14.12.22

Dẫn nhập cuốn sách về DUY TÂN của Mathilde Tuyết Trần

Dẫn nhập

DUY TÂN

MỘT VÌ VUA YÊU NƯỚC, HIỆN ĐẠI, VỚI TÂM HỒN NỔI LOẠN CHO ĐẤT NƯỚC

Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu

 

Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân

Nguyễn Du

 

Khi mà các con đã xây dựng lên được một quốc gia trong tâm hồn, khi mà các con đã xây dựng nên một quê hương bằng đôi tay của các con, thì các con sẽ thực sự có độc lập, một nền độc lập không mắc nợ ai, được chinh phục bởi một dân tộc ý thức được sự cao cả của nhiệm vụ chứ không phải đạt được từ những cuộc tranh giành của một số quốc gia vĩ đại mà các con sẽ chỉ là một đơn vị tiền tệ trao đổi... mà thôi.

Hoàng tử Vĩnh San, trong Hiệu triệu gửi đến đồng bào
lồng trong tiếng nói của Mẹ Việt Nam tháng 6 năm 1945

Lời nói đầu. Không may, sau một cơn bệnh nặng kéo dài, tác giả Mathilde Tuyết Trần đã qua đời vào lúc 4.30 chiều ngày 25 tháng 10, năm 2022 tại Pháp, hưởng thọ 70 tuổi. Sự ra đi của Tuyết Trần là một mất mát lớn, và để lại bao nhiêu thương tiếc trong lòng các cựu sinh viên Việt Nam tại Tây Đức và Tây Bá Linh của những năm 1960-70, cũng như trong lòng bè bạn của Mathilde. Bài dẫn nhập này tôi được Tuyết Trần mời viết cho bản in dự kiến ở Việt Nam của quyển sách Vua Duy Tân, nhưng do sự khác biệt giữa Tuyết Trần và một Công ty sách trong nước mà Tuyết Trần đã giao, bản ấy trước mắt xem như không có ngày ra mắt. Để tưởng nhớ tác giả, tôi xin phổ biến nó. Quyển này được in năm 2021 tại Pháp.

Quyển sách Vua Duy Tân của Mathilde Tuyết Trần, bản in tại Pháp năm 2021

Tôi từng rất ngưỡng mộ vua Duy Tân, người có lòng yêu nước sâu sắc, nhiều tài năng, hội nhập được văn hóa phương Tây, mang trong mình xung lực của một vị vua đổi mới. Nay sau khi đọc quyển sách Vua Duy Tân - Hoàng tử Vĩnh San, Duyên nghiệp 29 năm lưu đày trên đảo La Réunion 1916-1945 của tác giả Mathilde Tuyết Trần, sự hiểu biết của tôi về vị vua này lại càng thêm sâu sắc.

Ảnh chụp Hoàng đế Duy Tân lúc mới lên ngôi, 1907

Như đề tựa đã thổ lộ, trọng tâm tác phẩm là những năm tháng từ lúc vua Duy Tân 16 tuổi cho đến lúc tử nạn. Quyển sách, qua 9 chương sách dài và chi tiết, đã vẽ lên con người rất đặc biệt của vị vua trẻ bị lưu đày này, khác hẳn với những vị vua “nho giáo” của Việt Nam, hay với vua “hiện đại” như Bảo Đại. Ngòi bút của Tuyết Trần diễn tả vua Duy Tân là người có đầy đủ những tính chất của một vị vua hiện đại, “thoát Á” : tài giỏi, có tầm nhìn, dấn thân, năng động, am hiểu và thành thạo kỹ thuật khiến cho người Pháp kính trọng, có tư cách cao quý, có lòng yêu nước sâu đậm, luôn luôn muốn về đất nước để phục vụ một Việt Nam mới mà ông hằng mơ ước. Ở ông, người Việt Nam có thể tìm thấy một nhà lãnh đạo có thể đổi mới đất nước toàn diện, có đủ tâm lẫn tầm.

Khác với các vì vua Thành Thái, hay Hàm Nghi, ông bị thực dân Pháp đối xử khắc nghiệt, bị cô lập và theo dõi ngay trên đảo tù La Réunion, chỉ vì ông là một ông vua “bướng bỉnh”, có tinh thần độc lập cao, cá tính mạnh, và máu “nổi loạn” từ nhỏ, không dễ để bị người khác sai khiến, vì thế dưới mắt các quan Tây thuộc loại người “nguy hiểm”.

Sống ở đảo phải thường xuyên đối diện với sự cô lập, bị theo dõi, sự túng thiếu, nhưng ông luôn luôn phấn đấu sống không an phận, than thở hay thụ động, mà tham gia tích cực vào các sinh hoạt văn hóa, như chơi đàn vĩ cầm, tham gia dàn nhạc giao hưởng, tự học, đọc rất nhiều loại sách nhất là sách khoa học, kỹ thuật truyền tin, sửa máy, tham gia diễn thuyết, viết báo, làm thơ, đánh kiếm, cỡi ngựa. Ông và em ông, Vĩnh Chương, nổi tiếng là những nài ngựa ở đảo và đã đoạt nhiều giải thưởng. Ông là thành viên của Hội Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật của đảo. Ngoài ra ông cũng còn là thành viên của hội Tam Điểm, một hội kín phổ biến ở phương Tây với lý tưởng Tự do, Công bằng, Tình huynh đệ, gồm những người khai sáng, tiến bộ và có lòng nhân ái, không phân biệt tôn giáo. Ông sống ẩn dật trong tâm trạng chờ thời cơ đến để trở lại Việt Nam. Sau 20 năm ở tù trên đảo, tháng 6, 1936 ông viết thư cho Bộ thuộc địa xin ân xá, nhưng không được trả lời. Bộ trưởng Bộ thuộc địa bấy giờ là Marius Moutet, một nhà ngoại giao và cố vấn thuộc địa của Đảng Xã hội Pháp, làm bộ trưởng Bộ này bốn nhiệm kỳ liền trong những thập niên 1930 và 1940.

Rồi một ngày nọ trong Thế chiến II, Vĩnh San tham gia chiến đấu trong đoàn quân “Nước Pháp tự do”, theo tiếng gọi cứu nước của Tướng Charles de Gaulle, chống lại chính phủ Vichy bán nước, sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy cho bản thân. Điều đó diễn ra ngay sau ngày 18, tháng 6, 1940 khi ông bí mật bắt được sóng phát thanh của lời kêu gọi kháng chiến của tướng De Gaulle từ Luân Đôn có lời lẽ gây xúc động mạnh đến tâm cang cháy bỏng của ông: Nước Pháp đã thất bại một trận đánh! Nhưng nước Pháp chưa thất bại cuộc chiến ! […] Dù bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra, ngọn lửa kháng chiến của nước Pháp không thể bị dập tắt và sẽ không bao giờ tắt. Lửa đấu tranh, yêu tự do và độc lập của ông bốc cháy.

Ông cảm nhận lòng yêu nước cháy bỏng của de Gaulle cũng chính là lòng yêu nước đang cháy bỏng của ông. “Tôi ý thức rằng đã phục vụ nước Pháp như tôi đã phục vụ chính đất nước tôi.” Vĩnh San tham gia vào đoàn quân kháng chiến của de Gaulle không do dự, với tư cách là chuyên gia truyền tin, xem đó là một phần của cuộc kháng chiến chính nghĩa của chính mình cho độc lập, tự do của Việt Nam.

Sau khi Thế chiến II chấm dứt, ông kỳ vọng được gặp de Gaulle, để bàn về một giải pháp chính trị cho Việt Nam. Vĩnh San tin rằng một người yêu nước nồng nàn như de Gaulle, đã đấu tranh cho độc lập, tư do và chủ quyền cho quốc gia mình, cảm thấy đau đớn và nhục nhã thế nào là mất nước, thì chắc cũng sẽ thấu hiểu cảnh mất nước của những dân tộc khác. Trước khi đi gặp, Vĩnh San có viết Di chúc đưa ra quan điểm ông cho một giải pháp chính trị về một nước Việt Nam độc lập, thống nhất ba miền, tiến tới dân chủ thông qua giáo dục, khai sáng, và nằm trong Liên hiệp Pháp. Trong khi đó, ý đồ của De Gaulle về Đông Dương vẫn là muốn giữ “Nam Kỳ” thuộc địa Pháp (Diễn văn Brazzaville). Vĩnh San cũng gửi lời Hiệu triệu tha thiết đến đồng bào, kêu gọi đoàn kết, có niềm tin, và hãy sẵn sàng xắn tay áo xây dựng nhà máy, thành phố mới trên quê hương mới.

Chương IV Vua Duy Tân và tướng Charles de Gaulle của quyển sách là rất đặc biệt, cho thấy những kỳ vọng mới cho Việt Nam, và cũng cho Pháp, sẽ mở ra một tương lai mới cho đất nước. Trong Hồi ký của mình năm 1964, de Gaulle đã nhận xét về Vĩnh San: “Ông có cấp bậc chỉ huy quân đội. Đó là một cá tính mạnh mẽ. Vài ba mươi năm lưu đày vẫn chưa xóa được ký ức về vị vua này trong tâm hồn người An Nam. Ngày 14 tháng mười hai, tôi sẽ tiếp cựu hoàng, để xem với ông, từ người với người, những gì chúng ta có thể hành động chung với nhau được”, và “Tôi tiếp ông để tìm kiếm với ông, một cách bình đẳng, ngang hàng, những gì ta có thể làm chung với nhau.” Chẳng phải De Gaulle không tính toán. Chắc chắn ông muốn sẽ thay Bảo Đại bằng Duy Tân. Mỗi người có một giấc mơ của riêng mình.

Bao nhiêu hy vọng bừng sáng. Thực tế, cuộc hội kiến Vĩnh San – de Gaulle đã bị Bộ thuộc địa tìm cách ngăn cản, vì họ không muốn có một giải pháp hòa bình cho Việt Nam. Nhưng do sự can thiệp của de Gaulle cuối cùng Vĩnh San cũng đến Paris và cuộc gặp được thực hiện. Sau buổi họp ngày 14.12.1945, Vĩnh San rất lạc quan: “ Đã xong rồi, đã quyết định rồi. Chính phủ Pháp đặt tôi trở lại ngai vàng An Nam, tướng de Gaulle sẽ cùng tôi trở về nơi ấy. Khi nào? De Gaulle dự tính là những ngày đầu tháng ba (1946)” như Vĩnh San viết cho người bạn tâm sự Eugène Pierre Thébault. Giữa Vĩnh San và Bảo Đại, người đang là hoàng đế của Việt Nam từ năm 1926, de Gaulle đã quyết định chọn lựa Vĩnh San làm giải pháp. Thật ra, Vĩnh San không hẳn “muốn trở lại ngôi báu mà chỉ muốn làm một chiến sĩ mà thôi. Sau này, khi nước nhà đã được giải phóng, đã được độc lập, ai muốn làm vua làm chúa gì, sẽ do quốc dân quyết định bằng bầu cử.” Ông ý thức tình hình Việt Nam đã đến hồi phức tạp. Tuy nhiên, một giải pháp cho một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất vẫn chưa phải tắt hẳn.

Vua Duy Tân năm 1930

Nhưng rồi những kỳ vọng đó đã bị dập tắt một cách oan nghiệt, khi máy bay đưa Duy Tân từ Paris trở lại La Réunion bị rơi vào cuối năm 1945, chỉ 12 ngày sau buổi hội kiến với de Gaulle tại Paris. Chưa hết, hai năm sau, thống soái Philippe Leclerc, người từ diều hâu chuyển qua bồ câu, nhận định tình hình không còn chiến thắng được đối với Pháp, và chủ trương hòa bình, thương lượng, cũng tử vong trên bầu trời Algerie. Leclerc từng tuyên bố: “Chủ nghĩa chống cộng sẽ là một công cụ vô dụng trừ khi vấn đề chủ nghĩa dân tộc được giải quyết” và khuyên: “Hãy thương lượng bằng mọi giá!”, “Chúng ta phải giữ Việt Nam trong Liên hiệp Pháp, đó là mục tiêu, dù phải nói đến hai chữ độc lập.” Nhưng các thế lực đen tối không muốn thấy một giải pháp êm đẹp cho Việt Nam. Sau cái chết đột ngột của Leclerc, Thierry d'Argenlieu, đô đốc hải quân và được cử làm cao ủy của Pháp tại Viễn Đông, có toàn quyền, và là một trong những tay hiếu chiến như thế. Ông này liên kết với các lực lượng thực dân (nhất là ở Nam Kỳ) chống lại mọi giải pháp chính trị với chính quyền Hồ Chí Minh.

D'Argenlieu thuyết phục chính phủ Paris rằng Việt Minh có thể bị nghiền nát: “Từ bây giờ trở đi, thương thảo với Hồ Chí Minh là điều không thể có đối với chúng ta … Chúng ta sẽ tìm người khác để thương lượng với họ.” D’Argenlieu nghĩ đến Bảo Đại như một giải pháp, một con bài họ đã nắm chặt trong tay, nhưng đó là một người mà tên tuổi lúc bấy giờ, xét về lòng yêu nước, không thể nào sánh bằng ông Hồ Chí Minh.

Sự ngoan cố của thế lực thực dân, bản án vô thời hạn bất công đối với Vĩnh San, cách đối xử khắc nghiệt đối với ông, sự gạt bỏ tiếng nói hợp lý của ông, và chuyến máy bay rơi, đó có lẽ là những dữ kiện chính đã lập trình cho những cuộc chiến tranh khốc liệt chưa từng có và gây những chấn thương vô cùng nặng nề cho dân tộc Việt Nam. Thực dân Pháp đã ngoan cố đi nhiều nước cờ sai, ngược lại tinh thần thời đại là giải thực và độc lập dân tộc sau Thế chiến II. Tháng 11 năm 1946, Pháp tiến hành một cuộc oanh tạc ác liệt từ trên không cũng như từ biển vào các cơ sở của Việt Minh tại Hải Phòng, giết hại hàng nghìn người. Ngày 19 tháng 12, tướng d’Argenlieu ra tối hậu thư cho Việt Minh đầu hàng. Nhưng người Pháp đã lầm to. Họ chỉ làm cho người Việt càng đoàn kết với nhau hơn trong cuộc kháng chiến thần thánh cứu nước.

Các nước cờ sau rồi cũng phạm những sai lầm như thế. Sự “ngạo nghễ quyền lực” (J. William Fulbright) đã liên tiếp biểu dương sức mạnh tối đa trên đất nước vốn đã nhiều đau khổ.

Một giấc mơ cho Duy Tân, cho Việt Nam và cho danh dự của Pháp đã tan biến. Nếu định mệnh không nghiệt ngã, Việt Nam có thể có một sự phát triển rất khác, sẽ không phải trả giá quá cao, chịu những chấn thương khủng khiếp của các cuộc chiến tranh liên tiếp. Đọc quyển sách mà thấy vô cùng hụt hẫng, tiếc thương, và tức giận cho định mệnh phũ phàng dành cho ông và đất nước.

Sau cái chết đột ngột cuối năm 1945, Vĩnh San được truy tặng Huân chương kháng chiến Pháp hạng nhất ngày 24.04.1946. Duy Tân phải nằm lại tiếp 42 năm tại một nơi đồng hoang hiu quạnh ở một vùng đất Trung Phi xa lạ, trước khi, năm 1987, hài cốt của ông được đồng đội, các thành viên trong gia đình, dưới sự chứng kiến của hoàng tử Georges Vĩnh San, và chính quyền sở tại bốc từ nghĩa địa ở M'Baiki, đưa về Paris làm lễ truy điệu tại đền Vincennes rồi sau đó về Huế an táng theo những nghi thức truyền thống trang trọng với sự trợ giúp của chính quyền Việt Nam dưới thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cũng như sự trợ giúp của chính phủ Pháp dưới thời Thủ tướng Jacques Chirac. Ngài đã về quê hương, cội nguồn, và yên nghỉ vĩnh hằng nơi mà Ngài hằng yêu dấu.

Vua Duy Tân có thân hình cao 1,50 mét và nặng dưới 50 kí lô, nhưng có một ý chí mạnh mẽ, bất khuất. “Một cơ thể nhỏ bé của những tinh thần quyết chí được thắp sáng bởi một niềm tin không gì lay chuyển được vào sứ mệnh của họ”, như Mahatma Gandhi nói, “có thể thay đổi tiến trình lịch sử.” Duy Tân có thể là một con người cũng có thể có một ảnh hưởng đáng kể như thế.

Cơ hội đã trôi qua. Tuy chúng ta tuy không thể thoát khỏi lịch sử, nhưng một quyển sử hay có thể cất bớt đi gánh nặng tâm lý của sự vô minh đang đè nặng trong lòng để giúp ta có cái nhìn sáng sủa hơn. Sự thương tiếc đối với vua Duy Tân sẽ biến thành năng lượng hữu ích để xây dựng cái mới. Và hồn ông sẽ sưởi ấm người đời sau.

Những ai quan tâm đến Vua Duy Tân xin mời đọc quyển sách rất có giá trị của Mathilde Tuyết Trần. Tác giả là người miệt mài viết nhiều quyển sách có giá trị về Việt Nam như Dấu Xưa – Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, Việt Bắc Một Mùa Xuân, Từ Lũng Cú đến Đất Mũi. Tác phẩm Vua Duy Tân có thể nói là cao điểm của công trình nghiên cứu lịch sử của tác giả bắt đầu từ Dấu xưa – Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn mười năm trước đó. Từ 2005 đến 2011, chị cùng chồng là Pierre từng làm ba chuyến đi Xuyên Việt để nghiên cứu. Tuyết Trần bắt đầu viết sách về Việt Nam từ năm 2008 mà Dấu Xưa là tác phẩm đầu tay của chị về triều Nguyễn. Lịch sử Việt Nam là một đề tài luôn luôn lôi cuốn và thôi thúc chị. Ngoài ra chị còn hợp tác với tạp chí Quê Hương của Bộ Ngoại Giao, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển của sở Công nghệ tỉnh Thừa Thiên-Huế, tạp chí Hồn Việt của trung tâm nghiên cứu Quốc học và Hội nhà văn Việt Nam, tạp chí Outlook của Thông tấn xã Việt Nam, và nhật báo Công An thành phố Hồ Chí Minh với bút hiệu Bảo Tâm (trang tin tức quốc tế). Hiện chị đang sống cùng chồng tại một làng gần Paris.

(31.5.1952 – 25.10.2022)

Mathilde an nghỉ tại thành phố làng Lagny, nơi sinh trưởng của Pierre chồng chị, phía Bắc Đông Bắc Paris, cách Paris khoảng 110 cây số.

Là một nữ sinh viên từ những năm đầu thập niên 1970 tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, Tuyết Trần tham gia vào những cuộc dấn thân thời chiến tranh, rồi từ năm 2000 chị định cư ở Pháp cho đến nay. Cái duyên đã đưa đẩy chị kết bạn với với các con của Vua Duy Tân còn sống như công chúa Suzy Vĩnh San, hoàng tử Guy Georges Vĩnh San và hoàng tử Claude Vĩnh San, từ đó tiếp cận được nhiều nguồn tư liệu tiếng Pháp và hình ảnh quý hiếm. Những người con Vua Duy Tân cũng muốn trao cho Tuyết Trần hết những tài liệu họ còn đang lưu giữ hay biết nơi nào lưu giữ chưa ai biết để mong truyền chúng lại cho đời sau. Mathilde Tuyết Trần ý thức được áp lực tình cảm và trách nhiệm về sự hiểu biết về vua Duy Tân của mình. Những người con ông, sau nhiều thập niên liền, đã không biết cha mình là ai, không hình dung được tầm vóc của ông, cho đến khi một ngày nọ, khi ông đã qua đời, thấy cha mình là cựu Hoàng đế An Nam, một người có tên tuổi và được người đời quý trọng, trong đó có cựu Tổng thống Charles de Gaulle mà sau này người thân của ông đã hỗ trợ việc đem hài cốt hoàng tử Vĩnh San về an nghỉ ở Huế.

Với quyển sách, Tuyết Trần nói muốn “lấp một vài chỗ trống trong cuộc đời ngoại lệ của một vị vua triều Nguyễn, xứng đáng nhất sau đời Tự Đức”. Chị nói khiêm tốn thôi. Thật ra hơn thế nữa, Tuyết Trần đã lấp rất nhiều lỗ trống và làm cho bức tranh về vua Duy Tân giờ sáng sủa và mạch lạc hơn. Những người con của Hoàng tử Vĩnh San chắc cũng sẽ được mãn nguyện vì đã đặt niềm tin vào đúng chỗ.

Đầu tháng 9, 2021

Nguyễn Xuân Xanh

Tham khảo

Max Hastings, Vietnam. An Epic History of a Tragic War. WILLIAM COLLINS, 2018. The Sunday Times Bestseller.

Cảm ơn. Tác giả cảm ơn ông Nguyễn Ngọc Giao về một số thông tin rất bổ ích.

Nguồn: Dẫn nhập cuốn sách về DUY TÂN của Mathilde Tuyết Trần, DienDan.Org, ngày 01/11/2022

Print Friendly and PDF