28.12.22

Khôi phục danh dự cho các “phù thuỷ” thời Trung Cổ: một ý nghĩa tượng trưng cho thời đại của chúng ta?

KHÔI PHỤC DANH DỰ CHO CÁC “PHÙ THỦY” THỜI TRUNG CỔ: MỘT Ý NGHĨA TƯỢNG TRƯNG CHO THỜI ĐẠI CỦA CHÚNG TA?

Tác giả: Julia Crawford[*]

Một bức tranh thế kỷ XVII về một giàn thiêu phù thủy. Trong nhiều thế kỷ, hàng ngàn người đã bị tra tấn và bị hành quyết, bị cáo buộc là phù thủy. © DNA

Tại Tây Ban Nha, quốc hội vùng Catalogne đã chính thức khôi phục danh dự cho hàng trăm phụ nữ bị buộc tội là phù thủy và bị hành quyết giữa thế kỷ XV và XVIII. Quốc hội Scotland có lẽ sẽ sớm đi theo hướng này. Châu Âu và Mỹ cũng đã có những biện pháp tương tự. Đối với những người tranh đấu, những hành động này có tiếng vang trong thời đại của chúng ta, một thời đại đầy tin đồn và tin giả, và giúp đấu tranh chống lại những cáo buộc phù thủy hiện nay.

Martine Ostorero

Họ có bay trên những cây chổi không? Họ có tỏa sáng trong bóng tối không? Họ có nhảy múa với quỷ không? Tất nhiên là không. Các phù thủy là là một chủ đề làm say mê từ nhiều thế kỷ trong những huyền thoại, truyện thần tiên, phim ảnh và cả trong một số kịch ngắnbộ phim hài nổi tiếng. Nhưng nếu các phù thủy gây cười trong những truyện thần tiên thì trái lại những cáo buộc phù thủy đã dẫn đến sự tra tấn và hành quyết ít nhất 50.000 người ở châu Âu trong nhiều thế kỷ qua. Theo Martine Ostorero, giáo sư về lịch sử thời Trung Cổ ở đại học Lausanne (Thụy Sĩ), 60 đến 70% trong số họ là phụ nữ, và không nghi ngờ gì nữa, xã hội thời Trung Cổ vốn ghét phụ nữ. Nhưng những phù thủy khác là đàn ông, có khi là trẻ em. Bà nhấn mạnh rằng những người này đã bị đặt dưới một “nền công lý kinh khủng” vì các tội của họ được xem là tồi tệ nhất. Họ bị kết tội dựa trên những lời thú tội, thường bị ép cung do tra tấn, bởi vì “rất hiển nhiên là không hề có chứng cứ”, Ostorero giải thích như vậy trong một cuộc phỏng vấn trên trang web Justice Info. Nhiều người trong số họ bị thiêu cháy trên giàn hỏa thiêu.

Các phù thủy đã bị hành hạ bởi Giáo hội, Nhà nước hay các cộng đồng địa phương vì họ bị xem là khác biệt, phản nghịch hay không phù hợp với các niềm tin tôn giáo chủ đạo. Họ thường bị xem là những người gây ra các thảm họa thiên nhiên, nạn đói và tử vong trẻ em.

Những người trong số các nạn nhân này có thực sự thực hành “phép phủ thủy”? Cũng như ngày nay, lúc đó có những những thầy lang, những người có những phương thuốc bí mật, đáp ứng một nhu cầu xã hội” Ostoreo xác định như vậy. Nếu các phương thuốc thất bại, có lẽ có nhiều khả năng họ bị kết tội là phù thủy. Nhưng bà nói thêm, khó biết có bao nhiêu người bị giết thuộc vào loại này, vì các cuộc hỏi cung có xu hướng tập trung vào những câu hỏi như yêu thích quỷ sứ hay ăn thịt trẻ em. Các phong trào hướng đến khôi phục danh dự cho các “phù thủy” bị hành quyết trong quá khứ có xu hướng xem tất cả phù thủy đều là những nạn nhân vô tội.

Nạn nhân của những sự hành hạ vì ghét phụ nữ

Ngày 26 tháng 1 vừa qua, quốc hội vùng Catalogne đã chấp thuận với một đa số quan trọng một nghị quyết nhằm khôi phục danh dự, tưởng niệm trên 700 phụ nữ bị tra tấn và giết chết cách đây nhiều thế kỷ. Các sử gia Tây Ban Nha đã phát hiện ra rằng Catalogne là một trong những vùng đầu tiên của châu Âu đã truy lùng các phù thủy. Catalogne cũng được xem như là một trong những vùng hành quyết tệ hại nhất.

Các nhóm độc lập và thiên tả đã tiến hành chiến dịch khẳng định rằng tên của các phụ nữ ngày nay được khôi phục danh dự chỉ mới được phát hiện gần đây thôi. Họ ước đoán rằng những phụ nữ này là “nạn nhân của những hành hạ vì ghét phụ nữ” và mong muốn rằng ký ức về họ được tôn vinh bằng cách đặt tên họ cho các con đường. “Ngày xưa, họ gọi chúng tôi là phù thủy, bây giờ họ đánh giá chúng tôi là “feminazis” - nữ quyền phát xít/nữ quyền cực đoan - hay những kẻ cuồng loạn hoặc những kẻ bị thất vọng về tính dục. Họ thực hiện những cuộc truy lùng phù thủy mà ngày nay chúng tôi gọi đó là hủy diệt phụ nữ”, nữ dân biểu vùng Jenn Diaz đã tuyên bố như vậy, bà thuộc đảng cánh tả ERC - La Gauche républicaine de Catalogne -, là một trong những đảng quan trọng nhất trong Quốc hội và chiếm vị trí lãnh đạo vùng Catalogne.

Zoe Venditozzi và Claire Mitchell

Về phía bắc, phong trào Witches of Scotland (Sorcières d’Écosse) – Phù thủy Scotland –, do nữ luật sư Claire Mitchell và nhà văn nữ Zoe Venditozzi thành lập, mong muốn rằng quốc hội Scotland chấp thuận khôi phục danh dự về mặt pháp lý cho khoảng 2.500 người, chủ yếu là phụ nữ, đã bị kết tội và bị hành quyết nhân danh luật của Scotland về phù thủy, được áp dụng từ 1563 đến 1736. Bà cũng mong muốn rằng nữ thủ tướng Nicola Sturgeon nói lời xin lỗi vào ngày 8 tháng 3, ngày quốc tế phụ nữ, và dựng một tượng đài tưởng nhớ những nạn nhân này.

2558 người bị hành quyết ở Scotland

Điều đó sẽ sửa chữa một sai lầm lịch sử, để cho các sử gia khi nhìn vào chúng ta, họ sẽ thấy rằng vào thế kỷ 21, chúng ta đã thừa nhận đó là một sai lầm”, Mitchell nói với chúng ta như vậy. “Điều đó cũng sẽ gửi đi một tín hiệu rõ ràng để có thể giúp những người ngày nay còn tranh đấu chống lại những cáo buộc phù thủy.”

Mitchell là một nữ luật sư đặc biệt quan tâm đến những sai lầm của xét xử và cách mà chúng có thể được sửa chữa. Rõ ràng bà lấy nguồn cảm hứng từ đó và từ những nghiên cứu của bà về pháp luật về phù thủy của xứ Scotland. Bà kể rằng bà cũng đã được thôi thúc bởi một thực tế đơn giản là khi đi dạo trong thủ đô Edimburg của Scotland, bà đã nhận ra rất ít phụ nữ được hiển thị trên các tên đường và những nơi công cộng, hoặc là để tôn vinh những thành tựu của họ hoặc vì những sai lầm kinh khủng mà đôi lúc họ phải chịu.

Người ta ước lượng có 3.837 người đã bị cáo buộc là phù thủy theo luật của Scotland về phù thủy và hai phần ba trong số họ bị hành quyết, thường là bị treo cổ và đốt cháy. Điều đó có nghĩa là 2.558 người, theo chiến dịch Phù thủy Scotland, trong đó 84% là phụ nữ. Trang web Internet của hiệp hội cung cấp một cái nhìn khái quát về nguồn gốc của một số điều hoang đường: “Những dấu hiệu gắn với phù thủy (cái chổi, chảo dầu, con mèo đen, cái mũ đen nhọn) thực ra được các “bà chủ quán bia” (alewife) sử dụng, họ là những phụ nữ sản xuất một thứ bia chất lượng tồi vào thời trung cổ để chống lại chất lượng kém của nước”, nói rõ ra là như vậy. “Bảng hiệu trên cửa của họ là một cái cán chổi để cho người ta biết là có thể mua bia ở đó; họ dùng những cái chảo lớn để làm rượu bia, những con mèo được nuôi để đuổi chuột đi xa và những cái mũ đen nhọn giúp dễ nhận diện ở chợ.”

Theo gương của phong trào “#MeToo”

Theo Mitchell, thực ra chiến dịch ở vùng Catalogne lấy cảm hứng từ chiến dịch ở Scotland, nhưng chiến dịch này có chiều sâu hơn và đã có thể hành động nhanh hơn. Nhưng bà hy vọng là Quốc hội Scotland năm nay sẽ thông qua một đạo luật bảo đảm việc khôi phục danh dự cho các phù thủy đã bị hành quyết. Natalie Don, thành viên của Đảng Quốc gia Scotland (SNP- Parti National écossais-), dự kiến sẽ đệ trình một dự luật sáng kiến lập pháp về vấn đề này. Theo Mitchell, dự luật này được sự ủng hộ của Đảng Quốc gia Scotland, Đảng Xanh và Đảng Tự Do, và hiện nay là đối tượng của giai đoạn tham khảo ý kiến của công chúng.

Những người tranh đấu chưa nhận được câu trả lời của bà Thủ tướng cũng như của chính phủ về yêu cầu công khai xin lỗi vào ngày 8 tháng ba, nhưng Mitchell vẫn lạc quan. Khi người ta hỏi bà liệu có khả năng một chính phủ xin lỗi về một điều mà họ không gây ra, bà nhấn mạnh là đã có những tiền lệ. Ví dụ bà dẫn chứng rằng năm 2019 Sotland chấp thuận khôi phục danh dự cho tất cả những người đàn ông đồng tính và lưỡng tính bị kết tội nhân danh các luật pháp kết tội tình dục đồng tính nay đã được bãi bỏ. Vậy thì tại sao lại là bây giờ, nhiều thế kỷ sau các sự việc ấy? Phong trào này diễn ra một cách rõ ràng vào lúc châu Âu xem xét quá khứ của mình, đặc biệt là quá khứ thực dân. Nó cũng theo gương của phong trào “#MeToo”, qua đó phụ nữ tố cáo sự bất công. Nhưng nhà sử học Thụy Sĩ Osterero nghĩ rằng có khi cũng có những lý do chính trị. “Những sáng kiến này thường được dẫn dắt bởi các nhóm nữ quyền và thiên tả muốn tăng cường các quyền của các nhóm thiểu số”, bà giải thích như vậy. “Nhưng trong trường hợp của Catalogne và Scotland, đó là những phong trào độc lập. Họ muốn cho thấy rằng họ sẵn sàng thừa nhận những sai lầm trong quá khứ trong khi chính phủ trung ương thì không sẵn sàng.”

Thụy Sĩ, nơi hành quyết cuối cùng một phù thủy ở châu Âu

Tuy nhiên, đây không phải là những nơi duy nhất đã tiến hành những sáng kiến như vậy. Thụy Sĩ cũng đã hành quyết các “phù thủy” trong thời Trung Cổ, vào thời kỳ mà Thụy Sĩ không những là một nước nhỏ mà còn là một Nhà nước liên bang yếu. Theo Ostorero, mặc dù có nhiều lý do, nhưng thường đó là một phương tiện để chính quyền cố giữ sự kiểm soát bằng khủng bố. Trong thực tế, Thụy Sĩ đã hành quyết những người được cho là phù thủy trong một thời gian dài hơn bất kỳ một nước châu Âu nào khác. So với dân số, Thụy Sĩ cũng đã hành quyết số người lớn nhất vì tội làm phù thủy. “Phù thủy” cuối cùng bị hành quyết tại Thụy Sĩ và châu Âu là Anna Göldi, ở bang Glaris, vào năm 1782. Bà đã bị chặt đầu ở quảng trường công cộng. Bà cũng là người đầu tiên được khôi phục danh dự tại Thụy Sĩ, được Quốc hội bang Glaris truy lại và “xóa tội” vào năm 2008.

Nhiều bang khác của Thụy Sĩ, đặc biệt là vùng nói tiếng Pháp nơi có các vụ hành quyết nặng nề nhất, cũng đã có những biện pháp tương tự trong mười lăm năm qua, trong đó có Fribourg và Genève, theo Ostorero. Ở bang Vaud, một tấm biển đã được dựng lên cách đây hơn một năm tại lâu đài Ouchy trong Lausanne, thủ đô của bang, để tưởng nhớ Jaquette de Clause, một trong những “phù thủy” đầu tiên bị bức hại tại bang Vaud. Bà đã bị giam ngay tại lâu đài Ouchy, bên bờ hồ Léman. Theo Ostorero, vốn đã được tham khảo ý kiến về sáng kiến này, nó nằm trong tiến trình hành động của chính quyền Lausanne nhằm đề nghị thêm tên đường và quảng trường cho phụ nữ. Thành phố Vardø ở miền bắc của Na Uy đã khánh thành vào năm 2011 một đài tưởng niệm vụ xét xử và hành quyết năm 1621 liên quan đến 91 người vì làm phù thủy.

Và tất nhiên không chỉ có châu Âu. Tại Mỹ, Quốc hội của bang Massachusetts đã thông qua vào tháng 11 năm 2001 một đạo luật xóa tội cho tất cả những người đã bị kết tội trong bản án xét xử các phù thủy vùng Salem và nêu tên từng người vô tội.

Tin giả và truy bắt phù thủy thời đương đại

Ngày nay, đâu là sự thích đáng của những cuộc khôi phục danh dự này? Ostorero nghĩ rằng đây là dịp để các sử gia tìm hiểu sâu hơn trong bản chất phức tạp của những cuộc truy bắt phù thủy này. Nhưng hơn như thế nữa, bà thấy ở đó một sự báo trước cho thời đại chúng ta. Phần lớn những người gọi là phù thủy đó đã bị xét xử dựa trên những tin đồn. Thế mà, những tin đồn, “tin giả” và các thuyết âm mưu ngày nay vẫn còn gây tai hại. Bà dẫn ra trường hợp của QAnon, những nhà lý thuyết cực hữu về âm mưu, ủng hộ Trump, ít nhất đã là phần nào nguyên nhân của cuộc tấn công Capitole tháng 1 năm 2021 tại Mỹ.

Và rồi đáng tiếc thay, những cuộc truy bắt phù thủy không chỉ thuc về quá khứ, một nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc nhấn mạnh, được thông qua hồi tháng bảy vừa qua, kêu gọi mọi quốc gia chống lại cách thực hành này. Leo Igwe, người thực hiện phong trào trong tổ chức phi chính phủ Humanists International chống lại những cáo buộc phù thủy hiện nay, khẳng định rằng vấn đề này còn hoành hành tại nhiều vùng trên thế giới, đáng lưu ý là ở châu Phi, Ấn Độ và châu Đại Dương. Những người bị nhắm đến là những người lớn tuổi – nhất là các phụ nữ – và các trẻ em, họ trở thành một gánh nặng cho gia đình và cộng đồng của họ, ông giải thích như vậy trên trang web Justice Info từ Nigeria. Ông buộc tội chính quyền đã không cung cấp các trang thiết bị cần thiết, các trợ cấp xã hội và chăm sóc y tế miễn phí.

Được hỏi về số phận dành cho các nạn nhân, Igwe đưa ra vài ví dụ. “Trẻ em được đưa đến các trung tâm ở đó chúng phải chịu “phép trừ tà”. Chúng có thể bị buộc nhịn ăn, bị đánh đập, tra tấn. Ở miền nam Nigeria, chúng có thể bị đánh với một cây sắt nóng, đã gây nên những vết thương và những thiệt hại không thể cứu chữa được.”

Một sự khôi phục danh dự cho các “phù thủy” thời Trung Cổ được chấp thuận tại Scotland có thể giúp gì cho phong trào tại châu Phi ngày nay không? Igwe tin tưởng rằng nó có thể có một ảnh hưởng mạnh, nhất là với các công nghệ hiện đại và việc phổ biến thông tin nhanh chóng. “Thông điệp được gửi đi rất mạnh mẽ: điều đã xảy ra tại Scotland cách đây 300 năm là sai và điều đang xảy ra bây giờ tại Ghana là sai – rằng những người bị nhắm đến bởi những cáo buộc làm phù thủy là những nạn nhân, rằng đó là một sai lầm của xét xử và họ xứng đáng được xin lỗi.

________________________

Vài nét về tác giả

Julia Crawford là một nhà báo và phiên dịch cho trang web JusticeInfo.net từ tháng sáu 2015. Bà là một nhà báo có nhiều kinh nghiệm, biên tập viên và người huấn luyện nghề báo, chuyên về châu Phi và cơ chế công lý về các tội lỗi trong quá khứ (transitional justice). Trước đây bà đã làm việc cho Radio France International ở Paris, với tư cách biên tập viên cho Hirondelle News Agency ở Arusha, Tanzania. Bà làm việc với IRIN ở Nairobi, với Committee to Protect Journalists - New York và BBC Media Action – London. Hiện nay bà làm việc bán thời gian cho swissinfo.ch.

[Theo https://www.justiceinfo.net/en/auteur/jcrawford]

Bài báo này được Justiceinfo.net công bố đầu tiên.

Công bố đầu tiên trên UP’Magazine: 14/02/22

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:La réhabilitation des “sorcières” du Moyen Âge: un symbole pour notre époque?”, AOC, 17.8.2022.




Chú thích:

[*] Nhà báo

Print Friendly and PDF