28.7.21

Covid-19: Tiêm chủng cất cánh ở châu Á, nhưng nghi ngờ gia tăng đối với vắc-xin Trung Quốc


COVID-19: TIÊM CHỦNG CẤT CÁNH Ở CHÂU Á, NHƯNG NGHI NGỜ GIA TĂNG ĐỐI VỚI VẮC-XIN TRUNG QUỐC

Hubert Testard

Tỷ lệ người được tiêm chủng vẫn còn ở mức dưới 10% dân số ở Philippines, cũng như ở Ấn Độ, Pakistan và Indonesia. (Nguồn: NPR)

Từ ngày 1 tháng 6 đến ngày 15 tháng 7, số liều vắc-xin mà người dân châu Á nhận được đã vượt 1,1 tỷ liều, tức nhiều hơn mức trong sáu tháng đầu năm. Châu Á đã vận động, trễ hơn ba tháng so với phương Tây. Họ đã bắt kịp mức trung bình của thế giới, hiện là một liều cho mỗi hai người dân. Nhưng vẫn tồn tại bốn vấn đề: vẫn còn lâu mới đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng ở hầu hết các nước châu Á (trừ Trung Quốc), đại dịch vẫn còn rất nghiêm trọng, việc phân phối vắc-xin không đồng đều tùy theo từng nước, và tính hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc, vốn chiếm phần lớn ở châu Á, làm dấy lên những nghi ngờ ngày càng tăng.

MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG VẪN NGOÀI TẦM TAY, NGOẠI TRỪ Ở TRUNG QUỐC

Sự cảnh tỉnh của châu Á về vắc-xin kháng Covid-19 đang làm thay đổi ván cờ trên thế giới, nhưng còn lâu mới có thể kiểm soát được đại dịch.

Các nhà dịch tễ học đã điều chỉnh quan điểm về khả năng miễn dịch cộng đồng trước sự lan rộng của biến thể Delta từ Ấn Độ. Ngày nay, người ta ước tính cần phải vượt tỷ lệ 85 hoặc 90% tiêm chủng ở người trưởng thành, để đạt được ngưỡng miễn dịch. Dân số trên 20 tuổi ở châu Á vào khoảng 3,2 tỷ người. Để tiêm chủng cho 90% dân số trưởng thành này, cần phải có 5,8 tỷ liều vắc-xin, trong khi con số hiện có chỉ là 2,2 tỷ liều.

Ngoài ra, chúng ta cần phải để Trung Quốc sang một bên, nước đã phân phối 1,4 tỷ liều vắc-xin, tức một liều trên đầu người. Với tốc độ phân phối ấn tượng trong những tuần gần đây (500 triệu liều mỗi tháng), Trung Quốc sẽ đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng ngay từ tháng 9. Singapore và Mông Cổ cũng có thể đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng vào mùa thu. Phần còn lại của châu Á thì vẫn còn xa mới đạt được.

CHƯƠNG TRÌNH PHÂN PHỐI VẮC-XIN KHÔNG ĐỒNG ĐỀU

Các nước phát triển châu Á, vốn đã chậm phát triển các chương trình tiêm chủng, từ nay đã có những bước chủ động nhiều hơn. Ở các nước Đông Nam Á và Nam Á, chương trình tiêm chủng cũng đang phát triển nhanh hơn, so với một số nước còn tụt hậu như Pakistan, Việt Nam, Philippines và Indonesia.

Sự phân phối vắc-xin kháng Covid-19 không đồng đều ở Châu Á kể từ ngày 31 tháng 5 năm 2021

 

Số liều được phân phối, đến ngày 31 tháng 5 (triệu)

Số liều được phân phối, đến ngày 15 tháng 7 (triệu)

Số liều trên dân số (%), đến ngày 31 tháng 5

Số liều trên dân số (%), đến ngày 15 tháng 7

Dân số được tiêm chủng đầy đủ [2 liều] (%)

Các nước phát triển

 

 

 

 

 

Nhật Bản

12,3

66,7

9,8

52,8

21,7

Hàn Quốc

7,5

21,2

14,6

40,9

12,7

Đài Loan

0,4

4,6

1.8

19,5

0,5

Úc

4,2

9,6

16,6

38

11

Đông Nam Á

 

 

 

 

 

Indonesia

26,9

55,8

9,9

20,6

6

Thái Lan

3,6

13,5

5,2

19,4

4,9

Philippines

4,5

13

4,2

14,1

4

Mã Lai

3,1

13,1

9,6

41

14,2

Viet Nam

1

4,3

1,1

4,2

0,9

Nam Á

 

 

 

 

 

Ấn Độ

208

391

15,3

28,6

6,1

Pakistan

6,1

21,7

2,8

10

2,1

Trung Á

 

 

 

 

 

Kazakhstan

3,6

7,6

17

39,4

15



Nguồn: Financial Times vaccination tracker

Bảng phân phối vắc-xin kháng Covid-19 ở các nước Châu Á. (Nguồn: Financial Times Vaccination Tracker)

Việt Nam là một minh họa về sự chậm trễ trong các chương trình tiêm chủng ở châu Á. Chính phủ Hà Nội đã ký hợp đồng từ tháng 6 lên đến tổng cộng 170 triệu liều vắc-xin với các nhà cung cấp chính phương Tây và với chương trình Covax. Các hợp đồng này, cuối cùng, cũng sẽ giúp Việt Nam đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng trong nước, nhưng phần lớn số vắc-xin nói trên sẽ chỉ bắt đầu được giao không sớm hơn mùa thu hoặc cuối năm, nên Việt Nam đành buộc phải nhập khẩu vắc-xin Trung Quốc vì nhanh chóng sẵn có hơn.

Đài Loan đã có thể hưởng lợi từ các lô vắc-xin nhập khẩu từ Nhật Bản và Hoa Kỳ vào tháng 6. Ngoài ra, chính phủ Đài Bắc cũng đã nhận được sự giúp đỡ từ các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Đài Loan (Foxconn và TSMC) để né tránh hợp đồng khung mà chính phủ Trung Quốc đã ký với Pfizer, và tiến hành ký một hợp đồng tư nhân với số lượng 10 triệu liều. Cuộc chiến giành lấy vắc-xin đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết trên thế giới, và vắc-xin Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc chơi.

ĐẠI DỊCH VẪN RẤT NGHIÊM TRỌNG

Trong khi quá trình tiêm chủng đang tiến triển, thì sự lây lan của biến thể Delta cũng tăng nhanh. Tỷ lệ người bệnh mới ở Nam Á và Đông Nam Á, bị nhiễm bởi biến thể này, hiện dao động từ 70 đến 99%. Đối mặt với biến thể Delta, việc tiêm chủng đủ hai liều là điều cần thiết, trong khi tỷ lệ dân số ở Châu Á được tiêm chủng đủ hai liều vẫn đang ở mức rất thấp (xem cột cuối của bảng trên). Tỷ lệ này vào khoảng 50% ở ba nước (Singapore, Mông Cổ và Trung Quốc). Nó vượt hơn 20% một chút ở Nhật Bản, và vẫn ở dưới mức 10% ở các nước đông dân nhất như Ấn Độ, Indonesia, Pakistan hoặc Philippines.

Tình trạng lây nhiễm đang gia tăng mạnh ở Indonesia, Malaysia, Bangladesh, Thái Lan và Hàn Quốc. Ở những nơi khác, các đỉnh dịch gần nhất đã diễn ra vào tháng 5 ở Ấn Độ, Philippines hoặc Nhật Bản, nhưng một đợt bùng phát mới đã xuất hiện ở quần đảo Nhật Bản. Ở đầu nguồn của virus Delta, Ấn Độ đang có một sự cải thiện tình hình rõ rệt, với việc các số liệu chính thức thấp hơn gấp 10 so với mức cao nhất được ghi nhận vào ngày 5 tháng 5. Tuy nhiên, người ta đã quan sát thấy các dấu hiệu bùng phát dịch trở lại ở một số bang của Ấn Độ như Kerala, Tamil Nadu và Maharashtra. Thói quen tụ tập ở các sự kiện tôn giáo và đi đây đi đó đang trở lại, và các nhà dịch tễ học đã tiên đoán một đợt dịch thứ ba vào mùa thu, mà tần suất tiêm chủng hiện tại không có khả năng kiềm chế được.

Trong trường hợp không đạt được miễn dịch cộng đồng, đường cong các ca tử vong và ca nhiễm vẫn tương quan chặt chẽ ở khắp châu Á. Các biện pháp hạn chế mới đã được nhân rộng ở nhiều nước khác nhau. Malaysia đã công bố kéo dài thêm hai tuần đợt phong tỏa hai tuần lần ba, vốn đã diễn ra vào đầu tháng 6, đến cuối tháng 6. Một lệnh giới nghiêm nghiêm ngặt đã có hiệu lực ở Bangkok. Singapore duy trì, cho đến tháng 8, lệnh cấm ăn tối trong các nhà hàng từ hai người trở lên, áp dụng đối với những người chưa được tiêm chủng, và từ năm người trở lên, áp dụng đối với những người đã được tiêm chủng. Kể từ ngày 3 tháng 7, Indonesia đã áp dụng các biện pháp hạn chế đối với các phương tiện vận tải nội địa, và thực hành giảm thiểu hoạt động kinh doanh ở các thành phố lớn.

VACCIN TRUNG QUỐC DẤY LÊN NHIỀU NGỜ VỰC

Vấn đề nghiêm trọng cuối cùng ở châu Á là độ tin cậy của vắc-xin Trung Quốc, vốn chiếm phần lớn vắc-xin được phân phối ở một số nước trong khu vực. Ngoài Trung Quốc, những nước như Indonesia, Philippines, Mông Cổ, Pakistan, một phần Thái Lan, Malaysia, Nepal đều phụ thuộc vào vắc-xin Sinovac và Sinopharm để tiếp tục các chiến dịch tiêm chủng của họ.

Ngày 24 tháng 6, cựu phó giám đốc trung tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, Tiến sĩ Feng Zijian, đã thừa nhận trên đài truyền hình CCTV rằng các kháng thể do vắc-xin Trung Quốc tạo ra kém hiệu quả để kháng lại biến thể Delta. Theo một nghiên cứu của Đại học Hồng Kông được công bố trên tạp chí khoa học The Lancet vào đầu tháng 7, các kháng thể do vắc-xin Pfizer/BioNTech tạo ra hiệu quả gấp 10 lần so với các kháng thể do vắc-xin Sinovac tạo ra.

Một dấu hiệu cảnh báo khác đến từ cái chết của một bác sĩ ở Thái Lan và vài chục bác sĩ ở Indonesia, những người đã được tiêm vắc-xin Sinovac. Chính phủ các nước ở Đông Nam Á đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để đối mặt với những nghi ngờ về tính hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc. Ở Indonesia, các chuyên gia y tế sẽ được tiêm một liều vắc-xin Moderna bổ sung cho liều Sinovac. Ở Thái Lan, sẽ thực hiện việc pha trộn vắc-xin với AstraZénéca, Thái Lan là nhà sản xuất AstraZénéca trong khu vực. Ở Malaysia, chính phủ đã thông báo sẽ dừng tiêm vắc-xin Sinovac sau khi đã sử dụng 15 triệu liều đã đặt hàng, để chuyển sang tiêm vắc-xin Pfizer/BioNTech, đồng thời chỉ ra rằng đây không phải là một hành động thách thức đối với Trung Quốc.

Rõ ràng, vắc-xin Trung Quốc có hiệu quả hạn chế trong việc ngăn ngừa lây nhiễm do biến thể Delta gây ra – và có vẻ như AstraZénéca cũng vậy, dựa trên những gì đã xảy ra ở Anh. Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ là liệu các vắc-xin này có còn hiệu quả để ngăn ngừa các dạng bệnh nặng hay không. Trung Quốc không thể được coi là một tình huống điển hình bởi vì Covid-19 lưu hành ở đó rất yếu.

Thử xem xét hai nước mà việc tiêm chủng đã đạt được ngưỡng cao, và dựa trên việc tiêm chủng vắc-xin Trung Quốc: Chile và Mông Cổ. Thước đo hiệu quả của một chiến dịch tiêm chủng phụ thuộc vào diễn biến giữa tỷ lệ số ca nhiễm với số tử vong, có tính đến một độ trễ vào khoảng hai tuần.

Trong trường hợp của Vương quốc Anh, tỷ suất số ca nhiễm/tử vong ở mức khoảng 50, vào tháng 1 (ngày 8 tháng 1 đối với số ca nhiễm và ngày 23 tháng 1 đối với số ca tử vong). Tỷ suất nói trên đã tăng lên 640 vào tháng 7 (ngày 2 tháng 7 đối với số ca nhiễm và ngày 17 tháng 7 đối với số ca tử vong), trong khi 54% dân số Anh đã được tiêm chủng đủ hai liều.

Ở Chile, tỷ suất số ca nhiễm/tử vong vào tháng 1 ở mức khoảng 56, tương đương với ở Anh. Tỷ suất trên được cải thiện một chút vào tháng 4, tăng lên 72, nhưng lại tụt lùi vào tháng 7 để giảm xuống mức 44. Tổng cộng, chiến dịch tiêm chủng ở Chile – với 62% dân số được tiêm chủng hiện nay – có vẻ như không có bất kỳ tác động đáng chú ý nào lên tỷ lệ số ca tử vong.

Ở Mông Cổ, đỉnh địch đầu tiên xuất hiện vào tháng 4 vừa qua. Tỷ suất số ca nhiễm/tử vong ở mức tương đối thấp 170. Tỷ suất này đã tăng lên 275 vào tháng 7. Một mức cải thiện chưa đủ để chứng minh mức độ bảo vệ của Sinopharm, vắc-xin được phân phối chủ yếu trong nước.

Những nghi ngờ về tính hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc, nếu được xác nhận, sẽ đặt lại vấn đề đối với một phần khá lớn chương trình tiêm chủng ở châu Á, và ở các nước đang phát triển nói chung. Đây sẽ là một tin rất xấu cho toàn thế giới. Vào thời điểm này, ý kiến [doxa] chính thức chung là vắc-xin ít hiệu quả trong việc kiểm soát biến thể Delta, nhưng vẫn hữu ích trong việc ngăn ngừa các dạng bệnh nặng.

Giới thiệu tác giả

Hubert Testard

Hubert Testard

Hubert Testard là một chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính trong 20 năm tại các đại sứ quán của Pháp ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và ở Singapore cho ASEAN. Ông cũng đã tham gia soạn thảo các chính sách của châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù đó là WTO hay các cuộc đàm phán với các nước châu Á. Hubert Testard đang giảng dạy, từ bốn năm nay, tại trường cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc đại học Sciences Po về phân tích tương lai của châu Á. Ông đã tham gia biên soạn một cuốn sách về cuộc khủng hoảng châu Á (“Asie, les nouvelles règles du jeu [Châu Á, những luật chơi mới]”, NXB Philippe Picquier) và đồng tác giả với Brigitte Dyan một cuốn sách có tựa đề ”Quand la Chine investit en France [Khi Trung Quốc đầu tư vào nước Pháp]”, NXB Agence Française pour les Investissements Internationaux. Ông tốt nghiệp đại học Ena và Sciences Po.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Covid-19: la vaccination décolle en Asie mais les doutes augmentent sur les vaccins chinois, Asialyst, ngày 21/07/2021.

----

Bài có liên quan: Theo dõi diễn tiến việc tiêm vắc xin kháng Covid-19 trên thế giới

Print Friendly and PDF