ. Vì thế, một lần nữa, một sự hiểu biết sâu sắc về hành vi con người lẽ ra nên được ứng dụng đồng đều thì lại bị dùng để chỉ trích thị trường và ủng hộ chính phủ. (Tôi cần lưu ý rằng tôi từng chất vấn Stiglitz về vấn đề này nhưng ông ấy không đánh giá cao ý này.)

Chẳng có gì lạ khi chủ nghĩa nhà nước tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế học. Ví dụ mới nhất là kinh tế học hành vi. Các nhà kinh tế học trong vài thập kỷ gần đây đã áp dụng những hiểu biết sâu sắc của Kahneman, Tversky và những người khác để chứng minh các tác nhân kinh tế thường không hành xử duy lý – nhất là theo cách mà thuyết lựa chọn duy lý giả định. Các nhà kinh tế học này cũng cho rằng những thất bại thị trường thường chỉ do chính phủ can thiệp. Tuy vậy, có thể đoán được, các nhà kinh tế học hành vi này cũng không áp dụng các hiểu biết sâu sắc của mình vào chính phủ. Họ hiếm khi thừa nhận các nhà lập pháp chưa chắc đã hành động duy lý, thậm chí ngay cả các cơ quan hành chính có thẩm quyền chuyên môn cũng ít khi hành động duy lý vì nhiều thiên kiến nhận thức mà chính kinh tế học hành vi đã nhấn mạnh. Thiên kiến chủ nghĩa nhà nước lại hoạt động.

Giới thiệu tác giả

Michael Rappaport

Originalism and the Good Constitution

Michael Rappaport

Giáo sư Rappaport là Giáo sư Luật của Quỹ Darling tại Đại học San Diego, tại đây ông còn giữ chức danh Giám đốc the Study of Constitutional Originalism |tạm dịch: Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa Nguyên bản Hiến pháp|. Giáo sư Rappaport là tác giả nhiều bài phê bình luật trên các tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Luật Yale, Tạp chí Luật Virginia, Tạp chí Luật Georgetown và Tạp chí Luật Đại học Pennsylvania. Quyển sách của ông, Originalism and the Good Constitution |tạm dịch: Chủ nghĩa Nguyên bản và một bản Hiến pháp Tốt|, đồng tác giả với John McGinnis, được Nhà xuất bản Đại học Harvard phát hành năm 2013. Giáo sư Rappaport tốt nghiệp tại Đại học Luật Yale với bằng Tiến sĩ Luật học và Tiến sĩ Luật dân sự (Luật pháp và Lý thuyết Chính trị).

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Statism II, Law & Liberty, 9 tháng 2 năm 2012.

Print Friendly and PDF