27.7.21

Thuyết Darwin xã hội

THUYẾT DARWIN XÃ HỘI

Trong lịch sử tư tưởng xã hội học, cụm từ “thuyết Darwin xã hội” thường được dùng để chỉ toàn bộ các lí thuyết ở nửa sau thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX huy động khái niệm “chọn lọc tự nhiên của Darwin hay thường hơn là nguyên lí “sự sống sót của loài thích hợp nhất” (the survival of the fittest) của Spencer để mô tả và giải thích các hiện tượng của xã hội con người, theo những cách nhìn bao giờ cũng trộn lẫn chặt chẽ những lập luận thực chứng với những nhận định có tính quy phạm mà mục đích thường rõ ràng có tính chính trị. Mặc dù cụm từ này thuộc phạm vi những phạm trù thông dụng trong các khoa học xã hội để định vị và chỉ định những thành kiến lí thuyết, song tập hợp rộng lớn mà nó bao phủ có một tính thống nhất lỏng lẻo đến độ sẽ là không chính xác khi xem nó là một hệ ý hay một chủ thuyết, với một người đứng đầu và một lõi lí thuyết chính được xác định, và chắc chắn là quá đáng khi xem nó như một trào lưu tư tưởng.

Herbert Spencer (1820-1903)
Charles Darwin (1809-1882)

Ý nghĩa và cương vị nhập nhằng của một nhãn hiệu như thế, cũng như tính cực kì hỗn tạp của những lí thuyết được nó đề cập là do logic lịch sử khá đặc thù chi phối sự hình thành nhãn hiệu này. Cụm từ xuất hiện vào khoảng năm 1880, ở châu Âu, để chỉ một cách phê phán “việc dịch chuyển bằng sự tương tự lí thuyết Darwin sang lãnh địa chính trị-xã hội” (Gautier, 1880). Mục tiêu mà các nhà tư tưởng tạo nên và sử dụng cụm từ này nhắm vào chủ yếu là các diễn ngôn có cảm hứng tự do khi trình bày tiến hoá của nhân loại – hay nếu muốn, của sự tiến bộ – như một sản phẩm của tự do cạnh tranh giữa những cá nhân trong xã hội – bản thân cạnh tranh được quan niệm như một trường hợp đặc biệt của nguyên lí chung của mọi tiến bộ trong tự nhiên: “sự sống sót của cá nhân thích hợp nhất”. Trong thực tế, kể từ những năm 1860, đặc biệt trong các nước anglo-saxon (Hofsdater, 1959), nhiều nhà sinh học, kinh tế học, triết gia và xã hội học đã phát triển những quan điểm tương tự.

Điều thường xảy ra là những diễn ngôn này quy về một tu từ học nhằm, trong một bước đầu, lấy lại một số chủ đề cổ điển của tư tưởng có cảm hứng tự do, đặc biệt là việc biện minh cho những bất bình đẳng xã hội-kinh tế và việc phê phán sự can thiệp của Nhà nước, bằng cách trình bày lại chúng với từ ngữ của học thuyết tiến hoá sinh học rồi kết luận, trong bước thứ hai, tính chất tự nhiên của một xã hội trong đó quyền lực công chỉ chăm lo độc nhất việc đảm bảo tự do cá nhân và từ bỏ mọi hình thức điều tiết kinh tế và tái phân phối. Ví dụ, W. G. Sumner, một trong những đại diện nổi tiếng nhất của kiểu thuyết Darwin xã hội này, tóm tắt như sau những điều kiện cho sự tiến bộ của các xã hội: “Tự do, bất bình đẳng, sự sống sót của những ai thích hợp nhất; thiếu vắng tự do, bình đẳng, sự sống sót của những ai ít thích hợp nhất [...] Vế đầu của đối chọn trên làm xã hội tiến bộ và tạo điều kiện cho những thành viên ưu tú nhất; vế sau làm xã hội thoái hoá và tạo điều kiện cho những thành viên tồi tệ nhất (Sumner, 1903, được Bouanchaud, 1976 trích dẫn).

W. G. Sumner  (1840-1910)

Thuyết Darwin xã hội cá nhân chủ nghĩa và tự do này thành công rực rỡ trong các nước anglo-saxon trong những giai đoạn thịnh vượng kinh tế. Chẳng hạn, ở Anh thời kì nữ hoàng Victoria và ở Hoa Kì cho đến cuộc khủng hoảng năm 1929, chủ đề “sự sống sót của những ai thích hợp nhất” như là nguyên lí của sự tiến bộ rất thường được lặp lại để biện minh cho tự do cạnh tranh, điều mà dưới mắt của nhiều đại diện giới tinh hoa, được cho là điều kiện cần và đủ cho sự gia tăng của cải được sản xuất và trao đổi trong xã hội. Như vậy, các lí thuyết có tham vọng khoa học này do những nhà Darwin xã hội phát triển được sự tán đồng của những trí thức gần với giới làm ăn và của chính các doanh nhân. Ví dụ, J. Hill, trùm tư bản công nghiệp viết rằng “cơ nghiệp của các công ti đường sắt do quy luật sự sống sót của những ai thích hợp nhất quyết định”. Các lí thuyết như thế càng được các giới tinh hoa kinh tế đón nhận hơn khi đạo Tin lành là phổ biến trong các giới này: đồng nhất hình ảnh doanh nhân Tin lành, siêng năng, khổ hạnh và gặt hái thành công với người “thích hợp nhất”, nhiều đại diện của các giới tinh hoa này một cách tự nhiên dễ dàng ủng hộ những diễn ngôn như vậy vốn có vẻ biến họ thành những người được Chúa chọn và dường như chứng minh rằng sự can thiệp của Nhà nước là trái với những quy luật mà Thượng đế đã trao cho tự nhiên.

Mặc dù hầu hết các tác giả này tự nhận là mình theo Darwin, và nhất là theo Spencer, nhưng phải phân biệt rõ ràng những tác phẩm của hai nhà bác học Anh này với các diễn ngôn dựa trên nguyên lí “sự sống sót của những ai thích hợp nhất”. Nếu Darwin, trong một vài văn bản, đã thử mở rộng ra con người những luận đề ông đề xuất về tiến hoá của các loài động vật và thực vật thì phần chủ yếu của các tác phẩm của ông tập trung vào các loài này hơn. Còn về phần Spencer, tất nhiên ông công khai những niềm tin chính trị tự do khá triệt để: trong suốt sự nghiệp của mình, ông phê phán những trợ giúp mà theo đánh giá của ông là thiếu cân nhắc của Nhà nước cho những người bần cùng. Theo ông, chính quyền khi đặt mục tiêu làm giảm những bất bình đẳng xã hội-kinh tế đã góp phần vào sự thoái hoá của “cơ thể xã hội” bằng cách cho phép người nghèo và người có sức khoẻ kém, tóm lại là cho những ai “kém thích hợp” nhất, có hậu duệ dồi dào hơn những người khác. Cũng không thể phủ nhận là nhà xã hội học Anh không mấy bất đồng với những lí thuyết gia chống Nhà nước vốn tự nhận là những người theo các học thuyết sinh học và xã hội của ông.

Tuy nhiên, trên các luận điểm này, Spencer không phải là người chủ xướng hay đứng đầu một trào lưu mà ông đã xác định cương lĩnh. Hơn nữa, sự nghiệp của ông có một chiều kích trí tuệ khác (Boudon và Bourricaud, 1984) với chiều kích của những nhà Darwin xã hội nói đến ở đây. Trong thực tế, Spencer chỉ dành một phần khiêm tốn trong những bài viết của mình cho vai trò của “chọn lọc tự nhiên” hay của “sự sống sót của những ai ít thích hợp nhất” trong sự tiến hoá của các kiểu sinh học và tâm lí học cấu thành các xã hội con người. Nhất là trên chủ đề này, những niềm tin sinh học mà nhà xã hội học Anh thủ đắc trong các nghiên cứu sinh học của ông làm dịu bớt những kết luận mà những niềm tin tự do của ông có thể dẫn đến.

J.-B. Lamarck (1744-1829)

Thật vậy, theo Spencer, tiến hoá của các loài – hay của các xã hội – diễn ra, trong mọi trường hợp, không bằng một sự chọn lọc, thông qua số con cháu, những dòng dõi cạnh tranh nhau và tái sản sinh y hệt, nhưng bằng một sự thích nghi theo kiểu Lamarck, nghĩa là thông qua quá trình cân bằng trực tiếp của mỗi cơ quan với những điều kiện sinh tồn, một quá trình mà kết quả được truyền lại và tích luỹ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong một khuôn khổ như thế, trên nguyên tắc hiếm khi có những dị tật vì hầu hết những thay đổi cơ quan hay tâm lí là những phản ứng có tính chức năng trước những đòi hỏi do môi trường áp đặt. Và khi những dị tật xuất hiện, cuối cùng chúng sẽ biến mất, không phải vì những cá thể chuyển tải các dị tật này không có những hậu duệ nhiều bằng những cá thể khác mà vì các cá thể này cũng buộc phải tự thay đổi bằng cách thích nghi với môi trường của mình và truyền lại những thay đổi này cho con cháu. Tóm lại, dưới mắt Spencer, sự “cân bằng hoá trực tiếp” dần dần của các cơ quan và tâm tính, theo dòng các thế hệ, trước những điều kiện do môi trường thể chất và xã hội áp đặt có một vai trò trong sự tiến hoá của các xã hội quan trọng chẳng kém gì sự chọn lọc thông qua “sự sống sót của những ai thích hợp nhất”.

Tuy nhiên cụm từ “Darwin xã hội” không chỉ được dùng để chỉ các lí thuyết có cảm hứng tự do này. Khoảng năm 1900, ý niệm trên được sử dụng theo một nghĩa mới để phê phán những diễn ngôn, ngày càng phổ biến trong các nước phương Tây, mô tả tiến hoá loài người như là sản phẩm của một cuộc đấu tranh, không phải giữa những cá nhân nữa mà giữa những nhóm xã hội. Khác với những nhà Darwin xã hội cá nhân chủ nghĩa và tự do, những lí thuyết gia nói đến ở đây thường nhấn mạnh đến lòng vị tha và tình đoàn kết bất diệt kết nối các thành viên của cùng một xã hội. Theo họ, các nhóm người trui rèn những tập hợp hợp nhất chặt chẽ đến độ trở thành thật sự những cơ quan cạnh tranh nhau. Theo một số nhà tư tưởng, cuộc đấu tranh sinh tồn của loài người diễn ra như thế, không còn ở cấp độ cá nhân nữa mà ở cấp độ tập thể, động cơ của tiến hoá, hay nếu muốn, của sự tiến bộ, chính là sự sống sót của những xã hội thích hợp nhất. Các lí thuyết gia này thường ủng hộ một nhà nước mạnh, và nhiều người trong số đó sẵn lòng bảo vệ những chính sách bảo hộ và thuộc địa.

Tuy nhiên không nên đánh giá quá cao tính thống nhất của những quan điểm được phát triển từ luận đề cuộc “đấu tranh của các nhóm xã hội”. Thật vậy, tập thứ hai những mô hình này chứa đựng những thiên kiến lí thuyết khá khác nhau. Như vậy, một số nhà tư tưởng, ví dụ như P. Kropotkine, cho rằng những nhóm xã hội trong đó những bản năng vị tha và những thiên hướng trợ giúp lẫn nhau được phát triển có nhiều cơ may sống sót cao hơn nhiều những nhóm xã hội trong đó các mánh khoé, sự ích kỉ và sức mạnh ngự trị. Do vậy, theo các nhà tư tưởng này, tiến hoá dẫn đến việc làm dịu sự tranh đua liên cá nhân và việc thiết lập trong các nhóm xã hội những tình cảm đoàn kết và nhân từ, biểu hiện chính trị tự nhiên của điều này là một tổ chức Nhà nước kiểu xã hội chủ nghĩa mà tương lai có tính quốc tế (Kropotkine, 1992). Đối lập với cách kiến giải nhân văn và hoà bình chủ nghĩa này về các nguyên lí của Darwin, nhiều nhà trí thức khác như, ví dụ người Mĩ T. Nixon Carver, người Anh E. A. Freeman hay người Đức L. Woltmann, phát triển những cách nhìn trong đó luận đề về sự đấu tranh giữa các xã hội, được quan niệm như những tập hợp được cố kết bằng một chủ nghĩa vị tha mạnh mẽ, được dùng làm điểm tựa cho việc biện minh tính thượng đẳng của những “chủng tộc” Arian, “Kavkaz” hay “anglo-saxon (Becquemont, 1992). Nếu các lí thuyết gia này nhấn mạnh đến bản năng đoàn kết những thành viên của một “chủng tộc” hay một xã hội, chính là để làm nổi bật sự gay gắt giữa các cộng đồng nhân loại, được họ mô tả như một quá trình qua đó các quốc gia châu Âu đã chứng minh tính thượng đẳng và thiên chức tự nhiên của họ để thống trị thế giới. Đối với vài tác giả theo thuyết Darwin xã hội, đôi lúc chủ đề đấu tranh của các chủng tộc và ưu thế của các quốc gia châu Âu được liên kết với việc bảo vệ một số hình thái của chủ nghĩa xã hội. Chẳng hạn, trong những bài viết đầu tiên của mình, nhà thống kê học K. Pearson cho rằng, trái với chủ nghĩa tự do của Spencer, tính chất tự nhiên của chủ nghĩa xã hội được chứng minh bằng sự tồn tại của “bản năng xã hội mạnh mẽ [...] mà diễn tiến của sự tiến hoá và cuộc đấu tranh nhóm chống nhóm đã sản sinh trong nhân loại” (Pearson, 1888, 319 được Bocquemont, 1992, 158 trích dẫn). Và đồng thời ông nhấn mạnh là “hối tiếc rằng một chủng tộc những người da trắng có khả năng và khoẻ mạnh thay thế một bộ lạc da ngăm đen không thể sử dụng đất đai của mình vì lợi ích của nhân loại là một cái nhìn sai trái về sự đoàn kết và là một chủ nghĩa nhân văn yếu ớt” (Pearson, 1892, 369). Chủ yếu chính những diễn ngôn phân biệt chủng tộc và đế quốc này nhắm vào những ai như Novicow (Novicow, 1910) muốn phê phán, vào những năm 1900, thuyết Darwin xã hội.

Như có thể thấy, thuyết “Darwin xã hội” nhìn chung là một chùm rộng lớn những lí thuyết, đôi lúc đối lập nhau một cách sâu sắc. Trong nghĩa này, cụm từ ít quy chiếu về một trào lưu tư tưởng thật sự hơn là về sức quyến rũ của một lập luận hay một sơ đồ chung – chọn lọc của Darwin – có khả năng được đưa vào phục vụ những kiến trúc lí thuyết và chính trị vô cùng đa dạng. Chính xác hơn, nó cấu thành một phạm trù có nội dung không ổn định, mà một số lí thuyết gia đã vận dụng để tập hợp dưới cùng một tên gọi các mô hình mà họ muốn phê phán. Hai tập lớn các lí thuyết được gọi dưới tên này đã biến mất khỏi các khoa học xã hội ngay từ cuối thế kỉ XIX cho tập thứ nhất và kể từ những năm 1920 cho tập thứ hai.

BECQUEMONT D., “Aspects du darwinisme social anglo-saxon” in P. TORT éd., Darwinisme et société, Paris, PUF, 1992, 138-160. – BERNARDINI J.M., Le darwinisme social en France (1859-1918), Paris, Cnrs, 1997. – BOUANCHAUD D. H., Charles Darwin et le transformisme, Paris, Payot, 1976. – BOUDON R., BOURRICAUD F., “Herbert Spencer ou l’oublié”, RFS, 1984, 25, 343-351. – R. GAUTIER E., Le darwinisme social, Paris, Dervaux, 1880. – HOFSDATER, Social Darwinism in American Thought, New York, Richard Braziller, 1959. – KROPOTKINE P., Mutual Aid: a Factor of Evolution, London, Heinemann, 1992. – NOVICOW J., La critique du darwinisme social, Paris, Alcan, 1910. – PEARSON K., The Challenge of Facts, London, Fischer and Unwin, 1888; The Grammar of Science, London, Fischer and Unwin, 1892. – RUFF-EISENREICH B., “Le darwinisme social en Allemagne”. In P. TORT (éd.), opt.cit., 169-236.

Dominique Guillot

CNRS (Trung tâm nghiên cứu quốc gia), Paris

Nguyễn Đôn Phước dịch 

® Các thuyết tiến hoá, Sinh học và xã hội học, Spencer, Sumner, Vacher de Lapouge.

Nguồn: “Darwinisme social”, Dictionnaire de la pensée sociologique do Massimo Borlandi, Raymond Boudon, Mohamed Cherkaoui và Bernard Lavade chủ biên, Paris, PUF, 2005

Print Friendly and PDF