8.12.22

Đoàn kết Bắc-Nam, tài trợ, tranh luận về 1,5°C, khí mê-tan: những điều cần nhớ từ COP27

ĐOÀN KẾT BẮC-NAM, TÀI TRỢ, TRANH LUẬN VỀ 1,5°C, KHÍ MÊ-TAN: NHỮNG ĐIỀU CẦN NHỚ TỪ COP27

Christian de Perthuis

Ngày 17 tháng 11 năm 2022 tại Sharm el-Sheikh. Ảnh: MOHAMMED ABED/AFP

Sau những cuộc đàm phán gay go, các nước nhóm họp tại hội nghị về khí hậu ở Sharm el-Sheikh (ngày 6-18 tháng 11 năm 2022) đã đạt được thỏa thuận về vấn đề tài trợ khí hậu, thông qua việc thành lập quỹ “vì những tổn thất và thiệt hại”.

Như thế, trong quyết định cuối cùng, COP27 đã mở ra một triển vọng mở rộng các nguồn tài trợ từ các nước giàu sang các nước kém phát triển.

Nếu không có các nguồn tài trợ đó, thì con đường hướng đến mục tiêu 1,5°C, một mục tiêu tối hậu của Thỏa thuận Paris, sẽ không khả thi.

Với vấn đề tài trợ là trọng tâm các cuộc đàm phán, COP27 ở Sharm el-Sheikh hứa hẹn một cuộc đối đầu giữa Bắc và Nam. COP27 đã không phủ nhận những phỏng đoán, và Châu Phi, được đại diện hùng hậu (với số đại biểu nhiều gấp 2,3 lần so với năm 2021), đã lên tiếng tại hội nghị.

Tuy nhiên, sự phân cực trong các cuộc tranh luận giữa các nước giàu và các nước kém phát triển không làm quên đi vai trò then chốt của các nước mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Indonesia, v.v.) trong việc đối phó với hiện tượng thời tiết nóng lên toàn cầu. Thực vậy, nhóm các nước này kiểm soát hơn 60% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.

Việc giảm lượng khí thải, chủ yếu, phụ thuộc vào chính nhóm các nước này.

Động thái phát thải khí nhà kính theo tình hình kinh tế của các nước. Dữ liệu của PBL, Biểu đồ do tác giả cung cấp

Tài trợ khí hậu, một cuộc tranh chấp với nhiều nguyên nhân

Dưới sự thôi thúc của Hoa Kỳ, vào năm 2009, các nước phát triển đã hứa sẽ chuyển ít nhất 100 tỷ US$ mỗi năm, kể từ năm 2020 cho các nước đang phát triển, để giảm nhẹ những hậu quả từ sự biến đổi khí hậu và thích ứng với sự biến đổi khí hậu.

Năm 2015, lời hứa đó đã được ghi trong Thỏa thuận Paris. Năm 2020, vẫn chưa có đủ con số đó (83 tỷ US$ theo tổ chức OCDE). Và có thể cũng không có đủ trước năm 2023, theo báo cáo trong Bản kế hoạch phân phối tài chính về khí hậu [Climate Finance Delivery Plan].

Một vấn đề bất hòa thứ hai liên quan đến việc diễn giải Điều 8 của Thỏa thuận Paris về cách tiếp cận phối hợp trước các “tổn thất và thiệt hại” do hiện tượng thời tiết nóng lên toàn cầu gây ra. Các nước kém phát triển hoặc các quốc đảo, bị ảnh hưởng nặng nề, đã yêu cầu được chuyển tiền theo cái mà họ gọi là khoản “nợ khí hậu” của các nước giàu, khi mà cho đến nay vẫn vấp phải một sự từ chối.

Các nước kém phát triển không có khả năng tiếp cận các nguồn tài trợ, đôi khi rất lớn, mà một số nước mới nổi khác có thể có được để chuyển đổi các cơ sở hạ tầng năng lượng của họ. Chẳng hạn, Nam Phi và Indonesia, theo thứ tự, đã nhận được 8,5 tỷ US$ và 20 tỷ US$ để đẩy nhanh việc loại bỏ việc sử dụng than đá trong khuôn khổ quan hệ đối tác với các nước phát triển.

Cuối cùng, cuộc tranh chấp còn được khêu lên bởi tình trạng ngày càng trầm trọng gần đây của sự bấp bênh năng lượng và mất an ninh lương thực trên thế giới.

Năm 2022 có nguy cơ là năm có sự sụt giảm đầu tiên, trong vài thập kỷ qua, về lượng người tiếp cận được điện năng. Ngày nay, cuộc chiến ở Ukraine kết hợp với sự tái diễn các cú sốc khí hậu, làm cho giá cả các thực phẩm cơ bản tăng cao, khiến cho những người nghèo nhất thiếu các thực phẩm cơ bản và làm gia tăng đáng kể nạn đói trên thế giới, xóa sạch những tiến bộ đạt được trong nhiều thập kỷ qua.

Mở rộng các nguồn tài trợ

Nhọc nhằn giành chiến thắng trong hai ngày cuối của hội nghị, quyết định cuối cùng của COP27 sẽ mở rộng các nguồn tài trợ khí hậu theo ba cách chính.

Thứ nhất, COP27 đã công nhận nguyên tắc của một cơ chế dành riêng cho việc tài trợ các tổn thất và thiệt hại. Đây là một chiến thắng, do các nước kém phát triển và các quốc đảo áp đặt, những nước đã phá vỡ mặt trận thống nhất của các nước giàu. Chiến thắng đó đã được tạo thuận lợi nhờ vai trò trung gian của Liên minh Châu Âu, cởi mở hơn so với Hoa Kỳ trên vấn đề này.

Vấn đề còn lại là đàm phán về các chi tiết của cơ chế, đặc biệt là phạm vi các nước tài trợ (vấn đề định vị các nước mới nổi?) và các quy tắc quy định các điều kiện để tiếp cận các nguồn tài trợ mới đó.

Thứ hai, các nước đã đồng ý tăng các nguồn tài trợ khí hậu truyền thống, đặc biệt là tài trợ cho khả năng thích ứng với sự biến đổi khí hậu, với trọng tâm là sản xuất nông nghiệp để đối phó với tình trạng mất an ninh lương thực. Khoản tài trợ bổ sung này có thể giúp vượt 100 tỷ US$ đã hứa trong năm 2009.

Thứ ba, hai cơ chế của điều 6 về thị trường carbon tạo thành nguồn tài trợ thứ ba. Người ta có thể sử dụng điều khoản liên quan đến “các Nhà nước” (điều 6.2), các nước như Nhật Bản và Thụy Sĩ sẵn sàng tài trợ cho việc giảm phát thải ở các nước khác, thông qua cơ chế này.

Cần phải đợi đến năm 2024 để các tác nhân tư nhân có thể tiếp cận kiểu thị trường này (điều 6.4), vốn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động các nguồn vốn tư nhân, mà nếu không có các nguồn vốn đó thì sẽ khó có thể có được sự thay đổi quy mô các nguồn tài trợ khí hậu quốc tế.

Các đòn bẩy khác cũng đã được đề cập, nhưng không có sự đồng thuận cần thiết để có thể đưa chúng vào các quyết định của COP. Đòn bẩy mạnh nhất là việc thành lập một nguồn lực chuyên dụng, dựa trên việc đánh thuế các năng lượng hóa thạch, hay tốt hơn nữa là trên việc đánh thuế khí thải CO2.

Cuộc tranh luận tồi tệ về 1,5°C

Việc đưa vào COP mục tiêu hạn chế hiện tượng thời tiết nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp là một chiến thắng đối với các nước kém phát triển và các quốc đảo nhỏ, mà tại COP21 năm 2015, họ đã coi đó là điều kiện để gia nhập Thỏa thuận Paris .

Trang bìa của tạp chí Anh minh họa cho buổi khai mạc COP27. The Economist

Nghịch lý thay, vấn đề 1,5°C lại một lần nữa trở thành một đề tài tranh luận khi các nước [kém phát triển và các quốc đảo nhỏ] này giành được một chiến thắng thứ hai trong quá trình đàm phán. Theo một số người, 1,5°C là mục tiêu không thực tế, thậm chí theo lời của các nhà khoa học. Một điểm cần làm rõ.

Trong tất cả các kịch bản khí hậu được phân tích trong bản báo cáo lần thứ 6 của IPCC được công bố vào năm 2021-2022, hiện tượng thời tiết nóng lên sẽ đạt mức 1,5°C trong vòng từ một đến hai thập kỷ tới, để sau đó tăng nhẹ hơn một chút. Trong mọi cách, điều này có nghĩa là mục tiêu 1,5°C là không khả thi. Ngược lại, điều này hàm ý kéo dài thời gian giảm phát thải một khi đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu, để chuyển sang chế độ phát thải âm và sau đó làm hạ mức tăng nhiệt độ thời tiết xuống mức 1,5°C.

Cuộc tranh luận tồi tệ về mục tiêu 1,5°C này đã làm nhiễm bẩn những cuộc thảo luận về các hành động làm giảm bớt hậu quả của sự biến đổi thời tiết. Bất chấp tuyên bố của một số nước ở Sharm el-Sheikh, COP27 đã không mang lại xung lượng mới nào để đẩy nhanh việc cắt giảm khí thải.

Khởi động việc giảm phát thải toàn cầu

Nếu có các nguồn tài trợ mới, việc triển khai các nguồn năng lượng phi carbon ở các nước kém phát triển sẽ có khả năng tăng tốc, đặc biệt là ở châu Phi cận Sahara, nơi mà sự đầu tư vào năng lượng tái tạo đã bị đình trệ k từ hai năm qua.

Khi đó kịch bản diễn ra là các nước có thể thực hiện tất cả các cam kết có điều kiện mà họ đã đưa ra. Theo Tổng thư ký COP, điều đó sẽ dẫn đến việc vượt đỉnh điểm phát thải trong thập kỷ này, để kéo giảm mức phát thải vào năm 2030 xuống còn 3% thấp hơn mức phát thải của năm 2019 (trong khi cần phải nhắm tới mục tiêu -43% trong các kịch bản đầy tham vọng nhất).

Các cam kết bổ sung được công bố trong thời gian diễn ra hội nghị, đặc biệt là việc Liên minh châu Âu chuyển mục tiêu từ 55% lên 57%, về cơ bản không làm thay đổi tình hình.

Chìa khóa để đẩy nhanh tốc độ giảm phát thải toàn cầu từ nay đến năm 2030, nằm trong tay các nước mới nổi, vốn có một chút xu hướng né tránh sự chú ý khi thảo luận về việc chia sẻ trách nhiệm giữa phương Bắc và phương Nam. Nhóm các nước này hiện kiểm soát hơn 60% lượng phát thải toàn cầu, nhóm này không còn thuộc nhóm các nước kém phát triển tuy chưa gia nhập câu lạc bộ các nước giàu.

Tuy nhiên, các nước mới nổi này nhìn chung không liên kết các mục tiêu trung hạn với mục tiêu trung hòa carbon mà họ đặt ra trong dài hạn. Ngay khi họ làm điều đó, thì việc làm giảm lượng khí thải toàn cầu sẽ có một bước tiến nhanh hơn nhiều.

Quỹ đạo phát thải vào năm 2030 không phải lúc nào cũng phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon. Biểu đồ: do tác giả cung cấp

Những thách thức hành động về khí mê-tan

Nhân kỷ niệm năm thứ nhất của sáng kiến do Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu cùng đưa ra tại Hội nghị COP Glasgow (2021), nhằm làm giảm ít nhất 30% lượng khí thải mê-tan từ nay đến năm 2030, các tín hiệu vẫn còn mâu thuẫn nhau.

Chương trình vì Môi trường của Liên Hợp Quốc sẽ triển khai một cơ chế phát hiện lượng phát thải mê-tan theo thời gian thực, nhận diện các nguồn phát thải và theo dõi diễn tiến các hành động khắc phục. Cơ chế trên, vốn tập trung ngay từ đầu vào các cơ sở sản xuất năng lượng lớn, cần phải mở rộng ra toàn bộ các hình thức phát thải khác, bao gồm cả phát thải từ sản xuất nông nghiệp. Cùng lúc đó, Hoa Kỳ đã tuyên bố tăng cường việc thực thi các quy định trong nội bộ nước này, đây là một bước đi đúng hướng.

Có một nhu cầu cấp thiết trong hành động đối với khí thải mê-tan. Cơ quan Khí tượng Thế giới cảnh báo về sự tăng tốc chưa từng có của trữ lượng khí mê-tan trong khí quyển vào năm 2020 và năm 2021.

Sự tăng tốc này có thể phát sinh từ một tác động ngược trở lại của khí hậu, với nhiệt độ thời tiết nóng hơn và ẩm hơn, sẽ khuếch đại quá trình lên men kỵ khí ở các vùng ngập nước và các vùng ruộng lúa. Nếu đúng như vậy, thì nguy cơ là việc gia tăng tiếp tục của lượng khí mê-tan sẽ cản trở tác động của việc làm giảm lượng khí thải CO2 và làm trì hoãn triển vọng đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu.

Mong đợi điều gì từ các hội nghị tiếp theo về khí hậu?

Mặc dù COP27 không mang lại những thay đổi triệt để, nhưng nó đã loại bỏ một trở ngại lớn trong việc thúc đẩy hành động khí hậu, bằng cách tháo ngòi các cuộc tranh chấp, tích tụ ngày càng nhiều về vấn đề tài trợ.

Trong hai năm tới, sẽ tiến hành đánh giá kế hoạch năm năm đầu tiên của Thỏa thuận Paris. Đây là một giai đoạn mang tính quyết định cho việc xây dựng một cơ chế giám sát và báo cáo, vốn còn quá nhiều lỗ hổng.

Christian de Perthuis (1954-)

Hội nghị COP tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2024 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nằm cách Sharm el-Sheikh một quãng đường ngắn về phía đông, sẽ là cơ hội tuyệt vời để đánh giá nhịp độ loại bỏ việc sử dụng năng lượng hóa thạch nhằm đạt được quỹ đạo 1,5°C. Một ẩn số lớn ở chân trời này liên quan đến diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine, vốn đã kích hoạt sự đầu tư trong ngắn hạn vào việc khai thác và vận chuyển khí đốt có nguồn gốc từ năng lượng hóa thạch.

Hội nghị COP năm 2025 có thể sẽ diễn ra ở Amazon, theo lời mời của Lula, người vừa đắc cử tổng thống Brazil, người đã thể hiện tham vọng đối với mục tiêu phá rừng bằng 0, trong khi vẫn duy trì nguyên vẹn tiềm năng sản xuất lương thực của đất nước mình. Một hội nghị như thế có thể sẽ giúp dành trọn chương trình nghị sự cho sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp, và liên kết tốt hơn vấn đề khí hậu với vấn đề bảo vệ sự đa dạng sinh học.

Tác giả

Christian de Perthuis, Giáo sư về Kinh tế, nhà sáng lập chức giáo sư về “Kinh tế học Khí hậu”, Đại học Paris Dauphine – PSL

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Solidarité Nord-Sud, financements, débats sur le 1,5°C, méthane: ce qu’il faut retenir de la COP27, The Conversation, ngày 20/11/2022.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF